Theo ước tính của Tổ Chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, có khoảng 58 triệu người trên thế giới nhiễm virus viêm gan C (HCV) mãn tính. Trong số đó, thanh thiếu niên và trẻ em chiếm đến 3.2 triệu ca bệnh. Hằng năm, thế giới tiếp tục ghi nhận thêm khoảng 1.5 triệu ca mắc mới.[1] [2]
Bên cạnh đó, trong năm 2019, WHO ước tính xấp xỉ 290,000 ca tử vong liên quan đến nhiễm HCV mà nguyên nhân chủ yếu là do xơ gan và ung thư gan nguyên phát (HCC).
Việt Nam là một trong 20 quốc gia có gánh nặng bệnh tật liên quan đến HCV cao nhất thế giới với số lượng ca nhiễm HCV mạn tính khoảng 1.5 triệu người.[3]
Như vậy, viêm gan C là gì? Viêm gan C nguy hiểm đến mức nào? Cách chẩn đoán và điều trị viêm gan C ra sao? Mời Cô Chú, Anh Chị cùng phòng khám Endo Clinic tìm hiểu thêm về bệnh lý này trong bài viết ngay sau đây.
HCV là gì?
HCV là virus gây ra bệnh viêm gan C. HCV (hepatitis C virus, virus viêm gan C) là virus RNA thuộc họ Flaviviridae, giống Hepacivirus. HCV có hình cầu và có vỏ bọc bên ngoài để chứa bộ gene là RNA sợi dương bên trong. Virus có đường kính khoảng 55 mm.
Bộ gene của virus mã hóa cho 10 loại protein khác nhau. Trong đó, 3 protein cấu trúc, protein nucleocapsid, protein lõi và protein vỏ (E1 và E2); 2 loại protein chịu trách nhiệm cho sự nhân bản virus (p7 và NS2); 5 protein không cấu trúc quan trọng trong quá trình sao chép bộ gene (NS3, NS4A, NS4B, NS5A, NS5B).[4]
Phụ thuộc vào sự đa dạng bộ gene mà HCV được phân loại thành 7 kiểu gene (từ 1 – 7) cùng với hơn 100 phân nhóm khác nhau. Tùy vào mỗi loại kiểu gene và phân nhóm mà con đường xâm nhiễm tự nhiên, khả năng gây bệnh, phương thức và thời gian điều trị, hiệu quả điều trị có thể khác nhau.[3]
Riêng tại Việt Nam, kiểu gene phổ biến thường gặp nhất là 1, 2, 3 và 6. Trong đó, kiểu gen thường gặp nhất là 1 và 6. Các kiểu gen 2 và 3 ít gặp hơn.
7 kiểu gene của HCV gồm:[4]
- Kiểu gene 1: Phổ biến nhất trên toàn thế giới.
- Kiểu gene 2: Phổ biến ở nhiều nơi nhưng đa dạng nhất là ở Trung và Tây Phi.
- Kiểu gene 3: Phổ biến ở nhiều nơi nhưng đa dạng nhất là ở châu Á.
- Kiểu gene 4: Bắc Phi và Trung Đông.
- Kiểu gene 5: Nam Phi.
- Kiểu gene 6: Đông Nam Á.
- Kiểu gene 7: Trung Phi (Congo).
Bệnh viêm gan C là gì?
Bệnh viêm gan C là tình trạng nhiễm trùng gan do virus viêm gan C gây ra và có thể dẫn đến những tổn thương gan nghiêm trọng.
Viêm gan siêu vi C gây ảnh hưởng đến khoảng 58 triệu người trên toàn cầu với tỷ lệ người dương tính với HCV đã tăng từ 2.3% lên 2.8% từ năm 1990 đến 2005. Khoảng 75% bệnh nhân mắc viêm gan C cấp tính không thể tự loại bỏ được virus và chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Viêm gan C mạn tính có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, xơ gan mất bù, bệnh não gan và nghiêm trọng nhất là ung thư biểu mô tế bào gan.
Virus viêm gan C là tác nhân lây truyền bệnh qua máu phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh lý và tử vong.[4]
Các giai đoạn của viêm gan C
Viêm gan C được chia thành 2 giai đoạn là cấp tính và mạn tính. Thông thường, thời gian ủ bệnh của viêm gan C là khoảng 7 tuần. Khoảng thời gian này được tính từ lần tiếp xúc đầu tiên với người phơi nhiễm đến khi bắt đầu phát bệnh.[5]
Bệnh viêm gan siêu vi C có thể ảnh hưởng đến người bệnh theo nhiều cách khác nhau phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và hệ thống miễn dịch của mỗi cá nhân.
Viêm gan C cấp tính
Viêm gan C cấp tính được định nghĩa là khi các triệu chứng viêm gan C biến mất hoặc đạt được sự chuyển đảo huyết thanh kháng thể HCV trong vòng 6 tháng kể từ lúc phơi nhiễm. Chỉ có khoảng 16% bệnh nhân biểu hiện triệu chứng, do đó, bệnh lý này thường hay bị bỏ sót.
Khoảng 25% bệnh nhân sẽ loại bỏ virus một cách tự nhiên trong 6 tháng nhiễm bệnh nhưng 75% người bệnh sẽ bước sang giai đoạn mạn tính.[6]
Viêm gan C mạn tính
Viêm gan C mạn tính là thời gian mắc bệnh kéo dài nhiều hơn 6 tháng. Người mắc viêm gan C mạn tính có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc có một số triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, buồn nôn và đau hạ sườn phải. Các triệu chứng xuất cũng không tương ứng với độ nghiêm trọng hoặc tiến triển bệnh.
Viêm gan C mạn tính là bệnh lý tiến triển dần dần, với khoảng 5 – 7% người bệnh tiến triển thành xơ gan trong 20 năm. Một số yếu tố có thể đẩy nhanh tiến triển của bệnh gồm tiêu thụ rượu bia (> 40 g/L), đồng nhiễm với HBV hoặc HIV, mắc viêm gan C từ 40 tuổi trở lên, béo phì và dùng chất kích thích. Xơ gan nếu không kiểm soát có thể dẫn đến xơ gan mất bù, ung thư gan và thậm chí tử vong.[6]
Bệnh viêm gan C lây qua đường nào?
Bênh viêm gan C lây lan chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với máu của người đang mắc bệnh. Ngoài ra, HCV cũng có thể lây qua việc quan hệ tình dục hoặc trong khi sinh nở, mặc dù ít phổ biến hơn.
Các con đường lây viêm gan C là:
- Dùng chung dụng cụ tiêm chích chất kích thích: Ngày nay, phần lớn người nhiễm HCV thường là do dùng chung kim tiêm, ống tiêm và các dụng cụ để tiêm chích khác.
- Truyền từ mẹ sang con trong khi sinh: Có đến 6% trẻ sơ sinh nhiễm viêm gan C nếu có mẹ mắc bệnh.
- Đi xăm hình hoặc xỏ khuyên không đảm bảo khử khuẩn: Viêm gan C có thể lây truyền khi xăm hình hoặc xỏ khuyên tại những cơ sở không uy tín, không được cấp phép hoặc sử dụng những dụng cụ không được vô trùng kỹ càng.
- Quan hệ tình dục không an toàn: Mặc dù không phổ biến nhưng HCV vẫn có thể lây truyền khi quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh.
- Dùng chung vật dụng cá nhân: HCV còn có thể lây từ người này sang người khác khi dùng chung dao cạo râu, bấm móng tay, móng chân, bàn chải đánh răng,…
- Phơi nhiễm trong chăm sóc sức khỏe y tế: Mặc dù không phổ biến nhưng nhiều người vẫn có thể bị nhiễm bệnh khi các nhân viên y tế không tuân thủ các bước cần thiết để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan.
- Truyền máu và cấy ghép tạng: Trước năm 1992, khi nguồn cung cấp máu chưa được kiểm soát chặt chẽ, do đó, tiềm ẩn nguy cơ lây lan viêm gan C thông qua việc truyền máu và cấy ghép tạng. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ lây nhiễm cho người nhận máu hoặc sản phẩm máu là cực kỳ thấp.
Cần lưu ý rằng, HCV không lây truyền qua việc chia sẻ dụng cụ ăn uống, cho con bú, ôm, hôn, nắm nay, ho hoặc hắt hơi và HCV cũng không lây nhiễm qua thức ăn hoặc nguồn nước.[7]
Những ai có nguy cơ cao nhiễm bệnh viêm gan C?
Người thường xuyên tiêm chích, sử dụng chung kim tiêm không khử khuẩn hoặc các nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với máu người mắc bệnh có tỷ lệ cao nhiễm bệnh viêm gan C. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác cũng góp phần khiến một người có nguy cao mắc phải HCV hơn bình thường.
Những trường hợp có nguy cơ nhiễm viêm gan siêu vi C cao bao gồm:
- Nhân viên y tế có tiếp xúc với máu của bệnh nhân nhiễm HCV.
- Người tiêm chích, sử dụng các loại chất bị pháp luật cấm.
- Người mắc bệnh HIV hoặc có tiền sử mắc các bệnh lây qua đường tình dục (STDs).
- Người xăm mình hoặc xỏ khuyên ở nhữn nơi không đảm bảo vệ sinh và sử dụng dụng cụ không vô trùng.
- Người tiếp được truyền máu hoặc cấy ghép tạng trước năm 1992.
- Người được truyền các yếu tố đông máu trước năm 1987.
- Người tiếp nhận điều trị chạy thận nhân tạo trong thời gian dài.
- Trẻ sơ sinh mẹ bị nhiễm viêm gan C.
- Người trên 60 tuổi.[8] [18]
Sinh lý bệnh viêm gan C
Virus viêm gan C xâm nhập vào tế bào gan thông qua quá trình nhập bào (endocytosis). Khi vào bên trong tế bào, virus bắt đầu tổng hợp 10 protein khác nhau nhờ vào quá trình dịch mã. Các protein này sau khi bị biến đổi thì được đưa đến mạng lưới nội chất (ER) để tạo nên một phức hợp chứa enzyme quan trọng là RNA polymerase phụ thuộc NS5B RNA. Enzyme này tham gia vào quá trình dịch mã và sản xuất ra vật chất di truyền của HCV. Khi toàn bộ thành phần của virus được đóng gói, virus sẽ xuất ra khỏi tế bào theo con đường xuất bào (exocytosis) và bắt đầu lây nhiễm sang các tế bào gan khác. HCV không tích hợp bộ gene của nó vào trong bộ gene của tế bào chủ.
Nhiều năm qua, rất nhiều kiểu gene của HCV lần lượt được phát hiện. Trong đó, kiểu gene 1 là loại phổ biến nhất trên thế giới và có liên quan đến các ca bệnh gan nặng và có nguy cơ tiến triển thành ung thư gan cao hơn.
Sau khi phơi nhiễm, virus có thể được phát hiện trong huyết tương từ 1 đến 4 tuần. Số lượng virus trong máu sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 8 đến 12 tuần đầu sau khi nhiễm, sau đó giảm dần xuống mức không thể phát hiện được (viral clearance). Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, virus vẫn tiếp tục tồn tại. Sự tồn tại kéo dài của virus (mạn tính) thường là do sự thất bại của hệ miễn dịch trong việc đẩy lùi virus khỏi cơ thể.
Trong giai đoạn mạn tính, HCV dường như không phá hủy tế bào mà chỉ gây viêm cục bộ, khởi đầu cho quá trình xơ hóa gan. Nhiều yếu tố bên ngoài như uống nhiều bia rượu, đồng nhiễm HBV/HIV, nhiễm HCV kiểu gene 3, đái tháo đường, béo phì, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu,… có thể đẩy nhanh quá trình xơ hóa, dẫn đến xơ gan. Mức độ nghiêm trọng của quá trình xơ hóa gan gắn liền chặt chẽ với sự hình thành ung thư gan.[4]
Dấu hiệu và triệu chứng viêm gan C là gì?
Triệu chứng viêm gan C có thể xuất hiện gồm sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đau bụng,… Phụ thuộc vào giai đoạn viêm gan C cấp tính hoặc mạn tính, tình trạng sức khỏe và hệ thống miễn dịch của cơ thể mà các dấu hiệu, triệu chứng bệnh có thể sẽ khác nhau.
Triệu chứng viêm gan C cấp tính là gì?
Triệu chứng viêm gan C giai đoạn cấp tính đa phần không biểu hiện. Tuy nhiên, một số người bệnh vẫn có biểu hiện một số triệu chứng. Các biểu hiện viêm gan C có mức độ nặng nhẹ tùy vào tình trạng từng người.
Triệu chứng viêm gan C cấp tính là:
- Mệt mỏi, suy nhược
- Đau cơ
- Buồn nôn và nôn
- Sốt nhẹ
- Đau hạ sườn phải
- Vàng da, vàng mắt
- Nước tiểu sẫm màu
Các triệu chứng này theo lâm sàng thường rất khó để phân biệt được viêm gan C với các loại viêm gan do virus khác. Viêm gan C cấp tính có thể dẫn đến viêm gan tối cấp nhưng trường hợp này là cực kỳ hiếm gặp.[4] [6] [9]
Triệu chứng viêm gan C mạn tính là gì?
Dấu hiệu viêm gan C mạn tính thường có xu hướng không biểu hiện hoặc không rõ ràng. Một số bệnh nhân sẽ biểu hiện các triệu chứng không rõ như đau không liên tục ở vùng hạ sườn phải, suy nhược, đau khớp và cảm giác không khỏe kéo dài.[4]
Viêm gan C mạn tính đa phần âm thầm và kéo dài nhiều năm. Vì vậy, các triệu chứng của viêm gan C mạn tính đầu tiên thường là dấu hiệu của xơ gan hoặc biến chứng của xơ gan (tăng áp lực tĩnh mạch cửa, cổ trướng, bệnh não gan). Khoảng 10 – 20% người bị viêm gan C mạn sẽ tiến triển thành xơ gan trong vòng 5 năm.[9]
Các triệu chứng viêm gan C mạn tính là:
- Mệt mỏi, chán ăn kéo dài
- Đau hạ sườn phải
- Đau khớp
- Vàng da, vàng mắt
- Nước tiểu sẫm màu
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Ngứa da
- Xuất huyết tiêu hóa do tăng áp lực tĩnh mạch cửa
- Dễ bị bầm tím
- Cổ trướng (báng bụng)
- Phù chi
- Lú lẫn, buồn ngủ và nói lắp (bệnh não gan)
- Xuất hiện sao mạch
- Lòng bàn tay son
Dấu hiệu viêm gan C cần đi khám bác sĩ ngay?
Triệu chứng viêm gan C khi biểu hiện thường cảnh báo tình trạng gan đã bị tổn thương nặng. Vì vậy, khi người bệnh xuất hiện một hoặc nhiều những dấu hiệu, triệu chứng trên, hãy đến trung tâm y tế (bệnh viện/phòng khám tiêu hoá) gần nhất để được tư vấn, chẩn đoán và được điều trị kịp thời.
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm gan C là gì?
Chẩn đoán viêm gan C dựa trên tiền sử bệnh, khám sức khỏe tổng quát và xét nghiệm máu. Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung để kiểm tra hoạt động chức năng gan. Trong một số trường hợp, có thể người nhiễm virus viêm gan C sẽ không có biểu hiện triệu chứng, mà chỉ tình cờ phát hiện bệnh dựa trên kết quả xét nghiệm máu.
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là bước đầu tiên để chẩn đoán viêm gan C. Trước khi thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi một số câu về tiền căn bệnh sử như truyền máu, cấy ghép nội tạng hoặc tiếp xúc máu và dịch tiết của người mắc bệnh viêm gan C,…để xác định các yếu tố nguy cơ.[10]
Trong quá trình khám lâm sàng, Bác sĩ sẽ ghi nhận các triệu chứng mà người bệnh than phiền kết hợp với khám tổng trạng và khám từng cơ quan, đặc biệt là khám bụng.
Các câu hỏi bác sĩ có thể hỏi trong quá trình khám lâm sàng gồm:
- Cô Chú đã bao giờ được truyền máu hoặc cấy ghép nội tạng chưa?
- Cô Chú đã bao giờ tiêm thuốc không theo chỉ định của bác sĩ chưa?
- Cô Chú đã bao giờ được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan hoặc các bệnh liên quan đến gan chưa?
- Gia đình của Cô Chú có tiền sử mắc bệnh gan không?
- Các triệu chứng Cô Chú gặp phải trong thời gian gần đây là gì?
- Trong 6 tháng gần đây Cô Chú có tiếp xúc với người nhiễm HIV hoặc mắc bệnh viêm gan nào không?
Cận lâm sàng chẩn đoán viêm gan C
Xét nghiệm viêm gan C bao gồm xét nghiệm tìm kháng thể kháng HCV, tìm RNA hoặc kháng nguyên lõi của virus viêm gan C. Các xét nghiệm này được chỉ định khi người bệnh có các triệu chứng hoặc bị nghi ngờ nhiễm viêm gan C. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính thì bác sĩ sẽ tiến hành thêm xét nghiệm kiểu gene của virus để lập phác đồ điều trị.
Các xét nghiệm viêm gan C giúp chẩn đoán bệnh gồm:
- Xét nghiệm tìm kháng thể chống HCV
- Xét nghiệm tìm HCV RNA
- Xét nghiệm tìm kháng nguyên lõi HCV
- Xét nghiệm kiểu gene
Xét nghiệm tìm kháng thể chống HCV
Xét nghiệm tìm kháng thể chống virus viêm gan C (anti-HCV) là xét nghiệm đầu tiên để tầm soát bệnh viêm gan C. Đặc biệt là ở nhóm người có nguy cơ cao (tiêm chích chất kích thích, tiền sử truyền máu, quan hệ tình dục không an toàn, trẻ sinh ra từ mẹ mắc viêm gan C,…).
Xét nghiệm này phát hiện anti-HCV trong máu, giúp bác sĩ đánh giá được người bệnh đã từng hoặc đang mắc viêm gan C hay không. Kháng thể này thường xuất hiện khoảng 8-12 tuần sau khi phơi nhiễm và sẽ đưa ra kết quả âm tính hoặc dương tính với kháng thể.[11]
Các loại xét nghiệm anti-HCV gồm:
- Xét nghiệm miễn dịch enzyme (EIA): Xét nghiệm EIA thế hệ thứ 3 được sử dụng phổ biến nhất hiện nay để tầm soát viêm gan C. Độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm này lần lượt là 98,9% và 100% ở bệnh nhân mắc viêm gan mạn tính.
- Xét nghiệm tại chỗ (POCT): Đây là xét nghiệm giúp sàng lọc viêm gan C ở những khu vực bị hạn chế về nguồn lực xét nghiệm.
- Xét nghiệm dấu ấn miễn dịch tái tổ hợp (RIBA): Đây là xét nghiệm giúp xác nhận sự hiện diện của kháng thể anti-HCV trong máu sau khi người bệnh có kết quả EIA dương tính.[12]
Xét nghiệm tìm HCV RNA
Xét nghiệm tìm axit ribonucleic HCV hay còn gọi là HCV RNA, thường cho kết quả dương tính sau 2 tuần phơi nhiễm với virus HCV. Xét nghiệm HCV RNA gồm 2 loại là định tính và định lượng. Một số phương pháp được dùng để tìm HCV RNA gồm RT-PCR, real time RT-PCR,…
2 loại xét nghiệm HCV RNA là:
- Xét nghiệm HCV RNA định tính: Xét nghiệm giúp xác định tình trạng nhiễm virus viêm gan C.
- Xét nghiệm HCV RNA định lượng: Xét nghiệm giúp đánh giá lượng virus HCV trong cơ thể, còn được gọi là “tải lượng virus”.
Xét nghiệm HCV RNA gần như chính xác 100% và có thể giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh trong vòng vài tuần sau khi virus viêm gan C xâm nhập vào cơ thể.[11]
Xét nghiệm tìm kháng nguyên lõi
Bởi vì xét nghiệm anti-HCV không thể giúp phân biệt một người đã từng hoặc đang nhiễm với HCV, xét nghiệm HCV RNA được sử dụng như một cách để xác nhận kết quả. Bên cạnh HCV RNA, xét nghiệm tìm kháng nguyên lõi HCV (HCVcAg) cũng đang được sử dụng rộng rãi vì mục đích này.
Ưu điểm của xét nghiệm kháng nguyên lõi là giá thành phải chăng và tiện lợi, bởi vì nó có thể được thực hiện cùng lúc với xét nghiệm anti-HCV. Tuy nhiên, nhược điểm của xét nghiệm này là nó có độ nhạy thấp hơn HCV RNA và có nguy cơ đưa ra kết quả âm tính giả (đối với người bệnh có tải lượng virus nhỏ hơn 1000 IU/mL).
Phương pháp này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu để tối ưu hiệu quả phát hiện cũng như có thể được áp dụng trong theo dõi điều trị viêm gan C.[13]
Xét nghiệm kiểu gene
Xét nghiệm kiểu gene là phương pháp cho biết kiểu gen của virus viêm gan C đang có trong cơ thể. Genotype HCV của một người không thay đổi theo thời gian nên chỉ cần được xét nghiệm một lần. Xác định kiểu gen virus HCV sẽ giúp bác sĩ lập kế hoạch điều trị và có liên quan đến thời gian điều trị của người bệnh.[14]
2 phương pháp xét nghiệm kiểu gene HCV là:
- Xét nghiệm huyết thanh: Kiểu gene HCV có thể được xác định thông qua việc phát hiện kháng thể kháng lại yếu tố quyết định kháng nguyên đặc hiệu của kiểu gen. Phương pháp này giúp xác định được 6 kiểu gene (1-6) của HCV nhưng không phân biệt được phân nhóm.
- Xét nghiệm phân tử: Xét nghiệm này sử dụng giải trình tự gene để phân tích bộ gene của virus. Xét nghiệm này có thể xác định được kiểu gene và phân nhóm của HCV.[12]
Cận lâm sàng đánh giá tổn thương gan
Bên cạnh các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh làm thêm một số xét nghiệm để đánh giá mức độ tổn thương gan. Mức độ tổn thương gan là yếu tố quan trọng để bác sĩ đánh giá ban đầu, theo dõi diễn tiến bệnh và lên phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng của mỗi người bệnh.
Các cận lâm sàng đánh giá tổn thương gan gồm:
- Xét nghiệm chức năng gan
- Sinh thiết gan
- Chẩn đoán hình ảnh
Xét nghiệm chức năng gan
Bác sĩ sẽ sử dụng mẫu máu của người bệnh để xác định khả năng hoạt động của gan. Kết quả bất thường có thể cho biết mức độ tổn thương xảy ra ở gan.
Một số xét nghiệm chức năng gan bao gồm:
- Xét nghiệm ALT
- Xét nghiệm AST
- Xét nghiệm PT
- Xét nghiệm albumin
- Xét nghiệm bilirubin
- Xét nghiệm CBC (chỉ số PLT cho biết số lượng tiểu cầu)
Sinh thiết gan
Sinh thiết gan là thủ thuật lấy một mẫu tế bào gan để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, từ đó xác định các yếu tố nguy cơ hoặc nguyên nhân tiềm ẩn. Thủ thuật sinh thiết gan có thể được thực hiện qua da mà không cần phẫu thuật.
Sinh thiết gan cho phép bác sĩ xác định tình trạng nhiễm trùng, mức độ viêm nhiễm và hoạt động của gan đã bị ảnh hưởng như thế nào. Tuy nhiên, sinh thiết gan thường không cần thiết trừ khi các phương pháp chẩn đoán khác không chắc chắn.
Chẩn đoán hình ảnh
Phương pháp đo cộng hưởng từ đàn hồi (MRE) là một giải pháp thay thế không xâm lấn cho sinh thiết gan. MRE kết hợp công nghệ hình ảnh cộng hưởng từ với các mô hình được hình thành bởi sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của gan. Mô gan cứng cho thấy gan bị sẹo (xơ hóa) do bệnh viêm gan C mạn tính.
Phương pháp đo độ đàn hồi thoáng qua của gan (TE) là một xét nghiệm không xâm lấn khác, giúp đo độ đàn hồi thoáng qua (một loại siêu âm truyền các rung động vào gan) và đo tốc độ phân tán của chúng qua mô gan để ước tính độ cứng của gan.
Các phương pháp khác như siêu âm gan hoặc chụp CT gan cũng được áp dụng trong chẩn đoán hình ảnh để đánh giá tình trạng tại gan.
Kết quả chẩn đoán xác định viêm gan C
Bảng sau thể hiện kết quả chẩn đoán xác định viêm gan C cấp tính và mạn tính theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan virus C” của Bộ Y Tế năm 2021.[10]
Lưu ý:
Các thông tin sau chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Người bệnh tuyệt đối không tự chẩn đoán hoặc tự điều trị viêm gan C tại nhà do tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng.
Viêm gan C cấp tính | Viêm gan C mạn tính |
---|---|
Thời gian nhiễm HCV < 6 tháng (có chuyển đảo huyết thanh từ anti-HCV âm tính sang anti-HCV dương tính) | Thời gian nhiễm HCV > 6 tháng |
Có tiền sử phơi nhiễm với nguồn bệnh | Có hoặc không có biểu hiện lâm sàng |
Không có biểu hiện lâm sàng hoặc có biểu hiện viêm gan cấp: mệt, vàng mắt, vàng da,… | anti-HCV dương tính; HCV RNA dương tính hoặc HCVcAg dương tính |
Chỉ số AST, ALT tăng | Không có hoặc có xơ hóa gan, xơ gan |
HCV RNA dương tính sau 2 tuần phơi nhiễm | |
anti-HCV âm tính vài tuần đầu; dương tính trở lại sau 8 – 12 tuần |
Người bệnh được chẩn đoán viêm gan C cấp tính khi:
- Có sự chuyển đảo huyết thanh từ anti-HCV âm tính thành anti-HCV dương tính.
- anti-HCV âm tính nhưng HCV RNA dương tính (người có hệ miễn dịch bình thường).
Người bệnh được chẩn đoán viêm gan C mạn tính khi:
- anti-HCV dương tính kèm HCV RNA dương tính.
- Tải lượng HCV RNA trên ngưỡng phát hiện.
- HCVcAg dương tính.
Bệnh viêm gan C có nguy hiểm không?
Bệnh viêm gan C là bệnh lý nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm gan C có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng, đôi khi nguy hiểm tính mạng, trong suốt nhiều năm liền.
Tiên lượng viêm gan C
Khoảng 10 – 15% bệnh nhân viêm gan C có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Trong nhiều trường hợp, bệnh sẽ tiếp tục kéo dài và trở thành mạn tính. Khoảng 20% người bệnh sẽ diễn tiến thành xơ gan trong vòng 20 năm và khoảng 1 – 5% người bệnh thành ung thư gan trong vòng 30 năm.
Viêm gan C tiến triển sẽ thường gặp ở những người nghiện rượu và người đồng nhiễm với HBV. Những người bệnh mà ghi nhận tải lượng virus dưới ngưỡng phát triển có nguy cơ thấp phát triển thành xơ gan và tử vong do bệnh gan.[4]
Biến chứng viêm gan C
Nhiều người bệnh khi mắc viêm gan C mạn tính có thể gặp phải nhiều biến chứng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và giảm chất lượng cuộc sống.
Các biến chứng viêm gan C có thể mắc phải gồm:
- Xơ gan: Sau nhiều thập kỷ nhiễm phải HCV, gan có thể bị xơ hóa. Việc gan xuất hiện các mô sẹo (xơ hóa) làm cho gan khó có thể hoạt động như bình thường.
- Ung thư gan: Một số ít bệnh nhân mắc viêm gan C có khả năng tiến triển thành ung thư gan, là bệnh lý ung thư có tỷ lệ tử vong rất cao.
- Suy gan: Xơ gan diễn tiến nặng có thể làm cho gan ngừng hoạt động hoàn toàn.[8]
Viêm gan B và viêm gan C cái nào nguy hiểm hơn?
Viêm gan B và viêm gan C đều là những bệnh lý nguy hiểm và có thể gây tàn phá nghiêm trọng đến cấu trúc và chức năng của gan. Cả 2 đều có khả năng trở nên mạn tính, tăng nguy cơ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan ở người mắc bệnh. Do đó, rất khó để có thể đánh giá viêm gan B và C cái nào nguy hiểm hơn.
Tất cả mọi người ở mọi độ tuổi đều cần phải nâng cao cảnh giác và chủ động phòng ngừa, tầm soát trước 2 bệnh lý này, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Cách điều trị viêm gan C như thế nào?
Điều trị viêm gan C được xem là thành công khi người bệnh loại bỏ hoàn toàn HCV RNA ra khỏi cơ thể. Khi đó, người bệnh đạt được đáp ứng bền vững với virus (SRV) và có thể đánh giá là khỏi bệnh.
SRV có thể đạt được khi không còn ghi nhận HCV RNA ở trong máu người bệnh trong vòng 12 tuần thực hiện điều trị, cùng với lượng kháng thể giảm và có dấu hiệu cải thiện tích cực ở gan.
WHO khuyến nghị điều trị viêm gan C bằng thuốc kháng virus tác dụng trực tiếp (DAAs) cho những người trên 12 tuổi. Thuốc DAA có thể chữa khỏi hầu hết những người bị nhiễm virus viêm gan C, thời gian điều trị thường từ 12 đến 24 tuần tùy thuộc vào tình trạng xơ gan.
Lưu ý:
Không phải bất kỳ ai cũng cần được điều trị viêm gan C. Trong một số trường hợp, hệ thống miễn dịch sẽ tự đào thải virus ra khỏi cơ thể. Đối với viêm gan C mạn tính, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và có phác đồ điều trị viêm gan C phù hợp.
Điều trị viêm gan C cấp tính
Khoảng 20-50% người bệnh nhiễm virus viêm gan C giai đoạn cấp tính có thể tự đào thải virus HCV ra khỏi cơ thể và khỏi bệnh. Theo quyết định năm 2021 về “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm gan virus C” của Bộ y tế, điều trị viêm gan C cấp tính bao gồm điều trị hỗ trợ và điều trị đặc hiệu.[10]
Cách điều trị viêm gan C cấp tính:
- Điều trị hỗ trợ: nghỉ ngơi và điều trị triệu chứng.
- Điều trị đặc hiệu: sử dụng sofosbuvir/velpatasvir hoặc glecaprevir/pibrentasvir trong thời gian 8 tuần. Sau đó, xét nghiệm tải lượng HCV RNA ở tuần thứ 12 sau điều trị để đánh giá khả năng khỏi bệnh.
Điều trị viêm gan C mạn tính
Cách điều trị viêm gan C mạn tính là sử dụng thuốc kháng virus tác dụng trực tiếp (DAAs). Đối với bệnh viêm gan C mạn tính, khuyến cáo điều trị cho tất cả bệnh nhân, trừ những bệnh nhân đang mắc bệnh kèm theo không thể khắc phục bằng liệu pháp HCV, ghép gan hoặc một liệu pháp khác.
Các loại thuốc điều trị viêm gan C nhắm mục tiêu vào các thành phần tham gia trong chu trình nhân bản của virus viêm gan C trong tế bào. Điều này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và dẫn đến thanh thải virus. Bảng sau trình bày một số thông tin về các loại thuốc viêm gan C được sử dụng hiện nay.
Lưu ý:
Việc sử dụng các thuốc điều trị viêm gan C bắt buộc cần có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để tránh nguy cơ không chỉ gặp các tác dụng không mong muốn mà còn khiến bệnh tình trở nặng hơn.
Thuốc viêm gan C | Mô tả |
---|---|
Elbasvir-grazoprevir | Thuốc được sử dụng để điều trị khỏi bệnh cho khoảng 97% trường hợp mắc viêm gan C. |
Glecaprevir-pibrentasvir | Thuốc được sử dụng giúp điều trị viêm gan C ngắn hơn 8 tuần cho bệnh nhân trưởng thành mắc tất cả các loại HCV nhưng không bị xơ gan và chưa được điều trị trước đó. Quá trình điều trị kéo dài hơn đối với những người đang ở những giai đoạn bệnh khác nhau. |
Ledipasvir-sofosbuvir | Liệu trình điều trị thường kéo dài 8 – 12 tuần. |
Ombitasvir-paritaprevir- dasabuvir-ritonavir | Phương pháp điều trị này kết hợp của nhiều loại thuốc với nhau. Thời gian điều trị thường sẽ kéo dài từ 12 – 24 tuần. |
Sofosbuvir, elbasvir hoặc grazoprevir | Các loại thuốc này thường được sử dụng kết hợp với ribavirin hoặc interferon, liệu trình điều trị kéo dài trong khoảng 12 – 24 tuần. |
Sofosbuvir-velpatasvir | Điều trị thuốc kéo dài 12 tuần |
Sofosbuvir-velpatasvir- voxilaprevir | Phương pháp này được sử dụng đối với người trưởng thành bị nhiễm viêm gan C mạn tính, không bị xơ gan hoặc xơ gan còn bù, giai đoạn bệnh không có triệu chứng hoặc nhóm người đã từng điều trị. |
Phác đồ điều trị viêm gan C bằng thuốc DAAs thường kéo dài từ 8 – 24 tuần phụ thuộc phương pháp sử dụng, tình trạng tổn thương của gan và hiệu quả đáp ứng với các phương pháp điều trị viêm gan C trước đó.
Do đó, người bệnh cần trao đổi thật kỹ với bác sĩ về liệu trình điều trị, loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất. Người bệnh không tự ý dùng thuốc để tránh gặp các tác dụng không mong muốn cũng như giảm hiệu quả chữa viêm gan C.
Một số tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị viêm gan C là:
- Mất ngủ
- Mệt mỏi
- Trầm cảm, hay lo lắng
- Kích ứng da
- Chán ăn
- Thiếu máu
- Rụng tóc
- Hay cáu gắt[17]
Làm sao để phòng ngừa viêm gan C?
Hiện nay vaccine viêm gan C vẫn chưa có để phòng bệnh. Do đó, viêm gan C vẫn là một bệnh lý nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Chính vì vậy, việc phòng ngừa bệnh rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ lây truyền virus trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, cộng đồng và ở những khu vực có nguy cơ cao.
Một số cách để phòng ngừa viêm gan C là:
- Hạn chế các hành vi có nguy cơ cao lây nhiễm như dùng chung kim tiêm để tiêm chích chất kích thích, xăm mình và xỏ khuyên trên cơ thể,…
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu người bệnh.
- Quan hệ tình dục an toàn.
- Không quan hệ tình dục với nhiều bạn tình.
- Ngưng tiêu thụ rượu bia.
- Xét nghiệm sàng lọc HIV, HBV, HCV, giang mai cho tất cả những người hiến máu.
- Tầm soát viêm gan C định kỳ theo tình trạng sức khỏe và hướng dẫn của bác sĩ.[8]
Bên cạnh đó, người bệnh viêm gan C cũng nên chủ động sử dụng riêng các dụng cụ cá nhân, dụng cụ nha khoa để ngăn ngừa lây nhiễm có người khác. Ngoài ra, người bệnh nên băng kín bất kỳ vết thương nào bị chảy máu và cũng không được hiến máu, tinh trùng hoặc hiến tạng.
Khuyến nghị theo dõi định kỳ và tầm soát viêm gan C
Các khuyến nghị về theo dõi và tầm soát viêm gan C định kỳ được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ban hành vào năm 2020 cho các đối tượng bao gồm nhân viên y tế, người lớn trên 18 tuổi, người đã phơi nhiễm với virus viêm gan C.
Ai nên tầm soát viêm gan C định kỳ?
CDC khuyến nghị tầm soát viêm gan siêu vi C toàn diện cho tất cả người lớn từ 18 – 79 tuổi và phụ nữ mang thai, ngoại trừ những nơi có tỷ lệ nhiễm HCV < 0,1%.[15]
Những trường hợp sau đây cần được tầm soát viêm gan C định kỳ:
- Người lớn từ 18 tuổi trở lên nên xét nghiệm HCV định kỳ ít nhất một lần.
- Phụ nữ mang thai nên xét nghiệm trước khi sinh trong mỗi lần mang thai.
- Người đã từng tiêm chích và dùng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc dụng cụ pha chế chất kích thích khác, kể cả những người đã tiêm một lần hoặc một vài lần cách đây nhiều năm.
- Người nhiễm HIV.
- Người quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp an toàn.
- Người đang sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).
- Người đã từng chạy thận nhân tạo kéo dài.
- Người có chỉ số ALT bất thường liên tục.
- Người được truyền máu hoặc các thành phần của máu trước tháng 7 năm 1992.
- Người được cấy ghép nội tạng trước tháng 7 năm 1992.
- Người được thông báo rằng họ đã nhận máu từ một người hiến tặng bị dương tính với HCV.
- Nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng sau khi bị kim đâm, vật nhọn hoặc vết thương hở tiếp xúc với máu bị nhiễm virus viêm gan C.
- Trẻ sơ sinh được sinh ra từ người mẹ bị nhiễm HCV.
Hướng dẫn và khuyến nghị dành cho nhân viên y tế có nguy cơ cao phơi nhiễm HCV
Tiếp xúc với virus viêm gan là một rủi ro nghề nghiệp được công nhận đối với nhân viên y tế. Sau đây là các hướng dẫn từ CDC năm 2020 bao gồm các khuyến nghị về quy trình xét nghiệm và theo dõi lâm sàng đối với nhân viên y tế có khả năng phơi nhiễm nghề nghiệp với virus viêm gan C.
Các xét nghiệm đối với bệnh nhân được chăm sóc (còn được gọi là bệnh nhân nguồn) và nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp nên được thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong 48 giờ sau khi tiếp xúc.
Có 2 phương pháp để kiểm tra tình trạng của bệnh nhân nguồn bao gồm:
- Xét nghiệm HCV RNA: Xét nghiệm này nên được ưu tiên, đặc biệt đối với bệnh nhân nguồn đã biết hoặc nghi ngờ nhiễm HCV hoặc các bệnh nhân chưa đánh giá được nguy cơ nhiễm bệnh.
- Xét nghiệm anti-HCV: Nếu xét nghiệm này cho kết quả dương tính thì bệnh nhân tiếp tục làm xét nghiệm HCV RNA.
Nhân viên chăm sóc y tế nên thực hiện đồng thời 2 xét nghiệm trên trong vòng 48 giờ sau khi tiếp xúc hoặc làm cùng lúc với bệnh nhân.
Tùy vào tình trạng của bệnh nhân nguồn (dương tính HCV RNA, dương tính anti-HCV mà chưa thực hiện xét nghiệm HCV RNA hoặc tình trạng bệnh nhân chưa được xác định), nhân viên y tế được khuyến nghị làm xét nghiệm HCV RNA trong 3 – 6 tuần sau tiếp xúc.
Khi xét nghiệm HCV RNA sau 3 – 6 tuần âm tính, nhân viên y tế được khuyến cáo tiếp tục làm xét nghiệm anti-HCV 4 – 6 tháng sau phơi nhiễm. Nếu nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân có các dấu hiệu mắc viêm gan C nên được xét nghiệm HCV RNA tại bất kỳ thời điểm nào.
Hiện tại, không có khuyến nghị theo dõi thêm đối với các nhân viên y tế vẫn âm tính với anti-HCV sau 4 – 6 tháng. Tuy nhiên, nếu nhân viên y tế có dấu hiệu suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh gan, có thể xem xét thực hiện thêm xét nghiệm HCV RNA.[16]
Thực đơn cho người bị viêm gan C
Viêm gan C tàn phá và ảnh hưởng xấu đến chức năng của gan. Do đó, việc lựa chọn thực phẩm ăn uống nên được lưu tâm và để ý nhiều hơn. Lý do bởi vì nếu người bị viêm gan C có thói quen ăn uống không lành mạnh có thể khiến gan bị suy yếu nhanh chóng hơn, đẩy nhanh quá trình viêm gan C mạn tính và dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
Không có chế độ ăn uống cụ thể nào được khuyến cáo dành riêng cho người mắc bệnh viêm gan C. Tuy nhiên, người bệnh cũng nên chú ý rèn luyện sức khỏe, thực hiện một chế độ ăn khoa học, hợp lý sẽ giúp cơ thể tăng sức đề kháng, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh viêm gan C và giúp gan nhanh chóng hồi phục.
Người bị viêm gan C nên ăn gì?
Người bị viêm gan C nên ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe, bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cần thiết và không khiến cho gan phải chịu áp lực lớn. Bệnh nhân viêm gan C nên kiểm soát tốt cân nặng, tránh tình trạng thừa cân, béo phì, đái tháo đường.
Một số thực phẩm người bị viêm gan C nên ăn là:
- Các loại rau củ quả chứa nhiều chất xơ, vitamin A, C, B6 và folate,…
- Protein từ cá, hải sản, gà, trứng và các loại đậu.
- Ngũ cốc nguyên hạt bao gồm bánh mì ngũ cốc, gạo lức, yến mạch,…
- Cung cấp canxi từ sữa hoặc chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai,…
Người bị viêm gan C kiêng ăn gì?
Người bị viêm gan C kiêng ăn các thực phẩm chứa nhiều chất béo, thịt đông lạnh, thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp, rượu bia và thức uống chứa cồn,… Ngoài ra, người bệnh cũng nên cắt giảm bớt lượng muối tiêu thụ hằng ngày.
Béo phì hoặc thừa cân có thể dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ. Mỡ trong gan sẽ khiến bệnh viêm gan C khó kiểm soát hơn. Ngoài ra, viêm gan C cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2.Vì vậy, người bệnh nên theo dõi lượng đường nạp vào cơ thể mỗi ngày.
Viêm gan C và những điều cần lưu ý
- Viêm gan C là căn bệnh nguy hiểm nhất trong nhóm bệnh viêm gan vì nguy cơ tiến triển thành bệnh mạn tính cao, gây nguy hiểm đến tính mạng và hiện vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa virus viêm gan C.
- Bệnh viêm gan siêu vi C có thể gây ra bệnh viêm gan cấp tính hoặc mạn tính, người bệnh thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cụ thể.
- CDC khuyến nghị xét nghiệm viêm gan C một lần cho tất cả người lớn từ 18 tuổi trở lên và tất cả phụ nữ trong mỗi lần mang thai.
- Bệnh viêm gan C có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người qua chủ yếu qua đường máu hoặc dịch cơ thể của người nhiễm virus HCV.
- Bác sĩ chẩn đoán viêm gan C dựa trên tiền sử bệnh, khám sức khỏe tổng quát và xét nghiệm tìm kháng thể kháng HCV (anti-HCV) và HCV RNA.
- Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh viêm gan C mạn tính là thuốc kháng virus tác dụng trực tiếp – DAAs.
Câu hỏi thường gặp
Viêm gan C là bệnh gì?
Viêm gan C là tình trạng gan bị viêm và tổn thương gây ra bởi virus viêm gan C (HCV). Viêm gan C có thể lây nhiễm thông qua việc tiếp xúc với máu của người bị bệnh. Hiện nay, viêm gan C lây truyền chủ yếu thông qua việc dùng chung kim tiêm không hoặc dùng kim tiêm không đảm bảo vệ sinh.
Viêm gan C có chữa được không?
Viêm gan C có thể chữa được khi bằng cách dùng các loại thuốc kháng virus và thực hiện kéo dài trong khoảng 2 đến 6 tháng. Viêm gan C được xem là hoàn toàn chữa khỏi khi người bệnh ghi nhận tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện trong vòng 12 tuần điều trị (SRV).
Bị viêm gan C có nguy hiểm không?
Viêm gan C là bệnh lý nguy hiểm nếu không được điều trị. Viêm gan C có tỷ lệ tiến triển thành mạn tính cao và cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến xơ gan, ung thư gan và thậm chí tử vong.
Mắc bệnh viêm gan C sống được bao lâu?
Tiên lượng sống của bệnh nhân viêm gan C mạn tính thường rất khả quan. Hầu hết những người mắc viêm gan C mạn tính đều có thể có cuộc sống bình thường. Điều quan trọng là người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời trước khi có bất kỳ những tổn thương gan hoặc biến chứng nghiêm trọng xảy ra.
Bệnh viêm gan C có lây không?
Bệnh viêm gan C lây lan chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm bệnh. Ngoài ra, HCV còn có thể lây qua việc quan hệ tình dục không an toàn và từ mẹ sang con khi sinh nở, mặc dù con đường này ít phổ biến hơn. Tuy nhiên, bệnh không lây truyền qua việc chia sẻ dụng cụ ăn uống, thức ăn, ôm, hôn, nắm tay, cho con bú, ho hoặc hắt hơi.
Chồng bị viêm gan C có lây sang vợ không?
Điều này còn tùy thuộc vào việc người vợ có tiếp xúc trực tiếp với máu từ người chồng bị viêm gan C hay không. Tuy nhiên, người có vợ hoặc chồng nhiễm HCV sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, nguy cơ này tăng lên theo thời gian sống chung và tiếp xúc. Do đó, vợ chồng nên đến trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn kỹ càng về cách phòng tránh HCV từ vợ hoặc chồng của mình.
Bệnh viêm gan C có lây qua nước bọt hay đường ăn uống không?
Bệnh viêm gan C không lây qua nước bọt hay đường ăn uống. Tương tự, bệnh cũng không lây truyền qua thức ăn, nguồn nước, ôm, hôn, nắm tay, cho con bú, ho hoặc hắt hơi. Bệnh chỉ lây khi có tiếp xúc trực tiếp với máu của người bệnh.
Bệnh viêm gan C có tái phát không?
Bệnh viêm gan C có hể tái phát bởi vì cơ thể không có khả năng miễn dịch với HCV lâu dài. Do đó, những người đã từng khỏi bệnh viêm gan C, dù là tự nhiên hoặc qua điều trị, đều có nguy cơ tái phát. Bệnh viêm gan C tái phát được định nghĩa là tình trạng tái xuất hiện HCV trong máu sau 1 đợt khỏi bệnh trong quá khứ.
Tài liệu tham khảo
1. “WHO Publishes Updated Guidance on Hepatitis C Infection – with New Recommendations on Treatment of Adolescents and Children, Simplified Service Delivery and Diagnostics.” World Health Organization, World Health Organization, www.who.int/news/item/24-06-2022-WHO-publishes-updated-guidance-on-hepatitis-C-infection. Accessed 19 Aug. 2023.
2. “Hepatitis C.” World Health Organization, World Health Organization, www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hepatitis-c. Accessed 19 Aug. 2023.
3. Ngoc, Chau Le, et al. “Differential Prevalence and Geographic Distribution of Hepatitis C Virus Genotypes in Acute and Chronic Hepatitis C Patients in Vietnam.” PLOS ONE, Public Library of Science, journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371%2Fjournal.pone.0212734. Accessed 19 Aug. 2023.
4. Hepatitis C – Statpearls – NCBI Bookshelf, www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430897/. Accessed 19 Aug. 2023.
5. JH;, Hoofnagle. “Hepatitis C: The Clinical Spectrum of Disease.” Hepatology (Baltimore, Md.), U.S. National Library of Medicine, pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/9305658/. Accessed 19 Aug. 2023.
6. “Hepatitis C.” Australian Family Physician, The Royal Australian College of general Practitioners, www.racgp.org.au/afp/2013/july/hepatitis-c. Accessed 19 Aug. 2023.
7. “What Is Hepatitis C – FAQ.” Centers for Disease Control and Prevention, Centers for Disease Control and Prevention, 28 July 2020, www.cdc.gov/hepatitis/hcv/cfaq.htm#B1.
8. “Hepatitis C.” Mayo Clinic, Mayo Foundation for Medical Education and Research, 31 Aug. 2021, www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hepatitis-c/symptoms-causes/syc-20354278.
9. Kumar, Sonal. “Hepatitis C, Chronic – Hepatic and Biliary Disorders.” MSD Manual Professional Edition, MSD Manuals, 10 Aug. 2023, www.msdmanuals.com/professional/hepatic-and-biliary-disorders/hepatitis/hepatitis-c,-chronic.
10. Sở Y tế Bình Định. “Quyết Định SỐ 2065/QĐ-Byt Ngày 29/4/2021 CỦA BỘ y Tế V/v Ban Hành Hướng Dẫn Chẩn Đoán, Điều Trị Bệnh Viêm Gan VI Rút C.” Sở Y Tế Bình Định, syt.binhdinh.gov.vn/index.php/vi/download/Thu-vien-Huong-dan-chan-doan-dieu-tri-Quy-trinh-ky-thuat-va-cac-Tai-lieu-chuyen-mon-kham-chua-benh/Quyet-dinh-so-2065-QD-BYT-ngay-29-4-2021-cua-Bo-Y-te-V-v-ban-hanh-Huong-dan-chan-doan-dieu-tri-benh-viem-gan-vi-rut-C.html. Accessed 19 Aug. 2023.
11. “Hepatitis C Diagnosis and Tests for HCV: Antibody, PCR, and More.” WebMD, WebMD, www.webmd.com/hepatitis/diagnostic-tests-hepatitis-c-virus. Accessed 19 Aug. 2023.
12. Li, Hui-Chun, and Shih-Yen Lo. “Hepatitis C Virus: Virology, Diagnosis and Treatment.” World Journal of Hepatology, U.S. National Library of Medicine, 8 June 2015, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4450201/.
13. Tillmann, Hans L. “Hepatitis C Virus Core Antigen Testing: Role in Diagnosis, Disease Monitoring and Treatment.” World Journal of Gastroenterology, U.S. National Library of Medicine, 14 June 2014, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4051911/.
14. C, Hepatitis. “Va.Gov: Veterans Affairs.” Hepatitis C Genotype: Test of Hepatitis C, 8 Oct. 2018, www.hepatitis.va.gov/hcv/patient/diagnosis/labtests-hepatitisC-genotype.asp.
15. “CDC Recommendations for Hepatitis C Screening among Adults – United States, 2020.” Centers for Disease Control and Prevention, Centers for Disease Control and Prevention, 17 Mar. 2023, www.cdc.gov/mmwr/volumes/69/rr/rr6902a1.htm.
16. “Testing and Clinical Management of Health Care Personnel Potentially Exposed to Hepatitis C Virus – CDC Guidance, United States, 2020.” Centers for Disease Control and Prevention, Centers for Disease Control and Prevention, 23 July 2020, www.cdc.gov/mmwr/volumes/69/rr/rr6906a1.htm?s_cid=rr6906a1_w.
17. “Treatment -Hepatitis C.” NHS Choices, NHS, www.nhs.uk/conditions/hepatitis-c/treatment/. Accessed 19 Aug. 2023.
18. F;, Cainelli. “Hepatitis C Virus Infection in the Elderly: Epidemiology, Natural History and Management.” Drugs & Aging, U.S. National Library of Medicine, pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18184025/. Accessed 19 Aug. 2023.