ĐAU THƯỢNG VỊ

Đau thượng vị hay được nghĩ đến bệnh lý dạ dày do cảm giác đau ở ngay vùng bụng trên. Tuy nhiên, đau thượng vị là một triệu chứng có nguyên nhân đến từ nhiều bệnh lý bên trong lẫn bên ngoài đường tiêu hóa, không chỉ từ bệnh lý dạ dày. Triệu chứng đau tức vùng thượng vị thường xuất hiện từ dưới xương ức đến trên rốn và có thể lan sang 2 bên mạn sườn.

Nguyên nhân Đau thượng vị

ĐAU THƯỢNG VỊ LÀ GÌ?

Đau thượng vị (tên tiếng Anh: epigastric pain) đề cập đến cơn đau xuất hiện ở giữa 2 bên xương sườn, dưới xương ức và trên rốn.

Đau bụng vùng thượng vị thường xảy ra cùng với các triệu chứng tiêu hóa khác như ợ chua, đầy hơi, buồn nôn,… Đau vùng thượng vị có thể từ nhẹ đến nặng, đôi khi chỉ xuất hiện và kéo dài 1 – 2 ngày nhưng các cơn đau cũng có thể lặp đi lặp lại và kéo dài với tần suất phổ biến hơn nếu người bệnh không đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế.

Đặc biệt cần lưu ý, một cơn đau thượng vị cấp tính, dữ dội có thể là một vấn đề ngoại khoa cần phẫu thuật cấp cứu. Do đó, Quý Khách cần nắm rõ về cơn đau tức vùng thượng vị của mình để có thể nhận ra vấn đề nghiêm trọng và nhanh chóng đến cơ sở y tế.

Đau vùng thượng vị thường không phải là một triệu chứng nghiêm trọng nhưng nếu không được thăm khám và điều trị sớm sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe và cuộc sống hằng ngày của người bệnh.

tRIỆU CHỨNG CẦN ĐI KHÁM BÁC SĨ
nguyên nhân đau thượng vị

Đau thượng vị đôi khi chỉ xuất hiện 1 – 2 ngày hoặc lâu hơn nếu không được thăm khám và điều trị sớm (Ảnh minh họa sưu tầm).

Vùng thượng vị nằm ở đâu?

Vùng thượng vị là vùng bụng có ranh giới từ rốn trở lên đến phía dưới xương ức. Khu vực này tập trung nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể như ống thực quản, gan, dạ dày, tụy và tá tràng,… Vì vậy, cảm giác đau âm ỉ hoặc đau vùng thượng vị từng cơn sẽ phụ thuộc vào vị trí bị tổn thương.

Các cơn đau bụng vùng thượng vị không hẳn chỉ là đau thượng vị dạ dày mà thực tế có rất nhiều bệnh lý khác cũng gây nên triệu chứng này, thậm chí có những trường hợp nếu không phát hiện để điều trị sớm thì có thể gây ung thư, đe dọa đến tính mạng.

THỜI ĐIỂM ĐAU THƯỢNG VỊ

Thời điểm đau thượng vị có thể sẽ khác nhau ở từng bệnh nhân, đau thượng vị liên quan dạ dày có thể xảy ra tại nhiều thời điểm khác nhau như:

  • Đau thượng vị về đêm: thường lặp đi lặp lại lúc 1 – 2 giờ sáng, nguyên nhân do sự tăng tiết dịch axit dạ dày vào thời điểm dạ dày trống, đã tiêu hóa hết thức ăn.
  • Đau tức thượng vị khi đói: khi đói, dạ dày rỗng dẫn đến hiện tượng axit dịch vị tăng lên khiến bạn cảm thấy khó chịu, tình trạng này nếu để lâu dài axit sẽ ảnh hưởng đến lớp niêm mạc dẫn đến đau thượng vị.
  • Đau bụng vùng thượng vị sau khi ăn: thường xuất hiện khi trong dạ dày đã xuất hiện những ổ viêm loét, vì vậy khi thực phẩm đi qua có thể ma sát, tác động đến những vị trí bị viêm dẫn đến tình trạng đau thượng vị sau ăn.

NGUYÊN NHÂN ĐAU THƯỢNG VỊ

Nguyên nhân đau thượng vị đến từ rất nhiều yếu tố khác nhau như lối sống, chế độ ăn uống, thói quen hằng ngày, các bệnh lý tiêu hóa, bệnh tim mạch,… Cụ thể:

Đau bụng vùng thượng vị do lối sống và chế độ ăn uống

Ăn uống không điều độ, sinh hoạt không khoa học là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng đau thượng vị. Những thói quen này nếu lặp đi lặp lại trong thời gian dài có thể dẫn đến một số bệnh lý và biến chứng nguy hiểm.

Các nguyên nhân gây đau thượng vị bắt nguồn từ lối sống gồm:

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh
  • Phản ứng với thực phẩm
  • Thói quen uống bia rượu
  • Thói quen hút thuốc
  • Căng thẳng

> Chế độ ăn uống không lành mạnh

Chế độ dinh dưỡng không điều độ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra triệu chứng đau thượng vị, bao gồm:

  • Chế độ ăn uống thất thường, không khoa học, ăn quá no, nhịn ăn để bụng quá đói.
  • Ăn uống không đủ chất dinh dưỡng khiến sức đề kháng suy giảm.
  • Ăn quá nhiều những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cay nóng khiến dạ dày khó tiêu hóa.

> Phản ứng với thực phẩm

Phản ứng hoặc không dung nạp với một số loại thực phẩm có thể gây đau bụng vùng thượng vị (đau bụng trên rốn) ở một số người.

Ví dụ nếu Quý Khách không dung nạp lactose, không sản xuất đủ lượng enzyme cần thiết để tiêu hóa lactose trong sữa, tiêu thụ các sản phẩm từ sữa có thể gây buồn nôn, đầy hơi, chuột rút hoặc nóng rát thượng vị.

Tương tự như vậy, khi những người bị bệnh Celiac ăn gluten (một loại protein có trong lúa mì) thì cơ thể sẽ tấn công ruột non của họ. Họ có thể gặp các triệu chứng đường ruột, chẳng hạn như tiêu chảy, giảm cân hoặc đầy hơi.

> Thói quen uống rượu bia

Uống nhiều rượu bia thường xuyên có thể kích thích đường tiêu hóa gây cảm giác nóng trong dạ dày. Uống quá nhiều rượu bia có thể dẫn đến:

  • Loét dạ dày
  • Viêm dạ dày
  • Các vấn đề về đường tiêu hóa khác
đau thượng vị

Việc uống quá nhiều rượu bia có thể gây kích thích đường tiêu hóa dẫn đến các bệnh lý loét dạ dày, viêm dạ dày,… (Ảnh minh họa sưu tầm).

> Thói quen hút thuốc

Thói quen hút thuốc lá ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Những người hút thuốc thường xuyên có nhiều khả năng bị bỏng dạ dày và các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như:

  • Trào ngược dạ dày thực quản – GERD.
  • Loét dạ dày.
  • Bệnh Crohn.

> Căng thẳng

Stress cũng ảnh hưởng đến hoạt động của dạ dày và các cơ quan tiêu hóa thông qua nhiều cơ chế khác nhau, dẫn tới việc dạ dày hoạt động quá sức gây nên các tổn thương và đau vùng thượng vị. Ngoài ra, stress còn gây giảm hoặc tăng cân không rõ nguyên nhân, thường xuyên đau đầu, khó tập trung, mệt mỏi,…

Đau thượng vị do các bệnh lý đường tiêu hóa

Phần lớn các nguyên nhân chính gây đau tức vùng thượng vị đến từ các bệnh lý thuộc đường tiêu hóa trên như thực quản, dạ dày và một phần tá tràng.

Các bệnh lý có thể gây đau thượng vị bao gồm:

  • Khó tiêu chức năng
  • Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)
  • Viêm thực quản
  • Barrett thực quản
  • Viêm dạ dày
  • Loét dạ dày – tá tràng
  • Thủng dạ dày
  • Ung thư thực quản
  • Ung thư dạ dày
  • Ung thư tá tràng
  • Thoát vị cơ hoành
  • Viêm ruột thừa

> Khó tiêu chức năng

Khó tiêu chức năng (Chứng khó tiêu) thường xảy ra khi ăn phải các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên nướng, thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn,… khiến dạ dày tiết nhiều axit dịch vị hơn, trong một số trường hợp chúng gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Hậu quả của tình trạng trên có thể là bị đau vùng thượng vị, khó tiêu và kèm theo ợ hơi, đầy bụng, khó chịu vùng bụng, buồn nôn, chán ăn,…

> Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)

Đây là tình trạng dịch axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi mắc trào ngược dạ dày thực quản người bệnh có biểu hiện đau vùng thượng vị, ợ nóng, ợ trớ, kèm cảm giác đau tức ngực. Một số triệu chứng khác gồm nuốt khó, nuốt đau, buồn nôn và nôn,…

> Viêm thực quản

Đây là bệnh lý tiêu hóa có thể gây tổn thương lớp niêm mạc thực quản dẫn đến viêm sưng. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, người bệnh sẽ xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng của viêm thực quản như đau vùng thượng vị, nuốt khó, nuốt đau, đau họng, ho khan, nóng rát ở vùng ngực,…

> Barrett thực quản

Barrett thực quản là một biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Người mắc Barrett thực quản thường sẽ biểu hiện các triệu chứng giống như trào ngược dạ dày – thực quản như ợ nóng, ợ chua, đau vùng thượng vị. Một số triệu chứng khác như nuốt khó hoặc nuốt nghẹn cũng có thể xảy ra nhưng thường ít gặp.

> Viêm dạ dày

Nguyên nhân gây viêm dạ dày thường do nhiễm vi khuẩn H. pylori (Hp) hoặc do sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) thường xuyên, hay do lạm dụng rượu bia, thuốc lá,… Khi bị viêm dạ dày, người bệnh có biểu hiện nóng rát vùng thượng vị hoặc đau thượng vị kèm buồn nôn, nôn ói và cảm giác đầy bụng sau khi ăn.

nguyên nhân đau vùng thượng vị do Barrett thực quản

Barrett thực quản là tình trạng lớp niêm mạc thực quản bị tổn thương do trào ngược axit (Ảnh minh họa sưu tầm).

> Loét dạ dày – tá tràng

Loét dạ dày – tá tràng xảy ra khi lớp màng nhầy của dạ dày và tá tràng bị tổn thương nặng nề do sự xâm nhiễm của vi khuẩn Hp hoặc lạm dụng thuốc chống viêm không steroid NSAIDs,… Từ đó, màng nhầy dần bị bào mòn và mỏng xuống, tạo điều kiện acid dạ dày dễ dàng tấn công và làm tổn thương niêm mạc, từ đó hình thành ổ loét. Loét dạ dày tá tràng gây ra triệu chứng đau thượng vị kéo dài, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn và nôn,…

Tham khảo thêm > Triệu chứng viêm loét dạ dày những điều cần lưu ý

> Thủng dạ dày

Các ổ loét dạ dày dần tiến triển và ăn sâu vào trong lớp cơ của thành dạ dày, tạo thành một lỗ thủng. Điều này dẫn tới dịch dạ dày và thức ăn rò rỉ vào khoang bụng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng.

Các triệu chứng thường gặp của thủng dạ dày có thể bao gồm đau quặn đột ngột ở vùng bụng hoặc ngực, kèm theo đó là chán ăn, buồn nôn và nôn. Thủng dạ dày là tình trạng khẩn cấp cần được can thiệp y tế nhanh chóng.

> Ung thư thực quản

Ung thư thực quản là tình trạng tế bào ở lớp niêm mạc thực quản bị đột biến thành tế bào ác tính. Trong giai đoạn đầu, ung thư thực quản thường không có biểu hiện rõ ràng. Đến giai đoạn phát triển, ung thư thực quản có thể gây ra triệu chứng gồm khó nuốt, đau ngực mạn tính, sụt cân, ho hoặc khàn tiếng kéo dài không hết.

> Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là tình trạng tế bào ác tính phát triển ở lớp niêm mạc dạ dày. Triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn đầu (giai đoạn sớm) thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Các triệu chứng chỉ xuất hiện ở giai đoạn tiến triển như khó nuốt, chán ăn, ăn nhanh no, ợ nóng, đầy bụng, sụt cân…

nguyên nhân gây đau thượng vị

Đối với giai đoạn muộn, các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư dạ dày thường sẽ trở nên nghiêm trọng và nguy hiểm hơn khiến người bệnh đau bụng mạn tính, ợ nóng, suy nhược cơ thể, khó nuốt (Ảnh minh họa sưu tầm).

> Ung thư tá tràng

Ung thư tá tràng là một bệnh lý hiếm gặp nhưng có thể lây lan nhanh trong ruột non và các cơ quan khác trong hệ tiêu hóa.

Các triệu chứng ung thư tá tràng giai đoạn sớm thường không biểu hiện triệu chứng. Khi ung thư dần phát triển trong cơ thể tác động đến hệ tiêu hóa, người bệnh bắt đầu có biểu hiện như là đau thượng vị, ợ chua, buồn nôn, nôn, sụt cân, mệt mỏi,…

Khi ung thư bước sang giai đoạn muộn có thể gây nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn như thiếu máu, tắc nghẽn đường tiêu hóa, vàng da,…

> Thoát vị cơ hoành

Xảy ra khi một phần dạ dày bị đẩy vào cơ hoành thông qua các lỗ tại thực quản, nguyên nhân có thể là do cấu trúc của cơ hoành yếu. Bên cạnh triệu chứng đau thượng vị còn có một số triệu chứng khác như đau họng, ợ hơi thường xuyên, khó nuốt, đau lan sang thắt lưng, căng tức, khó chịu vùng ngực,…

> Viêm ruột thừa

Biểu hiện đầu tiên của viêm ruột thừa là đau âm ỉ ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn, sau đó cơn đau sẽ lan dần xuống hố chậu phải và trở nên đau nhói. Cơn đau sẽ trở nên trầm trọng khi người bệnh ho hoặc di chuyển. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy buồn nôn, nôn và chán ăn.

Các nguyên nhân khác gây đau thượng vị

Đau thượng vị ngoài nguyên nhân đến từ các bệnh lý thuộc đường tiêu hóa còn có thể đến từ các cơ quan khác nằm ngoài ống tiêu hóa như gan mật, tim, phổi,… hoặc một số nguyên nhân khác bao gồm:

  • Rối loạn tuyến mật: thường đến từ sỏi mật và viêm túi mật, triệu chứng thường xuất hiện là đau thượng vị bên phải nhất là sau khi ăn, vàng da, vàng mắt, chán ăn, chướng bụng, đầy hơi,…
  • Viêm gan cấp hoặc áp xe gan
  • Viêm tụy cấp, viêm tụy mạn.
  • Ngộ độc thức ăn.
  • Nhồi máu cơ tim vùng hoành.
  • Phình bóc tách động mạch chủ.
  • Viêm phổi thùy dưới, áp xe phổi, viêm màng phổi vùng hoành, viêm hoặc áp xe trung thất.
  • Đau thượng vị khi mang thai: tình trạng thai nhi phát triển tăng áp lực lên dạ dày và các cơ quan khác có thể gây ra đau bụng vùng thượng vị, sự thay đổi hormone trong quá trình mang thai cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đau thượng vị về đêm. Bên cạnh đó, nếu đau thượng vị xuất hiện đáng kể trong thai kỳ là dấu hiệu nhận biết một bệnh lý nghiêm trọng hơn gọi là tiền sản giật.
  • Tác dụng phụ của các loại thuốc như aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

Những nguyên nhân gây đau thượng vị cần cấp cứu ngay

Trong các nguyên nhân trên thì những nguyên nhân ngoại khoa gây đau thượng vị cấp gồm: thủng tạng rỗng (dạ dày, ruột,…), tắc ruột, nhồi máu mạc treo, viêm ruột thừa. Đây là những bệnh lý cần phẫu thuật cấp cứu, do đó khi bị đau thượng vị, việc đầu tiên là phải xác định xem có phải là cơn đau do một nguyên nhân ngoại khoa hay không.

  • Thủng tạng rỗng: thường gặp nhất là thủng ổ loét dạ dày – tá tràng. Người bệnh thường đã có tiền sử viêm hoặc loét dạ dày – tá tràng trước đó. Tính chất cơn đau: đột ngột, dữ dội, người bệnh thường nằm yên không dám cử động, ho hay thở mạnh. Vị trí đau đầu tiên thường ở vùng thượng vị, sau đó lan khắp ổ bụng.
nguyên nhân đau bụng vùng thượng vị

Cơn đau do thủng tạng rỗng thường bắt đầu ở vùng thượng vị, sau đó lan ra khắp ổ bụng.

  • Tắc ruột cơ học: thường cảm giác đau là triệu chứng sớm nhất, có thể đau ở một vị trí rồi lan ra khắp bụng hoặc đau khắp bụng ngay từ đầu. Đau thành từng cơn, lúc đầu ít, càng lâu thì cơn đau càng dồn dập. Các triệu chứng kèm theo: nôn sớm và nhiều nếu tắc ruột non, nôn ít hoặc không nôn nếu tắc ruột già, người bệnh có thể bị bí trung đại tiện nếu tắc ruột hoàn toàn, triệu chứng mất nước (da khô, mắt trũng, khát nước, tiểu ít,…) lúc nào cũng có do nôn, ứ dịch trong lòng ruột.
  • Nhồi máu mạc treo ruột: tuỳ vào vị trí nhồi máu mà khởi phát triệu chứng đau, thường là đau khắp bụng. Đau khởi phát đột ngột và ngày càng tăng, thường kèm theo tiêu chảy, đặc biệt là tiêu ra máu.
  • Viêm ruột thừa: lúc đầu thường đau quanh rốn hay thượng vị, sau đó lan xuống hố chậu phải là tính chất cơn đau hay gặp trong viêm ruột thừa. Đau thường âm ỉ, ít khi thành cơn. Các triệu chứng kèm theo như sốt nhẹ, chán ăn, buồn nôn,… Nếu để lâu sẽ gây biến chứng như viêm ruột thừa vỡ, viêm phúc mạc,…

KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM BÁC SĨ?

Nếu Cô Chú, Anh Chị bị đau thượng vị có tính chất gợi ý bệnh lý ngoại khoa cần phẫu thuật (như thủng dạ dày, tắc ruột..) hay bệnh lý nội khoa cần cấp cứu (như viêm gan cấp, viêm tuỵ cấp, nhồi máu cơ tim vùng hoành…) thì cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được xử trí kịp thời. Một số dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng như cơn đau thượng vị đột ngột, dữ dội, không dám cử động (thủng dạ dày) hay cơn đau lúc đầu đau âm ỉ, sau đó dữ dội, dồn dập (tắc ruột) hoặc cơn đau lúc đầu ở thượng vị sau lan xuống hố chậu phải (viêm ruột thừa) hoặc lan lên cổ, hàm dưới, cánh tay trái (nhồi máu cơ tim)…

Nhìn chung, các cơn đau thượng vị báo hiệu tình trạng nghiêm trọng thường có tính chất dữ dội hoặc gây rất nhiều khó chịu, không có biện pháp làm giảm hay hết đau.

Ngoài ra, một số triệu chứng đi kèm với đau tức thượng vị mà Quý Khách nên đi khám ngay gồm:

  • Khó thở, khó nuốt.
  • Xuất huyết tiêu hóa như nôn ra máu, đi ngoài ra máu, đi ngoài phân đen hoặc màu hắc ín.
  • Nôn nhiều.
  • Sốt cao.
  • Tức ngực.
  • Cân nặng giảm không rõ nguyên nhân.
  • Vàng mắt hoặc vàng da.
 

Có nhiều nguyên nhân gây đau thượng vị có thể dễ dàng điều trị khỏi kể cả bệnh mạn tính như viêm dạ dày, vì vậy Quý Khách hãy đến gặp Bác sĩ trong những ngày đầu xuất hiện các triệu chứng. Việc này giúp Bác sĩ điều trị hiệu quả, làm giảm các triệu chứng và kiểm soát tình trạng sức khỏe tốt hơn.

bác sĩ tư vấn những triệu chứng đau thượng vị

Đau vùng thượng vị có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, người bệnh nên đến Bác sĩ thăm khám để được chẩn đoán chính xác (Ảnh minh họa sưu tầm).

CÁC TRIỆU CHỨNG KÈM THEO ĐAU THƯỢNG VỊ

Đau thượng vị thường đi kèm các triệu chứng khác phụ thuộc vào vị trí bị tổn thương. Vì vậy, khi các triệu chứng đau thượng vị xuất hiện, Quý Khách cần xác định rõ vị trí đau, vị trí đau, mức độ đau, tình trạng, và các biểu hiện đi kèm khác giúp cho việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn.

Phân loại triệu chứng đau vùng thượng vị

Đau thượng vị có nhiều loại đau khác nhau, Cô Chú cần xác định và khai báo lại với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và tìm được phương pháp điều trị phù hợp.Triệu chứng đau thượng vị được phân loạinhư sau:

  • Đau tức: thường là các cơn đau nhẹ đi kèm theo khó thở, tức ngực, ợ nóng, ợ hơi,…
  • Đau âm ỉ, râm ran: tuy các cơn đau này không quá nặng nhưng chúng thường kéo dài, gây khó chịu, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống bệnh nhân.
  • Đau kiểu nóng rát: thường xuất hiện sau khi ăn các thực phẩm cay nóng, nhiều gia vị, khó tiêu gây kích ứng niêm mạc dạ dày khiến dạ dày nóng lên. Người bệnh có thể cảm nhận rõ dạ dày đang nóng rát, cồn cào và kèm theo các dấu hiệu khác như đau bụng, mệt mỏi, chướng bụng, đầy hơi,…
  • Đau nhói: theo thời gian, các cơn đau tức vùng thượng vị sẽ tiến triển thành đau nhói, tăng dần về mức độ lẫn tần suất xuất hiện, các cơn đau xuất hiện sau khi ăn và bệnh nhân có cảm giác như dao đâm vào ngực nếu dạ dày bị thủng.
  • Đau thắt khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, xuất hiện đột ngột và đi kèm với những biểu hiện chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, nôn ói,…
  • Đau quặn từng cơn: thường xuất hiện theo chu kì, chia thành nhiều đợt và lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày, thời gian mỗi cơn đau không quá lâu. Người bệnh sẽ có cảm giác đau dữ dội, mệt mỏi và cần đến gặp bác sĩ ngay, không nên chủ quan với triệu chứng này.
Cách điều trị đau thượng vị

Các triệu chứng đi kèm với đau thượng vị

Ngoài các cơn đau tại vùng thượng vị, bệnh nhân còn có thể xuất hiện một vài triệu chứng kèm theo do tổn thương đến từ các cơ quan xung quanh như:

  • Ợ nóng hay có cảm giác nóng rát ở ngực.
  • Thường xuyên ợ hơi, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu.
  • Tiêu chảy xen kẽ táo bón có thể xảy ra.
  • Buồn nôn, nôn ói, chán ăn.
  • Khàn giọng, đau họng.
  • Di chuyển khiến cơn đau tái phát hoặc nghiêm trọng hơn.
  • Đau khi ăn hoặc đau khi đi đại tiện.
triệu chứng đau vùng thượng vị đi kèm ợ nóng

Đau thượng vị có thể đi kèm ợ nóng, ợ hơi, chướng bụng, buồn nôn,… khiến người bệnh khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống (Ảnh minh họa sưu tầm).

Các triệu chứng nguy hiểm cần cấp cứu ngay

Trong một số trường hợp, triệu chứng đau thượng vị có thể báo hiệu cho một cơn đau tim hoặc một bệnh lý nguy hiểm khác. Quý Khách hãy đi khám bệnh ngay nếu xuất hiện các triệu chứng sau đây đi kèm với đau thượng vị:

  • Đau ngực, tức ngực, tim đập mạnh.
  • Đau vùng thượng vị lan ra sau lưng hoặc lan lên vai và xuống cánh tay.
  • Gặp khó khăn về hô hấp như thở gấp, khó thở, thở khò khè, không thở được,…
  • Đau bụng vùng thượng vị dữ dội đến mức không thể cử động, di chuyển, đứng dậy hoặc thở.
  • Nôn ra máu hoặc bã nhầy màu đen như cà phê.

CHẨN ĐOÁN TRIỆU CHỨNG ĐAU THƯỢNG VỊ

Phần lớn các trường hợp thường không nguy hiểm, nhưngdấu hiệu đau thượng vịcũng có thể báo hiệu một hay nhiều bệnh lý đang tiến triển nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng.

Để chẩn đoán cơn đau thượng vị chính xác các bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng và bệnh sử của Quý Khách. Đồng thời, Quý Khách sẽ được chỉ định thực hiện kiểm tra tim, phổi, ổ bụng, ống tiêu hóa hoặc các cơ quan xung quanh vùng thượng vị bằng các phương pháp cận lâm sàng để có đánh giá tổng thể và chi tiết.

Khám lâm sàng

Do đau thượng vị là dấu hiệu của nhiều nguyên nhân khác nhau nên để chẩn đoán tình trạng và đánh giá mức độ nghiêm trọng của cơn đau, bác sĩ sẽ xem xét: vị trí đau, hướng lan, thời điểm đau, thời gian kéo dài cơn đau, mức độ đau, tính chất cơn đau, yếu tố khởi phát và cácdấu hiệukhác đi kèm với cơnđau thượng vị, tiền sử bệnh lý thông qua một vài câu hỏi như sau:

    • Cô Bác cảm thấy đau ở đâu?
    • Cô Bác thấyđau vùng thượng vịbao lâu rồi?
    • Khi nào thì cơn đau vùng thượng vị tăng hoặc giảm?
    • Cô Bác có mắc hội chứng không dung nạp lactose không?
    • Cô Bác có bị đau thắt ngực hoặc bất kỳ vấn đề tim mạch nào khác không?
    • Các loại thuốc Cô Bác đang sử dụng là gì?

Kèm theo với các đặc điểm của cơn đau thông qua hỏi bệnh, bác sĩ cần có sự thăm khám bụng, khám toàn thân, thực hiện một số thủ thuật thăm dò và các xét nghiệm cận lâm sàng để phân loại và tìm nguyên nhân.

khám lâm sàng nhận biết nguyên nhân gây đau thượng vị

Bác sĩ có thể thực hiện khám lâm sàng và cận lâm sàng để chẩn đoán nguyên nhân gây đau thượng vị (Ảnh minh họa sưu tầm).

Cận lâm sàng chẩn đoán

Bác sĩ sẽ yêu cầu Quý Khách thực hiện thêm các xét nghiệm liên quan phụ thuộc vào từng loại đau thượng vị và các triệu chứng, biểu hiện khác nhau. Một số cận lâm sàng Quý Khách có thể thực hiện như xét nghiệm, nội soi tiêu hoá và chẩn đoán hình ảnh.

Xét nghiệm

    • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ để đánh giá tình trạng nhiễm trùng, thiếu máu,…
    • Xét nghiệm chức năng gan, thận.
    • Xét nghiệm Amylase máu nếu có liên quan viêm tuỵ cấp.
    • Xét nghiệm men tim trong máu nhằm kiểm tra các dấu hiệu tổn thương tim.
    • Thử thai cho phụ nữ trong độ tuổi mang thai.
    • Xét nghiệm phân tích nước tiểu giúp xác định tình trạng máu trong nước tiểu, các dấu hiệu liên quan đến thận.

Nội soi ống tiêu hóa

    • Nội soi ống tiêu hóa trên bao gồm nội soi thực quản, nội soi dạ dày hoặc tá tràng giúp bác sĩ quan sát được tình trạng toàn bộ ống tiêu hóa trên, xác định chính xác vị trí tổn thương và nguyên nhân gây ra tổn thương.
    • Nội soi ống tiêu hóa được chỉ định đối với các trường hợp xuất hiện các triệu chứng đau dữ dội, phân có màu đen, đau vùng thượng vị lan dần xuống bụng dưới,…

Các phương pháp nội soi ngày nay đã hạn chế xâm lấn tế bào nhờ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, kết hợp với ống nội soi có chức năng phóng đại trên 500 lần, giúp bác sĩ có thể quan sát đến mức độ tế bào, vì thế sinh thiết sẽ được hạn chế.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp nguy hiểm, không thể xác định nguyên nhân hoặc bác sĩ có nghi ngờ dấu hiệu ung thư vẫn sẽ sinh thiết tế bào và giải phẫu bệnh nhằm ngăn ngừa ung thư trong giai đoạn sớm.

Chẩn đoán hình ảnh

    • Đo điện tâm đồ ECG để kiểm tra các dấu hiệu tổn thương tim.
    • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể được thực hiện bao gồm chụp X-quang ngực, siêu âm bụng, chụp MRI hoặc CT Scan. Đặc biệt, chụp X-quang bụng đứng không sửa soạn sẽ được chỉ định nếu nghĩ đến vấn đề thủng tạng rỗng hay tắc ruột.

Hiện nay, endoclinic.vn là phòng khám nội soi dạ dày tại TPHCM chuyên thực hiện khám và chẩn đoán các bệnh lý về tiêu hóa được nhiều Khách hàng tin chọn. Đội ngũ Bác sĩ tại endoclinic.vn đều có chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm và đến từ nhiều bệnh viện lớn ở TP.HCM.

Không chỉ kết hợp nhiều phương pháp chẩn đoán giúp xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, endoclinic.vn còn mang đến quy trình nội soi chuẩn quốc tế với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, tiên tiến.

Đặc biệt, dịch vụ Nội Soi Không Đau (Nội Soi Tiền Mê) ở endoclinic.vn giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh chính xác lên tới 90 – 95%tầm soát ung thư chính xác đến 95 – 99%.

nội soi giúp chẩn đoán nguyên nhân gây đau thượng vị

endoclinic.vn ứng dụng công nghệ hiện đại, giúp chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh hiệu quả.

Sau khi đã có kết quả thăm khám, Bác sĩ sẽ lập phác đồ điều trị theo guideline và kê đơn thuốc Brand-name chính hãng phù hợp với từng bệnh nhân. Qua đó mang đến hiệu quả điều trị tối ưu, giúp người bệnh sớm hồi phục sức khỏe.

Ngay khi có triệu chứng bất thường về tiêu hóa, Cô Bác, Anh Chị có thể ĐẶT HẸN KHÁM với Bác sĩ endoclinic.vn, hoặc liên hệ Hotline 0939 01 01 01 để được hướng dẫn chi tiết.

CÁCH ĐIỀU TRỊ ĐAU THƯỢNG VỊ

Phương pháp điều trị đau thượng vị sẽ phụ thuộc mức độ tổn thương từ nhẹ đến nặng và nguyên nhân gây ra các cơn đau, từ đó Bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp can thiệp phù hợp. Nếu tình trạng đau thượng vị ở mức độ nhẹ, Cô Bác, Anh Chị có thể áp dụng một số phương pháp điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau kéo dài không dứt và càng trở nên nghiêm trọng, Cô Bác, Anh Chị hãy đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Trong trường hợp đau thượng vị do các nguyên nhân ngoại khoa, bệnh nhân cần được phẫu thuật ngay. Nếu do các bệnh lý nội khoa cấp, người bệnh cũng nên nhập viện để điều trị và theo dõi, phẫu thuật nếu cần thiết.

Sử dụng thuốc điều trị

Các loại thuốc không kê đơn (OTC) và thuốc kê đơn (thuốc kháng axit và canxi cacbonat, thuốc ức chế bơm Proton, thuốc kháng Histamine H2,…) được sử dụng đối với các bệnh lý nhẹ như khó tiêu hoặc trào ngược dạ dày – thực quản nhẹ.

> Thuốc kháng axit và canxi cacbonat

Thuốc kháng axit thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng gây ợ nóng và khó tiêu (bao gồm đầy hơi, cảm giác nóng rát ở ngực, đau thượng vị,….).

Mặc dù là loại thuốc không kê đơn, người bệnh nên tham vấn ý kiến Bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng đúng cách, giúp hạn chế các tác dụng không mong muốn. Đặc biệt với các đối tượng phụ nữ mang thai, trẻ dưới 12 tuổi, người bị suy tim, huyết áp cao, mắc bệnh gan hoặc thận.

Tương tự, canxi cacbonat cũng được sử dụng như một loại thuốc kháng axit để giảm chứng ợ nóng, khó tiêu và đau dạ dày (đau thượng vị). Nếu muốn sử dụng các loại thuốc này, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của Bác sĩ.

> Thuốc ức chế bơm Proton

Thuốc ức chế bơm Proton (esomeprazole, omeprazole và pantoprazole,…) là loại thuốc có khả năng làm giảm lượng acid dạ dày bằng cách hạn chế quá trình tiết acid dạ dày từ tế bào niêm mạc. Chúng thường được sử dụng giảm các triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), loét dạ dày – tá tràng.

Tùy theo tình trạng bệnh, Bác sĩ kê đơn thuốc và chỉ định liều dùng phù hợp. Lưu ý, người bệnh đang cho con bú hoặc mang thai, hay đang dùng các loại thuốc điều trị khác,… cần thông báo với Bác sĩ trước khi dùng thuốc để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

> Thuốc kháng Histamin H2

Thuốc kháng histamin H2 (còn gọi là thuốc chẹn H2, gồm famotidine, cimetidine, nizatidine, ranitidine,…) có thể được sử dụng để điều trị loét dạ dày tá tràng, giảm hoặc ngăn ngừa chứng ợ nóng, khó tiêu,… bởi vì có khả năng làm giảm lượng acid trong dạ dày. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, táo bón, mệt mỏi, đau nhức cơ,… Do đó, người bệnh nên tham vấn ý kiến từ bác sĩ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân.

cách chữa đau thượng vị bằng thuốc

Người bệnh không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, nên tham vấn ý kiến Bác sĩ để được hướng dẫn về liều lượng và thời gian dùng phù hợp (Ảnh minh họa sưu tầm).

Phẫu thuật

Trong một số trường hợp, cơn đau thượng vị cấp tính và dữ dội có thể liên quan vấn đề ngoại khoa. Khi đó, bệnh nhân nên nhập viện để theo dõi và điều trị, có thể phẫu thuật nếu cần thiết.

Một số trường hợp được chỉ định phẫu thuật là:

  • Thủng tạng rỗng.
  • Tắc ruột cơ học.
  • Nhồi máu mạc treo ruột.
  • Viêm ruột thừa.

CÁCH GIẢM ĐAU THƯỢNG VỊ TẠI NHÀ

Nếu triệu chứng đau tại vùng thượng vị ở mức độ nhẹ, Cô Chú, Anh Chị có thể áp dụng một số cách giảm đau tại nhà như thay đổi chế độ ăn uống, lối sống và thói quen sinh hoạt hằng ngày.

Một số phương pháp giúp giảm đau tức thượng vị bao gồm:

  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Tránh các thức uống có cồn, nước có gas và cà phê.
  • Tránh các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và có tính axit cao.
  • Tăng cường sử dụng các thực phẩm tốt cho sức khỏe như trái cây, rau xanh, sản phẩm từ sữa ít béo, các loại đậu, cá,…
  • Cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể.
  • Uống nước gừng nóng ngâm hoặc trà gừng nóng.
  • Chia nhỏ bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
  • Nằm nghiêng về bên trái giúp ngăn trào ngược axit và thải khí.
  • Nâng cao đầu khi ngủ hoặc nằm nhằm hạn chế sự trào ngược và Quý Khách cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn.

Lưu ý: Nếu tình trạng đau vùng thượng vị không thuyên giảm hoặc tiến triển nặng thì nên nhanh chóng đi thăm khám tại các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

CÁCH PHÒNG NGỪA ĐAU THƯỢNG VỊ

Để phòng ngừa triệu chứng đau thượng vị, Quý Khách cần chú ý đến chế độ ăn uống phù hợp, lành mạnh đồng thời kết hợp với lối sống khoa học.

  • Bổ sung nhiều nước cho cơ thể, ăn nhiều rau củ quả, trái cây nhằm trung hòa axit dịch vị dạ dày.
  • Chia nhỏ bữa ăn từ 5 – 6 lần trong ngày, không ăn quá no cũng như không để bụng quá đói, ăn đúng bữa, đúng giờ.
  • Nên ăn nhẹ vào đêm, tránh tình trạng để bụng rỗng.
  • Tránh các loại thức ăn khó tiêu và dễ kích thích như gia vị cay, nóng, quá cứng, nhiều dầu mỡ,…
  • Ưu tiên các nhóm thực phẩm tinh bột như cơm, bột mì, bột năng, bánh,… bởi chúng có tác dụng giảm tiết dịch vị và dễ thẩm thấu qua niêm mạc dạ dày.
  • Uống thêm sữa và sử dụng các chế phẩm từ sữa, trứng nếu Quý Khách không mắc hội chứng không dung nạp lactose.
  • Nên sử dụng và chế biến các món ăn mềm, hạn chế thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Nên ăn chậm nhai kỹ.
  • Nghĩ ngơi hợp lý, khoa học, không thức quá khuya và ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ và ăn uống điều độ.
  • Cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giữ tâm lý luôn thoải mái, vui vẻ tránh tình trạng stress kéo dài.
  • Duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày.

Kiểm tra sức khỏe tổng quát và tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ theo khuyến cáo giúp phát hiện và phòng ngừa các bệnh lý ở hệ tiêu hóa.

cách giảm đau vùng thượng vị

Cô Bác, Anh Chị nên bổ sung nhiều rau củ quả và hạn chế các loại thức ăn khó tiêu giúp phòng ngừa triệu chứng đau thượng vị (Ảnh minh họa sưu tầm).

> Xem thêm: Người bị đau thượng vị nên và không nên ăn gì?

CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

Đau thượng vị có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau như chế độ ăn uống không lành mạnh, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá. Bên cạnh đó, đau vùng thượng vị cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như trào ngược dạ dày – thực quản, viêm và loét dạ dày, viêm thực quản,…

Đau thượng vị có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Các bệnh lý như là như viêm ruột thừa, tắc ruột,… cần được can thiệp y tế sớm để tránh ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.

Khi bị đau thượng vị, người bệnh có thể áp dụng các cách giảm nhẹ triệu chứng tại nhà như là thay đổi chế độ ăn uống (tránh ăn các món chua cay, nhiều dầu mỡ,…), thay đổi thói quen sinh hoạt (ngưng hút thuốc lá, nằm nghiêng về bên trái khi ngủ,…). Nếu cơn đau không thuyên giảm thì nên nhanh chóng đến gặp Bác sĩ để kiểm tra và điều trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Drugs.com.Epigastric Pain.04 03 2021. https://www.drugs.com/cg/epigastric-pain.html (đã truy cập 07 09, 2021).
  3. Healthgrades Editorial Staff.Epigastric Pain.02 06 2021. https://www.healthgrades.com/right-care/symptoms-and-conditions/epigastric-pain (đã truy cập 07 09, 2021).
  4. Marks, Julie.Why Does My Stomach Burn?Biên tập bởi Saurabh Sethi. 06 08 2018. https://www.healthline.com/health/stomach-burning (đã truy cập 07 09, 2021).
  5. MedlinePlus. Stress and your health. https://medlineplus.gov/ency/article/003211.htm (đã truy cập 20 06 2023).
  6. Cleveland Clinic medical professional. Stomach Ulcer. 01 02 2022. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22314-stomach-peptic-ulcer (đã truy cập 20 06 2023).
  7. David F. Sigmon; Faiz Tuma; Bishoy G. Kamel; Sebastiano Cassaro. Gastric Perforation. 27 06 2022. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK519554/ (đã truy cập 20 06 2023).
  8. Annals of Oncology. Gastric cancer: ESMO Clinical Practice Guideline for diagnosis, treatment and follow-up. 29 07 2022. https://www.annalsofoncology.org/article/S0923-7534(22)01851-8/fulltext (đã truy cập 20 06 2023).
  9. Cleveland Clinic medical professional. Duodenal Cancer. 14 04 2022. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22735-duodenal-cancer (đã truy cập 20 06 2023).
  10. Cleveland Clinic medical professional. Antacid. 20 05 2022. https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/23076-antacid (đã truy cập 20 06 2023).
  11. MedlinePlus. Calcium Carbonate. 15 09 2015. https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a601032.html (đã truy cập 20 06 2023). National Library of Medicine. Histamine Type-2 Receptor
  12. Antagonists (H2 Blockers). 25 01 2018. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK547929 (đã truy cập 20 06 2023).

TIN SỨC KHỎE

Tổng hợp tin sức khỏe tiêu hóa, cẩm nang sức khỏe tiêu hóa. Nếu nội dung Quý khách quan tâm chưa có, Quý khách có thể liên hệ để đặt câu hỏi với bác sĩ để được tư vấn.

Đặt Lịch Khám Endo Clinic

Endo Clinic

Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư

THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H) VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H) 0939 01 01 01

ĐẶT LỊCH NỘI SOI TIÊU HÓA

Đặt lịch nội soi hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng

    Có Bảo Hiểm Y Tế

    ĐẶT LỊCH KHÁM TIÊU HÓA

    Đặt lịch khám bệnh tiêu hóa hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng

      Có Bảo Hiểm Y Tế

      Đặt Lịch Khám Endo Clinic

      Endo Clinic

      Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư

      THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H) VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H) 0939 01 01 01