Khối u thực quản lành tính: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Theo thống kê từ Thư viện Y khoa Quốc gia của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (PMC) năm 2015, khối u thực quản lành tính rất hiếm gặp và có tỷ lệ mắc dưới 0,5%. Trong đó, u cơ trơn thực quản chiếm hơn 70% trường hợp mắc bệnh, nguy cơ tiến triển thành u ác tính của u cơ trơn lành tính là rất thấp.

Khối u thực quản lành tính có thể gây khó nuốt và thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường ở thực quản. Do đó, khám lâm sàng thường khó đưa ra kết quả chính xác mà bác sĩ cần phối hợp với các phương tiện cận lâm sàng khác như nội soi, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm. Mời Cô Bác, Anh Chị cùng tìm hiểu khối u thực quản lành tính là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả khối u lành tính ở thực quản.

Khối u thực quản lành tính: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Khối u thực quản lành tính: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan về khối u thực quản lành tính

Các khối u thực quản lành tính phát triển chậm, thường không gây ra các khó chịu cho người bệnh khi kích thước khối u còn nhỏ.

Khối u thực quản lành tính là gì?

Khối u thực quản lành tính (tên tiếng Anh: benign esophageal tumors hay benign neoplasm of esophagus) là tình trạng các khối u hình thành ở niêm mạc thực quản do sự tăng sinh tế bào. Khối u phát triển lớn có thể gây ra các triệu chứng như khó nuốt, tức ngực, viêm loét thực quản,… Khi phát hiện có khối u thực quản lành tính, người bệnh cần theo dõi chặt chẽ, thăm khám định kỳ để ngăn ngừa khối u phát triển thành ung thư thực quản dù tỷ lệ này là rất thấp.

Khối u thực quản lành tính là gì
Khối u thực quản lành tính là tình trạng các khối u hình thành ở niêm mạc thực quản do sự tăng sinh tế bào. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Khối u thực quản lành tính thường phát triển chậm và không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, khi u thực quản phát triển lớn sẽ gây tắc nghẽn hoặc tạo áp lực lên các cơ quan khác. Để phát hiện và điều trị kịp thời bệnh, bác sĩ khuyến khích nên khám tổng quát hoặc tầm soát ung thư định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần.

U cơ trơn chiếm hơn 70% trường hợp khối u thực quản lành tính. Chúng thường được phát hiện tình cờ khi nội soi ống tiêu hóa trên hoặc khi khối u lớn gây khó nuốt. Các polyp thực quản lành tính hiếm khi gây viêm loét, chảy máu. Thực hiện nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng giúp chẩn đoán chính xác loại khối u.

U cơ trơn thực quản lành tính là gì?

U cơ trơn thực quản lành tính (tên tiếng Anh: leiomyoma) là khối u hình thành trong thành thực quản hoặc trong các lớp của thành thực quản. Các khối u lành tính ở thực quản thường phát triển chậm và không gây ra bất kỳ triệu chứng hoặc khó chịu nào. Tuy nhiên, khi khối u này phát triển đủ lớn sẽ gây ra tắc nghẽn lòng thực quản hoặc chèn ép lên các cơ quan khác xung quanh. Nguy cơ tiến triển thành u ác tính của u cơ trơn thực quản lành tính là rất thấp.

Phân loại khối u thực quản lành tính

Dựa vào vị trí, khối u thực quản lành tính được chia làm 2 loại bao gồm u trong thành thực quản và trong lòng thực quản.

  • Khối u trong thành thực quản: Hầu hết khối u hình thành từ các tổ chức xơ và cơ trơn, tạo nên các tổn thương tại mô đệm tế bào.
  • Khối u trong lòng thực quản: Hầu hết khối u được bao phủ bởi lớp tế bào vảy, tạo nên các tổn thương ở lớp dưới niêm mạc.

Dựa vào đặc điểm mô bệnh học, bản chất u thực quản được xác định bao gồm:

Khối u bắt nguồn từ lớp niêm mạc

  • U nhú thực quản (papilloma): Khối u bắt nguồn từ lớp biểu mô. Khối u hình thành do lớp niêm mạc thực quản thường xuyên bị kích thích do rượu bia, trào ngược dạ dày – thực quản hoặc do virus HPV (Human papilloma virus), thường gặp ở người trên 50 tuổi. U nhú thực quản là khối u lành tính, phát triển chậm, không cần cắt bỏ khi không có biến chứng.
  • U tuyến (adenoma): U tuyến chỉ chiếm ít hơn 1% trong tổng số các loại u lành tính ở thực quản. Tuy nhiên, u tuyến lành tính ở thực quản có nguy cơ tiến triển thành khối u ác tính, cần được cắt bỏ qua nội soi hoặc phẫu thuật khi phát hiện.
  • Polyp do viêm thực quản trào ngược: Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) gây nên các tổn thương ở niêm mạc, hình thành mô sẹo trong thực quản. Polyp do viêm thực quản trào ngược lành tính, không cần cắt bỏ khi không có biến chứng.
  • Polyp ứ đọng glycogen (glycogenic acanthosis): Khối u hình thành do tăng sản của các tế bào biểu mô vảy thứ phát do tăng glycogen trong tế bào chất. Hình ảnh mô bệnh học cho thấy biểu mô phủ dày với sự phì đại của tế bào vảy chứa chất glycogen, kết hợp với viêm nhiễm. Polyp ứ đọng glycogen là tình trạng thoái hóa tế bào và lành tính.
Hình ảnh nội soi u nhú tế bào vảy thực quản. (Ảnh sưu tầm PubMed Central)
Hình ảnh nội soi u nhú tế bào vảy thực quản (nhú gai thực quản). (Ảnh sưu tầm PubMed Central)

Khối u bắt nguồn dưới lớp niêm mạc

  • U cơ trơn lành tính (leiomyoma): U cơ trơn thực quản là khối u lành tính phát triển từ các tế bào cơ trơn của thực quản. Đây là dạng tổn thương thường gặp, chiếm tỷ lệ 60 – 70% trong các khối u lành tính của thực quản, thường gặp ở người trong độ tuổi từ 20 – 50 tuổi hoặc ở những bệnh nhân mắc bệnh thoái hóa xương phì đại.
  • U tế bào đệm (GIST): U tế bào đệm hiếm gặp, 70% xuất hiện ở dạ dày, 20% ở ruột non và 10% tại thực quản. Khối u có nguy cơ tiến triển thành khối u ác tính cao khi có sự di căn, xâm lấn vào các tế bào lân cận. Khối u này cần cắt bỏ khi gây biến chứng hoặc khi khối u có nguy cơ ác tính cao thông qua nội soi hoặc phẫu thuật.
  • U mỡ: U mỡ thực quản rất hiếm gặp, do sự tăng sinh của cơ trơn làm cho thành thực quản dày lên. U mỡ thực quản thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi. Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khó nuốt kéo dài khi khối u phát triển lớn. U mỡ thực quản thường lành tính, không cần cắt bỏ khi không có biến chứng.
  • U tế bào hạt: U tế bào hạt là loại bướu lành tính thường gặp ở người trong độ tuổi 40. Các triệu chứng có thể xuất hiện khi khối u phát triển lớn bao gồm khó nuốt, tức vùng thượng vị, sau xương ức, buồn nôn, nôn. U tế bào hạt cũng thường gặp và có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau như lưỡi, miệng, đường hô hấp trên (bao gồm: mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản) và ống tiêu hóa.
  • U máu: U máu là những khối u mạch máu lành tính phát sinh từ lớp dưới niêm mạc thực quản như một phì đại khu trú của các mạch máu. U máu ít gặp ở ống tiêu hóa, đặc biệt hiếm gặp đối với ống tiêu hóa trên. U máu thường lành tính, hiếm khi ác tính.
  • U nang thực quản: Nang thực quản được hình thành từ một túi thừa phôi thai bao gồm 2 loại biểu mô tế bào mỡ và cơ trơn. Hơn 60% trường hợp u nang thực quản bẩm sinh được phát hiện trong năm đầu tiên sau khi sinh với những triệu chứng về hô hấp. Khi khối u phát triển lớn chèn ép gây khó nuốt, đau sau xương ức.
Hình ảnh nội soi khối u cơ trơn lành tính thực quản. (Ảnh sưu tầm PubMed Central)
Hình ảnh nội soi khối u cơ trơn lành tính thực quản. (Ảnh sưu tầm PubMed Central)

Nguyên nhân gây ra khối u thực quản lành tính là gì?

Có nhiều nguyên nhân gây ra khối u thực quản lành tính, trong đó chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt hằng ngày và các bệnh lý tiêu hóa trên như viêm dạ dày, biến chứng trào ngược dạ dày,… là một trong những nguyên nhân chính gây ra u thực quản.

Theo chu trình, các tế bào đến một lúc nào đó sẽ tự chết đi. Tuy nhiên, đối với các u nhú thực quản lành tính, các tế bào không tự chết đi mà tiếp tục phát triển. Khối u chỉ tăng sinh tại chỗ mà không xâm lấn sang tế bào lân cận hoặc di căn đến những cơ quan khác.

Viêm dạ dày, trào ngược dạ dày - thực quản là một trong những nguyên nhân gây ra khối u thực quản lành tính. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Viêm dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản là một trong những nguyên nhân gây ra khối u thực quản lành tính. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành u lành thực quản, bao gồm:

  • Các phản ứng viêm dạ dày, đặc biệt là trong các trường hợp bệnh mạn tính.
  • Thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm khô, nóng, cay,… dẫn đến việc hình thành các vi chấn thương ở thành dạ dày.
  • Biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.
  • Glycogen bị ứ đọng, virus HPV,… cũng có thể khiến các tế bào biểu mô thực quản phát triển tăng sinh bất thường.
  • Các tuyến nhầy lạc chỗ, nằm sâu bên trong lớp niêm mạc thực quản cũng có khả năng gây polyp thực quản.   
  • Chế độ sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, thói quen thức khuya,…
  • Người bệnh xạ trị ở vùng ngực hoặc cổ.
  • Tổn thương thực quản do nội soi.
  • Người bệnh đang thực hiện đặt ống thông dạ dày (đặt sonde dạ dày).
Uống nhiều rượu bia gây tổn thương niêm mạc thực quản. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Uống nhiều rượu bia gây tổn thương niêm mạc thực quản. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Triệu chứng và dấu hiệu u thực quản lành tính

Các triệu chứng u thực quản lành tính là gì?

Khối u thực quản lành tính thường không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, nếu khối u phát triển đủ lớn sẽ gây tắc nghẽn, khó nuốt. Các dấu hiệu nhận biết và triệu chứng u thực quản lành tính bao gồm:

  • Khó nuốt, vướng thức ăn ở họng
  • Tức ngực
  • Trào ngược đột ngột thức ăn và dịch dạ dày chưa tiêu hóa (nôn trớ)
  • Chảy máu thực quản
  • Viêm loét thực quản
Khối u thực quản lành tính thường gây ra triệu chứng khó nuốt. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Khối u thực quản lành tính thường gây ra triệu chứng khó nuốt. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Nếu xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng khó nuốt, tức ngực kéo dài Cô Bác, Anh Chị nên đến ngay bệnh viện, phòng khám nội soi tiêu hóa uy tín để thăm khám.

Khối u lành tính ở thực quản thường được phát hiện trong quá trình thăm khám các bệnh lý khác như bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, viêm loét dạ dày – tá tràng. Nếu phát hiện có khối u, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng và cận lâm sàng để kiểm tra chi tiết khối u và ra quyết định có cần loại bỏ hoặc điều trị không. Tầm soát ung thư thực quản định kỳ cũng giúp bệnh nhân phát hiện ung thư giai đoạn sớm, giúp ngăn ngừa và điều trị hiệu quả hơn.

Phương pháp chẩn đoán khối u thực quản lành tính

Để chẩn đoán khối u thực quản lành tính chính xác, tìm ra nguyên nhân gây bệnh, vị trí và mức độ xâm lấn, các bác sĩ sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện khám lâm sàng và thực hiện các cận lâm sàng phù hợp như nội soi, chụp X-quang, CT hoặc MRI nếu cần thiết.

Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về tình trạng bệnh, cũng như bệnh sử của Cô Bác, Anh Chị và người thân để định hướng chẩn đoán. Ngoài ra, bác sĩ sẽ yêu cầu Cô Bác, Anh Chị làm thêm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng bệnh lý.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Khi thăm khám cận lâm sàng, bác sĩ sẽ cần nội soi ống tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh để xác định chính xác vị trí, kích thước và phân loại khối u mắc phải.

Nội soi giúp chẩn đoán chính xác tình trạng khối u thực quản lành tính. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Nội soi giúp chẩn đoán chính xác tình trạng khối u thực quản lành tính. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Nội soi ống tiêu hóa

Để chẩn đoán khối u thực quản và các bệnh lý liên quan đến thực quản, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi thực quản. Bác sĩ sẽ sử dụng dây soi có gắn camera với độ phóng đại trên 500 lần, soi đến cấp độ tế bào kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để chẩn đoán chính xác và đồng nhất kết quả.

Nội soi tiêu hóa là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý ở thực quản, dạ dàytá tràng. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.

endoclinic.vn là phòng khám nội soi dạ dày tại TPHCM hiếm hoi trang bị hệ thống máy nội soi tiên tiến từ các hãng như Fujifilm, Olympus, giúp bác sĩ đánh giá chính xác các tổn thương trong lòng ống tiêu hóa. Đặt lịch với phòng khám dạ dày, đại trực tràng ngay hôm nay nếu có bất kỳ triệu chứng tiêu hóa bất thường nào.

Chẩn đoán hình ảnh

Chụp X-quang cản quang: Kỹ thuật này sử dụng chất tương phản bari để phủ lên niêm mạc thực quản. Hình ảnh của ống tiêu hóa trên bao gồm thực quản, dạ dày và tá tràng sẽ được thể hiện rõ ràng trên hình chụp X-quang, giúp bác sĩ xác định kích thước và vị trí của khối u thực quản nếu có, chẩn đoán các bệnh lý ở thực quản như viêm thực quản, co thắt thực quản,…

Trong một vài trường hợp, bác sĩ chỉ định siêu âm, chụp CT hoặc MRI vùng ngực để xác định vị trí, mức độ xâm lấn và kích thước của khối u ở thực quản.

Biến chứng khối u thực quản lành tính

Các biến chứng có thể mắc phải khi khối u thực quản lành tính phát triển lớn, bao gồm:

Phương pháp điều trị khối u thực quản lành tính

Hầu hết các khối u thực quản lành tính đều nhỏ và không cần điều trị. Nếu chúng phát triển đủ lớn để gây ra các triệu chứng tắc nghẽn thì cần được cắt bỏ.

Khối u thực quản rất đa dạng và tùy thuộc vào vị trí, kích thước và bản chất của khối u mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện loại bỏ thông qua các phương pháp sau:

  • Cắt khối u thực quản lành tính qua nội soi ống tiêu hóa trên: Kỹ thuật cắt bỏ polyp khỏi niêm mạc thực quản. Các biến chứng khi cắt polyp có thể xảy ra như chảy máu, thủng thực quản.
  • Phẫu thuật nội soi: Sử dụng phương pháp nội soi cắt tách dưới niêm mạc (endoscopic submucosal dissection) để loại bỏ toàn bộ vùng tổn thương được tách và cắt đến dưới niêm mạc ở khối u có kích thước lớn.
U máu thực quản lành tính không cần điều trị cắt bỏ. (Ảnh sưu tầm PubMed Central)
U máu thực quản lành tính không cần điều trị cắt bỏ. (Ảnh sưu tầm PubMed Central)

Hiệu quả điều trị khối u thực quản lành tính rất cao, có tiên lượng tốt, hiếm khi khối u tái phát sau mổ. Tuy nhiên, người bệnh nên thực hiện thăm khám kiểm ra sức khỏe định kỳ, theo dõi chặt chẽ tiến triển của khối u lành tính.

Những điểm cần lưu ý

Phương pháp phòng ngừa khối u thực quản lành tính

Cô Bác, Anh Chị có thể phòng ngừa khối u thực quản lành tính nếu tuân theo các khuyến nghị sau đây:

  • Thay đổi chế độ ăn lành mạnh, giàu chất xơ, rau, củ, quả, hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, cay, nóng,…
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thịt mỡ, ngũ cốc thô,…
  • Ngừng hút thuốc lá, uống rượu bia.
  • Uống đủ nước và tối thiểu 2 lít mỗi ngày, có thể bổ sung thêm các loại nước ép từ trái cây, rau, quả,… hỗ trợ hệ miễn dịch cũng như sức đề kháng của cơ thể trước tác nhân gây bệnh.
  • Luyện tập thể thao phù hợp, thư giãn đầu óc để giải tỏa những căng thẳng, áp lực hàng ngày như ngồi thiền, yoga,…
  • Thực hiện tầm soát ung thư tiêu hóa, kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện sớm những bệnh lý bất thường của cơ thể.
  • Không được tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có sự thăm khám, kiểm tra của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, không được sử dụng các bài thuốc dân gian không chính thống vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Những điều cần lưu ý về khối u thực quản lành tính

  • Khối u thực quản lành tính là dạng tổn thương do sự tăng sinh tế bào niêm mạc và tổ chức dưới niêm mạc của thực quản.
  • U lành tính ở thực quản không phổ biến và thường xuất hiện ở 1/3 phần giữa hay phía dưới ngực, hiếm gặp ở vùng phía trên cổ.
  • Khối u lành tính thường không gây ra các triệu chứng điển hình, phát hiện do nội soi ống tiêu hóa trên hoặc khi khối u lớn gây khó nuốt, cảm giác tức vùng ngực lúc ăn.
  • Chẩn đoán xác định u lành thực quản thông qua nội soi thực quản nếu bác sĩ có các nghi ngờ liên quan đến viêm hoặc trào ngược dạ dày.
  • Hầu hết các khối u lành tính có kích thước nhỏ và không cần điều trị.

Người mắc khối u thực quản lành tính nên ăn gì?

Người mắc khối u thực quản lành tính nên tuân theo một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý sẽ có lợi cho đường tiêu hóa, hỗ trợ quá trình điều trị và mang lại sức khỏe cho Cô Bác, Anh Chị.

Dưới đây là những thực phẩm nên ăn cũng như hạn chế dành cho người có khối u thực quản lành tính:

  • Tăng hàm lượng chất xơ bằng cách ăn nhiều trái cây, rau xanh, củ quả, đậu và ngũ cốc nguyên cám.
  • Bổ sung thực phẩm giàu protein có trong thịt, cá, trứng,…
  • Ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, mềm, lỏng như cháo hoặc súp, canh khi có triệu chứng khó nuốt.
  • Tránh ăn đồ cay, nóng.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, thức uống có cồn, hút thuốc lá, chất kích thích.
  • Giảm hàm lượng chất béo, thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn trong khẩu phần ăn.

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Canadian Cancer Society. Non-cancerous tumours and conditions of the esophagus. 2021. https://www.cancer.ca/en/cancer-information/cancer-type/esophageal/esophageal-cancer/non-cancerous-tumours/ (đã truy cập 05 24, 2021).
  3. Livstone, Elliot M. Khối u thực quản lành tính. 10 2017. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/các-khối-u-đường-tiêu-hóa/khối-u-thực-quản-lành-tính (đã truy cập 05 24, 2021).
  4. Nguyen, Minhhuyen. Benign Esophageal Tumors. 03 2021. https://www.msdmanuals.com/professional/gastrointestinal-disorders/tumors-of-the-gastrointestinal-tract/benign-esophageal-tumors (đã truy cập 05 24, 2021).
  5. Pietrangelo, Ann. What Are the Symptoms, Types, and Treatments for Polyps? Biên tập bởi Graham Rogers. 17 09 2018. https://www.healthline.com/health/polyps (đã truy cập 05 24, 2021).
  6. Shu-Jung Tsai, Ching-Chung Lin, Chen-Wang Chang, Chien-Yuan Hung, Tze-Yu Shieh, Horng-Yuan Wang, Shou-Chuan Shih, Ming-Jen Chen. “Benign esophageal lesions: Endoscopic and pathologic features.” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. 28 01 2015. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4306152/ (đã truy cập 05 24, 2021).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?

Chia sẻ nội dung: