Rối loạn tiêu hóa là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Rối loạn tiêu hóa là thuật ngữ mô tả nhiều loại bệnh lý làm rối loạn hoạt động tiêu hóa của cơ thể, gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người ở mọi độ tuổi mỗi năm. Theo thống kê năm 2019, các bệnh lý đường tiêu hóa chịu trách nhiệm gây ra 8 triệu ca tử vong. Do đó, rối loạn tiêu hóa cần được chú trọng thăm khám và điều trị đúng cách để hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Vậy nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa là từ đâu? Mời Cô Chú, Anh Chị hãy cùng trung tâm nội soi tiêu hóa Endo Clinic theo dõi bài viết sau để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này nhé!

Rối loạn tiêu hóa là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Rối loạn tiêu hóa là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Rối loạn tiêu hóa là gì?

Rối loạn tiêu hóa thường sử dụng để nói về nhóm các bệnh lý mà khi đó quá trình tiêu hóa của cơ thể diễn ra một cách bất thường.

Hệ tiêu hóa bao gồm các cơ quan như khoang miệng, hầu họng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại – trực tràng và hậu môn. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của tuyến nước bọt, gan, mật, tụy giúp tiết ra các enzyme hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi. Bất kỳ tổn thương nào ở các cơ quan này cũng có thể gây ra rối loạn tiêu hóa.

Có hai loại rối loạn tiêu hóa gồm:

  • Rối loạn tiêu hóa do các tổn thương trong ống tiêu hóa (organic GI disorders): Hệ tiêu hóa xuất hiện các tổn thương thực thể làm cho các cơ quan tiêu hóa hoạt động bất thường.
  • Rối loạn tiêu hóa chức năng (functional GI disorders): Hệ tiêu hóa hoạt động bất thường mà không ghi nhận bất kỳ tổn thương thực thể nào.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây rối loạn tiêu hóa, ví dụ như chế độ ăn uống không lành mạnh, sinh hoạt thiếu khoa học, tiêu thụ nhiều rượu bia,… Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể bắt nguồn từ một số bệnh lý tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS), trào ngược dạ dày – thực quản (GERD), bệnh Crohn, bệnh Celiac,…

Một số nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa là:

Chế độ ăn uống không lành mạnh

Chế độ ăn uống là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Vì thế, đa phần triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường xuất phát do chế độ ăn uống không lành mạnh, dung nạp nhiều thực phẩm gây khó tiêu.

Một số thực phẩm và đồ uống ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa gồm:

  • Đồ chiên, nhiều dầu mỡ: Các loại thực phẩm này thường chứa nhiều chất béo nên có thể gây tiêu chảy. Các loại nước sốt, thịt mỡ, kem, bơ,… cũng có thể gây tình trạng tương tự.
  • Trái cây chua: Các loại trái cây có vị chua như cam, chanh,… chứa nhiều chất xơ và có tính acid cao có thể khiến một số người bị đau bụng.
  • Thực phẩm chứa chất tạo ngọt nhân tạo: Việc tiêu thụ nhiều chất tạo ngọt nhân tạo như đường sorbitol có thể gây đau quặn bụng và tiêu chảy.
  • Thức ăn cay: Đồ ăn cay có chứa capsaicin. Hợp chất này có thể khiến cho một số người bị khó tiêu hoặc ợ nóng.
  • Sản phẩm từ sữa: Đối với những ai không dung nạp được lactose thì sử dụng sản phẩm từ sữa có thể gây đau bụng, tiêu chảy, chướng bụng và đầy hơi.
  • Thực phẩm có chứa bạc hà: Có thể làm giãn cơ vòng thực quản, khiến acid hoặc thức ăn trào ngược từ dạ dày lên thực quản và gây ra chứng ợ nóng.
thực phẩm chứa chất béo là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa
Ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo có thể gây rối loạn tiêu hóa

Chế độ sinh hoạt thiếu khoa học

Việc sinh hoạt không khoa học cũng có tác động tiêu cực lên chức năng của hệ tiêu hóa. Một nghiên cứu năm 2016 đã cho thấy những người tích cực vận động có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa thấp hơn so với người có lối sống ít vận động. Ngoài ra, cách ăn uống không điều độ (hay bỏ bữa, ăn uống giờ giấc thất thường) cũng có thể gây ra tình trạng đầy hơi và tiêu chảy.

Chỉ số BMI cũng có tác động đến tình trạng này. Nghiên cứu cho thấy người có BMI nhỏ hơn 25kg/m2 có nguy cơ cao mắc táo bón hơn so với người chỉ số BMI lớn hơn hoặc bằng 25kg/m2.

Tiêu thụ nhiều rượu bia

Nếu uống quá nhiều rượu bia trong thời gian dài, người bệnh có thể cảm giác bị đầy bụng, tiêu chảy. Hơn nữa, uống rượu bia có thể làm tổn hại đến niêm mạc ruột non gây giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, về lâu dài có thể làm suy dinh dưỡng.

Các bệnh lý tiêu hóa

Bên cạnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt, tình trạng rối loạn tiêu hóa cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý tiêu hóa. Vì thế, người bệnh không nên chủ quan mà nên đến bác sĩ thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân.

Một số bệnh lý tiêu hóa thường gặp là:

  • Hội chứng ruột kích thích (IBS)
  • Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)
  • Bệnh Crohn
  • Viêm loét đại tràng
  • Bệnh Celiac
  • Khó tiêu chức năng
  • Không dung nạp lactose

Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một dạng rối loạn tiêu hóa được biểu hiện thông qua triệu chứng đau bụng và thay đổi thói quen đi tiêu thất thường mà không ghi nhận bất kỳ tổn thương thực thể nào ở đại tràng. Đây là bệnh lý mạn tính và chưa có cách điều trị triệt để, khiến cho người bệnh thấy khó chịu, mệt mỏi và giảm chất lượng cuộc sống.

nguyên nhân rối loạn tiêu hóa do IBS
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là rối loạn mạn tính cần được thăm khám định kỳ, để theo dõi, kiểm tra và điều trị các triệu chứng lâu dài (Ảnh minh họa sưu tầm).

Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)

Đây là tình trạng dịch acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi đó, acid dạ dày sẽ làm kích ứng niêm mạc thực quản gây ợ nóng, ợ trớ kèm cảm giác đau tức ngực, đau thượng vị, khó tiêu, buồn nôn, nôn ói,…

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản gồm thừa cân, béo phì, mang thai, chế độ ăn uống không lành mạnh (ăn quá no trước khi ngủ, lạm dụng rượu bia, thường xuyên dùng thực phẩm chua cay, dầu mỡ,…), hút thuốc lá, stress,…

Bệnh Crohn

Bệnh Crohn là một trong hai bệnh lý trong nhóm bệnh lý ruột mạn tính (IBD). Bệnh Crohn có thể gây viêm ở bất kỳ vị trí nào trong ống tiêu hóa nhưng phổ biến nhất là ở ruột non. Viêm do bệnh Crohn có thể hình thành các ổ loét ăn sâu và gây tổn thương nghiêm trọng đến thành ruột.

Bệnh lý này có thể biểu hiện nhiều dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy (phân kèm máu hoặc chất nhầy), đầy hơi, sốt, sụt cânthiếu máu. Bệnh lý này hiện không có cách chữa trị triệt để, các triệu chứng có thể xuất hiện từng đợt hoặc liên tục khiến cho người cảm thấy mệt mỏi.

Bệnh viêm loét đại tràng

Một bệnh lý khác thuộc nhóm bệnh lý ruột mạn tính (IBD) là bệnh viêm loét đại tràng. Bệnh lý làm cho niêm mạc đại tràng bị tổn thương nặng nề kèm theo xuất huyết. Các triệu chứng của viêm loét đại tràng gồm tiêu chảy phân kèm máu, đôi khi trong phân có chất nhầy. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy đau bụng, mót rặn, mệt mỏi, sụt cân và sốt.

Bệnh Celiac

Bệnh Celiac là một chứng rối loạn miễn dịch do cơ thể phản ứng bất thường với gluten (protein có trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen). Đáp ứng miễn dịch bất thường này có thể gây tổn thương đến niêm mạc ruột non, làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng. Từ đó, người bị bệnh Celiac có thể thiếu hụt nhiều dưỡng chất quan trọng và có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Người mắc bệnh Celiac có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi,… Cách điều trị duy nhất cho bệnh lý này là loại bỏ hoàn toàn gluten ra khỏi chế độ ăn hằng ngày.

Khó tiêu chức năng

Khó tiêu chức năng là một trong các loại rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất trên thế giới, ảnh hưởng cuộc sống của khoảng 20% dân số. Bệnh lý này chia thành 3 loại: hội chứng đau thượng vị (EPS), hội chứng khó tiêu sau ăn (PDS) và dạng hỗn hợp của EPS và PDS.

Một người được chẩn đoán mắc khó tiêu chức năng khi mắc một hoặc nhiều triệu chứng sau: đau và nóng rát thượng vị, ăn nhanh no, đầy bụng sau ăn và không tìm thấy bất kỳ tổn thương thực thể nào trong đường tiêu hóa. Nhiều triệu chứng đi kèm khác có thể là đầy hơi, ợ nóng, ợ trớ, buồn nôn và nôn.

khó tiêu là triệu chứng gây rối loạn tiêu hóa
Khó tiêu chức năng thường có biểu hiện đặc trưng là cảm giác nóng rát thượng vị, đầy bụng sau ăn, ăn nhanh no,… (Ảnh minh họa sưu tầm).

Không dung nạp lactose

Không dung nạp lactose xảy ra khi ruột non của người bệnh bị thiếu hụt lượng enzyme lactase cần thiết để tiêu hóa lactose trong sữa. Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng không dung nạp lactose gồm có tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, đầy hơi,… Chúng thường bắt đầu từ 30 phút đến 2 giờ sau khi tiêu thụ thực phẩm có chứa lactose.

Triệu chứng thường gặp của các bệnh lý gây rối loạn tiêu hóa

Tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh lý gây rối loạn tiêu hóa mà các triệu chứng có biểu hiện khác nhau. Thông thường, khi gặp các vấn đề về hệ tiêu hóa, người bệnh có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng như:

Chẩn đoán các bệnh lý gây rối loạn tiêu hóa

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa, Cô Chú, Anh Chị cần đến thăm khám tại cơ sở y tế uy tín. Tại đây, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng kết hợp chỉ định các cận lâm sàng phù hợp, hỗ trợ chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị bệnh hiệu quả.

Khám lâm sàng

Dựa vào thông tin về các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa mà người bệnh đang gặp, tiền sử bệnh lý bản thân hoặc gia đình, yếu tố liên quan khác,… bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán sơ bộ ban đầu và đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng.

bac sĩ chẩn đoán các bệnh lý gây rối loạn tiêu hóa
Bên cạnh khám lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số cận lâm sàng để có kết quả chính xác hơn (Ảnh minh họa sưu tầm).

Cận lâm sàng

Tùy vào tính chất của các triệu chứng rối loạn tiêu hóa mà bác sĩ sẽ chỉ định các cận lâm sàng phù hợp. Trong đó bao gồm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thực hiện nội soi.

Xét nghiệm

Xét nghiệm sẽ cung cấp các thông tin sâu hơn về tình trạng của người bệnh thông qua việc xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc phân. Đối với các bệnh lý gây rối loạn tiêu hóa,bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm phân.

2 loại xét nghiệm phân có thể được chỉ định gồm:

  • Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân: Thường được sử dụng để phát hiện máu trong phân mà không thể nhìn thấy được bằng mắt thường.
  • Xét nghiệm nuôi cấy phân: Giúp kiểm tra sự hiện diện của các loại vi khuẩn bất thường mà có thể gây tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa khác.

Nội soi tiêu hóa

Nội soi tiêu hóa là tiêu chuẩn chẩn đoán các bệnh lý tiêu hóa với độ chính xác cao.

2 loại nội soi bác sĩ có thể chỉ định thực hiện gồm:

  • Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng: Là thủ thuật mà bác sĩ dùng một ống nội soi mềm đưa qua đường miệng để quan sát và đánh giá được các tổn thương tại thực quản, dạ dày và tá tràng, từ đó chẩn đoán nguyên nhân và điều trị một số bệnh lý ở ống tiêu hóa trên.
  • Nội soi đại – trực tràng: Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi đi từ hậu môn lên đến toàn bộ khung đại tràng. Thông qua phương pháp này, các bác sĩ có thể ghi nhận hình ảnh ở đại trực tràng, giúp phát hiện các tổn thương và sinh thiết khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư,…
nội soi tìm nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa tại trung tâm tiêu hóa Endo Clinic
Nhằm đánh giá chính xác tổn thương bên trong ống tiêu hóa, Cô Chú, Anh Chị nên thực hiện nội soi tiêu hóa tại cơ sở y tế uy tín, có trang bị hệ thống máy móc tiên tiến (Ảnh minh họa Endo Clinic).

Chẩn đoán hình ảnh khác

Các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, chụp CT-scan, chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm được sử dụng để xem chi tiết tình trạng các cơ quan, mô và các cấu trúc khác trong cơ thể. Phương pháp này có thể giúp chẩn đoán khối u, viêm,… và những nguyên nhân khác có thể làm rối loạn tiêu hóa.

  • Chụp X-quang đường tiêu hóa trên: Kỹ thuật này yêu cầu người bệnh uống dung dịch có chứa bari, sau đó chiếu tia X để tái tạo ra hình ảnh của thực quản, dạ dày và tá tràng. Qua đó, bác sĩ có thể quan sát, đánh giá và phát hiện các tổn thương bên trong cơ thể (khối u, tắc ruột,…) và chẩn đoán một số bệnh lý.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Đây là phương pháp tái tạo hình ảnh các cấu trúc của cơ thể thông qua hình ảnh cắt lớp thu được từ tia X và kết hợp với máy tính. So với chụp X-quang, chụp CT cho hình ảnh chi tiết, rõ nét hơn.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp chẩn đoán này sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể.
  • Siêu âm: Là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng đầu dò phát sóng âm thanh tần số cao, giúp bác sĩ quan sát và phát hiện các bệnh lý ở đường tiêu hóa.

Endo Clinic – Trung tâm nội soi và chẩn đoán chuyên sâu bệnh lý tiêu hóa tại TP.HCM

Khi đến Endo Clinic, người bệnh có thể hoàn toàn an tâm bởi đội ngũ Bác sĩ của Endo Clinic có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trực tiếp thăm khám. Cùng với đó, phòng khám còn trang bị hệ thống máy móc hiện đại để phục vụ cho nội soi, xét nghiệm, chụp X-quang,… Đặc biệt, phòng khám tiêu hóa Endo Clinic kết hợp kỹ thuật Nội Soi Không Đau (Nội Soi Tiền Mê), giúp Bác sĩ quan sát đầy đủ và không bỏ sót bất kỳ tổn thương nào. Nhờ vậy, tỷ lệ chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa chính xác lên đến 90 – 95%.

Dựa vào tình trạng bệnh của Quý khách, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị theo chuẩn Guideline và kê thuốc điều trị Brandname chính hãng, giúp giảm thiểu chi phí điều trị trên toàn bộ lộ trình. Chưa hết, người bệnh còn được bác sĩ tư vấn cách ăn uống và sinh hoạt khoa học, từ đó giúp tình trạng rối loạn tiêu hóa thuyên giảm nhanh chóng.

Bác sĩ Endo Clinic tìm nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa
Endo Clinic trang bị hệ thống máy máy móc, thiết bị tiên tiến, góp phần mang đến trải nghiệm khám thoải mái và đạt kết quả chẩn đoán chính xác cao.

> Bạn có thể đặt lịch với bác sĩ Endo Clinic qua Hotline 028 5678 9999 hoặc tại đây: Đặt lịch khám.

Điều trị các bệnh lý gây rối loạn tiêu hóa

Dựa trên kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ phân tích dấu hiệu rối loạn tiêu hóa xuất phát từ nguyên nhân nào. Tùy vào loại nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Cách điều trị rối loạn tiêu hóa

Thông thường, để điều trị các bệnh lý về đường tiêu hóa, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Để cân nhắc được phương pháp điều trị thích hợp, bác sĩ sẽ dựa trên các kết quả xét nghiệm cũng như tình trạng bệnh lý của người bệnh. Người bệnh nên tuân thủ theo liệu trình mà bác sĩ đã đề ra để đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn.

Một số phương pháp điều trị rối loạn tiêu hóa phổ biến như:

  • Dùng thuốc: Dựa trên triệu chứng rối loạn tiêu hóa, người bệnh được bác sĩ chỉ định loại thuốc và liều lượng phù hợp. Lưu ý, bệnh nhân không nên tự sử dụng thuốc mà cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng, để tránh làm tình trạng bệnh tồi tệ hơn.
  • Phẫu thuật: Trường hợp nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa đến từ bệnh Crohn, trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) ở mức độ nặng,… bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để điều trị bệnh lý và ngăn biến chứng xuất hiện.

Cách giảm nhẹ triệu chứng của rối loạn tiêu hóa

Bên cạnh việc lên phác đồ điều trị thích hợp, bác sĩ có thể đưa ra các lời khuyên về chế độ dinh dưỡng và lối sống để cải thiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa.

  • Giảm lượng đường lactose: Đối với những người không thể dung nạp lactose, việc cắt giảm hoặc loại bỏ lactose ra khỏi chế độ ăn là điều cần thiết để kiểm soát các triệu chứng. Hãy tham khảo kỹ càng với các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có thể xây dựng chế độ ăn phù hợp và đủ dinh dưỡng.
  • Bổ sung nhiều chất xơ: Chất xơ chứa nhiều nước, không chỉ giúp làm mềm khối phân mà còn có tác dụng kích thích nhu động ruột và cải thiện hoạt động tiêu hóa. Ngoài ra, chất xơ còn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
  • Chế độ ăn ít FODMAPs: FODMAPs là nhóm carbohydrates mà ruột non khó có thể phân giải và hấp thụ, có thể gây ra một số triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy,… Các nghiên cứu cho biết, việc áp dụng chế độ ăn ít FODMAPs có thể giúp cải thiện các triệu chứng liên quan đến rối loạn tiêu hóa kể trên.
  • Tập thể dục thường xuyên: Việc tập thể dục giúp cải thiện quá trình tiêu hóa và quá trình vận chuyển phân của ruột giúp hạn chế táo bón. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp giảm stress, cải thiện tâm trạng và giấc ngủ, làm cho các triệu chứng khó chịu của hệ tiêu hóa đều được giảm nhẹ.
  • Hạn chế rượu bia và các chất kích thích: Caffeine có thể khiến người bệnh tăng nguy cơ bị tiêu chảy. Còn rượu bia có thể làm trầm trọng tình trạng ợ nóng, ợ trớ và tăng nguy cơ mắc khó tiêu chức năng. Cả cà phê và rượu bia cũng có thể khiến mất ngủ, làm cơ thể người bệnh mệt mỏi và làm trầm trọng các triệu chứng tiêu hóa.
thực phẩm hỗ trợ điều trị các bệnh lý gây rối loạn tiêu hóa
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh có thể cải thiện các vấn đề tiêu hóa (táo bón, tiêu chảy, buồn nôn,…) và tăng cường sức khỏe đường ruột (Ảnh minh họa sưu tầm).

Các phòng ngừa bệnh lý gây rối loạn tiêu hóa

Một số thay đổi về lối sống và thói quen sinh hoạt lành mạnh có thể giúp cải thiện và ngăn ngừa triệu chứng rối loạn tiêu hóa xuất hiện. Dưới đây là một số cách bạn có thể thử áp dụng:

  • Duy trì lối sống lành mạnh: Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng và điều độ, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá, kiểm soát căng thẳng,… giúp nâng cao sức khỏe đường tiêu hóa.
  • Tập thói quen đi đại tiện tốt: Tập thói quen đi vệ sinh tốt giúp cải thiện sức khỏe đường ruột bằng cách đi vệ sinh mỗi khi có nhu cầu, điều chỉnh đi ngoài đúng tư thế.
  • Khám sàng lọc ung thư định kỳ: Việc thực hiện tầm soát ung thư định kỳ sẽ giúp Cô Chú, Anh Chị phát hiện ung thư trong giai đoạn sớm, từ đó điều trị kịp thời và hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Ung thư đại tràng là một trong những bệnh ung thư tiêu hóa phổ biến. Theo khuyến cáo, việc khám tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ hoặc nội soi đại – trực tràng nên thực hiện mỗi 5 – 10 năm 1 lần theo khuyến cáo của bác sĩ.
  • Rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân đến từ chế độ ăn uống, lối sống và các bệnh lý tiêu hóa. Do đó, Cô Chú, Anh Chị nên sớm thăm khám tại cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ giỏi, để được chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị phù hợp giúp nhanh chóng hồi phục sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Câu hỏi thường gặp

Rối loạn tiêu hóa nên ăn gì?

Để cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa, Cô Chú, Anh Chị có thể thêm vào khẩu phần ăn các loại thực phẩm gồm: trái cây (táo, bơ, chuối, mận khô,…), các loại rau củ (măng tây, cà rốt, cà chua, khoai tây,…), thực phẩm giàu đạm (trứng, thịt nạc, cá, đậu hũ,…) và các loại ngũ cốc nguyên hạt (bánh quy giòn, gạo, mì ống nguyên hạt,..).

Rối loạn tiêu hóa nên kiêng ăn gì?

Khi bị rối loạn tiêu hóa, người bệnh cũng nên tránh tiêu thụ các thực phẩm gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa như là đồ ăn dầu mỡ, nhiều chất béo, thực phẩm chế biến sẵn, sản phẩm làm từ sữa, rượu bia, cà phê,…

Rối loạn tiêu hóa có nguy hiểm không?

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng phổ biến và tác động đến cuộc sống của nhiều người. Triệu chứng rối loạn tiêu hóa bao gồm đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, nôn,… Rối loạn tiêu hóa có thể bắt nguồn từ nhiều bệnh lý, do đó, nếu không được điều trị có thể gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe.

Tài liệu tham khảo:

1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic

2. Hana Ames. How to know if common stomach issues may be due to common digestive disorders. 10 02 2023.
https://www.medicalnewstoday.com/articles/list-of-digestive-disorders (đã truy cập 20 06 2023).

3. Cleveland Clinic. Gastrointestinal Diseases. 14 01 2021.
https://my.clevelandclinic.org/health/articles/7040-gastrointestinal-diseases (đã truy cập 20 06 2023).

4. Medline Plus. Digestive diseases.
https://medlineplus.gov/ency/article/007447.htm (đã truy cập 20 06 2023).

5. Johns Hopkins Medicine. Digestive Diagnostic Procedures.
https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/digestive-diagnostic-procedures (đã truy cập 20 06 2023).

6. NCBI. Management of functional gastrointestinal disorders.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7850201/ (đã truy cập 20 06 2023).

7. NCBI. Treatment Options for Functional Gastrointestinal Disorders: From Empiric to Complementary Approaches. (đã truy cập 20 06 2023).

8. WebMD Editorial Contributors. Healthy Eating When You Have Digestive Problems. 04 08 2022.
https://www.webmd.com/digestive-disorders/digestive-disease-eating-healthy (đã truy cập 20 06 2023).

9. Christine Mikstas, RD, LD. Worst Foods for Digestion. 30 08 2021.
https://www.webmd.com/digestive-disorders/ss/slideshow-foods-to-avoid (đã truy cập 20 06 2023).

10. Dr. Jasmine Shaikh, MD. What Are 10 Tips for a Healthy Lifestyle? 16 08 2021.
https://www.medicinenet.com/what_are_10_tips_for_a_healthy_lifestyle/article.htm (đã truy cập 20 06 2023).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?

Chia sẻ nội dung: