Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Xét nghiệm đo hoạt độ GGT là gì?

GGT (Gamma Glutamyl Transferase) là một enzym gắn với mang tế bào tham gia vào quá trình xúc tác chuyển các nhóm gamma-glutamyl giữa các acid amin qua màng tế bào.

Enzym này được tìm thấy với hoạt độ lớn ở gan, thận, tuỵ, đường mật và thấp hơn ở tim, lách, ruột non. Tuy nhiên, enzym này lưu hành trong huyết tương với nguồn gốc chủ yếu từ gan.

GGT chịu trách nhiệm trong quá trình chuyển hoá Glutathion ngoài tế bào, nó được xem là enzym đầu tiên chịu tác động khi xảy ra các bệnh lý ở gan và đường mật, chính do độ nhạy cao nên GGT rất hữu ích trong loại trừ bệnh lý gan mật. Tuy nhiên, do độ đặc hiệu thấp nên không giúp ích trong việc xác định nguyên nhân gây bệnh.

Ở người nghiện rượu, GGT thường tăng đơn độc do rượu ức chế hoạt động của enzym này. Độ tăng của enzym này tương ứng với lượng rượu hấp thụ và đường tiến triển của enzym theo thời gian. Thông thường, hoạt độ của enzym này tăng cao sau khoảng 12 – 24 giờ dùng rượu và thời gian bán thải vào khoảng 7 – 10 ngày. Do đó, các bác sĩ thường sử dụng để đánh giá thói quen dùng rượu của bệnh nhân và theo dõi cai rượu.

Trong trường hợp tăng ALP (phosphatase kiềm), việc xét nghiệm GGT giúp phân biệt bệnh có nguồn gốc ở xương (GGT bình thường) hay nguồn gốc ở gan mật (GGT tăng).

Xét nghiệm GGT để làm gì?

Tại bệnh viện, phòng khám dạ dày, đại trực tràng các bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm GGT trong các trường hợp sau:

  • Để chẩn đoán và theo dõi bệnh lý gan mật. Đây là một chỉ dấu enzym rất nhạy đối với bệnh gan. Các triệu chứng xuất hiện khi có vấn đề ở gan bao gồm: chán ăn, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, thiếu năng lượng, đau bụng, vàng da, nước tiểu có màu sậm, phân bạc màu, da ngứa ngáy.
  • Để phân biệt tình trạng tăng phosphatase kiền có nguồn gốc xương hay gan mật.
  • Để sàng lọc các bệnh nhân nhân nghiện rượu mạn tính mà không chịu khai báo cũng như theo dõi điều trị cai rượu.

Cần chuẩn bị gì khi đi xét nghiệm men gan?

  • Xét nghiệm được tiến hành trên huyết tương.
  • Bệnh nhân cần phải nhịn ăn ít nhất 8h trước khi lấy máu xét nghiệm.
  • Bệnh nhân không được sử dụng rượu, bia, thuốc lá trong vòng 24h trước khi lấy máu xét nghiệm.
  • Lưu ý là mẫu bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu cũng như một số thuốc sử dụng (ví dụ: thuốc kháng viêm NSAID, thuốc kháng H2, thuốc chống đông,…) có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Chỉ số GGT tăng bao nhiêu là nguy hiểm?

Giá trị bình thường:

  • 0 – 3 tháng: 4 – 120 U/L
  • 3 tháng – 1 năm: 3 – 30 U/L
  • 1 – 16 tuổi: 2 – 25 U/L
  • Nam: 5 – 38 U/L
  • Nữ: 5 – 29 U/L

Vậy chỉ số GGT bao nhiêu là nguy hiểm? Có 3 mức độ chỉ sự tăng của chỉ số GGT:

  • Mức độ nhẹ: tăng cao trong 1-2 lần.
  • Mức độ trung bình: tăng cao trong 2-5 lần
  • Mức độ nặng: tăng cao trên 5 lần.

Nguyên nhân nào làm hoạt độ GGT tăng cao?

Các nguyên nhân chính gây tăng hoạt độ GGT trong máu bao gồm:

Các bệnh lý gan:

  • Viêm gan do rượu: tăng GGT > 3,5 lần
  • Viêm gan nhiễm trùng: viêm gan do virus, nhiễm toxoplasma, CMV,…
  • Viêm gan cấp, mạn tính, xơ gan.
  • Suy tim mất bù (gan ứ huyết).

Các xâm nhiễm gan:

  • Tăng lipid máu
  • U lympho
  • Áp xe gan
  • Sán lá gan
  • Bệnh sarcoidose, lao

Các bệnh lý gây ứ mật: vàng da tắc mật, viêm xơ hoá đường mật, ung thư biểu mô đường mật,…

Các tổn thương tuỵ tạng: viêm tuỵ, ung thư tuỵ,…

Các tổn thương thận: hội chứng thận hư, ung thư biểu mô đường mật,…

Các nguyên nhân khác: đái tháo đường, cường giáp, COPD, nhồi máu cơ tim,…

Nguyên nhân nào làm hoạt độ GGT giảm?

Nguyên nhân chính làm hoạt độ GGT giảm là suy giáp.

Làm thế nào để kiểm soát chỉ số GGT?

Để giữ cho chỉ số GGT ở ngưỡng an toàn, trước tiên bệnh nhân cần tiến hành làm xét nghiệm GGT, sau đó căn cứ vào kết quả xét nghiệm để có những phương pháp đưa chỉ số này về ngưỡng an toàn, hoặc ngăn ngừa tăng GGT bằng những cách sau:

  • Đầu tiên, cần làm xét nghiệm viêm gan, đặc biệt là viêm gan B và C. Riêng viêm gan B, ngoài xét nghiệm xem HBsAg khi có dương tính còn cần làm thêm xét nghiệm HBeAg, HBsAb, antiHBeAg… Nếu có điều kiện, cần xét nghiệm định lượng ADN của virus.
  • Nếu men gan tăng cao do rượu: tránh sử dụng bia, rượu cũng như các thức uống có cồn trong một thời gian dài.
  • Nếu men gan tăng có nguyên nhân do viêm tắc đường dẫn mật thì cần hỗ trợ cải thiện triệt để nguyên nhân.
  • Không nên tự ý mua các loại thuốc Nam hay thuốc Ðông y theo lời truyền miệng để hỗ trợ cải thiện. Các loại thuốc chưa được kiểm chứng khoa học hoặc chưa có bằng chứng rõ ràng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tai hại, làm bệnh gan thêm trầm trọng hoặc không thể cứu chữa.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm những công việc căng thẳng.
  • Ăn uống sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, đồ ăn có nguồn gốc đảm bảo rõ ràng. Bổ sung nhiều loại thực phẩm tốt cho gan như: tỏi, dầu ô liu, trà xanh, bưởi, quả óc chó, táo, nghệ, chanh, quả bơ, súp lơ xanh,… tránh ăn các loại đồ ăn giàu chất béo, thực phẩm đóng hộp, đường, muối,…
  • Uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để giúp gan đào thải mọi độc tố ra khỏi cơ thể.

◊◊◊ TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Bài giảng Hoá sinh lâm sàng, 2005, GS. Đỗ Đình Hồ.
  • Bài giảng Hoá sinh lâm sàng, 2015, PGS. Lê Xuân Trường.
  • Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?