Đau bụng và tiêu chảy có thể bắt nguồn từ các bệnh lý tiêu hóa hoặc do chế độ ăn uống, sinh hoạt không điều độ hàng ngày của người bệnh. Nếu tình trạng đau bụng tiêu chảy kéo dài, không được điều trị sớm, người bệnh có thể gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Hãy cùng Endo Clinic tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, cách điều trị cũng như cách phòng ngừa đau bụng, tiêu chảy trong bài viết sau đây!
Lưu ý:
Các thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thể sử dụng thay thế được chẩn đoán bệnh từ các bác sĩ có chuyên môn. Do đó, Cô Chú, Anh Chị nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh lý chính xác nhất.
Nguyên nhân gây đau bụng tiêu chảy
Đau bụng tiêu chảy là tình trạng bụng đau quặn thắt, dữ dội hoặc đau âm ỉ đi kèm tiêu chảy nhiều lần trong ngày với phân lỏng, nhiều nước. Dưới đây là một số nguyên nhân đau bụng đi ngoài mà người bệnh cần biết.
Chế độ ăn không phù hợp
Người bị đau bụng đi ngoài sau bữa ăn có thể do chế độ ăn uống chưa phù hợp. Chẳng hạn như thay đổi chế độ ăn đột ngột, ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo hoặc nhạy cảm với một vài loại thực phẩm.
Viêm dạ dày ruột do virus
Viêm dạ dày ruột do virus là tình trạng viêm và kích ứng ruột do một số loại virus gây ra, phổ biến nhất đó là norovirus hoặc rotavirus. Bệnh lý có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ em.
Khi mắc bệnh viêm dạ dày ruột, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như đau bụng tiêu chảy, buồn nôn, sốt, đau đầu, đau cơ hoặc đau khớp, chán ăn,… Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà triệu chứng có thể kéo dài từ 1-3 ngày, thậm chí có thể lên tới 14 ngày.
Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn chức năng tiêu hóa ở ruột nhưng không tìm thấy viêm, loét hay bất kỳ tổn thương thực thể nào ở ruột. Khi mắc hội chứng ruột kích thích, người bệnh thường có các triệu chứng như đau bụng đi ngoài, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy, nhu động ruột thay đổi bất thường,…
Bệnh lý ruột mạn tính
Bệnh lý ruột mạn tính là bệnh lý mạn tính, có thể gây tổn thương trên toàn bộ ống tiêu hóa, khiến lớp niêm mạc bị viêm, lâu dần tạo nên các vết loét. Bệnh này bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại trực tràng với các triệu chứng thường gặp như tiêu chảy (có thể kèm máu) và đau bụng. Ngoài ra, bệnh còn có các dấu hiệu khác như buồn nôn, nôn, mất cảm giác ngon miệng, thiếu máu, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân,…
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa xảy ra khi ruột thừa xuất hiện viêm hoặc tắc nghẽn. Theo đó, các triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa thường bắt đầu bằng các cơn đau thượng vị hoặc đau quanh rốn. Sau đó, người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn, nôn và chán ăn. Sau vài giờ kế tiếp, cơn đau sẽ bắt đầu di chuyển sang phần bụng góc phần tư dưới phải. Cơn đau tăng lên khi ho và di chuyển.
Tiêu chảy là một trong những dấu hiệu không điển hình của viêm ruột thừa. Một số dấu hiệu không điển hình khác bao gồm đau không khu trú, cơn đau có thể lan hoặc không có,… Các dấu hiệu không điển hình này thông thường gặp ở người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Dị ứng với thực phẩm
Dị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng bất thường với một số chất có trong thực phẩm mà người bệnh ăn. Dị ứng thực phẩm có thể tác động đến đa cơ quan (đường tiêu hóa, da, hệ hô hấp và cả hệ tuần hoàn).
Triệu chứng của dị ứng thực phẩm có thể khác nhau về độ tuổi. Ở trẻ sơ sinh, triệu chứng thông thường là viêm da dị ứng và một số triệu chứng tiêu hóa (tiêu chảy, buồn nôn, nôn).
Đối với người lớn, triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng hơn. Cụ thể bao gồm nổi mề đay, phù mạch, nguy hiểm nhất là sốc phản vệ. Khi bị sốc phản vệ, người bệnh có biểu hiện đỏ bừng, ngứa, nổi mề đay, sổ mũi, buồn nôn, đau quặn bụng từng cơn, tiêu chảy, cảm giác nghẹt thở hoặc khó thở, đánh trống ngực, và chóng mặt.
Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra do người bệnh tiêu thụ phải thực phẩm và nguồn nước bị ô nhiễm bởi nhiều loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm, độc tố, hóa chất,… Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh có thể có các biểu hiện như đau bụng đi ngoài, buồn nôn, nôn, sốt cao,…
Nhiễm trùng do vi khuẩn
Hệ tiêu hóa cũng có thể bị ảnh hưởng do nhiễm các loại như vi khuẩn Shigella và E. coli. Con người có thể nhiễm phải 2 loại vi khuẩn này thông qua việc sử dụng và tiêu thụ nguồn nước, thực phẩm bị ô nhiễm, hoặc tiếp xúc với người đang nhiễm phải vi khuẩn kể trên. Khi nhiễm phải Shigella hoặc E.coli, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như đau bụng đi ngoài và có thể kèm theo buồn nôn, tiêu chảy, sốt, phân lẫn máu,…
Một số bệnh lý khác
Bên cạnh các nguyên nhân vừa kể trên, người bệnh cũng có thể bị đau bụng đi ngoài do một số bệnh lý như bệnh Celiac, tắc ruột, bệnh Crohn. Cụ thể:
Các bệnh lý khác gây đau bụng tiêu chảy gồm có:
- Bệnh Celiac: Là tình trạng hệ thống miễn dịch phản ứng bất thường với Gluten – một loại protein có trong thực phẩm làm từ lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen. Điều này có thể gây tổn thương đến ruột non, khiến cơ thể không hấp thu dinh dưỡng đúng cách. Bệnh Celiac có thể gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm đau bụng, tiêu chảy và đầy hơi,…
- Tắc ruột: Tắc ruột là tình trạng tắc nghẽn ruột non hoặc ruột già, khiến thức ăn không thể di chuyển bình thường trong lòng ruột. Triệu chứng điển hình là đau quặn bụng ở xung quanh rốn hoặc đau thượng vị, nôn. Ở bệnh nhân tắc ruột hoàn toàn sẽ bị bí trung đại tiện. Còn đối với bệnh nhân tắc ruột bán phần có thể xuất hiện tiêu chảy.
- Bệnh Crohn: Là một loại bệnh lý ruột mạn tính (IBD), gây viêm lớp niêm mạc trong đường tiêu hóa. Những người mắc bệnh Crohn có thể có các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, phân có máu, mệt mỏi, giảm cân,…
Ngoài ra, tình trạng đau bụng tiêu chảy còn có thể khởi phát do các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống, sức khỏe, ăn uống,…
Một số yếu tố nguy cơ gây đau bụng và tiêu chảy là:
- Căng thẳng và lo lắng quá mức.
- Tiêu thụ khẩu phần ăn lớn hơn bình thường.
- Tác dụng phụ của thuốc.
- Sử dụng rượu bia.
- Mang thai.
Tham khảo thêm các vị trí đau bụng khác:
Đau bụng đi ngoài nhiều lần có nguy hiểm không?
Tình trạng đau bụng tiêu chảy kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe như làm mất nước, hăm loét vùng hậu môn và chán ăn. Trong trường hợp người bệnh mất nước nghiêm trọng, nếu không điều trị kịp thời có thể gây tổn thương não bộ, nghiêm trọng hơn là tử vong.
Nếu nguyên nhân gây đau bụng đi ngoài là xuất phát từ các bệnh lý tiêu hóa, người bệnh nên nhanh chóng thăm khám và điều trị. Vì nếu kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng.
Đau bụng, tiêu chảy: Khi nào cần đi khám?
Khi bị đau bụng đi kèm tiêu chảy, người bệnh nên theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, người già và người có hệ miễn dịch bị suy yếu. Khi phát hiện có các biểu hiện bất thường dưới đây, Cô Chú/Anh Chị nên đi thăm khám với bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Các triệu chứng đau bụng đi ngoài cần đến gặp bác sĩ là:
- Đau bụng tiêu chảy nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài hơn 2 ngày.
- Phân có lẫn máu hoặc có màu đen, hắc ín.
- Buồn nôn, nôn thường xuyên.
- Sốt.
- Nhịp tim nhanh, co giật.
- Khát nước, khô miệng, nước tiểu sẫm màu.
- Vàng da và mắt.
- Rối loạn ý thức.
Cách chẩn đoán đau bụng tiêu chảy
Để chẩn đoán nguyên nhân gây đau bụng và tiêu chảy, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và có thể chỉ định một số cận lâm sàng tùy theo tình huống. Dựa vào kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân cũng như có thể đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Khám lâm sàng
Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi sơ lược về các triệu chứng, vị trí đau, tần suất, mức độ nghiêm trọng, tiểu sử bệnh lý. Sau đó người bệnh sẽ được khám sức khỏe tổng quát. Khi có kết quả, bác sĩ đưa ra chẩn đoán ban đầu và có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm hoặc nội soi để có kết quả chính xác hơn.
Cận lâm sàng
Các cận lâm sàng có thể được chỉ định để chẩn đoán nguyên nhân đau bụng đi ngoài gồm:
- Nội soi tiêu hóa: bác sĩ sẽ đưa máy soi có gắn camera vào trong dạ dày hoặc đại tràng của người bệnh để kiểm tra có bất kỳ tổn thương nào trong ống tiêu hóa không. Với nội soi dạ dày, dây soi sẽ được đưa vào từ miệng, còn nội soi đại trực tràng sẽ đưa dây soi vào từ hậu môn.
- Chụp X-quang đường tiêu hóa: Cô Chú, Anh Chị sẽ được uống dịch có chứa bari trong trường hợp cần khảo sát ống tiêu hoá trên, hoặc bơm Bari đối với trường hợp cần khảo sát ống tiêu hóa dưới. Điều này giúp làm nổi bật các cơ quan bên trong để bác sĩ quan sát rõ ràng hơn.
- Siêu âm bụng: Bác sĩ sẽ bôi một loại gel trong suốt lên vùng bụng giúp hỗ trợ việc truyền các sóng âm, sau đó đưa đầu dò cầm tay di chuyển quanh bụng. Máy siêu âm sẽ cho thấy hình ảnh các cơ quan và cấu trúc của bụng, nhờ đó giúp bác sĩ quan sát được các tổn thương hay dấu hiệu bất thường.
Endo Clinic – Trung tâm nội soi và chẩn đoán chuyên sâu tại TP.HCM
Endo Clinic là trung tâm hiếm hoi chuyên sâu về nội soi, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tiêu hóa tại TP. HCM. Khi đến đây, người bệnh hoàn toàn an tâm bởi đội ngũ Bác sĩ của Endo Clinic giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Đồng thời, phòng khám còn trang bị đầy đủ máy móc hiện đại, phục vụ cho nội soi, xét nghiệm, chụp X-quang.
Đặc biệt, dịch vụ nội soi của Endo Clinic với quy trình đạt chuẩn quốc tế kết hợp kỹ thuật nội soi không đau giúp Bác sĩ quan sát đầy đủ và không bỏ sót bất kỳ tổn thương nào. Nhờ vậy, tỉ lệ chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa chính xác lên đến 90 – 95%.
Sau khi chẩn đoán được nguyên nhân, Bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị theo guideline và kê thuốc Brand-name, đảm bảo mang lại hiệu quả chữa trị tối ưu, giúp người bệnh sớm hồi phục. Ngay khi có triệu chứng bất thường về tiêu hóa, Cô Bác, Anh Chị có thể ĐẶT HẸN KHÁM với Bác sĩ Endo Clinic, hoặc liên hệ Hotline 028 5678 9999 để được hướng dẫn chi tiết.
Cách điều trị tình trạng đau bụng và tiêu chảy
Khi đã xác định được nguyên nhân đau bụng tiêu chảy, tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chữa đau bụng đi ngoài phù hợp với bệnh nhân. Theo đó, một số phương pháp điều trị phổ biến bao gồm dùng thuốc, bù nước và chất điện giải.
Sử dụng thuốc điều trị
Đau bụng và tiêu chảy có thể do nhiều bệnh lý gây ra. Vì vậy, tùy vào từng nguyên nhân cụ thể và mức độ nghiêm trọng mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Cần lưu ý, khi sử dụng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng. Không được tự ý uống thuốc mà chưa được bác sĩ kê đơn để hạn chế ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Bù nước và chất điện giải
Tùy theo tình trạng mất nước do tiêu chảy quá nhiều mà người bệnh cần uống nhiều nước hoặc nước điện giải theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu mất nước nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ được chỉ định truyền dịch qua liệu pháp tiêm tĩnh mạch (IV).
Cách giảm đau bụng, đi ngoài tại nhà
Bên cạnh các phương pháp điều trị kể trên, người bệnh có thể áp dụng một số cách dưới đây để làm giảm tình trạng đau bụng và tiêu chảy ngay tại nhà.
Các cách giúp giảm đau bụng đi ngoài ngay tại nhà là:
- Sử dụng men vi sinh: Các vi sinh vật trong men vi sinh giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột trong cơ thể, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có lợi phát triển và sinh sôi. Nhờ đó, đường ruột có thể được bảo vệ khỏi các vi khuẩn gây hại và tình trạng tiêu chảy được cải thiện.
- Uống đủ nước: Việc uống đủ nước có thể giúp ngăn ngừa mất nước, ổn định nhiệt độ cơ thể thông qua việc đổ mồ hôi, tiểu tiện và đi tiêu.
- Ăn uống lành mạnh: Người bệnh nên ăn thực phẩm ít chất xơ, thực phẩm giàu pectin, kali, chất điện giải. Đồng thời, người bệnh cũng nên ăn lượng thức ăn vừa đủ, ưu tiên chọn các thức ăn mềm, có dạng lỏng và chia thành nhiều bữa nhỏ.
- Tránh một số loại thực phẩm: Người bệnh cần hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo, cay nóng, nhiều đường, rượu bia.
Có thể thấy, đau bụng tiêu chảy xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân như bệnh lý tiêu hóa, chế độ ăn uống và sinh hoạt. Nếu tình trạng đau bụng và đi ngoài kéo dài không giảm thì người bệnh nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để thăm khám, hạn chế các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Tìm hiểu thêm các triệu chứng khác:
Câu hỏi thường gặp
Đau bụng đi ngoài nhiều nên ăn gì?
Người bệnh đau bụng và tiêu chảy nhiều lần nên ăn các loại thực phẩm như chuối, gạo, khoai tây, khoai lang, trái cây, rau xanh, xốt táo,… Tuy nhiên, nên tham vấn bác sĩ để có thể lựa chọn thực phẩm phù hợp.
Hay bị đau bụng đi ngoài là dấu hiệu của bệnh gì?
Đau bụng và đi ngoài nhiều lần có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý như bệnh Crohn, bệnh Celiac, hội chứng ruột kích thích, ngộ độc thực phẩm,… Khi có triệu chứng này, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị đúng cách.
Đau bụng tiêu chảy uống thuốc gì?
Một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống ký sinh trùng,… có thể được bác sĩ chỉ định dựa trên từng nguyên nhân cụ thể và mức độ nghiêm trọng. Vì vậy, người bệnh nên đi thăm khám bác sĩ ở các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và kê đơn thuốc phù hợp.
Tài liệu tham khảo:
1. Jayne Leonard. What causes abdominal pain and diarrhea? 09 01 2020. https://www.medicalnewstoday.com/articles/323852 (đã truy cập 12 05 2023).
2. Lindsay Modglin. What’s Causing This Abdominal Pain and Diarrhea? 26 01 2023. https://www.healthline.com/health/abdominal-pain-and-diarrhea (đã truy cập 12 05 2023).
3. Valencia Higuera. Diarrhea: Causes, Symptoms, and Treatments. 30 11 2021. https://www.healthline.com/health/diarrhea (đã truy cập 12 05 2023).
4. Ann Pietrangelo and Daniel Yetman. What to Know About Viral Gastroenteritis (Stomach Flu). 12 04 2023. https://www.healthline.com/health/viral-gastroenteritis (đã truy cập 12 05 2023).
5. Jaime Herndon, MS, MPH, MFA. Everything You Want to Know About IBS. 16 05 2022. https://www.healthline.com/health/irritable-bowel-syndrome (đã truy cập 12 05 2023).
6. Verneda Lights. Everything You Need to Know About Appendicitis. 06 02 2023. https://www.healthline.com/health/appendicitis (đã truy cập 12 05 2023).
7. Michael Kerr. Common Food Allergies. 12 07 2017. https://www.healthline.com/health/allergies/common-food-allergies (đã truy cập 12 05 2023).
8. Mayo Clinic Staff. Food poisoning. 30 12 2022. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/food-poisoning/symptoms-causes/syc-20356230 (đã truy cập 12 05 2023).
9. NHS. Coeliac disease. 31 03 2023. https://www.nhs.uk/conditions/coeliac-disease/ (đã truy cập 12 05 2023).
10. Kristeen Moore. Bowel Obstruction and Blockage. 15 03 2023. https://www.healthline.com/health/intestinal-obstruction (đã truy cập 12 05 2023).
11. Cleveland Clinic. Gastrointestinal (GI) Exams. 11 11 2021. https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/22018-gastrointestinal-gi-exams (đã truy cập 12 05 2023).
12. Aaron Kandola. How to treat diarrhea at home. 12 02 2019. https://www.medicalnewstoday.com/articles/324424#_noHeaderPrefixedContent (đã truy cập 12 05 2023).
13. Joe Bowman. The 5 Most Effective Diarrhea Remedies. 24 02 2023. https://www.healthline.com/health/digestive-health/most-effective-diarrhea-remedies (đã truy cập 12 05 2023).