Đối với một số người, cân nặng là vấn đề quan trọng vì chúng ảnh hưởng đến ngoại hình, vóc dáng, khả năng giao tiếp và sự tự tin của họ. Vì vậy, nhiều người mắc hội chứng lo sợ về việc tăng cân, trong một số trường hợp, những lo lắng này trở thành nỗi ám ảnh, theo thời gian dẫn đến chứng chán ăn tâm thần.
Tổng quan về chứng chán ăn tâm thần
Những người mắc chứng chán ăn tâm thần luôn quan tâm đến lượng calo nạp vào cơ thể, khiến người bệnh hạn chế ăn uống ít nhất có thể. Lâu ngày, tình trạng này dẫn đến sụt cân nghiêm trọng, suy dinh dưỡng đôi khi gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Chán ăn là nguyên nhân phổ biến gây sụt cân ở phụ nữ trẻ và nhập viện ở trẻ em và trẻ vị thành niên.
Chán ăn tâm thần là gì?
Chán ăn tâm thần hay còn gọi là biếng ăn tâm lý (tên tiếng Anh: anorexia nervosa) là một trong các hội chứng rối loạn ăn uống, đặc trưng bởi trọng lượng cơ thể sụt giảm bất thường, nỗi lo sợ tăng cân và nhận thức sai lệch về cân nặng.
Trọng lượng cơ thể được đánh giá là thấp bất thường khi cân nặng nhẹ hơn 15% so với cân nặng trung bình của người bình thường. Ngoài ra, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng cơ thể dựa vào chỉ số khối của cơ thể (Body Mass Index – BMI), nếu chỉ số BMI thấp hơn 18,5 được xem là người thiếu cân.
Những người mắc chứng chán ăn tâm thần thường rất coi trọng việc kiểm soát cân nặng và ngoại hình. Họ thường sử dụng những phương pháp giảm cân tiêu cực như hạn chế lượng thức ăn nạp vào trong cơ thể, kiểm soát lượng calo bằng cách nôn sau khi ăn, lạm dụng thuốc nhuận tràng, thuốc hỗ trợ ăn kiêng, thuốc lợi tiểu, thuốc xổ hoặc có thể tập thể dục quá sức.
Các chứng rối loạn ăn uống không chỉ làm suy sụp về tâm lý mà còn đi kèm với những biến chứng sức khỏe trên nhiều cơ quan có thể gây ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận quan trọng trong cơ thể và đe dọa đến tính mạng.
Phân loại chứng chán ăn tâm thần
Chứng chán ăn tâm thần bao gồm 2 loại là:
- Chán ăn tâm thần loại hạn chế: người bệnh sẽ hạn chế khẩu phần ăn ít nhất có thể nhưng không ăn uống vô độ hoặc nhịn ăn, thường tự làm mình nôn sau khi ăn, sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc tập thể dục quá sức.
- Chán ăn tâm thần loại ăn uống vô độ hoặc nhịn ăn: người bệnh thường sẽ ăn uống vô độ sau đó tự làm mình nôn ra hoặc đôi khi họ cũng nhịn ăn thường xuyên, giúp làm giảm trọng lượng của cơ thể nhiều nhất có thể.
Theo thống kê, khoảng 30 – 50% số người mắc chứng chán ăn tâm thần nằm trong nhóm ăn uống vô độ hoặc nhịn ăn.
Nguyên nhân gây bệnh chán ăn tâm thần
Nguyên nhân chán ăn tâm thần vẫn chưa được xác định rõ, nhưng theo một vài nghiên cứu cho thấy sự kết hợp của một số đặc điểm tính cách, cảm xúc, suy nghĩ cũng như các yếu tố sinh học và môi trường có thể là nguyên nhân dẫn đến rối loạn ăn uống.
Nguyên nhân gây bệnh chán ăn tâm thần là gì?
Một số nguyên nhân gây chán ăn tâm thần bao gồm:
- Yếu tố sinh học và di truyền: mặc dù vẫn chưa rõ những gen nào có liên quan, nhưng có thể có những biến đổi gen khiến một số người có tỷ lệ phát triển chứng biếng ăn cao hơn. Những người có họ hàng cấp độ 1 như cha mẹ, anh chị em hoặc con cái mắc chứng biếng ăn thì có nguy có mắc bệnh chán ăn tâm thần cao hơn người bình thường.
- Yếu tố tâm lý học: một số người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), khiến suy nghĩ tuân theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, hạn chế lượng calo nạp vào hoặc nhịn ăn khi đói. Ăn kiêng là một yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn ăn uống. Bỏ đói và mong muốn giảm cân có thể thay đổi cách thức hoạt động của não ở những người dễ bị tổn thương. Qua thời gian, các hành vi ăn uống sẽ bị hạn chế và khó có thể trở lại thói quen ăn uống bình thường.
