NUỐT KHÓ

Nuốt khó là triệu chứng khiến người bệnh gặp khó khăn khi nuốt thức ăn, chất lỏng, thậm chí nước bọt, đôi khi có cảm giác tắc nghẽn tại thực quản. Tình trạng này có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân, hầu hết là những nguyên nhân tạm thời và không nguy hiểm. Tuy nhiên, triệu chứng khó nuốt do bệnh lý sẽ xuất hiện thường xuyên hoặc tiến triển nặng hơn, gây khó khăn trong sinh hoạt, ăn uống hoặc hô hấp.

Tổng quan về triệu chứng nuốt khó

TỔNG QUAN VỀ TRIỆU CHỨNG NUỐT KHÓ

Chứng khó nuốt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Nguyên nhân gây nuốt khó có thể khác nhau và việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân.

Dựa trên số liệu hạn chế của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy, tỷ lệ mắc chứng khó nuốt trong dân số ước tính là khoảng 20% và người lớn trên 60 tuổi bị ảnh hưởng từ 50% đến 66%, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới ở tất cả các nhóm tuổi.

Nuốt khó là gì?

Nuốt khó (tên tiếng Anh: dysphagia) là tình trạng tắc nghẽn thức ăn hoặc chất lỏng, mất nhiều thời gian hơn bình thường để di chuyển từ hầu họng đến dạ dày. Đôi khi thức ăn bị tắc nghẽn hoàn toàn trong thực quản và có thể phải dùng nhiều lực hơn bình thường để di chuyển chúng xuống dạ dày.

Thuật ngữ y khoa “nuốt khó” thường để chỉ triệu chứng hoặc dấu hiệu bệnh lý. Có rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ra cảm giác khó nuốt. Nếu tình trạng chỉ xuất hiện với tần suất ít có thể không phải là dấu hiệu nghiêm trọng. Ăn quá nhanh hoặc không nhai kỹ thức ăn có thể gây khó nuốt và tình trạng sẽ hết ngay lập tức hoặc sau vài giờ.

Tuy nhiên, nếu triệu chứng xảy ra thường xuyên, người bệnh nên đi thăm khám ngay để được chẩn đoán và điều trị. Cảm giác khó nuốt kéo dài có thể là dấu hiệu nghiêm trọng cần được điều trị như khối u thực quản – tâm vị, rối loạn chức năng, rối loạn cơ, ung thư thực quản,…

Mức độ khó nuốt có thể rất khác nhau ở mỗi người và ở mỗi giai đoạn của bệnh. Khó nuốt mức độ nhẹ, người bệnh có thể chỉ cảm thấy thức ăn qua thực quản lâu hơn, chất lỏng có thể vẫn xuống thực quản tốt, không gặp vấn đề gì. Khi khó nuốt trở nên nặng hơn, chất rắn và cả chất lỏng đều không xuống được thực quản, đôi khi nuốt nước bọt cũng cảm thấy khó, có thể gây nôn thức ăn và nước uống ngược trở lại.

Nguyên nhân gây triệu chứng nuốt khó
Nuốt khó: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị triệu chứng

Phân loại triệu chứng nuốt khó

Nuốt khó không giống với các triệu chứng khác có thể liên quan đến bệnh lý thực quản, khó nuốt đặc biệt cho thấy các vấn đề bất thường xuất hiện tại thực quản.

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, chứng khó nuốt được chia thành hai nhóm là tắc nghẽn do các tổn thương và rối loạn vận động.

Mặt khác, để thuận tiện cho việc khám chữa bệnh, một phân loại cụ thể hơn cho cảm giác khó nuốt là chia theo vị trí tổn thương vùng thực quản như sau:

  • Khó nuốt vùng hầu họng.
  • Khó nuốt vùng thực quản.
  • Khó nuốt do cơ thắt thực quản dưới.
  • Khó nuốt bên trong thực quản
  • Khó nuốt bên ngoài thực quản.

Thông thường, người bệnh sẽ mắc chứng khó nuốt chồng chéo giữa các vị trí, khiến việc chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị gặp nhiều khó khăn.

  • Chứng khó nuốt cần được phân biệt với hội chứng Hystericus Globus. Đây là tình trạng người bệnh cảm thấy một cái gì đó bị mắc kẹt trong cổ họng. Hội chứng Hystericus Globus thường là dấu hiệu của rối loạn chức năng của cơ hầu họng hoặc cơ thực quản trên, gây cản trở đường đi của thức ăn tạo nên cảm giác tương tự như khó nuốt ở cổ họng.

NGUYÊN NHÂN GÂY TRIỆU CHỨNG KHÓ NUỐT LÀ GÌ?

Khó nuốt có thể xảy ra tại từng vùng riêng biệt hoặc do rối loạn chức năng giữa các vùng với nhau, vì vậy nguyên nhân gây khó nuốt cũng được phân chia từng vùng riêng biệt giúp việc chẩn đoán dễ dàng hơn bao gồm nguyên nhân khó nuốt vùng hầu họngnguyên nhân khó nuốt vùng thực quản.

Nuốt trông có vẻ là hoạt động đơn giản nhưng lại là một quá trình phức tạp liên quan đến sự phối hợp giữa các hoạt động não bộ, dây thần kinh và cơ. Hoạt động nuốt thường xảy ra theo 3 giai đoạn bao gồm khoang miệng, hầu họng và thực quản.

  • Giai đoạn 1 (giai đoạn chuẩn bị): đầu tiên, thức ăn hoặc chất lỏng được đưa vào khoang miệng, tại đây chúng sẽ được nhai và nhào trộn với enzyme có trong nước bọt chuẩn bị cho quá trình nuốt.
  • Giai đoạn 2 (giai đoạn hầu họng): sau khi não truyền thông tin nuốt xuống, một chuỗi các phản xạ phức tạp xảy ra bao gồm: một van cơ ở đáy hầu mở ra cho phép thức ăn đi vào thực quản, các cơ khác đóng kín đường khí quản ngăn thức ăn tràn vào phổi hoặc trào ngược lên khoang mũi. Giai đoạn 2 xảy ra chưa đầy nửa giây.
  • Giai đoạn 3 (giai đoạn thực quản): thức ăn bắt đầu đi vào thực quản, ống thực quản dài khoảng 9 inch (~ 23 cm), tạo ra các đợt co bóp phối hợp gọi là nhu động thực quản, khi thực quản co lại, một van cơ nằm cuối thực quản sẽ mở ra và đẩy thức ăn vào dạ dày. Giai đoạn 3 xảy ra từ 6 – 8 giây.

Nguyên nhân gây khó nuốt vùng hầu họng

Nguyên nhân chính gây ra cảm giác khó nuốt vùng hầu họng thường đến từ các rối loạn dây thần kinh hoặc sự suy yếu các cơ cổ họng, khiến thức ăn khó di chuyển từ khoang miệng vào thực quản. Khó nuốt tại vùng hầu họng có thể đi kèm với triệu chứng nghẹt thở, nôn khan hoặc ho khi cố gắng nuốt thức ăn hoặc chất lỏng.

Trong một số trường hợp, người bệnh cố nuốt nhưng lại có cảm giác thức ăn đi xuống khí quản hoặc bị trào ngược lên mũi, điều này có thể dẫn đến viêm phổi sặc hoặc thức ăn, chất lỏng tràn vào phổi gây biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Một số nguyên nhân của triệu chứng khó nuốt vùng hầu họng bao gồm:

  • Rối loạn thần kinh thực vật: như bệnh đa xơ cứng, bệnh đa xơ cứng teo một bên cơ và bệnh Parkinson.
  • Tổn thương thần kinh: một số bệnh lý gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh như đột quỵ, chấn thương não, khối u não hoặc chấn thương tủy sống cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng nuốt.
  • Rối loạn các nhóm cơ bao gồm nhược cơ, viêm da cơ, loạn dưỡng cơ và mất điều hòa nhẫn hầu.
  • Túi thừa thực quản (hoặc Túi thừa Zenker) là bệnh lý thường xuất hiện tại vùng giữa thực quản và hầu, một túi nhỏ hình thành và ngăn chặn đường đi của thức ăn dẫn đến khó nuốt, hôi miệng, ho nhiều,…
  • Viêm nắp thanh quản là tình trạng các mô trong nắp thanh quản bị viêm, đây là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng cần được điều trị kịp thời.
  • Bướu cổ: tình trạng tăng kích thước tuyến giáp sẽ khiến vùng cổ phình to, gây chèn ép ống thực quản dẫn đến cảm giác khó nuốt.
  • Nhân tuyến giáp là một khối u phát triển trong tuyến giáp, nó có thể là khối u rắn hoặc chỉ chứa dịch lỏng, nhân tuyến giáp có thể chỉ xuất hiện một hạt đơn lẻ hoặc một cụm hạt bên trong vùng tuyến giáp.
Các Triệu Chứng Nuốt Khó

Nguyên nhân gây khó nuốt vùng thực quản

Một số nguyên nhân gây ra chứng khó nuốt tại thực quản bao gồm:

  • Dị sản: khi cơ vòng thực quản dưới không co giãn đúng cách để thức ăn vào dạ dày, chúng sẽ khiến thức ăn trào ngược trở lại cổ họng, theo thời gian sẽ khiến các cơ thành thực quản bị suy yếu và tình trạng này sẽ ngày càng tiến triển nặng hơn nếu không được điều trị.
  • Co thắt thực quản lan tỏa (diffuse esophageal spasm – DES) là tình trạng rối loạn nhu động của các nhóm cơ trơn thực quản, khiến chúng co thắt không đồng đều, có nhiều co thắt tự phát và co thắt do nuốt gây ra.
  • Hẹp thực quản (esophageal stricture) khiến thức ăn bị cản trở đôi khi bị tắc nghẽn tại thực quản, nguyên nhân đến từ các khối u, mô sẹo hoặc biến chứng do bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) gây ra, có thể gây chít hẹp thực quản.
  • Khối u thực quản – tâm vị: chứng khó nuốt là một trong những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu người bệnh có nguy cơ xuất hiện khối u tại thực quản. Khối u thực quản thường đi kèm với triệu chứng khó thở, ho ra máu, tiêu ra phân đen, đau bụng cấp tính.
  • Các vật thể lạ: đôi khi thức ăn khô cứng, xương hoặc dị vật bị mắc kẹt lại tại thực quản trong khi ăn có thể làm tắc hoặc chặn một phần thực quản.
  • Chèn ép bên ngoài thực quản một số bệnh lý đến từ các cơ quan xung quanh chèn ép lên ống thực quản, gây khó nuốt như phì đại tâm nhĩ trái, phình động mạch chủ, động mạch dưới đòn bất thường, tuyến giáp sau xương ức, gai xương vùng cổ, khối u vùng ngực,…
  • Cơ vòng thực quản: sự rối loạn chức năng của cơ vòng thực quản dưới có thể khiến thức ăn không vào được dạ dày hoặc khiến thức ăn, dịch axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản khiến lớp niêm mạc bị tổn thương.
  • Bệnh trào ngược axit dạ dày – thực quản (GERD).
  • Viêm thực quản là tình trạng viêm do hiện tượng trào ngược axit, ợ chua, ợ nóng kéo dài hoặc do sử dụng một số loại thuốc.
  • Viêm thực quản do virus Herpes: các triệu chứng viêm, nhiễm trùng thực quản do virus Herpes Simplex loại 1 (HSV – 1) có thể khiến người bệnh thấy đau ngực, khó nuốt. Virus Herpes có thể tái phát nhiều lần và lan rộng dần lên khoang miệng được gọi là chứng Herpes Simplex Labialis tái phát.
  • Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng là một nhóm các triệu chứng do virus Epstein-Barr (EBV) gây ảnh hưởng đến các tế bào máu.
  • Bệnh Barrett thực quản.
  • Nấm thực quản: triệu chứng khó nuốt liên quan đến sự phát triển của nhiều mảng trắng bên trong thực quản ở người bệnh nấm thực quản.

Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (eosinophilic esophagitis) là một rối loạn mạn tính của ống tiêu hóa, khi đó một lượng lớn bạch cầu eosin sẽ tập trung tại thực quản. Bệnh lý này có thể liên quan đến dị ứng một số loại thực phẩm.

Xơ cứng bì là sự phát triển của các mô giống như sẹo gây ra tình trạng xơ cứng, làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới, dẫn đến sự trào ngược axit dạ dày.

Ung thư thực quản xảy ra khi một khối u ác tính hình thành trong thực quản gây ra cảm giác khó nuốt ở cổ họng kể cả nước bọt, thường đi kèm với các dấu hiệu khác như ho khan, ho ra máu, buồn nôn, nôn ói,…

Phương pháp điều trị ung thư có liên quan đến tia bức xạ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các nhóm cơ vùng hầu họng và thực quản, đôi khi để lại sẹo hoặc xơ cứng.

Nuốt khó nguyên nhân của triệu chứng bệnh lý

Tiếp cận một số nguyên nhân gây Nuốt khó theo Griffith’s 5-Minute Clinical Consult

CÁC BIỂU HIỆN PHỔ BIẾN KÈM THEO TRIỆU CHỨNG KHÓ NUỐT

Phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, vị trí tổn thương và tình trạng sức khỏe mà triệu chứng khó nuốt có thể đi kèm với một hoặc nhiều dấu hiệu khác nhau như nghẹn thức ăn, đau họng, trào ngược axit, sụt cân,…

Thời gian đầu khi mới xuất hiện, các triệu chứng khó nuốt có thể không khiến Cô Bác, Anh Chị cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, chúng có thể trở nặng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày, gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, Cô Bác, Anh Chị cần nắm rõ các triệu chứng kèm theo khó nuốt để đến thăm khám và có phương pháp can thiệp kịp thời.

Các triệu chứng đi kèm với nuốt khó

Các dấu hiệu và triệu chứng thường liên quan đến chứng khó nuốt như:

  • Thường xuyên bị nghẹn thức ăn.
  • Đau họng khó nuốt.
  • Tắc nghẽn thức ăn.
  • Có cảm giác thức ăn mắc kẹt trong cổ họng, ngực hoặc sau xương ức.
  • Chảy dãi.
  • Khàn giọng.
  • Trào ngược thức ăn (nôn trớ).
  • Thường xuyên bị ợ chua, ợ nóng.
  • Thức ăn hoặc axit dạ dày trào ngược lên thực quản – hầu họng.
  • Cân nặng sụt giảm đột ngột, không rõ nguyên nhân.
  • Ho hoặc nôn khan khi nuốt.
  • Gặp khó khăn khi nuốt các thực phẩm khô, cứng hoặc phải cắt thức ăn thành nhiều miếng nhỏ.
  • Viêm phổi tái phát.

Đối với trẻ em và trẻ sơ sinh rất khó để xác định chứng nuốt khó, tuy nhiên bố mẹ có thể quan sát các triệu chứng sau để đưa bé đi khám bác sĩ kịp thời như:

  • Từ chối ăn một số loại thực phẩm.
  • Thức ăn hoặc chất lỏng thường xuyên chảy ra ngoài miệng.
  • Nôn trớ trong khi ăn.
  • Khó thở khi ăn.
  • Cân nặng giảm đột ngột.
Phương Pháp Điều Trị Nuốt Khó

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Mặc dù nguyên nhân gây ra triệu chứng nuốt khó có thể đơn giản là do răng giả, răng yếu hay bị cảm lạnh hoặc thường gặp nhất là trào ngược axit dạ dày – thực quản, nhưng cảm giác khó nuốt ở cổ họng cũng có thể do những nguyên nhân nghiêm trọng như hẹp thực quản hay ung thư vùng hầu họng.

Ngoài ra, việc tắc nghẽn lâu ngày có khả năng ảnh hưởng đến chức năng hô hấp gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, Cô Bác, Anh Chị nên liên hệ với bác sĩ tại các cơ sở y tế (bệnh viện, phòng khám nội soi tiêu hóa,…) ngay khi có cảm giác khó nuốt ở cổ họng, khó nuốt nước bọt, có vật cản trong thực quản hoặc lồng ngực, sụt cân không rõ nguyên nhân, buồn nôn, nôn ói, ăn không ngon, ho trong khi ăn, ho ra máu,…

BIẾN CHỨNG CỦA CẢM GIÁC KHÓ NUỐT

Triệu chứng khó nuốt nếu không được điều trị sẽ gây ra một số biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh như:

  • Suy dinh dưỡng, sụt cân, mất nước: chứng khó nuốt có thể gây khó khăn trong quá trình bổ sung các dưỡng chất, khoáng chất và chất điện giải cho cơ thể.
  • Viêm phổi do ngạt thở: khi người bệnh bị hẹp hoặc tắc nghẽn thực quản, thức ăn có khả năng lớn sẽ đi vào đường khí quản khi cố nuốt gây ra viêm phổi do hít phải vì thức ăn có thể đưa vi khuẩn vào phổi.
  • Tắc nghẽn khí quản: khi thức ăn bị kẹt lại trong thực quản có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn, khó thở, nếu không được cấp cứu kịp thời hoặc không có ai can thiệp bằng phương pháp Heimlich thành công, thức ăn sẽ chặn hoàn toàn đường thở, có thể dẫn đến tử vong.

PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN TRIỆU CHỨNG NUỐT KHÓ

Chứng khó nuốt do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên và các dấu hiệu, triệu chứng cũng dễ bị nhằm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, để chẩn đoán triệu chứng khó nuốt chính xác, bác sĩ sẽ kết hợp khám lâm sàng và cận lâm sàng giúp loại trừ các bệnh liên quan và tìm ra nguyên nhân chính khiến người bệnh có cảm giác nuốt khó.

Các triệu chứng đi kèm với nuốt khó

Khám lâm sàng là bước đầu tiên giúp bác sĩ đánh giá và sàng lọc dựa vào tiền sử bệnh, các triệu chứng, dấu hiệu người bệnh đang mắc phải. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ thực hiện khám sức khỏe tổng quát và thu thập thông tin tình trạng sức khỏe bệnh nhân thông qua các câu hỏi như:

  • Các triệu chứng của Cô Bác bắt đầu từ khi nào? Chúng liên tục hay không thường xuyên?
  • Cô Bác có đang gặp khó khăn khi nuốt không? Khó nuốt nước bọt, khi dùng chất lỏng, chất rắn hay cả hai?
  • Thức ăn có thường xuyên trào ngược vào khoang mũi không?
  • Nước dãi và thức ăn có trào ra khỏi miệng mất kiểm soát không?
  • Trong khi ăn có dễ bị sặc, ho hoặc nghẹn không?
  • Cô Bác đã từng hoặc đang mắc các bệnh liên quan đến rối loạn thần kinh, rối loạn cơ, rối loạn nhu động, tắc nghẽn vật lý hoặc ung thư không?
  • Cô Bác có bị giảm cân đột ngột không?

Khám sức khỏe tổng quát cần tập trung vào kiểm tra thần kinh, rối loạn tiêu hóa, các mô liên kết, tình trạng dinh dưỡng và bất kỳ bất thường nào về da và cơ. Trong quá trình khám sức khỏe, các bác sĩ sẽ xem xét các vấn đề sau:

  • Đánh giá tình trạng dinh dưỡng, trọng lượng và các chỉ số của cơ thể.
  • Quan sát sự xuất hiện dấu hiệu run cơ khi đang nghỉ ngơi.
  • Khám cơ lực của mắt, miệng và mặt.
  • Hiệu suất của một hành động lặp đi lặp lại của người bệnh trở nên yếu đi theo thời gian.
  • Theo dõi dáng đi và khả năng giữ thăng bằng.
  • Khám da để phát hiện phát ban, dày lên hoặc thay đổi cấu trúc, đặc biệt là ở đầu ngón tay.
  • Kiểm tra cơ bắp, xem nhóm cơ nào bị suy yếu, teo cơ, co giật cơ hoặc căng cơ.
  • Tuyến giáp có phình to hoặc bất thường không.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Dựa vào tiền sử bệnh, các đánh giá và sàng lọc trong bước khám lâm sàng, người bệnh có thể thực hiện một hoặc nhiều cận lâm sàng như xét nghiệm, nội soi tiêu hóa, chẩn đoán hình ảnh hoặc đánh giá chức năng giúp bác sĩ có thể đánh giá tình trạng tổng quát và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Kiểm tra trở kháng và pH: đo độ pH trong thực quản giúp bác sĩ xác định bệnh trào ngược axit dạ dày – thực quản có ảnh hưởng đến chức năng nuốt không.

Nội soi ống tiêu hóa

  • Nội soi tiêu hóa trên (bao gồm nội soi thực quản, nội soi dạ dày): phương pháp sử dụng một ống nội soi mỏng được gắn camera nhỏ được đưa vào miệng xuống thực quản, giúp bác sĩ quan sát trực quan tình trạng của ống thực quản. Nội soi ống tiêu hóa trên đối với các nghi ngờ như tắc nghẽn, viêm loét, trào ngược axit, polyp, ung thư,… các bác sĩ sẽ thực hiện nội soi toàn bộ thực quản, dạ dày và tá tràng để tìm ra nguyên nhân gây chứng khó nuốt. Nội soi tiêu hóa là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định tắc nghẽn thực quản.
  • Nội soi sợi quang đánh giá nuốt (Phương pháp FEES): bác sĩ có thể kiểm tra chức năng nuốt nhờ vào một ống nội soi sáng, mỏng và máy ảnh đặc biệt được đưa qua đường mũi.

Nội soi dạ dày – thực quản có thể lấy mẫu sinh thiết phụ thuộc vào tình trạng hoặc nghi ngờ của bác sĩ trong quá trình nội soi. Các mẫu sinh thiết giúp tìm tình trạng viêm, bạch cầu ái toan, hẹp hoặc các khối u có nguy cơ ung thư hóa.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Chụp X-quang với chất cản quang: dung dịch Bari được phủ lên toàn bộ thực quản giúp hình ảnh thực quản hiện rõ trên phim chụp X-quang, dựa vào đó bác sĩ có thể thấy những bất thường bên trong ống thực quản, vị trí tắc, chiều dài đoạn tắc cũng như đánh giá được hoạt động của cơ.

Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): được đánh giá cao hơn so với chụp X-quang, đặc biệt trong việc chẩn đoán ung thư, chụp CT thực quản có thể phát hiện có khối u, tình trạng di căn và mức độ khối u phát triển như thế nào.

Ngoài ra, chụp MRI cũng có thể được chỉ định để tạo hình chi tiết các cơ quan và mô, giúp bác sĩ có thể đánh giá tổng quan và chính xác hơn.

Đánh giá chức năng

Đánh giá chức năng nuốt: Cô Bác, Anh Chị được yêu cầu nuốt các loại thực phẩm có phủ Bari với thành phần khác nhau. Phương pháp này giúp cung cấp hình ảnh thức ăn, chất lỏng di chuyển qua hầu họng xuống thực quản. Hình ảnh sẽ cho bác sĩ thấy các bất thường trong sự phối hợp của cơ miệng và cổ họng khi Cô Bác, Anh Chị nuốt. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể xác định xem thức ăn có đi vào khí quản không. Phương pháp này thường được thực hiện chung với nội soi sợi quang qua đường mũi.

Kiểm tra cơ thực quản bằng áp kế (Manometry): một ống nhỏ được đưa vào thực quản và nối với một máy ghi áp suất để đo mức độ co thắt cơ của thực quản khi Cô Bác, Anh Chị nuốt.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ TRIỆU CHỨNG NUỐT KHÓ

Phương pháp điều trị triệu chứng khó nuốt phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và vị trí tổn thương khiến người bệnh nuốt khó. Một số cách trị nuốt khó thường được sử dụng như thay đổi chế độ ăn uống, đặt stent, phẫu thuật, sử dụng thuốc,…

Phương pháp điều trị chứng khó nuốt vùng hầu họng

Đối với cảm giác khó nuốt xuất hiện tại hầu họng cấp độ nhẹ đến trung bình, bác sĩ có thể hướng dẫn bệnh nhân đến gặp các chuyên gia trị liệu giúp cải thiện vấn đề nuốt như:

  • Liệu pháp nuốt: một số bài tập giúp phối hợp các cơ nuốt hoặc kích thích các dây thần kinh kích hoạt phản xạ nuốt tốt hơn.
  • Luyện kỹ năng nuốt: đối với một số trường hợp đặc biệt, người bệnh cũng cần học cách đưa thức ăn vào miệng, định vị cơ thể và đầu sẽ giúp bệnh nhân nuốt dễ hơn. Với những người mắc bệnh đột quỵ, Alzheimer hoặc bệnh Parkinson cần các bài tập vật lý trị liệu chuyên biệt để cải thiện khả năng nuốt phù hợp.

Phương pháp điều trị chứng khó nuốt thực quản

Chứng khó nuốt xảy ra tại vùng thực quản có thể được điều trị bằng một trong những phương pháp sau:

  • Nong thực quản: đối với bệnh nhân bị co thắt thực quản (achalasia), hẹp thực quản hoặc rối loạn nhu động ruột, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi có gắn một quả bóng đặc biệt đưa vào bên trong thực quản, sau đó quả bóng sẽ được bơm phồng giúp nong và mở rộng thực quản. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đưa một ống mềm hoặc các ống nội soi có đường kính khác nhau giúp kéo dãn chiều rộng của thực quản thay thế cho quả bóng.
  • Thuốc đặc trị: nếu chứng khó nuốt đến từ bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD), bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc trào ngược dạ dày theo toa để giảm lượng axit trào ngược dạ dày. Đối với bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan cần sử dụng thuốc corticosteroid. Thuốc giãn cơ trơn được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị co thắt thực quản. Tất cả các loại thuốc đặc trị không nên tự ý sử dụng mà phải thông qua sự đồng ý của bác sĩ.
  • Phẫu thuật thực quản được thực hiện khi bác sĩ phát hiện khối u thực quản, u vùng thắt lưng hoặc túi thừa thực quản. Ngoài ra, nếu bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, phẫu thuật cũng giúp cải thiện tình trạng nuốt khó do hẹp thực quản, tắc nghẽn, liệt dây âm thanh, GERD, achalasia,… Phương pháp phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra chứng khó nuốt, bao gồm:
    • Phẫu thuật Heller thông qua nội soi: được thực hiện để cắt cơ vòng thực quản khi chúng không thể mở đưa thức ăn vào dạ dày ở những người bị chứng đau dạ dày.
    • Phẫu thuật nội soi thông qua phúc mạc (POEM): phương pháp được thực hiện bằng cách đưa một ống nội soi qua đường miệng xuống cổ họng, sau đó sẽ tạo một đường rạch ở lớp niêm mạc bên trong ống thực quản, sau đó bác sĩ sẽ cắt cơ ở đầu dưới của cơ thắt thực quản.
    • Đặt stent: một ống kim loại hoặc nhựa sẽ được chèn vào chỗ bị hẹp, tắc nghẽn, khối u hoặc bị viêm loét bên trong thành thực quản. Một số loại stent có thể sử dụng vĩnh viễn như stent dành cho người bệnh ung thư thực quản, ngoài ra cũng có một số loại chỉ sử dụng tạm thời và được loại bỏ sau một thời gian khi bệnh nhân đã có thể nuốt bình thường.
  • Đặt ống dẫn thức ăn: đối với các trường hợp khó nuốt nghiêm trọng bệnh nhân cần nhập viện để được theo dõi, đặt ống truyền thức ăn nhằm hạn chế hoạt động nuốt, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, duy trì cân nặng và tránh mất nước.

Ngoài ra, những bệnh nhân bị rối loạn cơ hoặc rối loạn chức năng vận động miệng – hầu họng – thực quản cũng được điều trị phối hợp bởi các chuyên gia về nha khoa phục hình, y học phục hồi chức năng, bệnh lý ngôn ngữ, tai mũi họng và tiêu hóa.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Trong quá trình điều trị, lối sống và chế độ ăn uống hằng ngày cũng ảnh hưởng đến kết quả lẫn thời gian điều trị. Bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp sau giúp giảm bớt các triệu chứng nuốt khó như:

  • Thay đổi thói quen ăn uống: chia 3 bữa chính trong ngày thành các bữa ăn nhỏ và ăn thường xuyên hơn, luôn đảm bảo thức ăn đủ nhỏ để người bệnh có thể dễ dàng nuốt, ăn chậm nhai kỹ trước khi nuốt, uống nhiều nước.
  • Thử các loại thực phẩm có kết cấu khác nhau: luôn thay đổi các loại thực phẩm trong bữa ăn từ rắn, khô, lỏng, dính,… để xem liệu thực phẩm nào sẽ khiến người bệnh khó nuốt, từ đó tránh hoặc hạn chế sử dụng và thay thế bằng một loại thực phẩm khác.
  • Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, caffeine và thức uống chứa cồn: những thứ này có thể làm cho triệu chứng ợ chua, ợ nóng trở nên tệ hơn và cũng ảnh hưởng đến các vết viêm thực quản.
  • Thường xuyên tập thể dục: theo khuyến cáo, mỗi người nên tập thể dục ít nhất 30p mỗi ngày, ngoài ra luyện tập cũng tốt cho hệ tiêu hóa và kích thích nhu động ruột hoạt động tốt hơn.
  • Không nên nằm sau khi ăn: sau khi ăn người bệnh nên ngồi nghỉ khoảng 30 phút hoặc đi lại nhẹ nhàng không nên nằm ngay.
  • Tập trung: hãy luôn tập trung trong khi ăn uống, tránh nói chuyện, đùa giỡn khi đang ăn.
  • Thay đổi tư thế ăn: ngồi thẳng lưng, nghiêng đầu về phía trước và nên ngồi thẳng hoặc đứng trong 15 – 20 phút sau khi ăn.

CÂU HỎI TỔNG HỢP

Nuốt khó (tên tiếng Anh: dysphagia) là tình trạng tắc nghẽn thức ăn hoặc chất lỏng, mất nhiều thời gian hơn bình thường để di chuyển từ hầu họng đến dạ dày. Đôi khi thức ăn bị tắc nghẽn hoàn toàn trong thực quản và có thể phải dùng nhiều lực hơn bình thường để di chuyển chúng xuống dạ dày.

Khó nuốt có thể xảy ra tại từng vùng riêng biệt hoặc do rối loạn chức năng giữa các vùng với nhau, vì vậy nguyên nhân gây khó nuốt cũng được phân chia từng vùng riêng biệt giúp việc chẩn đoán dễ dàng hơn bao gồm nguyên nhân khó nuốt vùng hầu họngnguyên nhân khó nuốt vùng thực quản.

Phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, vị trí tổn thương và tình trạng sức khỏe mà triệu chứng khó nuốt có thể đi kèm với một hoặc nhiều dấu hiệu khác nhau như nghẹn thức ăn, đau họng, trào ngược axit, sụt cân,…

Thời gian đầu khi mới xuất hiện, các triệu chứng khó nuốt có thể không khiến Cô Bác, Anh Chị cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, chúng có thể trở nặng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày, gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, Cô Bác, Anh Chị cần nắm rõ các triệu chứng kèm theo khó nuốt để đến thăm khám tại cơ sở ý tế uy tín và có phương pháp can thiệp kịp thời.

Chứng khó nuốt do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên và các dấu hiệu, triệu chứng cũng dễ bị nhằm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, để chẩn đoán triệu chứng khó nuốt chính xác, bác sĩ sẽ kết hợp khám lâm sàng và cận lâm sàng giúp loại trừ các bệnh liên quan và tìm ra nguyên nhân chính khiến người bệnh có cảm giác nuốt khó.

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Corinne O’Keefe Osborn. What to Do If You Get Food Stuck in Your Throat. 07 03 2019. https://www.healthline.com/health/food-stuck-in-throat (đã truy cập 09 16, 2021).
  3. Jonathan Gotfried, MD. Difficulty Swallowing – Dysphagia. 03 2020. https://www.msdmanuals.com/home/digestive-disorders/symptoms-of-digestive-disorders/difficulty-swallowing (đã truy cập 09 16, 2021).
  4. Kristle Lee Lynch, MD. Khó nuốt. 10 2016. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/rối-loạn-thực-quản-và-nuốt/khó-nuốt (đã truy cập 09 16, 2021).
  5. Mayo Clinic Staff. Dysphagia. 17 10 2019. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dysphagia/symptoms-causes/syc-20372028 (đã truy cập 09 16, 2021).
  6. Nayana Ambardekar, MD. Swallowing Problems. 20 01 2021. https://www.webmd.com/digestive-disorders/swallowing-problems (đã truy cập 09 16, 2021).
  7. Prianka Chilukuri, MD, Florence Odufalu, MD & Christine Hachem, MD. Dysphagia. 2018. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6140149/ (đã truy cập 09 16, 2021).

TIN SỨC KHỎE

Tổng hợp tin sức khỏe tiêu hóa, cẩm nang sức khỏe tiêu hóa. Nếu nội dung Quý khách quan tâm chưa có, Quý khách có thể liên hệ để đặt câu hỏi với bác sĩ để được tư vấn.

Đặt Lịch Khám Endo Clinic

Endo Clinic

Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư

THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H) VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H) 0939 01 01 01

ĐẶT LỊCH NỘI SOI TIÊU HÓA

Đặt lịch nội soi hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng

    Có Bảo Hiểm Y Tế

    ĐẶT LỊCH KHÁM TIÊU HÓA

    Đặt lịch khám bệnh tiêu hóa hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng

      Có Bảo Hiểm Y Tế

      Đặt Lịch Khám Endo Clinic

      Endo Clinic

      Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư

      THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H) VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H) 0939 01 01 01