Ung thư túi mật: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ung thư túi mật là bệnh lý khá hiếm gặp, khó chẩn đoán do không có các triệu chứng đặc hiệu trong giai đoạn sớm vì vậy bệnh thường có tiên lượng thấp. Theo thống kê từ GLOBOCAN, trong năm 2020 Việt Nam đã có 301 ca mắc bệnh và 214 trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, ung thư túi mật có cơ hội chữa khỏi rất cao nếu được phát hiện trong giai đoạn sớm, vì vậy, bác sĩ khuyến cáo Cô Bác, Anh Chị nên khám sức khỏe tổng quát hoặc tầm soát ung thư mật định kỳ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe.

Tổng quan về ung thư túi mật

Ung thư túi mật là một căn bệnh ác tính hiếm gặp nhưng lại chiếm gần 50% tổng số ca bệnh ung thư mật. Tiên lượng của ung thư túi mật thường xấu do đặc điểm xâm lấn của khối u nhanh, biểu hiện muộn, vị trí phẫu thuật phức tạp,…

Ung thư túi mật là gì?

Ung thư túi mật (tên tiếng Anh: Gallbladder Cancer) là sự phát triển bất thường, không kiểm soát của các tế bào tại túi mật. Ung thư túi mật thường không phổ biến và thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, các triệu chứng sẽ không xuất hiện đến khi bệnh tiến triển.

Túi mật là một cơ quan nhỏ hình quả lê nằm phía bụng phải, ngay bên dưới gan, túi mật có chức năng lưu trữ mật do gan sản xuất. Sau khi mật được lưu trữ vào túi mật, chúng sẽ được giải phòng vào ruột non giúp tiêu hóa thức ăn.

Ung thư túi mật phần lớn là ung thư biểu mô tuyến, là một loại ung thư bắt đầu từ các tế bào tuyến trong lớp niêm mạc.

Ung thư túi mật là sự phát triển bất thường, không kiểm soát của các tế bào tại túi mật. Nguồn hình ảnh Mayo Clinic
Ung thư túi mật là sự phát triển bất thường, không kiểm soát của các tế bào tại túi mật. Nguồn hình ảnh Mayo Clinic

Phân loại ung thư túi mật

Ngoài ung thư biểu mô tế bào tuyến, ung thư túi mật còn được chia thành nhiều loại dựa vào loại khối u, mức độ lan rộng và vị trí xuất hiện. Ung thư túi mật được chia thành 3 loại như sau:

  • Ung thư biểu mô tuyến chiếm 76 – 90%.
  • Ung thư nhú: đây là loại ung thư hiếm gặp nhất, chỉ chiếm khoảng 5 – 6%. Đặc điểm nhận diện là các khối u có hình dạng dài như đốt ngón tay, chúng ít di căn sang các cơ quan khác và các hạch bạch huyết. Bên cạnh đó, khi u nhú xuất hiện chúng sẽ bít chặn đường mật và gây ra các triệu chứng khó chịu khiến người bệnh nhân nhận biết sớm. Vì vậy, ung thư u nhú được xem là tình trạng dễ điều trị hơn các loại ung thư túi mật khác.
  • Ung thư biểu mô tế bào vẩy và ung thư biểu mô gai tuyến: ước tính chiếm từ 2 – 10%, ung thư biểu mô tế bào vảy có tiên lượng xấu hơn so với ung thư biểu mô tuyến.

Các giai đoạn của ung thư túi mật

Để xác định tình trạng bệnh lý chính xác và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời, bác sĩ đã chia ung thư túi mật thành 5 giai đoạn bao gồm:

  • Giai đoạn 0 còn được gọi là giai đoạn sớm hoặc giai đoạn ung thư biểu mô tại chỗ, ung thư chỉ giới hạn ở lớp niêm mạc bên trong của túi mật.
  • Giai đoạn 1: các tế bào ung thư đã lan sang lớp cơ.
  • Giai đoạn 2: trong giai đoạn này, các tế bào ung thư tiếp tục xâm lấn sang lớp mô liên kết.
  • Giai đoạn 3: các tế bào ác tính đã di căn đến gan, các cơ quan xung quanh, lớp ngoài cùng (thanh mạc) hoặc có thể là các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 4 hoặc giai đoạn cuối: ung thư đã di căn hơn 3 hạch bạch huyết, mạch máu lân cận hoặc đến các cơ quan ở xa túi mật.

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây ung thư túi mật

Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây ung thư túi mật. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ có thể làm biến đổi cấu trúc DNA khiến các tế bào tăng sinh không kiểm soát, dẫn đến hình thành khối u, theo thời gian sẽ tiến triển thành ung thư.

Nguyên nhân gây ung thư túi mật là gì?

Các yếu tố gây viêm có thể dẫn đến những thay đổi nhất định trong DNA tế bào, khiến chúng mất kiểm soát, đây là một trong những nguyên nhân gây ung thư túi mật.

Tình trạng viêm túi mật mạn tính là yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến ung thư túi mật. Theo Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO), sỏi mật được tìm thấy ở 75 – 90% những người bị ung thư túi mật. Tuy nhiên, bị sỏi mật không có nghĩa là Cô Bác, Anh Chị bị ung thư, hơn 99% những người bị sỏi mật không bao giờ bị ung thư túi mật.

Sỏi mật là những khối nhỏ cứng được hình thành trong túi mật do chứa quá nhiều cholesterol hoặc bilirubin. Khi sỏi mật chặn ống dẫn mật, túi mật sẽ bị viêm, bệnh viêm túi mật có thể là cấp tính hoặc mạn tính.

Đột biến cấu trúc DNA là nguyên nhân gây ung thư túi mật. Ảnh minh họa sưu tầm
Đột biến cấu trúc DNA là nguyên nhân gây ung thư túi mật. Ảnh minh họa sưu tầm

Các yếu tố nguy cơ gây ung thư túi mật là gì?

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư túi mật bao gồm:

  • Giới tính: Ung thư túi mật xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới gấp 4 lần.
  • Độ tuổi: Nguy cơ mắc bệnh ung thư túi mật tăng cao đối với người lớn trên 65 tuổi. Độ tuổi trung bình khi phát hiện ung thư túi mật nằm trong khoảng 72 tuổi.
  • Lối sống: hút thuốc lá, thừa cân, béo phì, ăn nhiều chất béo,…
  • Túi mật bằng sứ là thuật ngữ mô tả hiện tượng thành túi mật chuyển thành màu trắng như sứ do bị vôi hóa, điều này có thể xảy ra sau khi bị viêm túi mật mạn tính.
  • Polyp túi mật được hình thành do sự lắng đọng cholesterol trong thành túi mật. Một số khác có thể là khối u nhỏ lành tính, ác tính hoặc do viêm. Chỉ khoảng 5% những khối u này tiến triển thành ung thư, tuy nhiên bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên cắt bỏ túi mật nếu kích thước khối u lớn hơn hoặc bằng 1cm.
  • Viêm đường mật: viêm đường mật xơ cứng nguyên phát (PSC) gây viêm các ống dẫn mật từ gan đến túi mật, có thể dẫn đến ung thư túi mật.
  • Bệnh thương hàn do vi khuẩn Salmonella gây ra, những trường hợp bị nhiễm trùng mạn tính sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư túi mật.
  • U nang đường mật: nang mật là những túi chứa đầy mật dọc theo ống mật chủ (ống dẫn từ gan và túi mật đến ruột non). Các u nang có thể phát triển lớn theo thời gian và chứa từ 1 – 2 lít mật. Các tế bào lót túi mật thường có những vùng thay đổi tiền ung thư, theo thời gian chúng có thể tiến triển thành ung thư túi mật.
  • Tiền sử gia đình: nếu gia đình có người đã từng mắc bệnh ung thư túi mật, nguy cơ mắc bệnh của Cô Bác, Anh Chị sẽ cao hơn so với gia đình không có người bị ung thư.
  • Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư túi mật như u nang đường mật bẩm sinh, giải phẫu tuyến tụy bất thường, bệnh viêm ruột,…

Các khuyến cáo về tầm soát ung thư túi mật

Tầm soát ung thư là phương pháp thông qua việc kiểm tra và các xét nghiệm để phát hiện ra tế bào ung thư ngay từ giai đoạn sớm khi chưa xuất hiện dấu hiệu bệnh, khi đó việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Một số xét nghiệm sàng lọc đã được chứng minh là giúp phát hiện sớm ung thư và giảm nguy cơ tử vong do bệnh ung thư.

Ung thư túi mật rất khó phát hiện sớm (khi nó còn nhỏ và chỉ ở trong túi mật). Túi mật nằm sâu bên trong cơ thể, vì vậy Cô Bác, Anh Chị không thể nhìn thấy hoặc sờ thấy các khối u ban đầu khi khám sức khỏe định kỳ. Không có xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nào khác có thể phát hiện sớm và tin cậy để tầm soát ung thư túi mật. Do đó, hầu hết ung thư túi mật chỉ được phát hiện sau khi ung thư đã phát triển đủ để gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng.

Hiện tại, việc tầm soát ung thư túi mật được khuyến cáo cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Vì thế, tầm soát ung thư túi mật theo khuyến cáo là biện pháp được khuyến khích để phát hiện bệnh sớm, tăng hiệu quả điều trị và tiên lượng sống tốt hơn. Do đó, nếu Cô Bác, Anh Chị có nguy cơ hoặc lo lắng về căn bệnh này thì có thể trao đổi với bác sĩ để cân nhắc tầm soát ung thư ở thời điểm thích hợp.

Dấu hiệu và triệu chứng ung thư túi mật là gì?

Dấu hiệu và triệu chứng ung thư túi mật thường không xuất hiện cho đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng. Đây cũng là lý do phần lớn khi phát hiện ung thư túi mật, các tế bào đột biến đã di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể và các hạch bạch huyết xung quanh, dẫn đến tiên lượng ung thư túi mật rất thấp.

Sốt, vàng mắt và da, đau bụng và buồn nôn là các triệu chứng thường gặp nhất khi mắc các bệnh liên quan đến túi mật. Nguồn ảnh minh họa verywellhealth.com
Sốt, vàng mắt và da, đau bụng và buồn nôn là các triệu chứng thường gặp nhất khi mắc các bệnh liên quan đến túi mật. Nguồn ảnh minh họa verywellhealth.com

Các triệu chứng ung thư túi mật phổ biến

Ung thư túi mật thường không xuất hiện các dấu hiệu trong giai đoạn sớm, một số triệu chứng ung thư túi mật phổ biến trong giai đoạn tiến triển bao gồm:

  • Đau bụng, đặc biệt là phần bụng trên bên phải.
  • Chướng bụng.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Bị vàng da và mắt do lượng bilirubin cao do tắc nghẽn ống dẫn mật.
  • Xuất hiện khối u ở bụng, tình trạng này xảy ra khi túi mật to lên do đường mật bị tắc hoặc ung thư di căn đến gan, các khối u thường xuất hiện ở vùng bụng trên bên phải.
  • Buồn nôn, nôn ói.
  • Sốt.
  • Chán ăn, ăn không ngon.
  • Nước tiểu sẫm màu.
  • Gan to.
  • Cổ trướng (báng bụng).
  • Tắc ruột.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Khi xuất hiện một trong các dấu hiệu trên, Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ tại bệnh viện/phòng khám tiêu hóa uy tín để được thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe. Một số triệu chứng cảnh báo như gan to, sờ thấy khối u ở bụng, cổ chướng và tắc ruột là những dấu hiệu cho thấy giai đoạn di căn tiến triển.

Phương pháp chẩn đoán ung thư túi mật

Để chẩn đoán ung thư túi mật chính xác, xác định giai đoạn bệnh, mức độ xâm lấn và tìm ra phác đồ điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, đưa ra giai đoạn ung thư và tiên lượng cho người bệnh.

Túi mật là một cơ quan khá nhỏ và nằm sâu bên trong ổ bụng, vậy nên các triệu chứng thường khó phát hiện và các dấu hiệu cũng không biểu hiện ra ngoài. Đôi khi, ung thư túi mật được phát hiện tình cờ thông qua phẫu thuật cắt bỏ túi mật do viêm hoặc các bệnh lý khác.

Khám lâm sàng

Thông qua khám lâm sàng, bác sĩ sẽ hỏi Cô Bác, Anh Chị một số câu hỏi để tìm ra nguyên nhân gây bệnh như:

  • Các triệu chứng Cô Bác đang gặp phải là gì?
  • Lần đầu tiên các triệu chứng xuất hiện khi nào?
  • Các triệu chứng có xuất hiện liên tục không?
  • Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng như thế nào?
  • Cô Bác có thường xuyên sử dụng rượu bia hoặc thuốc lá không?
  • Cô Bác có từng mắc các bệnh về túi mật như viêm túi mật, nhiễm trùng, sỏi mật,… không?
  • Gia đình có ai đã từng mắc các bệnh liên quan không?
  • Cô Bác có đang sử dụng thuốc điều trị bệnh lý nào không?

Thông qua những câu hỏi trên, bác sĩ có thể chẩn đoán và loại trừ một số nguyên nhân liên quan, từ đó sẽ chỉ định các phương tiện cận lâm sàng phù hợp.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Dựa vào các triệu chứng, tình trạng sức khỏe và các chẩn đoán lâm sàng, Cô Bác, Anh Chị có thể được chỉ định thực hiện một hoặc nhiều phương tiện cận lâm sàng khác nhau như xét nghiệm máu, chụp CT, MRI, siêu âm, nội soi,…

Xét nghiệm

Xét nghiệm máu: xét nghiệm chức năng gan cho biết gan, túi mật và ống dẫn mật hoạt động như thế nào, các chỉ số về gan có thể cảnh báo một nguyên nhân gây ra các triệu chứng của Cô Bác, Anh Chị.

Đặc biệt đối với bệnh nhân bị vàng da, tắc nghẽn, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm công thức máu đầy đủ kết hợp với chức năng gan.

Các chỉ số xét nghiệm máu và chức năng gan thường được sử dụng để chẩn đoán ung thư túi mật. Ảnh minh họa sưu tầm
Các chỉ số xét nghiệm máu và chức năng gan thường được sử dụng để chẩn đoán ung thư túi mật. Ảnh minh họa sưu tầm

Nội soi và sinh thiết túi mật

  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) là phương pháp được thực hiện thông qua một ống soi nhỏ có gắn camera, dây soi này sẽ được đưa qua miệng vào đến ruột non. Sau đó người bệnh sẽ được tiêm một loại thuốc nhuộm vào ống mật và bắt đầu chụp X-quang để tìm các tổn thương, tắc nghẽn nếu có.
  • Sinh thiết: Một phần nhỏ của khối u được cắt bỏ và được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, bác sĩ sẽ quan sát, dự đoán và xác định chẩn đoán khối u lành tính hay ác tính.

Chẩn đoán hình ảnh

  • Siêu âm: Hình ảnh túi mật và gan được tạo ra từ sóng âm thanh, đây là thường là chẩn đoán đầu tiên được thực hiện giúp bác sĩ quan sát các bất thường có trong gan, mật, tụy (nếu có).
  • Chụp CT: chụp cắt lớp vi tính cho thấy các hình ảnh về túi mật và các cơ quan xung quanh rõ nét hơn.
  • MRI: cũng như các phương pháp khác, tuy nhiên MRI lại cho chất lượng hình ảnh hiển thị chi tiết hơn các phương tiện khác.
  • Chụp đường mật xuyên gan qua da (PTC): bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc nhuộm vào ống dẫn mật, gan và túi mật, sau đó sẽ thực hiện chụp X-quang. Thuốc nhuộm sẽ cho bác sĩ thấy các tắc nghẽn bên trong đường mật hoặc gan trên ảnh chụp.

Xác định mức độ ung thư túi mật

Sau khi chẩn đoán ung thư túi mật, bác sĩ sẽ tiến hành xác định mức độ, giai đoạn ung thư. Xác sđịnh chính xác giai đoạn ung thư rất quan trọng trong tiên lượng và điều trị ung thư túi mật.

Một số xét nghiệm và phương pháp giúp phân giai đoạn ung thư túi mật bao gồm:

  • Phẫu thuật thăm dò: Bác sĩ sẽ đề xuất phẫu thuật để quan sát rõ tình trạng bên trong ổ bụng, xác định các dấu hiệu ung thư hoặc các bệnh lý về túi mật thông qua nội soi ổ bụng.
  • Các xét nghiệm kiểm tra đường mật: bác sĩ có thể đề nghị thực hiện tiêm thuốc nhuộm và chẩn đoán hình ảnh thông qua CT, MRI hoặc nội soi.

Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả từ các phương pháp trên, kết hợp với Hệ thống phân loại ung thư TNM để xác định giai đoạn ung thư hiện tại. Các giai đoạn ung thư túi mật được phân từ 0 – 4, dựa vào đó bác sĩ sẽ xác định tiên lượng và liệu trình điều trị ung thư phù hợp.

Tiên lượng của ung thư túi mật

Tiên lượng sống còn của ung thư túi mật phụ thuộc vào giai đoạn bệnh được phát hiện, tiên lượng ung thư giai đoạn đầu tốt hơn ung thư giai đoạn cuối. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tiên lượng sống còn sau 5 năm đối với bệnh ung thư túi mật rất kém, ước tính là 19% và có tỷ lệ tái phát cao.

Theo Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (the American Cancer Society of Clinical Oncology – ASCO), tiên lượng sau 5 năm đối với tùng giai đoạn của ung thư túi mật như sau:

  • 80% đối với ung thư biểu mô tại chỗ (giai đoạn 0).
  • 50% ung thư chỉ xuất hiện trong túi mật (giai đoạn 1).
  • 8% nếu tế bào ung thư di căn đến các hạch bạch huyết (giai đoạn 3).
  • Ít hơn 4% với ung thư di căn sang các bộ phận khác (giai đoạn 4).

Trong một nghiên cứu, bệnh nhân ung thư u nhú có tỷ lệ chữa khỏi sau phẫu thuật cao hơn so với bệnh nhân ung thư túi mật biểu mô tuyến. Ung thư cũng được chẩn đoán sớm hơn trong quá trình phát bệnh ở những bệnh nhân có khối u nhú hơn là ở những người bị ung thư biểu mô tuyến.

Ung thư biểu mô gai tuyến có xu hướng tiên lượng xấu hơn khi so sánh với ung thư biểu mô tuyến của túi mật. Tuy nhiên, khi loại ung thư này chưa lan ra ngoài túi mật, tiên lượng sống còn vẫn cao hơn. Một nghiên cứu cho thấy hóa trị sau phẫu thuật cũng có thể cải thiện tiên lượng ở loại ung thư này.

Phương pháp điều trị ung thư túi mật

Phương pháp điều trị ung thư túi mật sẽ dựa vào giai đoạn ung thư và tình trạng sức khỏe của cơ thể. Mục tiêu điều trị là loại bỏ các tế bào ung thư, giúp kiểm soát sự lây lan, biến chứng, hạn chế các triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh.

Tuy nhiên, nếu không đạt hiệu quả, các phương phháp xâm lấn khác sẽ được thực hiện như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch,…

Mục tiêu điều trị ung thư túi mật là loại bỏ các tế bào đột biến, giúp kiểm soát sự lây lan, biến chứng, hạn chế các triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh. (Nguồn tham khảo: newsbeezer.com)
Mục tiêu điều trị ung thư túi mật là loại bỏ các tế bào đột biến, giúp kiểm soát sự lây lan, biến chứng, hạn chế các triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh. (Nguồn tham khảo: newsbeezer.com)

Phẫu thuật cắt bỏ

Phẫu thuật cắt bỏ có thể là lựa chọn đầu tiên khi ung thư túi mật được phát hiện trong giai đoạn sớm, trước khi các tế bào ung thư di căn sang các cơ quan xung quanh. Một số lựa chọn cho phẫu thuật bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ túi mật: Ung thư túi mật giai đoạn đầu (khu trú trong túi mật) được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
  • Phẫu thuật cắt bỏ túi mật và một phần gan: Ung thư túi mật kéo dài, xâm lấn ra ngoài túi mật và gan đôi khi được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ túi mật, cũng như các phần có nguy cơ của gan và đường mật bao quanh túi mật.

Trong trường hợp ung thư túi mật rất nhỏ, có thể loại bỏ hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ, bệnh nhân không cần thực hiện các điều trị bổ sung. Tuy nhiên, nếu bác sĩ vẫn còn nghi ngờ, người bệnh nên tái khám và theo dõi định kỳ, thực hiện tầm soát ung thư theo khuyến cáo của bác sĩ, đồng thời có thể phải thực hiện thêm các phương pháp điều trị ung thư túi mật khác như hóa trị, xạ trị,…

Hóa trị liệu

Hóa trị là liệu pháp sử dụng thuốc nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư đang phát triển không kiểm soát. Thuốc hóa trị có thể được truyền qua tĩnh mạch, ở dạng viên nén hoặc bác sĩ sẽ kết hợp cả hai để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

Hóa trị có thể được chỉ định sau khi thực hiện phẫu thuật nếu các tế bào ung thư không thể loại bỏ hoàn toàn hoặc để kiểm soát nếu bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật.

Hóa trị sau phẫu thuật nên được thực hiện trong 8 – 12 tuần kèm theo các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để xác định loại giai đoạn ung thư.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng nguồn năng lượng bức xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư và thu nhỏ khối u. Trong quá trình xạ trị, bác sĩ sẽ hướng nguồn năng lượng trực tiếp vào gan, vì vậy có thể bảo vệ các mô khỏe mạnh xung quanh. Ngoài ra, còn có một phương pháp xạ trị chuyên biệt khác gọi là xạ trị toàn thân lập thể, bác sĩ sẽ tập trung nhiều chùm bức xạ đồng thời vào một điểm trên cơ thể.

Điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu

Điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu sẽ tập trung ngăn chặn các bất thường trong các tế bào ung thư. Tuy nhiên, phương pháp điều trị ung thư này chỉ áp dụng ở những bệnh nhân có đột biến gen nhất định. Vì vậy, trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ phân tích tế bào ung thư xem phương pháp này có phù hợp với tình trạng của người bệnh không.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân nhắm vào các tế bài ung thư và tiêu diệt chúng. Đây là một phương pháp điều trị mới và chỉ có thể chỉ có sẵn trong các thử nghiệm lâm sàng đối với bệnh ung thư túi mật.

Chăm sóc giảm nhẹ

Đối với trường hợp ung thư túi mật đã tiến triển đến giai đoạn nặng, phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả như mong muốn, bác sĩ sẽ sử dụng một số liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu cho người bệnh.

Nếu mật không chảy do ống dẫn mật bị tắc, bác sĩ sẽ đặt stent vào ống trong quá trình nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) giúp cho ống mật được thông và dẫn lưu tốt hơn.

Ngoài ra, thông ống mật cũng giúp giải quyết vấn đề tắc ống mật ở một số trường hợp, bác sĩ sẽ đặt một ống thông mỏng, giúp mật có thể chảy vào một túi nhỏ nằm bên ngoài cơ thể.

Theo dõi sau điều trị 

  • Theo dõi định kỳ cho đến khi bệnh nhân không thể tiếp tục được theo dõi nữa (tử vong, mất liên lạc,…). 
  • Tùy phương pháp, hiệu quả điều trị, thời gian bệnh ổn định hay tiến triển mà mỗi bệnh nhân sẽ có lịch tái khám riêng. 
  • Mỗi lần tái khám, bệnh nhân sẽ được đánh giá về lâm sàng và làm đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng để đánh giá kết quả điều trị, theo dõi diễn tiến bệnh và phát hiện tái phát. 
  • Điều quan trọng đối với tất cả những bệnh nhân ung thư túi mật sau điều trị là phải thông báo cho bác sĩ về bất kỳ vấn đề hay triệu chứng mới nào, vì chúng có thể là do ung thư tái phát, hoặc là triệu chứng của một căn bệnh mới hay là loại ung thư thứ hai. 

Những điểm cần lưu ý

Phương pháp phòng ngừa ung thư túi mật

Phần lớn các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư túi mật đều không thể thay đổi được như độ tuổi, giới tính, dân tộc,… Tuy nhiên, một chế độ ăn uống khoa học và lối sống lành mạnh sẽ giúp Cô Bác, Anh Chị giảm nguy cơ mắc bệnh. Sau đây là một số lời khuyên của các chuyên gia về phòng ngừa ung thư túi mật:

  • Duy trì cân nặng hợp lý: đây là một yếu tố quan trọng để làm giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư bao gồm cả ung thư túi mật. Thường xuyên tập thể dục, rèn luyện sức khỏe, bác sĩ khuyến cáo Cô Bác nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục, tập thể dục không chỉ giúp duy trì cân nặng, tăng cường sức khỏe mà còn tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Cô Bác nên thực hiện một chế độ ăn nhiều trái cây và rau xanh, giúp tăng cường hệ miễn dịch, ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc tinh chế, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thịt đỏ,…
  • Hạn chế các đồ uống chứa cồn như rượu bia.

Ung thư túi mật và những điều cần lưu ý

  • Ung thư túi mật là bệnh lý khá hiếm gặp, khó chẩn đoán do không có các triệu chứng đặc hiệu trong giai đoạn sớm vì vậy bệnh thường có tiên lượng thấp.
  • Ung thư túi mật có cơ hội chữa khỏi rất cao nếu được phát hiện trong giai đoạn sớm.
  • Ung thư túi mật phần lớn là ung thư biểu mô tuyến, là một loại ung thư bắt đầu từ các tế bào tuyến trong lớp niêm mạc.
  • Viêm túi mật mạn tính là yếu tố nguy cơ chính của ung thư túi mật.
  • Một số dấu hiệu nhận biết ung thư túi mật trong giai đoạn tiến triển bao gồm đau bụng, chướng bụng, sụt cân, vàng da,…
  • Ung thư túi mật thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ, hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm mục tiêu,…

Chế độ ăn uống dành cho người mắc bệnh ung thư túi mật

Đối với một số người bệnh mắc ung thư túi mật hoặc đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi mật cần chú ý đến chế độ ăn uống. Thông thường, Cô Bác, Anh Chị chỉ cần hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, những nhóm thực phẩm khó tiêu hóa, thức uống chứa cồn,…

Việc thay đổi chế độ ăn uống cũng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân, phổ biến nhất là những tháng đầu tiên sau khi thực hiện phẫu thuật, và Cô Bác, Anh Chị cũng không cần áp dụng chế độ ăn uống này mãi mãi. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng tại các cơ sở y tế uy tín (bệnh viện/phòng khám nội soi tiêu hóa).

Người mắc bệnh ung thư túi mật hoặc đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi mật cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh theo chỉ định của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng. Ảnh minh họa sưu tầm
Người mắc bệnh ung thư túi mật hoặc đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi mật cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh theo chỉ định của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng. Ảnh minh họa sưu tầm

Người mắc bệnh ung thư túi mật nên ăn những loại thực phẩm nào?

Cô Bác, Anh Chị nên ăn những loại thực phẩm giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn như:

  • Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm các loại đậu, yến mạch, lúa mạch, bánh mì ngũ cốc, các loại hạt khô không qua chế biến như hạnh nhân, óc chó,…
  • Trái cây và rau xanh giàu dinh dưỡng như súp lơ, bắp cải, rau chân vịt, cà chua, cam quýt, bơ, việt quất, mâm xôi,…
  • Thịt nạt như ức gà, cá hồi, cá tuyết, cá bơn,…
  • Sử dụng các loại chất béo lành mạnh và thực phẩm ít béo: Cô Bác có thể chuyển sang dùng dầu olive, dầu bơ, dầu dừa hoặc sử dụng các sản phẩm chứa ít chất béo như sữa chua, sữa ít đường, sữa tách béo, sữa từ các loại hạt,…

Người mắc bệnh ung thư túi mật nên kiêng ăn những loại thực phẩm nào?

Những thực phẩm sau đây có thể không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cơ thể, tuy nhiên chúng có thể khiến Cô Bác, Anh Chị cảm thấy đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy:

  • Thực phẩm đã qua chế biến hoặc chứa nhiều chất béo: thịt heo, thịt bò, thịt ba rọi, xúc xích, lạp xưởng,…
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua béo, phô mai, bơ, kem chua,…
  • Thực phẩm chế biến sẵn.
  • Caffeine và thức uống chứa cồn.

Tài liệu tham khảo

  1. Alejandro Recio-Boiles, Sarang Kashyap & Hani M. Babiker. Gallbladder Cancer. StatPearls, 2022.
  2. Amber J. Tresca. What Is Gallbladder Cancer? 09 02 2021. https://www.verywellhealth.com/gallbladder-cancer-5093114#toc-types-of-gallbladder-cancer (đã truy cập 03 09, 2022).
  3. Cleveland Clinic medical professional. Gallbladder Cancer. 14 06 2021. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17013-gallbladder-cancer (đã truy cập 03 09, 2022).
  4. Mayo Clinic’s Staff. Gallbladder cancer. 02 12 2020. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gallbladder-cancer/symptoms-causes/syc-20353370 (đã truy cập 03 09, 2022).
  5. The American Cancer Society medical. Gallbladder Cancer. 12 07 2018. https://www.cancer.org/cancer/gallbladder-cancer.html (đã truy cập 03 09, 2022).
  6. Tim Jewell. Gallbladder Removal Diet: What to Eat and What to Skip. 27 08 2020. https://www.healthline.com/health/gallbladder-removal-diet (đã truy cập 03 09, 2022).
  7. Yamini Ranchod, Ph.D., M.S. All About Gallbladder Cancer. 04 02 2019. https://www.healthline.com/health/gallbladder-cancer (đã truy cập 03 09, 2022).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?

Chia sẻ nội dung: