Ung thư tuyến tụy: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Theo thống kê từ GLOBOCAN tại Việt Nam, số ca ung thư tuyến tụy mới được phát hiện trong năm 2020 là 1.113 ca nhưng trường hợp tử vong lên đến 1.065 ca. Các triệu chứng của ung thư tụy thường chỉ biểu hiện trong giai đoạn muộn dẫn đến chậm trễ trong chẩn đoán bệnh. Lý do khác khiến ung thư tụy có tiên lượng xấu do người bệnh chủ quan, cố gắng chịu đựng khi có triệu chứng tiêu hóa kéo dài mà không đi thăm khám.

Theo Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO), tỷ lệ điều trị thành công và tiên lượng sống trên 5 năm của bệnh nhân ung thư tụy ở giai đoạn khu trú là 39%. Nhưng đối với ung thư tụy ở giai đoạn di căn, tiên lượng sống trên 5 năm giảm còn 3%. Can thiệp phẫu thuật ở giai đoạn sớm là phương pháp điều trị có nhiều khả năng cải thiện cơ hội sống sót nhất. Vì vậy, nếu Cô Chú, Anh Chị thuộc nhóm có nguy cơ cao thì cần trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch tầm soát định kỳ nhằm phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời.

Tổng quan về ung thư tụy

Ung thư tuyến tụy là một trong những bệnh lý nguy hiểm, khó phát hiện, khó điều trị và tỷ lệ tử vong gần như tương đương số ca mắc bệnh. Bệnh khó phát hiện do tuyến tụy nằm sau dạ dày, các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng hoặc kiểm tra cận lâm sàng như siêu âm, chụp CT,… thường bỏ sót, chỉ khi khối u phát triển lớn mới phát hiện.

Ung thư tuyến tụy là gì?

Ung thư tuyến tụy hay ung thư tụy (tên tiếng Anh: pancreatic cancer) là tình trạng tế bào ở mô tụy bị đột biến thành tế bào ác tính và bắt đầu tăng sinh không kiểm soát. Sau một thời gian, các tế bào đột biến phát triển thành khối u.

Trên 95% ung thư tuyến tụy có nguồn gốc từ mô tụy ngoại tiết, bao gồm tế bào biểu mô ống tụy, tế bào “acinar”, tế bào mầm,… Trong đó khoảng 85% xuất phát từ tế bào biểu mô ống tụy ngoại tiết. Trường hợp ung thư tuyến tụy xuất phát từ tế bào tụy nội tiết và của mô liên kết rất hiếm gặp.

Triệu chứng ung thư tụy giai đoạn sớm thường khó nhận biết, phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện ở giai đoạn tiến triển (xâm lấn – di căn) khiến việc điều trị trở nên khó khăn hoặc có nguy cơ cao dẫn đến tử vong.

Các lựa chọn điều trị ung thư tụy phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, mức độ di căn của tế bào ung thư bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp các phương pháp này.

Ung thư tụy là những tổn thương ác tính phát triển tại một số tế bào của tụy. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Ung thư tụy là những tổn thương ác tính phát triển tại một số tế bào của tụy. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Tuyến tụy là gì?

Tuyến tụy là cơ quan hình lá nằm sau phúc mạc và sát thành bụng sau. Phía trước tụy được che phủ bởi dạ dày.

Tuyến tụy có ba phần: đầu, đuôi và thân tụy. Các enzyme tiêu hóa và hormone sản xuất trong tuyến tụy được truyền đến tá tràng (phần đầu tiên của ruột non) thông qua một ống gọi là ống tụy. Phần của tuyến tụy sản xuất hormone được gọi là tuyến tụy nội tiết, phần sản xuất enzyme tiêu hóa được gọi là tuyến tụy ngoại tiết.

Tụy có 2 chức năng chính trong hệ tiêu hóa là:

  • Chức năng ngoại tiết: sản xuất ra các enzym mà cơ thể cần để tiêu hóa chất béo, carbohydrate và protein.
  • Chức năng nội tiết: sản xuất ra 2 hormone quan trọng là glucagon và insulin tham gia vào quá trình chuyển hóa lượng đường trong máu của cơ thể. Insulin giúp tế bào chuyển hóa glucose để tạo năng lượng và glucagon giúp tăng nồng độ glucose huyết.

Phân loại bệnh ung thư tụy

Ung thư tuyến tụy có thể được chia thành hai loại chính dựa trên các loại tế bào ung thư khác nhau được tìm thấy trong tuyến tụy, bao gồm: ung thư tụy ngoại tiết (96%) và ung thư tụy thần kinh nội tiết (4%).

Ung thư tụy phát sinh từ các tế bào ống tuyến thường gặp nhiều hơn 9 lần so với tế bào nang tuyến và 80% xảy ra ở đầu tụy. Ung thư biểu mô tuyến xuất hiện ở tuổi trung bình 55 và gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới 1,5 đến 2 lần.

Ung thư tụy ngoại tiết

Ung thư tụy ngoại tiết là loại ung thư tụy phổ biến nhất chiếm khoảng 96% trường hợp chẩn đoán mắc bệnh. Khoảng 95% ung thư tụy ngoại tiết là ung thư biểu mô tuyến tụy (PDAC), ít phổ biến hơn là các ung thư biểu mô tuyến vảy, ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tế bào hình nhẫn, ung thư biểu mô không biệt hóa và ung thư biểu mô không biệt hóa với các tế bào khổng lồ. Ung thư tụy ngoại tiết bao gồm:

  • Ung thư biểu mô tuyến tụy (Pancreatic adenocarcinoma: PDAC)
  • Ung thư tụy biểu mô tế bào vảy (Pancreatic squamous cell carcinoma)
  • Ung thư tụy biểu mô tuyến vảy (Pancreatic adenosquamous carcinoma)
  • Ung thư tụy biểu mô tụy dạng keo (Pancreatic colloid carcinoma)
Ung thư biểu mô tuyến tụy

Ung thư biểu mô tuyến tụy là loại ung thư tuyến tụy phổ biến nhất, chiếm 95% các loại ung thư tụy ngoại tiết. Ung thư biểu mô tuyến tụy xảy ra ở lớp niêm mạc của các ống dẫn trong tuyến tụy.

Ung thư biểu mô tuyến tụy cũng có thể phát triển từ các tế bào tạo ra enzym tuyến tụy, được gọi là ung thư biểu mô tế bào acinar. Loại ung thư tụy này chiếm 1% đến 2% các ung thư ngoại tiết. Triệu chứng của ung thư biểu mô tế bào Acinar tương tự như các triệu chứng của ung thư biểu mô tuyến, bao gồm đau bụng, buồn nôn, giảm cân, một số bệnh nhân có thể bị phát ban trên da và đau khớp.

Ung thư tụy biểu mô tế bào vảy

Ung thư tụy biểu mô tế bào vảy cực kỳ hiếm gặp, chỉ chiếm 0,5-2% số các ung thư tụy ngoại tiết. Loại ung thư tụy này được hình thành trong các ống tụy hoàn toàn từ các tế bào vảy, có tiên lượng rất xấu do hầu hết các trường hợp được phát hiện sau khi di căn.

Ung thư tụy biểu mô tuyến vảy

Ung thư tụy biểu mô tuyến vảy là loại ung thư tụy hiếm gặp, chỉ chiếm 1% đến 4% số các ung thư tuyến tụy ngoại tiết.

So với ung thư biểu mô tuyến tụy, ung thư biểu mô tuyến vảy hoạt động mạnh hơn và có tiên lượng kém hơn. Khối u biểu mô tuyến vảy có cả các đặc điểm của ung thư biểu mô tuyến và của cả ung thư biểu mô tế bào vảy.

Ung thư tụy biểu mô tụy dạng keo

Ung thư biểu mô tụy dạng keo chiếm từ 1% đến 3% số các ung thư tụy ngoại tiết. Những khối u này có xu hướng phát triển từ một loại u nang lành tính gọi là u tế bào niêm mạc nhú nội ống (Intraductal papillary mucinous neoplasm: IPMN). Do khối u keo tuyến tụy bao gồm các tế bào ác tính nổi trong chất nhày (mucin), ung thư này không có khả năng lây lan và dễ điều trị hơn các ung thư tụy khác và cũng có tiên lượng tốt hơn nhiều.

Ngoài ra, ung thư bóng Vater (Ampullary cancer hay còn được gọi là carcinoma of the ampulla of Vater) tuy không phải là một ung thư tụy ngoại tiết, nhưng đôi khi cũng được xếp vào đây vì các ung thư này được điều trị giống nhau.

Khối u thần kinh nội tiết tuyến tụy

Các khối u thần kinh nội tiết tuyến tụy (Pancreatic neuroendocrine tumorsNETs) phát triển từ các tế bào trong tuyến nội tiết của tuyến tụy, tiết ra các hormon insulin và glucagon vào máu làm thay đổi nồng độ glucose trong máu. Khối thần kinh nội tiết còn được gọi là khối u tế bào nội tiết hoặc u tụy tế bào tiểu đảo, là loại khối u rất hiếm, chỉ chiếm khoảng 4% tổng số ca ung thư tụy. Các khối u tụy thần kinh nội tiết có thể được chia thành các loại:

  • U gastrin (Gastrinoma): là khối u hình thành trong các tế bào sản xuất gastrin. Gastrin là một loại hormon hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn.
  • U insulin (Insulinoma): là khối u xuất hiện trong nhóm tế bào insulin. Insulin giúp kiểm soát lượng glucose trong máu.
  • U glucagon (Glucagonoma): xảy ra khi một khối u phát sinh giữa một nhóm các tế bào sản xuất glucagon. Glucagon cũng đóng một vai trò trong lượng glucose trong máu, và trong trường hợp này, nó làm tăng lượng glucose hiện có.
  • Các khối u thần kinh nội tiết khác: tạo ra các hormon kiểm soát sự cân bằng của nước, glucose và muối trong cơ thể, gồm: vipomas, ảnh hưởng đến các peptid hoạt động trong ruột, và u mạch máu ảnh hưởng đến somatostatin. Các loại u tế bào đảo tụy thường được nhóm lại với nhau vì chúng được điều trị giống nhau.

Ngoài các loại ung thư tụy nêu trên, các tổn thương tiền ung thư lành tính như u nang lành tính khác (benign cysts) có thể hình thành trong tuyến tụy và một số là tiền ung thư tuyến tụy, như u nhú niêm mạc trong ống dẫn (Intraductal papillary mucinous neoplasm: IPMN). Tùy thuộc vào vị trí và loại u, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ tổn thương hoặc tiếp tục theo dõi để đảm bảo rằng các tổn thương này không trở thành ác tính.

Tham khảo thêm >> Glucose là gì? Chỉ số glucose trong cơ thể

Ở nội dung tiếp theo của bài viết, Đội ngũ Bác sĩ Endo Clinic chủ yếu nói về ung thư tụy ngoại tiết vì đây là loại ung thư tụy thường gặp nhất.

Các giai đoạn của ung thư tụy

Theo hệ thống phân loại ung thư TNM, ung thư tụy được chia thành 5 giai đoạn là giai đoạn 0, 1, 2, 3, 4 dựa theo 3 tiêu chí sau:

  • Phạm vi (kích thước) khối u (Tumor – T)
  • Sự lây lan của tế bào ung thư đến các hạch bạch huyết gần đó (Node – N)
  • Sự di căn đến các bộ phận xa trong cơ thể (Metastasis – M)
Các giai đoạn của ung thư tụy. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Các giai đoạn của ung thư tụy. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Ung thư tuyến tụy giai đoạn 0

Ung thư tuyến tụy giai đoạn 0 còn gọi là giai đoạn tiền ung thư . Lúc này các tế bào bất thường trong tụy có thể phát triển thành ác tính (ung thư).

Ung thư tuyến tụy giai đoạn 1

Ung thư tuyến tụy giai đoạn 1, các tế bào ung thư nằm khu trú trong tuyến tụy và hầu như không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho người bệnh nên rất khó để phát hiện. Nếu được phát hiện ở giai đoạn này, ung thư tụy có thể chữa khỏi bằng phương pháp phẫu thuật. Ung thư tụy giai đoạn 1 được chia thành giai đoạn 1A và giai đoạn 1B:

  • Giai đoạn 1A: tế bào ung thư nằm giới hạn trong tuyến tụy và có kích thước dưới 2cm.
  • Giai đoạn 1B: tế bào ung thư nằm giới hạn trong tuyến tụy và có kích thước từ 2 – 4 cm.

Ung thư tuyến tụy giai đoạn 2

Ung thư tuyến tụy giai đoạn 2 là giai đoạn tế bào ung thư vẫn còn trong tuyến tụy nhưng có thể lan đến các hạch bạch huyết lân cận và các triệu chứng lâm sàng bắt đầu xuất hiện như vàng da, thay đổi màu sắc nước tiểu, đau vùng bụng trên,… Ung thư tụy giai đoạn 2 được chia thành giai đoạn 2A và giai đoạn 2B:

  • Giai đoạn 2A: tế bào ung thư có kích thước trên 4cm nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc mô lân cận.
  • Giai đoạn 2B: Ung thư tụy được chẩn đoán ở giai đoạn 2B khi thỏa mãn 1 trong 3 điều kiện sau:
  • Tế bào ung thư có kích thước dưới 2cm và lan đến không quá 3 hạch bạch huyết lân cận.
  • Tế bào ung thư có kích thước trên 2cm và lan đến không quá 3 hạch bạch huyết lân cận.
  • Tế bào ung thư có kích thước trên 4cm và lan đến không quá 3 hạch bạch huyết lân cận.

Ung thư tuyến tụy giai đoạn 3

Ung thư tuyến tụy giai đoạn 3 là giai đoạn tế bào ung thư vẫn còn trong tuyến tụy, lan đến nhiều hạch bạch huyết lân cận hơn giai đoạn 2. Các triệu chứng của ung thư tụy giai đoạn 3 có thể bao gồm đau lưng, đau vùng bụng trên, chán ăn, sụt cân,… Ung thư tụy được chẩn đoán ở giai đoạn 3 khi thỏa mãn 1 trong 4 điều kiện sau:

  • Tế bào ung thư có kích thước dưới 2cm và lan đến 4 hoặc nhiều hơn các hạch bạch huyết lân cận.
  • Tế bào ung thư có kích thước trên 2cm và lan đến 4 hoặc nhiều hơn các hạch bạch huyết lân cận.
  • Tế bào ung thư có kích thước trên 4cm và lan đến 4 hoặc nhiều hơn các hạch bạch huyết lân cận.
  • Tế bào ung thư đang phát triển bên ngoài tuyến tụy và xâm lấn vào các mạch máu lớn gần đó. Tế bào ung thư có thể đã hoặc chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận.

Ung thư tuyến tụy giai đoạn 4

Ung thư tuyến tụy giai đoạn 4 còn được gọi là ung thư tụy giai đoạn cuối hay ung thư tụy di căn, khi các tế bào ung thư đã lan sang các hạch bạch huyết, mô và di căn sang các cơ quan xa như gan, phúc mạc, phổi, xương. Ung thư tụy thường được chẩn đoán ở giai đoạn 4 vì bệnh hiếm khi gây ra các triệu chứng rõ ràng cho đến khi tế bào ung thư đã di căn sang các cơ quan khác.

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây ung thư tuyến tụy

Nguyên nhân ung thư tuyến tụy thường đến từ các yếu tố di truyền, đột biến cấu trúc DNA tế bào và các yếu tố sinh lý như độ tuổi, chế độ ăn uống, lối sống hằng ngày thiếu khoa học, không hợp lí, thường xuyên sử dụng các thực phẩm có hại cho sức khỏe cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tụy.

Nguyên nhân gây ung thư tụy là gì?

Nguyên nhân gây ung thư tụy vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã tìm ra được 2 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành các tế bào ung thư là đột biến gen di truyền và đột biến gen mắc phải.

Nguyên nhân ung thư tụy có thể được gây ra bởi những thay đổi trong DNA. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Nguyên nhân ung thư tụy có thể được gây ra bởi những thay đổi trong DNA. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Ung thư có thể khởi phát do những thay đổi (đột biến) trong DNA tế bào. Trong một tế bào luôn tồn tại song song 2 loại gen bao gồm:

  • Gen sinh ung thư khiến các tế bào phân chia, phát triển không kiểm soát và kéo dài thời gian tồn tại của chúng.
  • Gen ức chế khối u giúp duy trì sự phân chia tế bào trong tầm kiểm soát, loại bỏ các tế bào đã chết và thay thế bằng các tế bào mới.

Đột biến gen di truyền

Ung thư tụy do yếu tố di truyền chiếm tỷ lệ rất ít trong tổng số ca mắc bệnh. Trong một số trường hợp, gen đột biến đã tồn tại trong bộ DNA của bố mẹ và được truyền sang con làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy.

Một số hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tụy, bao gồm:

  • Hội chứng Peutz-Jeghers do khiếm khuyết trong gen STK11. Hội chứng này cũng liên quan đến các khối u trong đường tiêu hóa và một số bệnh ung thư khác.
  • Hội chứng Lynch thường gây ra bởi khiếm khuyết trong các gen MLH1 hoặc MSH2.
  • Hội chứng FAMMM gây ra bởi đột biến ở gen p16 / CDKN2A và liên quan đến các khối u ác tính ở da và mắt.
  • Viêm tụy di truyền thường do đột biến gen PRSS1 gây ra.
  • Hội chứng ung thư vú và buồng trứng di truyền (HBOC) do đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 gây ra.
  • Ung thư vú di truyền do đột biến gen PALB2 gây ra.

Đột biến gen mắc phải

Đột biến gen mắc phải là những đột biến xảy ra trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cơ thể, không do di truyền. Phần lớn các nguyên nhân ung thư tụy do đột biến gen mắc phải đến từ các tác động bên ngoài như chế độ ăn uống, lối sống, môi trường hoặc do ảnh hưởng của tuổi tác.

Những yếu tố nguy cơ của ung thư tụy là gì?

Các loại ung thư khác nhau sẽ có các yếu tố nguy cơ khác nhau. Có một số yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như hút thuốc, chế độ ăn,… nhưng cũng có các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như tuổi, tiền sử gia đình,… Việc có một hoặc thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ cũng không có nghĩa là chắc chắn sẽ bị bệnh và ngược lại, một số bệnh nhân bị ung thư nhưng lại không mang yếu tố nguy cơ nào.

Nguy cơ ung thư tụy cao ở người thường xuyên hút thuốc lá. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Nguy cơ ung thư tụy cao ở người thường xuyên hút thuốc lá. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi

Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tụy có thể thay đổi được, bao gồm:

  • Hút thuốc lá: nguy cơ mắc bệnh ung thư tụy ở những người hút thuốc cao gấp đôi so với những người chưa bao giờ hút thuốc. Khoảng 25% trường hợp ung thư tụy được cho là do hút thuốc lá.
  • Béo phì: người mắc bệnh thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc ung thư tụy cao hơn người bình thường khoảng 20%.
  • Bệnh lý mạn tính ở tụy: một số bệnh lý mạn tính ở tụy làm tăng nguy cơ bị ung thư tụy như đái tháo đường tuýp 1 hoặc tuýp 2, viêm tụy mạn tính, bệnh xơ gan,…
  • Môi trường làm việc: tiếp xúc thường xuyên với một số hóa chất được sử dụng trong ngành công nghiệp có thể làm tăng nguy cơ ung thư tụy.

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi

Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tụy không thể thay đổi được, bao gồm:

  • Độ tuổi: nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo tuổi và phổ biến nhất ở những người trên 45 tuổi. Ung thư tụy được chẩn đoán ở độ tuổi trung bình là 70 tuổi.
  • Giới tính: nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới, một phần là do việc hút thuốc lá ở nam giới.
  • Chủng tộc và dân tộc: người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ mắc bệnh ung thư tụy cao hơn người da trắng.
  • Các hội chứng ung thư di truyền gia đình: khoảng 10% trường hợp ung thư tụy do yếu tố di truyền.
  • Viêm tụy mạn tính do đột biến gen di truyền có nguy cơ cao bị ung thư tụy suốt đời.

Những yếu tố nguy cơ khác

Bên cạnh đó, còn có các tác nhân khác làm tăng khả năng gây ung thư tụy nhưng vẫn chưa được chứng minh chính xác như:

  • Chế độ ăn uống: dùng thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, thịt đỏ, thịt chế biến sẵn,… và uống nhiều nước ngọt có gas có thể làm tăng nguy cơ ung thư tụy.
  • Lối sống không khoa học: ít vận động, không tập thể dục làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Uống rượu bia: uống nhiều rượu bia có thể gây ra bệnh viêm tụy mạn tính, làm tăng nguy cơ ung thư tụy.
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa: tiền sử nhiễm vi khuẩn Hp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Các khuyến cáo về tầm soát ung thư tuyến tụy (cập nhật đến 03/2022)

Hiện tại, các tổ chức ung thư trên thế giới chưa có khuyến cáo tầm soát định kỳ ung thư tuyến tuỵ cho dân số chung vì chưa có xét nghiệm sàng lọc nào được chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ tử vong do căn bệnh ung thư này. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, còn khả năng phẫu thuật thì thời gian sống còn vẫn sẽ được cải thiện.

Những đối tượng sau được xếp vào nhóm có nguy cơ cao, được khuyến cáo nên tầm soát ung thư tuyến tuỵ:

Người mắc hội chứng di truyền liên quan đến nguy cơ ung thư tụy: như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư đại tràng không polyp có tính chất gia đình hay viêm tuỵ di truyền.

  • Người mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng do di truyền (có đột biến gen BRCA1, BRCA2) sẽ có nguy cơ bị ung thư tụy theo thời gian là 3 – 5%.
  • Người bị ung thư đại tràng không polyp có tính chất gia đình- hội chứng Lynch (do đột biến gen sửa chữa cặp sai MLH1 hoặc MSH2) có nguy cơ bị ung thư tụy theo thời gian là khoảng 4%.
  • Người bị viêm tuỵ do di truyền (do có đột biến gen PRSS1, SPINK1) có nguy cơ bị ung thư tụy 24 – 40%.

Gia đình có người bị ung thư tụy: được xác định khi trong gia đình có bố/mẹ – con hoặc anh/chị – em cùng bị ung thư tụy (đột biến gen BRCA1, BRCA2 được phát hiện trong khoảng 13-19% người bị ung thư tuỵ có tính gia đình).

Nếu Cô Bác, Anh Chị là một người lớn khỏe mạnh, không có triệu chứng và không có tiền sử gia đình bị ung thư tuyến tụy thì theo khuyến cáo đến hiện tại không cần khám sàng lọc để phát hiện bệnh. Nhưng biết nguy cơ của bệnh, biết cách phát hiện các triệu chứng và có lối sống khoẻ mạnh có thể giúp Cô Chú, Anh Chị bảo vệ sức khoẻ chính mình.

Mặt khác, Cô Bác, Anh Chị dù không có yếu tô nguy cơ gia đình nhưng lại có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác như viêm tuỵ mạn tính, đái tháo đường, tuổi cao… cũng như có lo lắng về ung thư tuyến tuỵ thì hãy thảo luận với bác sĩ để hiểu rõ hơn về giá trị của các xét nghiệm tầm soát và cân nhắc để thực hiện tầm soát ung thư định kỳ.

Dấu hiệu và triệu chứng ung thư tụy

Dấu hiệu và triệu chứng ung thư tụy thường sẽ không xuất hiện trong giai đoạn sớm. Các triệu chứng thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn tiến triển khi tế bào ung thư đã phát triển lớn hoặc di căn đến các bộ phận xa trong cơ thể. Do đó, vào thời điểm chẩn đoán, 90% bệnh nhân ung thư đã tiến triển tại chỗ, xâm lấn tới các cấu trúc sau phúc mạc, di căn hạch vùng hoặc di căn đến gan và phổi.

Đau vùng thượng vị là biểu hiện thường gặp của ung thư tụy. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Đau vùng thượng vị là biểu hiện thường gặp của ung thư tụy. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Các triệu chứng ung thư tụy thường gặp

Các dấu hiệu và triệu chứng ung thư tụy giai đoạn tiến triển có thể bao gồm:

  • Vàng da và mắt, nước tiểu sẫm màu, đi tiêu phân nhạt màu hoặc có màu xám hoặc tiêu ra phân mỡ nổi trên mặt nước (tiêu phân nhầy nhớt)
  • Ngứa ngoài da
  • Đau bụng lan ra sau lưng. Triệu chứng đau lưng là gợi ý của sự xâm nhập của khối u vào sau phúc mạc
  • Chán ăn hoặc sụt cân bất thường
  • Buồn nôn, nôn ói
  • Phì đại gan hoặc túi mật
  • Viêm tụy cấp do tắc nghẽn ống mật
  • Có cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch sâu)
  • Chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường hoặc bệnh trở nên khó kiểm soát hơn

Ung thư tuyến tụy thường ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, có thể gây ra bệnh đái tháo đường ở 25 – 50% bệnh nhân. Các triệu chứng thường gặp như khát nước, đói nhanh và đi tiểu nhiều lần trong ngày.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ thăm khám?

Mặc dù các triệu chứng trên là biểu hiện ung thư tụy, tuy nhiên không thể chắc chắn rằng Cô Bác, Anh Chị đang bị bệnh ung thư tuyến tụy nếu cơ thể xuất hiện những dấu hiệu trên. Một số bệnh lý hệ tiêu hóa có thể gây ra các triệu chứng tương tự như viêm tụy cấp, viêm tụy mạn tính, viêm đường mật, viêm túi mật,…

Khi cơ thể xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ, Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ tại bệnh viện/trung tâm nội soi dạ dày, đại – trực tràng để được thăm khám và tầm soát ung thư tiêu hóa, giúp Cô Bác, Anh Chị nắm bắt chính xác tình trạng sức khỏe, đặc biệt là phát hiện sớm ung thư tụy.

Phương pháp chẩn đoán ung thư tụy

Để chẩn đoán ung thư tụy chính xác, bác sĩ kết hợp các thăm khám lâm sáng và phương tiện cận lâm sàng. Từ đó tìm ra nguyên nhân gây bệnh, giai đoạn, vị trí tổn thương và đưa ra phác đồ điều trị ung thư tụy phù hợp.

Xác định chính xác giai đoạn bệnh cực kỳ quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư tụy.

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng là bước đầu tiên giúp bác sĩ hiểu rõ tình trạng sức khỏe của Cô Bác, Anh Chị, các triệu chứng gây khó chịu trong cơ thể và gợi ý nguyên nhân gây bệnh.

Cô Bác, Anh Chị cần phải nêu rõ tình trạng, dấu hiệu bệnh lý hiện tại cho bác sĩ nắm rõ. Một số câu hỏi Cô Bác, Anh Chị cần trả lời như:

  • Các triệu chứng diễn ra như thế nào? Đã xuất hiện trong thời gian bao lâu và Cô Bác, Anh Chị cảm thấy như thế nào?
  • Trước đây Cô Bác, Anh Chị có mắc bệnh lý tiêu hóa nào khác không?
  • Các loại thuốc Cô Bác, Anh Chị đang sử dụng là gì? Cô Bác có dị ứng với loại thuốc nào không?
  • Tiền sử gia đình đã có ai từng mắc bệnh ung thư hoặc bệnh tiêu hóa không?
  • Chế độ ăn uống và rèn luyện sức khỏe như thế nào? Có hút thuốc lá không?
Khám lâm sàng giúp bác sĩ chẩn đoán và nắm được tình trạng sức khỏe của người bệnh. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Khám lâm sàng giúp bác sĩ chẩn đoán và nắm được tình trạng sức khỏe của người bệnh. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành kiểm tra vùng bụng, da và mắt xem người bệnh có xuất hiện các dấu hiệu như khối u ở bụng thường do gan hoặc túi mật sưng lên hoặc bị vàng da, vàng mắt không.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Thông qua cận lâm sàng các bác sĩ sẽ xác định được nguyên nhân gây bệnh, vị trí tổn thương và mức độ nguy hiểm của ung thư tụy dựa vào kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh hoặc sinh thiết.

Xét nghiệm

Thông qua một số xét nghiệm ung thư tụy, bác sĩ có thể chẩn đoán và phát hiện sớm các dấu hiệu gây bệnh. Ngoài ra, xét nghiệm máu cũng có thể tìm ra các bệnh lý tiêu hóa khác. Một số xét nghiệm Cô Bác, Anh Chị cần thực hiện bao gồm:

  • Xét nghiệm dấu ấn ung thư (tumor marker) CEA, định lượng CA 19-9: Xét nghiệm dấu ấn ung thư tụy rất quan trọng giúp bác sĩ định hướng chẩn đoán cũng như đánh giá hiệu quả điều trị hoặc tình trạng tái phát của bệnh lý.
  • Kiểm tra chức năng gan.
  • Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu cơ bản bao gồm tổng phân tích máu ngoại vi, điện giải đồ nên được thực hiện để đánh giá thiếu máu, hydrat hóa, tình trạng chung và di căn gan có thể xảy ra.

Chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh là một yếu tố quan trọng trong chẩn đoán ung thư tụy có thể bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Bệnh nhân được xác định ung thư tụy cần chụp CT ngực và bụng để xác định các tổn thương di căn.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp cho hình ảnh chi tiết về mật tụy và các mạch máu. Chụp MRI trong chẩn đoán ung thư tụy có thể gồm chụp mật tụy ngược dòng (MRCP) hoặc chụp mạch máu MR (MRA).
  • Siêu âm bụng: Xét nghiệm bước đầu ở người bệnh có triệu chứng đau bụng, vàng da. Siêu âm có thể phát hiện sỏi mật là một tình trạng có những triệu chứng tương tự với ung thư tụy thường gặp.
  • Siêu âm nội soi (EUS): Kết hợp thiết bị siêu âm với kỹ thuật nội soi để bác sĩ quan sát bên trong đường tiêu hóa và lấy mẫu sinh thiết của khối u. Đầu dò siêu âm được truyền qua một ống nội soi mỏng, xuống thực quản và vào dạ dày để có được hình ảnh.
  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Phương pháp giúp kiểm tra các ống tụy và đường mật. Từ đó xác định được những bất thường xảy ra như tắc nghẽn, hẹp ống tụy hoặc giãn tĩnh mạch.
  • Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET): Xét nghiệm này có thể giúp xác định giai đoạn của ung thư, đặc biệt hữu ích để phát hiện ung thư đã lan ra ngoài tụy và không thể điều trị được bằng phẫu thuật.
  • Chụp X-quang mạch máu cản quang: Kỹ thuật này sử dụng chất tương phản bari tiêm vào động mạch để kiểm tra những bất thường xảy ra như tắc nghẽn động mạch, sự xuất hiện của các mạch máu bất thường (nuôi ung thư) trong tụy.

Sinh thiết

Khi phát hiện khối u trong tụy, bác sĩ cần làm sinh thiết để xác định ung thư bằng giải phẫu bệnh. Sinh thiết có thể được thực hiện theo nhiều cách như:

  • Sinh thiết qua da: Bác sĩ thực hiện sinh thiết bằng cách đưa một cây kim qua da ở vùng bụng và vào tụy để lấy mẫu. Thủ thuật được tiến hành cùng lúc với siêu âm hoặc chụp CT để hướng dẫn kim vào khối u.
  • Nội soi sinh thiết: Bác sĩ thực hiện thủ thuật này bằng cách đưa một ống nội soi qua miệng dạ dày và sau đó vào tá tràng. Sinh thiết bằng kim ở đầu ống nội soi được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm nội soi (EUS) hoặc phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP).
  • Phẫu thuật sinh thiết thông qua phương pháp nội soi ổ bụng.

Tiên lượng và biến chứng ung thư tụy

Tiên lượng ung thư tuyến tụy

Tiên lượng sống còn của ung thư tụy phụ thuộc vào giai đoạn bệnh được phát hiện, mức độ xâm lấn, di căn của các tế bào đột biến.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ dựa vào thông tin từ cơ sở dữ liệu SEER, được duy trì bởi Viện Ung thư Quốc gia (NCI), để cung cấp số liệu thống kê về khả năng sống sót của các loại ung thư khác nhau.

Cơ sở dữ liệu SEER theo dõi tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm đối với ung thư tụy ở Hoa Kỳ, dựa trên mức độ di căn của ung thư. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu SEER không nhóm các bệnh ung thư theo các giai đoạn của AJCC TNM (giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 3,…). Thay vào đó, dữ liệu SEER sẽ nhóm các bệnh ung thư thành các giai đoạn khu trú, vùng và di căn xa:

  • Giới hạn/Khu trú (Localized): Không có dấu hiệu cho thấy ung thư đã lan ra ngoài tụy.
  • Vùng (Regional): Ung thư đã lan ra ngoài tụy đến các cấu trúc hoặc hạch bạch huyết lân cận.
  • Di căn xa (Distant): Ung thư đã di căn đến các bộ phận xa của cơ thể như ung thư phổi, gan hoặc xương.

Số liệu này dựa trên những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tụy từ năm 2010 đến năm 2016.

Giai đoạn SEERTiên lượng sống sau 5 năm
Khu trú39%
Vùng13%
Di căn xa3%
Tất cả các giai đoạn SEER tổng hợp10%
Tiên lượng bệnh ung thư tụy

Ngoài yếu tố di căn, còn các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tiên lượng sống còn của người bệnh như: tuổi tác, tổng trạng sức khoẻ, loại ung thư, có bị biến chứng gì không.

Biến chứng ung thư tuyến tụy

Ung thư tụy tiến triển có thể gây ra các biến chứng như:

  • Sụt cân: Tế bào ung thư tiêu thụ năng lượng của cơ thể, điều trị ung thư gây buồn nôn và nôn, khối u đè lên dạ dày làm cản trở việc ăn uống, cơ thể không hấp thụ được các chất dinh dưỡng từ thực phẩm,… là những nguyên nhân khiến người bị ung thư tụy sụt cân nghiêm trọng.
  • Vàng da: Ung thư tụy làm tắc nghẽn ống mật của gan có thể gây vàng da và mắt, nước tiểu màu sẫm, phân màu nhạt. Triệu chứng vàng da thường xảy ra mà không kèm theo đau bụng. Bác sĩ có thể chỉ định đặt stent ống mật để dịch mật được lưu thông ổn định.
  • Đau đớn: Khối u phát triển có thể đè lên các dây thần kinh trong bụng gây ra cơn đau dữ dội. Bên cạnh việc dùng thuốc giảm đau, các phương pháp điều trị ung thư như xạ trị và hóa trị có thể giúp làm chậm sự phát triển của khối u và hạn chế cơn đau. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiêm thuốc vào dây thần kinh kiểm soát cơn đau nhằm ngăn các dây thần kinh gửi tín hiệu đau đến não bộ.
  • Tắc ruột: Khối u ở tụy có thể ngăn chặn dòng thức ăn được tiêu hóa từ dạ dày vào ruột non (tá tràng). Bác sĩ có thể chỉ định đặt ống stent trong ruột hoặc phẫu thuật đặt ống truyền thức ăn.
Biến chứng thường gặp ở người bệnh ung thư tụy là vàng da, mắt. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Biến chứng thường gặp ở người bệnh ung thư tụy là vàng da, mắt. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Phương pháp điều trị ung thư tụy

Điều trị ung thư tụy sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh được phát hiện, vị trí của tế bào ung thư ung thư, tình trạng sức khỏe tổng thể và nguyện vọng của người bệnh. Hầu hết mục tiêu đầu tiên của điều trị ung thư tụy là loại bỏ các tế bào ung thư khi có thể. Ung thư giai đoạn muộn rất khó để điều trị, bác sĩ có thể giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách làm giảm các triệu chứng.

Điều trị ung thư tụy sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Điều trị ung thư tụy sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Các lựa chọn trong điều trị ung thư tụy có thể bao gồm

  • Phẫu thuật
  • Hóa trị
  • Xạ trị
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu
  • Liệu pháp miễn dịch
  • Liệu pháp giảm nhẹ

Phẫu thuật ung thư tụy

Các phương pháp phẫu thuật được sử dụng để điều trị ung thư tụy bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt khối tá tụy (phẫu thuật Whipple): phương pháp phổ biến nhất để loại bỏ khối ung thư ở đầu tụy. Phẫu thuật Whipple khá phức tạp, kỹ thuật để cắt bỏ phần đầu của tuyến tụy, tá tràng, túi mật, một phần của ống mật và các hạch bạch huyết gần đó. Đôi khi một phần của dạ dày và đại tràng cũng có thể được loại bỏ. Bác sĩ sẽ kết nối các phần còn lại của tuyến tụy, dạ dày và ruột sau mổ để đảm bảo tiêu hóa thức ăn. Những biến chứng sau phẫu thuật có thể gặp như rò tụy, nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hóa, thay đổi thói quen đi tiêu, sụt cân,…
  • Phẫu thuật khối u ở thân và đuôi tụy (phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy xa): phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư ở đuôi và thân của tụy. Trong một số trường hợp, lá lách cũng có thể bị cắt bỏ.
  • Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tụy: phẫu thuật này có thể được thực hiện nếu tế bào ung thư đã di căn khắp tụy nhưng vẫn có thể được loại bỏ. Kỹ thuật cắt bỏ toàn bộ tụy, túi mật, một phần của dạ dày và ruột non, lá lách. Nếu phải cắt toàn bộ tụy, người bệnh vẫn có thể sống tương đối bình thường, nhưng cần điều trị bằng insulin và enzyme suốt đời.
  • Phẫu thuật giảm nhẹ triệu chứng: nếu ung thư đã di căn quá xa, bác sĩ có thể thực hiện một phẫu thuật giảm nhẹ các triệu chứng tắc nghẽn ống mật khi khối u phát triển lớn. Có hai phương pháp chính để giảm tắc nghẽn ống mật là đặt stent và phẫu thuật bắc cầu.
Phẫu thuật cắt khối tá tụy trong điều trị ung thư tụy. Nguồn: sưu tầm Mayo Clinic
Phẫu thuật cắt khối tá tụy trong điều trị ung thư tụy. Nguồn: sưu tầm Mayo Clinic

Hóa trị ung thư tụy

Hóa trị ung thư tụy là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Những loại thuốc trị ung thư tụy có thể được tiêm qua tĩnh mạch hoặc uống. Người bệnh có thể được điều trị ung thư tụy bằng một loại thuốc hóa trị hoặc kết hợp nhiều loại với nhau.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ phải kết hợp cả hóa trị và xạ trị để mang lại hiệu quả điều trị cao hơn.

Hóa trị thường được thực hiện trước khi phẫu thuật (thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật loại bỏ), sau khi phẫu thuật (giảm nguy cơ ung thư tái phát), ung thư tụy giai đoạn cuối giúp kiểm soát sự phát triển của ung thư, giảm nhẹ các triệu chứng và kéo dài thời gian sống.

Nhược điểm: thuốc hóa trị gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, chán ăn, rụng tóc, lở miệng, tiêu chảy hoặc táo bón,…

Xạ trị ung thư tụy

Xạ trị ung thư tụy là phương pháp dùng các tia bức xạ như tia X, tia Proton để thu nhỏ hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư giúp phẫu thuật loại bỏ nó dễ dàng hơn.

Nhược điểm của phương pháp xạ trị sẽ khiến người bệnh cảm thấy đau và rát trên vùng da bị chùm tia bức xạ chiếu vào, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân,…

Liệu pháp nhắm mục tiêu

Liệu pháp nhắm mục tiêu thường sẽ sử dụng các loại thuốc đặc trị tập trung vào các bất thường trong tế bào ung thư nhằm ngăn chặn và tiêu diệt các tế bào ác tính, phương pháp này có ưu điểm là ít gây hại cho các tế bào khỏe mạnh xung quanh so với hóa trị và xạ trị. Các liệu pháp nhắm mục tiêu điều trị ung thư tụy bao gồm:

  • Liệu pháp ức chế thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR): là các protein được tìm thấy trên bề mặt của các tế bào kể cả tế bào ung thư. Chất ức chế EGFR giúp ngăn chặn các thụ thể và sự phát triển không kiểm soát của các mô gắn vào tế bào ung thư. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm phát ban giống mụn ở mặt và cổ, tiêu chảy, chán ăn và mệt mỏi.
  • Liệu pháp ức chế PARP: Trong một số ít bệnh ung thư tụy, các tế bào có những thay đổi ở một trong các gen BRCA (BRCA1 hoặc BRCA2). Những thay đổi ở một trong những gen này đôi khi có thể dẫn đến ung thư. Tác dụng phụ của thuốc này có thể bao gồm buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy hoặc táo bón, mệt mỏi, cảm thấy chóng mặt, chán ăn, thay đổi khẩu vị, thiếu máu, số lượng bạch cầu thấp (tăng nguy cơ nhiễm trùng), đau bụng, đau cơ, khớp.
  • Thuốc ức chế NTRK: một số trường hợp bệnh ung thư tụy có những thay đổi ở một trong các gen NTRK. Những thay đổi gen này đôi khi có thể dẫn đến phát triển tế bào bất thường và ung thư. Larotrectinib và entrectinib nhắm mục tiêu các protein được tạo ra bởi các gen NTRK. Những loại thuốc này có thể được sử dụng cho những người bị ung thư tụy giai đoạn cuối đã được phát hiện có sự thay đổi gen NTRK, điển hình là khi ung thư vẫn phát triển mặc dù đã có các phương pháp điều trị khác.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng chính hệ thống miễn dịch của cơ thể bệnh nhân để chống lại ung thư. Một số liệu pháp miễn dịch có thể được sử dụng để điều trị ung thư tụy như:

  • Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch PD-L1 là một protein được tìm thấy trên một số tế bào ung thư. Thuốc được sử dụng cho những người bệnh có tế bào ung thư tụy đã cho kết quả dương tính với những đột biến gen MSI hoặc gen MMR, tế bào ung thư bắt đầu phát triển trở lại sau khi hóa trị.
  • Chất ức chế PD – 1 là một protein trên bề mặt tế bào T giúp kiểm soát các phản ứng miễn dịch của cơ thể. Các tác dụng phụ có thể bao gồm mệt mỏi, ho, buồn nôn, ngứa, phát ban trên da, chán ăn, táo bón, đau khớp và tiêu chảy.

Điều trị giảm nhẹ

Điều trị giảm nhẹ giúp hạn chế các cơn đau bụng hoặc lưng do khối u xâm lấn và chèn ép lên các dây thần kinh gần tụy. Một số phương pháp điều trị giảm nhẹ như sử dụng thuốc giảm đau, tiêm thuốc gây mê hoặc thuốc phá hủy các dây thần kinh gần tụy vào các dây thần kinh gần tuyến tụy.

