Theo thống kê của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ năm 2019, bệnh sỏi mật là bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp với tỷ lệ hiện mắc bệnh ở Châu Âu là 20% và khoảng 2% – 15% ở Châu Á. Ở Việt Nam, số người bị sỏi mật dao động từ 2,14% đến 6,11% dân số. Ngoài ra, theo thống kê tại Bệnh viện Việt Đức cho thấy, tỷ lệ người dân ở nông thôn mắc bệnh sỏi đường mật tương đối cao do tình trạng nhiễm ký sinh trùng. Bên cạnh đó, bệnh sỏi túi mật lại có xu hướng gia tăng ở thành thị do chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều chất béo,… có thể dẫn đến hình thành những sỏi cholesterol.
Tổng quan về bệnh sỏi mật
Bệnh sỏi mật là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa, xảy ra khi có sự xuất hiện của sỏi cholesterol, sỏi sắc tố hoặc sỏi hỗn hợp trong túi mật và hệ thống đường dẫn mật trong gan, đường mật ngoài gan.
Sỏi mật là gì?
Sỏi mật (tên tiếng Anh: gallstones, cholelithiasis) là tình trạng kết tinh của dịch tiêu hóa hình thành nên các tinh thể rắn ở trong túi mật hoặc ống mật. Sỏi mật có thể có kích thước chỉ như một hạt cát hoặc lớn như một quả bóng golf. Người bệnh có khi chỉ có một hoặc nhiều sỏi mật cùng lúc. Sỏi mật là bệnh lý lành tính nhưng trong một số trường hợp chúng cũng gây ra các biến chứng như tắc nghẽn đường mật, viêm túi mật, viêm tụy cấp, ung thư đường mật,…
Phương pháp điều trị cho người bệnh sỏi mật có triệu chứng thường là phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Sỏi mật không gây ra bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng thường không cần điều trị.
Vị trí hình thành sỏi mật
Sỏi mật được tìm thấy nhiều nhất ở trong túi mật, ở dạng sỏi cholesterol. Sỏi cũng có khả năng di chuyển từ túi mật ra ngoài và nằm ở cổ túi mật hay bất kỳ vị trí nào trong ống mật chủ.
Sỏi mật có thể hình thành ở nhiều vị trí của đường mật, bao gồm:
- Sỏi túi mật: Túi mật là một túi nhỏ nằm ở phía bên phải của bụng vùng dưới sườn, ngay bên dưới gan. Túi mật là nơi dự trữ dịch mật và cô đặc mật. Sỏi túi mật hình thành ở các vị trí trong túi mật như đáy, thân, phễu, cổ, ống túi mật. Số lượng có thể từ 1 đến hàng trăm viên.
- Sỏi đường mật ngoài gan: Sỏi hình thành ở đường mật chính ngoài gan bao gồm ống gan phải và ống gan trái, ống gan chung và ống mật chủ (sỏi ống mật chủ).
- Sỏi đường mật trong gan: còn được gọi là sỏi gan có thể hình thành ở các vị trí như ống phân thùy, ống hạ phân thùy và các ống nhỏ hơn (nhu mô gan).
Các loại sỏi mật
Sỏi mật được chia thành hai loại chính là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố:
- Sỏi mật cholesterol là loại sỏi mật phổ biến nhất. Sỏi cholesterol thường có màu vàng xanh và chủ yếu được tạo thành do lượng cholesterol ở trong dịch mật gia tăng quá mức, vượt quá khả năng hòa tan của muối mật. Đôi khi, chúng có thể chứa những thành phần khác như muối calcium, chất nhầy,…
- Sỏi mật sắc tố gồm 2 loại là sỏi đen và sỏi nâu, hình thành khi trong dịch mật có quá nhiều bilirubin.
Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh sỏi mật
Nguyên nhân sỏi mật có thể do mật được lưu trữ trong túi mật kết tinh lại thành các mảnh vật chất rắn. Điều này xảy ra do tình trạng bão hòa quá mức của 1 trong 3 thành phần của dịch mật, bao gồm muối mật, cholesterol và sắc tố mật (bilirubin). Ngoài ra, khả năng hình thành sỏi mật tăng lên theo độ tuổi, nữ giới dễ bị sỏi mật hơn nam giới do yếu tố nội tiết tố, béo phì, mắc một số bệnh lý, thực hiện chế độ ăn kiêng,…
Túi mật sẽ dự trữ dịch mật do gan sản xuất ra để tiêu hóa chất béo trong thức ăn từ gan. Khi ăn, túi mật thực hiện chức năng bằng cách co bóp và tiết mật vào ruột non. Mật là một hỗn hợp chất lỏng trong đó chứa nước và các chất hoà tan như muối mật, cholesterol, protein và bilirubin. Muối mật giúp phân hủy chất béo, bilirubin làm cho mật có màu xanh lục vàng và phân có màu nâu.
Nguyên nhân nào gây bệnh sỏi mật?
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn không rõ nguyên nhân gây bệnh sỏi mật. Họ cho rằng sỏi mật có nhiều khả năng hình thành khi:
- Dịch mật chứa quá nhiều cholesterol: Thông thường, dịch mật có chứa đủ các thành phần giúp hòa tan lượng cholesterol được bài tiết từ gan. Nhưng nếu gan tiết ra quá nhiều cholesterol khiến mật bão hòa với cholesterol, lượng cholesterol dư thừa có thể kết thành tinh thể và tạo nên sỏi.
- Dịch mật chứa quá nhiều bilirubin: Bilirubin là một chất được cơ thể tạo ra khi phá vỡ các tế bào hồng cầu. Một số vấn đề sức khỏe làm cho gan sản xuất ra nhiều bilirubin hơn, bao gồm bệnh xơ gan, nhiễm trùng đường mật và một số bệnh rối loạn hệ tạo máu. Lượng bilirubin dư thừa cũng góp phần hình thành nên sỏi mật.
- Túi mật không được làm rỗng hoàn toàn: Khi chức năng tống xuất của túi mật có vấn đề, dịch mật có thể ứ đọng bên trong, cô đặc lại và tạo thành sỏi. Tình trạng này có thể xảy ra do nhịn đói hoặc cơ thể được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch trong thời gian dài.
Những yếu tố nguy cơ của bệnh sỏi mật là gì?
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi mật, bao gồm:
- Nữ giới.
- Độ tuổi trên 40 tuổi.
- Người Mỹ bản địa, người gốc Tây Ban Nha gốc Mexico.
- Thừa cân, béo phì.
- Người ít vận động.
- Phụ nữ mang thai.
- Chế độ ăn nhiều béo, nhiều cholesterol và ít chất xơ.
- Tiền sử gia đình bị sỏi mật.
- Bệnh đái tháo đường.
- Bệnh lý huyết học như thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh bạch cầu.
- Giảm cân nhanh.
- Sử dụng thuốc tránh thai, thuốc điều trị nội tiết tố,…
- Bệnh gan.
Sinh lý bệnh
Sỏi bùn túi mật là tình trạng chuyển tiếp giữa mật quá bão hòa cholesterol và sỏi túi mật. Bùn túi mật được kết tủa từ những thành phần có trong dịch mật gồm bilirubinate canxi (một polymer của bilirubin), microcrystals cholesterol và mucin. Nguyên nhân hình thành bùn đường mật là do ứ đọng mật trong thời gian dài hoặc xuất hiện trong thời kỳ mang thai, ở bệnh nhân phải truyền dịch qua đường tĩnh mạch,… cũng làm tăng nguy cơ phát triển bùn mật. Các yếu tố nguy cơ gây bùn đường mật đa phần có thể được loại bỏ và sỏi bùn có thể được điều trị dứt điểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sỏi bùn có thể phát triển thành sỏi mật, di chuyển vào đường mật gây tắc nghẽn đường mật, đau bụng mật, viêm đường mật, viêm tụy.
Cơ chế hình thành sỏi cholesterol túi mật
Những điểm quan trọng trong sự hình thành sỏi cholesterol túi mật:
- Dịch mật bão hòa với cholesterol: cholesterol không tan trong nước được làm tan bằng cách kết hợp với muối mật và lecithin để tạo micelles hỗn hợp. Quá mức bão hòa mật với cholesterol chủ yếu là do tăng bài tiết cholesterol của tế bào gan vào dịch mật như ở bệnh béo phì hoặc đái tháo đường. Nhưng có thể do giảm bài tiết muối mật ở người bệnh xơ nang do sỏi muối mật hoặc do quá trình bài tiết lecithin, một rối loạn di truyền hiếm gây ra ứ mật trong gan tiến triển.
- Cholesterol dư thừa kết tủa từ dạng dung dịch thành dạng microcrystals rắn. Lượng kết tủa như vậy trong túi mật được đẩy nhanh bởi mucin, một glycoprotein hoặc các protein khác trong mật.
- Các vi tinh thể phải kết hợp và to lên: quá trình này tạo ra bởi hiệu ứng liên kết của mucin tạo thành khung và các vi tinh thể được giữ lại trong túi mật do sự suy giảm chức năng co bóp vì dư thừa cholesterol trong mật.
Tham khảo thêm >> Chỉ số tiểu đường bao nhiêu là nguy hiểm?
Cơ chế hình thành sỏi mật sắc tố
Sỏi mật sắc tố bao gồm sỏi đen và sỏi nâu được phân biệt dựa vào sự khác nhau về hình thái, sinh bệnh học.
- Sỏi màu đen là sỏi nhỏ, thành phần chủ yếu của sỏi đen là calcium bilirubinte, calcium phosphate và carbonate, sỏi đen luôn có một hàm lượng cholesterol nhỏ hơn sỏi nâu. Vị trí thường gặp của sỏi đen là ở túi mật. Cơ chế sinh bệnh chủ yếu của sỏi đen là do sự tiết quá mức của bilirubin vào mật ở những người bệnh gan do rượu, tan máu mạn tính và người lớn tuổi.
- Sỏi màu nâu mềm và nhờn, thành phần chủ yếu của sỏi nâu là axit bilirubinate và axit béo. Sỏi nâu thường thấy ở đường mật, một vài trường hợp được tìm thấy ở túi mật hoặc ở trong gan. Sỏi nâu có liên quan nhiều đến ký sinh trùng như sán lá gan, giun đũa.
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh sỏi mật
Theo American College of Gastroenterology, khoảng 80% người bị sỏi mật không có triệu chứng. Những trường hợp còn lại có các triệu chứng khác nhau, từ đau điển hình (đau túi mật) đến viêm túi mật, viêm đường mật đe dọa tính mạng. Dấu hiệu sỏi mật phổ biến nhất là đau bụng mật.
Các triệu chứng sỏi mật thường gặp
Phần lớn trường hợp sỏi mật không gây ra dấu hiệu hoặc triệu chứng đặc hiệu, triệu chứng sỏi mật dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác. Tuy nhiên, nếu sỏi mật gây tắc nghẽn đường mật, thậm chí nếu thoáng qua, cũng có thể gây đau bụng mật.
Cơn đau sỏi mật thường bắt đầu đột ngột và trở nên dữ dội trong vòng 15 phút đến 1 giờ, duy trì ở cường độ ổn định tối đa 12 giờ (thường dưới 6 giờ), sau đó giảm dần trong 30 đến 90 phút, trở thành cơn đau âm ỉ. Trong một số trường hợp, cơn đau dữ dội khiến người bệnh phải đến khoa cấp cứu để giảm đau. Triệu chứng buồn nôn và nôn ói là phổ biến, sốt và ớn lạnh xảy ra khi viêm túi mật tiến triển. Phần lớn trường hợp sỏi mật có triệu chứng đau ở vùng hạ sườn phải hoặc đau vùng thượng vị.
Các dấu hiệu và triệu chứng tắc nghẽn ống mật do sỏi thường bắt đầu đột ngột, bao gồm:
- Cơn đau xuất hiện đột ngột và mức độ đau tăng nhanh ở hạ sườn bên phải.
- Đau đột ngột và dữ dội ở vùng thượng vị.
- Đau vùng lưng ở giữa hai xương bả vai.
- Cơn đau có thể lan ra sau hoặc xuống cánh tay phải.
- Buồn nôn hoặc nôn ói.
Cơn đau sỏi mật thường xuất hiện sau các bữa ăn, đặc biệt khi ăn nhiều dầu mỡ. Ngoài ra, sỏi mật có thể làm cản trở dòng chảy dịch mật xuống đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa như:
- Đầy hơi
- Chướng bụng
- Ợ hơi
- Khó tiêu
- Ợ nóng
- Buồn nôn
Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám?
Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ tại bệnh viện/phòng khám nội soi tiêu hóa khi xuất hiện các triệu chứng sỏi mật, không nên tự mua thuốc uống hay cố gắng chịu đựng vì bệnh lý này kéo dài gây ra rất nhiều biến chứng bệnh lý khác. Bác sĩ sẽ chỉ định các thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng nhằm chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Cô Bác, Anh Chị cần đến cơ sở y tế cấp (bệnh viện/trung tâm nội soi tiêu hóa) cứu ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu của biến chứng sỏi mật nghiêm trọng sau:
- Đau bụng dữ dội đến mức không thể ngồi yên hoặc tìm ra tư thế nào giúp giảm đau.
- Vàng da và vàng lòng trắng của mắt.
- Sốt cao kèm theo ớn lạnh.
Phương pháp chẩn đoán bệnh sỏi mật
Để chẩn đoán sỏi mật, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và cận lâm sàng để đưa ra kết quả chính xác nhất. Khi có kết quả chẩn đoán mắc bệnh sỏi mật, hồ sơ bệnh án của người bệnh sẽ được chuyển cho bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để thực hiện các kiểm tra sâu hơn và đánh giá biến chứng của sỏi mật.
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là bước đầu tiên giúp bác sĩ hiểu rõ tình trạng sức khỏe của Cô Bác, Anh Chị. Cô Bác, Anh Chị cần phải nêu rõ tình trạng, dấu hiệu bệnh lý hiện tại cho bác sĩ nắm rõ. Một số câu hỏi Cô Bác, Anh Chị cần trả lời như:
- Các triệu chứng diễn ra như thế nào? Đã xuất hiện trong thời gian bao lâu và Cô Bác, Anh Chị cảm thấy như thế nào?
- Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng? Chúng xuất hiện thỉnh thoảng hay liên tục?
- Các triệu chứng có liên quan đến ăn uống không?
- Những yếu tố giúp cải thiện hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng?
- Các triệu chứng kèm theo bao gồm sốt?
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành kiểm tra vùng bụng, mắt và da để tìm những thay đổi màu sắc của da hoặc xác định vị trí đau bụng.
Cận lâm sàng chẩn đoán
Cô Bác, Anh Chị sẽ thực hiện các thăm khám cận lâm sàng như xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh để xác định chính xác vị trí, tình trạng, kích thước, phân loại, mức độ nguy hiểm của sỏi mật hoặc các tổn thương ở đường mật.
Xét nghiệm
Xét nghiệm máu giúp đánh giá chức năng gan và nồng độ cholesterol trong máu. Xét nghiệm máu nhằm phát hiện nhiễm trùng, vàng da, viêm tụy hoặc các biến chứng khác do sỏi mật gây ra.
Chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán hình ảnh có thể bao gồm:
- Siêu âm bụng: Phương pháp chiếm 95% độ nhạy và đặc hiệu để phát hiện sỏi mật.
- Siêu âm nội soi (EUS): Kết hợp thiết bị siêu âm với kỹ thuật nội soi giúp xác định những viên sỏi nhỏ có thể bị sót khi siêu âm. Kỹ thuật giúp phát hiện chính xác sỏi mật (< 3 mm) và có thể được chỉ định nếu các kiểm tra khác là không chính xác.
- Chụp đường mật uống thuốc cản quang (Oral Cholecystography).
- Xạ hình gan mật (HIDA scan).
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan).
- Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP).
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Sỏi mật được phát hiện bằng phương pháp ERCP có thể được loại bỏ trong quá trình phẫu thuật.
Bệnh sỏi mật không có triệu chứng và bùn mật thường được phát hiện tình cờ khi siêu âm hoặc chụp X-quang trong quá trình thăm khám các bệnh lý khác. Khoảng 10 đến 15% trường hợp túi mật hóa vôi (calci hóa) có thể thấy được trên phim X-quang.
Sỏi mật có nguy hiểm không?
Thông thường sỏi mật là một bệnh lý lành tính không nguy hiểm cho đến khi nó gây ra các biến chứng. Nếu ống mật hoặc tá tràng bị tắc nghẽn bởi sỏi mật, có thể dẫn đến tắc nghẽn dòng chảy của dịch tiêu hóa đến tuyến tụy, gây vàng da và viêm tụy cấp tính. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật là phương pháp điều trị trong trường hợp này. Tuy nhiên, sau khi cắt túi mật người bệnh thường có cảm giác đầy bụng và khó tiêu, đặc biệt là sau bữa ăn nhiều chất béo, đi ngoài nhiều lần hơn trước.
Tiên lượng
Khoảng 2% người bệnh sỏi mật không triệu chứng sẽ tiến triển các triệu chứng đặc hiệu mỗi năm. Các triệu chứng phát triển phổ biến nhất là đau bụng đường mật hơn là biến chứng đường mật chủ. Khi các triệu chứng mật xuất hiện, chúng có khả năng tái phát. Cơn đau tái phát ở 20 đến 40% bệnh nhân mỗi năm và khoảng 1 đến 2% bệnh nhân mỗi năm phát triển các biến chứng như viêm túi mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp,…
Biến chứng
Các biến chứng sỏi mật có thể bao gồm:
- Viêm túi mật: Sỏi mật bị mắc kẹt trong cổ túi mật có thể gây viêm túi mật, người bệnh thường cảm thấy đau bụng dữ dội và bị sốt.
- Tắc nghẽn ống mật chủ: Sỏi có thể làm tắc nghẽn ống mật chủ – ống dẫn dịch mật từ túi mật hoặc gan đến ruột non. Các triệu chứng có thể xuất hiện gồm đau dữ dội, vàng da và nhiễm trùng ống mật.
- Tắc nghẽn ống tụy: Ống tụy là một đoạn ống đi từ tuyến tụy và nối vào ống mật chủ ngay trước khi đi vào tá tràng. Dịch tụy sẽ chảy qua ống tụy để vào đường tiêu hóa. Khi sỏi gây tắc nghẽn tại đây, tình trạng viêm tụy có thể xảy ra, gây đau bụng dữ dội, liên tục và cần nhập viện điều trị.
- Ung thư túi mật: Người từng bị sỏi mật có nguy cơ cao phát triển ung thư túi mật. Tuy nhiên, khả năng này hiếm khi xảy ra.
Phương pháp điều trị bệnh sỏi mật
Phần lớn người bệnh sỏi mật không có triệu chứng sẽ không cần điều trị y khoa. Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị sỏi mật dựa trên triệu chứng và kết quả từ các xét nghiệm trong chẩn đoán.
Sỏi mật được điều trị nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng của biến chứng sỏi mật như cơn đau dữ dội ở hạ sườn phải. Các cách điều trị sỏi mật bao gồm:
- Phẫu thuật điều trị sỏi mật
- Sử dụng thuốc làm tan sỏi mật
- Tán sỏi mật qua da
- Dẫn lưu túi mật qua da
- Loại bỏ sỏi mật qua nội soi mật tụy ngược dòng
Phẫu thuật điều trị sỏi mật
Phẫu thuật cắt bỏ túi mật là cách phổ biến nhất để điều trị sỏi mật có triệu chứng. Phẫu thuật cắt túi mật có thể thực hiện bằng phương pháp mổ nội soi hoặc mổ mở:
- Phẫu thuật cắt túi mật nội soi: Mổ nội soi cắt bỏ túi mật là phương pháp điều trị sử dụng dây soi và dụng cụ quay thăm dò thông qua vết mổ nhỏ trên bụng, quy trình này ít xâm lấn hơn so với cắt bỏ túi mật mở và rút ngắn thời gian nằm viện.
- Phẫu thuật cắt túi mật mở: Bác sĩ phẫu thuật phải rạch một đường dài từ 5 đến 8 cm trên bụng để cắt bỏ túi mật của người bệnh. Đây là cuộc phẫu thuật lớn và có thể cần đến một tuần ở bệnh viện và thêm vài tuần đến một tháng để phục hồi tại nhà.
Sau khi mổ sỏi mật, mật sẽ chảy trực tiếp từ gan vào ruột non, thay vì được giữ ở túi mật như trước đây. Điều này không gây ảnh hưởng lớn đến khả năng tiêu hóa thức ăn nhưng có thể gây ra tiêu chảy tạm thời.
Sử dụng thuốc làm tan sỏi mật
Thuốc trị sỏi mật được bác sĩ chỉ định đối với người bệnh từ chối phẫu thuật hoặc không đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật như người cao tuổi, nội khoa đồng thời. Liệu pháp làm tan sỏi mật bằng đường uống là sử dụng các loại thuốc chứa axit mật có tác dụng làm tan sỏi. Phương pháp này cần nhiều thời gian, có khi nhiều tháng hoặc nhiều năm, để sỏi được hòa tan. Tuy nhiên, sỏi có khả năng hình thành lại nếu ngừng điều trị.
Tán sỏi mật qua da
Tán sỏi mật qua da là phương pháp dùng sóng xung kích truyền qua người để làm vỡ sỏi mật thành những mảnh nhỏ. Kỹ thuật này thích hợp cho sỏi mật đơn độc hay sỏi kẹt trong ống mật mà không thể lấy ra bằng phương pháp nội soi. Sau khi bắn sỏi có thể dùng thuốc để hòa tan sỏi vụn, bệnh nhân có thể khỏi bệnh hoàn toàn sau vài tháng.
Dẫn lưu túi mật qua da
Phương pháp bao gồm việc đặt một cây kim vô trùng vào túi mật để hút mật giúp giảm viêm. Trong một số trường hợp, sỏi mật có thể được lấy ra qua ống thông sau một vài tuần nếu ống thông đủ lớn để sỏi thoát ra ngoài. Tuy nhiên, cách chữa sỏi mật này không được sử dụng phổ biến.
Loại bỏ sỏi mật qua nội soi mật tụy ngược dòng
Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) được thực hiện bằng cách bác sĩ đưa dụng cụ qua ống nội soi đi vào đường miệng và vào ống mật chủ. Phẫu thuật nhằm cắt cơ vòng Oddi – nơi ống mật chung kết nối với ruột non. Đôi khi đoạn cuối của ống mật chủ cũng bị cắt bỏ nếu sỏi kẹt ở đoạn này. Sỏi mật nằm trong túi mật không thể được loại bỏ bằng kỹ thuật này.
Những điểm cần lưu ý
Phương pháp phòng ngừa bệnh sỏi mật
Những biện pháp sau sẽ giúp Cô Bác, Anh Chị ngăn ngừa nguy cơ hình thành sỏi mật, cũng như không làm tăng kích thước của những viên sỏi hiện có:
- Không bỏ bữa, nhịn đói: xây dựng một khung giờ ăn cố định mỗi ngày. Việc bỏ bữa hoặc nhịn ăn có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật.
- Tránh giảm cân nhanh: nếu cần giảm cân hãy lên kế hoạch dài hạn thay vì giảm cân cấp tốc.
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ từ rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.
- Duy trì cân nặng hợp lý: thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ gây sỏi mật. Nên kiểm soát lượng calo cần thiết cần tiêu thụ mỗi ngày và duy trì chế độ ăn uống, tập luyện thể dục và lối sống lành mạnh.
Những điều cần lưu ý về bệnh sỏi mật
- Sỏi mật là sự hiện diện của một hoặc nhiều sỏi mật trong túi mật hoặc các ống dẫn mật.
- Sỏi mật có khuynh hướng không triệu chứng trên lâm sàng. Triệu chứng sỏi mật phổ biến nhất là đau quặn bụng, ngoài ra nếu kèm theo sốt, vàng da, tiêu chảy, ớn lạnh,… có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng túi mật hoặc viêm túi mật, gan hoặc tuyến tụy.
- Các yếu tố nguy cơ đối với sỏi mật bao gồm nữ giới, béo phì, độ tuổi, chế độ ăn uống thiếu khoa học, giảm cân nhanh và tiền sử gia đình. Hầu hết các rối loạn của đường mật đều do sỏi mật.
- Các biến chứng nghiêm trọng của sỏi mật bao gồm viêm túi mật, tắc ruột mật, đôi khi gây nhiễm trùng (viêm đường mật) và viêm tụy cấp.
- Siêu âm bụng chiếm 95% độ nhạy và đặc hiệu trong chẩn đoán sỏi mật.
- Điều trị hầu hết bệnh nhân sỏi mật có triệu chứng bằng phương pháp phẫu thuật cắt túi mật nội soi.
- Để phòng ngừa bệnh sỏi mật mọi người nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, thói quen sinh hoạt khoa học, duy trì cân nặng hợp lý, không áp dụng các biện pháp nhịn ăn và giảm cân nhanh,…
Chế độ ăn uống dành cho người bị bệnh sỏi mật
Để phòng ngừa bệnh sỏi mật, hỗ trợ quá trình điều trị, đặc biệt là đối với những người đã từng bị sỏi mật hoặc các vấn đề về túi mật, Cô Bác, Anh Chị nên lưu ý về chế độ ăn uống, những thực phẩm nên ăn cũng như hạn chế ăn.
Bệnh sỏi mật nên ăn gì?
Bệnh nhân bị sỏi mật nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C, canxi và vitamin B tốt cho túi mật, bao gồm:
- Ớt chuông
- Trái cây họ cam quýt
- Rau đậm màu
- Cà chua
- Sữa ít béo
- Cá
- Các loại đậu, đậu nành, đậu lăng
Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng với đầy đủ trái cây và rau quả là cách tốt nhất để cải thiện và phòng ngừa các bệnh túi mật. Ăn nhiều protein thực vật hơn cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh túi mật, các loại thực phẩm như đậu, hạt, đậu lăng, đậu nành,… là những lựa chọn thay thế cho thịt đỏ.
Bệnh sỏi mật nên kiêng ăn gì?
Người bệnh sỏi mật nên kiêng ăn các loại thực phẩm sau đây:
- Dầu thực vật
- Dầu đậu phộng
- Thực phẩm chứa carb tinh chế và hạn chế ăn đường
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ
- Thực phẩm chế biến sẵn
Chế độ ăn dành cho bệnh nhân sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật
Sau khi cắt bỏ túi mật người bệnh có thể bị tiêu chảy và phân lỏng trong những tuần đầu sau phẫu thuật. Để giảm những tác dụng phụ này, hãy tránh những thực phẩm sau khi phẫu thuật cắt túi mật:
- Thực phẩm nhiều hơn 3 gam chất béo
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên rán hoặc chế biến sẵn
- Nước sốt kem hoặc nước thịt
- Sữa nguyên kem
Người bệnh nên ăn thực phẩm giàu chất xơ nhưng ít chất béo, tăng chất xơ từ từ và bắt đầu với chất xơ hòa tan như yến mạch. Ngoài ra, nên chia ra nhiều bữa ăn nhỏ, ăn nhiều lần trong ngày.
Tài liệu tham khảo
- Thông tin được cố vấn bởi bác sĩ tại Phòng khám Y học Chứng cứ Endo Clinic.
- Ana Gotter. Gallbladder Diet. 01 10 2018. https://www.healthline.com/health/gallbladder-diet (đã truy cập 10 03, 2022).
- Christina C. Lindenmeyer. Cholelithiasis. 09 2021. https://www.msdmanuals.com/professional/hepatic-and-biliary-disorders/gallbladder-and-bile-duct-disorders/cholelithiasis (đã truy cập 10 03, 2022).
- “Có bệnh lý sỏi mật, cần xem lại lối sống” Bộ y tế. 28 09, 2019. https://kcb.vn/co-benh-ly-soi-mat-can-xem-lai-loi-song.html (đã truy cập 10 03, 2022).
- Jessica DiGiacinto, Brindles Lee Macon. A Guide to Gallstones. 07 10 2021. https://www.healthline.com/health/gallstones (đã truy cập 10 03, 2022).
- Mayo Clinic Staff. Gallstones. 20 08 2021. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gallstones/symptoms-causes/syc-20354214 (đã truy cập 10 03, 2022).
- Nhiều tác giả. “Catastrophic health expenditure of Vietnamese patients with gallstone diseases – a case for health insurance policy revaluation” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. 11 02, 2019. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6375106/ (đã truy cập 10 03, 2022).
- Royce Groce. “Gallstones in Women” American College of Gastroenterology. 04, 2021. https://gi.org/topics/gallstones-in-women/ (đã truy cập 10 03, 2022).
- Sharon Gillson. What Are Gallstones? 30 09 2021. https://www.verywellhealth.com/what-are-gallstones-1742784 (đã truy cập 10 03, 2022).