TIÊU CHẢY KÉO DÀI

Dựa theo thời gian mắc bệnh, tiêu chảy được chia thành 2 loại là tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mạn tính. Trong bài viết này, Endo Clinic sẽ đề cập đến tình trạng tiêu chảy mạn tính (tiêu chảy kéo dài).

Tiêu chảy kéo dài là tình trạng tiêu chảy tái đi tái lại nhiều lần gây mệt mỏi cho người bệnh. Tiêu chảy kéo dài mà không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Như vậy, nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài là gì? Mời Cô Chú, Anh Chị cùng theo dõi bài viết sau để tìm hiểu thêm về vấn đề này nhé!

Nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài

TIÊU CHẢY LÀ GÌ?

Tiêu chảy là thuật ngữ được sử dụng để mô tả triệu chứng đi ngoài nhiều hơn 3 lần một ngày với tính chất phân lỏng hoàn toàn và có cảm giác đau thắt vùng bụng khi đi ngoài.

Tiêu chảy là bệnh lý phổ biến và ảnh hưởng đến mọi độ tuổi, đặc biệt là trẻ em.

Trong các trường hợp tiêu chảy xuất hiện ngắn ngày hoặc kéo dài không quá 2 tuần, khi đó người bệnh được chẩn đoán là tiêu chảy cấp tính. Ngược lại, khi tiêu chảy kéo dài hoặc tái đi tái lại từ 4 tuần trở lên thì người bệnh sẽ được chẩn đoán mắc tiêu chảy mạn tính.

nguyên nhân tiêu chảy kéo dài do hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người bệnh.

Các biến chứng của tiêu chảy kéo dài

NGUYÊN NHÂN GÂY TIÊU CHẢY KÉO DÀI

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng tiêu chảy kéo dài. Nguyên nhân có thể đến từ các bệnh lý tiêu hóa hoặc một số hội chứng kém hấp thu. Ngoài ra, việc ăn uống thiếu khoa học hoặc sử dụng thuốc sai cách cũng góp phần gây ra tình trạng này.

Một số nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài là:

  • Hội chứng ruột kích thích (IBS).
  • Bệnh Crohn
  • Viêm loét đại tràng
  • Viêm đại tràng vi thể
  • Bệnh Celiac
  • Viêm tụy mạn tính
  • Không dung nạp lactose
  • Hội chứng kém hấp thu
  • Tiêu chảy sau cắt túi mật
  • Nhiễm trùng mạn tính
  • Thuốc
  • Chế độ ăn uống không phù hợp

Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một dạng rối loạn chức năng tiêu hóa ở đường ruột nhưng không ghi nhận các dấu hiệu tổn thương thực thể nào tại đây. Các triệu chứng thường thấy bao gồm đau quặn bụng và thói quen đi tiêu thay đổi bất thường (tiêu chảy hoặc táo bón hoặc tiêu chảy và táo bón xen kẽ nhau). Đối với người bị IBS thể tiêu chảy, họ thường đi ngoài phân lỏng với số lượng ít hoặc vừa phải kèm theo tình trạng khó cầm.

Bệnh lý này thường xảy ra ở nữ giới nhiều hơn ở nam giới và có xu hướng trầm trọng hơn mỗi khi căng thẳng.

Bệnh Crohn

Bệnh Crohn thuộc nhóm bệnh lý ruột mạn tính (IBD) và là một bệnh lý tự miễn. Triệu chứng điển hình của bệnh Crohn là tiêu chảy (phân kèm theo máu hoặc chất nhầy), đau bụng và xuất hiện dấu hiệu bị tắc ruột. Bệnh lý có thể gây tổn thương bất kỳ cơ quan nào nằm trên ống tiêu hóa nhưng chủ yếu xảy ra tại ruột non.

Viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng cũng là một loại bệnh lý phổ biến thuộc nhóm bệnh lý ruột mạn tính (IBD), cùng với bệnh Crohn. Viêm loét đại tràng là tình trạng xuất hiện nhiều ổ viêm loét trên bề mặt đại – trực tràng và có thể kèm theo xuất huyết. Bệnh thường khởi phát tại trực tràng sau đó lan dần lên đại tràng. Bệnh lý này đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân.

Triệu chứng thường gặp ở nhóm bệnh nhân này là đau bụng, tiêu chảy và đi ngoài ra máu. Các triệu chứng khác có thể gồm sụt cân và da xanh xao (do thiếu máu).

Viêm đại tràng vi thể

Viêm đại tràng vi thể là bệnh lý nằm trong nhóm bệnh lý ruột mạn tính (IBD), gây ra tình trạng tiêu chảy kéo dài với phân toàn nước.

Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ nhưng có khả năng các phản ứng bất thường của hệ miễn dịch góp phần gây viêm ở các lớp bên trong thành đại tràng. Bệnh lý này được chia thành 2 loại là viêm đại tràng collagenous (collagenous colitis) và viêm đại tràng lympho (lymphocytic colitis).

Bệnh lý này chỉ được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm mô bệnh học và thường xảy ở những người lớn tuổi và nữ giới.

Viêm đại tràng vi thể gây tiêu chảy kéo dài

Viêm đại tràng vi thể phổ biến ở nữ giới và người lớn tuổi (50 – 70 tuổi).

Bệnh Celiac

Bệnh Celiac xảy ra khi hệ miễn dịch bị kích thích mạnh mẽ bởi một loại protein gọi là gluten (được tìm thấy trong lúa mạch, lúa mì,…), gây ra tình trạng viêm và tổn thương ở ruột non. Triệu chứng của bệnh Celiac bao gồm đau quặn bụng, tiêu chảy và sụt cân.

Ruột non bị tổn thương nặng nề có thể làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của ruột non, từ đó làm thiếu hụt nhiều dưỡng chất và tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa và sức khỏe cơ thể nói chung. Bệnh lý này xảy ra ở trẻ em có thể gây ra chậm phát triển.

Viêm tụy mạn tính

Tụy có chứa các enzyme giúp cơ thể tiêu hóa các chất như chất béo, protein và carbohydrates. Do đó, việc bị viêm tụy mạn tính dẫn đến hình thành mô sẹo và gây xơ hóa tụy, làm cho tụy tiết ra ít enzyme tiêu hóa khiến cơ thể khó hấp thu dưỡng chất từ thức ăn hơn. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài và sụt cân.

Không dung nạp lactose

Khả năng tiêu hóa được lactose đến từ một loại enzyme gọi là lactase. Enzyme này cho phép cơ thể dễ phá vỡ và hấp thụ lactose vào trong cơ thể. Tuy nhiên, khi thiếu hụt enzyme này dẫn đến việc lactose sẽ không được tiêu hóa bởi đường ruột. Điều này làm tăng tính thẩm thấu trong ruột non và gây ra tình trạng tiêu chảy phân toàn nước sau 30 phút – 2 giờ khi ăn phải thực phẩm có chứa lactose.

nguyên nhân bị tiêu chảy kéo dài do sữa

Các triệu chứng của không dung nạp lactose thường xảy ra từ 30 phút đến 2 giờ sau khi sử dụng thực phẩm chứa lactose.

Hội chứng kém hấp thu

Hội chứng kém hấp thu là một dạng rối loạn tiêu hóa khiến cơ thể không thể hấp thu trọn vẹn dưỡng chất từ thức ăn. Đây là một thuật ngữ khá rộng để mô tả nhiều loại rối loạn khác nhau tác động và làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng của ruột non. Người mắc chứng kém hấp thu thường bị tiêu chảy, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến mắt, da hay tóc.

Tiêu chảy sau cắt túi mật

Sau khi cắt bỏ túi mật, mật do gan sản xuất sẽ đi trực tiếp vào đại tràng thay vì được trữ lại ở túi mật. Điều này làm tăng lượng acid mật trong đại tràng và dẫn đến tiêu chảy. Khoảng 12% bệnh nhân xuất hiện tình trạng tiêu chảy sau cắt túi mật và thường sẽ tự khỏi mà không cần can thiệp y tế.

Nhiễm trùng mạn tính

Nhiễm trùng mạn tính đường tiêu hóa có liên quan đến tình trạng tiêu chảy kéo dài. Một số loại nhiễm trùng có thể kể đến như C. difficile, Vibrio cholerae, Salmonella, E. coli, Entamoeba histolytica, Giardia, Cryptosporidium,… Nguyên nhân mắc nhiễm trùng đường tiêu hóa có thể xảy ra khi đi du lịch ở những vùng nguy cơ cao hoặc bị suy giảm miễn dịch.

Nhiễm trùng mạn tính gây tiêu chảy kéo dài

Nhiễm trùng mạn tính cũng là một trong những tác nhân gây ra tình trạng tiêu chảy kéo dài.

Thuốc

Tiêu chảy mạn tính còn có thể do tác dụng không mong muốn của một số loại thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn. Ví dụ như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc kháng sinh (cefpodoxime, amoxicillin, and ampicillin), thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng acid chứa magie hydroxit, thuốc nhuận tràng, thuốc ức chế bơm proton (omeprazole, lansoprazole), thuốc hóa trị điều trị ung thư,…

Chế độ ăn uống không phù hợp

Sử dụng thường xuyên một số loại thực phẩm, đồ uống cũng làm tăng nguy cơ tiêu chảy kéo dài. Chẳng hạn như uống trà và cà phê quá nhiều có thể làm tăng nhu động ruột, làm phân bị đẩy ra ngoài nhanh chóng.

Tương tự, rượu bia cũng có thể làm tăng tốc độ nhu động ruột, đồng thời gây kích thích và viêm nhiễm niêm mạc đại tràng, dẫn đến tiêu chảy. Trong nhiều trường hợp đại tràng bị viêm, lớp màng nhầy niêm mạc bị tổn hại có thể dẫn đến việc tiêu chảy ra chất nhầy.

BIẾN CHỨNG CỦA TÌNH TRẠNG TIÊU CHẢY KÉO DÀI

Tiêu chảy mạn tính nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Tùy vào nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài mà sẽ có những biến chứng khác nhau.

Các biến chứng của tiêu chảy mạn tính:

  • Kém hấp thu: Khi bị tiêu chảy, thời gian thức ăn di chuyển trong ruột ngắn hơn bình thường làm cho các chất dinh dưỡng không kịp hấp thụ vào cơ thể và bị thải ra ngoài.
  • Mất nước: Tiêu chảy kéo dài sẽ khiến cho cơ thể bị mất nước nghiêm trọng nếu người bệnh không được bù nước kịp thời. Việc bị mất nước kéo dài có thể gây ảnh hưởng chức ăn thận và làm mất cân bằng điện giải.
  • Mất cân bằng điện giải: Ngoài mất nước, tiêu chảy mạn tính còn có thể gây mất cân bằng điện giải, gây ra một số triệu chứng như choáng váng, đau đầu, mệt mỏi, rối loạn nhịp tim,… Mất cân bằng điện giải có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như hôn mê, co giật, đột tử.

Do đó, người bệnh cần nhanh chóng bù nước và điện giải khi bị tiêu chảy để hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

CÁCH ĐIỀU TRỊ TÌNH TRẠNG TIÊU CHẢY KÉO DÀI

Khi bị tiêu chảy kéo dài, tốt nhất là người bệnh nên nhanh chóng gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp. Để khắc phục tình trạng tiêu chảy, tùy từng nguyên nhân mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc thích hợp.

Một số loại thuốc điều trị tiêu chảy có thể được bác sĩ chỉ định gồm:

  • Thuốc chống tiêu chảy: Thuốc hỗ trợ làm chậm thời gian di chuyển của phân và tăng khả năng hấp thụ nước trong ruột già.
  • Thuốc hạ cholesterol (chất kết dính axit mật): Loại thuốc này thường được chỉ định trong trường hợp tiêu chảy do acid mật.
  • Viên nén eluxadoline: Đây là loại thuốc dùng cho tiêu chảy do hội chứng ruột kích thích (IBS) gây ra, giúp làm chậm nhu động ruột và giảm số lần đi ngoài.
  • Thuốc kháng sinh: Loại thuốc này dùng khi người bệnh tiêu chảy do nhiễm trùng, giúp tiêu diệt vi khuẩn hoặc ức chế sự phát triển của chúng.
thuốc điều trị tiêu chảy tiêu chảy kéo dài

Việc sử dụng thuốc điều trị tiêu chảy mạn tính cần có sự chỉ định của bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng để tránh tác dụng phụ.

CÁCH GIẢM NHẸ TRIỆU CHỨNG TIÊU CHẢY KÉO DÀI

Bên cạnh dùng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ, người bệnh có thể tham khảo một số lời khuyên về chế độ ăn uống để hỗ trợ cải thiện tình trạng này tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng để hạn chế các tác dụng không mong muốn.

Các cách giảm nhẹ triệu chứng tiêu chảy kéo dài tại nhà bao gồm:

  • Tránh tiêu thụ các thực phẩm gây tiêu chảy: Ghi chép chi tiết các món ăn và theo dõi phản ứng của cơ thể (có bị tiêu chảy hay không) để xác định được loại thực phẩm nào có thể gây tiêu chảy. Sau đó, người bệnh nên hạn chế hoặc loại bỏ chúng khỏi thực đơn hàng ngày để tránh làm tái phát tình trạng tiêu chảy.
  • Bổ sung nhiều nước: Tình trạng mất nước có thể xảy ra khi tiêu chảy kéo dài. Do đó, người bệnh nên uống nhiều nước, đồ uống chứa chất điện giải để bù lại lượng nước và các chất điện giải đã mất.
  • Ăn thực phẩm ít chất xơ: Khi bị tiêu chảy, người bệnh nên ăn loại thực phẩm có ít chất xơ để giảm tải áp lực cho hệ tiêu hóa. Một số gợi ý cho thực phẩm ít chất xơ bao gồm gạo trắng, bánh mì trắng, trứng, cà rốt, củ cải, đu đủ,… Chế độ này thiếu nhiều dinh dưỡng cần thiết và chỉ nên dùng trong thời gian ngắn. Người bệnh nên tham vấn ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng trước khi áp dụng để tránh các tác động tiêu cực đến sức khỏe.
  • Hạn chế caffeine và đồ uống có cồn: Người bị tiêu chảy mạn tính nên hạn chế thực phẩm chứa caffeine như cà phê, trà và thức uống có cồn như bia, rượu.

TIÊU CHẢY KÉO DÀI KHI NÀO CẦN GẶP BÁC SĨ?

Trong trường hợp người bị tiêu chảy mạn tính kèm theo một số dấu hiệu bất thường dưới đây thì cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ tại bệnh viện/trung tâm nội soi tiêu hóa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Các triệu chứng bất thường đi kèm tiêu chảy kéo dài gồm:

Nhìn chung, tiêu chảy kéo dài nếu không điều trị đúng cách có thể làm tăng nguy cơ bị mất nước, mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngoài ra, tiêu chảy kéo dài còn có thể là triệu chứng của các bệnh lý đường tiêu hóa cần được điều trị kịp thời. Do đó, ngay khi nhận thấy tình trạng tiêu chảy không có dấu hiệu thuyên giảm, Cô Chú, Anh Chị nên sớm thăm khám ở các bác sĩ có chuyên môn.

Endo Clinic hiện là trung tâm hiếm hoi chuyên sâu về nội soi và chẩn đoán các bệnh lý tiêu hóa được nhiều Khách hàng tin chọn bởi các đặc điểm nổi bật như:

  • Bác sĩ giàu kinh nghiệm: Đội ngũ bác sĩ của phòng khám chuyên khoa tiêu hóa Endo Clinic đều là những người có chuyên môn giỏi và đến từ nhiều bệnh viện lớn tại TP.HCM. Tùy từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ lập phác đồ điều trị phù hợp theo guideline và kê đơn thuốc Brand-name nhằm tăng hiệu quả điều trị, giúp người bệnh sớm hồi phục.
  • Thiết bị hiện đại: Endo Clinic đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh chính xác. Chẳng hạn như máy nội soi Olympus và Fujifilm, máy siêu âm, máy chụp phim,…
  • Tỷ lệ chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh đến 90 – 95%: Với đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm, sự hỗ trợ từ máy móc hiện đại, tiên tiết cùng với quy trình Nội Soi Không Đau chuẩn quốc tế (Nội Soi Tiền Mê), giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh tiêu hóa chính xác đến 90 – 95%.
  • Chi phí hợp lý: Chi phí thăm khám và điều trị tại Endo Clinic được công khai minh bạch cùng quy trình khám chữa trị nhanh chóng, tiết kiệm thời gian.

>> Đặt hẹn lịch khám với bác sĩ Endo Clinic ngay!

bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài

Khách hàng luôn được tư vấn chi tiết với bác sĩ Endo Clinic khi đến thăm khám.

CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

Tiêu chảy mạn tính có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, bệnh Celiac, viêm tụy mạn tính, nhiễm trùng mạn tính,…

Tiêu chảy kéo dài nếu không sớm chữa trị có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng là mất nước và mất cân bằng điện giải. Tình trạng này nếu không kịp thời can thiệp có thể gây hôn mê, co giật, thậm chí gây đột tử.

Ngoài ra, tiêu chảy kéo dài còn có thể đến từ nhiều bệnh lý tiêu hóa cần được điều trị đúng cách để tránh các biến chứng từ các bệnh lý gây ra.

Tùy vào nguyên nhân gây tiêu chảy mạn tính và tình hình của người bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp (sử dụng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống,…). Cô Chú, Anh Chị nên gặp bác sĩ để được tư vấn cách chữa trị phù hợp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Garrett J. Descoteaux-Friday; Isha Shrimanker. Chronic Diarrhea. 08 08 2022. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK544337/ (đã truy cập 20 06 2023).
  2. Cleveland Clinic. Chronic Diarrhea. 19 10 2022. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24311-chronic-diarrhea (đã truy cập 20 06 2023).
  3. Jayne Leonard. Causes of chronic diarrhea and how to treat it. 13 12 2019. https://www.medicalnewstoday.com/articles/319995 (đã truy cập 20 06 2023).
  4. Valencia Higuera. Chronic Diarrhea. 08 03 2019. https://www.healthline.com/health/diarrhea/chronic-diarrhea (đã truy cập 20 06 2023).
  5. who.int. Diarrhoeal disease. 02 05 2017. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/diarrhoeal-disease (đã truy cập 20 06 2023).
  6. Cleveland Clinic. Microscopic Colitis. 24 04 2022. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17227-microscopic-colitis (đã truy cập 20 06 2023).
  7. Cleveland Clinic. Celiac Disease. 01 12 2022. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14240-celiac-disease (đã truy cập 20 06 2023).
  8. Mayo Clinic Staff. Lactose intolerance. 05 03 2022. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/lactose-intolerance/symptoms-causes/syc-20374232# (đã truy cập 20 06 2023).
  9. Cleveland Clinic. Malabsorption. 06 04 2022. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22722-malabsorption# (đã truy cập 20 06 2023).
  10. Istvan Boldogh, Thomas Albrecht, and David D. Porter. Persistent Viral Infections. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK8538/# (đã truy cập 20 06 2023).
  11. Corey Whelan. How to Eat (and Recover from) a Low Fiber Diet. 09 02 2023. https://www.healthline.com/health/low-fiber-diet (đã truy cập 20 06 2023).

TIN SỨC KHỎE

Tổng hợp tin sức khỏe tiêu hóa, cẩm nang sức khỏe tiêu hóa. Nếu nội dung Quý khách quan tâm chưa có, Quý khách có thể liên hệ để đặt câu hỏi với bác sĩ để được tư vấn.

Đặt Lịch Khám Endo Clinic

Endo Clinic

Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư

THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H)
VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H)

0939 01 01 01

ĐẶT LỊCH NỘI SOI TIÊU HÓA

Đặt lịch nội soi hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng

    Có Bảo Hiểm Y Tế

    ĐẶT LỊCH KHÁM TIÊU HÓA

    Đặt lịch khám bệnh tiêu hóa hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng

      Có Bảo Hiểm Y Tế

      Đặt Lịch Khám Endo Clinic

      Endo Clinic

      Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư

      THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H)
      VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H)

      0939 01 01 01