Sụt cân không chủ đích

Triệu chứng sụt cân được đề cập ở đây là tình trạng sụt cân không chủ ý, không do chủ đích của người bệnh. Sụt cân có ý nghĩa lâm sàng khi cân nặng sút giảm nhanh bất thường, ít nhất 5% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 – 12 tháng.

Tổng quan triệu chứng sụt cân rõ nguyên nhân

TỔNG QUAN VỀ TRIỆU CHỨNG SỤT CÂN KHÔNG CHỦ ĐÍCH

Sụt cân không chủ đích là bệnh gì?

Sụt cân không ch đích (tên tiếng Anh: unintentional, involuntary hay unintended weight loss) là tình trạng trọng lượng cơ thể giảm ít nhất 5% so với tổng cân nặng trong vòng 6 đến 12 tháng mà không do thay đổi chế độ ăn uống hoặc thói quen tập thể dục, không bao gồm sụt cân do một bệnh lý đã biết hay do tác động của điều trị (ví dụ: điều trị lợi tiểu trong suy tim).

Cân nặng cơ thể sẽ bị ảnh hưởng bởi lượng calo tiêu thụ, cường độ hoạt động thể chất, sức khỏe tổng thể, tuổi tác, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và các yếu tố khác. Tình trạng tăng hoặc giảm cân có thể do thay đổi khí hậu, tâm lý căng thẳng khi thay đổi môi trường sống mới như chuyển nhà hoặc bắt đầu một công việc mới.

Tuy nhiên, tình trạng sụt cân không chủ đích ở một cơ thể khoẻ mạnh trước đó tiềm ẩn nhiều vấn đề sức khỏe cần được thăm khám tại bệnh viện, phòng khám tiêu hóa để tìm ra nguyên nhân chính xác.

Cô Bác, Anh Chị cần phân biệt sụt cân không chủ đích với các tình trạng khác như sụt cân không rõ nguyên nhân, thiếu cơ, hội chứng suy mòn.

  • Sụt cân không giải thích được (unexplained weight loss), sụt cân đơn độc (isolated weight loss) hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân (unknown weight loss): là tình trạng sụt cân mà không tìm được nguyên nhân sau khi đã hỏi bệnh, khám và làm các xét nghiệm thăm dò. Trong sụt cân không chủ đích có 25% không rõ nguyên nhân nào gây ra.
  • Thiếu cơ (sarcopenia): là một hội chứng ở người cao tuổi, đặc trưng bởi sự mất khối lượng cơ và suy giảm sức cơ. Sụt cân không phải là tiêu chuẩn để chẩn đoán thiếu cơ.
  • Hội chứng suy mòn (cachexia): là hội chứng chuyển hóa do viêm bao gồm mất khối cơ do bệnh lý, sụt cân ít nhất 5% cân nặng trong vòng 12 tháng kèm theo 3 trong 5 triệu chứng sau:
    – Giảm sức cơ
    – Mệt mỏi
    Chán ăn
    – Chỉ số khối mỡ tự do thấp
    – Xét nghiệm sinh hóa bất thường (tăng các dấu ấn viêm, thiếu máu, albumin huyết thanh thấp)

Bệnh nhân sụt cân không chủ ý có thể có hoặc không có hội chứng suy mòn, tùy thuộc vào nguyên nhân gây sụt cân.

NGUYÊN NHÂN GÂY SỤT CÂN KHÔNG CHỦ ĐÍCH
Sụt cân không chủ ý được định nghĩa là sụt cân không do chủ đích của người bệnh. Sụt cân có ý nghĩa lâm sàng khi giảm ít nhất 5% cân nặng trong vòng 6 – 12 tháng.

Sụt cân không chủ đích là bệnh gì?

Hai tình trạng chính gây sụt cân gồm:

  • Sụt cân do lượng calo tiêu thụ tăng hoặc lượng calo mà cơ thể hấp thụ giảm. Tình trạng này có xu hướng làm tăng cảm giác thèm ăn.
  • Sụt cân do lượng calo cơ thể hấp thụ không đủ là cơ chế thường gặp nhất của sụt cân. Tình trạng này có xu hướng làm giảm cảm giác thèm ăn.

Đôi khi một số cơ chế khác như bệnh ung thư có xu hướng làm giảm sự thèm ăn đồng thời cũng làm tăng chuyển hóa cơ sở bằng các cơ chế trung gian cytokine gây triệu chứng sụt cân nhanh.

NGUYÊN NHÂN GÂY TRIỆU CHỨNG SỤT CÂN KHÔNG CHỦ ĐÍCH

Nguyên nhân sụt cân do sự thay đổi môi trường sống hoặc căng thẳng quá mức thường không nghiêm trọng và có thể cải thiện trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, triệu chứng sụt cân không chủ đích có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý cần được thăm khám ngay. Các bệnh lý như ung thư (chiếm 15 – 37%), rối loạn tiêu hóa (10 – 20%) và các rối loạn tâm thần (10 – 23%) là nguyên nhân phổ biến gây sụt cân. Ngoài ra, có khoảng 25% trường hợp sụt cân không rõ nguyên nhân.

Các nguyên nhân chính gây sụt cân không chủ đích

Một số bệnh lý điển hình có thể là nguyên nhân chính khiến Cô Bác, Anh Chị bị sụt cân nhanh và bất thường như ung thư, bệnh về đường tiêu hóa, rối loạn tâm thần, nhiễm trùng, bệnh tim mạch,…

  • Bệnh ác tính như ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư tá tràng, ung thư phổi, lymphoma, ung thư thận, ung thư tiền liệt tuyến,…
  • Các bệnh lý tiêu hóa lành tính như loét dạ dày – tá tràng, bệnh celiac, bệnh viêm ruột,…
  • Rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm, các rối loạn liên quan ăn uống,…
  • Bệnh nội tiết như cường giáp, đái tháo đường, suy thượng thận,…
  • Nhiễm trùng bao gồm nhiễm nấm, nhiễm giun sán mạn tính, nhiễm HIV / AIDS, viêm nội tâm mạc bán cấp do vi khuẩn, lao.
  • Bệnh lý thần kinh như đột quỵ, sa sút trí tuệ, xơ cứng cột bên teo cơ,…
  • Bệnh mạn tính tiến triển như hội chứng suy mòn do suy tim, do bệnh phổi, do suy thận,…
  • Các rối loạn vị giác và răng miệng như rối loạn vị giác (mất hương vị), thiểu sản răng.
  • Bệnh thấp như viêm khớp dạng thấp nặng, viêm mạch tế bào khổng lồ,…
  • Bệnh tim mạch và hô hấp mãn tính nặng bao gồm hội chứng suy mòn do suy tim sung huyết (CHF), suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Các nguyên nhân sụt cân không chủ ý ở người lớn tuổi

Đối với người lớn tuổi, nguyên nhân bị sụt cân nhanh thường đến từ tuổi tác, các bệnh lý ở người cao tuổi, thói quen sinh hoạt hằng ngày.

  • Tác dụng phụ của thuốc: như digoxin, theophylline, SSRIs, thuốc kháng sinh,…
  • Cảm xúc: trầm cảm và lo âu là một yếu tố góp phần gây sụt cân ở người lớn tuổi rất thường gặp.
  • Nghiện rượu, lạm dụng rượu
  • Hoang tưởng tuổi già hoặc nỗi đau sau mất người thân.
  • Các vấn đề về nuốt.
  • Yếu tố răng miệng: mất răng, khô miệng.
  • Nhiễm khuẩn bệnh viện: lao, viêm phổi,…
  • Sa sút trí tuệ và cô lập với xã hội.
  • Mắc các bệnh lý như cường giáp, tăng calci máu, suy thượng thận.
  • Vấn đề tiêu hóa: mắc các bệnh lý như hẹp thực quản, bệnh ruột gluten, sỏi (túi mật),…
  • Vấn đề ăn uống, chế độ ăn ít muối, ít cholesterol và các chế độ ăn điều trị khác.
Các Triệu Chứng Sụt Cân Không Chủ Đích

Các loại thuốc và hóa chất liên quan đến sụt cân

Thuốc và các sản phẩm thảo dược có thể gây sụt cân bất thường, bao gồm:

  • Lạm dụng chất gây nghiện như rượu, amphetamines, cocaine, opioid, thuốc lá,…
  • Hội chứng ngưng thuốc: ngưng thuốc sau khi sử dụng cần sa kéo dài hoặc các thuốc hướng tâm thần liều cao.
  • Tác dụng phụ của các thuốc được kê toa như thuốc kháng virus, hóa trị trong điều trị ung thư, thuốc chống động kinh ở người đái tháo đường, thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp, NSAIDs,…
  • Thảo dược hoặc các thuốc không kê toa như 5-hydroxytryptophan, nha đam, caffeine, cascara, chitosan, crôm, bồ công anh, cây ma hoàng, garcinia, glucomannan, guarana, guargum, thảo dược lợi tiểu, nicotine, pyruvate, cây ban Âu,…

Các nguyên nhân khác gây sụt cân không chủ đích

  • Một số nghề nghiệp đòi hỏi phải có thể hình ốm như vận động viên chạy đường dài, vũ côngballet, người tập thể dục dụng cụ,…Một số người khi tham gia huấn luyện tăng cường phải tăng nhập calo một cách thận trọng để duy trì cân nặng và khối lượng cơ bắp. Tăng lượng thức ăn nhập vào không phải luôn đủ để duy trì trọng lượng cơ thể, dẫn đến sụt cân thoáng qua hoặc kéo dài.
  • Các yếu tố xã hội dẫn đến chế độ ăn uống thiếu hụt: ví dụ như không thể tiếp cận với thức ăn, đặc biệt ở người lớn tuổi.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám?

Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ thăm khám khi cân nặng giảm ít nhất 5% trong vòng từ 6 đến 12 tháng mà không do chủ ý như thay đổi chế độ ăn uống hoặc thói quen vận động thường ngày. Bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân cơ bản của việc bị sụt cân bất thường bằng cách hỏi bệnh sử, khám lâm sàng và cận lâm sàng.

CÁC TRIỆU CHỨNG KÈM THEO SỤT CÂN LÀ GÌ?

Phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, nguyên nhân gây sụt cân nhanh và mức độ tổn thương mà cơ thể sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng đi kèm sụt cân khác nhau như mệt mỏi, khó thở, sốt, rối loạn giấc ngủ, đau xương, đau đầu,….

Các triệu chứng đi kèm với tình trạng sụt cân không chủ đích

Các triệu chứng kèm theo sụt cân không chủ đích sẽ thay đổi tùy theo nguyên nhân và tình trạng bệnh, bao gồm:

  • Mệt mỏi: gợi ý nguyên nhân gây ra bởi các bệnh lý như suy thượng thận, ung thư, bệnh thận mạn tính, trầm cảm, nhiễm trùng, viêm động mạch tế bào khổng lồ, hội chứng thận hư, bệnh u hạt.
  • Sốt, ra mồ hôi trộm về đêm: gợi ý nguyên nhân gây ra bởi các bệnh lý như ung thư, nhiễm trùng, viêm động mạch tế bào khổng lồ.
  • Bệnh hạch bạch huyết: gợi ý nguyên nhân gây ra bởi các bệnh lý như nhiễm trùng, ung thư, bệnh u hạt.
  • Xuất huyết trực tràng, đau bụng mạn tính: gợi ý bệnh ung thư đại – trực tràng.
  • Ho, khó thở, ho máu: gợi ý nguyên nhân gây ra bởi các bệnh lý như ung thư phổi, lao, bệnh u hạt, nấm phổi, nhiễm HIV / AIDS.
  • Tiểu ra máu: gợi ý bệnh ung thư thận hoặc ung thư tuyến tiền liệt.
  • Sợ nóng, run tay, lo lâu, vã mồ hôi: gợi ý bệnh cường giáp.
  • Khát nước quá mức và đi tiểu nhiều: gợi ý bệnh đái tháo đường.

Đau xương (không liên quan đến hoạt động, đau chủ yếu về ban đêm): gợi ý bệnh lý ung thư như đa u tủy xương, di căn xương từ ung thư vú, tuyến tiền liệt hoặc ung thư phổi.

Nhức đầu hoặc các triệu chứng thị giác và đau cơ ở người lớn tuổi: gợi ý bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ.

Đau khớp: gợi ý bệnh viêm nội tâm mạc, viêm động mạch tế bào khổng lồ.

Đau bụng, mệt mỏi, chóng mặt khi thay đổi tư thế: gợi ý bệnh suy thượng thận.

Đau bụng: gợi ý tình trạng thiếu máu, bệnh đái tháo đường, nhiễm giun sán.

Cổ chướng: gợi ý nguyên nhân nghiện rượu, hội chứng thận hư.

Sốt: gợi ý nguyên nhân gây ra bởi các bệnh lý như ung thư, các rối loạn viêm.

Phù: gợi ý bệnh thận mạn, hội chứng thận hư.

Rối loạn giấc ngủ, giảm ham muốn tình dục, buồn rầu: gợi ý tình trạng trầm cảm.

Các triệu chứng đi kèm sụt cân bất thường cảnh báo tình trạng nguy hiểm

Trong một số trường hợp, sụt cân có thể đi kèm với các triệu chứng sau cho thấy tình trạng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được đánh giá và điều trị.

  • Sốt, đổ mồ hôi ban đêm, bệnh hạch bạch huyết toàn thể.
  • Đau xương.
  • Khó thở, ho, ho ra máu.
  • Sự sợ hãi quá mức với việc tăng cân ở nữ giới, đăc biệt ở tuổi vị thành niên.
  • Khát nước quá mức và đi tiểu nhiều.
  • Đau đầu, đau hàm khi nhai và/hoặc rối loạn thị giác ở người lớn tuổi.
  • Đốm Roth, tổn thương Janeway, các nốt Osler, xuất huyết dưới móng tay, huyết khối động mạch võng mạc.
Phương Pháp Điều Trị Sụt Cân Không Chủ Đích

PHƯƠNG TIỆN CHẨN ĐOÁN TRIỆU CHỨNG SỤT CÂN KHÔNG CHỦ ĐÍCH

Quy trình chẩn đoán triệu chứng sụt cân không chủ đích thường được bác sĩ thực hiện qua 5 bước bao gồm xác định tình trạng sụt cân, thăm hỏi tiền sử bệnh, khám lâm sàng, chỉ định cận lâm sàng chẩn đoán và theo dõi tình trạng sức khỏe, cân nặng của bệnh nhân từ 6 – 12 tháng.

Bên cạnh đó, Cô Bác, Anh Chị cũng nên tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung đối với nữ giới, ung thư tuyến tiền liệt đối với nam giới, tầm soát ung thư đại tràng, tầm soát ung thư trực tràng, tầm soát ung thư phổi định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ.

Các bước tiếp cận một người sụt cân kéo dài không chủ đích

Việc đầu tiên để bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng sụt cân không chủ đích là xác định xem Cô Bác, Anh Chị có thật sự bị sụt cân không. Đánh giá bệnh nhân sụt cân không chủ ý nên được cá thể hóa, dựa trên các phát hiện thu được từ thăm hỏi bệnh sử và khám lâm sàng.

  • Trong trường hợp sụt cân <5% cân nặng bình thường có thể được theo dõi, khoảng cách theo dõi có thể thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi và bệnh lý đi kèm của người bệnh.
  • Trường hợp sụt cân ≥5% cân nặng bình thường và có các bất thường khi hỏi tiền sử bệnh hoặc thăm khám cần được chỉ định cận lâm sàng để xác định chẩn đoán nghi ngờ.

Vậy nên, để tiếp cận và chẩn đoán triệu chứng sụt cân chính xác, bác sĩ sẽ thực hiện theo trình tự 5 bước sau đây:

  • Bước 1: Xác định tình trạng sụt cân.
  • Bước 2: Thăm hỏi bệnh sử.
  • Bước 3: Khám lâm sàng.
  • Bước 4: Cận lâm sàng chẩn đoán.
  • Bước 5: Theo dõi tình trạng sức khỏe và cân nặng của người bệnh.

Xác định tình trạng sụt cân

Do có nhiều trường hợp người bệnh than phiền bị sụt cân nhưng khi cân đo lại không thấy có giảm cân. Do đó, việc xác định sụt cân cần xem xét 3 yếu tố sau:

Mức độ sụt cân

– Dao động cân nặng bình thường trong ngày: 1 – 2%.

– Dao động cân nặng bình thường từ ngày này qua ngày khác: có thể tới 2,2 kg.

– Sụt cân sinh lý ở người già: 0,1 – 0,2 kg/năm, có thể tới 0,5%/năm.

– Sụt cân có ý nghĩa lâm sàng: ít nhất 5% trong vòng 6 tháng.

Phương pháp xác định có sụt cân

– Dùng cân nặng đo được ở phòng khám nếu có.

– Dùng tiêu chuẩn của Marton và cộng sự: sụt cân đã được ghi nhận hoặc có ít nhất 2 trong 3 tiêu chuẩn sau:

  • Thay đổi kích cỡ quần áo.
  • Bạn bè hoặc người thân nhận thấy có sụt cân.
  • Bệnh nhân xác định được số cân nặng bị sụt giảm.
Khoảng thời gian xảy ra sụt cân

Trong vòng 6 – 12 tháng vừa qua.

Thăm hỏi bệnh sử

Thăm hỏi bệnh sử bao gồm sụt cân được ghi nhận, đánh giá kiểu sụt cân, đánh giá các rối loạn ăn uống và sụt cân có chủ ý có thể có và loại trừ các yếu tố khác có thể liên quan đến sụt cân.

  • Sụt cân được ghi nhận: Đối với sụt cân được ghi nhận, quan trọng cần phải xác định cân nặng trước đó, nếu không có, hỏi các thành viên khác trong gia đình về tiền sử cân nặng của bệnh nhân, bao gồm cân nặng bình thường trước khi sụt cân xảy ra. Sụt cân không chủ ý tới 20% cân nặng thường ngày thường liên quan với suy dinh dưỡng nặng liên quan tới năng lượng từ protein, thiếu hụt dinh dưỡng và rối loạn chức năng đa cơ quan.
  • Đánh giá kiểu sụt cân: Việc xác định thời gian và kiểu sụt cân là rất quan trọng, bao gồm cả những dao động cân nặng trong quá khứ và việc sụt cân tiến triển dần hay ổn định. Sụt cân mới xảy ra ở một người có cân nặng ổn định trong nhiều năm và sụt cân tiến triển dần thì đáng lo ngại hơn và cần đánh giá tìm nguyên nhân ngay. Các yếu tố khác cần xem xét bao gồm thay đổi cảm giác thèm ăn, lượng calo nạp vào và hoạt động thể lực.
  • Đánh giá các rối loạn ăn uống và sụt cân có chủ ý:
    Các bác sĩ lâm sàng nên hỏi bệnh nhân về khả năng sụt cân có chủ ý (ví dụ như ăn kiêng ở bệnh nhân béo phì).
  • Tiền sử bệnh lý: Tiền sử sử dụng các loại thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn và các sản phẩm thảo dược có thể gợi ý nguyên nhân sụt cân. Ngoài ra, các rối loạn tâm thần, nghiện rượu và trầm cảm có thể là nguyên nhân của triệu chứng sụt cân.

     

    Cô Bác, Anh Chị cần chuẩn bị một số câu hỏi có thể bác sĩ muốn biết để giúp ích cho việc chẩn đoán nguyên nhân:

    • Cân nặng trước đây của Cô Bác là bao nhiêu?
    • Lần đầu tiên Cô Bác nhận thấy rằng cân nặng bị giảm sút là khi nào?
    • Cô Bác đã giảm cân nhanh đến mức nào?
    • Cô Bác đã thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống hoặc lịch tập thể dục không?
    • Cô Bác đã bao giờ giảm cân như thế này chưa?
    • Giảm cân gây khó chịu cho Cô Bác như thế nào?
    • Cô Bác có bất kỳ triệu chứng nào khác như đánh trống ngực, khó thở, vàng da, ho dai dẳng, khàn giọng, khát nước hoặc nhạy cảm với cảm lạnh hoặc nóng?
    • Cô Bác mô tả tình hình sức khỏe của mình như thế nào so với một năm trước?
    • Cô Bác có bị buồn nôn hay nôn không?
    • Cô Bác có bị táo bón hay tiêu chảy không?
    • Gần đây Cô Bác có cảm thấy chán nản hay căng thẳng không?
    • Cô Bác có bất kỳ vấn đề về răng nào gây khó khăn cho việc ăn uống không?
    • Có bệnh nào di truyền trong gia đình Cô Bác không?

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng là bước sau khi bác sĩ thu thập thông tin bệnh lý, chi tiết tình trạng sức khỏe, các biểu hiện, triệu chứng, dấu hiệu, tần suất xuất hiện triệu chứng liên quan đến triệu chứng sụt cân không chủ đích.

 

Bác sĩ sẽ tập trung kiểm tra thể chất, các dấu hiệu sinh tồn bao gồm đo nhiệt độ, nhịp tim, huyết áp, cân nặng và chỉ số khối cơ thể (BMI). Đo độ dày nếp gấp da trên cơ tam đầu và vòng giữa của cánh tay có thể được chỉ định để ước tính khối lượng cơ thể nạc. BMI và ước tính khối lượng cơ thể nạc rất hữu ích cho việc phát hiện xu hướng tiến triển của tình trạng dinh dưỡng thông qua việc theo dõi dọc qua các lần khám tiếp theo.

 

Ngoài ra, thực hiện khám tổng quát, bao gồm kiểm tra tim, phổi, bụng, răng miệng, hệ thống thần kinh, trực tràng (gồm kiểm tra tuyến tiền liệt và xét nghiệm tìm hồng cầu trong phân),…  và các yếu tố ảnh hưởng khác.

 

Chẩn đoán triệu chứng sụt cân nhanh ở người cao tuổi, bác sĩ có thể chỉ định một số thăm khám để tìm ra yếu tố tiềm năng gây ra triệu chứng, bao gồm:

  • Nha khoa
  • Chứng sa sút trí tuệ
  • Trầm cảm
  • Bệnh tiêu chảy
  • Các rối loạn như rối loạn thận, tim hoặc phổi nghiêm trọng
  • Các thuốc đang sử dụng
  • Rối loạn chức năng
  • Rối loạn vị giác
  • Chứng khó nuốt
  • Đánh giá về sự thiếu hụt vitamin D

Cận lâm sàng chẩn đoán

  • Ở bệnh nhân ghi nhận sụt cân ≥5% cân nặng bình thường và bệnh sử hoặc khám lâm sàng có bất thường, cần làm thêm xét nghiệm để xác định chẩn đoán nghi ngờ.
  • Bệnh nhân có bệnh sử hoặc khám lâm sàng liên quan đến kém hấp thu nên được đánh giá thích hợp.
  • Khi bệnh sử và khám lâm sàng không giúp gợi ý chẩn đoán, cận lâm sàng chẩn đoán cơ bản sẽ giúp đưa ra chẩn đoán trong phần lớn trường hợp.
  • Các xét nghiệm sâu hơn được chỉ định tùy thuộc vào kết quả của các xét nghiệm ban đầu.
XÉT NGHIỆM

Các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm phân có thể được bác sĩ yêu cầu.

  • Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC): Xác định nồng độ hồng cầu, bạch cầu giúp bác sĩ đánh giá tổng thể và phát hiện các rối loạn bao gồm nhiễm trùng đường tiêu hóa, xuất huyết đường tiêu hóa, thiếu máu. Ngoài ra, các xét nghiệm chỉ số máu có thể được bác sĩ chỉ định, bao gồm:
    • Đánh giá lượng đường trong máu: Glucose và HbA1c.
    • Xét nghiệm sinh hóa máu: điện giải đồ, Calci máu, chức năng gan và thận.
    • Đánh giá chức năng tuyến giáp.
    • Độ lắng máu hoặc CRP.
    • Xét nghiệm HIV.
    • Xét nghiệm viêm gan siêu vi C ở người bệnh có yếu tố nguy cơ.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Đánh giá thành phần các chất trong nước tiểu hoặc phát hiện tổn thương thận giai đoạn sớm.
  • Xét nghiệm phân: Giúp phát hiện máu ẩn trong phân của tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa, tìm ra những gene biến đổi có dấu hiệu là ung thư đại – trực tràng, xét nghiệm phân gồm có 3 loại là gFOBT, FIT và DNA.

Tham khảo thêm > Glucose là gì? Vai trò của glucose trong cơ thể con người.

 

NỘI SOI ỐNG TIÊU HÓA

Phụ thuộc vào các triệu chứng và tiểu sử bệnh mà khi đến phòng khám nội soi, Cô Bác, Anh Chị có thể được chỉ định nội soi theo từng cơ quan hoặc toàn bộ ống tiêu hóa.

Nội soi tiêu hóa là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý ống tiêu hóa. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.

endoclinic.vn là phòng khám nội soi tiêu hóa chuyên sâu chẩn đoán các bệnh lý về tiêu hóa. Đặt lịch ngay với bác sĩ tại endoclinic.vn để được tư vấn chi tiết hơn về triệu chứng sụt cân bất thường.

CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH

Các chẩn đoán hình ảnh trong chẩn đoán nguyên nhân gây ra triệu chứng sụt cân không chủ đích, bao gồm:

  • Chụp X-quang ngực.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) ngực hoặc bụng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI).
  • Siêu âm tim có thể được bác sĩ chỉ định để kiểm tra các bất thường ở tim, chẩn đoán các bệnh lý nhiễm trùng của màng ngoài tim như viêm nội tâm mạc nhiễm trùng gây sụt cân.
  • Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET) là phương pháp sử dụng trong chẩn đoán bệnh lý ung thư, xác định mức độ xâm lấn của tế bào ung thư hoặc theo dõi hiệu quả điều trị.

Theo dõi tình trạng sức khỏe và cân nặng của người bệnh

  • Ngay cả khi đánh giá ban đầu thích hợp, có thể không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng gây sụt cân. Nếu không tìm thấy bất thường nào, theo dõi từ 1 tới 6 tháng phù hợp với một bộ các xét nghiệm với khả năng khu trú chẩn đoán thấp.
  • Vì một bệnh lý cơ quan hiếm khi xảy ra ở những bệnh nhân có kết quả khám lâm sàng bình thường và xét nghiệm ban đầu bình thường, chờ đợi từ 1 tới 6 tháng ít nguy cơ gây ra dự hậu xấu cho bệnh nhân.
  • Khi theo dõi, cần chú ý kĩ tới chế độ ăn, khả năng của các nguyên nhân tâm lý xã hội, lén dùng thuốc và các biểu hiện mới xuất hiện của bệnh lý tiềm ẩn.
  • Bệnh nhân có sụt cân tăng dần được ghi nhận qua nhiều lần thăm khám nên được theo dõi với khoảng cách ngắn hơn. Có thể cần tầm soát thêm về bệnh lý ung thư ở người lớn tuổi.

Một bộ cận lâm sàng chẩn đoán cơ bản nên bao gồm tầm soát ung thư định kỳ theo khuyến cáo.

Tầm soát ung thư định kỳ

Bác sĩ chỉ định thực hiện các tầm soát ung thư theo độ tuổi nhằm phát hiện sớm bệnh ung thư đồng thời loại trừ các bệnh lý gây triệu chứng sụt cân.

Nhóm ung thư Tiền sử gia đình/Độ tuổi Phương tiện tầm soát
Ung thư vú 40 – 44 Chụp nhũ ảnh hằng năm (theo nhu cầu)
45 – 54 Khuyến cáo chụp nhũ ảnh hằng năm
Trên 55 tuổi Chụp nhũ ảnh 2 năm/lần hoặc có thể làm hằng năm như trước
Gia đình có tiền sử mắc bệnh hoặc có khuynh hướng di truyền Chụp MRI kết hợp với nhũ ảnh
Ung thư đại – trực tràng 45 – 75

 

( người không có triệu chứng bệnh và người có nguy cơ bệnh trung bình (tức là chưa có chẩn đoán trước đây bị ung thư đại trực tràng, polyp tuyến, hoặc bệnh viêm ruột, không có chẩn đoán cá nhân hoặc tiền sử gia đình đã biết có rối loạn di truyền khiến họ có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng [chẳng hạn như hội chứng Lynch hoặc bệnh đa polyp tuyến gia đình]).

– HSgFOBT hoặc FIT hàng năm.

 

– Xét nghiệm hoá miễn dịch-DNA trong phân mỗi 1-3 năm.

– Chụp cắt lớp vi tính (CT) đại tràng mỗi 5 năm.

– Nội soi đại tràng Sigma bằng ống soi mềm mỗi 5 năm.

– Nội soi đại tràng Sigma bằng ống soi mềm mỗi 10 năm + FIT hàng năm

Nội soi đại tràng toàn bộ mỗi 10 năm.

Chú thích:

– HSgFOBT (High-sensitivity guaiac fecal occult blood test): Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân với độ nhạy cao.

– FIT: Xét nghiệm hóa miễn dịch phân.

76 – 85 Khám sàng lọc và chỉ định tầm soát theo tư vấn của bác sĩ, việc tầm soát dựa vào sức khoẻ tổng quát và lịch sử sàng lọc trước đây cũng như ý muốn của mỗi cá nhân.
Trên 85 tuổi Không nên tầm soát ung thư đại trực tràng
Ung thư cổ tử cung Dưới 25 tuổi Không nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung
25 – 65 Xét nghiệm đồng thời HPV và Pap mỗi 5 năm/lần (ưu tiên)

 

Hoặc:
Xét nghiệm Pap mỗi 3 năm/lần

Trên 65 tuổi Nếu đã thực hiện tầm soát định kỳ trong 10 năm với kết quả bình thường thì không nên tầm soát ung thư cổ tử cung.

 

Nếu Cô Bác, Anh Chị có tiền sử ung thư cổ tử cung nghiêm trọng, nên tiếp tục xét nghiệm trong ít nhất 25 năm sau khi chẩn đoán ngay cả khi đã qua 65 tuổi.

Đã tiêm chủng ngừa HPV Khuyến nghị sàng lọc cho các nhóm tuổi
Đã cắt bỏ tử cung Không cần thực hiện tầm soát nếu việc cắt bỏ tử cung không liên quan đến ung thư hoặc tiền ung thư.
Ung thư nội mạc tử cung Có tiền sử bản thân Thực hiện sinh thiết nội mạc tử cung hằng năm
Ung thư phổi 50 – 80 Thực hiện tầm soát ung thư phổi hằng năm bằng CT scan.
Hiện đang hút thuốc hoặc đã bỏ trong vòng 15 năm qua
Tiền sử hút thuốc hơn 20 gói-năm

 

(Số gói-năm là thước đo mức độ hút thuốc của một người nào đó. Công thức tính số gói-năm (PY)= N x T

N= Số gói thuốc hút trong 1 ngày

T= Số năm hút thuốc

1 gói thuốc= 20 điếu

Ví dụ: một người 1 ngày hút 1 gói thuốc trong 20 năm qua thì số gói-năm là : 1x 20= 20 gói-năm)

Ung thư tuyến tiền liệt Nam giới từ 40 tuổi có nguy cơ cao mắc ung thư tiền liệt tuyến (người có trên 1 người thân ở đời thứ nhất < 65 tuổi mắc ung thư tiền liệt tuyến) Nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về việc tầm soát ung thư tiền liệt tuyến.
Nam giới từ 45 tuổi có nguy cơ cao mắc ung thư tiền liệt tuyến bao gồm yếu tố chủng tộc (người Mỹ gốc Phi), di truyền (người thân như bố, anh trai, con trai) bị chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến khi <65 tuổi.
Nam giới từ 50 tuổi có nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến ở mức trung bình

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ TRIỆU CHỨNG SỤT CÂN KHÔNG CHỦ ĐÍCH

Phương pháp điều trị triệu chứng sụt cân không chủ đích sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng sức khỏe khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Các phương pháp điều trị nhằm cải thiện các triệu chứng, kiểm soát biến chứng và điều trị các nguyên nhân cơ bản gây bệnh. Trong một số trường hợp, người bệnh cần thăm khám nhiều lần mới tìm ra được nguyên nhân gây bệnh.

Phương pháp điều trị triệu chứng sụt cân không chủ đích

Các phương pháp điều trị sụt cân bất thường, không chủ đích phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bao gồm:

  • Sụt cân do thiếu hụt dinh dưỡng, bác sĩ có thể giới thiệu người bệnh đến một chuyên gia dinh dưỡng hoặc đưa ra khuyến nghị về chế độ ăn uống khoa học và hợp lý giúp khắc phục tình trạng sụt cân.
  • Sụt cân do rối loạn tiêu hóa như mắc bệnh viêm ruột (IBD) điều trị bao gồm sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm hoặc phẫu thuật. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị chế độ ăn kiêng được cung cấp qua ống dinh dưỡng hoặc các dưỡng chất sẽ được tiêm vào tĩnh mạch giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Sụt cân do rối loạn nội tiết như bệnh cường giáp, đái tháo đường,… bác sĩ có thể kê toa thuốc giúp bổ sung chất dinh dưỡng.
  • Chẩn đoán sụt cân do mắc bệnh ung thư, phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, vị trí tế bào ung thư, tình trạng sức khỏe và độ tuổi. Ung thư giai đoạn tiến triển, khó để điều trị bác sĩ có thể giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách thực hiện các thủ thuật làm giảm nhẹ triệu chứng.

Cách phòng ngừa triệu chứng sụt cân tại nhà

Để phòng ngừa bệnh gây triệu chứng sụt cân không rõ nguyên nhân, đặc biệt là hỗ trợ quá trình điều trị Cô Bác, Anh Chị nên thực hiện các chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, bao gồm:

  • Thực hiện các chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn.
  • Điều chỉnh chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, vận động thể lực hằng ngày.
  • Giữ tâm trạng tích cực và tránh lo lắng hay căng thẳng quá mức.
  • Giảm căng thẳng, áp lực và lo âu bằng cách tập thể dục, tập yoga, ngồi thiền,…
  • Hạn chế hoặc tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá.
  • Khuyến khích người bệnh tự ăn uống bằng đường miệng và hạn chế thực hiện nuôi dưỡng qua đường ruột (mở ống thông dạ dày), đặc biệt là ở người lớn tuổi.
  • Thực hiện thăm khám theo dõi định kỳ hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa theo chỉ định của bác sĩ.

CÂU HỎI TỔNG HỢP

Sụt cân không chủ đích (tên tiếng Anh: unintentional, involuntary hay unintended weight loss) là tình trạng trọng lượng cơ thể giảm ít nhất 5% so với tổng cân nặng trong vòng 6 đến 12 tháng mà không do thay đổi chế độ ăn uống hoặc thói quen tập thể dục, không bao gồm sụt cân do một bệnh lý đã biết hay do tác động của điều trị (ví dụ: điều trị lợi tiểu trong suy tim).

Nguyên nhân sụt cân do sự thay đổi môi trường sống hoặc căng thẳng quá mức thường không nghiêm trọng và có thể cải thiện trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, triệu chứng sụt cân không chủ đích có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý cần được thăm khám ngay. Các bệnh lý như ung thư (chiếm 15 – 37%), rối loạn tiêu hóa (10 – 20%) và các rối loạn tâm thần (10 – 23%) là nguyên nhân phổ biến gây sụt cân. Ngoài ra, có khoảng 25% trường hợp sụt cân không rõ nguyên nhân.

Phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, nguyên nhân gây sụt cân nhanh và mức độ tổn thương mà cơ thể sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng đi kèm sụt cân khác nhau như mệt mỏi, khó thở, sốt, rối loạn giấc ngủ, đau xương, đau đầu,….

Phương pháp điều trị triệu chứng sụt cân không chủ đích sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng sức khỏe khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Các phương pháp điều trị nhằm cải thiện các triệu chứng, kiểm soát biến chứng và điều trị các nguyên nhân cơ bản gây bệnh. Trong một số trường hợp, người bệnh cần thăm khám nhiều lần mới tìm ra được nguyên nhân gây bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Eldridge, Lynne. Causes of Unintentional Weight Loss. Biên tập bởi Yasmine S. Ali. 09 08 2021. https://www.verywellhealth.com/unexplained-weight-loss-definition-and-causes-2249307 (đã truy cập 09 16 2021).
  3. Eske, Jamie. What causes unexplained weight loss? Biên tập bởi Stacy Sampson. 09 23 2019. https://www.medicalnewstoday.com/articles/326417 (đã truy cập 09 16 2021).
  4. Wasserman, Michael R. Giảm cân ngoài ý muốn. Biên tập bởi Yasmine S. Ali. 10 2017. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/đối-tượng-đặc-biệt/các-triệu-chứng-không-đặc-hiệu/giảm-cân-ngoài-ý-muốn ​(đã truy cập 09 16 2021).

TIN SỨC KHỎE

Tổng hợp tin sức khỏe tiêu hóa, cẩm nang sức khỏe tiêu hóa. Nếu nội dung Quý khách quan tâm chưa có, Quý khách có thể liên hệ để đặt câu hỏi với bác sĩ để được tư vấn.

Đặt Lịch Khám Endo Clinic

Endo Clinic

Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư

THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H) VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H) 0939 01 01 01

ĐẶT LỊCH NỘI SOI TIÊU HÓA

Đặt lịch nội soi hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng

    Có Bảo Hiểm Y Tế

    ĐẶT LỊCH KHÁM TIÊU HÓA

    Đặt lịch khám bệnh tiêu hóa hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng

      Có Bảo Hiểm Y Tế

      Đặt Lịch Khám Endo Clinic

      Endo Clinic

      Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư

      THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H) VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H) 0939 01 01 01