- Yếu tố môi trường: áp lực từ bạn bè hoặc xã hội khi đánh đồng ngoại hình gầy gò là tiêu chuẩn của cái đẹp có thể tác động đến suy nghĩ, dẫn đến chứng biếng ăn. Cảm giác hụt hẫng, tự ti, lo lắng, tức giận hoặc cô đơn cũng có thể góp phần làm tăng thêm nguy cơ gây biếng ăn. Ngoài ra, người mắc chứng biếng ăn thường có các mối quan hệ rắc rối, tiền sử bị trêu chọc về cân nặng, kích thước của họ.
- Nguyên nhân thực thể: những thay đổi trong nội tiết tố kiểm soát cách cơ thể và tâm trí duy trì tâm trạng, sự thèm ăn, suy nghĩ và trí nhớ có thể thúc đẩy chứng rối loạn ăn uống.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh chán ăn tâm thần?
Chán ăn tâm thần xảy ra chủ yếu ở nữ giới, trong giai đoạn thanh thiếu niên. Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh chán ăn tâm thần, bao gồm:
- Độ tuổi: Chán ăn tâm thần thường được chẩn đoán bắt đầu ở tuổi vị thành niên hoặc thanh niên và hiếm khi bắt đầu trước tuổi dậy thì hoặc sau tuổi 40. Chứng chán ăn tâm thần thường bắt đầu khi bước vào giai đoạn dậy thì, thanh thiếu niên có tỷ lệ cao hơn do những thay đổi mà cơ thể trải qua trong tuổi dậy thì kèm theo áp lực từ bên ngoài xã hội.
- Giới tính: Theo khảo sát, trong một năm cứ 200 nữ giới thì sẽ có 1 người mắc chứng chán ăn tâm thần. Chứng chán ăn ít phổ biến ở nam giới, chỉ chiếm khoảng 25% và khoảng 80 – 90% bệnh nhân chán ăn là nữ.
- Ngành nghề: Nguy cơ phát triển chứng rối loạn ăn uống cao hơn ở các chuyên ngành về nghệ thuật như diễn viên, người mẫu, vũ công và vận động viên trong các môn thể thao mà ngoại hình và cân nặng đóng vai trò quan trọng, ví dụ như đấu vật, quyền anh, thể dục dụng cụ và trượt băng nghệ thuật.
- Áp lực tâm lý: Những người mắc chứng biếng ăn thường mong muốn đạt thành tích cao trong thi đấu, học tập, làm việc và các hoạt động khác. Họ có xu hướng cầu toàn với các triệu chứng ám ảnh, lo lắng hoặc trầm cảm.
Dấu hiệu và triệu chứng chán ăn tâm thần
Dấu hiệu và triệu chứng chán ăn tâm thần (biếng ăn tâm lý) rất đa dạng và phụ thuộc vào tình trạng đói, chán ăn cũng bao gồm các vấn đề về cảm xúc, hành vi liên quan đến nhận thức không thực tế về trọng lượng cơ thể và cực kỳ sợ tăng cân. Đặc điểm tâm lý cốt lõi của chứng chán ăn là quá coi trọng hình dáng và cân nặng.
Triệu chứng chán ăn tâm thần về thể chất
Chán ăn tâm thần được đặc trưng bởi ăn không đủ, các triệu chứng thể chất là hậu quả của việc cơ thể từ chối các chất dinh dưỡng thiết yếu. Một số dấu hiệu về thể chất của chứng chán ăn tâm thần như:
- Không có khả năng duy trì trọng lượng cơ thể ở mức bình thường.
- Sụt cân quá mức trong vài tuần hoặc cân nặng không tăng như mong đợi.
- Ngoại hình mỏng manh, ốm yếu, gầy.
- Công thức máu bất thường, thiếu máu.
- Mệt mỏi, mất ngủ.
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
- Da khô, nhợt nhạt hoặc có màu vàng.
- Tóc mỏng, móng tay giòn, dễ gãy rụng.
- Lông tơ mềm phủ khắp cơ thể (hội chứng Lanugo).
- Phụ nữ thường xuyên trễ kinh (vô kinh) hoặc kinh nguyệt không đều.
- Táo bón, bệnh trĩ và đau bụng cấp tính hoặc đau bụng mạn tính.
- Không chịu được lạnh, thân nhiệt thấp kèm theo tay chân lạnh.
- Nhịp tim bất thường.
- Huyết áp thấp.
- Mất nước.
- Sưng phù tay, chân.
- Xuất hiện máu trong dịch nôn.
- Ợ chua (bệnh trào ngược dạ dày – thực quản).
- Yếu cơ, mất khối lượng cơ.
- Giảm mật độ xương gây ra loãng xương.
Triệu chứng chán ăn tâm lý về hành vi
Các triệu chứng về hành vi của chứng chán ăn tâm thần có thể bao gồm các nỗ lực giảm cân bằng cách:
- Xuất hiện các mối bận tâm với thức ăn như: nghiên cứu chế độ ăn uống; tích trữ, giấu giếm và lãng phí thức ăn; sưu tầm các công thức nấu ăn; nấu cho người khác nhưng không ăn những gì mình đã nấu.
- Hạn chế tối đa lượng thức ăn thông qua các biện pháp ăn kiêng hoặc nhịn ăn có hại cho cơ thể.
- Thường xuyên bỏ bữa hoặc nhịn đói.
- Thay đổi hành vi ăn uống đột ngột, chỉ ăn một số loại thực phẩm người bệnh cảm thấy an toàn, thường là các loại thực phẩm ít chất béo và calo.
- Tiếp tục ăn kiêng hoặc hạn chế ăn ngay cả khi cơ thể rất gầy hoặc cân nặng thấp.
- Tập thể dục quá mức.
- Tự gây ra hiện tượng nôn ói để thải thức ăn ra ngoài, có thể bao gồm sử dụng thuốc nhuận tràng, thuốc xổ, thuốc hỗ trợ ăn kiêng hoặc các sản phẩm thảo dược. Việc tự gây nôn có thể làm mòn men răng, mở rộng tuyến nước bọt và khiến thực quản bị viêm.
- Các triệu chứng và hành vi của rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Những người mắc bệnh đái tháo đường không sử dụng insulin để giảm cân.
Triệu chứng chán ăn tâm thần về cảm xúc
Các dấu hiệu và triệu chứng về cảm xúc của chứng chán ăn tâm thần có thể bao gồm:
- Từ chối ăn hoặc tìm lý do để không ăn.
- Không muốn ăn ở nơi công cộng.
- Nỗi sợ tăng cân bao gồm cả việc cân hoặc đo cơ thể nhiều lần.
- Phàn nàn về việc tăng cân hoặc kiểm tra cơ thể trước gương để phát hiện vị trí béo lên trên cơ thể.
- Xa lánh xã hội, hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh.
- Trầm cảm, lo lắng hoặc cáu gắt.
- Giảm hứng thú với tình dục.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám?
Phần lớn những người mắc chứng chán ăn sẽ không thừa nhận và không muốn điều trị. Tâm lý mong muốn có được thể trạng gầy của bệnh nhân đàn áp những lo lắng về sức khỏe.
Nếu Cô Bác, Anh Chị phát hiện người thân hoặc bản thân xuất hiện bất kì triệu chứng hoặc vấn đề bất thường nào hãy liên hệ với bác sĩ tại bệnh viện/phòng khám tiêu hoá để được hỗ trợ.
Lưu ý: không phải tất cả những người mắc chứng chán ăn tâm thần đều có thể trạng gầy, chứng chán ăn cũng có thể được chẩn đoán ở những người được coi là có cân nặng bình thường.
Sinh lý bệnh và tiên lượng của chứng chán ăn tâm thần
Sinh lý bệnh của chứng chán ăn tâm thần
Chán ăn tâm thần đến từ các rối loạn nội tiết thường gặp, chúng bao gồm sự suy giảm các nội tiết tố sinh dục, giảm nhẹ thyroxine (T4), triiodothyroxine (T3) và tăng tiết cortisol. Phụ nữ thường bị mất kinh nguyệt, tuy nhiên việc mất kinh nguyệt không phải là một tiêu chuẩn chẩn đoán. Khối lượng xương giảm, ở những bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng, phần lớn các hệ thống cơ quan đều có thể bị ảnh hưởng và tính nhạy cảm với nhiễm trùng thường không tăng lên.
Tình trạng mất nước và kiềm chuyển hóa có thể xảy ra. Hàm lượng Kali và Natri trong huyết tương có thể thấp. Tình trạng bệnh tiến triển nghiêm trọng khi nôn ói hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu.
Khối lượng cơ tim, kích thước buồng tim và lượng máu bơm ra đều giảm, sa van hai lá thường được phát hiện ở những bệnh nhân chán ăn tâm thần. Một số bệnh nhân có thể xuất hiện nhịp tim nhanh và bất thường đi kèm với các rối loạn điện giải. Nhịp nhanh thất bất thường là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ.
Tiên lượng của chứng chán ăn tâm thần
Tiên lượng tử vong của chứng chán ăn tâm thần lên đến 10% nếu bệnh nhân không được điều trị sớm khiến bệnh trở nặng. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể xuất hiện những kết quả sau:
- Khoảng 50% trường hợp bệnh nhân lấy lại được cân nặng bình thường, các vấn đề về nội tiết tố và thể chất khác do rối loạn cũng được giải quyết và quay trở lại trạng thái cân bằng.
- Khoảng 25% người bệnh tăng cân lại nhưng có thể họ sẽ lại tái phát chứng chán ăn tâm thần theo định kỳ.
- Khoảng 25% số bệnh nhân còn lại thường xuyên tái phát và gặp các vấn đề về thể chất, tinh thần do rối loạn ăn uống mang lại.
Theo thống kê, trẻ em và thanh thiếu niên có kết quả điều trị chứng chán ăn tâm thần tốt hơn người lớn tuổi.
Biến chứng của bệnh chán ăn tâm thần
Chán ăn kéo dài có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe tâm lý, sinh lý và ảnh hưởng đến tính mạng. Tử vong có thể xảy ra đột ngột ngay cả khi người bệnh không bị thiếu cân nghiêm trọng. Nguyên nhân có thể đến từ nhịp tim bất thường, rối loạn nhịp tim hoặc sự mất cân bằng của các chất điện giải, khoáng chất trong cơ thể như Natri, Kali, Calci,…
Các biến chứng chán ăn tâm thần có thể xảy ra bao gồm:
- Ảnh hưởng đến tim mạch: nhịp tim chậm, nhịp tim bất thường, huyết áp thấp, suy tim là những tác động phổ biến của tình trạng đói. Những biến chứng này làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp thất và đột tử. Tim có thể bị mất một khối lượng cơ dẫn đến bệnh sa van hai lá.
- Ảnh hưởng đến não bộ: tình trạng đói ảnh hưởng đến cấu trúc của não làm giảm mô não và hoạt động chức năng của não như khả năng ra quyết định, khả năng tập trung, vấn đề về trí nhớ, kiểm soát cảm xúc, điều chỉnh cảm giác thèm ăn,…
- Ảnh hưởng đến đường tiêu hóa: các bất thường về ống tiêu hóa như đau bụng mạn tính, đầy bụng, táo bón, buồn nôn,…
- Ảnh hưởng đến nội tiết tố của cơ thể: đối với nữ giới có thể dẫn đến hiện tượng trễ kinh (vô kinh) và giảm nồng độ nội tiết tố nữ, ở nam giới sẽ làm giảm nồng độ testosterone, chậm dậy thì, tuyến giáp kém hoạt động (suy giáp), hội chứng bệnh euthyroid.
- Mất cân bằng điện giải như giảm hàm lượng Natri, Kali, Clorua trong máu khiến tim trở nên yếu hơn, bơm ít máu hơn dẫn đến mất nước, dễ bị ngất,…
- Thiếu máu.
- Loãng xương, tăng nguy cơ gãy xương.
- Các vấn đề về thận.
Nếu tình trạng biếng ăn trở nên nghiêm trọng, khiến bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, mọi cơ quan trong cơ thể đều sẽ bị tổn thương như não, tim, thận,… Các tổn thương này sẽ không được hồi phục hoàn toàn, ngay cả khi tình trạng biếng ăn đã được kiểm soát.
Ngoài các biến chứng về thể chất, chán ăn tâm thần còn khiến cho người bệnh mắc các chứng rối loạn sức khỏe tâm lý khác như:
- Trầm cảm, lo lắng.
- Rối loạn nhân cách.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Lạm dụng rượu bia và chất kích thích.
- Tự làm tổn thương bản thân, suy nghĩ tự tử.
Chẩn đoán bệnh chán ăn tâm thần
Để chẩn đoán, khám chứng chán ăn tâm thần bác sĩ cần Cô Bác, Anh Chị thực hiện một số xét nghiệm và kiểm tra để giúp xác định chẩn đoán bệnh và loại trừ các nguyên nhân y tế gây ra tình trạng sụt cân, chán ăn và kiểm tra bất kỳ triệu chứng liên quan nào.
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là bước kiểm tra sức khỏe và tình trạng thể chất của Cô Bác, Anh Chị bao gồm:
- Đo chiều cao và cân nặng.
- Kiểm tra các dấu hiệu quan trọng như nhịp tim, huyết áp và nhiệt độ cơ thể.
- Kiểm tra da và móng tay xem có vấn đề gì bất thường không.
- Đánh giá tim, phổi và kiểm tra bụng.
Các bác sĩ cũng kiểm tra các rối loạn khác có thể gây giảm cân hoặc chứng chán ăn như bệnh tâm thần phân liệt, trầm cảm, các rối loạn gây cản trở sự hấp thụ thức ăn, lạm dụng amphetamin và ung thư.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể hỏi Cô Bác, Anh Chị một số câu hỏi liên quan để xác định mức độ chán ăn của Cô Bác, Anh Chị như:
- Cô Bác đã lo lắng, quan tâm đến cân nặng của mình từ khi nào?
- Cô Bác có nhu cầu giảm cân không? Hiện tại có đang sử dụng những phương pháp nào để giảm cân?
- Cô Bác có những dấu hiệu bất thường nào về thể chất không?
- Cô Bác có thường xuyên suy nghĩ đến đồ ăn không?
- Gia đình của Cô Bác, Anh Chị có thành viên nào đã từng mắc các rối loạn ăn uống hoặc được chẩn đoán liên quan đến hội chứng rối loạn ăn uống không?
Theo Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia (NEDA), các tiêu chí dưới đây có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh lý chán ăn tâm thần. Tuy nhiên, Hiệp hội cũng lưu ý rằng không phải tất cả các trường hợp mắc chứng chán ăn tâm thần đều sẽ đáp ứng với tất cả các tiêu chí này. 3 tiêu chí chẩn đoán chán ăn tâm thần bao gồm:
- Người bệnh hạn chế năng lượng nạp vào dẫn đến trọng lượng cơ thể thấp đáng kể đối với từng độ tuổi, giới tính và sức khỏe tổng thể của người bệnh.
- Người bệnh rất sợ tăng cân hoặc béo lên mặc dù thể trạng đang rất gầy.
- Những thay đổi trong cách nhận thức của người bệnh về cân nặng và ngoại hình, chúng ảnh hưởng quá mức đến cách nhìn nhận hình ảnh của bản thân hoặc bệnh nhân phủ nhận rằng trọng lượng cơ thể hiện tại của họ không phải là vấn đề nghiêm trọng.
Cận lâm sàng
Đối với các trường hợp được bác sĩ chẩn đoán người bệnh đã mắc chán ăn tâm thần thì hồ sơ bệnh sẽ được chuyển thẳng đến khoa tâm thần để được các chuyên gia tâm lý theo dõi và điều trị. Đối với một số trường hợp còn nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số cận lâm sàng giúp chẩn đoán chính xác hơn như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh hoặc thăm dò chức năng.
Xét nghiệm
Cô Bác, Anh Chị có thể thực hiện các xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) và các xét nghiệm máu chuyên biệt hơn để kiểm tra chất điện giải, protein cũng như chức năng của gan, thận và tuyến giáp như:
- Xét nghiệm albumin.
- Xét nghiệm điện giải.
- Xét nghiệm chức năng thận.
- Xét nghiệm chức năng gan.
- Xét nghiệm protein toàn phần.
- Xét nghiệm chức năng tuyến giáp.
- Xét nghiệm nước tiểu cũng có thể được thực hiện.
Một số xét nghiệm khác cũng được yêu cầu để loại trừ các bệnh lý có thể gây giảm cân như bệnh Celiac và bệnh viêm ruột (IBD).
Xem thêm >> Chỉ số máu bình thường có ý nghĩa gì?
Chẩn đoán hình ảnh
Chụp X-quang được thực hiện để kiểm tra mật độ xương của Cô Bác, Anh Chị, kiểm tra gãy xương do căng thẳng, viêm phổi hoặc các vấn đề về tim.
Điện tâm đồ cũng có thể được chỉ định để bác sĩ tìm ra các bất thường về tim.
Đánh giá chức năng
Quá trình đánh giá chức năng giúp bác sĩ hiểu rõ hơn tình trạng chán ăn của Cô Bác, Anh Chị hoặc tìm ra được nguyên nhân gây bệnh để điều trị. Các chuyên gia có thể sẽ hỏi về suy nghĩ, cảm xúc cũng như thói quen ăn uống và yêu cầu Cô Bác, Anh Chị hoàn thành một số câu hỏi tự đánh giá tâm lý.
Phương pháp điều trị bệnh chán ăn tâm thần
Điều trị chán ăn tâm thần thường được đưa ra bởi bác sĩ, chuyên gia tâm lý và chuyên gia dinh dưỡng. Liệu pháp điều trị cũng cần phù hợp với tình trạng sức khỏe cũng như tâm lý của người bệnh. Một liệu trình tổng quát sẽ bao gồm nhập viện và chăm sóc y tế, phục hồi cân nặng khỏe mạnh, thực hiện tâm lý trị liệu, thuốc điều trị hỗ trợ.
Lưu ý: không phải tất cả các trường hợp chán ăn tâm thần đều sẽ trải qua đầy đủ các bước trên. Nếu bệnh nhân được điều trị sớm sẽ đạt hiệu quả cao và thời gian điều trị ngắn hơn.
Một trong những thách thức lớn nhất trong việc chữa biếng ăn tâm lý là bệnh nhân có thể sẽ không nhận ra bất thường của cơ thể hoặc không muốn điều trị, không coi chán ăn là một bệnh lý mà là một lựa chọn lối sống. Vì vậy, gia đình và bác sĩ tại bệnh viện/trung tâm nội soi tiêu hóa phải cố gắng động viên, giải thích, không nên tạo áp lực cho người bệnh.
Một số cách điều trị chán ăn tâm thần có thể bao gồm:
- Nhập viện và chăm sóc y tế
- Phục hồi cân nặng khỏe mạnh
- Thực hiện tâm lý trị liệu
- Thuốc điều trị hỗ trợ chán ăn tâm thần
Nhập viện và chăm sóc y tế
Đối với các trường hợp nguy cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng như suy dinh dưỡng nặng, tiếp tục bỏ ăn, rối loạn nhịp tim, mất nước, mất cân bằng điện giải hoặc suy thận thì người bệnh cần cấp cứu và được chăm sóc y tế chuyên sâu.
Do gây ra nhiều biến chứng, bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên các dấu hiệu quan trọng, mức độ hydrat hóa và chất điện giải, cũng như các tình trạng thể chất liên quan. Ăn thức ăn đặc là cách điều trị tốt nhất nhưng đôi khi người bệnh cũng cần được bổ sung chất lỏng. Hiếm khi những bệnh nhân suy dinh dưỡng hoặc chống lại việc ăn uống cần được truyền thức ăn nhờ ống thông mũi – dạ dày.
Việc điều trị và chăm sóc được thực hiện bởi các bác sĩ điều trị hoặc các chuyên gia sức khỏe tâm thần, phối hợp với một số chuyên gia khác có liên quan.
Phục hồi cân nặng khỏe mạnh
Mục tiêu đầu tiên của việc điều trị chứng chán ăn tâm thần là lấy lại cân nặng hợp lý, giúp người bệnh đạt được tình trạng thể chất như người bình thường. Bệnh nhân không thể thoát khỏi chứng biếng ăn nếu không trở lại cân nặng và thay đổi các chế độ dinh dưỡng hợp lý. Những chuyên gia có thể tham gia vào quá trình này bao gồm:
- Bác sĩ điều trị: cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và giám sát nhu cầu calo và sự tăng cân của người bệnh.
- Chuyên gia tâm lý học hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần: giúp người bệnh thay đổi các hành vi, lối sống, suy nghĩ để mang lại một cân nặng khỏe mạnh.
- Chuyên gia dinh dưỡng: đưa ra các hướng dẫn về chế độ ăn uống bình thường hoặc tích cực phù hợp với thể trạng của bệnh nhân, bao gồm cung cấp các bữa ăn cụ thể và yêu cầu về lượng calo giúp bệnh nhân đạt được mục tiêu cân nặng khỏe mạnh.
- Gia đình, người thân: sự hỗ trợ từ gia đình rất quan trọng đối với tinh thần của người bệnh trong quá trình điều trị. Ngoài ra, người nhà bệnh nhân cũng sẽ giúp chăm sóc người bệnh và duy trì thói quen ăn uống bình thường.
Thực hiện tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là một liệu pháp tư vấn cá nhân tập trung vào việc thay đổi suy nghĩ (liệu pháp nhận thức) và thay đổi hành vi (liệu pháp hành vi) của người mắc bệnh chán ăn. Các liệu pháp tâm lý để kiểm soát chứng chán ăn tâm thần thường được sử dụng như liệu pháp cá nhân, liệu pháp nhóm và liệu pháp gia đình.
Liệu pháp cá nhân
Người bệnh sẽ được điều trị với chuyên gia tâm lý ít nhất một buổi mỗi tuần với thời gian tối thiểu là một giờ. Các liệu pháp cá nhân chữa biếng ăn tâm lý bao gồm:
- Liệu pháp phân tích nhận thức: sử dụng các chữ cái và sơ đồ để kiểm tra hành vi theo thói quen và thử nghiệm các phản ứng linh hoạt hơn. Liệu pháp này giúp người trị liệu nhận thức được suy nghĩ không chính xác hoặc tiêu cực khi đứng trước các tình huống thách thức.
- Liệu pháp hành vi nhận thức: giúp khám phá cảm giác, giáo dục người bệnh về chu trình hóa học trong cơ thể và thách thức những suy nghĩ, giả định tự động đằng sau chứng biếng ăn từ đó đưa ra phản ứng tích cực và hiệu quả hơn.
- Liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân: liệu pháp này vạch ra một mạng lưới các mối quan hệ của người bệnh như chú trọng vào các xung đột, quá trình chuyển đổi, mất mát hoặc công việc để tạo ra những cách mới để đối phó với các trạng thái căng thẳng, lo lắng, trầm cảm.
- Liệu pháp nâng cao động lực: sử dụng các kỹ thuật phỏng vấn như một chất gây nghiện để kiềm chế sự phản kháng đối với các thay đổi môi trường xung quanh, giúp người bệnh thay đổi, đồng thời nuôi dưỡng và khuếch đại các suy nghĩ lành mạnh, tích cực.
- Liệu pháp thông tin động: giúp người bệnh nhận thức được nguy cơ tổn thương thể chất không thể hồi phục hoặc tử vong, thừa nhận các ranh giới nhất định như bệnh nhân phải được cân đo hàng tuần, khám định kỳ hàng tháng và nhập viện nếu cân nặng tiếp tục có xu hướng giảm. Các phương pháp bao gồm trò chuyện, nghệ thuật, âm nhạc và vận động.
Liệu pháp nhóm
Liệu pháp nhóm cho phép những người mắc chứng chán ăn tâm thần tương tác với những người mắc chứng rối loạn tương tự. Đôi khi, liệu pháp này lại khiến các thành viên trong nhóm cạnh tranh nhau để trở nên gầy nhất. Để tránh điều này xảy ra, việc quan trọng là bệnh nhân phải tham gia các nhóm do các chuyên gia y tế có trình độ và uy tín hướng dẫn.
Liệu pháp gia đình
Liệu pháp dựa trên gia đình là phương pháp dành cho thanh thiếu niên mắc chứng biếng ăn vì trẻ biếng ăn không thể đưa ra lựa chọn tốt về ăn uống và sức khỏe khi đang ở trong tình trạng nghiêm trọng này, vì vậy liệu pháp này sẽ giúp bố mẹ hỗ trợ trẻ ăn lại và phục hồi cân nặng đến khi trẻ có những lựa chọn tốt về sức khỏe.
- Liệu pháp kết hợp: chỉ ra hiệu quả của mô hình Maudsley trị liệu gia đình và các can thiệp tương tự tập trung vào rối loạn ăn uống. Tất cả các thành viên trong gia đình như bố mẹ, anh chị em và bệnh nhân đều sẽ tham gia các buổi trị liệu, tư vấn cùng nhau.
- Liệu pháp gia đình tách biệt: bệnh nhân và người thân tham gia các buổi tư vấn riêng biệt, đôi khi với hai nhà trị liệu khác nhau. Liệu pháp này dường như có hiệu quả tương tự như liệu pháp kết hợp, đặc biệt đối với các bệnh nhân lớn tuổi và liên quan đến mức độ biểu hiện cảm xúc thấp hơn.
Thông thường các liệu pháp cần được điều trị liên tục trong vòng 1 – 2 năm sau khi người bệnh đã lấy lại được số cân nặng đã mất. Biếng ăn mất trung bình 5 – 6 năm từ khi chẩn đoán đến khi hồi phục và có tới 30% bệnh nhân không khỏi bệnh.
Thuốc điều trị hỗ trợ chán ăn tâm thần
Hiện nay, vẫn chưa có loại thuốc điều trị chán ăn tâm thần nào được đánh giá là có hiệu quả. Tuy nhiên, các thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc tâm thần có thể giúp điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần mà người bệnh có thể mắc phải như trầm cảm, căng thẳng, lo lắng,…
Chán ăn tâm thần có thể được điều trị khỏi. Tuy nhiên, người bệnh có nhiều nguy cơ tái phát nếu gặp phải căng thẳng tột độ hoặc trong các tình huống kích thích. Liệu pháp liên tục hoặc các cuộc hẹn định kỳ nếu gặp căng thẳng có thể giúp Cô Bác, Anh Chị duy trì một lối sống khỏe mạnh.
Những điểm cần lưu ý
Phương pháp hỗ trợ điều trị chán ăn tâm thần
Đối với các bệnh nhân mắc chứng chán ăn tâm thần, họ có thể rất khó để chăm sóc bản thân đúng cách, vì vậy ngoài việc điều trị chuyên sâu người bệnh cũng có thể thực hiện một số phương pháp hỗ trợ sau:
- Theo sát kế hoạch điều trị, không bỏ qua các buổi tâm lý trị liệu, cố gắng không bỏ bữa ăn ngay cả khi chúng khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái.
- Thảo luận với bác sĩ điều trị nếu bệnh nhân muốn bổ sung vitamin và khoáng chất phù hợp. Việc không ăn uống đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ các chất dinh dưỡng, vitamin cũng như khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Việc sử dụng các thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bổ sung cũng cần sự đồng ý của bác sĩ.
- Không cô lập bản thân với những người xung quanh như gia đình, bạn bè, những người quan tâm và muốn người bệnh khỏe mạnh.
- Cố gắng chống lại cảm giác muốn giảm cân hoặc kiểm tra cân nặng của bản thân thường xuyên để đạt được mục tiêu cân nặng bác sĩ đề ra.
- Không lạm dụng các chất gây nghiện, rượu bia hoặc insulin.
Những lưu ý về bệnh chán ăn tâm thần
- Bệnh nhân chán ăn tâm thần hay biếng ăn tâm lý có một nỗi sợ về việc tăng cân hoặc ám ảnh về ngoại hình trở nên béo mặc dù thể trạng bình thường, thậm chí gầy hơn mức quy định.
- Đối với bệnh nhân thuộc nhóm hạn chế ăn, họ sẽ hạn chế lượng calo nạp vào cơ thể thấp nhất có thể và đôi khi tập thể dục quá mức nhưng không thường xuyên có việc cuồng ăn hay nhịn ăn.
- Ở nhóm cuồng ăn hoặc nhịn ăn, bệnh nhân thường xuyên cuồng ăn, sau đó tự gây nôn hoặc lạm dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu hoặc rửa ruột.
- Các rối loạn thiếu hụt dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, mất nước, mất cân bằng điện giải là phổ biến, trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
- Điều trị chán ăn tâm thần bằng bổ sung dinh dưỡng, liệu pháp nhận thức – hành vi. Đối với thanh thiếu niên, liệu pháp gia đình sẽ có hiệu quả cao hơn.
- Người bệnh biếng ăn tâm lý có các triệu chứng tiêu hóa cần được thăm khám sức khỏe và tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Tài liệu tham khảo
- Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
- Anorexia Nervosa. 16 08 2021. https://www.drugs.com/health-guide/anorexia-nervosa.html (đã truy cập 10 25, 2021).
- Chán ăn tâm thần. không ngày tháng. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tâm-thần/rối-loạn-ăn-uống/chán-ăn-tâm-thần (đã truy cập 10 25, 2021).
- Cleveland Clinic medical professional. Anorexia Nervosa. 27 06 2019. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9794-anorexia-nervosa (đã truy cập 10 25, 2021).
- Evelyn Attia, MD & B. Timothy Walsh, MD. Anorexia Nervosa. 06 2020. https://www.msdmanuals.com/home/mental-health-disorders/eating-disorders/anorexia-nervosa (đã truy cập 10 25, 2021).
- Jane Morris & Sara Twaddle. “Anorexia nervosa.” 04 2007: 894-898.
- Mayo Clinic Staff. Anorexia nervosa. 20 02 2018. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/anorexia-nervosa/symptoms-causes/syc-20353591 (đã truy cập 10 25, 2021).
- Michelle Pugle. What Is Anorexia Nervosa? 07 06 2021. https://www.verywellhealth.com/anorexia-nervosa-5101748#coping (đã truy cập 10 25, 2021).
- Smitha Bhandari, MD. Anorexia Nervosa. 20 07 2020. https://www.webmd.com/mental-health/eating-disorders/anorexia-nervosa/mental-health-anorexia-nervosa (đã truy cập 10 25, 2021).
- Susan Cowden, MS. Symptoms and Warning Signs of Anorexia Nervosa. 17 09 2020. https://www.verywellmind.com/symptoms-warning-signs-of-anorexia-nervosa-1138239 (đã truy cập 05 25, 2021).
- Wint, Carmella. Anorexia Nervosa. 04 08 2017. https://www.healthline.com/health/anorexia-nervosa (đã truy cập 10 25, 2021).
- Yvette Brazier. Anorexia nervosa: What you need to know. 17 01 2021. https://www.medicalnewstoday.com/articles/267432 (đã truy cập 10 25, 2021).