Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận (NIDDK) năm 2018, cứ mỗi 100.000 người thì có khoảng 6 đến 16 người mắc bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát (Viêm xơ chai đường mật nguyên phát). Trên thực tế, số ca mắc bệnh có thể cao hơn tỷ lệ ước tính vì bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát khó chẩn đoán và có thể bị phân loại nhầm thành các loại bệnh khác. Xơ hóa đường mật nguyên phát (Primary sclerosis cholangitis) còn được gọi là xơ gan mật nguyên phát (Primary Biliary Cirrhosis). Mời Cô Bác, Anh Chị tìm hiểu bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát là gì, nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị bệnh trong bài viết sau!
Tổng quan về bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát
Bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở người lớn tuổi và nam giới. Khoảng 70% người được chẩn đoán bị xơ hóa đường mật nguyên phát là nam giới. Các triệu chứng xuất hiện trong độ tuổi trung bình ở nam giới là 40 tuổi và ở nữ giới là 45 tuổi.
Xơ hóa đường mật nguyên phát là gì?
Xơ hóa đường mật nguyên phát hay viêm xơ chai đường mật nguyên phát (tên tiếng Anh: primary sclerosing cholangitis – PSC) là tình trạng mật bị viêm gây ra các vết sẹo trong ống dẫn mật, dẫn đến tình trạng ống dẫn dần bị cứng và hẹp.
- Xơ hoá đường mật nguyên phát là bệnh lý mạn tính của các đường mật trong gan và ngoài gan.
- Viêm xơ chai đường mật nguyên phát sẽ khiến đường mật xơ sẹo, hẹp và cản trở sự thoát mật từ gan.
- Ứ đọng mật trong gan một thời gian dài sẽ làm tổn thương gan ngày càng nghiêm trọng.
- Viêm xơ chai đường mật nguyên phát tiến triển sẽ dẫn đến xơ gan, suy gan, nhiễm trùng đường mật tái phát, hình thành các khối u trong ống mật/gan hoặc thậm chí là ung thư đường mật trong gan.
- Ghép gan là phương pháp điều trị duy nhất cho bệnh nhân viêm xơ đường mật nguyên phát. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát ở gan được cấy ghép ở một số ít bệnh nhân.
- Chăm sóc cho người bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát tập trung vào việc theo dõi chức năng gan, điều trị các triệu chứng và thực hiện phẫu thuật mở tạm thời các ống dẫn mật bị tắc.
Đường mật là gì?
Đường mật là các ống dẫn giúp vận chuyển mật do các tế bào gan sinh ra đi vào trong lòng ruột. Mật có vai trò giúp cho cơ thể tiêu hoá thức ăn, đặc biệt là các chất béo.
Gan sản xuất mật, một chất lỏng màu nâu xanh cần thiết cho quá trình tiêu hóa. Tế bào gan bài tiết mật vào các ống nhỏ bên trong gan được gọi là ống dẫn mật. Các ống này kết hợp với nhau giống như các đường gân của lá.
Những ống nhỏ này dẫn mật vào một ống chung, được gọi là ống mật chủ dẫn vào ruột (đại tràng). Tại đây, mật hỗ trợ tiêu hóa khiến phân có màu nâu.
Ở người bị xơ hóa đường mật nguyên phát, tình trạng viêm và sẹo khiến đường mật bị tắc nghẽn. Việc ứ đọng mật trong gan một thời gian dài sẽ làm tổn thương gan ngày càng nghiêm trọng và gây ra xơ hóa, xơ gan, suy gan.
Các giai đoạn xơ hóa đường mật nguyên phát
Ludwig và các cộng sự chia bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát (PSC) thành 4 giai đoạn chính, bao gồm:
- Giai đoạn 1: Viêm gan khoảng cửa, thoái hóa đường mật với thâm nhiễm các tế bào viêm.
- Giai đoạn 2: Viêm gan lan rộng đến quanh khoảng cửa và đường mật.
- Giai đoạn 3: Vách ngăn xơ hóa và/ hoặc hoại tử cầu nối.
- Giai đoạn 4: Xơ gan.
Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây xơ hóa đường mật nguyên phát
Nguyên nhân xơ hoá đường mật nguyên phát vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, 80% bệnh nhân mắc xơ hoá đường mật nguyên phát có liên quan đến bệnh viêm ruột (IBD). Khoảng 5% bệnh nhân bị viêm loét đại tràng và khoảng 1% bệnh nhân mắc bệnh Crohn phát triển bệnh viêm đường mật xơ cứng nguyên phát. Ngoài ra, bệnh lý này được cho là phát sinh từ sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường.
Nguyên nhân xơ hóa đường mật nguyên phát là gì?
Chưa có bằng chứng rõ ràng xác định nguyên nhân gây ra xơ hóa đường mật nguyên phát. Bệnh thường phát hiện ở những người mắc các bệnh lý sau:
- Bệnh viêm ruột (IBD) bao gồm viêm loét đại tràng và bệnh Crohn.
- Rối loạn tự miễn: phản ứng của hệ miễn dịch với nhiễm trùng hay độc tố có thể gây ra bệnh ở những người có khuynh hướng di truyền với bệnh. Những kháng thể này bắt nguồn từ sự rối loạn của các tế bào lympho T. Các bệnh tự miễn như bệnh đái tháo đường loại 1, bệnh celiac, các bệnh tuyến giáp,… có nguy cơ phát triển bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát.
- Di truyền: bệnh có xu hướng phát triển ở người có thành viên trong gia đình mắc bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát và tần suất xuất hiện cao hơn ở những người có đột biến trên gen HLAB8 và HLADR3.
- Viêm tụy mạn tính.
- Sỏi đường mật.
- Nhiễm trùng túi mật, đường mật và gan do vi khuẩn.
- Tổn thương ống dẫn mật gây thiếu máu cục bộ.
Những yếu tố nguy cơ gây bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát, bao gồm:
- Độ tuổi: bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường được chẩn đoán trong độ tuổi 30 – 40.
- Giới tính: bệnh lý phổ biến ở nam giới.
- Bệnh viêm ruột (IBD): một tỷ lệ lớn những người bị xơ hóa đường mật nguyên phát cũng bị bệnh viêm ruột. Tuy nhiên, bệnh viêm đường mật xơ cứng nguyên phát và bệnh viêm ruột không phải lúc nào cũng xuất hiện cùng một lúc. Trong một số trường hợp, viêm đường mật xơ cứng nguyên phát xuất hiện nhiều năm trước khi người bệnh bị viêm ruột.
- Địa lý: người dân vùng Bắc Âu có nguy cơ mắc xơ hoá đường mật nguyên phát cao hơn.
Dấu hiệu và triệu chứng xơ hóa đường mật nguyên phát
Hầu hết người bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát giai đoạn đầu không xuất hiện triệu chứng. Bệnh thường được phát hiện tình cờ thông qua các thăm khám như xét nghiệm máu hoặc chụp X-quang. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng xơ hóa đường mật nguyên phát xuất hiện, phát triển âm ỉ và tăng dần như mệt mỏi, vàng da, ngứa da.
Các triệu chứng xơ hóa đường mật nguyên phát thường gặp
Các triệu chứng xơ hóa đường mật nguyên phát xảy ra khi ứ đọng mật trong gan, tắc nghẽn đường mật, gan bị tổn thương kéo dài và dẫn đến suy giảm chức năng gan.
Các dấu hiệu và triệu chứng xơ hóa đường mật nguyên phát giai đoạn đầu thường bao gồm:
- Mệt mỏi
- Ngứa da do mật thấm vào máu
- Vàng da
- Đau bụng
- Ớn lạnh, sốt và đau bụng trên nếu đường mật bị nhiễm trùng
- Sỏi mật có triệu chứng: sỏi đường mật có xu hướng phát triển ở khoảng 75% bệnh nhân
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện khi bệnh tiến triển, bao gồm:
- Gan to
- Lách to
- Chán ăn
- Đổ mồ hôi về đêm
- Sụt cân
- Đầy hơi
- Dễ bị chảy máu răng, chảy máu cam hoặc bầm tím
- Lòng bàn tay có thể bị ửng đỏ
- Sưng (phù) ở cẳng chân, bàn chân và mắt cá chân, mắt cá chân đè vào thì hơi bị lõm
- Rối loạn về thần kinh và tâm thần
Xơ hóa đường mật nguyên phát (PSC) có xu hướng tiến triển chậm và không thể chữa khỏi. Giai đoạn cuối bao gồm xơ gan mất bù, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, cổ trướng và suy gan. Thời gian từ khi chẩn đoán đến khi suy gan là khoảng 10 – 15 năm hoặc có thể lâu hơn, tùy thuộc vào từng cá nhân.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám?
Vì bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát thường tiến triển trong âm thầm, người bệnh có thể mắc bệnh trong nhiều năm trước khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Do đó, Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu bất thường kể trên, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao mắc bệnh.
Ngoài ra, nếu Cô Bác, Anh Chị bị viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn cần chú ý đến sự xuất hiện triệu chứng mệt mỏi và ngứa da không rõ nguyên nhân. Đa số những người bị xơ hóa đường mật nguyên phát cũng mắc một trong những bệnh này.
Phương pháp chẩn đoán bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát
Chẩn đoán xơ hóa đường mật nguyên phát dựa vào tiền sử bệnh cá nhân và gia đình, khám lâm sàng và chỉ định thêm một số cận lâm sàng cần thiết để đưa ra kết quả chính xác nhất. Khi có kết quả chẩn đoán mắc bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát, hồ sơ bệnh án của người bệnh sẽ được chuyển cho bác sĩ chuyên khoa để thực hiện các kiểm tra sâu hơn và tìm ra liệu trình điều trị phù hợp với từng giai đoạn bệnh.
Chẩn đoán phân biệt và các hội chứng biến thể của xơ hóa đường mật nguyên phát (PSC), bao gồm:
- Viêm đường mật xơ cứng thứ phát
- Tăng áp lưc tĩnh mạch cửa
- Bệnh thiếu máu cục bộ đường mật ở bệnh nhân nặng
- Hội chứng chồng chéo của xơ hóa đường mật nguyên phát và viêm gan tự miễn
- Viêm đường mật liên quan đến IgG4
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về tình trạng sức khỏe cũng như bệnh sử của người bệnh để định hướng chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát (PSC) như:
- Cô Bác, Anh Chị có tiền sử bệnh viêm ruột (IBD), đặc biệt là viêm loét đại tràng không?
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh viêm xơ chai đường mật nguyên phát không?
- Cô Bác, Anh Chị có tiền sử bệnh tự miễn, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường loại 1, bệnh celiac và các bệnh tuyến giáp không?
- Kiểm tra và hỏi Cô Bác, Anh Chị về các triệu chứng gợi ý nhiễm trùng đường mật, bao gồm sốt, ớn lạnh, buồn nôn, nôn ói, vàng da, vàng mắt.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát như:
- Sử dụng ống nghe để nghe âm thanh nhu động ruột.
- Kiểm tra vùng bụng, sờ và ấn vào vùng bụng nhằm kiểm tra độ đàn hồi hoặc xác định vị trí đau bụng.
- Tìm kiếm các dấu hiệu của xơ gan và suy gan.
- Kiểm tra gan và lách có to bất thường không.
Cận lâm sàng chẩn đoán
Nếu một người có tiền sử bệnh viêm ruột hoặc xét nghiệm máu cho thấy một số kết quả bất thường nhất định, bác sĩ có thể nghi ngờ bị xơ hóa đường mật nguyên phát. Một số thăm khám cận lâm sàng như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, nội soi hoặc sinh thiết gan có thể được bác sĩ chỉ định.
Xét nghiệm
Viêm xơ chai đường mật nguyên phát được nghi ngờ ở những bệnh nhân có các chỉ số xét nghiệm gan bất thường, đặc biệt là ở người bị bệnh viêm ruột. Các chỉ số xét nghiệm máu gợi ý chẩn đoán như ALP, chỉ số GGT máu tăng, IgG4 tăng, p-ANCA dương tính trong một vài trường hợp,…
Một số xét nghiệm máu trong chẩn đoán xơ hóa đường mật nguyên phát, bao gồm:
- Xét nghiệm công thức máu toàn phần giúp xác định nồng độ hồng cầu, bạch cầu giúp bác sĩ đánh giá tổng thể và phát hiện các rối loạn bao gồm nhiễm trùng đường mật, thiếu máu,…
- Xét nghiệm chức năng gan
Chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán hình ảnh giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây tổn thương đường mật, chẳng hạn như viêm gan tự miễn và khối u đường mật. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm hình ảnh giúp đánh giá tổn thương ở gan và đường mật.
- Siêu âm bụng để loại trừ tắc mật ngoài gan.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT).
- Chụp cộng hưởng từ (MRI).
- Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP) là phương pháp không xâm lấn có thể được sử dụng để chẩn đoán và quan sát các cơ quan vùng bụng như túi mật, tuyến tụy, đường mật và gan.
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) là phương pháp giúp kiểm tra các ống tụy và ống mật. Từ đó xác định được những bất thường xảy ra như tắc nghẽn, hẹp của các ống dẫn này. Trong quá trình thực hiện bác sĩ có thể lấy sinh thiết mẫu bệnh phẩm.
- Chụp đường mật qua da (PTC) với thuốc cản quang được tiêm vào đường mật cho phép bác sĩ nhìn thấy đường mật trên phim chụp X-quang. Phương pháp có thể cho thấy sự thu hẹp hoặc tắc nghẽn trong đường mật.
- Siêu âm đàn hồi thoáng qua (transient elastography) giúp đánh giá độ cứng của mô gan thông qua mức độ đàn hồi của mô khi chịu tác động của lực cơ học.
Nội soi tiêu hóa
Người bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát (PSC) có nguy cơ cao bị viêm loét đại tràng và người bệnh bị cả PSC và viêm loét đại tràng có nguy cơ phát triển ung thư đại tràng. Do đó, thực hiện nội soi đại trực tràng là cần thiết, giúp bác sĩ chẩn đoán viêm loét đại tràng và phát hiện sớm các bệnh ung thư hoặc dấu hiệu tiền ung thư.
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.
- Nội soi đại tràng sigma chỉ có thể quan sát và đánh giá được vùng đại tràng sigma, trực tràng và hậu môn. Nếu đại tràng của người bệnh bị viêm, loét hoặc xuất huyết nghiêm trọng, bác sĩ có thể thực hiện phương pháp này thay vì nội soi đại tràng toàn bộ.
- Nội soi đại tràng toàn bộ (nội soi đại trực tràng) cho phép bác sĩ kiểm tra toàn bộ đại tràng, trực tràng, hậu môn cũng như các tổn thương ở khu vực hồi manh tràng. Bằng cách sử dụng ống nội soi nhỏ, có gắn camera với độ phóng đại trên 500 lần giúp quan sát và đánh giá chính xác tình trạng bên trong đại tràng, đồng thời kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để đồng nhất kết quả.
- Sinh thiết tế bào làm giải phẫu bệnh cho kết quả chuẩn xác, phát hiện sớm các biến chứng nguy hiểm như ung thư đại trực tràng.
Sinh thiết gan
Sinh thiết gan là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác bệnh xơ gan, ngoài ra phương pháp này còn được sử dụng để đánh giá mức độ xơ hóa ở gan, nguyên nhân gây bệnh và phát hiện ung thư gan.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết gan để:
- Xác nhận chẩn đoán xơ hóa đường mật nguyên phát khi các xét nghiệm ít xâm lấn vẫn chưa chắc chắn.
- Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể cần sinh thiết để xác định mức độ tổn thương qua số lượng xơ sẹo ở gan hoặc xơ gan.
- Loại trừ các bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự PSC.
Biến chứng của xơ hóa đường mật nguyên phát
Những biến chứng của xơ hóa đường mật nguyên phát rất nguy hiểm, chúng không chỉ ảnh hưởng tới những cơ quan tiêu hóa mà còn ảnh hưởng tới những cơ quan khác trong cơ thể. Dưới đây là những biến chứng xơ hóa đường mật nguyên phát điển hình:
- Bệnh gan và suy gan: viêm đường mật trong gan kéo dài có thể dẫn đến sẹo mô (xơ gan), hoại tử tế bào gan và cuối cùng là suy giảm chức năng gan (suy gan).
- Nhiễm trùng tái phát: nếu xơ sẹo ở đường mật làm chậm hoặc tắc nghẽn dòng chảy của mật ra khỏi gan, người bệnh PSC có thể bị nhiễm trùng thường xuyên trong đường mật. Nguy cơ nhiễm trùng đặc biệt cao sau khi phẫu thuật mở rộng ống mật bị hẹp hoặc phẫu thuật loại bỏ sỏi mật.
- Tăng áp lực tĩnh mạch cửa: mô sẹo ở gan ngăn cản dòng chảy của máu trong tĩnh mạch cửa – tĩnh mạch chính dẫn máu từ dạ dày và ruột về gan. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa đẩy máu vào các mạch máu nhỏ hơn, như những tĩnh mạch ở phần dưới của thực quản và tĩnh mạch phình vị dạ dày. Các mạch máu này có thành mỏng và nằm sát bề mặt. Theo thời gian, tăng áp lực tĩnh mạch cửa tạo ra các tuần hoàn bàng hệ cửa chủ. Tuần hoàn bàng hệ cửa chủ làm giảm nhẹ áp lực tĩnh mạch cửa nhưng có thể gây ra các biến chứng như giãn tĩnh mạch thực quản, sưng lên và vỡ gây xuất huyết.
- Loãng xương: xơ gan làm cản trở khả năng gan xử lý vitamin D và canxi, đây những chất thiết yếu cho sự phát triển và duy trì xương khỏe mạnh. Do vậy khiến người bệnh bị loãng xương. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát kiểm tra mật độ xương định kỳ và bổ sung canxi và vitamin D có thể giúp ngăn ngừa loãng xương.
- Ung thư đường mật: viêm xơ chai đường mật nguyên phát làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đường mật hoặc ung thư túi mật.
- Ung thư đại tràng: người bị xơ hóa đường mật nguyên phát liên quan đến bệnh viêm ruột có nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thăm khám hoặc tầm soát ung thư đại tràng định kỳ.
Phương pháp điều trị xơ hóa đường mật nguyên phát
Hiện chưa có phương pháp điều trị xơ hóa đường mật nguyên phát (PSC) đặc hiệu. Nhiều loại thuốc đã được nghiên cứu ở những người bị xơ hóa đường mật nguyên phát, nhưng cho đến nay chưa có loại thuốc nào làm chậm hoặc phục hồi tổn thương gan liên quan đến bệnh này. Do đó, việc điều trị xơ hóa đường mật nguyên phát tập trung vào điều trị các biến chứng và làm chậm tốc độ tổn thương gan.
Điều trị biến chứng của xơ hóa đường mật nguyên phát
Các phương pháp điều trị các biến chứng liên quan đến bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát có thể bao gồm:
- Điều trị ngứa da: bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc không kê toa hoặc thuốc kê toa để làm giảm các triệu chứng ngứa. Các thuốc điều trị ngứa da do PSC như chất cô lập axit mật, thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin, thuốc đối kháng opioid, thuốc ursodeoxycholic acid (UDCA).
- Điều trị nhiễm trùng: các đợt viêm đường mật do vi khuẩn có thể được điều trị kháng sinh nhiều đợt hoặc dùng kháng sinh trong thời gian dài.
- Bổ sung vitamin: người bệnh PSC khiến cơ thể khó hấp thụ một số loại vitamin, bác sĩ có thể bổ sung vitamin A, D, E và K bằng đường uống hoặc truyền qua tĩnh mạch.
- Thuốc lợi tiểu và thuốc loại bỏ chất lỏng: tình trạng cổ trướng do xơ gan dẫn đến sưng tấy ở bụng và bàn chân, bác sĩ sẽ kê thuốc lợi tiểu và thuốc loại bỏ chất lỏng do phù và cổ trướng. Ngoài ra, chế độ ăn ít muối được khuyến nghị ở người bệnh có triệu chứng cổ trướng.
- Điều trị tắc nghẽn đường mật: bệnh tiến triển có thể gây ra tắc nghẽn đường mật, ngoài ra đây có thể là dấu hiệu của ung thư đường mật. Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) có thể giúp xác định nguyên nhân gây tắc nghẽn và có thể tiến hành điều trị trong lúc nội soi bằng phương pháp nong đường mật bằng bóng hoặc đặt stent đường mật.
- Ghép gan: là phương pháp điều trị duy nhất được biết để chữa khỏi bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát. Trong quá trình cấy ghép gan, các bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ gan người bệnh và thay thế bằng gan người hiến tặng. Ghép gan được chỉ định ở những bệnh nhân bị suy gan, có các biến chứng của bệnh gan giai đoạn cuối như cổ trướng, bệnh não gan, giãn tĩnh mạch thực quản xuất huyết.
Lưu ý: Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị xơ hóa đường mật nguyên phát nào.
Theo dõi tiến triển bệnh
Người bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát không có triệu chứng thường chỉ cần theo dõi định kỳ theo chỉ định của bác sĩ điều trị như khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm chức năng gan 6 tháng một lần. Người lớn tuổi cần định kỳ thực hiện chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm CA 19-9 để tầm soát ung thư túi mật và ung thư đường mật.
Thay đổi thói quen sống và các biện pháp khắc phục tại nhà
Người bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát nên thực hiện chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh có thể giúp hạn chế tổn thương gan.
- Ngừng uống rượu, hút thuốc.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan A và viêm gan B.
- Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại tại nơi làm việc.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, lưu ý với bác sĩ điều trị về tiền sử bệnh gan của cá nhân.
- Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thảo mộc hoặc thuốc bổ sung nào, vì một số loại có thể gây hại cho gan.
Liệu pháp thay thế
Các liệu pháp thay thế không thể điều trị xơ hóa đường mật nguyên phát, nhưng một số phương pháp có thể giúp người bệnh giảm nhẹ triệu chứng mệt mỏi và khó chịu như:
- Tập thể dục tròng vòng hai giờ trước khi đi ngủ, có thể giúp thúc đẩy giấc ngủ ngon hơn.
- Xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và giàu protein.
- Hạn chế căng thẳng bằng các bài tập thư giãn, ngồi thiền, yoga,…
Những điểm cần lưu ý
Những điều cần lưu ý về bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát
- Xơ hóa đường mật nguyên phát hay viêm xơ chai đường mật nguyên phát (gọi tắt là PSC) là bệnh lý hiếm gặp nhưng nguy hiểm, trong đó tất cả đường mật trong và ngoài gan bị viêm và xơ, dẫn đến hẹp đường mật. Điều này gây tích tụ mật trong gan và gây tổn thương tế bào gan.
- Xơ hóa đường mật nguyên phát thường xảy ra cùng với bệnh Crohn, viêm loét đại tràng và các loại bệnh viêm ruột khác.
- Triệu chứng chính của xơ hóa đường mật nguyên phát (PSC) là mệt mỏi và ngứa da. Các triệu chứng khác có thể bao gồm sụt cân không chủ đích, chán ăn, sốt, đau bụng,…
- Người bị xơ hóa đường mật nên thực hiện chẩn đoán hình ảnh bao gồm siêu âm, chụp CT bụng hoặc chụp MRI/ MRCP mỗi 6 đến 12 tháng 1 lần để tầm soát ung thư mật. Mức độ huyết thanh của kháng nguyên carbohydrate (CA) 19-9 nên được theo dõi thường xuyên.
- Nội soi đại tràng và sinh thiết tế bào nên được thực hiện ở những bệnh nhân không có tiền sử bệnh viêm ruột (IBD) tại thời điểm chẩn đoán PSC. Thực hiện nội soi đại tràng mỗi năm 1 lần đối với bệnh nhân mắc cùng lúc PSC và IBD kể từ thời điểm chẩn đoán PSC vì có nguy cơ cao phát triển ung thư đại – trực tràng.
- Các biến chứng xơ hóa đường mật nguyên phát thường gặp bao gồm thiếu vitamin, bệnh loãng xương, giãn tĩnh mạch, viêm đường mật do vi khuẩn, tắc đường mật, sỏi và polyp túi mật, ung thư đường mật.
- Theo dõi bệnh nhân xơ hóa đường mật nguyên phát bằng xét nghiệm gan định kỳ, tầm soát ung thư mật, đồng thời điều trị các triệu chứng và biến chứng của bệnh lý gây ra.
- Cân nhắc ghép gan nếu viêm đường mật tái phát hoặc biến chứng suy gan tiến triển.
Chế độ ăn dành cho người bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát
Chế độ ăn uống khoa học sẽ có lợi cho đường tiêu hóa, hỗ trợ quá trình điều trị và mang lại sức khỏe cho Cô Bác, Anh Chị.
Sau đây là một số gợi ý về chế độ ăn uống người bệnh xơ hóa đường mật nguyên phát nên ăn hoặc kiêng ăn giúp kiểm soát tình trạng bệnh lý của mình:
- Ăn các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, các loại thực phẩm giàu vitamin A, D, E và K.
- Hạn chế ăn các loại động vật có vỏ sống như hàu, vì chúng có thể chứa vi khuẩn gây nhiễm trùng nặng cho những người bị bệnh gan.
- Tránh ăn các loại thực phẩm có nhiều muối, chất béo và carbohydrate, đặc biệt là những thực phẩm có nhiều đường.
- Ngừng uống rượu.
Tài liệu tham khảo
- Christina C. Lindenmeyer. Primary Sclerosing Cholangitis (PSC). 09 2021. https://www.msdmanuals.com/professional/hepatic-and-biliary-disorders/gallbladder-and-bile-duct-disorders/primary-sclerosing-cholangitis-psc (đã truy cập 21 03, 2022).
- Jonathan Gapp, Subhash Chandra. “Primary Sclerosing Cholangitis” National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases. 01, 2018. https://www.niddk.nih.gov/health-information/liver-disease/primary-sclerosing-cholangitis/ (đã truy cập 21 03, 2022).
- Marina G Silveira, Keith D Lindor. “Primary sclerosing cholangitis” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. 08, 2008. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2661291/ (đã truy cập 21 03, 2022).
- Mayo Clinic Staff. Primary sclerosing cholangitis. 06 01 2022. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/primary-sclerosing-cholangitis/symptoms-causes/syc-20355797 (đã truy cập 21 03, 2022).
- Sy Kraft. What is primary sclerosing cholangitis? 15 01 2019. https://www.medicalnewstoday.com/articles/190952 (đã truy cập 21 03, 2022).