Viêm đại tràng vi thể: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Viêm đại tràng vi thể là tình trạng viêm ruột mạn tính, xuất hiện ở ruột non và đại tràng, phần lớn xảy ra ở người bệnh lớn tuổi. Viêm đại tràng vi thể khó phát hiện trong nội soi tiêu hóa vì vậy bác sĩ phải thực hiện sinh thiết và đánh giá mô bệnh học thông qua giải phẫu bệnh dưới kính hiển vi. Mời Cô Bác, Anh Chị xem chi tiết nội dung về nguyên nhân gây bệnh viêm đại tràng vi thể là gì, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị bệnh như thế nào trong bài viết sau.

Các nghiên cứu dựa trên dân số từ Bắc Mỹ và Châu Âu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh viêm đại tràng vi thể gần đây có sự ổn định, ước tính mỗi năm có khoảng 1 – 25 ca mắc bệnh trong 100.000 người với tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở nhóm người lớn tuổi từ 60 – 70 tuổi.

Viêm đại tràng vi thể: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Viêm đại tràng vi thể: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan về bệnh viêm đại tràng vi thể

Bệnh viêm đại tràng vi thể có tỷ lệ mắc bệnh hằng năm tương đối thấp, tuy nhiên đây là bệnh lý khó phát hiện bằng các phương pháp nội soi thông thường, đồng thời các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác. Vì vậy, khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường như tiêu chảy mạn tính, đau bụng cấp tính, đau khớp, sụt cân,… người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.

Bệnh viêm đại tràng vi thể là gì?

Bệnh viêm đại tràng vi thể (tên tiếng Anh: microscopic colitis) là tình trạng viêm đại tràng mạn tính nằm trong nhóm bệnh viêm ruột (IBD). Trong đó, các phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch gây ra tình trạng viêm ở niêm mạc đại – trực tràng. Triệu chứng đặc trưng là tiêu chảy phân nước mạn tính, một số người có thể sẽ bị đau bụng, sụt cân nhẹ và đi tiêu không tự chủ.

Viêm đại tràng vi thể là tình trạng viêm ruột mạn tính, có triệu chứng đặc trưng
Viêm đại tràng vi thể là tình trạng viêm ruột mạn tính, có triệu chứng đặc trưng là tiêu chảy phân nước mạn tính (Nguồn: Crohn’s & Colotis UK)

Thông thường, đại tràng (ruột già) là nơi cuối cùng hấp thụ nước, khoáng chất, chất điện giải còn lại trong chất thải và tạo ra phân. Tuy nhiên, tình trạng viêm đại tràng dẫn đến suy giảm khả năng hấp thu nước, điện giải, dẫn đến sự mất cân bằng một số chất trong ruột. Chất lỏng tích tụ lại trong phân nhiều hơn, tạo ra một lượng lớn phân nước dẫn đến tiêu chảy.

Viêm đại tràng vi thể được chẩn đoán chính xác nhất thông qua sinh thiết và quan sát mô bệnh học dưới kính hiển vi. Điều quan trọng là viêm đại tràng vi thể không có nguy cơ tiến triển thành ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, các triệu chứng viêm đại tràng vi thể có thể tương tự với ung thư đại trực tràng, vì thế Cô Bác, Anh Chị nên đi thăm khám và tầm soát ung thư đại tràng khi nghi ngờ có các dấu hiệu bệnh.

Phân loại bệnh viêm đại tràng vi thể

Dựa vào sự thay đổi bất thường bên trong lớp niêm mạc đại – trực tràng, viêm đại tràng vi thể được chia thành 2 loại chính, bao gồm:

  • Viêm đại tràng tế bào lympho (Lymphocytic colitis – LC): LC khiến lớp lót bên trong đại tràng xuất hiện nhiều tế bào bạch cầu (tế bào lympho) hơn bình thường.
  • Viêm đại tràng collagenous (Collagenous colitis – CC): CC thường hình thành các lớp collagen bên trong lớp niêm mạc, các lớp collagen này sẽ dày lên theo thời gian.

Khi soi dưới kính hiển vi cấu trúc của LC và CC khác nhau, tuy nhiên, các triệu chứng và cách điều trị của LC và CC đều giống nhau và thường sẽ được gọi chung là viêm đại tràng vi thể. Tỷ lệ người mắc LC cao hơn nhưng CC lại phổ biến ở nữ giới hơn. Một số người bệnh có thể mắc cả 2 loại viêm đại tràng vi thể nhưng ở những thời điểm khác nhau.

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân bệnh viêm đại tràng vi thể

Nguyên nhân viêm đại tràng vi thể có thể đến từ vi khuẩn, virus, các loại thuốc điều trị và một vài yếu tố làm tăng nguy cơ khác như tuổi tác, di truyền, lối sống,…

Nguyên nhân viêm đại tràng vi thể là gì?

Một số nguyên nhân chính gây bệnh viêm đại tràng vi thể, bao gồm:

  • Vi khuẩn, virus: một số loại vi khuẩn và virus xuất hiện trong đường ruột làm mất cân bằng hệ tiêu hóa, tạo ra độc tố, gây viêm và kích ứng niêm mạc đại tràng.
  • Bệnh tự miễn dịch là tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và kháng nguyên của cơ thể, khiến cơ thể giải phóng các protein miễn dịch tấn công các yếu tố có hại cho cơ thể như vi khuẩn, virus, đồng thời cũng tấn công các tế bào khỏe mạnh của chính cơ thể. Một số bệnh tự miễn phổ biến như bệnh Celiac, thiếu máu ác tính, bệnh viêm ruột (IBD), bệnh đái tháo đường type I, bệnh viêm khớp dạng thấp,…
  • Kém hấp thu axit mật: nếu ruột non không hấp thụ hết axit mật thì lượng axit mật dư thừa sẽ đi vào đại tràng gây nên các rối loạn đường ruột.
  • Theo một số nghiên cứu, vài loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng vi thể như:
    • Thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen và naproxen sodium .
    • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs).
    • Thuốc ức chế bơm proton (PPI) bao gồm lansoprazole, esomeprazole, pantoprazole, rabeprazole, omeprazole và dexlansoprazole.
    • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI): đây là một loại thuốc chống trầm cảm bao gồm sertraline.
    • Một số loại thuốc khác như acarbose, flutamide, ranitidine, carbamazepine,…
Nguyên nhân viêm đại tràng vi thể
Nguyên nhân viêm đại tràng vi thể phổ biến là do nhiễm trùng vi khuẩn và ký sinh trùng. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng vi thể?

Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng vi thể kể cả trẻ em, tuy nhiên một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường bao gồm:

  • Người lớn tuổi: viêm đại tràng vi thể phổ biến trong nhóm tuổi từ 50 – 70 tuổi.
  • Giới tính: một số nghiên cứu cho thấy nữ giới có nhiều khả năng bị viêm đại tràng vi thể hơn nam giới.
  • Di truyền: nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa yếu tố di truyền và bệnh viêm đại tràng vi thể, nếu gia đình có người mắc hội chứng ruột kích thích hoặc bệnh viêm ruột thì Cô Bác, Anh Chị có khả năng mắc bệnh cao hơn người bình thường.
  • Người hút thuốc lá: các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là ở độ tuổi từ 16 – 44 tuổi sẽ khiến bệnh xuất hiện sớm hơn 10 năm.
  • Người bị một số rối loạn miễn dịch nhất định.

Dấu hiệu và triệu chứng viêm đại tràng vi thể

Triệu chứng viêm đại tràng vi thể có thể xuất hiện đột ngột cần điều trị ngay, nhưng đôi khi chúng cũng xuất hiện từ từ và trở nặng theo thời gian. Các triệu chứng có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng cũng như tần suất xuất hiện, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân.

Triệu chứng viêm đại tràng vi thể
Triệu chứng phổ biến nhất của viêm đại tràng vi thể là tiêu chảy phân nước mãn tính (Ảnh minh họa sưu tầm)

Triệu chứng bệnh viêm đại tràng vi thể là gì?

Triệu chứng của viêm đại tràng vi thể có thể tái đi tái lại, trong một số trường hợp nhẹ các cơn đau có thể tự hết. Một số dấu hiệu và triệu chứng viêm đại tràng vi thể bao gồm:

  • Tiêu chảy mạn tính, đôi khi xuất hiện phân lỏng, không có máu. Đây cũng là triệu chứng phổ biến nhất để xác định viêm đại tràng vi thể. Thông thường, bệnh nhân có thể xuất hiện 4 – 9 lần tiêu chảy/ngày, trong vài trường hợp các cơn tiêu chảy có thể xảy ra hơn 10 lần trong một ngày.
  • Đi tiêu gấp chiếm khoảng 70% trường hợp.
  • Đau bụng cấp tính, co thắt hoặc chướng bụng.
  • Sụt cân không chủ ý.
  • Buồn nôn.
  • Đi tiêu không tự chủ.
  • Dấu hiệu mất nước (môi khô, mắt trũng, khát nước nhiều, tiểu ít,…).

Các triệu chứng ít phổ biến có thể xuất hiện ở người bệnh viêm đại tràng vi thể, bao gồm:

  • Đầy bụng hoặc đầy hơi.
  • Nôn ói.
  • Mệt mỏi, mất sức.
  • Tiểu không tự chủ, tiểu đêm.
  • Đau khớp.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám?

Các triệu chứng của viêm đại tràng vi thể thường giống với các bệnh lý tiêu hóa khác như ngộ độc thực phẩm, bệnh Celiac, hội chứng ruột kích thích,… Vì vậy, khi Cô Bác, Anh Chị phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như tiêu chảy kéo dài từ 3 – 4 ngày hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Hạn chế tự ý sử dụng các loại thuốc tự điều trị tại nhà vì chúng có thể ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của Cô Bác, Anh Chị nhưng lại không điều trị đúng bệnh hoặc mang lại kết quả không như mong đợi.

Sinh lý bệnh viêm đại tràng vi thể

Sinh lý bệnh của viêm đại tràng vi thể vẫn chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên bệnh sinh của bệnh có khả năng liên quan đến đa yếu tố như rối loạn hệ thống miễn dịch, di truyền.

  • Tính nhạy cảm do di truyền: các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn về mức độ mà yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến viêm đại tràng vi thể. Tuy nhiên, theo một vài báo cáo, các trường hợp gia đình có một thành viên được chẩn đoán mắc bệnh viêm đại tràng vi thể thì các thành viên khác cũng sẽ xuất hiện một rối loạn có cơ chế bệnh sinh tương tự như viêm đại tràng lymphocytic hoặc viêm đại tràng collagenous.
  • Chuyển hóa collagen bất thường có thể là nguyên nhân tạo ra lớp collagen dày lên trong lớp niêm mạc dẫn đến viêm đại tràng collagenous. Sự lắng đọng chất nền dưới biểu mô được cho là do sự gia tăng biểu hiện của các gen nguyên sợi chính, của nguyên bào sợi procollagen I và chất ức chế metalloproteinase – TMP – 1 ở các tế bào nguyên bào sợi cơ và do quá trình tiêu sợi huyết kém. . Bệnh nhân bị viêm đại tràng collagenous cũng có thể do gia tăng yếu tố tăng trưởng biến đổi (TGF) beta – 1 gây ra sự tích tụ collagen trong các mô. TGF beta – 1 và yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng của quá trình tân tạo sợi tại chỗ và tiêu sợi huyết, dẫn đến sự tích tụ một mạng lưới chất nền dưới biểu mô chưa trưởng thành.
  • Thay đổi chức năng hàng rào biểu mô: một cơ chế khác có thể là do khiếm khuyết trong chức năng hàng rào biểu mô và các yếu tố trong lòng ống tiêu hóa có thể dẫn đến tăng khả năng thẩm thấu các kháng nguyên và vi khuẩn qua lớp niêm mạc dẫn đến rối loạn hệ miễn dịch và biểu hiện viêm ruột.
Sinh lý bệnh viêm đại tràng vi thể
Hình ảnh mô bệnh học viêm đại tràng Lympho và viêm đại tràng Collagen.

Chẩn đoán bệnh viêm đại tràng vi thể

Chẩn đoán, khám bệnh viêm đại tràng vi thể cần kết hợp khám lâm sàng và cận lâm sàng để loại trừ các bệnh lý liên quan và có triệu chứng tương tự như bệnh Celiac, bệnh viêm ruột (IBD), hội chứng ruột kích thích (IBS),…

Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ tiến hành thu thập thông tin, tiền sử bệnh và tình trạng sức khỏe hiện tại của Cô Bác, Anh Chị để loại trừ các bệnh lý liên quan có thể gây ra bệnh tiêu chảy. Các câu hỏi bác sĩ có thể hỏi Cô Bác, Anh Chị bao gồm:

  • Cô Bác, Anh Chị gặp các triệu chứng khi nào? Tần suất các triệu chứng xuất hiện có liên tục hay không?
  • Cô Bác, Anh Chị đi tiêu phân lỏng bao nhiêu lần một ngày? Cô Bác, Anh Chị có bị đau quặn bụng, buồn nôn, nôn ói không?
  • Đi tiêu có xuất hiện máu không? Cô Bác, Anh Chị có bị giảm cân, mệt mỏi, đau khớp, đầy hơi không?
  • Người thân trong gia đình có đang mắc bệnh lý tiêu hóa không?
  • Cô Bác, Anh Chị có từng hoặc đang điều trị các bệnh Celiac, bệnh đái tháo đường, bệnh tuyến giáp,…? Các loại thuốc điều trị Cô Bác, Anh Chị đang sử dụng là gì?

Cô Bác, Anh Chị nên đem theo sổ khám bệnh hoặc toa thuốc đang sử dụng để bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn, đặc biệt là các thuốc kháng viêm giảm đau không steroid như aspirin, ibuprofen, naproxen sodium, thuốc ức chế bơm proton (PPIs), và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI),… Các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng vi thể.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Để đánh giá chính xác tình trạng bệnh viêm đại tràng vi thể chỉ có thể chẩn đoán thông qua sinh thiết niêm mạc đại tràng. Một số phương pháp cận lâm sàng khác chỉ giúp hỗ trợ bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe của đại tràng.

Xét nghiệm

Các xét nghiệm được bác sĩ chỉ định trong chẩn đoán bệnh viêm đại tràng vi thể có thể bao gồm:

  • Phân tích mẫu phân giúp loại trừ các nguyên nhân gây nhiễm trùng dẫn đến tiêu chảy mạn tính như vi khuẩn, virus và ký sinh trùng.
  • Xét nghiệm tìm kháng nguyên trong phân cũng nên được thực hiện nếu người bệnh có các yếu tố làm tăng nguy cơ như đi du lịch đến các vùng có bệnh.
  • Xét nghiệm máu để tìm các dấu hiệu thiếu máu, tốc độ lắng máu, hàm lượng bạch cầu trong máu, dấu hiệu nhiễm trùng,…
  • Xét nghiệm huyết thanh Celiac để loại trừ bệnh Celiac.

Nội soi tiêu hóa

Nội soi tiêu hóa là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý đại tràng và trực tràng. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.

  • Nội soi ống tiêu hóa dưới (nội soi đại – trực tràng): phương pháp này cho phép bác sĩ quan sát toàn bộ đại – trực tràng thông qua một camera nhỏ, ống nội soi mềm được đưa vào bên trong đại tràng thông qua hậu môn. Trong quá trình nội soi ống tiêu hóa, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô bằng dụng cụ sinh thiết để làm giải phẫu bệnh.
  • Nội soi đại tràng sigma: quy trình thực hiện tương tự như nội soi đại – trực tràng, tuy nhiên nội soi đại tràng sigma chỉ cho phép bác sĩ quan sát bên trong trực tràng và đoạn cuối của đại tràng, mẫu tế bào cũng sẽ được lấy trong quá trình nội soi và gửi đến phòng giải phẫu bệnh.
Chẩn đoán bệnh viêm đại tràng vi thể
Nội soi đại tràng kết hợp với sinh thiết tế bào và giải phẫu bệnh là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán viêm đại tràng vi thể (Nguồn: Crohn’s & Colotis UK)

Tuy nhiên, sinh thiết tế bào để làm giải phẫu bệnh đối với bệnh viêm đại tràng vi thể là điều kiện bắt buộc, vì các dấu hiệu của viêm đại tràng vi thể thường không quan sát được dưới nội soi  và chỉ có thể phát hiện dưới kính hiển vi khi phân tích mẫu mô sinh thiết trong phòng thí nghiệm.

Phương pháp điều trị bệnh viêm đại tràng vi thể

Điều trị viêm đại tràng vi thể có thể áp dụng các phương pháp từ đơn giản đến phức tạp giúp giảm nhẹ các triệu chứng bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng thuốc điều trị và phẫu thuật. Trong một số trường hợp, người bệnh viêm đại tràng vi thể có thể tự khỏi nhưng khi các triệu chứng còn xuất hiện, rất có khả năng chúng sẽ tiến triển nghiêm trọng theo thời gian.

Điều trị viêm đại tràng vi thể bằng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ.
Điều trị viêm đại tràng vi thể bằng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Thay đổi chế độ ăn uống

Điều trị bệnh viêm đại tràng vi thể thường bắt đầu bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và ngưng sử dụng các loại thuốc có nguy cơ gây tiêu chảy, bao gồm:

  • Chế độ ăn ít chất béo, ít chất xơ: sử dụng các loại thực phẩm chứa ít chất béo, ít dầu mỡ, ít chất xơ có thể giảm tình trạng tiêu chảy.
  • Ngừng các chế phẩm từ sữa và gluten: đối với các trường hợp bệnh nhân mắc rối loạn hệ miễn dịch, hội chứng không dung nạp hoặc tiêu chảy mạn tính thì những thực phẩm này sẽ khiến các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
  • Tránh sử dụng caffeine và đường lactose.
  • Ngừng sử dụng thuốc: một số loại thuốc có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của người bệnh, vì vậy bác sĩ sẽ xem xét các loại thuốc đang sử dụng đồng thời đưa ra đề xuất về việc nên tiếp tục sử dụng hay tạm ngừng chúng và tìm ra một loại thuốc thay thế tốt hơn.

Sử dụng thuốc điều trị viêm đại tràng vi thể

Lưu ý: tất cả các loại thuốc điều trị viêm đại tràng vi thể cần có sự đồng ý của bác sĩ trước khi sử dụng, bệnh nhân không tự ý sử dụng.

Sau khi thay đổi chế độ ăn uống nếu các triệu chứng của bệnh nhân vẫn tồn tại hoặc ngày càng nghiêm trọng hơn thì bác sĩ có thể đề nghị sử dụng một số loại thuốc bao gồm:

  • Thuốc chống tiêu chảy như loperamide hoặc bismuth subsalicylate.
  • Steroid như budesonide.
  • Thuốc ngăn chặn axit mật (có thể gây tiêu chảy) như cholestyramine, aspartame, cholestyramine hoặc colestipol.
  • Thuốc chống viêm như mesalamine hoặc sulfasalazine nhằm giúp kiểm soát tình trạng viêm đại tràng.
  • Thuốc ức chế miễn dịch giúp giảm các triệu chứng viêm đại tràng, chẳng hạn như mercaptopurine và azathioprine.
  • Thuốc ức chế TNF như infliximab (Remicade) và adalimumab (Humira), chúng có thể làm giảm viêm bằng cách trung hòa một protein của hệ thống miễn dịch được gọi là yếu tố hoại tử khối u (Tumor Necrosis Factor – TNF).

Phẫu thuật

Đối với các tình trạng viêm đại tràng vi thể ở mức độ nặng hoặc không đáp ứng với các liệu pháp điều trị khác, phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng. Bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần của đại tràng. Phẫu thuật hiếm khi cần thiết để điều trị viêm đại tràng vi thể.

Những điểm cần lưu ý

Phương pháp hỗ trợ điều trị viêm đại tràng vi thể

Một số phương pháp Cô Bác, Anh Chị có thể áp dụng trong quá trình điều trị viêm đại tràng vi thể giúp làm giảm các triệu chứng tiêu chảy như:

  • Uống nhiều nước: cố gắng uống nhiều nước lọc, các loại nước bổ sung chất điện giải như Na, K hoặc các loại nước luộc thịt, nước hoa quả.
  • Tránh các loại đồ uống chứa nhiều đường, chất tạo ngọt, sorbitol, cồn hoặc caffeine như cà phê, trà, cola, rượu bia,… vì chúng có thể làm trầm trọng các triệu chứng của Cô Bác, Anh Chị.
  • Ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu như nước sốt táo, chuối, dưa hấu, cơm, … và tránh các thực phẩm giàu chất xơ và cứng như đậu, các loại hạt. Cô Bác, Anh Chị chỉ nên sử dụng các loại rau đã nấu chín kỹ. Sau khi các triệu chứng đã được cải thiện, hãy từ từ bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ dinh dưỡng mỗi ngày. Cách tốt nhất là Cô Bác, Anh Chị nên gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn một chế độ ăn uống hợp lý cho tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân.
  • Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ.
  • Tránh các loại thực phẩm gây kích thích như thức ăn cay nóng, nhiều chất béo, dầu mỡ, đồ chiên hoặc bất kỳ loại thực phẩm nào khiến cho triệu chứng của Cô Bác, Anh Chị trở nên tệ hơn.
Một số loại thực phẩm làm trầm trọng thêm triệu chứng tiêu chảy ở người bệnh.
Một số loại thực phẩm làm trầm trọng thêm triệu chứng tiêu chảy ở người bệnh viêm đại tràng vi thể. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Những lưu ý về bệnh viêm đại tràng vi thể

  • Viêm đại tràng vi thể là tình trạng viêm ruột mạn tính, triệu chứng đặc trưng là tiêu chảy phân nước mạn tính, một số người có thể sẽ bị đau bụng, sụt cân nhẹ và đi tiêu không tự chủ.
  • Viêm đại tràng vi thể bao gồm 2 loại chính là viêm đại tràng tế bào lympho và Viêm đại tràng collagenous.
  • Nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng vi thể có thể đến từ vi khuẩn, virus, các loại thuốc điều trị và một vài yếu tố làm tăng nguy cơ khác như tuổi tác, di truyền, lối sống,…
  • Tiêu chảy nước mạn tính là triệu chứng phổ biến nhất để xác định viêm đại tràng vi thể. Bệnh nhân có thể xuất hiện từ 4 – 9 lần tiêu chảy trong ngày.
  • Chẩn đoán bệnh viêm đại tràng vi thể cần kết hợp kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng bao gồm sinh thiết mẫu mô niêm mạc đại tràng qua nội soi tiêu hóa dưới để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh giúp loại trừ các bệnh lý liên quan có triệu chứng tương tự.
  • Phương pháp điều trị viêm đại tràng vi thể thường tập trung giúp giảm nhẹ các triệu chứng, với nhiều biện pháp từ đơn giản đến phức tạp bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng thuốc điều trị và phẫu thuật.
  • Các triệu chứng viêm đại tràng vi thể có thể tương tự với một số bệnh lý ung thư tiêu hóa, vì thế Cô Bác, Anh Chị nên đi thăm khám và tầm soát ung thư tiêu hóa khi nghi ngờ có các dấu hiệu bệnh.

Mời Cô Chú, Anh Chị tìm hiểu các bệnh đại tràng khác:

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Bandoim, Lana. Colitis colágena: Síntomas, causas y tratamiento. 22 06 2021. https://www.healthline.com/health/es/colitis-colagenosa (đã truy cập 10 12, 2021).
  3. Christoph F Dietrich, MD, MBA. Microscopic (lymphocytic and collagenous) colitis: Clinical manifestations, diagnosis, and management. 03 12 2020. https://www.uptodate.com/contents/microscopic-lymphocytic-and-collagenous-colitis-clinical-manifestations-diagnosis-and-management (đã truy cập 10 12, 2021).
  4. Darrell S. Pardi, MD. Microscopic Colitis. 01 05 2003. https://www.mayoclinicproceedings.org/article/S0025-6196(11)61931-9/fulltext (đã truy cập 10 12, 2021).
  5. Johan Bohr, Anna Wickbom, Agnes Hegedus, Nils Nyhlin, Elisabeth Hultgren Hörnquist & Curt Tysk. “Diagnosis and management of microscopic colitis: current perspectives.” Clin Exp Gastroenterol (Dove Medical Press Limited), 08 2014: 273 – 284.
  6. Mayo Clinic Staff. Microscopic colitis. 20 01 2021 https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/microscopic-colitis/symptoms-causes/syc-20351478 (đã truy cập 10 12, 2021).
  7. Microscopic Colitis. 11 2019. https://www.crohnsandcolitis.org.uk/about-crohns-and-colitis/publications/microscopic-colitis (đã truy cập 10 12, 2021).
  8. NIDDK Scientists. Microscopic Colitis. 04 2021. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/microscopic-colitis (đã truy cập 10 12, 2021).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?

Chia sẻ nội dung: