Táo bón: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Táo bón là một trong những triệu chứng tiêu hóa phổ biến có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và giới tính, từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi. Táo bón gây ảnh hưởng chất lượng sống và có thể dẫn đến các biến chứng bệnh lý khác như bệnh trĩ, nứt hậu môn, sa trực tràng,… nếu không được điều trị đúng cách.

Triệu Chứng Tiêu Hóa Táo Bón
Triệu Chứng Tiêu Hóa Táo Bón

Táo bón là gì?

Táo bón hay còn gọi là bón (tên tiếng Anh: Constipation) là tình trạng đi tiêu khó khăn, phải rặn nhiều hoặc giảm tần suất đại tiện, phân cứng. Người bị táo bón thường có cảm giác đi tiêu không hết phân. Khi đi cầu, phân có thể khô và cứng hơn bình thường, đôi khi gây đau rát. Tình trạng táo bón kéo dài có thể dẫn đến các bệnh lý như bệnh trĩ, nứt hậu môn, sa trực tràng.

Táo bón là gì? tình trạng đi tiêu khó khăn
Táo bón là tình trạng đi tiêu khó khăn phải rặn nhiều hoặc giảm tần suất đại tiện, phân cứng.

Mặc dù không nguy hiểm, nhưng táo bón kéo dài có thể trở thành rối loạn mạn tính khiến người bệnh phải rặn nhiều khi đi cầu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Táo bón mạn tính có thể là triệu chứng cảnh báo các bệnh lý ống tiêu hóa dưới như viêm đại tràng, polyp đại – trực tràng hoặc ung thư đại – trực tràng.

Phân loại táo bón

Dựa vào thời gian mắc triệu chứng này, táo bón được chia thành 2 cấp độ là táo bón cấp tính và táo bón mạn tính. Tùy theo từng loại táo bón mà bác sĩ sẽ có giải pháp điều trị phù hợp.

Phân loại táo bón theo thời gian:

  • Táo bón cấp tính: Tình trạng táo bón không thường xuyên, chỉ kéo dài vài ngày. Nguyên nhân phần lớn do thay đổi chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt, dùng thuốc hoặc tổn thương cấu trúc đại tràng. Điều trị táo bón cấp tính bằng thuốc nhuận tràng không kê toa (OTC), tập thể dục thường xuyên hoặc thay đổi chế độ ăn nhiều chất xơ.
  • Táo bón mạn tính: Tình trạng táo bón kéo dài hơn ba tháng và đôi khi tiếp tục kéo dài trong nhiều năm. Nguyên nhân có thể là do tổn thương cấu trúc đại tràng hoặc giảm chức năng của các cơ quan hệ bài tiết. Thông thường, điều trị tình trạng táo bón mạn tính bằng thuốc kê toa theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra táo bón còn được phân loại theo nguyên nhân. Nguyên nhân gây táo bón bao gồm táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát.

Phân loại táo bón theo nguyên nhân:

  • Táo bón nguyên phát (táo bón chức năng): Tình trạng táo bón không do bất kỳ tổn thương thực thể hoặc sinh lý gây ra.
  • Táo bón thứ phát: Tình trạng táo bón thường do chế độ sinh hoạt, ăn uống không hợp lý hoặc do mắc các bệnh lý thực thể khác.
Phân loại táo bón theo nguyên nhân
Táo bón cấp tính thường do nguyên nhân tổn thương thực thể, trong khi táo bón mạn tính có thể bao gồm cả tổn thương thực thể và chức năng.

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây táo bón

Nguyên nhân táo bón là do phân tồn đọng lâu trong đại tràng, khối phân sẽ trở nên cứng và khô, khó đi ngoài dẫn đến tình trạng táo bón. Táo bón ở trẻ em thường không nghiêm trọng và chủ yếu do chế độ ăn uống và thói quen đi vệ sinh không khoa học.

Đại tràng (ruột già) có chức năng hấp thụ nước và muối khoáng từ thức ăn và phân hủy bã thức ăn thành phân (chất thải). Các cơ của đại tràng co thắt để đẩy chất thải ra ngoài qua trực tràng.

Nguyên nhân táo bón nguyên phát

Táo bón nguyên phát, hay còn gọi là “táo bón chức năng” hoặc “táo bón chưa rõ căn nguyên”, thường bắt nguồn từ hoạt động bất thường bên trong cơ thể người bệnh.

Các nguyên nhân gây táo bón nguyên phát:

Táo bón vận động ruột bình thường là tình trạng phân di chuyển trong đại tràng với tốc độ bình thường nhưng người bệnh cảm thấy khó đi cầu. Đây là loại phổ biến nhất của nhóm táo bón nguyên phát.

Táo bón vận động ruột chậm là tình trạng giảm hoạt động của nhu động đại tràng. Thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa chậm hơn bình thường và phân mất nhiều thời gian hơn để đi qua đại tràng. Do quá trình vận động ruột chậm người bệnh cảm thấy khó đi cầu và giảm tần suất đi cầu.

Rối loạn chức năng sàn chậu là tình trạng các khối cơ và dây chằng vùng sàn chậu bị lão hóa và không có khả năng giữ các cơ quan vùng chậu ở đúng vị trí. Rối loạn chức năng sàn chậu có thể gây ra do yếu tố tuổi tác hoặc ảnh hưởng từ quá trình mang thai ở phụ nữ. Một số nguyên nhân gây rối loạn chức năng sàn chậu bao gồm:

  • Rối loạn hệ thần kinh trung ương: Tổn thương các dây thần kinh kiểm soát các chức năng cơ thể khiến các cơ ở đại – trực tràng co lại. Các tổn thương có thể do ảnh hưởng của các bệnh lý như bệnh Parkinson, đa xơ cứng, đột quỵ, tổn thương tủy sống.
  • Rối loạn thần kinh ngoại vi: Các tổn thương có thể do ảnh hưởng của các bệnh lý như bệnh phình đại tràng bẩm sinh, u xơ thần kinh, bệnh lý thần kinh tự động.
  • Rối loạn chức năng: Các cơ liên quan đến quá trình đào thải như cơ sàn chậu bị suy yếu hoặc các cơ vùng chậu không phối hợp co giãn chính xác.
  • Rối loạn chuyển hóa: Các bệnh và tình trạng làm đảo lộn sự cân bằng của hormone có thể dẫn đến táo bón như bệnh đái tháo đường, suy giáp, hạ kali máu hoặc tăng calci máu, mang thai, ure huyết, porphyria.

Tham khảo thêm >> Bảng chỉ số đường huyết chuẩn dành cho bệnh nhân đái tháo đường.

Nguyên nhân táo bón thứ phát

Táo bón thứ phát chủ yếu do ảnh hưởng bởi lối sống, chế độ ăn uống hoặc ảnh hưởng của các bệnh lý khác. Các nguyên nhân gây ra táo bón thứ phát rất đa dạng.

Các vấn đề về chế độ ăn uống, lối sống có thể gây táo bón thứ phát, bao gồm:

  • Chế độ ăn thiếu chất xơ, đặc biệt là thói quen ăn nhiều thịt, sữa hoặc phô mai.
  • Mất nước.
  • Lười vận động, không tập thể dục, rèn luyện sức khỏe thường xuyên.
  • Nhịn đi cầu khi cảm thấy mắc.
  • Thay đổi thói quen hoặc lối sống (ví dụ: đi du lịch).
  • Căng thẳng, stress.
Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây táo bón
Chế độ ăn thiếu chất xơ là nguyên nhân phổ biến gây táo bón.

Các nguyên nhân phổ biến của táo bón thứ phát do ảnh hưởng của các bệnh lý khác, bao gồm:

  • Suy tuyến giáp
  • Bệnh đái tháo đường
  • Các bệnh ảnh hưởng đến não hoặc mạch máu, chẳng hạn như chứng sa sút trí tuệ
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS)
  • Tác dụng phụ của một số thuốc như thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng histamin, thuốc điều trị rối loạn tâm thần, thuốc điều trị hội chứng Parkinson, thuốc chống co giật,…
  • Tắc nghẽn đại – trực tràng: Sự tắc nghẽn trong đại – trực tràng có thể làm chậm hoặc ngừng vận chuyển phân ra khỏi trực tràng. Sự tắc nghẽn xảy ra có thể do nứt hậu môn, tắc ruột, khối u đại tràng, dính ruột, ung thư đại tràng, ung thư ở vùng bụng hoặc rối loạn do kiêng ăn.
  • Thiếu vitamin và khoáng chất
  • Tổn thương thần kinh
  • Tổn thương tủy sống
  • Các bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh như bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng

Những yếu tố làm tăng nguy cơ táo bón

Tình trạng táo bón có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và giới tính. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc táo bón ở một người.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ táo bón, bao gồm:

  • Người lớn trên 65 tuổi có xu hướng ít vận động thể chất và mắc các bệnh mạn tính nên dễ bị táo bón.
  • Phụ nữ mang thai sẽ có sự thay đổi về nội tiết tố và ảnh hưởng chèn ép của thai nhi lên đường ruột làm hạn chế sự di chuyển của phân.
  • Ăn kiêng hoặc ăn ít chất xơ.
  • Nằm lâu trên giường.
  • Tiền sử bệnh lý đường tiêu hóa như viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích (IBS).
  • Thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau, thuốc ngăn sản sinh axit dạ dày, thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp,…

Táo bón là tình trạng thường gặp ở người lớn trên 65 tuổi vì chế độ ăn ít chất xơ, thiếu hoạt động thể chất, các bệnh phối hợp và sử dụng thuốc gây táo bón. Nhiều người cao tuổi có quan niệm sai về thói quen đại tiện bình thường và thường xuyên sử dụng thuốc nhuận tràng.

Ngoài ra, nữ giới bị táo bón thường xuyên hơn nam giới và trẻ em bị thường xuyên hơn người lớn. Đặc biệt phụ nữ mang thai rất dễ bị táo bón sau sinh do thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.

Dấu hiệu và triệu chứng táo bón

Dấu hiệu và triệu chứng táo bón sẽ xuất hiện khác nhau ở mỗi người bệnh. Tuy nhiên, tình trạng này thường có các biểu hiện chung là giảm tần suất đi đại tiện, đại tiện khó, phải rặn nhiều, phân cứng, mót rặn,…

Các triệu chứng táo bón là gì?

Thói quen đi tiêu của mỗi người là khác nhau. Một số người có thể đi tiêu nhiều lần trong ngày, trong khi một số người khác thì đi tiêu vài lần trong suốt 1 tuần. Tuy nhiên một người được xem là bị táo bón nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường trong việc đi tiêu.

Các dấu hiệu và triệu chứng khi bị táo bón, bao gồm:

  • Đi cầu ít hơn 3 lần/tuần hoặc ít hơn tần suất bình thường.
  • Phân cứng, khô hoặc rời rạc thành từng khối.
  • Gặp khó khăn khi đi đại tiện.
  • Có cảm giác chưa tống hết phân ra ngoài.
  • Cần có biện pháp hỗ trợ để đi cầu được như dùng tay ấn vào bụng.
  • Đau bụng.
  • Chướng bụng, buồn nôn.

Dấu hiệu cảnh báo triệu chứng táo bón cần được thăm khám ngay

Một số dấu hiệu của táo bón nặng gợi ý về các nguyên nhân nghiêm trọng hơn được gọi là dấu hiệu cảnh báo (red flags). Người bệnh có các triệu chứng này cần được thăm khám ngay và can thiệp kịp thời, nếu không có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Các dấu hiệu và triệu chứng khi bị táo bón cần đi khám ngay:

nên thăm khám bác sĩ nếu táo bọn kèm dấu hiệu buồn nôn
Nếu táo bón kèm theo tình trạng buồn nôn và nôn ói, Cô Bác, Anh Chị cần đến gặp bác sĩ ngay.

Khi nào cần đi khám?

Táo bón là tình trạng rối loạn tiêu hóa không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu xuất hiện các triệu chứng đột ngột kèm theo đau bụng hoặc chuột rút, không thể đi tiêu hoặc trung tiện, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám.

Trường hợp bị táo bón kèm theo những triệu chứng sau thường cảnh báo tình trạng của bệnh lý nghiêm trọng hơn, bao gồm:

  • Đi ngoài ra máu
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Đau bụng dữ dội khi đi cầu
  • Tình trạng táo bón kéo dài hơn 2 tuần
  • Kích thước, hình dạng và độ đặc của phân thay đổi đáng kể
  • Không thể cải thiện tình trạng táo bón khi thay đổi lối sống và chế độ ăn uống khoa học

Phương pháp chẩn đoán táo bón

Để chẩn đoán nguyên nhân người bệnh bị táo bón, bác sĩ sẽ dựa theo tiêu chuẩn Rome IV và các thăm khám khác, bao gồm: khám lâm sàng và cận lâm sàng.

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Tần suất đi cầu bình thường có thể thay đổi tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Đối với một số người, tần suất đi cầu có thể là 3 lần 1 tuần hoặc nhiều nhất mỗi ngày 1 lần. Thực sự, không có con số tiêu chuẩn chính xác cho hoạt động của nhu động ruột trong việc bài xuất.

Do đó, các bác sĩ đã đưa ra một danh sách các tiêu chí để chẩn đoán nguyên nhân táo bón mạn tính. Theo tiêu chuẩn Rome IV, táo bón chức năng được chẩn đoán khi người bệnh có ít nhất 2 trong các tiêu chí sau và kéo dài trên 3 tháng.

Các tiêu chí theo tiêu chuẩn Rome IV:

  • Đại tiện < 3 lần 1 tuần.
  • Phải rặn nhiều > 25% số lần đại tiện.
  • Phân vón cục hoặc cứng > 25% số lần đại tiện.
  • Cảm giác đại tiện không hết > 25% số lần đại tiện.
  • Cảm giác tắc nghẽn hậu môn trực tràng > 25% số lần đại tiện.
  • Phải thực hiện các thao tác thủ công (như sử dụng ngón tay) để hỗ trợ > 25% số lần đại tiện.

Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về tình trạng sức khỏe cũng như bệnh sử của người bệnh để định hướng chẩn đoán nguyên nhân gây táo bón.

Các câu hỏi khám lâm sàng phổ biến về tình trạng táo bón:

  • Tần suất đại tiện.
  • Tần suất và thời gian sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ khám đại tràng.
  • Các loại thuốc đang uống để điều trị bệnh, đặc biệt các thuốc kháng cholinergic và opioid.
  • Các triệu chứng do các rối loạn gây ra như giảm cân không rõ nguyên nhân, thay đổi kích cỡ phân hoặc máu trong phân (gợi ý ung thư).
  • Có từng phẫu thuật ổ bụng trước đây không?
  • Có tiền sử bệnh lý như suy giáp, đái tháo đường và bệnh thần kinh như Parkinson, xơ cứng bì, chấn thương tủy sống không?

Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các khối u hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác nhằm đưa ra đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể.

Khám trực tràng được chỉ định thực hiện để kiểm tra các vết nứt, hẹp, xuất huyết, khối phân (bao gồm cả việc cô đặc phân) và đánh giá trương lực khi nghỉ của hậu môn (nâng cơ đáy chậu khi bệnh nhân co cơ thắt hậu môn), sa trực tràng trong quá trình bài xuất phân và cảm giác trực tràng. Bệnh nhân có rối loạn tống phân, có thể tăng trương lực khi nghỉ của hậu môn giảm dưới 2 cm hoặc tăng trên 4 cm và sự co bất thường của cơ đáy chậu khi tống phân.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định một số cận lâm sàng cần làm như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và nội soi tiêu hóa để xác định chính xác nguyên nhân và tình trạng táo bón của người bệnh.

Xét nghiệm

Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm sau đây để tìm dấu hiệu của một số bệnh và tình trạng có thể gây táo bón.

Các xét nghiệm có thể được chỉ định để chẩn đoán táo bón:

  • Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện một vấn đề sức khỏe khác gây ra táo bón như suy giáp hay tăng canxi máu. Bao gồm các xét nghiệm công thức máu, hormone tuyến giáp, đường máu, điện giải và canxi.
  • Đo áp lực hậu môn trực tràng (anorectal manometry): Đánh giá chức năng cơ thắt hậu môn và trực tràng, khả năng phối hợp của các cơ trong nhu động ruột.
  • Nghiệm pháp tống bóng (balloon expulsion test): Đánh giá tốc độ cơ thắt hậu môn, thường được sử dụng cùng với đo áp lực hậu môn trực tràng. Phương pháp giúp đo thời gian người bệnh cần để rặn đẩy một quả bóng chứa đầy nước đặt trong trực tràng ra ngoài.
  • Xét nghiệm chức năng đại tràng: Đánh giá khả năng di chuyển của phân qua đại tràng bằng cách người bệnh sẽ nuốt một viên nang có chứa chất đánh dấu phóng xạ hoặc thiết bị ghi hình không dây. Sự di chuyển của viên nang qua đại tràng sẽ được ghi lại từ 24 giờ đến 48 giờ và gửi hình ảnh đến máy tính.

Nội soi ống tiêu hóa

Để chẩn đoán tình trạng táo bón, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi tiêu hóa dưới. Bác sĩ sử dụng một dây soi mềm, có gắn camera với độ phóng đại trên 500 lần, có thể soi đến cấp độ tế bào, kết hợp với ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để chẩn đoán chính xác và đồng nhất kết quả.

Nội soi đại – trực tràng là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý đại – trực tràng. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.

Danh sách phương pháp nội soi ống tiêu hóa có thể được thực hiện:

  • Nội soi đại tràng sigma: đây là phương pháp cung cấp hình ảnh trực tiếp phần xa của đại trực tràng, có thể thực hiện sinh thiết hoặc cắt bỏ polyp.
  • Nội soi đại tràng toàn bộ: phương pháp này được chỉ định sau khi các xét nghiệm ít xâm lấn khác cho kết quả dương tính, nội soi đại tràng cũng có thể được sử dụng để sàng lọc ngay từ đầu.

Endo Clinic là trung tâm hiếm hoi chuyên sâu chẩn đoán và điều trị bệnh lý tiêu hóa, trong đó có tầm soát ung thư thực quản – dạ dày – tá tràng, tầm soát ung thư đại trực tràng.

Tại đây có đội ngũ Bác sĩ nội soi giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm. Cùng với đó là kỹ thuật nội soi hiện đại và quy trình nội soi chuẩn quốc tế, mang đến cho quý khách cảm giác thoải mái trong quá trình thực hiện dịch vụ.

Đặc biệt, Endo Clinic còn được cấp phép thực hiện dịch vụ Nội Soi Không Đau (Nội Soi Tiền Mê). Đây là phương pháp được khuyến cáo theo Hội Tiêu Hóa Hoa Kỳ và Đồng Thuận Châu Á để tăng tỷ lệ phát hiện các tổn thương.

Liên hệ Endo Clinic để tìm hiểu thêm về dịch vụ hoặc đặt hẹn ngay hôm nay.

Quy trình nội soi tiêu hóa Endo Clinic
Quy trình nội soi tiêu hóa Endo Clinic

Chẩn đoán hình ảnh

Bên cạnh việc thực hiện các xét nghiệm và làm nội soi, chẩn đoán hình ảnh cũng là một phương pháp được dùng để chẩn đoán táo bón. Vậy các chẩn đoán hình ảnh nào có thể được thực hiện?

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể được thực hiện:

  • Chụp X-quang bụng: Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát hình ảnh đường ruột có đang bị tắc nghẽn còn được gọi là tình trạng tắc ruột và khối phân có đang nằm trong đại tràng hay không.
  • Chụp X-quang đại tràng cản quang khi đại tiện: hay còn gọi là thụt Bari chụp X-quang đại tràng. Hình chụp X-quang giúp bác sĩ quan sát hình ảnh toàn bộ đại tràng và phát hiện các bất thường nếu có như tình trạng sa trực tràng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI giúp đánh giá chức năng các cơ trong quá trình đại tiện, chẩn đoán các bệnh lý như thoát vị trực tràng (rectocele), sa trực tràng (rectal prolapse) có thể gây ra tình trạng táo bón.

Biến chứng của táo bón

Táo bón nếu được điều trị sớm thường không gây ra các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp kịp thời, táo bón có thể gây ra một số ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

Các biến chứng của táo bón là:

  • Bệnh trĩ: dùng sức nhiều khi đi cầu sẽ làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch của hậu môn, trực tràng, theo thời gian sẽ gây sưng và hình thành các búi trĩ.
  • Nứt hậu môn: Phân lớn hoặc cứng có thể gây ra những vết rách ở hậu môn.
  • Ứ phân bên trong đại tràng: Táo bón mạn tính có thể khiến cho một phần khối phân bị kẹt cứng bên trong đường ruột, không thể tống ra ngoài.
  • Sa trực tràng: Đi cầu khó có thể khiến một phần nhỏ trực tràng căng ra và nhô ra khỏi hậu môn.

Phương pháp điều trị nguyên nhân gây táo bón

Nếu tình trạng táo bón kéo dài và tái phát thường xuyên, Cô Chú Anh Chị nên đi khám bác sĩ. Tùy theo nguyên nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc hoặc đưa ra cách điều trị phù hợp.

Dùng thuốc nhuận tràng điều trị táo bón

Thuốc nhuận tràng là một trong những loại thuốc trị táo bón giúp tăng tiết dịch trong đại tràng, phân dễ dàng đi ra hơn.

Một số loại thuốc nhuận tràng bao gồm:

  • Thuốc nhuận tràng làm tăng khối lượng phân: Các thuốc bổ sung chất xơ, có tác dụng chậm, nhẹ nhàng và an toàn thúc đẩy việc bài xuất phân. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như chướng bụng, đầy hơi.
  • Thuốc làm tăng khả năng thẩm thấu: Thuốc làm tăng áp suất thẩm thấu và kéo nước vào lòng ruột, tăng cường các chất kích thích nhu động. Các chất này thường hoạt động trong vòng 3 giờ. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như co thắt bụng thoáng qua, đầy hơi, đại tiện không tự chủ.
  • Thuốc tăng bài xuất hoặc thuốc xổ: Các thuốc có tác dụng làm cho đường ruột co bóp mạnh hơn. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như co thắt bụng, đại tiện không tự chủ.
  • Thuốc làm mềm phân: Các hoạt chất có thể giúp khối phân mềm hơn nhờ hấp thụ thêm nước từ đường ruột.
  • Dung dịch thụt: nhóm thuốc này có tác dụng làm mềm phân và kích thích nhu động ruột.

Thuốc nhuận tràng phần lớn có hiệu quả trong điều trị nhưng không phải là một giải pháp lâu dài để điều trị táo bón. Thực tế, một số loại thuốc nhuận tràng nếu được dùng thường xuyên có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm như mất cân bằng điện giải, mất nước. Vì thế, nếu dùng thuốc quá hai tuần mà các triệu chứng không cải thiện người bệnh nên gặp bác sĩ tại bệnh viện/phòng khám nội soi tiêu hóa để thăm khám tiêu hóa.

Ngoài ra, hãy nói với bác sĩ về tình trạng táo bón kéo dài do sử dụng thuốc điều trị bệnh lý để được hướng dẫn ngừng thuốc hoặc thay thế bằng những loại thuốc khác.

Lưu ý: Bệnh nhân chỉ sử dụng các loại thuốc trị táo bón theo chỉ định của bác sĩ.

Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại tràng bị ảnh hưởng là cách chữa táo bón ở người lớn trong trường hợp các phương pháp điều trị trên không hiệu quả và tình trạng táo bón ở mức độ nặng do các bệnh lý tắc ruột, sa trực tràng gây ra.

Các vấn đề về đại – trực tràng nghiêm trọng hơn có thể yêu cầu:

  • Các thủ thuật thủ công làm sạch đoạn ruột bị tắc.
  • Liệu pháp để kích thích tái hoạt động các cơ chậm.
  • Phẫu thuật để loại bỏ phần ruột có vấn đề.

Cách hỗ trợ điều trị táo bón

Những thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống hàng ngày của Cô Bác, Anh Chị cũng có thể cải thiện tình trạng táo bón. Lười vận động và chế độ ăn uống không đủ chất dinh dưỡng là hai nguyên nhân chính gây táo bón.

Tăng hàm lượng chất xơ

Chế độ ăn nên chứa đủ chất xơ, lượng chất xơ cần tiêu thụ mỗi ngày là khoảng 15 – 20 gram cho mỗi 1.000 calo. Chất xơ thực vật, phần lớn không thể tiêu hóa và không hấp thụ được, làm tăng lượng phân. Một số thành phần của chất xơ cũng hấp thụ chất lỏng, làm cho phân trở nên mềm hơn giúp dễ đi cầu hơn.

Các loại thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao gồm:

  • Hoa quả và rau củ giàu chất xơ như mận khô, táo, đu đủ, diếp cá,…
  • Ngũ cốc nguyên cám.
  • Uống nhiều nước (ít nhất từ 1,5 đến 2 lít nước / ngày), đặc biệt nên uống nước ấm vào buổi sáng.
  • Các loại hạt
  • Bánh mì ngũ cốc nguyên cám

Lưu ý: Cô Bác, Anh Chị không nên tăng lượng chất xơ đột ngột vì có thể gây đầy bụng, đầy hơi, hãy tham khảo ý kiến từ các chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống khoa học và hợp lý.

Bên cạnh đó, một số loại thực phẩm cũng có thể khiến tình trạng táo bón nghiêm trọng hơn. Vì thế, khi bị táo bón, Cô Bác, Anh Chị không nên ăn hoặc kiêng ăn các loại thực phẩm này.

Các loại thực phẩm nên kiêng khi bị táo bón:

  • Thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ hoặc thức ăn nhanh
  • Thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu, thịt trâu) chứa ít chất xơ nhưng lại nhiều protein, gây khó tiêu và làm tăng độ cứng của phân khi di chuyển qua ruột
  • Sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa
  • Ngũ cốc đã qua chế biến như bánh mì trắng, gạo trắng và mì trắng
  • Rượu bia
  • Sô-cô-la
  • Thực phẩm chứa Gluten như lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen
  • Quả hồng

Tập thể dục đều đặn

Hoạt động thể chất cũng giúp làm tăng khả năng hoạt động của các cơ ở hậu môn, trực tràng. Vì vậy, để hỗ trợ cải thiện tình trạng táo bón, Cô Bác, Anh Chị có thể tập thể dục vừa phải 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 lần mỗi tuần với các môn thể thao như bơi lội, đạp xe, chạy bộ,…

tập thể giao giúp cải thiện tình trạng táo bón
Tập thể thao đều đặn giúp cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả.

Tránh nhịn khi mắc đại tiện

Nhịn đi cầu càng lâu phân sẽ trở nên cứng hơn, gây khó đi. Vì vậy, Cô Bác, Anh Chị nên có thói quen đi đại tiện vào một giờ nhất định trong ngày, đồng thời cố gắng thư giãn và thật thoải mái trong lúc đi cầu, không để các yếu tố khác tác động đến.

Phương pháp phòng ngừa táo bón

Một chế độ ăn uống khoa học và lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, tập thể dục sẽ giúp ngăn ngừa và hạn chế được tối đa nguy cơ bị táo bón.

Các biện pháp giúp phòng ngừa táo bón:

  • Tăng cường ăn thực phẩm chứa nhiều chất xơ như rau xanh, hoa quả tươi, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt,…
  • Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, các sản phẩm từ sữa có thể gây táo bón cho một số người.
  • Uống nhiều nước, trung bình khoảng 2 lít nước mỗi ngày.
  • Tạo thói quen đi đại tiện đều đặn, không nhịn khi mắc đi cầu.
  • Hạn chế sử dụng các loại đồ uống kích thích như bia rượu, trà, cà phê,…
  • Ăn thực phẩm giúp nhuận tràng, giàu vitamin nhóm B như mật ong, vừng, rau mồng tơi, khoai lang, chuối tiêu, đu đủ, củ cải, giá đỗ…
  • Tăng cường tập thể dục rèn luyện sức khỏe.
  • Tầm soát ung thư đại tràng nói riêng hay tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ nói chung giúp phát hiện những tổn thương tiền ung thư, đồng thời phát hiện được các bệnh lý ở đại tràng khác như viêm loét đại tràng, polyp đại tràng,…

Những điểm cần lưu ý về triệu chứng táo bón

Táo bón có thể khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi tiêu, đau, đầy bụng, buồn nôn và các triệu chứng khác. Phân có thể trở nên cứng và khô.

Các lưu ý về táo bón gồm:

  • Táo bón là tình trạng đi tiêu khó khăn hoặc giảm tần suất đi cầu, phân cứng, hoặc cảm giác bài xuất phân không hoàn toàn.
  • Nguyên nhân táo bón phổ biến là lạm dụng thuốc nhuận tràng, sử dụng các thuốc kháng cholinergic hoặc opioid.
  • Triệu chứng điển hình của táo bón là đi cầu ít hơn 3 lần 1 tuần, phân khô, cứng, khó đi tiêu, cảm giác bị chặn ở vùng hậu môn,…
  • Táo bón mạn tính kéo dài có thể gây ra các biến chứng ống tiêu hóa dưới như bệnh trĩ, nứt hậu môn, ứ phân bên trong đại tràng, sa trực tràng.
  • Sau khi khám lâm sàng mà không tìm ra nguyên nhân gây táo bón, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi ống tiêu hóa dưới để chẩn đoán chính xác bệnh lý gặp phải.
  • Táo bón do sử dụng thuốc điều trị bệnh lý khác, chấn thương, nằm lâu ngày có thể điều trị mà không cần thực hiện các xét nghiệm khác.
  • Tăng chất xơ trong khẩu phần ăn giúp cải thiện đáng kể tình trạng táo bón.

Câu hỏi thường gặp

Dấu hiệu của bệnh táo bón nặng là gì?

Khi bị táo bón nặng, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như đi ngoài ra máu, sụt cân không rõ nguyên nhân, đau bụng dữ dội khi đi cầu, tình trạng táo bón kéo dài hơn 2 tuần,… Khi xuất hiện các dấu hiệu này, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra và điều trị.

Nguyên nhân chính gây táo bón là gì?

Táo bón có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dựa vào nguyên nhân mà có thể chia táo bón thành táo bón nguyên phát (bắt nguồn từ hoạt động bất thường của cơ thể) và táo bón thứ phát (bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt và lối sống không lành mạnh hoặc từ bệnh lý,…).

Bị táo bón nên ăn và kiêng gì?

Khi bị táo bón, Cô Chú, Anh Chị nên bổ sung hoa quả và rau củ giàu chất xơ như mận khô, táo, đu đủ, diếp cá,… trong bữa ăn hàng ngày và uống đủ nước. Ngoài ra, Cô Chú, Anh Chị cũng cần kiêng những loại thực phẩm có thể làm tình hình táo bón trầm trọng hơn như thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ hoặc thức ăn nhanh, rượu bia, sô-cô-la,…

Bị táo bón lâu ngày có nguy hiểm không?

Táo bón lâu ngày nếu không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh trĩ, nứt hậu môn, ứ phân bên trong đại tràng và sa trực tràng.

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic.
  2. Cafasso, Jacquelyn. What Does It Mean to Have Chronic Constipation? Biên tập bởi Elaine K. Luo. 07 07 2020. https://www.healthline.com/health/cic/what-does-it-mean (đã truy cập 05 26, 2021).
  3. Greenberger, Norton J. Táo bón. 05 2016. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/các-triệu-chứng-rối-loạn-tiêu-hóa/táo-bón (đã truy cập 05 26, 2021).
  4. Mayo Clinic Staff. Constipation. 29 06 2019. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/constipation/symptoms-causes/syc-20354253 (đã truy cập 05 26, 2021).
  5. Moores, Danielle. What You Should Know About Constipation. Biên tập bởi Saurabh Sethi. 24 08 2019. https://www.healthline.com/health/constipation (đã truy cập 05 26, 2021).
  6. Khatri, Minesh, biên tập viên. What Is Constipation? 26 11 2019. https://www.webmd.com/digestive-disorders/digestive-diseases-constipation (đã truy cập 05 26, 2021).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?

Chia sẻ nội dung: