Hội chứng ruột kích thích: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một dạng rối loạn chức năng thường gặp ở hệ tiêu hóa, bệnh có các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, táo bón,… với tần suất mắc bệnh từ 5 – 20% dân số.

Hội chứng ruột kích thích là một dạng rối loạn chức năng thường gặp ở hệ tiêu hóa, bệnh có các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, táo bón,… với tần suất mắc bệnh từ 5 – 20% dân số. Tuy rằng hội chứng này không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Hiện nay không có cách chữa trị bệnh dứt điểm, nhưng người bệnh vẫn có thể kiểm soát các triệu chứng bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và sử dụng thuốc. Cùng tìm hiểu chi tiết về hội chứng ruột kích thích trong bài viết dưới đây!

Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích (tên tiếng Anh: Irritable Bowel Syndrome – IBS) được định nghĩa là hiện tượng xuất hiện các cơn đau bụng hoặc thay đổi thói quen đi tiêu mà không bắt nguồn từ các tổn thương (viêm, loét) và không có rối loạn cấu trúc hay sinh hóa ở ruột. Các triệu chứng bao gồm: đau quặn bụng, đầy hơi và tiêu chảy hoặc táo bón hoặc cả hai.

Hội chứng ruột kích thích là một bệnh lý mạn tính cần được thăm khám định kỳ, để theo dõi, kiểm tra và điều trị các triệu chứng lâu dài.

Hội chứng ruột kích thích là gì, gây ảnh hưởng như thế nào đến đường ruột.
Hội chứng ruột kích thích có thể gây tổn thương đường ruột và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Phân loại hội chứng ruột kích thích

Hình dạng và tính chất phân khi đi ngoài có thể nói lên nhiều điều về tình hình sức khỏe hệ tiêu hóa. Hiện nay, bác sĩ thường đánh giá tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy của người bệnh dựa trên các mức độ phân được chia theo thang điểm Bristol.

Thang điểm Bristol là một công cụ hữu dụng trong lâm sàng và nghiên cứu. Không chỉ vậy, bất cứ ai cũng có thể sử dụng thang điểm Bristol để tự theo dõi tình hình đi ngoài của bản thân, từ đó có thể điều chỉnh thói quen lối sống hoặc đi khám bác sĩ khi nghi ngờ có dấu hiệu bất thường.

7 mức độ phân được phân loại dựa trên thang điểm Bristol là:

  • Độ 1: Phân cứng, từng cục rời rạc, rất khó ra.
  • Độ 2: Phân có dạng xúc xích, lợn cợn, các cục dính vào nhau.
  • Độ 3: Phân có dạng xúc xích, nứt nẻ, xuất hiện nhiều đường rạn trên bề mặt.
  • Độ 4: Phân có dạng xúc xích hoặc giống con rắn, trơn tru, mềm.
  • Độ 5: Phân mềm, rời thành từng mảnh, rất dễ đại tiện.
  • Độ 6: Phân lổn nhổn, mềm, xốp, có nhiều hình thù khác nhau.
  • Độ 7: Phân lỏng hoàn toàn, chỉ có nước.
phân loại hội chứng ruột kích thích dựa trên thang điểm Bristol
Bảng phân loại các mức độ phân dựa trên thang điểm Bristol

Thang điểm Bristol cũng được bác sĩ áp dụng để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích. Theo đó, hội chứng ruột kích thích được chia thành 4 phân nhóm dựa trên tần suất mà mức độ phân theo thang điểm Bristol thường xuất hiện khi người bệnh đi ngoài.

4 phân nhóm trong hội chứng ruột kích thích bao gồm:

  • Hội chứng ruột kích thích thể táo bón (IBS-C): là tình trạng người bệnh thường xuyên gặp tình trạng táo bón ở các lần đi ngoài bất thường. Người bệnh được chẩn đoán bị IBS-C khi có nhiều hơn 25% số lần đi ngoài xuất hiện phân độ 1 và 2. Đồng thời ít hơn 25% số lần đi ngoài xuất hiện phân độ 6 và 7.
  • Hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy (IBS-D): là tình trạng người bệnh thường xuyên gặp tình trạng tiêu chảy ở các lần đi ngoài bất thường. Người bệnh được chẩn đoán bị IBS-D khi có nhiều hơn 25% số lần đi ngoài xuất hiện phân độ 6 và 7. Đồng thời ít hơn 25% số lần đi ngoài xuất hiện phân độ 1 và 2.
  • Hội chứng ruột kích thích thể hỗn hợp (IBS-M): là tình trạng người bệnh gặp cả tình trạng táo bón và tiêu chảy ở các lần đi ngoài bất thường. Người bệnh được chẩn đoán bị IBS-M khi có nhiều hơn 25% số lần đi ngoài xuất hiện phân độ 1 và 2. Đồng thời nhiều hơn 25% số lần đi ngoài xuất hiện phân độ 6 và 7.
  • Hội chứng ruột kích thích không xác định (IBS-U):,Bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng ruột kích thích nhưng chưa thể phân loại chính xác vào 1 trong 3 phân nhóm kể trên sẽ được phân loại là IBS-U.

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích

Nguyên nhân hội chứng ruột kích thích (IBS) hiện vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy hội chứng ruột kích thích có liên quan mật thiết đến các yếu tố tâm lý và yếu tố sinh lý.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ giới mắc hội chứng ruột kích thích cao hơn nam giới, đồng thời tỷ lệ mắc hội chứng ruột kích thích ở trẻ em cũng đang có xu hướng phát triển.

Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích (IBS) có liên quan mật thiết đến các yếu tố tâm lý và yếu tố sinh lý.

  • Yếu tố tâm lý bao gồm các bệnh lý như căng thẳng, trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ,… xảy ra trong một thời gian dài khiến các triệu chứng nặng hơn.
  • Yếu tố sinh lý bao gồm:
    • Co thắt cơ trong ruột mạnh và kéo dài hơn bình thường có thể gây đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy. Co thắt cơ trong ruột yếu có thể làm chậm quá trình di chuyển thức ăn và dẫn đến phân khô và cứng.
    • Nhiễm trùng ống tiêu hóa nặng: có thể xuất hiện sau một đợt tiêu chảy cấp hoặc ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn hoặc virus gây ra dẫn đến hội chứng ruột kích thích. Co thắt cơ trong ruột mạnh và kéo dài hơn bình thường có thể gây đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy. Co thắt cơ trong ruột yếu có thể làm chậm quá trình di chuyển thức ăn và dẫn đến phân khô và cứng.
    • Một số loại thực phẩm và thói quen ăn uống có thể kích thích hoặc khiến các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích nghiêm trọng hơn như: ăn nhiều dầu mỡ, lúa mì, bơ sữa, đậu, sô cô la, cà phê, trà, chất làm ngọt nhân tạo. Một số loại trái cây và rau củ khó tiêu như mơ, măng tây hoặc bông cải xanh cũng có nguy cơ dẫn đến hội chứng ruột kích thích.
    • Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc kháng sinh.
    • Yếu tố di truyền.
    • Thay đổi nội tiết tố do chu kỳ kinh nguyệt.
nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích do căng thẳng
Căng thẳng trong thời gian dài là một trong các nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Những ai có nguy cơ mắc bệnh hội chứng ruột kích thích?

Theo thống kê, cứ 100 người sẽ có 10 – 15 trường hợp mắc hội chứng ruột kích thích, trong đó một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao hơn như:

  • Độ tuổi: Người dưới 40 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Hiện nay, hội chứng ruột kích thích ở trẻ em cũng đang có xu hướng phát triển, nguyên nhân đến từ áp lực gia đình, bạo hành, học tập – thi cử khiến trẻ luôn trong trạng thái căng thẳng, thậm chí trầm cảm dẫn đến xuất hiện các dấu hiệu bệnh.
  • Tâm lý: Những người thường xuyên lo âu, bị áp lực trong công việc, cuộc sống, trầm cảm hoặc tinh thần không ổn định cũng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích.
  • Giới tính: Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới gấp 2 lần.
  • Di truyền: những người có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý về tiêu hóa, đặc biệt là nhóm bệnh đại – trực tràng.
  • Nhạy cảm với thực phẩm: Một số loại thực phẩm như sữa, lúa mì, đồ ăn nhiều chất béo, rượu, đồ uống có gas hoặc đường fructose có trong trái cây, đường sorbitol,… có thể gây xuất hiện các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
  • Các loại thuốc: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được mối liên hệ giữa các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích có liên quan đến các loại thuốc như kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc có thành phần sorbitol,…
  • Các vấn đề về tiêu hóa khác: Viêm dạ dày – ruột do virus, tiêu chảy ở khách du lịch (traveler’s diarrhea) hoặc ngộ độc thực phẩm cũng được cho là yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh.

Dấu hiệu và triệu chứng hội chứng ruột kích thích

Dấu hiệu và triệu chứng hội chứng ruột kích thích (IBS) thường gặp là thay đổi tần suất đi tiêu, đau bụng dưới, đau bụng âm ỉ hoặc từng cơn. Người bệnh căng thẳng quá mức hoặc ăn uống một số loại thực phẩm có thể thúc đẩy biểu hiện của hội chứng ruột kích thích nghiêm trọng hơn.

Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích

Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích thường xuất hiện là thay đổi tần suất đi tiêu. Ngoài ra, hội chứng này còn có thể kèm theo các dấu hiệu khác.

Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích là:

  • Đau bụng, co thắt cơ bụng hoặc chướng bụng.
  • Nhu động ruột thay đổi bất thường.
  • Thường bị táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài.
  • Khó khăn khi đi đại tiện (đau, không thoải mái, cảm thấy chưa được sạch phân sau khi đi ngoài)
  • Có chất nhầy trong phân.
  • Đầy hơi, khó tiêu.
  • Buồn nôn.
  • Các triệu chứng ngoài đường tiêu hóa (đau đầu, mệt mỏi, khó ngủ,…).

Khi nào cần đến gặp Bác sĩ?

Hội chứng ruột kích thích (IBS) có khuynh hướng khởi phát ở tuổi vị thành niên đặc biệt trong độ tuổi 20, gây ra các triệu chứng tái phát ở các giai đoạn khác nhau. Vì vậy, khi nhận thấy sự thay đổi liên tục trong thói quen đi tiêu hoặc các triệu chứng nghiêm trọng hơn, người bệnh nênđến bệnh viện/trung tâm nội soi dạ dày, đại trực tràng để kiểm tra và điều trị sớm. Cụ thể như:

Phương pháp chẩn đoán hội chứng ruột kích thích

Để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích (IBS), Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng để xem xét các triệu chứng, tiền sử bệnh, tiền sử gia đình. Trong một số trường hợp, Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện nhiều xét nghiệm để loại trừ các vấn đề sức khỏe khác.

Quy trình chẩn đoán hội chứng ruột kích thích sẽ dựa trên Tiêu chuẩn Rome III, IV và Tiêu chuẩn Manning. Chi tiết như sau.

Tiêu chuẩn chẩn đoán Rome III, IV

Tiêu chuẩn chẩn đoán Rome III, IV bao gồm các tiêu chí đánh giá mức độ đau bụng, khó chịu kéo dài ít nhất 1 ngày hoặc 1 tuần liên tục trong 3 tháng qua liên quan đến:

  • Đi đại tiện bị đau và khó chịu kéo dài.
  • Tần suất đại tiện bị thay đổi.
  • Độ đặc của phân thay đổi khác thường như táo bón hoặc tiêu chảy.

Tiêu chuẩn Manning

Tiêu chuẩn Manning tập trung vào việc giảm đau sau khi đại tiện, cảm giác đi cầu không hết phân, sự hiện diện của chất nhầy trong phân và độ đặc của phân.

Phân loại hội chứng ruột kích thích dựa vào mục đích điều trị bao gồm 3 loại chính:

  • Táo bón kéo dài (IBS-C).
  • Tiêu chảy kéo dài (IBS-D).
  • Triệu chứng hỗn hợp (IBS-M).
phương pháp chẩn đoán và cách điều trị hội chứng ruột kích thích
Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích có thể dựa vào việc phối hợp hỏi bệnh sử, kiểm tra triệu chứng, xét nghiệm và nội soi tiêu hóa nếu cần thiết giúp loại trừ các bệnh lý khác ở hệ tiêu hóa. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Kiểm tra triệu chứng

Bác sĩ sẽ thăm hỏi về các triệu chứng mà người bệnh gặp phải để đưa ra chẩn đoán về hội chứng ruột kích thích (IBS). Bác sĩ sẽ chẩn đoán một người mắc hội chứng ruột kích thích nếu người đó bị đau bụng đi kèm với hai hoặc nhiều hơn các triệu chứng khác.

Một số câu hỏi bác sĩ có thể hỏi để kiểm tra triệu chứng gồm:

  • Triệu chứng đau bụng của Cô Chú, Anh Chị có giảm nhẹ hoặc trở nặng sau khi đi đại tiện không?
  • Triệu chứng đau bụng của Cô Chú, Anh Chị xuất hiện trở lại trung bình 1 ngày/tuần trong vòng 3 tháng gần đây không?
  • Số lần đại tiện của Cô Chú, Anh Chị có thay đổi hay không? (nhiều hơn 3 lần/ngày hoặc ít hơn 3 lần/tuần)
  • Cô Chú, Anh Chị có bị trướng bụng, đầy hơi không?

Sau đó, Bác sĩ sẽ tiếp tục thăm hỏi về các dấu hiệu khác như triệu chứng thiếu máu, chảy máu trực tràng, phân có máu tươi hay phân đen như hắc ín, sụt cân,… để có thể tiếp tục cân nhắc các nguyên nhân khác trước khi có thể chẩn đoán được hội chứng ruột kích thích.

Kiểm tra bệnh sử cá nhân và tiền sử bệnh gia đình

Sau khi đã kiểm tra xong các dấu hiệu hội chứng ruột kích thích (IBS), Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh các vấn đề về tiền sử bệnh cá nhân và gia đình.

Một số câu hỏi về bệnh sử cá nhân, tiền sử gia đình mà bác sĩ có thể hỏi là:

  • Cô Chú, Anh Chị có người thân từng mắc các bệnh về tiêu hóa như bệnh Celiac, bệnh lý ruột mạn tính hay ung thư đại – trực tràng không?
  • Cô Chú, Anh Chị có đang sử dụng loại thuốc gì gần đây không?
  • Cô Chú, Anh Chị có đã từng mắc phải các bệnh về nhiễm trùng gần đây không?
  • Cô Chú, Anh Chị có nhạy cảm với bất kỳ thực phẩm nào hay không?
  • Cô Chú, Anh Chị có cảm nhận thấy triệu chứng tiêu hóa biểu hiện khi căng thẳng, lo lắng,… gì hay không?
  • Cô Chú, Anh Chị có tiền sử bệnh lý nào khác hay không?

Cận lâm sàng

Cận lâm sàng được thực hiện dựa vào các kết quả chẩn đoán trong bước khám lâm sàng, Cô Bác, Anh Chị có thể thực hiện một hoặc nhiều cận lâm sàng khác nhau để xác định được tình trạng bệnh lý cũng như mức độ nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.

Xét nghiệm

Cô Bác, Anh Chị có thể được yêu cầu làm nhiều xét nghiệm hơn cần thiết để chẩn đoán chính xác và phát hiện sớm các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa như:

  • Xét nghiệm không dung nạp lactose: để xác định cơ thể có loại enzym dung nạp lactose không? Nếu cơ thể không dung nạp lactose, Cô Bác, Anh Chị có thể cần loại bỏ các sản phẩm làm từ sữa ra khỏi chế độ ăn để cải thiện các triệu chứng.
  • Kiểm tra hơi thở: để xác định các loạn khuẩn từ đại tràng và tăng trưởng trong ruột non gây chướng bụng, tức bụng và tiêu chảy. Tình trạng này thường gặp ở những người từng phẫu thuật ruột, mắc bệnh tiểu đường và một số bệnh lý tiêu hóa khác.
  • Xét nghiệm máu: để loại trừ khả năng Cô Bác, Anh Chị mắc bệnh Celiac có dấu hiệu và triệu chứng tương tự như hội chứng ruột kích thích.
  • Xét nghiệm phân: để tìm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây tiêu chảy.

Nội soi tiêu hóa

Phụ thuộc vào các triệu chứng và tiền sử bệnh mà Cô Bác, Anh Chị có thể được chỉ định nội soi theo từng cơ quan hoặc toàn bộ ống tiêu hóa bằng các phương pháp nội soi sau:

  • Nội soi đại tràng sigma: giúp bác sĩ quan sát được phần đại tràng Sigma, trực tràng và phần cuối hậu môn.
  • Nội soi đại trực tràng: nếu phát hiện các triệu chứng nghi ngờ hoặc Cô Bác, Anh Chị nằm trong nhóm đối tượng có tỷ lệ mắc ung thư đại tràng cao như người trên 50 tuổi, có tiền sử bệnh tiêu hóa, đã cắt polyp hoặc người thân mắc ung thư trực tràng, đại tràng,… bác sĩ sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị nội soi toàn bộ ống tiêu hóa dưới bao gồm đại tràng, trực tràng và ống hậu môn.

Nội soi toàn bộ ống tiêu hóa sẽ được áp dụng đối với Cô Bác, Anh Chị có các triệu chứng nặng như đi ngoài ra máu, trào ngược dạ dày kéo dài, ợ chua, ợ nóng, cảm thấy mệt mỏi gây ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.

Nội soi tiêu hóa nhận biết chính xác dấu hiệu hội chứng ruột kích thích
Nội soi tiêu hóa giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý đường tiêu hóa. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Chẩn đoán hình ảnh

  • Chụp X–quang đại tràng: trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp chụp X–quang đại tràng để có thể quan sát hình ảnh toàn bộ đại tràng.
  • Chụp CT: các bác sĩ sẽ chụp CT ổ bụng và vùng xương chậu để loại trừ các nguyên nhân gây ra các triệu chứng của Cô Bác, Anh Chị nhằm xác định chính xác bệnh.

Các thăm dò bổ sung như siêu âm, chụp đối quang kép bằng bari, nội soi dạ dày tá tràng và chụp X-quang ruột non chỉ nên được thực hiện khi có các triệu chứng bất thường khác. Ngoài ra, nếu bác sĩ nghi ngờ Cô Bác, Anh Chị có dấu hiệu kém hấp thu sẽ khuyến cáo thăm dò ruột non (ví dụ, qua nội soi, nội soi viên nang).

Tiên lượng và biến chứng của hội chứng ruột kích thích

Tiên lượng

Hội chứng ruột kích thích không đe dọa đến tính mạng và nó không làm tăng khả năng mắc các bệnh đại tràng khác, chẳng hạn như viêm đại tràng, loét đại tràng, bệnh Crohn hoặc ung thư đại tràng.

Hội chứng ruột kích thích (IBS) không gây nguy hiểm tính mạng cũng như không làm tăng khả năng mắc các bệnh đại tràng khác, chẳng hạn như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn hoặc ung thư đại tràng.

Hội chứng ruột kích thích là rối loạn mạn tính, không có phương pháp điều trị dứt điểm. Tình trạng này có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân, đặc biệt là trong công việc và học tập. Bởi vì không có cách chữa trị dứt điểm, người bệnh cần tập trung giảm thiểu triệu chứng và cải thiện tình trạng bệnh để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt thông thường.

Biến chứng

Hội chứng ruột kích thích không gây ra các biến chứng nguy hiểm hoặc dẫn đến ung thư tiêu hóa. Tuy nhiên, táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến bệnh trĩ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh như mệt mỏi, chán nản hoặc trầm cảm.

Bên cạnh đó, hội chứng ruột kích thích cũng khiến Cô Chú, Anh Chị chán ăn và ruột kém hấp thu chất dinh dưỡng dẫn đến cơ thể bị thiếu chất, lâu ngày sẽ bị suy dinh dưỡng, sụt cân không kiểm soát.

Cách điều trị hội chứng ruột kích thích

Hiện nay chưa có phương pháp trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích (IBS). Do đó, phác đồ điều trị bệnh tốt nhất là làm giảm các triệu chứng bệnh lý bằng các biện pháp như:

  • Điều trị hội chứng ruột kích thích bằng phương pháp tâm lý.
  • Sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thích.
  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng.

Điều trị hội chứng ruột kích thích bằng phương pháp tâm lý

Các phương pháp tâm lý có thể được sử dụng trong điều trị như:

  • Thay đổi suy nghĩ, trấn an bệnh nhân và tạo niềm tin: “Hội chứng ruột kích thích là một bệnh mạn tính nhưng không dẫn đến viêm ruột hoặc ung thư. Bệnh có thể được điều trị nhưng cần kiên trì, tuân theo lời dặn của bác sĩ để đạt được hiệu quả như mong muốn”.
  • Bác sĩ nên giải thích tường tận về bệnh lý, quá trình điều trị và hiệu quả đạt được nếu kiên trì và tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
  • Kiểm soát, hạn chế và điều trị các nguyên nhân dẫn đến stress, lo âu, rối loạn cảm xúc, trầm cảm hoặc các dấu hiệu gây mất ngủ.
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao, yoga, thiền và ngủ đủ giấc.

Sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thích

Bên cạnh các liệu pháp tâm lý hoặc thay đổi chế độ ăn uống, người bệnh hội chứng ruột kích thích uống thuốc gì? Sau đây là một số loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn hỗ trợ quá trình điều trị như:

  • Chống đau bụng: các loại thuốc chống co thắt cơ như Spasfon, Duspatalin,…
  • Chống táo bón: sử dụng thuốc nhuận tràng như Forlax, Duphalac, Tegaserod,…
  • Chống tiêu chảy: Smecta, Imodium, Actapulgite,…
  • Chống sinh hơi: Meteospasmyl, Pepsane,…
  • Thuốc an thần: Rotunda, Seduxen,…
  • Thuốc diệt khuẩn ruột: Berberin, Ganidan, Biseptol,…

Lưu ý: người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc trên, Cô Bác, Anh Chị nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, tránh trường hợp lạm dụng thuốc, trị sai bệnh, lờn thuốc và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thuốc điều trị táo bón

  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu giúp giữ lại nước trong đại tràng làm mềm phân, đồng thời bệnh nhân phải uống nhiều nước khi sử dụng thuốc để tránh tình trạng cơ thể bị mất nước.
  • Thuốc nhuận tràng kích thích có công dụng kích thích các cơ quanh ruột co bóp và đẩy phân ra ngoài, người bệnh không nên dùng thường xuyên vì sẽ khiến cơ thể bị lờn thuốc gây mất tác dụng.
cách chữa hội chứng ruột kích thích bằng thuốc
Điều trị hội chứng ruột kích thích bằng thuốc để giảm nhẹ các triệu chứng nổi trội. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Thuốc điều trị tiêu chảy

Sử dụng các loại thuốc không kê toa giúp kiểm soát tình trạng tiêu chảy như loperamide,… tuy nhiên những loại thuốc này có thể gây ra tình trạng chướng bụng.

Thuốc kháng cholinergic và chống co thắt

Một số loại thuốc như hyoscine butylbromide, dipropyline làm giảm các cơn co thắt ruột, đôi khi cũng được dùng cho các bệnh nhân bị tiêu chảy, tuy nhiên chúng lại gây táo bón và các triệu chứng khác như bí tiểu, khô miệng và mờ mắt.

*Những người bị cườm nước nên khai báo rõ ràng tình trạng với bác sĩ và thận trọng khi sử dụng loại thuốc này.

Thuốc chống trầm cảm

Nếu bệnh nhân đang gặp các vấn đề liên quan đến tâm lý như trầm cảm, lo lắng, căng thẳng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống trầm cảm ba vòng hoặc thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc.

Các loại thuốc này giúp giảm trầm cảm cũng như ức chế hoạt động của các nơron kiểm soát đường ruột.

Nếu người bệnh bị tiêu chảy và đau bụng nhưng không có triệu chứng trầm cảm bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống trầm cảm ba vòng liều nhẹ.

Thực phẩm chức năng

Sử dụng các loại thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ có thể giúp kiểm soát triệu chứng táo bón. Ngoài ra, chất xơ từ thức ăn có thể gây cảm giác chướng bụng nhiều hơn so với chất xơ trong thực phẩm chức năng.

Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng hoạt động của đường ruột và quá trình điều trị hội chứng ruột kích thích. Vì vậy, người bệnh nên nhờ các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn một thực đơn ăn uống khoa học, đủ chất và phù hợp với tình trạng sức khỏe dành cho người bị hội chứng ruột kích thích.

Sau đây là một số lời khuyên dành cho người bệnh hội chứng ruột kích thích:

  • Sử dụng các thực phẩm tự nhiên chứa chất xơ với khẩu phần thấp và từ từ tăng dần nếu cảm thấy tình trạng tiến triển tốt không gây ra các triệu chứng như tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Một số thực phẩm người bệnh nên đưa vừa đủ vào khẩu phần ăn mỗi ngày như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ và các loại đậu.
  • Tránh các thực phẩm khiến tình trạng của bệnh nhân xấu đi như rượu bia, chocolate, cà phê, thức uống có gas, các loại thuốc chứa caffein, sữa và chế phẩm từ sữa,…
  • Tránh các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và chất béo.
  • Cố gắng ăn đúng giờ, không bỏ bữa và chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ nếu người bệnh bị tiêu chảy. Ngược lại, nếu bệnh nhân bị táo bón việc ăn vừa đủ chất xơ sẽ hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
  • Uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc.

Endo Clinic – Trung tâm nội soi và chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa uy tín, được nhiều Khách hàng tin chọn

Endo Clinic là phòng khám tiêu hóa hiếm hoi chuyên sâu về nội soi, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến tiêu hóa hiện nay. Các Bác sĩ tại Endo Clinic đều là những bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm và đến từ nhiều bệnh viện lớn ở TP.HCM.

Phòng khám còn có trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, tiên tiết và kết hợp phương pháp Nội Soi Không Đau (Nội Soi Tiền Mê), cam kết chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh chính xác lên tới 90 – 95% và tầm soát ung thư chính xác đến 95 – 99%.

chẩn đoán hội chứng ruột kích thích tại Endo Clinic
Endo Clinic ứng dụng công nghệ hiện đại, giúp chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh hiệu quả.

Sau khi đã có kết quả thăm khám, Bác sĩ sẽ lập phác đồ điều trị theo guideline và kê đơn thuốc Brand-name chính hãng để mang đến hiệu quả điều trị tối ưu, giúp bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe. Đặt hẹn khám bệnh ngay với Endo Clinic tại Đặt Lịch Khám hoặc qua Hotline 028 5678 9999

Những điểm cần lưu ý

Sau khi đã tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hội chứng ruột kích thích (IBS), người bệnh cần lưu ý một vài điều dưới đây để phòng ngừa cũng như cải thiện tình trạng bệnh.

Phương pháp phòng ngừa hội chứng ruột kích thích

Một chế độ ăn uống khoa học và thói quen sinh hoạt lành mạnh là cách giúp phòng ngừa hội chứng ruột kích thích hiệu quả. Dưới đây là các lời khuyên Cô Chú, Anh Chị nên tuân theo:

  • Hạn chế dùng các loại thực phẩm có hại cho hệ tiêu hóa như bánh mì ngũ cốc tinh chế, khoai tây chiên, cà phê, nước có gas, rượu bia, phô mai,…
  • Hạn chế tối thiểu thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên đi chiên lại nhiều lần.
  • Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, từ 3 bữa lớn thành 5 bữa nhỏ.
  • Ăn uống đúng giờ, khoa học, không bỏ bữa, phân chia khẩu phần ăn hợp lý theo gợi ý của các chuyên gia dinh dưỡng.
  • Uống nhiều nước lọc, uống nước trước khi ăn và không uống trong bữa ăn.
  • Hạn chế ảnh hưởng do căng thẳng, lo lắng và áp lực.

Ngoài ra, để phát hiện sớm các dấu hiệu gây bệnh và đưa ra phương pháp can thiệp kịp thời, bác sĩ khuyến cáo Cô Bác, Anh Chị nên thực hiện nội soi tiêu hóa và tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ, đặc biệt là tầm soát ung thư đại tràng.

Các bệnh lý thường nhầm lẫn với hội chứng ruột kích thích?

Hội chứng ruột kích thích có các triệu chứng và biểu hiện cơ bản tương tự với một số bệnh lý thường gặp ở hệ tiêu hóa như:

  • Không dung nạp lactose.
  • Bệnh tiêu chảy do một số loại thuốc gây ra.
  • Hội chứng sau mổ cắt túi mật.
  • Lạm dụng thuốc nhuận tràng.
  • Bệnh do ký sinh trùng gây ra như nhiễm Giardia.
  • Viêm dạ dày tăng bạch cầu ái toan.
  • Viêm đại tràng vi thể.
  • Vi khuẩn phát triển quá mức ở ruột non.
  • Bệnh Celiac.
  • Giai đoạn sớm của bệnh viêm ruột.

Người bệnh hội chứng ruột kích thích nên ăn và kiêng gì?

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị hội chứng ruột kích thích. Vì vậy, Cô Bác, Anh Chị nên lựa chọn nhóm thực phẩm có lợi cho đường tiêu hóa và tránh xa một số loại thực phẩm gây hại. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh nên chuyển sang chế độ ăn FODMAP thấp.

FODMAP là từ viết tắt của “Fermentable Oligo-, Di-, Mono-saccharides and Polyols” (các loại carbohydrate và polyol có thể lên men), chúng là những carbohydrate chuỗi ngắn mà “một số người không thể tiêu hóa được”, thay vào đó, chúng đi tới tận cuối đường ruột – nơi có vi khuẩn ruột sống. Sau đó, vi khuẩn đường ruột dùng các carbohydrate này để làm nhiên liệu sản xuất ra các hydro và gây ra các rối loạn tiêu hóa. FODMAP cũng lưu giữ các chất lỏng trong lòng ruột nên có thể gây nên tiêu chảy.

FODMAP thông thường bao gồm:

  • Fructose: Một loại đường đơn có trong nhiều loại hoa quả, rau xanh và đường.
  • Lactose: Một dạng carbohydrate có trong các sản phẩm từ sữa.
  • Fructan: Được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm các loại ngũ cốc gluten như lúa mì, lúa mì spenta, lúa mạch đen và đại mạch.
  • Galactan: Được tìm thấy với lượng lớn trong các cây họ đậu.
  • Polyol: Các dạng dẫn xuất rượu của đường như xylitol, sorbitol, maltitol và mannitol. Chúng thường có trong một số loại hoa quả và rau củ, và thường được dùng làm chất làm ngọt.
hội chứng ruột kích thích nên ăn và kiêng gì
Người bệnh hội chứng ruột kích thích nên kiêng ăn nhóm thực phẩm FODMAP. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Người bệnh hội chứng ruột kích thích kiêng ăn gì?

Một số loại thực phẩm giàu FODMAP mà người bệnh hội chứng ruột kích thích nên kiêng ăn, bao gồm:

  • Trái cây: táo, bưởi, xoài, đào, mận, dưa hấu,…
  • Rau củ: măng tây, súp lơ, diếp cá, nấm, tỏi, hành tây,…
  • Các loại đậu: đậu xanh, đậu nành, đậu Hà Lan, đậu đen,…
  • Thực phẩm chứa nhiều đường như xi rô, mật ong, kẹo cao su,…
  • Các loại ngũ cốc, nho khô, sản phẩm từ lúa mì và thực phẩm đã qua chế biến.

Bên cạnh đó, một số thói quen người bệnh nên xây dựng thói quen sống lành mạnh để giúp cải thiện được phần nào các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

Các thói quen tốt người bệnh nên xây dựng gồm:

  • Bỏ hoàn toàn thuốc lá.
  • Không lạm dụng rượu bia, không uống nhiều hơn 330 ml một ngày.
  • Hạn chế sử dụng các thức uống gây nghiện như cà phê, nước có gas, nước ngọt.
  • Uống nhiều nước lọc và không uống trong khi ăn.
  • Giảm căng thẳng, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên.
  • Tham khảo các chế độ ăn uống hợp lý và xây dựng thực đơn dành riêng cho bản thân từ các chuyên gia dinh dưỡng.

Nhìn chung, hội chứng ruột kích thích (IBS) là một dạng bệnh lý tiêu hóa thường gặp, tuy không gây nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người bệnh. Hội chứng ruột kích thích hiện không có cách điều trị khỏi hoàn toàn, người bệnh chỉ có thể kiểm soát các triệu chứng bằng cách dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt.

Nếu nhận thấy tần suất đi tiêu thay đổi bất thường, bụng đau âm ỉ hoặc từng cơn, Cô Chú, Anh Chị nên đến cơ sở y tế uy tín thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Câu hỏi thường gặp

Có thể trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích được hay không?

Hiện nay không có cách chữa hội chứng ruột kích thích (IBS) dứt điểm. Thay vào đó, người bệnh có thể sử dụng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt để kiểm soát các triệu chứng của bệnh.

Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích là gì?

Biểu hiện của hội chứng ruột kích thích (IBS) thường gặp là thay đổi tần suất đi tiêu và có thể kèm theo các dấu hiệu khác như đau bụng, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy, mệt mỏi, buồn nôn,…

Người bị hội chứng ruột kích thích nên ăn và kiêng gì?

Người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) nên áp dụng chế độ ăn FODMAPs thấp và nên tránh xa các loại thực phẩm giàu FODMAPs. Người bệnh nên tham vấn với các bác sĩ có chuyên môn để được hướng dẫn tạo một chế độ ăn phù hợp. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể lưu trữ một cuốn nhật ký để theo dõi nhóm thực phẩm gây ra triệu chứng, từ đó dễ dàng xác định thực phẩm nên ăn và nên tránh.

Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?

Hội chứng ruột kích thích (IBS) không gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh hay dẫn đến ung thư tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng của bệnh kéo dài và không được kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tài liệu tham khảo

  1. NHS. What is IBS? 24 02 2021. https://www.nhs.uk/conditions/irritable-bowel-syndrome-ibs/ (đã truy cập 18 05 2023).
  2. Cleveland Clinic. Irritable Bowel Syndrome (IBS). 24 09 2020. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4342-irritable-bowel-syndrome-ibs (đã truy cập 18 05 2023).
  3. Mayo Clinic Staff. Irritable bowel syndrome. 12 05 2023. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/irritable-bowel-syndrome/symptoms-causes/syc-20360016 (đã truy cập 18 05 2023).
  4. Rome Foundation. Rome IV Criteria. https://theromefoundation.org/rome-iv/rome-iv-criteria/ (đã truy cập 18 05 2023).
  5. Kristeen Cherney. What Are the Different Types of Irritable Bowel Syndrome (IBS)? 07 12 2021. https://www.healthline.com/health/types-of-ibs (đã truy cập 18 05 2023).
  6. WebMD Editorial Contributors. Irritable Bowel Syndrome (IBS). 18 10 2021. https://www.webmd.com/ibs/guide/digestive-diseases-irritable-bowel-syndrome#2-4 (đã truy cập 18 05 2023).
  7. NIDDK. Diagnosis of Irritable Bowel Syndrome. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/irritable-bowel-syndrome/diagnosis (đã truy cập 18 05 2023).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?

Chia sẻ nội dung: