Giãn tĩnh mạch thực quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Giãn vỡ tĩnh mạch thực quản – dạ dày là bệnh lý nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị trong giai đoạn sớm. Tình trạng bệnh có thể khiến các mạch máu tại thực quản bị giãn ra, theo thời gian sẽ khiến chúng bị vỡ, dẫn đến mất máu. Một số biến chứng do bệnh giãn tĩnh mạch thực quản gây ra như suy nhược, suy đa tạng, thủng thực quản, đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa.

Giãn tĩnh mạch thực quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Giãn tĩnh mạch thực quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan về giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày

Theo thống kê của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ năm 2021, tỷ lệ mắc bệnh giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày được ước tính như sau:

  • 30% người bệnh xơ gan có các biến chứng giãn tĩnh mạch, tỷ lệ này tăng lên 90% trong 10 năm.
  • Tỷ lệ xuất huyết trong năm đầu tiên là 5% với búi giãn tĩnh mạch thực quản nhỏ và 15% đối với búi giãn tĩnh mạch thực quản lớn.
  • Tăng áp lực tĩnh mạch cửa thường gặp trong bệnh gan mạn tính (CLD) ở trẻ em.
  • Giãn tĩnh mạch thực quản thường gặp ở nam giới hơn nữ giới. 50% người bệnh bị giãn tĩnh mạch thực quản có nguy cơ bị xuất huyết tiêu hóa trong tương lai.
  • Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản có tỷ lệ tử vong từ 10% đến 20% trong 6 tuần.
  • Ở các nước châu Âu, nguyên nhân phổ biến gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa là do rượu và viêm gan siêu vi. Ở châu Á và châu Phi, các nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa bao gồm bệnh sán máng và viêm gan B, C.

Giãn tĩnh mạch thực quản là gì?

Giãn tĩnh mạch thực quản (tên tiếng Anh: esophageal varices) là tình trạng mạch máu ở phần dưới thực quản – ống nối cổ họng và dạ dày giãn rộng do tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Vỡ giãn tĩnh mạch thực quản là biến chứng thường gặp ở những người bệnh gan, đặc biệt là xơ gan do rượu, do virus viêm gan siêu vi B, viêm gan C,…

Giãn tĩnh mạch thực quản xảy ra khi lượng máu bình thường đến gan bị tắc nghẽn bởi cục máu đông hoặc mô sẹo trong gan. Để lưu thông qua chỗ tắc nghẽn, máu sẽ chảy vào các mạch máu nhỏ hơn nhưng không có chức năng để lưu thông một lượng máu lớn. Tình trạng tĩnh mạch dưới niêm mạc thực quản hoặc dạ dày nổi rõ và chứa đầy máu được gọi là búi giãn tĩnh mạch. Những búi giãn này phần nào làm giảm bớt áp lực tĩnh mạch cửa, nhưng có thể vỡ bất kỳ lúc nào gây xuất huyết tiêu hoá nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng. Yếu tố tác động khiến các búi giãn vỡ ra vẫn chưa rõ, nhưng xuất huyết thường chỉ xảy ra khi áp lực tĩnh mạch cửa/chủ > 12 mmHg. Người bệnh rối loạn đông máu kèm bệnh lý gan có nguy cơ cao bị xuất huyết hơn.

Giãn tĩnh mạch thực quản là tình trạng mạch máu ở phần dưới thực quản giãn rộng do tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Giãn tĩnh mạch thực quản là tình trạng mạch máu ở phần dưới thực quản giãn rộng do tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Bệnh được phát hiện tình cờ khi xuất hiện các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa như ói ra máu hoặc tiêu phân đen. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Một số loại thuốc và thủ thuật y tế có thể giúp ngăn ngừa hoặc cầm máu do xuất huyết tiêu hóa vỡ giãn tĩnh mạch thực quản.

Phân độ giãn tĩnh mạch thực quản

Phân độ giãn tĩnh mạch thực quản được phân cấp theo kích thước của các búi giãn tĩnh mạch khi thực hiện nội soi tiêu hóa, được chia thành giãn tĩnh mạch thực quản độ 1, độ 2 và độ 3.

  • Giãn tĩnh mạch thực quản độ 1 – Nhỏ: các búi giãn tĩnh mạch thẳng và nhỏ. Khi bơm hơi, các búi giãn bị xẹp hoàn toàn.
  • Giãn tĩnh mạch thực quản độ 2 – Trung bình: các búi giãn tĩnh mạch có kích thước tương đối lớn, có hình dáng xâu chuỗi và chiếm diện tích dưới 1/3 trong lòng thực quản. Khi bơm hơi, các búi giãn không xẹp hoàn toàn.
  • Giãn tĩnh mạch thực quản độ 3 – Lớn: các búi giãn tĩnh mạch có kích thước lớn, có hình dáng giống khối u và chiếm diện tích trên 1/3 trong lòng thực quản.

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân giãn tĩnh mạch thực quản là gì?

Gan đóng một vai trò quan trọng trong việc giải độc máu và các tĩnh mạch cửa chịu trách nhiệm kiểm soát lưu lượng máu vào gan. Các bệnh về gan sẽ làm giảm tốc độ dòng máu qua gan, nhưng lại làm tăng áp lực trong tĩnh mạch cửa. Lượng máu tới tĩnh mạch cửa sẽ đổ dồn vào các mạch máu nhỏ hơn gần đó, gây bệnh giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày.

Tăng áp lực tĩnh mạch cửa ở người bị xơ gan là nguyên nhân phổ biến dẫn đến giãn tĩnh mạch thực quản - dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa ở người bị xơ gan là nguyên nhân phổ biến dẫn đến giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thực quản là gì?

Xơ gannguyên nhân phổ biến nhất gây giãn tĩnh mạch thực quản. Mô sẹo ở gan ngăn cản dòng chảy của máu trong tĩnh mạch cửa – tĩnh mạch chính dẫn máu từ dạ dày và ruột về gan. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa đẩy máu vào các mạch máu nhỏ hơn, như những tĩnh mạch ở phần dưới của thực quản và tĩnh mạch phình vị dạ dày. Các mạch máu này có thành mỏng và nằm sát bề mặt. Theo thời gian, tăng áp lực tĩnh mạch cửa tạo ra các tuần hoàn bàng hệ cửa chủ. Tuần hoàn bàng hệ cửa chủ làm giảm nhẹ áp lực tĩnh mạch cửa nhưng có thể gây ra các biến chứng như tĩnh mạch giãn ra, sưng lên và vỡ gây xuất huyết.

Các nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thực quản bao gồm:

  • Xơ gan nặng: xơ gan là nguyên nhân phổ biến nhất gây giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày. Xơ gan là tình trạng các mô gan khỏe mạnh bị tổn thương và được thay thế bằng các mô sẹo. Một số bệnh gan có thể dẫn đến xơ gan gồm viêm gan, bệnh gan do rượu, bệnh gan nhiễm mỡ và xơ gan ứ mật.
  • Cục máu đông (huyết khối) trong tĩnh mạch cửa hoặc tĩnh mạch đổ vào tĩnh mạch cửa (tĩnh mạch lách).
  • Nhiễm ký sinh trùng: bệnh sán máng là bệnh do giun sán ký sinh được tìm thấy ở các vùng của Châu Phi, Nam Mỹ, Caribe, Trung Đông và Đông Á. Bệnh có thể gây tổn thương gan, phổi, ruột và bàng quang. Tuy nhiên, nhiễm ký sinh trùng là nguyên nhân hiếm gặp gây giãn tĩnh mạch.
  • Hội chứng Budd – Chiari là hội chứng hiếm gặp gây tình trạng tắc nghẽn một số tĩnh mạch trong gan.

Yếu tố làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch thực quản

Hầu hết người mắc bệnh gan tiến triển có nguy cơ cao bị giãn tĩnh mạch thực quản. Các yếu tố làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa giãn vỡ tĩnh mạch thực quản – dạ dày, bao gồm:

  • Tăng áp lực tĩnh mạch cửa: nếu áp lực do lượng máu tăng lên quá cao, các búi giãn tĩnh mạch trong thực quản và dạ dày có thể bị vỡ ra và chảy máu. Xuất huyết là trường hợp khẩn cấp cần được điều trị cấp cứu ngay.
  • Kích thước giãn tĩnh mạch thực quản càng lớn thì khả năng xuất huyết càng cao.
  • Sự hiện diện của những vệt đỏ hoặc chấm đỏ dài trên tĩnh mạch (gọi là dấu son) được phát hiện khi thực hiện nội soi dạ dày hoặc thực quản.
  • Người bệnh xơ gan hoặc suy gan nặng có nguy cơ cao bị xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày.
  • Người bệnh tiếp tục sử dụng rượu bia.
  • Tiền sử đã từng bị xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản trước đây, có nhiều khả năng bệnh tái phát trở lại.

Dấu hiệu và triệu chứng giãn tĩnh mạch thực quản là gì?

Hầu hết người bệnh giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày thường không biểu hiện triệu chứng đặc hiệu. Xuất huyết tiêu hóa trên thường đột ngột và nghiêm trọng, người bệnh sẽ nôn ra một lượng lớn máu. Khi tình trạng xuất huyết giảm nhẹ, người bệnh có thể nuốt phải máu và đi tiêu ra phân đen như hắc ín. Nếu tình trạng xuất huyết không được kiểm soát, người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu sốc như da nhợt nhạt, thở không đều và mất ý thức. Xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch phình vị dạ dày có thể cấp tính nhưng thường là bán cấp tính hoặc mạn tính.

Xuất huyết tiêu hoá có thể khởi phát hội chứng não gan ở người bệnh có chức năng gan suy giảm.

Nôn ra máu, xuất huyết tiêu hóa trên là triệu chứng giãn tĩnh mạch thực quản cần cấp cứu ngay.
Nôn ra máu, xuất huyết tiêu hóa trên là triệu chứng giãn tĩnh mạch thực quản cần cấp cứu ngay.

Các triệu chứng thường xuất hiện của giãn tĩnh mạch thực quản

Giãn tĩnh mạch thực quản thường không gây ra các dấu hiệu và triệu chứng trừ khi có xuất huyết. Đôi khi người bệnh phát hiện tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản thông qua quá trình thăm khám tiêu hóa hoặc tầm soát ung thư tiêu hóa.

Các dấu hiệu và triệu chứng xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản gồm:

  • Ói ra một lượng lớn máu.
  • Tiêu ra phân đen hoặc máu đỏ.
  • Choáng váng.
  • Mất ý thức trong trường hợp nặng.
  • Kèm theo các triệu chứng của bệnh gan mạn tính như: vàng da, vàng mắt, dễ chảy máu hay bầm tím, báng bụng (cổ trướng).

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

  • Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ tại bệnh viện/phòng khám nội soi dạ dày uy tín khi có các dấu hiệu và triệu chứng giãn tĩnh mạch thực quản nêu trên.
  • Nếu Cô Bác, Anh Chị đang điều trị các bệnh lý về gan hãy hỏi bác sĩ về nguy cơ mắc bệnh giãn tĩnh mạch thực quản và những phương pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ mắc bệnh. Hỏi ý kiến bác sĩ về một số xét nghiệm để kiểm tra tình trạng giãn tĩnh mạch là cần thiết không.
  • Nếu Cô Bác, Anh Chị được chẩn đoán mắc chứng giãn tĩnh mạch thực quản, bác sĩ có thể thực hiện các thăm khám theo dõi các dấu hiệu xuất huyết. Xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản là một trường hợp khẩn cấp và nguy hiểm. Cô Bác, Anh Chị cần đến bệnh viện để được chăm sóc y tế ngay lập tức nếu xuất hiện triệu chứng ói ra máu hoặc đi ngoài ra máu (tiêu ra máu).

Phương pháp chẩn đoán giãn tĩnh mạch thực quản do tăng áp lực tĩnh mạch cửa

Để chẩn đoán giãn tĩnh mạch thực quản, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng và cận lâm sàng, kết hợp với kiểm tra các bệnh lý có liên quan đến gan để đưa ra kết quả chính xác nhất. Khi có kết quả chẩn đoán giãn tĩnh mạch thực quản do tăng áp lực tĩnh mạch cửa, hồ sơ bệnh án của người bệnh sẽ được chuyển cho bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để thực hiện các kiểm tra sâu hơn và tìm ra phác đồ điều trị giãn vỡ tĩnh mạch thực quản phù hợp với giai đoạn bệnh.

Nội soi ống tiêu hóa trên là phương pháp chính xác nhất trong chẩn đoán giãn tĩnh mạch thực quản do tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Nội soi ống tiêu hóa trên là phương pháp chính xác nhất trong chẩn đoán giãn tĩnh mạch thực quản do tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng sẽ bao gồm các bước thăm khám và thu thập thông tin sức khỏe của Cô Bác, Anh Chị như:

  • Xem xét các triệu chứng, biểu hiện mà người bệnh đang gặp phải.
  • Kiểm tra hồ sơ tiền sử bệnh án đặc biệt là các bệnh tiêu hóa, các phẫu thuật, dị ứng với thuốc nếu có.
  • Kiểm tra các loại thuốc đã và đang sử dụng được kê đơn hoặc mua ngoài kể cả thực phẩm chức năng.
  • Hỏi tiền sử bệnh cá nhân như viêm gan, vàng mắt hoặc da.
  • Hỏi tiền sử bệnh của gia đình có liên quan.
  • Mức độ sử dụng rượu bia.

Bác sĩ thực hiện thăm khám tổng quát, tập trung khám tiêu hóa, khám bụng để kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng gợi ý nguyên nhân cơ bản.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Cận lâm sàng được thực hiện dựa vào các kết quả chẩn đoán trong bước khám lâm sàng, Cô Bác, Anh Chị có thể thực hiện một hoặc nhiều cận lâm sàng khác nhau để xác định được tình trạng bệnh lý cũng như mức độ nghiêm trọng.

Xét nghiệm

Các xét nghiệm máu được sử dụng để đánh giá số lượng tế bào máu và chức năng gan, thận, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu (CBC): xác định nồng độ hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu giúp bác sĩ đánh giá tổng thể và phát hiện các rối loạn bao gồm nhiễm trùng ống tiêu hóa, xuất huyết đường tiêu hóa, thiếu máu. Giảm tiểu cầu là chỉ số xét nghiệm có ý nghĩa gợi ý tăng áp lực tĩnh mạch cửa và giãn tĩnh mạch thực quản lớn.
  • Xét nghiệm nhóm máu ABO, Rh và phản ứng chéo.
  • Xét nghiệm đánh giá chỉ số men gan: AST, ALT, phosphatase kiềm, bilirubin,… gợi ý bệnh xơ gan.
  • Xét nghiệm đánh giá chức năng thận: BUN, Creatinin,…
  • Xét nghiệm nồng độ albumin trong máu.
  • Xét nghiệm virus viêm gan B/C.
  • Xét nghiệm chức năng đông máu (Prothrombin (INR), APTT, fibrinogen).

Mời Cô Chú, Anh Chị tìm hiểu các loại xét nghiệm:

> Fibrinogen tăng khi nào?

> Các loại nhóm máu và nguyên tắc truyền máu.

Nội soi ống tiêu hóa

Nội soi tiêu hóa là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý thực quản. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.

  • Nội soi thực quản giúp bác sĩ quan sát toàn bộ thực quản, xác định vị trí tĩnh mạch bị giãn, kiểm tra các vệt đỏ và chấm đỏ gợi ý nguy cơ xuất huyết.
  • Nội soi viên nang.

Ngoài khảo sát thực quản, bác sĩ sẽ thực hiện nội soi toàn bộ ống tiêu hóa trên để loại trừ các bệnh lý liên quan như viêm trợt dạ dày cấp tính, loét dạ dày – tá tràng, ung thư dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản, hội chứng Mallory – Weiss,…

Ngoài ra, bác sĩ thực hiện sinh thiết gan làm giải phẫu bệnh để kiểm tra các bệnh lý về gan nếu cần thiết.

Chẩn đoán hình ảnh

Các xét nghiệm hình ảnh được sử dụng để kiểm tra gan, các cơ quan trong ổ bụng và đánh giá lưu lượng máu trong và xung quanh các cơ quan này. Các chẩn đoán hình ảnh được bác sĩ chỉ định có thể bao gồm:

  • Siêu âm Doppler: giúp bác sĩ kiểm tra dòng chảy của máu trong tĩnh mạch cửa, lách và các phần phụ. Từ đó xác định được những bất thường xảy ra như tắc nghẽn động mạch, tĩnh mạch, xơ vữa, khối máu đông,…
  • Siêu âm vùng bụng có thể cho thấy tắc mật trong bệnh lý ung thư.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): giúp quan sát các mạch máu lớn trong ổ bụng, lách và tĩnh mạch cửa có thể gợi ý sự hiện diện của giãn tĩnh mạch thực quản.
  • Đo áp lực cửa bằng ống thông ngược dòng trong tĩnh mạch gan: có thể giúp bác sĩ xác định người bệnh có bị tăng áp lực tĩnh mạch cửa, dẫn đến giãn tĩnh mạch thực quản hay không.
  • Đo gradient áp lực tĩnh mạch cửa gan: tiêu chuẩn để đánh giá tăng áp lực tĩnh mạch cửa nếu gradient áp lực > 10 mmHg nghi ngờ bệnh tắc tĩnh mạch.

Tiên lượng và biến chứng giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày

Tiên lượng

Tiên lượng cho người bệnh giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, tình trạng chức năng gan ở người bệnh xơ gan, vị trí, lượng xuất huyết và tình trạng dung nạp thức uống có cồn.

Khoảng 40% người bệnh xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản sẽ tự ngừng lại. Tuy nhiên, có đến 50 – 75% trường hợp người bệnh đang điều trị xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản ở giai đoạn đầu sẽ bị chảy máu tái phát trong vòng 1 đến 2 năm sau điều trị. Phương pháp điều trị nội soi hoặc điều trị nội khoa có thể giúp giảm nguy cơ tái phát xuất huyết. Tuy nhiên, phương pháp trên vẫn chưa mang lại hiệu quả trong việc giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở người bệnh đã có bệnh lý gan tiến triển.

Tình trạng xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản kéo dài có thể gây tử vong với tỷ lệ trên 20% trong 6 tuần nếu mất máu nhiều. Trước đây, tỷ lệ tử vong là trên 50%. Xuất huyết thường gây tử vong ở những người bệnh bị suy gan nặng như xơ gan tiến triển, trong khi những người bệnh có chức năng gan tốt hơn sẽ phục hồi sau điều trị.

Biến chứng giãn tĩnh mạch thực quản

Biến chứng giãn tĩnh mạch thực quản nguy hiểm và nghiêm trọng nhất là xuất huyết tiêu hóa. Nếu bị mất quá nhiều máu, người bệnh có khả năng bị sốc và dẫn đến tử vong.

Các biến chứng khác có thể xảy ra bao gồm:

  • Suy nhược
  • Bệnh não gan (hôn mê gan)
  • Suy đa tạng
  • Thủng thực quản
  • Giãn tĩnh mạch dạ dày do tăng áp lực tĩnh mạch cửa
Xuất huyết tiêu hóa là biến chứng nghiêm trọng của bệnh giãn tĩnh mạch thực quản. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Xuất huyết tiêu hóa là biến chứng nghiêm trọng của bệnh giãn tĩnh mạch thực quản. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Phương pháp điều trị giãn vỡ tĩnh mạch thực quản

Điều trị giãn vỡ tĩnh mạch thực quản tập trung vào việc làm giảm nguy cơ xuất huyết và kiểm soát tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Đối với người bệnh xuất huyết tiêu hóa cần được cầm máu qua nội soi.

Điều trị ngăn ngừa xuất huyết

Các phương pháp điều trị giúp kiểm soát tăng áp lực tĩnh mạch giảm nguy cơ xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, bao gồm:

  • Sử dụng thuốc hạ huyết áp còn được gọi là thuốc chẹn thụ thể beta để giảm áp lực trong các tĩnh mạch cửa. Những loại thuốc này bao gồm propranolol và nadolol.
  • Nội soi thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su được bác sĩ chỉ định nếu tình trạng giãn tĩnh mạch có nguy cơ cao bị xuất huyết. Các bác sĩ sẽ nội soi và cột các búi giãn này bằng thun cao su. Phương pháp này sẽ thắt mạch máu lại để ngăn chảy máu. Tuy nhiên, thắt thun tĩnh mạch thực quản có một tỷ lệ nhỏ biến chứng như gây ra sẹo thực quản.
Nội soi thắt búi giãn tĩnh mạch bằng vòng cao su giúp điều trị xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Nội soi thắt búi giãn tĩnh mạch bằng vòng cao su giúp điều trị xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Điều trị xuất huyết

Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản cần được điều trị ngay lập tức. Các phương pháp điều trị vỡ giãn tĩnh mạch thực quản giúp kiểm soát tình trạng xuất huyết để ngăn ngừa sốc mất máu và tử vong.

  • Nội soi thắt búi giãn tĩnh mạch bằng vòng cao su: để thắt tĩnh mạch thực quản chảy máu.
  • Sử dụng thuốc làm chậm lưu lượng máu vào tĩnh mạch cửa: thuốc tiêm tĩnh mạch octreotide (Sandostatin) và thuốc vasopressin (thuốc co mạch) giúp làm chậm dòng chảy của máu từ cơ quan nội tạng về tĩnh mạch cửa. Thuốc được sử dụng liên tục trong 5 ngày sau đợt xuất huyết.
  • Tạo đường thông cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh (TIPS) là phương pháp tạo đường thông cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh trong phải, được chỉ định đối với các trường hợp xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch khi các biện pháp điều trị nội khoa và nội soi không đạt kết quả mong muốn.
    • Phương pháp TIPS sẽ được bác sĩ chuyên khoa về quang tuyến thực hiện.
    • Bác sĩ sẽ đánh giá trước can thiệp bằng cách xem xét và đánh giá hình thái, giải phẫu của các tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch gan, tình trạng nhu mô gan lân cận cũng như các bệnh lý kèm theo.
    • Bác sĩ sẽ mở đường vào lòng mạch bằng cách dùng dây và ống thông bằng kim loại có lưới bọc để tiếp cận vào tĩnh mạch gan.
    • Đoạn nối sau đó được nong bằng bóng và đặt 1 ống thông kim loại (stent) vào để tạo ra cầu nối giữa tĩnh mạch chủ và tĩnh mạch gan. Cầu nối này giữ cho lối thông mở ra, giúp điều chỉnh dòng máu chảy từ hệ thống cửa vào thẳng tĩnh mạch chủ, giảm tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa. Kích thước stent rất quan trọng, nếu stent quá lớn có thể dẫn đến bệnh lý não gan do lượng máu từ tĩnh mạch cửa đổ vào quá nhiều.
    • Bác sĩ sẽ kiểm tra lưu thông cửa – chủ bằng cách chụp và đo áp lực lưu thông cửa chủ trong gan. Sau đó, bác sĩ sẽ đóng đường vào lòng mạch, ép thường quy tĩnh mạch cảnh trong.
    • Kết thúc thủ thuật, bệnh nhân nằm nghỉ tại giường trong 8 – 10 giờ. Tiến hành siêu âm Doppler để kiểm tra cầu nối sau 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng và 3 – 6 tháng.
    • Ống thông (Shunt) có thể đặt cho khoảng 90% bệnh nhân và hầu hết mọi người đều có tiến triển tốt sau khi thực hiện TIPS. Tuy nhiên TIPS là một thủ thuật y khoa phức tạp và vẫn có một số trường hợp (5 – 10%) đặt ống thông không thích hợp và gây ra biến chứng như xuất huyết trong ổ bụng, nhiễm trùng và bệnh gan tiến triển nặng.
  • Phẫu thuật bắc cầu tĩnh mạch cửa: như đặt shunt tĩnh mạch lách – thận, cũng hoạt động theo cơ chế tương tự TIPS nhưng phẫu thuật này xâm lấn hơn và có tỷ lệ tử vong cao.
  • Đặt ống thông Sengstaken – Blakemore: được chỉ định để cầm máu trong các trường hợp xuất huyết tiêu hóa nghi do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản.
    • Đây là phương pháp được dùng tạm thời để cầm máu nếu không thực hiện được nội soi cầm máu hoặc trong khi chờ đợi thực hiện thủ thuật đặt shunt cửa – chủ trong gan qua đường tĩnh mạch cảnh (TIPS). Trong trường hợp chưa chẩn đoán được xuất huyết tiêu hóa là do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản hay do chảy máu dạ dày thì đặt ống Blakemore còn có tác dụng theo dõi cả xuất huyết dạ dày đồng thời giúp chẩn đoán xác định.
    • Ống này là một ống sonde dạ dày linh hoạt với một bóng chèn ở dạ dày và một quả bóng chèn ở thực quản. Sau khi chèn, bóng trong dạ dày được bơm lên với một thể tích không khí cố định và dùng lực kéo vào ống để kéo quả bóng khít với đoạn nối dạ dày – thực quản. Phương pháp giúp cầm máu bằng cách tạo áp lực lên các tĩnh mạch thực quản.
  • Bồi hoàn dịch, truyền máu nếu cần được thực hiện để kiểm soát tình trạng sốc giảm thể tích và sốc mất máu.
  • Ngăn ngừa nhiễm trùng: người bệnh xơ gan bị xuất huyết tiêu hoá có nguy cơ nhiễm trùng cao nên được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng sinh norfloxacin hoặc ceftriaxone.
  • Ghép gan: là lựa chọn khi bệnh gan nặng hoặc bị xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản tái phát.
Phương pháp đặt stent tạo đường thông cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh được chỉ định trong trường hợp điều trị xuất huyết tiêu hóa do vỡ giản tĩnh mạch thực quản.
Phương pháp đặt stent tạo đường thông cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh được chỉ định trong trường hợp điều trị xuất huyết tiêu hóa do vỡ giản tĩnh mạch thực quản.

Phương pháp điều trị thử nghiệm

  • Bột cầm máu được dùng qua ống thông trong quá trình nội soi tiêu hóa. Khi xịt vào thực quản, bột cầm máu dính vào các tĩnh mạch thực quản và có thể cầm máu. Tuy nhiên, đây chỉ là một liệu pháp khẩn cấp để cầm máu.
  • Đặt stent kim loại tự giãn nở (SEMS): là phương pháp giúp cầm máu khi tất cả các biện pháp khác không thành công. SEMS có thể được đặt trong quá trình nội soi và cầm máu bằng cách tạo áp lực lên các tĩnh mạch thực quản đang xuất huyết. Tuy nhiên, SEMS có thể làm hỏng mô và ống kim loại có thể lệch sang vị trí khác sau khi được đặt. Stent nên được loại bỏ trong vòng 7 ngày và xuất huyết có thể tái phát. Biện pháp điều trị này còn đang được thử nghiệm và chưa áp dụng rộng rãi.

Những điểm cần lưu ý

Phương pháp phòng ngừa giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày

Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp giúp phòng ngừa giãn tĩnh mạch thực quản ở người bệnh xơ gan. Mặc dù sử dụng các loại thuốc chẹn beta có hiệu quả trong việc ngăn ngừa xuất huyết nhưng không ngăn được sự hình thành giãn tĩnh mạch thực quản.

Một số biện pháp tại nhà và thay đổi lối sống có thể giúp Cô Bác, Anh Chị giảm biến chứng của giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày và giữ cho gan khỏe mạnh hơn, bao gồm:

  • Ngừng uống rượu để hạn chế tạo thêm tổn thương ở gan.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ từ trái cây, rau củ, ngũ cốc, các nguồn protein nạc và hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán.
  • Duy trì cân nặng hợp lý vì lượng chất béo dư thừa trong cơ thể có thể gây tổn thương gan nhanh hơn. Người thừa cân, béo phì có nguy cơ cao bị biến chứng xơ gan.
  • Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất trong sinh hoạt như chất tẩy rửa, thuốc xịt côn trùng,… Cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa an toàn nếu làm việc trong môi trường hóa chất.
  • Giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh viêm gan do virus bằng cách không dùng chung kim tiêm và quan hệ tình dục an toàn. Thực hiện xét nghiệm chẩn đoán có bị nhiễm viêm gan A, B và C không, đồng thời hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm phòng viêm gan A và viêm gan B.
  • Người bệnh xơ gan cần thăm khám, xét nghiệm máu để đánh giá chức năng gan – mật định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Ngừng uống rượu bia để hạn chế tổn thương ở gan, giúp phòng ngừa giãn tĩnh mạch thực quản - dạ dày.
Ngừng uống rượu bia để hạn chế tổn thương ở gan, giúp phòng ngừa giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày.

Những điều cần lưu ý về bệnh giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày

  • Giãn tĩnh mạch thường gặp ở đoạn xa tĩnh mạch thực quản và tĩnh mạch phình vị dạ dày gây ra do tăng áp lực tĩnh mạch cửa, phổ biến ở người bệnh xơ gan.
  • Giãn tĩnh mạch là nguyên nhân chính gây ra xuất huyết tiêu hóa ở người bệnh xơ gan.
  • Nôn ra máu lượng nhiều hoặc tiêu ra phân đen là triệu chứng điển hình khi xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản.
  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh gan là yếu tố chính quyết định tiên lượng sống còn khi xảy ra xuất huyết.
  • Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng được thực hiện để chẩn đoán và điều trị, thắt vòng cao su hoặc tiêm xơ có thể được lựa chọn để điều trị bệnh. Ngoài ra, phân độ giãn tĩnh mạch thực quản qua nội soi là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao.
  • Điều trị dự phòng vỡ giãn tĩnh mạch thực quản nhằm giảm nguy cơ xuất huyết tiêu hóa có thể bao gồm sử dụng thuốc hạ huyết áp, nội soi thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su.
  • Tỷ lệ tái phát là từ 50% đến 75% trong vòng 1 đến 2 năm sau điều trị.

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Marcelle Meseeha, Maximos Attia. Lappas và Michael F. Vaezi. “Esophageal Varices” National Center for Biotechnology Information, U.S. National Library of Medicine. 08 11 2021. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK448078/ (đã truy cập 09 21,2021).
  3. Mayo Clinic Staff. Esophageal varices. 02 20 2021. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/esophageal-varices/symptoms-causes/syc-20351538 (đã truy cập 09 21,2021).
  4. Parswa Ansari. Giãn tĩnh mạch. 01 2018. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/xuất-huyết-tiêu-hoá/giãn-tĩnh-mạch ​(đã truy cập 09 21,2021).
  5. Sissons, Claire. Everything you need to know about esophageal varices. Biên tập bởi Saurabh Sethi. 29 05 2020. https://www.medicalnewstoday.com/articles/esophageal-varices (đã truy cập 09 21,2021).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?

Chia sẻ nội dung: