Viêm ruột do ký sinh trùng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng đường ruột trên thế giới vẫn ở mức độ cao. Ký sinh trùng có thể gây ra viêm đường ruột và có nguy cơ dẫn đến tử vong, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nước nhiệt đới nghèo với điều kiện vệ sinh kém, nhưng cũng có thể gặp ở nước phát triển (do dân nhập cư, du lịch trở về từ vùng dịch tễ, người mắc bệnh suy giảm miễn dịch). Mời Cô Bác, Anh Chị xem chi tiết về bệnh viêm ruột do ký sinh trùng là gì, nguyên nhân gây bệnh, phương pháp chẩn đoán và điều trị trong bài viết sau do Đội ngũ Bác sĩ tại endoclinic.vn chia sẻ.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2020, hơn 1,5 tỷ người tương đương 24% dân số thế giới mắc bệnh nhiễm giun truyền qua đất. Hơn 267 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và 568 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học sống ở những nơi có các loại ký sinh trùng lây truyền mạnh và cần được điều trị, can thiệp dự phòng.

Viêm ruột do ký sinh trùng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Viêm ruột do ký sinh trùng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đặc điểm bệnh viêm ruột do ký sinh trùng

Viêm ruột do ký sinh trùng là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm ruột (IBD) thường gặp. Một số ký sinh trùng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh liên quan đến thực phẩm và nguồn nước. Những sinh vật này sống và sinh sản trong các mô, đường tiêu hóa, cơ quan của con người, động vật bị nhiễm bệnh và thường được bài tiết qua phân.

Bệnh viêm ruột do ký sinh trùng là gì?

Bệnh viêm ruột do ký sinh trùng (tên tiếng Anh: parasitic colitis) là tình trạng tổn thương đường ruột do nhiễm ký sinh trùng, gây ra viêm, có thể xuất hiện trên toàn bộ ống tiêu hóa từ thực quản đến hậu môn. Ký sinh trùng là những sinh vật ký sinh trên các bộ phận khác nhau của cơ thể người và thu nhận chất dinh dưỡng từ những bộ phận đó. Nhiễm ký sinh trùng đường ruột gây ra các tổn thương khiến lớp niêm mạc bị viêm, sưng đỏ cùng với các triệu chứng phổ biến như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói,…

Bệnh viêm ruột do ký sinh trùng là gì?
Viêm ruột do ký sinh trùng là tình trạng tổn thương đường ruột do nhiễm ký sinh trùng, gây ra viêm, có thể xuất hiện trên toàn bộ ống tiêu hóa. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Viêm ruột do ký sinh trùng là bệnh lý thuộc nhóm bệnh viêm ruột (IBD). Bệnh viêm ruột do ký sinh trùng có thể bị nhiễm ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ em thường cao hơn người lớn. Bệnh được ghi nhận nhiều nhất ở bệnh viện, trại giam, trường học và đặc biệt là trường mầm non.

Các loại ký sinh trùng đường ruột

Có 2 loại ký sinh trùng đường ruột thường gặp gây bệnh ở người, bao gồm:

  • Động vật đơn bào nguyên sinh: là những loại ký sinh trùng cấu tạo từ một tế bào như trùng roi, trùng amip,… lây lan chủ yếu qua nguồn nước và thực phẩm nhiễm bẩn.
  • Giun sán: giun sán là ký sinh trùng thường gặp với cấu tạo đa bào và có hệ thống cơ quan phức tạp. Giun sán có thể phân chia thành:
    • Giun tròn được cấu tạo bởi các khoang cơ thể, đây là đặc điểm phân biệt với sán dây và sán lá. Tùy thuộc vào từng loài khác nhau sẽ có giai đoạn phát triển khác nhau trong vòng đời gây bệnh cho con người. Các loại giun tròn phổ biến là giun đũa, giun móc và giun tóc.
    • Sán dẹp bao gồm sán dây và sán lá. Sán dây trưởng thành là sán dẹt nhiều đốt không có ống tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng trực tiếp từ ruột non của con người. Trong hệ tiêu hóa của vật chủ, sán dây trưởng thành có thể phát triển lớn hơn và có loài dài đến tận 40m. Sán dây gây bệnh phổ biến ở người là sán dải bò (taenia saginata) và sán dải lợn (taenia solium).
Giardia lamblia là loài ký sinh trùng đơn bào rất nhỏ có thể sống trong ruột non của các động vật và người. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Giardia lamblia là loài ký sinh trùng đơn bào rất nhỏ có thể sống trong ruột non của các động vật và người. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Giun sán có vòng đời phức tạp, với thời gian tồn tại bên ngoài lẫn bên trong cơ thể người. Một số loài giun như giun lươn có thể sinh sản với chu trình tự nhiễm như con non gây bệnh trên cùng một vật chủ, chúng không bài xuất ra ngoài môi trường gây bệnh cho vật chủ khác. Trường hợp nhiễm giun lươn, chu trình tự nhiễm có thể gây đe dọa tính mạng. Quá trình nhiễm giun lươn tiến triển nhanh hơn ở những người suy giảm miễn dịch đặc biệt những người sử dụng corticoid.

Mức độ nghiêm trọng của nhiễm giun sán liên quan số lượng giun trong cơ thể và số lượng này phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc với môi trường, loại ký sinh trùng, tình trạng miễn dịch của cơ thể,…

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh viêm ruột do ký sinh trùng

Nguyên nhân viêm ruột do ký sinh trùng là người thường xuyên tiếp xúc các khu vực bị ô nhiễm, ẩm mốc hay sử dụng thức ăn đồ uống không an toàn, nhất là người có hệ miễn dịch kém. Thức ăn nấu chưa chín như thịt bò, cá, thịt cua, ếch hay rau sống,… là nguồn mang rất nhiều mầm bệnh giun sán. Ngoài ra, điều kiện khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam rất thích hợp cho các loại ký sinh trùng phát triển.

Nguyên nhân gây bệnh viêm ruột do ký sinh trùng.
Thực phẩm tươi sống là một trong những nguồn chứa nhiều ký sinh trùng và là nguyên nhân gây bệnh viêm ruột do ký sinh trùng. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Ký sinh trùng xâm nhập vào đường ruột phát triển, nhân lên nhanh chóng, thậm chí có thể lây lan khắp cơ thể. Nhiễm trùng đường ruột do ký sinh trùng dẫn đến các triệu chứng khó chịu và là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm ruột.

Một số ký sinh trùng phổ biến có liên quan đến bệnh đường ruột do thực phẩm là giardia duodenalis, cryptosporidium parvum, cyclospora cayetanensis, toxoplasma gondii, giun xoắn, sán dây.

Ký sinh trùng lây truyền như thế nào?

Ký sinh trùng ở người có hai con đường lây nhiễm chính đó là qua đường tiêu hóa và qua da.

Nhiều bệnh ký sinh trùng lây truyền qua thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm bẩn, thường gặp ở những vùng có điều kiện vệ sinh môi trường kém. Một số ký sinh trùng ví dụ giun móc có thể xâm nhập vào da khi tiếp xúc với đất bẩn. Ở một số tình huống hiếm gặp hơn, nhiễm ký sinh trùng có thể lây truyền qua đường máu, kim tiêm hoặc từ mẹ sang con.

Yếu tố nào làm tăng nguy cơ gây bệnh viêm ruột do ký sinh trùng?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột do ký sinh trùng, bao gồm:

  • Trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người cao tuổi.
  • Hệ thống miễn dịch: người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc mắc các bệnh lý nền như nhiễm HIV/AIDS, ung thư, đái tháo đường, bệnh thận, bệnh nhân cấy ghép tạng hoặc những người đang điều trị hóa trị.
  • Sinh sống hoặc đi du lịch, cắm trại đến các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới hoặc có yếu tố dịch tễ cao
  • Điều kiện vệ sinh kém: Nơi ở không được đảm bảo vệ sinh, nguồn nước bị ô nhiễm, thực phẩm bẩn,… tạo điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng phát triển và lây lan.
  • Tính chất công việc: người giữ trẻ, nông dân hoặc công việc việc thường xuyên tiếp xúc với phân hoặc đất.
  • Môi trường sống chật hẹp: nơi tập trung đông người sinh sống như ký túc xá, doanh trại quân đội, trại giam, gia đình nhiều thế hệ là nơi phát tán ký sinh trùng vô cùng lý tưởng.
  • Thói quen ăn các loại thịt tái, trứng ốp la còn sống, ăn các loại rau và trái cây củ chưa được rửa sạch,… chứa mầm bệnh giun sán rất cao.
  • Bơi ở sông, hồ, ao, suối thường dễ bị nhiễm Giardia hoặc các loại ký sinh trùng khác.

Dấu hiệu và triệu chứng viêm ruột do ký sinh trùng

Dấu hiệu và triệu chứng viêm ruột do ký sinh trùng sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại ký sinh trùng mắc phải và mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm, các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng. Người bệnh viêm ruột do ký sinh trùng thường xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa, ngứa hậu môn, tiêu chảy kéo dài,…

Triệu chứng bệnh viêm ruột do ký sinh trùng
Đau bụng, tiêu chảy và nôn ói là triệu chứng bệnh viêm ruột do ký sinh trùng phổ biến. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Đôi khi những triệu chứng, dấu hiệu viêm ruột do ký sinh trùng có thể bị nhầm lẫn với các tình trạng khác như thiếu hụt hormone, bệnh viêm phổi hoặc ngộ độc thực phẩm. Do đó, người bệnh cần đến thăm khám y tế để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị theo phát đồ hợp lý.

Triệu chứng của bệnh viêm ruột do ký sinh trùng là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm ruột do ký sinh trùng, bao gồm:

  • Rối loạn tiêu hóa: triệu chứng thường gặp của bệnh viêm ruột do nhiễm ký sinh trùng với các biểu hiện tiêu chảy mạn tính, mất nước, đau bụng âm ỉ, đau về đêm hoặc cũng có thể bị đầy hơi, buồn nôn, nôn và cảm giác nóng rát thượng vị dạ dày.
  • Ngứa hậu môn: đặc biệt là vào ban đêm ở trẻ em gợi ý tình trạng nhiễm giun kim. Giun kim đẻ trứng ở ngoài cơ thể, thông thường là xung quanh hậu môn, gây ra tình trạng ngứa ngáy, khó chịu.
  • Biểu hiện ngoài da: mày đay, ban đỏ, chàm mới phát hoặc các dạng dị ứng da khác có thể gợi ý đến tình trạng nhiễm ký sinh trùng.
  • Mệt mỏi thường xuyên: do tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng do tình trạng chiếm thức ăn tại ruột của các loại giun tròn.
  • Luôn có cảm giác thèm ăn: ăn nhiều hơn bình thường nhưng lại sụt cân cũng là một dấu hiệu khi cơ thể bị nhiễm sán dây hoặc giun tròn. Lý do là khi ký sinh trùng tiêu thụ một lượng thực phẩm của người bị nhiễm bệnh, nên sẽ khiến người bệnh luôn cảm thấy đói. Mặc dù ăn nhiều nhưng cơ thể lại không hấp thu được chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt với các bệnh lý ác tính như ung thư cũng có biểu hiện tương tự.
  • Thiếu máu: giun móc bám trực tiếp vào thành ruột gây mất máu rỉ rả qua đường tiêu hóa hoặc tình trạng thiếu hụt chất sắt cũng dẫn đến thiếu máu.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám?

Cô Bác, Anh Chị cần đến gặp bác sĩ tại bệnh viện/phòng khám chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời nếu xuất hiện các triệu chứng viêm ruột do ký sinh trùng kéo dài, gây trở ngại đến chất lượng sống hằng ngày. Bác sĩ sẽ chỉ định các thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng nhằm chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Phương pháp chẩn đoán viêm ruột do ký sinh trùng

Chẩn đoán viêm ruột do ký sinh trùng thông qua khai thác bệnh sử, khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng có thể gợi ý loại ký sinh trùng gây bệnh. Ví dụ, tăng bạch cầu ái toan hay gặp khi giun sán di chuyển qua mô cơ quan và gợi ý nhiễm ký sinh trùng ở những người nhập cư hoặc người du lịch.

Viêm ruột do ký sinh trùng được nghĩ đến nếu người bệnh sống trong vùng dịch tễ (vùng có các loại ký sinh trùng sinh sống và nhiều người cùng mắc bệnh do ký sinh trùng đó), đặc biệt là những người du lịch đến các khu vực mà điều kiện vệ sinh kém.

Chẩn đoán viêm ruột do ký sinh trùng
Chẩn đoán viêm ruột do ký sinh trùng thông qua khám lâm sàng và cận lâm sàng. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng sẽ bao gồm các bước thăm khám và thu thập thông tin sức khỏe của Cô Bác, Anh Chị như:

  • Xem xét các triệu chứng, biểu hiện mà Cô Bác, Anh Chị đang gặp phải.
  • Kiểm tra hồ sơ tiền sử bệnh án đặc biệt là các bệnh tiêu hóa, các phẫu thuật, dị ứng với thuốc nếu có.
  • Kiểm tra các loại thuốc đã và đang sử dụng được kê đơn hoặc mua ngoài kể cả thực phẩm chức năng.
  • Chế độ ăn uống và tần suất đi vệ sinh như thế nào? Cô Bác, Anh Chị có bị đau bụng, tiêu chảy không? Giữa đêm có thức giấc vì bị tiêu chảy không?
  • Hỏi tiền sử bệnh của gia đình có liên quan.
  • Gần đây Cô Bác, Anh Chị có đi du lịch hoặc đến vùng dịch tễ nhiễm ký sinh trùng không?

Cận lâm sàng

Cận lâm sàng được thực hiện dựa vào các kết quả chẩn đoán trong bước khám lâm sàng, Cô Bác, Anh Chị có thể thực hiện một hoặc nhiều cận lâm sàng khác nhau để xác định được tình trạng bệnh lý cũng như mức độ nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.

Xét nghiệm

Chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng trước đây thường được thực hiện thông qua việc tìmsự hiện diện của trứng, ấu trùng, ký sinh trùng trưởng thành trong phân, máu, mô, các mẫu bệnh phẩm khác hoặc sự có mặt của kháng thể trong huyết thanh. Hiện nay, việc chẩn đoán dựa vào nhận biết kháng nguyên ký sinh trùng hoặc xét nghiệm sinh học phân tử dựa vào ADN của ký sinh trùng ngày càng phổ biến.

  • Xét nghiệm máu: bao gồm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, điện giải đồ và xét nghiệm chức năng gan, thận. Xét nghiệm huyết thanh giúp tầm soát và theo dõi điều trị đối với các loại ký sinh trùng. Tùy theo vùng người bệnh sống, triệu chứng bệnh và biểu hiện lâm sàng mà bác sĩ sẽ có các chỉ định để tìm chỉ điểm của ký sinh trùng trong máu.
  • Xét nghiệm phân: các giai đoạn khác nhau của đơn bào nguyên sinh và giun sán gây bệnh đường tiêu hóa thường được thải qua phân. Xét nghiệm 3 mẫu phân trong những ngày khác nhau giúp tăng khả năng phát hiện ký sinh trùng vì quá trình bài xuất ra phân có thể khác nhau. Độ nhạy trong xét nghiệm tìm trứng và ký sinh trùng trong phân là không cao, do đó trong trường hợp lâm sàng rất nghi ngờ mà xét nghiệm phân âm tính, có thể cân nhắc điều trị theo kinh nghiệm.
  • Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm: dùng giấy bóng kính hoặc miếng gạc lấy bệnh phẩm ở hậu môn có thể phát hiện giun kim hoặc trứng sán dây. Nếu nghi ngờ nhiễm giun lươn, mẫu phân tươi nên được nuôi trên đĩa thạch và ủ để xác định vết ấu trùng di chuyển. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh, thuốc cản quang, thuốc nhuận tràng và thuốc kháng axit có thể gây cản trở khả năng phát hiện trứng và ký sinh trùng trong vài tuần.
Xét nghiệm phân trong chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng đường ruột.
Xét nghiệm phân trong chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng đường ruột. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Nội soi ống tiêu hóa

Nội soi tiêu hóa là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý tiêu hóa. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.

  • Nội soi đại trực tràng cho phép bác sĩ kiểm tra toàn bộ đại tràng, trực tràng, hậu môn bằng cách sử dụng ống nội soi nhỏ, có gắn camera với độ phóng đại trên 500 lần giúp quan sát và đánh giá chính xác tình trạng bên trong đại tràng, đồng thời kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để đồng nhất kết quả.
  • Nội soi đại tràng sigma chỉ có thể quan sát và đánh giá được vùng đại tràng sigma, trực tràng và hậu môn. Nếu đại tràng của người bệnh bị viêm, loét nghiêm trọng, bác sĩ có thể thực hiện phương pháp này thay vì nội soi đại tràng toàn bộ.
  • Nội soi dạ dày nhằm kiểm tra thực quản, dạ dày và tá tràng. Mặc dù bệnh viêm ruột hiếm khi xảy ra tại những cơ quan này nhưng nội soi ống tiêu hóa trên vẫn được bác sĩ chỉ định nếu Cô Bác, Anh Chị xuất hiện các triệu chứng khó tiêu, buồn nôn hoặc đau bụng trên.
  • Nội soi viên nang thường được dùng để quan sát các triệu chứng xuất hiện bên trong ruột non bằng một loại camera nhỏ dạng viên thuốc giúp chẩn đoán bệnh Crohn. Hình ảnh được chụp lại trong quá trình di chuyển của viên nang và được thải ra ngoài theo phân. Nội soi viên nang không được sử dụng khi bạn có triệu chứng tắc ruột.
Nội soi tiêu hóa là phương pháp chính xác nhất trong chẩn đoán các bệnh về viêm đường ruột.
Nội soi tiêu hóa là phương pháp chính xác nhất trong chẩn đoán các bệnh về viêm đường ruột. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Chẩn đoán hình ảnh

  • Chụp X-quang vùng bụng: để loại trừ các biến chứng nghiêm trọng như thủng đại tràng.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): kiểm tra các dấu hiệu tổn thương đường tiêu hóa hoặc tổn thương các cơ quan khác do ký sinh trùng gây ra.

Ngoài ra, siêu âm, chụp CT và MRI có thể được chỉ định trong chẩn đoán bệnh viêm ruột và đánh giá các biến chứng của bệnh, bao gồm:

  • Siêu âm dùng để xác định tình trạng bệnh của hồi tràng.
  • Chụp MRI dùng để đánh giá các lỗ rò của trực tràng.
  • Chụp CT để xác định các lỗ thủng ở ruột hoặc tình trạng tắc ruột. Ngoài ra, kết quả chụp CT có thể sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng và chuẩn bị cho ca phẫu thuật nếu bệnh tiến triển nặng.

Phương pháp điều trị viêm ruột do ký sinh trùng

Điều trị viêm ruột do ký sinh trùng phụ thuộc vào loại kí sinh trùng mà bệnh nhân nhiễm, do đó việc chẩn đoán chính xác loại ký sinh trùng đang nhiễm là cực kì quan trọng.

Các loại thuốc thường được sử dụng điều trị viêm ruột do ký sinh trùng là:

  • Metronidazole
  • Tinidazole
  • Albendazole
  • Mebendazole
  • Ivermectin
  • Triclabendazole
Điều trị bệnh viêm ruột do ký sinh trùng.
Thuốc điều trị bệnh viêm ruột do ký sinh trùng chỉ nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Loại thuốc, liều dùng và thời gian sử dụng của thuốc phụ thuộc vào loại ký sinh trùng, tình trạng hiện mắc, thể lâm sàng cũng như bộ phận cơ thể bị nhiễm bệnh. Việc sử dụng thuốc cần được sự tư vấn và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa vì những loại thuốc diệt ký sinh trùng cũng có nhiều tác dụng phụ mà thường gặp nhất là tình trạng suy gan.

Bên cạnh việc điều trị triệt trừ bằng thuốc diệt ký sinh trùng, bệnh nhân cũng sẽ được kê đơn thuốc điều trị các triệu chứng như thuốc giảm đau, thuốc trị tiêu chảy, dưỡng chất bổ sung,…

Những điểm cần lưu ý

Làm cách nào để phòng ngừa viêm ruột do ký sinh trùng?

Hiện nay vẫn chưa có vắc xin giúp phòng ngừa nhiễm ký sinh trùng gây bệnh viêm ruột ở người. Một số biện pháp tại nhà và thay đổi lối sống có thể giúp Cô Bác, Anh Chị giảm nguy cơ nhiễm ký sinh trùng đường ruột, bao gồm:

  • Chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng, chất xơ, chế độ ăn hợp lý và khoa học.
  • Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Tuân thủ quy tắc “ăn chín, uống sôi”.
  • Hạn chế ăn các món sống như rau sống, gỏi nộm, thịt sống,…
  • Không ăn tiết canh để phòng bệnh giun xoắn, ấu trùng sán dây lợn.
  • Không dùng phân tươi bón cây trồng, nhất là rau, củ ăn sống như rau thơm, mùi, húng, hành, xà lách, rau diếp, tỏi,…
  • Xử lý phân hợp vệ sinh.
  • Nấu vừa đủ thức ăn, không để thức ăn ở nơi nóng ẩm dễ gây ôi thiu.
  • Sử dụng nước sạch, đã được lọc kĩ, uống nước đã đun sôi để nguội.
  • Đối với khách du lịch, nên tuân thủ quy tắc “ăn chín, uống sôi”.
  • Không nên bơi hồ nước ngọt, suối hoặc sông ở khu vực mà bệnh sán máng lưu hành hoặc đi bộ chân trần, tiếp xúc da với đất ở những nơi có giun móc.
  • Uống thuốc tẩy giun định kỳ là biện pháp hiệu quả để ngăn các triệu chứng nhiễm giun sán. Tuy nhiên, thuốc sổ giun không có tác dụng với các sinh vật đơn bào khác như amip. Do đó, việc giữ gìn vệ sinh ăn uống luôn là ưu tiên hàng đầu trong việc phòng bệnh.
Phòng ngừa viêm ruột do ký sinh trùng.
Phòng ngừa bệnh viêm ruột do ký sinh trùng bằng cách sơ chế thực phẩm hợp vệ sinh trước khi chế biến. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Những điều cần lưu ý về bệnh viêm ruột do ký sinh trùng

  • Viêm ruột do ký sinh trùng có thể phát triển nặng với triệu chứng đau bụng dữ dội và sốt giống như viêm ruột thừa. Viêm ruột mạn tính xuất hiện các triệu chứng như sụt cân, tiêu chảy, đau bụng, tiêu phân nhầy nhớt, ngứa hoặc nổi mẩn đỏ trên da,…
  • Động vật đơn bào nguyên sinh và giun sán là hai loại ký sinh trùng chính lây nhiễm qua ống tiêu hóa ở người gây ra các biểu hiện lâm sàng từ xâm nhập không có triệu chứng đến bệnh đe dọa tính mạng.
  • Nội soi đại tràng sigma hoặc nội soi đại – trực tràng nên được chỉ định khi xét nghiệm phân âm tính và nghi ngờ nhiễm amip ở bệnh nhân có triệu chứng đường tiêu hóa dai dẳng.
  • Điều trị nhiễm ký sinh trùng đường ruột có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng các loại thuốc diệt ký sinh trùng kết hợp với thuốc điều trị các triệu chứng kèm theo như tiêu chảy, ngứa, mày đay, thiếu máu,…
  • Xây dựng thói quen sinh hoạt bảo đảm vệ sinh giúp hạn chế nhiễm ký sinh trùng đường ruột qua thức ăn.
  • Bác sĩ cũng khuyến khích người trên 45 tuổi nên tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ vì các triệu chứng bệnh viêm ruột do ký sinh trùng có thể tương tự một số bệnh ung thư đường tiêu hóa.

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Richard D. Pearson. Tiếp cận nhiễm ký sinh trùng. 02 2017. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/bệnh-truyền-nhiễm/tiếp-cận-nhiễm-ký-sinh-trùng/tiếp-cận-nhiễm-ký-sinh-trùng (đã truy cập 10 19,2021).
  3. Tricia Kinman. Parasitic Infections. Biên tập bởi Judith Marcin. 17 09 2018 https://www.healthline.com/health/parasitic-infections (đã truy cập 10 19,2021).
  4. “Soil-transmitted helminth infections” The World Health Organization. 03 02 2020. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/soil-transmitted-helminth-infections (đã truy cập 10 19,2021).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?

Chia sẻ nội dung: