Ợ CHUA

Hầu hết chúng ta thỉnh thoảng đều trải qua tình trạng ợ chua hay đắng trong miệng do thực phẩm hoặc đồ uống mà chúng ta đã dùng trong vài giờ qua. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này xảy ra thường xuyên và liên tục thì Cô Bác, Anh Chị không nên xem thường vì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Ợ chua thường do dịch vị trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản và miệng, đây cũng có thể là nguyên nhân khiến Cô Bác, Anh Chị hay bị đau rát vùng thượng vị kèm theo Triệu chứng ợ chua có thể xảy ra sau khi ăn, vào ban đêm và trầm trọng hơn khi nằm xuống hoặc cúi xuống.

Tổng quan triệu chứng ợ chua

TỔNG QUAN VỀ TRIỆU CHỨNG Ợ CHUA

Ợ chua là quá trình sinh lý tự nhiên của cơ thể khi một người có thói quen ăn uống thiếu khoa học hoặc phụ nữ mang thai chứ không hẳn là một tình trạng bệnh lý. Tuy nhiên, ợ chua liên tục hay ợ chua mãn tính có thể là triệu chứng của bệnh lý tiêu hóa, phổ biến nhất là bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD).

Ợ chua là gì?

Ợ chua hay ợ đắng (tên tiếng Anh: Sour or bitter taste) xảy ra khi dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản và khoang miệng, vì trong chất dịch trào ngược lên có chứa thức ăn cũ đã bị lên men nên người bệnh sẽ thấy vị chua hay đắng và thường đi kèm với cảm giác đau rát ở ngực.

Bình thường, khi chúng ta ăn, thức ăn sẽ di chuyển từ miệng xuống dạ dày, qua thực quản. Trong dạ dày có chứa axit giúp hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Thức ăn và axit sẽ được giữ lại trong dạ dày nhờ cơ vòng dưới của thực quản. Tuy nhiên vì một lý do nào đó, cơ này sẽ mở ra lâu hơn bình thường, tạo cơ hội cho axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản và miệng gây ra hiện tượng ợ chua.

NGUYÊN NHÂN GÂY RA TRIỆU CHỨNG Ợ CHUA
Tổng quan triệu chứng ợ chua
  • Ợ chua thường xuyên sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, chán ăn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Triệu chứng ợ chua có thể cải thiện khi thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt ở người bệnh không xảy ra triệu chứng quá 2 lần/tuần. Tuy nhiên, nếu hiện tượng ợ chua xuất hiện liên tục, người bệnh nên đi thăm khám tại bệnh viện/ phòng khám nội soi tiêu hóa, để  chẩn đoán và điều trị sớm để tránh các biến chứng bệnh lý nguy hiểm.
  • Một số bệnh lý có thể gây ợ chua là thoát vị hoành, xơ cứng bì, u hạt, trào ngược dạ dày – thực quản,… Trong đó, trào ngược dạ dày – thực quản là nguyên nhân gây ợ chua phổ biến nhất.

Phân loại triệu chứng ợ chua

Dựa vào tần suất, mức độ nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể mà triệu chứng ợ chua được chia thành 2 loại là ợ chua sinh lýợ chua bệnh lý.

Ợ chua sinh lý là gì?

Ợ chua sinh lý là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể khi sử dụng thực phẩm và đồ uống kích thích tăng tiết axit dạ dày như cà phê, đồ uống chứa cồn, socola, bạc hà,… hoặc sau khi ăn quá no. Ngoài ra, tâm lý căng thẳng, lo âu kéo dài cũng gây ra triệu chứng ợ chua.

Ợ chua bệnh lý là gì?

Ợ chua bệnh lý là một trong những dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản hoặc các bệnh lý đường tiêu hóa khác. Tần suất ợ chua trong ngày tăng lên bất thường và kéo dài không kiểm soát, đi kèm với các triệu chứng khác như ợ nóng, buồn nôn, đau ngực,…

Các yếu tố làm trầm trọng thêm triệu chứng ợ chua

Một số loại thực phẩm có thể khiến tình trạng ợ chua nghiêm trọng hơn. Cô Bác, Anh Chị nên tránh hoặc hạn chế ăn uống các thực phẩm này:

  • Trái cây họ cam quýt
  • Sôcôla
  • Đồ uống có cồn hoặc caffein
  • Thức ăn nhiều dầu mỡ
  • Thức ăn cay
  • Tỏi, hành tây
  • Bạc hà
  • Cà chua

NGUYÊN NHÂN GÂY TRIỆU CHỨNG Ợ CHUA

Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ợ chua là do thói quen ăn uống và các bệnh lý về đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng khiến Cô Bác, Anh Chị hay bị ợ chua như lối sống, sinh hoạt hằng ngày hoặc phụ nữ khi mang thai.

Nguyên nhân đến từ thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày

Chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt không lành mạnh có thể khiến hiện tượng ợ chua xuất hiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn:

  • Chế độ ăn uống không hợp lý: Cô Bác, Anh Chị thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, gia vị, ăn quá nhanh, không nhai kỹ, ăn quá no trước khi ngủ, ít vận động và ít uống nước sẽ gây ợ chua và chứng khó tiêu.
  • Thói quen ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến hệ tiêu hóa: ăn nhanh, ăn khuya hoặc ăn xong rồi làm việc ngay là nguyên nhân gây nên tình trạng ợ chua.
  • Sử dụng đồ uống có chứa caffein và cồn thường xuyên.
  • Thuốc lá, rượu bia: hút thuốc lá hoặc gián tiếp bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện triệu chứng ợ chua.
  • Không đánh răng thường xuyên hoặc giữ vệ sinh răng miệng kém có thể tạo ra vị chua hoặc đắng trong miệng.
  • Căng thẳng, lo âu, stress kéo dài gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương khiến chức năng của hệ tiêu hóa giảm. Từ đó, gây nên tình trạng hay bị ợ chua, ợ nóng, ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu.

Nguyên nhân đến từ các bệnh lý tiêu hóa

Trong một số trường hợp, triệu chứng ợ chua cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý về đường tiêu hóa bao gồm:

  • Trào ngược dạ dày – thực quản.
  • Thoát vị hoành.
  • Loạn khuẩn đường ruột.
  • Rối loạn nhu động ruột.

Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày – thực quản là nguyên nhân phổ biến gây ợ chua, xảy ra khi dịch axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản và khoang miệng. Trào ngược axit dạ dày làm kích ứng niêm mạc thực quản gây ợ chua, đau ngực và viêm họng. Bên cạnh đó, người bệnh còn dễ gặp tình trạng nóng rát thực quản, ợ nóng, ợ hơi. Cơ chế gây bệnh trào ngược dạ dày – thực quản dựa trên 3 yếu tố chính bao gồm: tăng tiết axit dạ dày, rối loạn nhu động ruột dạ dày và suy giảm chức năng cơ thắt thực quản dưới.

Thoát vị hoành

Thoát vị hoành là tình trạng dạ dày trượt lên qua cơ hoành khiến cơ thắt dưới thực quản (LES) không nằm cùng mức với cơ hoành gây trào ngược axit từ dạ dày lên thực quản. Theo một nghiên cứu đánh giá mối quan hệ giữa thoát vị hoành và viêm thực quản do trào ngược dạ dày – thực quản, tỷ lệ thoát vị hoành hiện diện ở bệnh nhân bị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản là 94%.

Loạn khuẩn đường ruột

Loạn khuẩn đường ruột: nếu vi khuẩn có lợi suy yếu, vi khuẩn có hại mạnh lên hay các yếu tố độc hại kích thích vi khuẩn cơ hội phát triển trong đường ruột thì người bệnh sẽ dễ mắc các rối loạn tiêu hóa. Chứng rối loạn tiêu hóa gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu hóa của đường ruột. Khi ấy, nếu các chất dinh dưỡng đưa vào không được tiêu hóa hết mà bị lên men, sinh khí, sẽ gây ra hiện tượng chướng hơi, đầy bụng. Cùng lúc đó, cơ thể sẽ đẩy lượng khí này ra bên ngoài, làm xuất hiện triệu chứng ợ chua.

Rối loạn nhu động ruột

Rối loạn nhu động ruột là tình trạng chức năng đường ruột bị rối loạn, nhu động sẽ vận động theo chiều ngược lại, đẩy ngược thức ăn trở lại vào thực quản và miệng, khiến Cô Bác, Anh Chị hay bị ợ chua. Nguyên nhân gây rối loạn nhu động ruột thường là do ăn phải thực phẩm gây kích ứng đường ruột hoặc do các bệnh lý tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD).

Những nguyên nhân khác gây triệu chứng ợ chua

Những nguyên nhân khác có thể gây ra chứng ợ chua bao gồm phụ nữ khi mang thai, thừa cân, béo phì, do tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị hoặc do thiếu chất kẽm,…

  • Phụ nữ mang thai: quá trình mang thai sẽ làm tăng áp lực trong khoang bụng và ảnh hưởng đến chức năng cơ vòng dưới thực quản, đây là nhóm cơ có chức năng ngăn axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản và gây ợ chua. Theo thời gian thai nhi sẽ lớn dần lên, làm tăng áp lực trong bụng dễ gây tình trạng ợ nóng, ợ hơi, ợ chua,…
  • Thiếu kẽm: kẽm là một trong những khoáng chất rất cần cho cơ thể giúp các tế bào phân chia, tăng cường hệ miễndịch , duy trì khứu giác và vị giác. Thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân có thể gây rối loạn vị giác, trong đó có cảm giác chua miệng.
  • Xạ trị trong điều trị ung thư vùng đầu và cổ có thể tổn thương các mô nước bọt và gây ra vị chua trong miệng.
  • Thừa cân, béo phì: cân nặng là một trong những yếu tố tác động trực tiếp lên vùng bụng và cơ thắt thực quản, cụ thể là tạo áp lực lớn lên các bộ phận này. Từ đó, nguy cơ trào ngược dạ dày – thực quản gây ợ chua cũng tăng lên.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: gồm thuốc nhuận tràng, thuốc chống viêm không steroid (NSAID),… làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới (LES) gây nên tình trạng ợ chua.
  • Xerostomia (hội chứng khô miệng): một số người bị giảm sản xuất nước bọt dẫn đến rối loạn vị giác.
  • Tình trạng nhiễm trùng có thể gây gây cảm giác chua, đắng hay hôi miệng.
  • Chấn thương hoặc phẫu thuật não có thể ảnh hưởng đến vùng mô não có chức năng kiểm soát nhận thức về mùi vị.
Các Triệu Chứng Ợ Chua

Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám?

Triệu chứng ợ chua có thể là biểu hiện của các bệnh lý mạn tính, phát hiện bệnh muộn khiến công tác điều trị gặp nhiều khó khăn hơn. Cô Bác, Anh Chị cần đi khám bác sĩ khi triệu chứng ợ chua xuất hiện liên tục ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, Cô Bác, Anh Chị cần đến cơ sở y tế thăm khám ngay nếu triệu chứng trào ngược axit dạ dày xuất hiện kèm các triệu chứng khác như:

  • Khó hoặc đau khi nuốt
  • Các triệu chứng giống hen suyễn như thở khò khè hoặc ho khan
  • Khàn giọng, đặc biệt vào buổi sáng
  • Viêm họng mãn tính
  • Nấc cụt không ngừng
  • Buồn nôn kéo dài hơn một hoặc hai ngày

CÁC TRIỆU CHỨNG ĐI KÈM VỚI Ợ CHUA

Các triệu chứng đi kèm ở người hay bị ợ chua thường khá rõ ràng, trong đó phổ biến nhất là cảm giác nóng ở cổ họng, đôi khi đau rát ở ngực và cổ họng do axit dạ dày làm kích ứng niêm mạc thực quản. Vì trong chất dịch trào ngược lên có chứa thức ăn cũ đã bị lên men nên người bệnh sẽ thấy vị chua sau khi ợ lên.

Các triệu chứng đi kèm với bệnh ợ chua là gì?

Ợ chua thường xảy ra sau bữa ăn và có thể kéo dài vài giờ. Người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu hơn sau khi cúi hoặc nằm xuống. Triệu chứng ợ chua có thể kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng khác, bao gồm:

  • Cảm giác nóng rát thượng vị, thường là sau khi ăn, có thể nặng hơn vào ban đêm
  • Đau ngực nhưng không liên quan đến tim
  • Khó nuốt, thức ăn bị tắc nghẽn ở ngực hoặc cổ họng
  • Khó tiêu do axit, ợ hơi
  • Khó thở
  • Buồn nôn, nôn
  • Ho khan
  • Chua và đắng miệng, miệng tiết nhiều nước bọt, hôi miệng, mòn men răng

Ợ chua cũng có thể là dấu hiệu khi mang thai nếu đi kèm các triệu chứng sau:

  • Chậm kinh
  • Buồn nôn, nôn
  • Căng tức vùng ngực
  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Thay đổi vị giác
  • Mệt mỏi, chán ăn

Các triệu chứng nguy hiểm cần cấp cứu ngay

Trong một số trường hợp, triệu chứng ợ chua có thể xảy ra cùng với các triệu chứng khác cho thấy tình trạng nghiêm trọng và thường bị nhầm lẫn các triệu chứng của cơn đau tim. Đây là tình trạng khẩn cấp, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để đánh giá và điều trị. Một số triệu chứng nguy hiểm có thể xuất hiện ở bệnh nhân hay bị ợ chua bao gồm:

  • Đau ngực, tức ngực hoặc đầy bụng kéo dài hơn vài phút hoặc lặp lại liên tục
  • Đau hoặc khó chịu ở cổ, vai, lưng trên hoặc hàm
  • Khó thở, có hoặc không kèm theo đau ngực
  • Chóng mặt, choáng váng, buồn nôn
  • Đổ mồ hôi kèm theo đau ngực
Phương Pháp Điều Trị Ợ Chua

CÁC PHƯƠNG TIỆN CHẨN ĐOÁN TRIỆU CHỨNG Ợ CHUA

Để chẩn đoán triệu chứng ợ chua chính xác, bác sĩ sẽ kết hợp khám lâm sàng và cận lâm sàng để loại trừ các bệnh lý liên quan và tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Trong đó, khám lâm sàng và nội soi thực quản – dạ dày là tiêu chuẩn giúp chẩn đoán chính xác triệu chứng ợ chua.

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng là bước đầu tiên giúp bác sĩ nắm được thông tin bệnh sử, tình trạng bệnh lý cũng như sức khỏe hiện tại của Cô Bác, Anh Chị. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra các chẩn đoán ban đầu cũng như chỉ định các cận lâm sàng phù hợp để tìm ra bệnh lý chính xác.

Trong bước khám lâm sàng, bác sĩ sẽ thực hiện khám sức khỏe tổng quát và thu thập thông tin tình trạng sức khỏe người bệnh thông qua các câu hỏi như:

  • Cô Bác có hay bị ợ chua không? Các triệu chứng ợ chua bắt đầu từ khi nào?
  • Cô Bác có cảm thấy khó chịu hoặc bệnh lý tiến triển nặng khi sử dụng các loại thực phẩm hoặc đồ uống nào không?
  • Cô Bác có gặp phải bất kỳ triệu chứng đi kèm nào khác không?
  • Cô/Chị có đang mang thai hoặc có dấu hiệu mang thai không?
  • Khi nào thì chứng ợ chua trở nên thường xuyên và tệ hơn?
  • Các bệnh đang điều trị và loại thuốc đang sử dụng bao gồm thực phẩm chức năng.
  • Các bệnh lý tiêu hóa đã từng mắc phải.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Sau bước khám lâm sàng, Cô Bác sẽ được chỉ định thực hiện một hoặc nhiều cận lâm sàng chẩn đoán. Thông qua các phương tiện cận lâm sàng, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân khiến Cô Bác, Anh Chị hay bị ợ chua, vị trí tổn thương dựa vào kết quả xét nghiệm, nội soi tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh.

Xét nghiệm

Xét nghiệm máu như tổng phân tích tế bào máu để khảo sát tình trạng thiếu máu nếu có dựa vào các chỉ số của hồng cầu, đánh giá dấu hiệu viêm nhiễm thông qua số lượng bạch cầu.

Nội soi ống tiêu hóa

Phụ thuộc vào các triệu chứng và tiểu sử bệnh mà Cô Bác, Anh Chị có thể được chỉ định nội soi theo từng cơ quan hoặc toàn bộ ống tiêu hóa.

  • Nội soi ống tiêu hóa trên để kiểm tra toàn bộ thực quản, dạ dày và tá tràng. Bác sĩ có thể quan sát toàn bộ lớp niêm mạc từ thực quản đến tá tràng (đoạn đầu của ruột non), từ đó có thể xác định các vị trí bị viêm, mức độ tổn thương hoặc nguyên nhân gây ra chứng ợ chua.
  • Nội soi thực quản: phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, nội soi thực quản có thể được thực hiện thông qua đường mũi hoặc miệng.

Nội soi cũng là cách hữu hiệu nhất để phân độ viêm thực quản. Mức độ viêm thực quản rất quan trọng trong việc chọn lựa cách điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.

> Tham khảo thêm: Thuốc trào ngược dạ dày thực quản phổ biến hiện nay

Ngoài ra, nội soi phối hợp sinh thiết làm giải phẫu bệnh ở những vùng bất thường, có thể phát hiện sự thay đổi của lớp biểu mô hình trụ trong bệnh Barrett thực quản.

  • Nội soi viên nang.

Chẩn đoán hình ảnh

  • Chụp X-quang cản quang: Kỹ thuật sử dụng chất tương phản bari để phủ lên niêm mạc dạ dày – thực quản, giúp phát hiện các vết loét thực quảnhẹp thực quản. Tuy nhiên, chụp X-quang cản quang không hiệu quả để phát hiện bệnh trào ngược dạ dày – thực quản ở mức độ nhẹ và vừa.
  • Chụp X-quang: Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp chụp X-quang để quan sát hình ảnh toàn bộ thực quản, dạ dày và tá tràng. Phương pháp này hạn chế về khả năng chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày – thực quản nhưng giúp loại trừ các tình trạng bệnh lý khác như viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng.

Thăm dò chức năng

Bác sĩ sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện các nghiệm pháp như kiểm tra độ pH hoặc đo áp lực thực quản. Mục đích để bác sĩ xác định bệnh nhân có bị trào ngược dạ dày hay không, đồng thời loại trừ các bệnh lý liên quan khác.

  • Kiểm tra độ pH: nếu kết quả nội soi dạ dày không thấy bất thường, bác sĩ có thể đo nồng độ axit bên trong thực quản bằng cách thực hiện kiểm tra pH 24 giờ kể cả khi đã điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton. Phương pháp này sẽ đo lượng axit trong thực quản khi cơ thể ở các trạng thái khác nhau, chẳng hạn như trong khi ăn hoặc ngủ.
  • Đo áp lực thực quản (Esophageal manometry): giúp đo các cơn co thắt trong thực quản khi người bệnh nuốt. Đo áp lực thực quản được sử dụng để đánh giá nhu động thực quản trước khi điều trị phẫu thuật.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA TRIỆU CHỨNG Ợ CHUA

Phương pháp điều trị ợ chua phụ thuộc vào nguyên nhân và vị trí tổn thương khiến người bệnh thường xuyên ợ lên có vị chua hoặc đắng. Một số cách trị ợ chua thường được sử dụng như thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, sử dụng thuốc, phẫu thuật,…

Phương pháp điều trị triệu chứng ợ chua

Các biện pháp điều trị có thể giúp làm dịu hoặc giảm nhẹ triệu chứng ợ chua như xây dựng thực đơn lành mạnh, thay đổi thói quen sinh hoạt và sử dụng thuốc.

Bệnh nhân bị ợ chua nên ăn gì?

Để phòng ngừa và cải thiện tình trạng trào ngược axit dạ dày, Cô Bác, Anh Chị nên lưu ý những thực phẩm nên ăn cũng như hạn chế ăn, bao gồm:

Thực phẩm nên ăn

Một số loại thực phẩm người hay bị ợ chua nên ăn sẽ giúp cải thiện các triệu chứng bao gồm:

  • Tăng cường những chất có tác dụng trung hòa axit như các sản phẩm từ tinh bột: bột ngũ cốc, bột yến mạch, các loại bánh mì,… Những thực phẩm này có tác dụng nhất định trong việc hạn chế sự bào mòn lớp dịch vị axit trong dạ dày.
  • Ăn các chất đạm dễ tiêu có trong thịt vịt, thịt lợn nạc, thịt lợn thăn,…
  • Bổ sung chất xơ từ rau củ, đặc biệt nên ăn nhiều bông cải xanh.
  • Bổ sung chất xơ có trong các loại đậu như đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu Hà Lan,…
  • Nên ăn sữa chua vì trong sữa chua chứa rất nhiều lợi khuẩn. Sữa chua giúp quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn, tạo cảm giác ngon miệng. Cô Bác, Anh Chị không nên dùng sữa chua khi đói bụng.
  • Sử dụng các thực phẩm hỗ trợ chữa trị ợ chua truyền thống như gừng, hoa cúc, nghệ, mật ong,…
Thực phẩm nên kiêng ăn

Một số loại thực phẩm có thể khiến tình trạng trào ngược nghiêm trọng hơn. Cô Bác, Anh Chị nên tránh xa hoặc hạn chế sử dụng các loại thực phẩm sau đây:

  • Thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào
  • Thức ăn cay
  • Sôcôla
  • Bạc hà
  • Thực phẩm có caffeine
  • Trái cây họ cam quýt
  • Thức uống có cồn

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Thói quen sinh hoạt hằng ngày ảnh hưởng rất lớn tới tình trạng ợ chua. Một số biện pháp thay đổi thói quen sinh hoạt tại nhà có thể giúp người bệnh giảm triệu chứng trào ngược axit dạ dày, bao gồm:

  • Nâng đầu giường khoảng 15 cm (6 inch).
  • Chia nhỏ các phần ăn trong mỗi bữa có thể giúp kiểm soát các triệu chứng trào ngược.
  • Dành thời gian hợp lý cho mỗi bữa ăn, nên ăn chậm, nhai kỹ.
  • Hạn chế nằm sau khi ăn vì dạ dày cần ít nhất từ 2 – 3 giờ để axit trong dạ dày giảm xuống.
  • Uống nhiều nước.
  • Ngừng hút thuốc vì thuốc lá có thể sẽ làm suy yếu cơ thắt thực quản dưới. Do đó, ngừng hút thuốc là điều quan trọng để giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản.
  • Duy trì cân nặng hợp lý vì nếu thừa cân sẽ khiến các triệu chứng trào ngược diễn ra nghiêm trọng hơn.
  • Tránh mặc quần áo chật, ép eo để hạn chế gây áp lực lên bụng và phần dưới của thực quản.
  • Giảm căng thẳng để não bộ kiểm soát hệ tiêu hóa tốt hơn bằng cách nghe nhạc, đọc sách, tập thể thao,…
  • Đi dạo sau khi ăn giúp thức ăn tiêu hóa nhanh hơn, hạn chế ợ chua.
  • Vệ sinh răng miệng kỹ.

Sử dụng thuốc điều trị ợ chua

Nếu ợ chua do bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) thì bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc không kê đơn (OTC) hoặc thuốc kê đơn bao gồm thuốc kháng axit dạ dày, thuốc ức chế axit dạ dày và thuốc ức chế bơm proton (PPI) có thể giảm triệu chứng ợ chua và trào ngược axit dạ dày.

Đối với trường hợp ợ chua do tác dụng phụ của thuốc hoặc do mang thai, người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị để có những biện pháp điều trị thay thế phù hợp.

Lưu ý: Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Ngoài ra, phẫu thuật chống trào ngược sẽ được chỉ định nếu các triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản quá nghiêm trọng, ví dụ như viêm thực quản nặng, khối thoát vị hoành lớn, xuất huyết, hẹp hoặc loét thực quản.

Cách điều trị triệu chứng ợ chua tại nhà

Không phải tất cả các nguyên nhân gây ợ chua đều có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, Cô Bác, Anh Chị nên thường xuyên thực hiện những việc làm sau để giúp giảm thiểu nguy cơ bị ợ chua và trào ngược axit. Một số phương pháp điều trị chứng ợ chua tại nhà như:

  • Hạn chế nói chuyện trong khi ăn uống.
  • Hạn chế nuốt trọng, tránh sử dụng ống hút.
  • Chia nhỏ các bữa ăn, tránh ăn quá no.
  • Hạn chế nhai kẹo cao su, kẹo ngậm khi bị ợ chua.
  • Ngừng hút thuốc.
  • Ngừng hút thuốc.

CÂU HỎI TỔNG HỢP

Ợ chua hay ợ đắng (tên tiếng Anh: Sour or bitter taste) xảy ra khi dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản và khoang miệng, vì trong chất dịch trào ngược lên có chứa thức ăn cũ đã bị lên men nên người bệnh sẽ thấy vị chua hay đắng và thường đi kèm với cảm giác đau rát ở ngực.

Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ợ chua là do thói quen ăn uống và các bệnh lý về đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng khiến Cô Bác, Anh Chị hay bị ợ chua như lối sống, sinh hoạt hằng ngày hoặc phụ nữ khi mang thai.

Các triệu chứng đi kèm ở người hay bị ợ chua thường khá rõ ràng, trong đó phổ biến nhất là cảm giác nóng ở cổ họng, đôi khi đau rát ở ngực và cổ họng do axit dạ dày làm kích ứng niêm mạc thực quản. Vì trong chất dịch trào ngược lên có chứa thức ăn cũ đã bị lên men nên người bệnh sẽ thấy vị chua sau khi ợ lên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Vandergriendt, Carly. What to Know About Acid Reflux and Burping. Biên tập bởi Saurabh Sethi. 08 05 2020. https://www.healthline.com/health/acid-reflux-burping (đã truy cập 10 04, 2021).
  3. Stuart, Annie. Acid Reflux Symptoms. Biên tập bởi Gabriela Pichardo. 03 15 2020. https://www.webmd.com/heartburn-gerd/guide/acid-reflux-symptomss (đã truy cập 10 04, 2021).

TIN SỨC KHỎE

Tổng hợp tin sức khỏe tiêu hóa, cẩm nang sức khỏe tiêu hóa. Nếu nội dung Quý khách quan tâm chưa có, Quý khách có thể liên hệ để đặt câu hỏi với bác sĩ để được tư vấn.

Đặt Lịch Khám Endo Clinic

Endo Clinic

Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư

THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H) VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H) 0939 01 01 01

ĐẶT LỊCH NỘI SOI TIÊU HÓA

Đặt lịch nội soi hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng

    Có Bảo Hiểm Y Tế

    ĐẶT LỊCH KHÁM TIÊU HÓA

    Đặt lịch khám bệnh tiêu hóa hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa với bác sĩ của Endo Clinic. Các trợ lý Bác sĩ sẽ liên hệ để xác nhận cuộc hẹn với Quý Khách Hàng

      Có Bảo Hiểm Y Tế

      Đặt Lịch Khám Endo Clinic

      Endo Clinic

      Tiêu Hoá Khoẻ & Ngừa Ung Thư

      THỜI GIAN KHÁM BỆNH: THỨ 2 - THỨ 7 (6H - 15H) VÀ CHỦ NHẬT (7H - 12H) 0939 01 01 01