Polyp dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Theo thống kê của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ năm 2018, có khoảng 192 trong số 56.300 bệnh nhân phát hiện có polyp dạ dày khi thực hiện nội soi ống tiêu hóa trên, chiếm tỷ lệ 0,34%. Trong đó, tỷ lệ xuất hiện polyp dạ dày khác nhau ở các độ tuổi. Ngoài ra, có khoảng 73,4% bệnh nhân chỉ tìm thấy một polyp và 26,6% bệnh nhân có nhiều hơn một polyp ở dạ dày.

Polyp dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Polyp dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan về bệnh polyp dạ dày

Polyp dạ dày không gây ra các triệu chứng hoặc dấu hiệu nhận biết cho đến khi bệnh trở nặng. Hơn 90% trường hợp các polyp dạ dày được phát hiện tình cờ thông qua nội soi tiêu hóa được thực hiện vì các lý do khác.

Dựa trên kích thước, số lượng và mô học (giải phẫu bệnh) mà bác sĩ sẽ dự đoán khả năng phát triển thêm polyp hay tiến triển thành ung thư dạ dày. Polyp dạ dày có thể là một bệnh lý riêng biệt hoặc là biểu hiện của một số bệnh lý khác ở dạ dày.

Bệnh polyp dạ dày là gì?

Polyp dạ dày (tên tiếng Anh: stomach polyp) là sự phát triển bất thường của các tế bào biểu mô dạ dày. Các tế bào này hình thành nên những khối u trên lớp niêm mạc trong lòng dạ dày. Phần lớn các polyp dạ dày đều lành tính nhưng theo thời gian một số polyp đột biến và có nguy cơ phát triển thành ung thư dạ dày như polyp tuyến.

Polyp dạ dày là gì?
Polyp dạ dày có thể lành tính hoặc hóa ác tính khi phát triển lớn. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Polyp dạ dày không phải là ung thư nhưng có thể tiến triển thành ung thư dù tỷ lệ rất thấp. Một số loại polyp có thể là tiền thân của ung thư dạ dày như polyp tuyến, đặc biệt là đa polyp. Mặc dù hiếm gặp, các loại polyp này có khả năng phát triển thành ung thư. Vì sự biến đổi ác tính không thể phát hiện bằng những thăm khám thông thường, nên tất cả các polyp thấy khi nội soi cần được loại bỏ.

Polyp trong dạ dày thường được phát hiện tình cờ khi nội soi dạ dày vì chúng không gây ra bất kì dấu hiệu, triệu chứng cho người bệnh. Polyp phát triển lớn có thể gây ra các biến chứng ở dạ dày như xuất huyết tiêu hóa, bán tắc ruột hoặc tắc ruột.

Phân loại polyp dạ dày

Polyp dạ dày thường gặp nhất là polyp biểu mô, bao gồm polyp tăng sản, polyp tuyến đáy vị (FGP), đa polyp tuyến gia đình (FAP) và polyp tuyến. Các polyp bắt nguồn dưới biểu mô thường hiếm gặp, có thể bao gồm u tế bào đệm, u thần kinh, u lipoma,…

Polyp dạ dày được chia thành các loại sau:

Polyp tăng sản

Polyp tăng sản (hyperplastic polyp) hình thành do phản ứng tăng sinh biểu mô bề mặt dạ dày, chiếm hơn 75% trong các loại polyp trong dạ dày. Nguy cơ hình thành polyp ở cả nam và nữ là tương đương nhau và hay gặp ở người trên 60 tuổi.

Nguyên nhân hình thành polyp tăng sản thường liên quan đến các bệnh lý về dạ dày, bao gồm:

  • Viêm dạ dày mạn tính.
  • Viêm dạ dày tự miễn.
  • Thiếu máu ác tính.
  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori: 80% các polyp tăng sản sẽ nhỏ lại sau khi điều trị diệt vi khuẩn Hp dạ dày.

Polyp tăng sản có thể hình thành ở bất cứ vị trí nào của dạ dày, có thể có một hoặc nhiều polyp, có cuống hoặc không có cuống, có đường kính nhỏ hơn 2mm. Polyp nhỏ có màu sắc giống niêm mạc dạ dày bình thường, polyp lớn thường có màu đỏ.

Polyp tăng sản hầu hết không có nguy cơ trở thành ung thư, tỷ lệ ác tính từ 1,9- 19%. Đối với trường hợp polyp nhỏ hình thành do nhiễm vi khuẩn Hp, người bệnh sẽ được điều trị diệt Hp. Đối với các polyp có kích thước từ 0,5cm đến 2cm, bác sĩ nội soi sẽ quyết định xem có nên cắt polyp hay không dựa vào kích thước của tổn thương và tiền sử bệnh lý thông qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng.

Polyp tăng sản được xem là loại polyp dạ dày lành tính.
Polyp tăng sản được xem là loại polyp dạ dày lành tính. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Polyp tuyến đáy vị

Polyp tuyến đáy vị (fundic gland polyp) là những nang tuyến thân vị bị giãn được lót bởi các tế bào chính và tế bào viền của đáy vị. Polyp tuyến đáy vị chiếm khoảng 47% trong các loại polyp dạ dày. Nguy cơ hình thành polyp tuyến đáy vị tăng trong độ tuổi từ 40-70.

Hình ảnh nội soi và tế bào polyp tuyến đáy vị dạ dày. Nguồn: sưu tầm National Library of Medicine
Hình ảnh nội soi và tế bào polyp tuyến đáy vị dạ dày. Nguồn: sưu tầm National Library of Medicine

Polyp tuyến đáy vị thường gặp ở phình vị hoặc thân vị của dạ dày, kích thước 2-3mm, là loại polyp dạ dày không có cuống, có thể lẫn vào khe giữa các nếp gấp, màu sắc giống như màu niêm mạc của dạ dày. Có thể gặp một vài polyp riêng lẻ hoặc rất nhiều polyp xảy ra liên quan đến bệnh đa polyp tuyến có tính chất gia đình (FAP), bệnh đa polyp tuyến liên quan đến MUTYH (MAP), ung thư biểu mô tuyến dạ dày và bệnh đa polyp đoạn gần của dạ dày (GAPPS).

Polyp tuyến đáy vị xảy ra từ 20-100% ở bệnh nhân FAP và 11% ở bệnh nhân MAP. Polyp tuyến đáy vị ít khi chuyển thành loạn sản và ác tính vì vậy không cần cắt bỏ khi không có biến chứng.

Đa polyp tuyến gia đình

Đa polyp tuyến có tính chất gia đình (familial adenomatous polyposisFAP) là một rối loạn di truyền hình thành rất nhiều polyp, thường gặp ở đại tràng và gây ra ung thư biểu mô đại – trực tràng ở độ tuổi 40, hiếm gặp ở dạ dày.

Mặc dù hiếm gặp, nhưng đa polyp có tính chất gia đình có nhiều khả năng phát triển thành ung thư. Ung thư hay xảy ra với một polyp tuyến dạ dày có đường kính trên 2cm hoặc mô bệnh học có nhung mao. Vì sự biến đổi ác tính không thể phát hiện bằng cách kiểm tra định kỳ nên sẽ tiến hành cắt polyp qua nội soi với polyp ở mọi kích thước.

Đa polyp tuyến có tính chất gia đình cần được loại bỏ khi nội soi. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Đa polyp tuyến có tính chất gia đình cần được loại bỏ khi nội soi. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Polyp u tuyến dạ dày

Polyp u tuyến dạ dày (adenomatous polyp) là những tổn thương tiền ung thư dạ dày (polyp dạ dày ác tính). Polyp u tuyến dạ dày có thể là biến chứng của các bệnh lý như viêm teo dạ dày và chuyển sản ruột. Polyp hình thành riêng lẻ và có ở bất cứ vị trí nào của dạ dày, thường được tìm thấy trong hang vị dạ dày.

Hình ảnh nội soi và tế bào polyp tuyến dạ dày. Nguồn: sưu tầm PubMed Central
Hình ảnh nội soi và giải phẫu bệnh của polyp u tuyến dạ dày. Nguồn: sưu tầm PubMed Central

Tỷ lệ tiến triển thành ung thư của polyp u tuyến là từ 28-40%, với polyp có kích thước lớn hơn 2cm và có mô dạng nhung mao. Sự hiện diện của loạn sản nặng có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư dạ dày xâm lấn cả trong polyp và trong toàn dạ dày.

Do nguy cơ ác tính của polyp u tuyến cao, các khuyến cáo điều trị bao gồm cắt bỏ hoàn toàn u tuyến, kiểm tra toàn bộ niêm mạc dạ dày, sinh thiết tế bào để tìm các bất thường.

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh polyp dạ dày

Nguyên nhân polyp dạ dày hình thành khi có phản ứng viêm hoặc những tổn thương ở niêm mạc dạ dày kéo dài khiến các tế bào biểu mô dạ dày phát triển bất thường như do viêm dạ dày, nhiễm vi khuẩn Hp, tác dụng phụ của thuốc,…

Nguyên nhân gây ra polyp dạ dày
Nguyên nhân gây ra polyp dạ dày phổ biến là bệnh viêm dạ dày mạn tính. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Nguyên nhân gây ra polyp dạ dày là gì?

Nguyên nhân gây ra polyp dạ dày là do sự phản ứng quá mức trước những tổn thương ở niêm mạc dạ dày. Những nguyên nhân phổ biến gây bệnh có thể bao gồm:

  • Bệnh viêm dạ dày mạn tính: Viêm dạ dày là nguyên nhân chính gây hình thành khối u và polyp tăng sản. Polyp tăng sản hầu như không phát triển thành ung thư dạ dày, nguy cơ hóa ung thư chỉ tăng lên với khối polyp có kích thước lớn trên 1cm. Nếu bệnh viêm dạ dày là nguyên nhân hình thành polyp, polyp này sẽ được bác sĩ chỉ định cắt bỏ thông qua nội soi.
  • Bệnh đa polyp tuyến gia đình (FAP): Đây là một hội chứng di truyền hiếm gặp có thể gây ra polyp ở dạ dày. Hội chứng di truyền này gây ra nhiều polyp tuyến đáy vị ở niêm mạc dạ dày. Những polyp tuyến đáy vị có thể phát triển thành u tế bào tuyến, sau đó phát triển thành ung thư.
  • Tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh lý ở dạ dày: Polyp tuyến đáy vị thường gặp phải ở người bệnh sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI) kéo dài để ngăn sản sinh axit dạ dày trong điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Khoảng 23% bệnh nhân chẩn đoán polyp tuyến đáy vị có nguyên nhân do thuốc PPI điều trị bệnh liên tục trên 5 năm, tỷ lệ phát triển polyp cao hơn 4 lần. Vì thế, Cô Bác, Anh Chị cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Những polyp này thường lành tính, kích thước nhỏ và phần lớn không tiến triển thành ung thư.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ polyp dạ dày

Các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành polyp trong dạ dày, bao gồm:

  • Độ tuổi: Polyp dạ dày phổ biến ở người trong độ tuổi trung niên trở lên. Nếu polyp xuất hiện ở người trẻ (dưới 40 tuổi) có thể do di truyền.
  • Các hội chứng di truyền gia đình: Đa polyp tuyến gia đình là hội chứng di truyền tuy hiếm gặp nhưng làm tăng nguy cơ hình thành polyp dạ dày và gây ra các bệnh lý đường tiêu hóa.
  • Nhiễm Helicobacter pylori: Vi khuẩn Hp là nguyên nhân chính gây viêm dạ dày, loét dạ dày, góp phần hình thành các polyp u tuyến và polyp tăng sản.
  • Dùng thuốc: Thường xuyên sử dụng các chất ức chế bơm proton (PPI) trong thời gian dài để điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản làm tăng nguy cơ hình thành polyp tuyến đáy vị.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh polyp dạ dày?

Bệnh polyp dạ dày thường xuất hiện ở mọi giới trong độ tuổi trưởng thành, tuy nhiên, phổ biến ở người lớn trên 65 tuổi. Một số loại polyp như polyp tuyến đáy vị thường gặp ở nữ giới hơn nam giới, trong độ tuổi từ 40-70 tuổi.

Người bệnh dùng thuốc ức chế bơm proton (PPI) lâu ngày để điều trị các bệnh lý về dạ dày như viêm dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản,… có nguy cơ cao bị dạ dày có polyp.

Ngoài ra, viêm dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành polyp dạ dày. Tất cả người bệnh nên được xét nghiệm vi khuẩn Hp. Nhiễm khuẩn Hp nên được điều trị kết hợp thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn Hp và thuốc ngăn sản sinh axit dạ dày. Điều trị nhiễm vi khuẩn Hp có thể làm biến mất các polyp tăng sản và cũng có thể ngăn polyp tái phát.

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh polyp dạ dày

Polyp dạ dày thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi polyp trong dạ dày phát triển to có thể gây ra vết loét bề mặt niêm mạc dạ dày. Một số trường hợp hiếm gặp hơn là polyp có thể chặn đường thông giữa dạ dày và ruột non.

Triệu chứng của polyp dạ dày là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng polyp dạ dày thường gặp bao gồm:

Triệu chứng bệnh polyp dạ dày
Triệu chứng bệnh polyp dạ dày thường gặp là đau dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám?

Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ tại bệnh viện/trung tâm nội soi dạ dày khi có một trong những triệu chứng trên, đặc biệt xuất hiện tình trạng có máu trong phân kéo dài.

Nếu Cô Bác, Anh Chị nghi ngờ mình mắc các bệnh lý về dạ dày hãy gặp bác sĩ thăm khám để chẩn đoán chính xác, điều trị bệnh kịp thời giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.

Chẩn đoán bệnh polyp dạ dày

Để chẩn đoán, thăm khám người bệnh có polyp dạ dày hay không, bác sĩ sẽ cần:

  • Khám lâm sàng
  • Cận lâm sàng
 Nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng là phương pháp chính xác nhất để chẩn đoán polyp dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng là phương pháp chính xác nhất để chẩn đoán polyp dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Khám lâm sàng

Cô Bác, Anh Chị sẽ trả lời các câu hỏi từ bác sĩ một cách cụ thể và chi tiết để bác sĩ nắm được tình trạng sức khỏe của Cô Bác, Anh Chị như:

  • Triệu chứng Cô Bác, Anh Chị đang gặp phải là gì?
  • Cô Bác, Anh Chị đã từng mắc các bệnh tiêu hóa nào?
  • Cô Bác, Anh Chị có đang sử dụng loại thuốc nào không?
  • Cô Bác, Anh Chị có bị dị ứng với loại thuốc nào không?
  • Bản thân hoặc gia đình đã từng có ai mắc bệnh polyp dạ dày hoặc ung thư dạ dày không?
  • Cô Bác, Anh Chị đã từng thực hiện hóa trị, xạ trị chưa?

Nếu bác sĩ nghi ngờ Cô Bác, Anh Chị bị các bệnh lý về dạ dày liên quan đến polyp dạ dày, Cô Bác, Anh Chị sẽ được chỉ định thực hiện một số cận lâm sàng khác để chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe.

Cận lâm sàng

Cô Bác, Anh Chị sẽ thực hiện các thăm khám cận lâm sàng như xét nghiệm, nội soi tiêu hóa hoặc chẩn đoán hình ảnh để xác định chính xác vị trí, tình trạng, kích thước, phân loại, mức độ nguy hiểm của các loại polyp hoặc các tổn thương ở dạ dày.

Xét nghiệm

Bác sĩ có thể sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện các xét nghiệm phân, kiểm tra hơi thở hoặc test urease nhanh (RUT) nếu nghi ngờ nguyên nhân polyp dạ dày có liên quan đến nhiễm vi khuẩn Hp.

  • Xét nghiệm phân: Kiểm tra mẫu phân để xác định dấu hiệu của vi khuẩn Hp trong phân, đặc biệt là để chẩn đoán ban đầu. Trước khi lấy mẫu phân để xét nghiệm cần ngừng sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton. Kết quả xét nghiệm có độ nhạy từ 89-94% và độ đặc hiệu từ 90-94%.
  • Kiểm tra hơi thở: hay test hơi thở với urea là phương pháp được áp dụng phổ biến tại Việt Nam. Trước khi thực hiện, người bệnh sẽ uống dung dịch chứa urea và thở vào một thiết bị kiểm tra. Nếu có vi khuẩn Hp, nồng độ khí carbon dioxide trong hơi thở sẽ cao hơn bình thường. Kết quả xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu > 95%.
  • Test urease nhanh (RUT): hay xét nghiệm Clo test được thực hiện bằng cách dùng Urea-Indol để xác định sự tồn tại của vi khuẩn Hp khi dung dịch này có hiện tượng chuyển từ màu vàng sang màu hồng cánh sen. Nếu dung dịch không chuyển màu nghĩa là người bệnh có kết quả âm tính với vi khuẩn Hp. Kết quả xét nghiệm có độ nhạy từ 85% -95% và độ đặc hiệu từ 95% -100%.
  • Xét nghiệm gene di truyền: Trong trường hợp nếu Cô Bác, Anh Chị có người nhà mắc bệnh ung thư dạ dày hoặc đã từng bị polyp ở dạ dày, đa polyp tuyến gia đình sẽ được bác sĩ chỉ định xét nghiệm gene để loại trừ các hội chứng di truyền.

Nội soi tiêu hóa

Chẩn đoán polyp dạ dày được thực hiện thông qua nội soi tiêu hóa trên (nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng) bằng một dây soi có gắn camera độ phóng đại trên 500 lần, soi đến cấp độ tế bào kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để chẩn đoán chính xác và đồng nhất kết quả.

Nội soi tiêu hóa là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý dạ dày. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.

Biến chứng của polyp dạ dày

Biến chứng nguy hiểm nhất của polyp dạ dày là ung thư dạ dày và ung thư tá tràng. Tùy theo người bệnh bị mắc loại polyp dạ dày nào mà mức độ nguy hiểm và khả năng tiến triển thành ung thư dạ dày sẽ khác nhau.

Theo thống kê của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, nguy cơ tiến triển thành ung thư của một số loại polyp trong dạ dày thường gặp được liệt kê trong bảng sau:

Loại polyp dạ dàyNguy cơ tiến triển thành ung thư
Polyp tăng sản (Hyperplastic polyp)Thấp nhưng có liên quan đến ung thư đồng thời (Synchronous cancer)
Polyp tuyến đáy vị (Fundic gland polyp)Thấp
Đa polyp tuyến gia đình (FAP)Cao
Polyp u tuyến dạ dày (Adenomatous polyp)Cao
Polyp sợi viêm (Inflammatory fibroid polyp)Rất thấp
U thần kinh nội tiết dạ dày (Gastric neuroendocrine tumor)Phụ thuộc vào loại khối u
U mô đệm dạ dày ruột (Gastrointestinal stromal tumor polyp)Cao
U cơ trơn (Leiomyoma)Thấp
Khối u tế bào hạtThấp

Do đó, tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ sẽ giúp Cô Bác, Anh Chị phát hiện các triệu chứng ung thư giai đoạn sớm ở hệ tiêu hóa, nâng cao hiệu quả điều trị và theo dõi sự tiến triển của polyp trong dạ dày.

Cách điều trị polyp dạ dày

Cách điều trị polyp dạ dày tốt nhất là loại bỏ bằng kềm sinh thiết hoặc cắt bằng thòng lọng trong khi nội soi trong trường hợp polyp phát triển lớn, gây ra các triệu chứng tắc nghẽn. Nếu polyp ở dạ dày là bệnh lý lành tính, polyp có kích thước nhỏ và không gây ra các biến chứng cho người bệnh thì không cần phải điều trị. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần khám sức khỏe và tầm soát ung thư tiêu hóa mỗi năm 1 lần để kiểm tra sự tiến triển của polyp.

Điều trị polyp dạ dày
Điều trị polyp dạ dày bằng cách phẫu thuật cắt bỏ polyp thông qua nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Các lựa chọn điều trị polyp dạ dày

Chỉ định phẫu thuật cắt polyp dạ dày sẽ phụ thuộc vào loại polyp và kích thước, bao gồm:

  • Polyp nhỏ không phải là u tuyến: các polyp này có thể không cần điều trị. Bác sĩ sẽ khuyến nghị Cô Bác, Anh Chị nên thăm khám theo dõi định kỳ.
  • Polyp có kích thước lớn: những polyp này có thể cần phải được loại bỏ để ngăn ngừa tắc nghẽn. Hầu hết các polyp dạ dày có thể được loại bỏ khi nội soi ống tiêu hóa trên.
  • Polyp u tuyến dạ dày: những khối u này có thể trở thành ung thư và thường được loại bỏ khi nội soi ống tiêu hóa trên.
  • Polyp liên quan đến đa polyp tuyến gia đình: những polyp này cần được loại bỏ vì chúng có nguy cơ cao trở thành ung thư.

Các lựa chọn phẫu thuật cắt polyp dạ dày

Các lựa chọn cắt polyp dạ dày để điều trị có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ polyp qua nội soi: nếu khối u có kích thước trên 0,5cm thì nên được cắt bỏ để hạn chế những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như phát triển thành ung thư. Bệnh nhân sẽ được tiêm một dung dịch bên dưới polyp để tách khối u khỏi các mô khỏe mạnh xung quanh. Sau đó, bác sĩ sẽ cắt bỏ polyp bằng kẹp sinh thiết, polyp lớn được cắt bằng một thòng lọng gọi là snare. Phương pháp đốt điện giúp cầm máu ngay sau khi cắt polyp và không khiến người bệnh đau đớn. Thòng lọng sẽ tròng qua phần đáy của polyp và đốt bằng điện.
  • Phẫu thuật ít xâm lấn: đối với các loại polyp quá lớn, polyp không có cuống hoặc polyp nằm sát thành niêm mạc không thể cắt bằng nội soi thì thủ thuật ít xâm lấn sẽ được áp dụng. Bác sĩ sẽ tiến hành kỹ thuật cắt bỏ niêm mạc (EMR) hoặc kỹ thuật bóc tách dưới niêm mạc (ESD) qua nội soi, vừa lấy trọn polyp và vừa lấy một mảng niêm mạc quanh chân polyp. Phương pháp này còn có tên gọi khác là phẫu thuật nội soi.
  • Phẫu thuật mở bụng: đối với các loại polyp ở dạ dày có kích thước quá lớn và số lượng nhiều, nguy cơ chuyển dạng ác tính rõ ràng hay dựa trên kết quả sinh thiết qua nội soi trước đó, phẫu thuật mở bụng để cắt polyp dạ dày hay cắt bán phần, toàn phần dạ dày sẽ được xem xét.

Bác sĩ có thể chỉ định nội soi dạ dày theo dõi định kỳ sau khi cắt polyp dạ dày để kiểm tra polyp tái phát. Nếu polyp là do nhiễm trùng, phương pháp điều trị là dùng thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn Hp.

Những điểm cần lưu ý

Phương pháp phòng ngừa bệnh polyp dạ dày

Xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ phát triển polyp dạ dày và giảm thiểu nguy cơ ung thư đường tiêu hóa. Những phương pháp phòng ngừa polyp dạ dày, bao gồm:

  • Thay đổi chế độ ăn lành mạnh, giàu chất xơ, rau, củ, quả, hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, cay, nóng,…
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thịt mỡ, ngũ cốc thô,…
  • Ngừng hút thuốc lá, uống rượu bia.
  • Uống đủ nước và tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày, có thể bổ sung thêm các loại nước ép từ trái cây, rau, quả,… hỗ trợ hệ miễn dịch cũng như sức đề kháng của cơ thể trước tác nhân gây bệnh. 
  • Luyện tập thể thao phù hợp, thư giãn đầu óc để giải tỏa những căng thẳng, áp lực hàng ngày như ngồi thiền, yoga,…
  • Thực hiện tầm soát ung thư dạ dày, kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện sớm những bệnh lý bất thường của cơ thể. 
  • Không được tự ý mua thuốc điều trị khi chưa được bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Đồng thời, không được sử dụng các bài thuốc dân gian không chính thống vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Phương pháp phòng ngừa bệnh polyp dạ dày
Thói quen sinh hoạt lành mạnh giúp cải thiện sức khỏe. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Những điều cần lưu ý về bệnh polyp dạ dày

  • Polyp dạ dày là những khối tăng trưởng bất thường tại lớp niêm mạc dạ dày.
  • Hầu hết các polyp dạ dày thực sự không trở thành ung thư. Tuy nhiên, một số loại có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày trong tương lai như polyp u tuyến.
  • Người bệnh dùng thuốc ức chế bơm proton (PPI) lâu ngày để điều trị các bệnh lý về dạ dày như viêm dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản,… có nguy cơ cao phát triển polyp dạ dày.
  • Phẫu thuật cắt polyp dạ dày giúp ngăn ngừa ung thư dạ dày phát triển.
  • Một chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, khoa học có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư.
  • Theo thống kê của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ năm 2018, tỷ lệ xuất hiện polyp dạ dày khác nhau ở các độ tuổi. Cụ thể như dưới 41 tuổi chiếm 5,7%, độ tuổi từ 41 – 50 tuổi chiếm 14,6%, độ tuổi từ 51 – 60 tuổi chiếm 20,8%, độ tuổi từ 61 – 70 tuổi chiếm 30,2%, độ tuổi từ 71 – 80 tuổi chiếm 24% và trên 80 tuổi chiếm 4,7%.

Người bệnh polyp dạ dày nên ăn gì và kiêng gì?

Đối với bệnh nhân đang điều trị polyp dạ dày, người đã từng mắc bệnh hoặc có nguy cơ cao nên thực hiện các chế độ ăn uống khoa học. Vậy người bệnh polyp dạ dày nên ăn gì và kiêng gì?

  • Người bệnh sau khi cắt polyp nên ăn các loại thức ăn lỏng, mềm, để nguội và dễ tiêu hóa.
  • Người bệnh cắt polyp dạ dày nên kiêng ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, cay, nóng.
  • Tăng hàm lượng chất xơ bằng cách ăn nhiều trái cây, rau xanh, củ quả, đậu và ngũ cốc nguyên cám.
  • Bổ sung thực phẩm giàu protein có trong thịt nạc, cá, sữa,…
  • Bổ sung nước cho cơ thể.
  • Ngừng uống rượu bia, thức uống có cồn, hút thuốc lá, chất kích thích.
  • Giảm hàm lượng chất béo, thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn trong khẩu phần ăn.

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Mayo Clinic Staff. Stomach polyps. 16 01 2021. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stomach-polyps/symptoms-causes/syc-20377992 (đã truy cập 05 27, 2021).
  3. —. Stomach polyps. 16 01 2021. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stomach-polyps/diagnosis-treatment/drc-20377996 (đã truy cập 05 27, 2021).
  4. Rafiul Sameer Islam, MD, MBA, Neal C. Patel, MD, Dora Lam-Himlin, MD, Cuong C. Nguyen, MD. “Gastric Polyps: A Review of Clinical, Endoscopic, and Histopathologic Features and Management Decisions.” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. 09 10 2013. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3992058/ (đã truy cập 05 27, 2021).
  5. Robinson, Jennifer, biên tập viên. What You Need to Know About Polyps. 10 09 2019. https://www.webmd.com/cancer/ss/slideshow-polyps (đã truy cập 05 27, 2021).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?

Chia sẻ nội dung: