Ung thư dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Theo thống kê từ GLOBOCAN năm 2020, tỷ lệ mới mắc ung thư dạ dày tại Việt Nam đứng hàng thứ 4 và tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trong tất cả các loại bệnh ung thư. Trong đó, số ca ung thư dạ dày mới được phát hiện trong năm 2020 tại Việt Nam là 17.906 ca nhưng trường hợp tử vong lên đến 14.615 ca. Bên cạnh đó, tính riêng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện đang đứng đầu về tỷ lệ mắc mới cũng như tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày. Điều này cho thấy ung thư dạ dày là gánh nặng bệnh tật ở nước ta.

Điều này cho thấy các triệu chứng ung thư dạ dày thường biểu hiện trong giai đoạn muộn dẫn đến chậm trễ trong chẩn đoán bệnh. Tiên lượng xấu của ung thư dạ dày còn do người bệnh chủ quan, cố gắng chịu đựng khi có triệu chứng tiêu hóa kéo dài mà không đi khám, cũng như do chưa có nhận thức đúng đắn về bệnh ung thư dạ dày.

Ung thư dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Ung thư dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày (tên tiếng Anh: gastric cancer hay stomach cancer) là sự xuất hiện các tế bào ác tính phát triển từ lớp niêm mạc dạ dày. Tế bào ung thư xuất hiện ở các phần khác nhau của dạ dày có thể gây ra các triệu chứng khác nhau và có xu hướng dẫn đến di chứng khác nhau. Tuy nhiên, tế bào ung thư hình thành hầu hết ở phần thân dạ dày hay còn gọi là thân vị.

Bệnh ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý nguy hiểm, khó phát hiện. Triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn sớm thường biểu hiện rất mơ hồ, giống các bệnh lý khác như viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng,… Một số triệu chứng điển hình như đau thượng vị, nóng rát thượng vị, ăn nhanh no,…

Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện ở giai đoạn tiến triển (xâm lấn – di căn) khiến việc điều trị trở nên khó khăn, có nguy cơ cao dẫn đến tử vong.

Ung thư dạ dày là gì? sự xuất hiện các tế bào ác tính
Ung thư dạ dày là sự xuất hiện các tế bào ác tính phát triển từ lớp niêm mạc dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm).

Các giai đoạn ung thư dạ dày

Các giai đoạn ung thư dạ dày được phận loại dựa theo 3 tiêu chí: phạm vi (kích thước) khối u (Tumor – T), sự lây lan của tế bào ung thư đến các hạch bạch huyết gần đó (Node – N) và sự di căn đến các bộ phận xa trong cơ thể (Metastasis – M). Vì vậy, theo hệ thống phân loại ung thư TNM, ung thư dạ dày được chia thành 5 giai đoạn: giai đoạn 0, 1, 2, 3, 4.

Các giai đoạn ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày tiến triển qua 5 giai đoạn theo mức độ nguy hiểm nghiêm trọng tăng dần (Ảnh minh họa sưu tầm).

Ung thư dạ dày giai đoạn 0

Ung thư dạ dày giai đoạn 0 còn gọi là ung thư dạ dày giai đoạn đầu hoặc giai đoạn sớm. Lúc này các tế bào ung thư mới nằm ở lớp niêm mạc dạ dày, kích thước khối u rất bé, cấu trúc dạ dày vẫn chưa bị thay đổi và chưa có tình trạng di căn.

Vì mức độ xâm lấn của tế bào ung thư không vượt quá lớp dưới niêm mạc dạ dày nên chỉ khi thực hiện nội soi hoặc tầm soát ung thư mới có thể phát hiện bệnh lý ở giai đoạn này. Đối với ung thư dạ dày giai đoạn sớm, nếu khối u chỉ giới hạn ở niêm mạc hoặc dưới niêm mạc, tỷ lệ sống sót sau 5 năm có thể lên đến 80%.

Ung thư dạ dày giai đoạn 1

Đối với ung thư dạ dày giai đoạn 1, các tế bào ung thư đã xâm lấn qua lớp niêm mạc dạ dày nhưng chưa có dấu hiệu di căn đến các bộ phận xa của cơ thể. Ung thư dạ dày giai đoạn 1 được chia thành giai đoạn 1A và giai đoạn 1B.

Giai đoạn 1A

Ở giai đoạn 1A, ung thư dạ dày mới xuất hiện và chưa xâm lấn vào lớp cơ của thành dạ dày, hạch bạch huyết và các cơ quan khác trong cơ thể. Tiên lượng sống sau 5 năm với ung thư dạ dày giai đoạn 1A là 71%.

Giai đoạn 1B

Ở giai đoạn 1B, tế bào ung thư đã lan đến một hoặc hai hạch bạch huyết lân cận hoặc lan vào lớp cơ của thành dạ dày. Tiên lượng sống sau 5 năm đối với ung thư dạ dày giai đoạn 1B là 57%.

Ung thư dạ dày giai đoạn 0 và giai đoạn 1 thường không có biểu hiện triệu chứng hoặc biểu hiện triệu chứng không điển hình, rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở dạ dày. Chính vì vậy, người bệnh rất khó để phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm thông qua những thăm khám thông thường. Tầm soát ung thư tiêu hóa là giải pháp hiệu quả nhằm phát hiện sớm ung thư dạ dày ngay cả khi bệnh ung thư này chưa biểu hiện triệu chứng.

Ung thư dạ dày giai đoạn 2

Ung thư dạ dày giai đoạn 2 là giai đoạn mà tế bào ung thư đã xâm lấn qua lớp cơ , đã có sự di căn đến các hạch bạch huyết lân cận và các triệu chứng lâm sàng bắt đầu xuất hiện, dễ dàng nhận biết hơn giai đoạn đầu.

Ung thư dạ dày giai đoạn 2 được chia thành giai đoạn 2A và giai đoạn 2B:

Giai đoạn 2A

Ung thư dạ dày được chẩn đoán ở giai đoạn 2A khi thỏa mãn 1 trong 3 điều kiện sau:

  • Tế bào ung thư đã lan từ 3 đến 6 hạch bạch huyết lân cận.
  • Tế bào ung thư lan đến lớp cơ của thành dạ dày từ 1 đến 2 hạch bạch huyết lân cận.
  • Tế bào ung thư chưa lan đến hạch bạch huyết nhưng đã vượt qua lớp cơ của thành dạ dày và đến lớp dưới thanh mạc.

Tiên lượng sống sau 5 năm đối với ung thư dạ dày giai đoạn 2A là 46%.

Giai đoạn 2B

Ung thư dạ dày được chẩn đoán ở giai đoạn 2B khi thỏa mãn 1 trong 4 điều kiện sau:

  • Tế bào ung thư đã lan đến 7 hoặc nhiều hơn các hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa lan đến lớp cơ của thành dạ dày.
  • Tế bào ung thư đã lan đến lớp cơ của thành dạ dày và lan ra từ 3 – 6 hạch bạch huyết lân cận.
  • Ung thư đã vượt qua lớp cơ và lan đến lớp dưới thanh mạc, đồng thời ung thư cũng lan đến 1 – 2 hạch bạch huyết lân cận.
  • Ung thư đã lan vào thanh mạc (lớp bao phủ bên ngoài dạ dày) nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận.

Tiên lượng sống sau 5 năm đối với ung thư dạ dày giai đoạn 2B là 33%.

biểu hiện ung thư dạ dày
Tiên lượng sống còn sau 5 năm sẽ giảm dần theo từng giai đoạn ung thư dạ dày.

Ung thư dạ dày giai đoạn 3

Ung thư dạ dày giai đoạn 3 là giai đoạn mà tế bào đột biến lan ra hạch bạch huyết và các cơ quan ở xa. Một số trường hợp nặng hơn thì ngay cả các cơ quan lân cận như gan, phổi, đại tràng cũng đã bị xâm lấn.

Giai đoạn 3 cũng được đánh giá là giai đoạn bệnh tiến triển phức tạp, có nhiều diễn biến nghiêm trọng và mức độ nguy hiểm cao hơn rất nhiều lần so với giai đoạn 2.

Ung thư dạ dày giai đoạn 3 được chia thành giai đoạn 3A, giai đoạn 3B và giai đoạn 3C.

Giai đoạn 3A

Ung thư dạ dày được chẩn đoán ở giai đoạn 3A khi thỏa mãn 1 trong 3 điều kiện sau:

  • Tế bào ung thư lan đến lớp cơ của thành dạ dày và 7 hạch bạch huyết lân cận hoặc hơn.
  • Tế bào ung thư lan đến lớp dưới thanh mạc và lan ra từ 3 – 6 hạch bạch huyết lân cận.
  • Tế bào ung thư lan đến thanh mạc và 1 hoặc 2 hạch bạch huyết lân cận.

Tiên lượng sống sau 5 năm đối với ung thư dạ dày giai đoạn 3A là 20%.

Giai đoạn 3B

Ung thư dạ dày được chẩn đoán ở giai đoạn 3B khi thỏa mãn 1 trong 3 điều kiện sau:

  • Tế bào ung thư đã lan đến 7 hoặc nhiều hơn các hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa lan đến thanh mạc.
  • Tế bào ung thư lan đến thanh mạc và lan ra từ 3 – 6 hạch bạch huyết lân cận.
  • Tế bào ung thư vượt qua thanh mạc và lan đến các cơ quan lân cận như lá lách, ruột non, gan, tuyến tụy hoặc các mạch máu lớn, có thể xuất hiện ở 1 – 6 hạch bạch huyết lân cận.

Tiên lượng sống sau 5 năm đối với ung thư dạ dày giai đoạn 3B là 14%.

Giai đoạn 3C

Ung thư dạ dày được chẩn đoán ở giai đoạn 3C khi thỏa mãn 1 trong 3 điều kiện sau:

  • Tế bào ung thư đã lan đến 16 hoặc nhiều hơn các hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa lan đến thanh mạc.
  • Tế bào ung thư lan đến thanh mạc và lan rộng đến 16 hoặc nhiều hơn các hạch bạch huyết lân cận.
  • Tế bào ung thư vượt qua thanh mạc và lan đến các cơ quan lân cận như lá lách, ruột non, gan, tuyến tụy hoặc các mạch máu lớn, có thể xuất hiện nhiều hơn 7 hạch bạch huyết lân cận.

Tiên lượng sống sau 5 năm đối với ung thư dạ dày giai đoạn 3C là 9%.

Ung thư dạ dày giai đoạn 4

Ung thư dạ dày giai đoạn 4 còn được gọi là ung thư dạ dày giai đoạn cuối hay ung thư dạ dày di căn, khi các tế bào ung thư đã lan sang các hạch bạch huyết, mô và di căn sang các cơ quan xa dạ dày hơn như phổi, não, phúc mạc (lớp màng bao bọc các cơ quan trong ổ bụng và hố chậu) và xương.

Ung thư dạ dày giai đoạn 4 có mức độ nguy hiểm cao nhất, cơ hội sống sót thấp, tiên lượng sống sau 5 năm chỉ còn 4%.

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân ung thư dạ dày

Hiện nay, nguyên nhân ung thư dạ dày vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra được một số yếu tố nguy cơ khiến tế bào đột biến và phát triển trong dạ dày. Cụ thể như sau:

Nhiễm khuẩn Hp

Vi khuẩn Helicobacter pylori hay H. pylori (gọi tắt là vi khuẩn Hp) là một loại xoắn khuẩn, gram âm, xâm nhập và phát triển trong môi trường axit dạ dày. Vi khuẩn Hp lây nhiễm qua đường miệng (khi dùng chung dụng cụ ăn, gắp thức ăn cho nhau), qua đường phân – miệng (do ăn uống không vệ sinh) hoặc qua đường dạ dày – miệng (vi khuẩn Hp bám vào các dụng cụ nội soi và lây nhiễm chéo).

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân nhiễm khuẩn Hp gây ung thư dạ dày. Tuy nhiên, có một số độc lực của Hp được biết đến là làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, ví dụ như CagA và VacA. Ngoài ra, quá trình nhiễm khuẩn Hp có thể thúc đẩy tình trạng viêm ở niêm mạc dạ dày, và lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Ngoài ra, có đến 90% trường hợp ung thư dạ dày được phát hiện có liên quan đến tình trạng nhiễm khuẩn Hp. Do đó, theo khuyến cáo, trong quá trình điều trị bệnh lý ở dạ dày, nếu có phát hiện có nhiễm khuẩn Hp thì cần được diệt trừ.

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân ung thư dạ dày, nhiêm khẩn Hp là nguyên nhân chính
Nhiễm vi khuẩn Hp là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Tham khảo thêm >> Triệu chứng nhiễm vi khuẩn Hp trong dạ dày

Polyp dạ dày

Polyp dạ dày là tình trạng tế bào biểu mô dạ dày phát triển một cách bất thường, và có thể có nhiều hình dạng khác nhau. Các loại polyp dạ dày phổ biến như: polyp tăng sản, polyp tuyến, polyp u tuyến. Đa số các polyp dạ dày đều lành tính, nhưng theo thời gian một số polyp đột biến và có nguy cơ phát triển thành ung thư dạ dày như polyp tuyến, polyp u tuyến.

Chế độ ăn uống không lành mạnh

Chế độ ăn uống không lành mạnh có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày, bao gồm:

  • Ăn nhiều muối
  • Ăn nhiều carbohydrate (tinh bột)
  • Sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều chất bảo quản hay nitrat (thường có trong thực phẩm hun khói)
  • Thức ăn được ướp muối hoặc ngâm chua
  • Thức ăn bị nấm mốc
  • Ăn ít trái cây hoặc rau xanh

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy, người uống từ 3 đơn vị rượu trở lên mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người khác. Theo đó, mỗi đơn vị rượu bằng 14g rượu nguyên chất.

Lối sống không khoa học

Hút thuốc lá thường xuyên, ăn đêm, thức khuya,.. là những thói quen có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Trong đó, tỷ lệ ung thư dạ dày tăng gấp đôi ở những người hút thuốc. Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ gây ung thư ở vòm họng, thực quản, đại tràng, trực tràng, gan, tụy, thận,…

Với thói quen ăn đêm và thức khuya, có thể khiến dạ dày dễ bị tổn thương do tiết dịch vị nhiều hơn bình thường, gây ra các tình trạng viêm và loét, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày.

Các yếu tố nguy cơ khác

Ngoài những tác nhân như nhiễm khuẩn Hp, lối sống không khoa học, ăn uống không lành mạnh,… một vài yếu tố khác cũng có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày.

Một số yếu tố nguy cơ có thể gây ung thư dạ dày, bao gồm:

  • Béo phì: Người mắc bệnh thừa cân, béo phì thường dễ mắc bệnh.
  • Môi trường làm việc: Công nhân làm việc trong các ngành công nghiệp như than đá, kim loại, gỗ hoặc cao su.
  • Chế độ ăn: Ăn nhiều muối và thức ăn chế biến sẵn như sấy khô, hun khói, ướp muối hoặc ngâm chua, thức ăn bị nấm mốc.
  • Thuốc lá và rượu bia: Sử dụng thuốc lá và uống nhiều rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
  • Chủng tộc: Ung thư dạ dày phổ biến ở người da đen, Tây Ban Nha và Châu Á hơn người da trắng.
  • Độ tuổi: Nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo tuổi và phổ biến nhất ở những người trên 55 tuổi. Hầu hết những bệnh nhân được chẩn đoán đều ở độ tuổi từ 55-84.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao gấp đôi nữ giới.
  • Vi khuẩn: Nhiễm vi khuẩn Hp gây ra các tổn thương tiền ung thư bao gồm phản ứng viêm ở niêm mạc dạ dày, viêm trợt dạ dày có thể dẫn đến viêm dạ dày mạn tính, tiến triển đến viêm teo dạ dày, chuyển sản ruột, nghịch sản và cuối cùng là ung thư.
  • Tiền sử bệnh lý dạ dày: Những người đã phẫu thuật dạ dày, thiếu máu ác tính hoặc tình trạng vô toan dạ dày có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày.
  • Các hội chứng ung thư di truyền gia đình: Gia đình có tiền sử mắc ung thư dạ dày thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đột biến gene chuyên biệt như: ung thư dạ dày lan tỏa di truyền, hội chứng Lynch, ung thư vú và buồng trứng di truyền (HBOC) và bệnh đa polyp tuyến gia đình (FAP) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Polyp dạ dày: Có polyp dạ dày, nhất là polyp lớn làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Rượu bia, một trong số những yếu tố nguy cơ có thể gây ung thư dạ dày
Hút thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm).

Sinh lý bệnh ung thư dạ dày

Ung thư biểu mô tuyến dạ dày chiếm 95% khối u ác tính ở dạ dày và được phân loại như sau:

  • Dạng chồi sùi: Khối u dạng polypoid hoặc nấm.
  • Dạng loét: Khối u bị loét.
  • Thâm nhiễm bề mặt: Khối u lan ra dọc theo niêm mạc hoặc thâm nhiễm  bên trong thành dạ dày.
  • Thể xơ cứng: Khối u xâm nhập vào thành dạ dày, lúc này dạ dày có dạng như cái chai/lọ, chứa nhiều dịch nhày, dịch keo.
  • Thể hỗn hợp: Khối u có trên 2 đặc điểm trên. Đây là loại phổ biến nhất của ung thư biểu mô tuyến dạ dày.
sinh lý bệnh ung thư dạ dày
Ung thư biểu mô tuyến dạ dày có vết loét trong nếp gấp niêm mạc phù nề. Nguồn sưu tầm: MSD Manuals.

Tiên lượng sẽ tốt hơn với các khối u thể chồi sùi so với các khối u thể thâm nhiễm vì các khối u thể chồi sùi có triệu chứng sớm hơn.

Triệu chứng và dấu hiệu ung thư dạ dày

Dấu hiệu ung thư dạ dày giai đoạn sớm thường ít có biểu hiện cụ thể hoặc người bệnh khó có thể nhận biết. Trong giai đoạn 0 và 1, các biểu hiện ung thư dạ dày tương đối giống với các bệnh lý tiêu hóa khác. Người bệnh thường sẽ chủ quan và xem nhẹ các triệu chứng, cố gắng vượt qua, tự mua thuốc điều trị mà không đến các trung tâm y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Các triệu chứng ung thư dạ dày thường gặp

Ung thư dạ dày giai đoạn đầu thường không có biểu hiện triệu chứng đặc hiệu. Các triệu chứng điển hình thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn ung thư tiến triển. Các dấu hiệu và triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển có thể bao gồm:

Tuy nhiên, chỉ bị khó tiêu hoặc ợ chua sau bữa ăn không đủ để chẩn đoán là ung thư vì có thể là biểu hiện của bệnh lý tiêu hóa lành tính như viêm loét dạ dày – tá tràng, khó tiêu chức năng,… Vì vậy, người bệnh cần được thăm khám cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác bệnh lý.

triệu chứng của ung thư dạ dày gồm: chán ăn, ợ nóng, ăn nhanh no,...
Các triệu chứng ung thư dạ dày trong giai đoạn tiến triển bao gồm chán ăn, ăn nhanh no, ợ nóng, đầy bụng,…

Dấu hiệu bệnh ung thư dạ dày giai đoạn muộn

Đối với giai đoạn muộn, các triệu chứng và dấu hiệu ung thư dạ dày thường sẽ trở nên nghiêm trọng và nguy hiểm hơn như:

sụt cân cũng là triệu chứng của ung thư dạ dày
Sụt cân không rõ nguyên nhân là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm).

Ung thư dạ dày có chữa khỏi được không?

Tiên lượng sống còn của ung thư dạ dày phụ thuộc vào giai đoạn bệnh được phát hiện. Ở giai đoạn trễ, tỉ lệ sống còn sau 5 năm và 10 năm của ung thư dạ dày lần lượt là 7% và 5%. Khi tế bào ung thư di căn lan rộng sang những bộ phận khác trong cơ thể như gan, phổi, phúc mạc,… phần lớn các trường hợp đều gây nguy hiểm đến tính mạng và tử vong trong vòng 1 năm, ngoại trừ u lympho dạ dày sẽ có tiên lượng tốt hơn.

Tuy nhiên, nếu ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỉ lệ sống còn 5 năm là trên 95%, tỉ lệ sống còn 15 năm đạt tới 94%. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của việc tầm soát phát hiện sớm ung thư dạ dày.

> Tìm hiểu thêm: Bệnh ung thư dạ dày có chữa được không?

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Mặc dù các triệu chứng trên là biểu hiện ung thư dạ dày, tuy nhiên không thể chắc chắn rằng Cô Bác, Anh Chị đang bị bệnh ung thư dạ dày nếu cơ thể xuất hiện những dấu hiệu trên. Một số bệnh lý hệ tiêu hóa có thể gây ra các triệu chứng tương tự như viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, nhiễm vi khuẩn Hp,…

Khi cơ thể xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ, Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tầm soát ung thư tiêu hóa, giúp Cô Bác, Anh Chị nắm bắt chính xác tình trạng sức khỏe, đặc biệt là phát hiện sớm ung thư dạ dày.

Bên cạnh đó, nếu các dấu hiệu trên kéo dài và không thuyên giảm, người bệnh nên đến bệnh viện, phòng khám uy tín để thăm khám dạ dày. Bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng và cận lâm sàng nhằm chẩn đoán chính xác các bệnh lý về tiêu hóa. Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm giúp tăng hiệu quả điều trị, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Phương pháp chẩn đoán ung thư dạ dày

Để chẩn đoán ung thư dạ dày chính xác, bác sĩ sẽ kết hợp khám sức khỏe tổng quát, khám lâm sàng và kết quả tầm soát ung thư tiêu hóa trước đó (nếu có). Sau khi có kết quả ung thư dạ dày, Cô Bác, Anh Chị có thể thực hiện thêm một hoặc nhiều cận lâm sàng chẩn đoán như: xét nghiệm, nội soi tiêu hóa, chẩn đoán hình ảnh.

Sau khi có kết quả chẩn đoán, hồ sơ bệnh án ung thư dạ dày của người bệnh sẽ được chuyển cho bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để thực hiện các kiểm tra sâu hơn và tìm ra phác đồ điều trị phù hợp với giai đoạn bệnh.

Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về tình trạng bệnh cũng như bệnh sử của bản thân và người thân để định hướng chẩn đoán ung thư dạ dày. Bác sĩ sẽ yêu cầu Cô Bác, Anh Chị làm thêm các xét nghiệm khác để xác định bệnh lý chính xác.

Khám lâm sàng không thể phát hiện biến đổi ác tính của polyp nên bác sĩ sẽ tiến hành cắt polyp nếu phát hiện trong quá trình nội soi.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Trong khám cận lâm sàng, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm ung thư dạ dày, chẩn đoán hình ảnh, nội soi tiêu hóa để xác định chính xác tình trạng bệnh lý và vị trí tổn thương.

Xét nghiệm ung thư dạ dày

Thông qua một số xét nghiệm ung thư dạ dày, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác và phát hiện sớm các dấu hiệu gây bệnh. Ngoài ra, xét nghiệm máu cũng có thể tìm ra các bệnh lý tiêu hóa khác. Một số xét nghiệm Cô Bác, Anh Chị cần thực hiện bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu cơ bản bao gồm tổng phân tích máu ngoại vi, điện giải đồ và các xét nghiệm chức năng gan, nên được thực hiện để đánh giá thiếu máu, hydrat hóa, tình trạng chung và di căn gan có thể xảy ra.
  • Xét nghiệm định lượng pepsinogen huyết thanh: Kết quả định lượng pepsinogen gợi ý nguy cơ ung thư dạ dày nhưng vẫn cần được thực hiện nội soi ống tiêu hóa trên để xác định chẩn đoán.
  • Xét nghiệm dấu ấn ung thư (tumor marker) CEA, CA72.4: Xét nghiệm dấu ấn ung thư dạ dày quan trọng giúp bác sĩ định hướng chẩn đoán cũng như đánh giá hiệu quả điều trị hoặc tình trạng tái phát của bệnh lý.

Nội soi ống tiêu hóa

Nội soi ống tiêu hóa trên hay nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng cho thấy tỉ lệ phát hiện ung thư dạ dày cao hơn 2,7 – 4,6 lần so với chụp X-quang dạ dày cản quang. Bác sĩ sẽ chỉ định nội soi dạ dày và xem xét chỉ định sinh thiết làm giải phẫu bệnh, nhằm mục đích xác định nguyên nhân của các triệu chứng, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về dạ dày.

nội soi giúp chẩn đoán ung thư dạ dày sớm
Nội soi dạ dày là phương pháp chính xác trong chẩn đoán ung thư dạ dày sớm. (Ảnh minh họa sưu tầm).

Tuy nhiên, ống tiêu hóa là cơ quan khó quan sát và chẩn đoán bệnh do có nhiều nếp gấp niêm mạc. Vì vậy, phụ thuộc vào các triệu chứng lâm sàng và nguy cơ ung thư hóa, bác sĩ sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện nội soi tiêu hóa hay nội soi dạ dày để có cái nhìn tổng quan về tình trạng bệnh lý ống tiêu hóa.

Chẩn đoán hình ảnh

  • Chụp X-quang dạ dày cản quang: Kỹ thuật này sử dụng chất tương phản bari để phủ lên niêm mạc dạ dày, cho phép gián tiếp đánh giá các bất thường của niêm mạc dạ dày.
  • Chụp CT: Bệnh nhân được xác định ung thư dạ dày cần chụp CT ngực và bụng để xác định các tổn thương di căn.
  • Siêu âm nội soi (EUS): Siêu âm nội soi để xác định độ sâu của khối u và sự liên quan của hạch bạch huyết khu vực, qua đó giúp hướng dẫn điều trị và xác định tiên lượng bệnh.

Theo dõi và kiểm tra tái phát ở bệnh nhân được điều trị bao gồm nội soi ung thư dạ dày, chụp CT ngực, bụng và khung chậu. Nếu mức CEA hạ xuống sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được tiếp tục theo dõi các chỉ số ung thư dạ dày bao gồm đánh giá nồng độ CEA, khi tăng lên nghĩa là có sự tái phát tế bào ung thư.

Phương pháp điều trị ung thư dạ dày

Phương pháp điều trị ung thư dạ dày sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh được phát hiện. Các phương pháp điều trị bao gồm nội soi can thiệp, phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc bác sĩ sẽ chỉ định hóa xạ trị kết hợp với phẫu thuật.

Phương pháp điều trị ung thư dạ dày
Điều trị ung thư dạ dày sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh được phát hiện, các phương pháp điều trị bao gồm nội soi can thiệp, phẫu thuật, hóa trị, xạ trị.

Phương pháp chữa ung thư dạ dày giai đoạn 0

Phương pháp điều trị thường là can thiệp cắt hớt niêm mạc qua nội soi (EMR), cắt dưới niêm (ESD) hoặc phẫu thuật có thể chữa ung thư dạ dày khỏi hoàn toàn. Đối với kỹ thuật EMR hay ESD, bác sĩ có thể được thực hiện qua nội soi, hạn chế xâm lấn, giúp bảo tồn toàn bộ dạ dày cho bệnh nhân. Trong trường hợp cần phẫu thuật, bác sĩ có thể cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày và các hạch bạch huyết gần dạ dày.

Phương pháp chữa ung thư dạ dày giai đoạn 1, 2

Tương tự giai đoạn 0, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày và các hạch bạch huyết lân cận. Thêm vào đó, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện hóa trị hoặc hóa xạ trị trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u, sau đó sẽ thực hiện phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn khối u còn sót lại. Chemoradiation là liệu pháp hóa trị kết hợp với xạ trị ung thư dạ dày, tiêu diệt các tế bào ung thư bằng các chùm tia năng lượng cao. Ở giai đoạn 1 và 2, ung thư vẫn có thể được điều trị triệt để.

Phương pháp chữa ung thư dạ dày giai đoạn 3

Bệnh nhân thường phải phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ dạ dày kết hợp với hóa trị hoặc xạ trị. Ở giai đoạn này, vẫn có khả năng điều trị khỏi ung thư hoặc làm giảm các triệu chứng để cải thiện chất lượng sống. Phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ quyết định người bệnh có thể được hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật ung thư dạ dày.

Phương pháp chữa ung thư dạ dày giai đoạn 4

Ung thư dạ dày giai đoạn này rất khó để điều trị, bác sĩ có thể giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách làm giảm các triệu chứng. Nếu khối u làm hẹp một phần của ống tiêu hóa trên gây triệu chứng bán tắc ruột, bác sĩ có thể:

  • Ứng dụng thủ thuật phá hủy một phần khối u bằng tia laser trên ống nội soi.
  • Đặt một ống kim loại mỏng được gọi là đặt stent để tránh tắc môn vị. Bác sĩ có thể đặt stent giữa dạ dày và thực quản hoặc giữa dạ dày và ruột non.
  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn phần dạ dày hay phẫu thuật nối dạ dày với ruột non để tránh tắc môn vị.
Phương pháp điều trị ung thư dạ dày - phẫu thuật cắt dạ dày điều trị ung thư
Hình minh họa so sánh phẫu thuật cắt bỏ một phần và toàn phần dạ dày điều trị ung thư. (Ảnh minh họa sưu tầm).

Cách phòng tránh ung thư dạ dày

Để phòng ngừa ung thư dạ dày, Cô Bác, Anh Chị cần thay đổi thói quen sinh hoạt, xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế các loại thức ăn gây hại cho dạ dày và duy trì cân nặng hợp lí. Sau đây là một số lời khuyên giúp Cô Bác, Anh Chị phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày:

Duy trì cân nặng hợp lý

Cô Bác, Anh Chị đang trong trạng thái thừa cân, béo phì nên đặt mục tiêu và lên kế hoạch giảm cân. Cố gắng duy trì các hoạt động giảm cân, thực hiện từ từ và ổn định, không nên giảm cân đột ngột.

Rèn luyện sức khỏe

Đối với người bình thường, nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe, tập thể dục không chỉ mang lại sức khỏe mà còn tốt cho hệ tiêu hóa, hỗ trợ nhu động ruột.

Ăn uống khoa học và hợp lí

  • Cô Bác, Anh Chị nên tăng cường sử dụng các loại trái cây và rau củ quả chứa nhiều chất xơ, nhiều màu sắc và có hàm lượng vitamin cao.
  • Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, thịt hun khói, thức ăn mặn.
  • Ăn uống đúng giờ, đúng bữa, không ăn quá no và nằm sau khi ăn.

Ngừng hút thuốc lá

Một nghiên cứu cho thấy 22% bệnh nhân ung thư dạ dày tại Anh Quốc có liên quan đến thói quen thuốc hút lá. Đối với những người có thói quen hút thuốc, nên cai thuốc càng sớm càng tốt để phòng ngừa ung thư dạ dày và các bệnh lý nguy hiểm khác.

Tầm soát ung thư dạ dày định kỳ

Nếu gia đình có người mắc bệnh ung thư hoặc các bệnh lý về tiêu hóa, Cô Bác, Anh Chị nên thực hiện tầm soát ung thư tiêu hóa để phát hiện ra các dấu hiệu ung thư giai đoạn sớm.

Endo Clinic – Trung tâm Nội soi & Chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa uy tín tại Việt Nam

Endo Clinic là trung tâm hiếm hoi chuyên sâu về Chẩn đoán và Điều trị bệnh lý tiêu hóa, trong đó có tầm soát ung thư thực quản – dạ dày – tá tràng.

Trung tâm nội soi tiêu hóa Endo Clinic tự hào với đội ngũ y Bác sĩ có chuyên môn giỏi và nhiều năm kinh nghiệm, đến từ các bệnh viện uy tín trong nước. Đặc biệt, trung tâm còn đầu tư máy móc tiên tiến và áp dụng kỹ thuật nội soi hiện đại, chế độ nhuộm ảo, camera có độ phóng đại 100 – 135 lần, màn hình 4K sắc nét giúp Bác sĩ phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư ở dạ dày. Đồng thời, Endo Clinic còn kết hợp phương pháp Nội Soi Không Đau (Nội Soi Tiền Mê) vừa giúp Khách hàng cảm thấy thoải mái và giảm căng thẳng, đồng thời hỗ trợ tăng tỷ lệ tầm soát ung thư chính xác lên đến 95 – 99%.

Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa Endo Clinic
Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa Endo Clinic

Cô Bác, Anh Chị nên chủ động quan tâm sức khỏe và tầm soát ung thư càng sớm càng tốt. Gọi Hotline 0939 01 01 01 để đặt lịch khám ngay cùng trung tâm nội soi dạ dày tại TPHCM Endo Clinic nhé!

> Tìm hiểu thêm: Gói tầm soát ung thư toàn diện gồm những gì?

Những điều cần lưu ý về ung thư dạ dày

  • Tỉ lệ tử vong do ung thư dạ dày/tỉ lệ người mắc phải là hơn 80% cho thấy phần lớn ung thư dạ dày tại Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn trễ.
  • Ung thư dạ dày giai đoạn sớm thường không có biểu hiện triệu chứng hoặc dấu hiệu nhận biết cụ thể, thường bị nhầm lẫn với bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.
  • 90% các trường hợp ung thư dạ dày được phát hiện có liên quan đến nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp).
  • Chẩn đoán bằng nội soi dạ dày, tiếp theo là chụp CT và xem xét siêu âm nội soi nếu cần để phân loại giai đoạn bệnh.
  • Tiên lượng sống còn của ung thư dạ dày phụ thuộc vào giai đoạn bệnh được phát hiện.
  • Phác đồ điều trị ung thư dạ dày chủ yếu là phẫu thuật loại bỏ, có thể kết hợp hóa trị và xạ trị. Ung thư dạ dày giai đoạn sớm có thể được điều trị triệt để qua nội soi dạ dày mà không cần can thiệp phẫu thuật.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt để giảm nguy cơ phát triển bệnh ở người có nguy cơ cao, bên cạnh đó tầm soát ung thư dạ dày định kỳ là cần thiết.

Câu hỏi thường gặp

Dấu hiệu nhận biết ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu là gì?

Ung thư dạ dày giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu rõ ràng. Các triệu chứng điển hình thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn ung thư tiến triển như: ăn uống khó tiêu, đầy bụng và nhanh no, ợ nóng, buồn nôn, chán ăn… Tuy nhiên, đây cũng có thể là triệu chứng của các bệnh lý tiêu hóa khác. Do đó Cô Bác, Anh Chị nên thăm khám càng sớm càng tốt để chẩn đoán chính xác bệnh lý.

Người bệnh ung thư dạ dày sống được bao lâu?

Tiên lượng sống của ung thư dạ dày phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Nếu bệnh được phát hiện sớm thì tỷ lệ sống thêm 15 năm đạt đến 94%. Vì vậy Cô Bác, Anh Chị nên tầm soát ung thư dạ dày định kỳ theo khuyến cáo, hoặc ngay khi nhận thấy dấu hiệu bất thường thì nên đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm về sau.

Cần làm gì để phát hiện sớm ung thư dạ dày?

Ung thư dạ dày giai đoạn sớm rất khó phát hiện thông qua những thăm khám thông thường. Tầm soát ung thư tiêu hóa, bao gồm nội soi tiêu hóa, là giải pháp hiệu quả nhằm phát hiện sớm ung thư dạ dày ngay cả khi bệnh ung thư này chưa biểu hiện triệu chứng.

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Bernstein, Susan. Stomach Cancer. Biên tập bởi MD Carmelita Swiner. 27 01 2020. https://www.webmd.com/cancer/stomach-gastric-cancer (đã truy cập 07 26, 2021).
  3. Cancer.Net Editorial Board. Stomach Cancer. 10 2020.https://www.cancer.net/cancer-types/stomach-cancer/ (đã truy cập 07 26, 2021).
  4. Livstone, Elliot M. Ung thư dạ dày. 10 2017. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/các-khối-u-đường-tiêu-hóa/ung-thư-dạ-dày (đã truy cập 07 26, 2021).
  5. Mayo Clinic Staff. Stomach cancer. 27 04 2021. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stomach-cancer/symptoms-causes/syc-20352438 (đã truy cập 07 26, 2021).
  6. The American Cancer Society medical and editorial content team. Key Statistics About Stomach Cancer. 22 01 2021. https://www.cancer.org/cancer/stomach-cancer/about/key-statistics.html (đã truy cập 07 26, 2021).
  7. Carcinogenicity of consumption of red and processed meat. 12 2015. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26514947/ (đã truy cập 07 26, 2021).
  8. American Cancer Society, Stomach Cancer Risk Factors, 01 22, 2021 https://www.cancer.org/cancer/stomach-cancer/causes-risks-prevention/risk-factors.html (04 10,2023).
  9. 9Cancer Research UK, Risks and causes of stomach cancer, 08 31, 2022 https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/stomach-cancer/causes-risks (đã truy cập 04 10, 2023).
  10. Mayo Clinic Staff. Stomach polyps. 18 10 2022 https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stomach-polyps/symptoms-causes/syc-20377992 (đã truy cập 30.05.2023)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?

Chia sẻ nội dung: