Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Thống kê của GLOBOCAN vào năm 2020 cho thấy, tình hình mắc bệnh và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đang có xu hướng tăng lên. Trong đó, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới đã tăng thêm 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia) và tỷ lệ tử vong do ung thư tăng thêm 6 bậc (xếp thứ 50/185) so với số liệu ghi nhận vào năm 2018. Như vậy, ung thư chính là một vấn nạn lớn của nước Việt Nam, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người. Tầm soát ung thư được xem là giải pháp giúp phát hiện sớm ung thư trước khi có triệu chứng, tăng tỷ lệ thành công khi điều trị. Như vậy, hiện nay có các gói tầm soát ung thư nào? Lý do cần tầm soát và nên thực hiện ở đâu? Mời Cô Bác, Anh Chị cùng theo dõi bài viết sau nhé!

Các hạng mục trong gói tầm soát ung thư toàn diện

Tầm soát ung thư là tập hợp nhiều loại xét nghiệm để phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm khi ung thư chưa biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Ung thư khi được phát hiện ở giai đoạn sớm có khả năng cao được điều trị dứt điểm bằng các phương pháp điều trị ung thư thường dùng. Bên cạnh đó, tầm soát ung thư còn có thể giúp kịp thời ngăn chặn trước khi ung thư có thể phát triển.

Hiện nay, nhiều cơ sở y tế có xây dựng các gói tầm soát ung thư tổng quát với nhiều hạng mục khác nhau để cung cấp dịch vụ tầm soát nhiều loại ung thư.

Một số gói tầm soát ung thư tổng quát thường áp dụng ở các cơ sở y tế hiện nay gồm:

  • Tầm soát ung thư dạ dày
  • Tầm soát ung thư đại – trực tràng
  • Tầm soát ung thư gan – mật – tụy
  • Tầm soát ung thư phổi
  • Tầm soát ung thư vòm họng
  • Tầm soát ung thư tuyến giáp
  • Tầm soát ung thư vú
  • Tầm soát ung thư cổ tử cung – buồng trứng
  • Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến

Tầm soát ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một bệnh lý ung thư phổ biến trên thế giới với tỷ lệ tử vong ở mức cao. Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), trong năm 2020, có hơn 1 triệu ca mắc ung thư dạ dày mới được ghi nhận trên toàn thế giới, trong đó có gần 770 000 ca tử vong.

Riêng tại Việt Nam, theo thống kê của Tổ chức Ung thư Toàn cầu (GLOBOCAN) vào năm 2020, nước ta ghi nhận 17 906 ca mắc mới và 14 615 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong của ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong số các loại ung thư được ghi nhận ở nước ta.

Ung thư dạ dày có tỷ lệ tử vong cao bởi vì khi ở giai đoạn sớm, ung thư hầu như không biểu hiện bất kỳ triệu chứng đặc hiệu nào. Khi người bệnh nhận thấy triệu chứng bất thường thì ung thư đã bước sang giai đoạn muộn, tiên lượng bệnh rất xấu. Một số triệu chứng người bệnh có thể biểu hiện gồm nuốt khó, khó tiêu, buồn nôn và nôn, sụt cân, ăn nhanh no và có thể kèm theo thiếu máu thiếu sắt (nếu có xuất huyết).

Tuy nhiên, nếu ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm đạt mức 95 – 99% so với ít hơn 30% khi ung thư bị phát hiện ở giai đoạn muộn. Vì vậy, việc tầm soát ung thư dạ dày định kỳ rất quan trọng, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao như là người lớn tuổi, béo phì, nhiễm Helicobacter pylori, người thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá,…

Các xét nghiệm cận lâm sàng có thể được chỉ định trong tầm soát ung thư dạ dày là:

  • Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng.
  • Sinh thiết.
  • Xét nghiệm đo nồng độ Pepsinogen trong máu.
  • Chẩn đoán hình ảnh, bao gồm chụp CT và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET).
gói tầm soát ung thư dạ dày cơ bản
Ung thư dạ dày xảy ra khi tế bào ác tính phát triển trong lớp niêm mạc dạ dày, gây ra triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh (Ảnh minh họa sưu tầm).

Tầm soát ung thư đại – trực tràng

Ung thư đại – trực tràng là một trong những bệnh lý ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Theo tổ chức GLOBOCAN năm 2020, ung thư đại – trực tràng ghi nhận 1,9 triệu ca mắc trên toàn thế giới, đứng thứ 3 trong các loại ung thư thường thấy với 930 000 ca tử vong cũng được ghi nhận.

Riêng đối với Việt Nam, ung thư đại – trực tràng là nguyên nhân gây ra 8 203 ca tử vong trên tổng số 15 847 ca mắc mới được ghi nhận năm 2020. Đây là bệnh ung thư đứng hàng thứ 5 trong các loại ung thư phổ biến ở nước ta.

Tương tự với ung thư dạ dày, ung thư đại – trực tràng thường không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn sớm. Khi bước vào giai đoạn muộn mới biểu hiện một số triệu chứng như thay đổi thói quen đại tiện, đau bụng, sụt cân không rõ nguyên do, suy nhược cơ thể, thiếu máu thiếu sắt,…

Việc tầm soát để phát hiện sớm ung thư đại – trực tràng là rất quan trọng. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót khi ung thư đại – trực tràng được phát hiện sớm, còn ở giai đoạn khu trú lên tới 90%. Tỷ lệ này giảm dần khi ung thư được phát hiện càng muộn. Tỷ lệ sống còn khi ở giai đoạn di căn xa chỉ khoảng 13%.

Các xét nghiệm cận lâm sàng có thể được chỉ định khi tầm soát ung thư đại – trực tràng là:

  • Nội soi đại tràng.
  • Nội soi trực tràng – đại tràng sigma.
  • Xét nghiệm phân, bao gồm xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (FOBT), xét nghiệm DNA trong phân (FIT-DNA).
  • Chụp X-quang đại trực tràng có cản quang.
gói tầm soát ung thư đại - trực tràng tổng quát
Nội soi là một trong những phương pháp có thể được chỉ định để phát hiện tổn thương tiền ung thư đại – trực tràng (Ảnh minh họa sưu tầm).

Tầm soát ung thư gan – mật – tụy

Theo thống kê của tổ chức GLOBOCAN năm 2020, ung thư gan là loại ung thư gây tử vong đứng thứ 2 trên toàn thế giới và đứng hàng đầu ở Việt Nam. Bên cạnh đó, ung thư gan cũng là loại ung thư phổ biến đứng đầu trong các loại ung thư tại nước ta. Đây là loại ung thư nguy hiểm và vô cùng phổ biến, ảnh hưởng đến rất nhiều người.

Thông thường, những đối tượng ở nhóm nguy cơ cao như người mắc viêm gan mạn tính, mắc bệnh xơ gan, người thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá,… được khuyến cáo nên đi tầm soát ung thư gan định kỳ. Nhờ đó, bác sĩ có thể phát hiện ung thư từ giai đoạn sớm nhất. Khi đó, khả năng thành công của liệu trình điều trị thành công thường đạt mức tốt nhất.

Ngoài ra, ung thư mậtung thư tụy là 2 loại ung thư ít phổ biến hơn ung thư gan nhưng nó cũng là nguyên nhân gây ra hơn 1000 ca tử vong trong năm 2020. Đối với ung thư tụy, một số nhóm người được khuyến cáo nên tầm soát thường xuyên gồm người thừa cân, béo phì, người thường xuyên hút thuốc lá, người mắc đái tháo đường hoặc mắc bệnh viêm tụy mạn tính,… Đối với ung thư mật, người mắc sỏi mật, béo phì, lớn tuổi hoặc có tiền sử gia đình,… nên đi tầm soát ung thư mật định kỳ.

Vì vậy, việc tầm soát để phát hiện sớm ung thư gan – mật – tụy là cách để bảo vệ bản thân trước ung thư, kéo dài sự sống. Ung thư gan – mật – tụy khi được phát hiện sớm có tiên lượng sống sau 5 năm lên tới 50 – 70% so với phát hiện ở giai đoạn muộn là 5 – 15%.

Các xét nghiệm cận lâm sàng có thể được chỉ định trong tầm soát ung thư gan – mật – tụy là:

  • Chẩn đoán hình ảnh: chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT), chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm (siêu âm bụng hoặc siêu âm nội soi EUS), chụp đường mật tụy (chụp cộng hưởng từ mật tụy ngược dòng MRCP hoặc chụp đường mật xuyên gan qua da PTC).
  • Xét nghiệm máu để tìm alpha-fetoprotein (AFP), AFP-L3, xét nghiệm PIVKA-II
  • Sinh thiết: sinh thiết qua da, sinh thiết nội soi hoặc sinh thiết phẫu thuật.

Tầm soát ung thư phổi

Theo GLOBOCAN năm 2020, ung thư phổi là bệnh lý ung thư phổ biến đứng thứ 2 (khoảng 2,2 triệu ca mắc mới) và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới (khoảng 1,8 triệu ca tử vong). Còn tại Việt Nam, ung thư phổi cũng là loại ung thư rất nguy hiểm, với số ca mắc mới và tử vong đứng thứ 2, chỉ đứng sau ung thư gan.

Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ (ALA), chỉ có khoảng 16% các ca mắc ung thư phổi là được phát hiện ở giai đoạn sớm. Điều này có thể được lý giải là do bệnh thường không biểu hiện ở giai đoạn sớm mà thường xảy ra khi bệnh đã tiến triển với một số triệu chứng như ho kéo dài, ho ra máu, khó thở, sụt cân, suy nhược cơ thể,…

Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với các ca ung thư phổi phát hiện còn khu trú là 56%, khi ung thư đã tiến triển và di căn xa thì tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 5%. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao gồm hút thuốc lá, từng thực hiện xạ trị, tiền sử bệnh lý gia đình, thường xuyên tiếp xúc với không khí ô nhiễm, khói bụi,… nên đi tầm soát ung thư phổi.

Việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư phổi có khả năng cải thiện tỷ lệ sống sót sau 5 năm và giúp ngăn chặn nhiều ca tử vong gây ra bởi bệnh này.

gói tầm soát ung thư phổi toàn diện - hút thuốc là một trong những nguyên nhân
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân khiến tế bào bình thường nằm trong phổi ngày càng bị tổn thương và theo thời gian có thể phát triển thành ung thư (Ảnh minh họa sưu tầm).

Các xét nghiệm cận lâm sàng có thể được chỉ định trong gói khám tầm soát ung thư phổi là:

  • Chẩn đoán hình ảnh như X-quang ngực, chụp CT, chụp PET-CT.
  • Nội soi phế quản.
  • Sinh thiết như nội soi lồng ngực, nội soi trung thất, sinh thiết kim qua da.

Tầm soát ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là một loại bệnh lý thường gặp tại Việt Nam. Trong năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận 6 040 ca mắc ung thư vòm họng mới, đứng thứ 9 trong các loại ung thư. Đây cũng là bệnh lý có số người tử vong đứng thứ 7 với 3 706 ca. Các triệu chứng thường được ghi nhận bao gồm đau họng, khó thở, cảm thấy có khối bất thường nổi lên ở mũi hoặc cổ, chảy máu cam,…

Theo số liệu của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, dựa trên dữ liệu SEER (Surveillance, Epidemiology, and End Results database), tỷ lệ sống sót sau 5 năm giảm dần khi ung thư được phát hiện ở giai đoạn trễ. Cụ thể, đối với ung thư vòm họng ở giai đoạn khu trú thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 82% , ung thư lan ra khu vực lân cận là 74% và ung thư đã di căn là 49%.

Do đó, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư giúp cải thiện tỷ lệ sống còn, tăng tỷ lệ thành công khi điều trị và đảm bảo sức khỏe cho người bệnh.

Các xét nghiệm cận lâm sàng có thể được chỉ định trong gói tầm soát ung thư vòm họng là:

  • Xét nghiệm máu.
  • Nội soi thanh quản.
  • Chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp X-quang ngực, chụp CT, chụp MRI, chụp PET-CT.
  • Sinh thiết.

Tầm soát ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là loại ung thư có tổng số ca mắc mới đứng thứ 10 với 5 471 ca mắc mới tại Việt Nam được ghi nhận trong năm 2020. Bệnh cũng là nguyên nhân gây ra 642 ca tử vong, đứng hàng thứ 22 trong các loại ung thường gặp ở nước ta.

Có 4 loại ung thư tuyến giáp:

  • Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú (PTC) (dạng phổ biến nhất)
  • Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang (FTC)
  • Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy (MTC)
  • Ung thư biểu mô tuyến giáp thể không biệt hóa (ATC)

Ở giai đoạn đầu, bệnh có thể không gây ra bất kỳ dấu hiệu nào. Đến khi phát triển, ung thư tuyến giáp có thể gây ra các triệu chứng như cảm thấy có khối nổi ở cổ họng, khàn tiếng, nuốt khó, nuốt đau, đau họng, sưng hạch bạch huyết ở cổ,…

Theo dữ liệu của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, việc phát hiện và điều trị ung thư ở giai đoạn khu trú đều có tỷ lệ sống sót trên 99,5%, trừ dạng ATC thì có tỷ lệ sống sót thấp hơn, 39%. Khi ung thư bước qua giai đoạn di căn thì tỷ lệ sống sót đều giảm xuống. Vì thế, việc tầm soát và phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm có thể điều trị dứt điểm, hạn chế ung thư bước qua giai đoạn muộn rất khó chữa trị.

Các xét nghiệm cận lâm sàng có thể được chỉ định trong gói tầm soát ung thư tuyến giáp là:

  • Xét nghiệm máu.
  • Siêu âm, chụp X-quang hoặc chụp MRI.
  • Sinh thiết.
tầm soát ung thư tuyến giáp trọn gói
Cô Bác/Anh Chị nên tầm soát ung thư tuyến giáp sớm, khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ ung thư và can thiệp kịp thời để tránh biến chứng ung thư di căn đến bộ phận cơ thể khác (Ảnh minh họa từ Medical News Today).

Tầm soát ung thư vú

Ở Việt Nam, mỗi năm trên toàn quốc có khoảng 15.000 trường hợp mắc ung thư vú và trên 6000 trường hợp tử vong. Riêng trong năm 2020, có 17 906 người được chẩn đoán mắc ung thư vú trên cả nước, đứng thứ 3 trong các loại ung thư. Bên cạnh đó, số ca tử vong của ung thư vú cũng đứng thứ 4 với 9 345 ca, chứng tỏ đây là bệnh lý khá nguy hiểm.

Một số triệu chứng của ung thư vú thường thấy bao gồm khối nổi ở vú hoặc ở nách, sưng vú, kích ứng tại vùng da quanh vú, đau vú, thay đổi hình dạng và kích thước vú… Ung thư vú là căn bệnh thường gặp nhưng nếu được phát hiện sớm thì có thể chữa trị được hoàn toàn.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm khi ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn khu trú lên tới 99%. Con số này giảm dần khi ung thư dần phát triển, với 86% khi ung thư đã lan sang khu vực xung quanh hoặc hạch bạch huyết và chỉ còn 30% nếu ung thư đã di căn xa.

Vì thế, các phụ nữ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, nên quan tâm và thực hiện khám sàng lọc ung thư vú định kỳ giúp đảm bảo sức khỏe cho bản thân.

Các xét nghiệm cận lâm sàng có thể được chỉ định trong gói tầm soát ung thư vú là:

  • Khám vú lâm sàng.
  • Chụp nhũ ảnh.
  • Siêu âm, chụp cộng hưởng từ MRI.

Tầm soát ung thư cổ tử cung – buồng trứng

Theo dữ liệu của tổ chức GLOBOCAN năm 2020, tại Việt Nam, có tổng cộng 5 536 người được chẩn đoán là mắc ung thư cổ tử cung – buồng trứng với số người tử vong do 2 bệnh lý này là 3 146 người.

Ung thư cổ tử cung xảy ra khi tế bào ung thư phát triển trong cổ tử cung, thường gặp ở phụ nữ ngoài 30 tuổi. Theo như Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, các dấu hiệu phổ biến của ung thư cổ tử cung có thể bao gồm chảy máu âm đạo sau khi quan hệ hoặc sau khi mãn kinh, đau khi quan hệ tình dục, đau quanh khung chậu, tiểu khó hoặc tiểu ra máu,…

Cũng theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư cổ tử cung khi được phát hiện sớm là 92%, ung thư bắt đầu lan sang khu vực lân cận là 59% và con số này chỉ còn 17% khi ung thư đã di căn. Còn đối với ung thư buồng trứng, theo một dữ liệu ở Anh, tỷ lệ sống còn sau 5 năm khi ung thư ở giai đoạn 1 là 95% nhưng chỉ còn 15% nếu ung thư đã bước sang giai đoạn 4.

Theo khuyến cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), phụ nữ từ năm 21 tuổi nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ. Còn đối với ung thư buồng trứng, mặc dù vẫn chưa có khuyến cáo, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư cũng rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cũng như điều trị hoàn toàn ung thư nếu có.

Các xét nghiệm cận lâm sàng có thể được chỉ định trong gói tầm soát ung thư cổ tử cung – buồng trứng là:

  • Đối với ung thư cổ tử cung: xét nghiệm PAP hoặc HPV. Các xét nghiệm khác có thể là soi cổ tử cung, chụp MRI, soi bàng quang hoặc sinh thiết.
  • Đối với ung thư buồng trứng: chẩn đoán hình ảnh (chụp MRI hoặc siêu âm), xét nghiệm máu (xét nghiệm CA-125), sinh thiết, xét nghiệm di truyền, nội soi.
các gói tầm soát ung thư cổ tử cung - buồng trứng
Chị em nên thăm khám phụ khoa và thực hiện các bước sàng lọc ung thư cổ tử cung – buồng trứng kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng sinh sản (Ảnh minh họa sưu tầm).

Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến

Ung thư tiền liệt tuyến cũng là một trong những bệnh ung thư thường gặp, đứng thứ 8 về tỷ lệ mắc và đứng thứ 10 về số ca tử vong trong các bệnh ung thư ở nam giới. Bệnh không có triệu chứng trong giai đoạn đầu đến khi ung thư bắt đầu tiến triển có thể gây ra các triệu chứng như tiểu khó, tiểu ra máu, tinh dịch có máu, sụt cân, rối loạn cương dương,…

Ung thư tiền liệt tuyến hoàn toàn có thể chữa dứt điểm nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối ung thư khu trú và ung thư lan ra khu vực lân cận là trên 99%, con số này giảm xuống còn 32% đối với ung thư đã di căn xa.

Tuy nhiên, việc thực hiện tầm soát ung thư tiền liệt tuyến với những người không có triệu chứng còn gây nhiều tranh cãi. Vì thế, đối với nam giới trên 50 tuổi có nhu cầu tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, hãy thảo luận thật kỹ với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể và chi tiết.

Các xét nghiệm cận lâm sàng có thể được chỉ định trong gói khám tầm soát ung thư tiền liệt tuyến là:

  • Kiểm tra trực tràng kỹ thuật số (DRE).
  • Xét nghiệm PSA.
  • Siêu âm hoặc chụp MRI tuyến tiền liệt.
  • Sinh thiết.

Tầm soát ung thư tiêu hóa – Hạng mục cần thiết để bảo vệ sức khỏe toàn diện

Thống kê mới nhất của GLOBOCAN, nếu gộp chung trường hợp mắc ung thư về tiêu hóa thì tại Việt Nam đến năm 2020, ước tính có 67.671 ca mắc mới và 53.401 ca tử vong. Các ung thư đường tiêu hóa thường không biểu hiện triệu chứng đặc hiệu ở giai đoạn sớm, khi phát hiện ra bệnh thì ung thư đã bước sang giai đoạn muộn và di căn, làm cho các phương pháp điều trị dần mất hiệu quả, gây ra tử vong.&

Ung thư đường tiêu hóa có tỷ lệ thành công cao khi điều trị ở giai đoạn sớm, vì vậy, Cô Bác/Anh Chị nên chủ động tầm soát định kỳ nhằm phát hiện ung thư (nếu có) và nâng cao hiệu quả điều trị.

Gói tầm soát ung thư tiêu hóa thường gồm các hạng mục thăm khám như:

  • Khám lâm sàng: Quá trình khám lâm sàng bao gồm các bước hỏi về tiền sử bệnh lý, triệu chứng người bệnh gặp phải, đồng thời Bác sĩ kiểm tra bộ máy tiêu hóa để phát hiện thêm dấu hiệu bất thường (nếu có).
  • Nội soi tiêu hóa: Nội soi tiêu hóa được thực hiện ở ống tiêu hóa trên và ống tiêu hóa dưới. Qua nội soi, Bác sĩ có thể chẩn đoán và xác định được một số bất thường như viêm, loét, u ở thực quản – dạ dày – tá tràng hoặc đại – trực tràng của người bệnh.
  • Xét nghiệm: Một số xét nghiệm như xét nghiệm huyết học và vi sinh, đo hoạt độ ALT, AST, GGT,… sẽ được Bác sĩ chỉ định để tìm kiếm dấu hiệu của bệnh lý như viêm gan B, viêm gan C, ung thư gan, ung thư dạ dày hoặc ung thư đại tràng.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Chẩn đoán hình ảnh như siêu âm bụng tổng quát giúp Bác sĩ có thể nhìn thấy toàn bộ tổn thương bên trong, từ đó xác định được tình trạng Quý Khách đang gặp phải.

Tại Endo Clinic, gói tầm soát ung thư tiêu hóa được thiết kế đầy đủ các hạng mục thăm khám cần thiết. Kết hợp cùng máy móc thiết bị hiện đại và đội ngũ Bác sĩ là các chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm, đến từ các bệnh viện lớn đầu ngành, giúp mang lại kết quả chẩn đoán chính xác nhất cho Quý Khách Hàng.

nọi soi phương pháp khám tầm soát ung thư
Đội ngũ Bác sĩ giàu chuyên môn tại Endo Clinic đang thực hiện nội soi tiêu hóa cho bệnh nhân bằng phương pháp nội soi không đau (tiền mê) (Ảnh minh họa từ Endo Clinic).

Bên cạnh đó, phòng khám tiêu hoá Endo Clinic áp dụng quy trình nội soi tiêu hóa hiện đại với 4 giải pháp:

  • Máy nội soi tiên tiến hiện nay với độ phóng đại 100 – 135 lần giúp Bác Sĩ đánh giá chính xác tổn thương. Và giúp sinh thiết chính xác vị trí tổn thương, hạn chế sinh thiết nhiều lần để giảm rủi ro chảy máu trong nội soi.
  • Chế độ nhuộm ảo (NBI) giúp nổi bật cấu trúc mạch máu và bề mặt của niêm mạc, từ đó hỗ trợ Bác Sĩ dễ dàng nhận ra các dạng tổn thương để đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh lý Khách Hàng đang gặp phải.
  • Cam kết thời gian quan sát ít nhất 7 phút đồng thời chụp ít nhất 22 tấm hình ở các vị trí có nguy cơ tổn thương cao.
  • Màn hình nội soi hiện đại đạt chuẩn thế giới độ phân giải 4K cho hình ảnh sắc nét hơn, hỗ trợ Bác Sĩ nhận diện chính xác hơn tổn thương và chẩn đoán được bệnh lý Khách Hàng đang gặp phải.

Endo Clinic còn cung cấp phương pháp Nội Soi Không Đau (Nội Soi Tiền Mê) – được khuyến cáo theo Hội Tiêu Hóa Hoa Kỳ và Đồng Thuận Châu Á để tăng tỷ lệ phát hiện tổn thương. Qua đó, cam kết chẩn đoán bệnh chính xác đến 90% – 95% và tầm soát ung thư tiêu hóa hiệu quả đến 95% – 99%.

Sau đây là một số gói tầm soát ung thư tiêu hóa tại phòng khám nội soi tiêu hóa Endo Clinic mà Cô Bác/Anh Chị có thể tham khảo:

Gói tầm soát ung thư đại – trực tràng: Tầm soát ung thư đại – trực tràng giúp sàng lọc và phát hiện vấn đề liên quan đến đại – trực tràng. Gói khám này bao gồm dịch vụ như siêu âm bụng tổng quát, chụp X-quang ngực thẳng, đo điện tim, nội soi đại – trực tràng (nội soi tiền mê) và xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận,…

Gói tầm soát ung thư gan – tụy – mật: Đối với gói khám tầm soát ung thư gan – tụy – mật, Quý Khách Hàng được Bác sĩ chỉ định “đúng và đủ” Cận Lâm Sàng như siêu âm bụng tổng quát, đo điện tim, xét nghiệm huyết học, xét nghiệm dấu ấn ung thư,…

Gói tầm soát ung thư thực quản – dạ dày – tá tràng: Gói khám này bao gồm dịch vụ như nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng (nội soi tiền mê), có sinh thiết chẩn đoán H. pylori (làm CLO-test) và một số xét nghiệm liên quan như xét nghiệm đánh giá đường huyết, đánh giá chức năng gan, chức năng thận, xét nghiệm tầm soát viêm gan virus,…

gói khám bệnh tầm soát ung thư
Với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ Bác sĩ giỏi và quy trình nội soi tiên tiến, Endo Clinic cam kết khám ra bệnh – trị hết bệnh – ngừa ung thư để Quý Khách Hàng tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh lâu dài (Ảnh lấy từ Facebook Endo Clinic).

Gói tầm soát ung thư hệ tiêu hóa: Gói tầm soát ung thư hệ tiêu hóa tại Endo Clinic bao gồm 13 dịch vụ khác nhau, giúp Bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh lý mắc phải của Khách hàng là gì và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

Gói tầm soát ung thư ống tiêu hóa: Gói tầm soát này gồm có dịch vụ siêu âm bụng tổng quát; đo điện tim; xét nghiệm; chụp X-quang ngực thẳng; nội soi cặp thực quản – dạ dày – tá tràng và đại – trực tràng; có sinh thiết chẩn đoán H.Pylori (làm CLO – test). Khi nội soi, Bác sĩ còn sử dụng dụng cụ và dịch vụ giải phẫu bệnh hiện đại để hỗ trợ quá trình chẩn đoán chính xác hơn, đánh giá được nguy cơ ung thư ống tiêu hóa.

Endo Clinic làm việc từ 6h sáng đến 15 giờ chiều, tiện lợi cho Cô Bác/Anh Chị ở xa đến khám và về ngay trong ngày. Quý khách có thể trực tiếp đến phòng khám (xem bản đồ hướng dẫn đường đi) hoặc là đặt lịch khám với Bác sĩ Endo Clinic tại đây: Đặt Lịch Khám.

Lưu ý cần biết khi tầm soát ung thư

Một số lưu ý quan trọng khi tầm soát bệnh lý ung thư thường xuyên là:

  • Tầm soát ung thư định kỳ giúp phát hiện bệnh sớm (nếu có), từ đó tăng hiệu quả điều trị và ít tốn kém chi phí. Vì thế, Cô Bác/Anh Chị nên chủ động thăm khám, sàng lọc ung thư.
  • Bên cạnh lợi ích mang lại, một số xét nghiệm ung thư có thể ảnh hưởng về thể chất (bầm tím, khó chịu), phơi nhiễm phóng xạ,… Một vài trường hợp tầm soát cho kết quả dương tính giả. Cô Bác/Anh Chị nên tầm soát ung thư định kỳ và thực hiện tại các cơ sở, bệnh viện uy tín để đảm bảo kết quả chính xác.

Qua những thông tin trên đây, hi vọng Cô Bác/Anh Chị đã nắm rõ gói tầm soát ung thư toàn diện gồm những gì. Bệnh ung thư là một vấn nạn đối với sức khỏe cộng đồng. Vì thế, tầm soát ung thư định kỳ là việc làm cần thiết để sớm phát hiện bệnh, can thiệp kịp thời, giúp nâng cao hiệu quả điều trị ung thư.

Câu hỏi thường gặp

Giá tầm soát ung thư toàn diện bao nhiêu?

Tùy vào mỗi cơ sở y tế và danh mục tầm soát mà có chi phí gói tầm soát ung thư toàn diện sẽ khác nhau. Cô Bác/Anh Chị nên liên hệ với cơ sở y tế dự định thực hiện tầm soát ung thư để được tư vấn cụ thể hơn.

Các gói khám tầm soát ung thư phổ biến hiện nay?

Những gói khám tầm soát ung thư được khuyến nghị như tầm soát ung thư dạ dày, tầm soát ung thư đại trực tràng, tầm soát ung thư gan – mật – tụy, tầm soát ung thư phổi,…

Tài liệu tham khảo:

1. Cleveland Clinic medical professional. Cancer Screening. 09/07/2022. https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/24118-cancer-screening (Đã truy cập 24/05/2023)

2. Cancer Research UK. What is cancer screening? 10/11/2022. https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cancer-symptoms/spot-cancer-early/screening/what-is-cancer-screening (Đã truy cập 24/05/2023)

3. Mayo Clinic Staff. Stomach cancer. 26/04/2023. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stomach-cancer/diagnosis-treatment/drc-20352443 (Đã truy cập 24/05/2023)

4. National Cancer Institute. Stomach (Gastric) Cancer Screening (PDQ®)–Patient Version. 30/03/2022. https://www.cancer.gov/types/stomach/patient/stomach-screening-pdq (Đã truy cập 24/05/2023)

5. National Cancer Institute.Colorectal Cancer Screening (PDQ®)–Patient Version. 10/06/2022. https://www.cancer.gov/types/colorectal/patient/colorectal-screening-pdq (Đã truy cập 24/05/2023)

6. The American Cancer Society medical and editorial content team. Tests for Pancreatic Cancer. 02/01/2020. https://www.cancer.org/cancer/types/pancreatic-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html (Đã truy cập 24/05/2023)

7. Cancer Net Editorial Board. Liver Cancer: Screening. 05/2022. https://www.cancer.net/cancer-types/liver-cancer/screening. (Đã truy cập 24/05/2023)

8. NHS. Lung cancer. 01/11/2022. https://www.nhs.uk/conditions/lung-cancer/diagnosis/ (Đã truy cập 24/05/2023)

9. CDC. What Is Lung Cancer? 25/10/2022. https://www.cdc.gov/cancer/lung/basic_info/what-is-lung-cancer.htm (Đã truy cập 24/05/2023)10. Nadia Jaber. Cancer Screening Guidelines Often Lack Information on Potential Harms, Study Finds. 23/11/2022. https://www.cancer.gov/news-events/cancer-currents-blog/2022/cancer-screening-guidelines-lack-harms (Đã truy cập 24/05/2023)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?