Điều trị ung thư bằng hóa trị và/hoặc xạ trị đôi khi cũng có thể làm giảm đau bằng cách thu nhỏ kích thước của ung thư.

Những điểm cần lưu ý

Phương pháp phòng ngừa ung thư tụy

Ung thư tụy là một bệnh lý nguy hiểm vì các triệu chứng chỉ biểu hiện khi bệnh ở giai đoạn tiến triển, tiên lượng xấu. Vì vậy, nếu thuộc nhóm có nguy cơ bị ung thư tuỵ,bác sĩ khuyến khích Cô Bác, Anh Chị nên khám sức khoẻ tổng quát và thực hiện tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ. Bên cạnh đó, hãy luôn giữ một chế độ ăn uống, lối sống hợp lí và khoa học, tránh xa các thực phẩm có hại cho sức khỏe, đặc biệt là thuốc lá.

Chế độ ăn uống hợp lý giúp phòng ngừa ung thư tụy. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Chế độ ăn uống hợp lý giúp phòng ngừa ung thư tụy. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Cô Bác, Anh Chị có thể thực hiện các lời khuyên sau đây để làm giảm nguy cơ và phòng ngừa ung thư tụy:

  • Bỏ thói quen hút thuốc.
  • Xây dựng thói quen sống lành mạnh, rèn luyện sức khỏe, duy trì cân nặng hợp lý.
  • Hạn chế sử dụng các loại thịt đỏ, thịt đã qua chế biến, nước ngọt có gas.
  • Ăn nhiều trái cây, rau củ quả chứa nhiều chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Sử dụng rượu bia hoặc các thức uống có cồn ở mức độ vừa phải tốt nhất là dưới 350ml 1 ngày.
  • Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại tại nơi làm việc.
  • Kiểm tra di truyền ở những người có tiền sử gia đình bị ung thư tụy để hiểu rõ nguy cơ mắc bệnh ung thư tụy hoặc các bệnh ung thư khác.

Những điều cần lưu ý về ung thư tụy

  • Ung thư tụy là loại ung thư hình thành tại một số tế bào của tụy. Hầu hết các loại ung thư tụy đều là các khối u ngoại tiết phát triển từ các tế bào ống tuyến và các tế bào nang tuyến.
  • Do vị trí của tụy nằm sâu trong ổ bụng, ung thư tụy rất khó phát hiện và thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.
  • Tụy là một cơ quan tiêu hóa hình lá, dài khoảng 15 cm có chức năng tạo ra các enzyme tiêu hóa và hormone như insulin giúp cơ thể xử lý đường trong thực phẩm. Cấu tạo tụy gồm 3 phần chính là đầu, đuôi và thân tụy.
  • Ung thư tụy giai đoạn sớm sẽ không có dấu hiệu và triệu chứng để nhận biết.
  • Một nghiên cứu đã chứng minh rằng, sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, bệnh đái tháo đường mạn tính và một chế độ ăn uống thiếu khoa học làm tăng nguy cơ ung thư tụy.
  • Chẩn đoán ung thư tụy ở giai đoạn sớm làm tăng đáng kể cơ hội hồi phục. Do đó, người bệnh nên đến gặp bác sĩ tại bệnh viện/phòng khám nội soi tiêu hóa thăm khám nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào, đặc biệt là người có yếu tố nguy cơ mắc ung thư tụy.
  • Khi ung thư tụy tiến triển có thể gây ra các biến chứng như sụt cận, vàng da, đau đớn, tắc ruột,…
  • Điều trị ung thư tụy có thể bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp các phương pháp này.

Chế độ ăn dành cho người bệnh ung thư tụy

Ung thư tụy có thể ảnh hưởng đến cảm giác và khả năng ăn uống của người bệnh. Người bệnh nên chọn thức ăn có thể dung nạp và dễ tiêu hóa giúp tăng cường sức khỏe, hỗ trợ phục hồi và giảm nhẹ các triệu chứng. Dưới đây là những lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng về những thực phẩm nên ăn cũng như hạn chế ăn, bao gồm:

Bị ung thư tụy nên ăn gì?

Một số loại thực phẩm dễ tiêu hóa, giàu chất dinh dưỡng, giàu protein và chất chống oxy hóa mà người bệnh nên lựa chọn gồm:

  • Bổ sung chất xơ từ rau củ quả có trong việt quốc, bông cải xanh, cam, cải bó xôi,…
  • Ăn nhiều các chất đạm dễ tiêu có trong trứng, đậu hũ, cá,…
  • Bổ sung chất xơ từ tinh bột có trong khoai tây, đậu, bột yến mạch, gạo lức,…
  • Trà xanh có chứa polyphenol, có thể có đặc tính chống ung thư.
  • Sử dụng các loại chất béo lành mạnh có trong dầu ô liu, quả hạch, bơ,…

Bị ung thư tụy nên kiêng ăn gì?

Một số loại thực phẩm có thể khiến khó tiêu hóa, làm trầm trọng thêm các triệu chứngn. Bất kỳ thức ăn nào làm trầm trọng thêm các triệu chứng, chẳng hạn như tiêu chảy hoặc nôn ói người bệnh nên loại bỏ hoặc tạm thời hạn chế ăn. Những thực phẩm này cũng có thể làm tăng khả năng tái phát ung thư tụy. Thực phẩm nên hạn chế hoặc kiêng ăn ở người bệnh ung thư tụy, bao gồm:

  • Thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp.
  • Thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc đồ chiên rán.
  • Thức uống có cồn.
  • Đường và ngũ cốc tinh chế (bột mì trắng, bánh mì trắng, gạo trắng, nước ngọt, bánh ngọt, mì ống, đồ ăn vặt, ngũ cốc ăn sáng,…).

Tài liệu tham khảo

  1. Thông tin được cố vấn bởi đội ngũ bác sĩ tại trung tâm noisoitieuhoa.com
  2. Corey Whelan. Can Diet Help Pancreatic Cancer? 23 01 2019. https://www.healthline.com/health/pancreatic-cancer/diet (đã truy cập 25 02, 2022).
  3. Kristeen Moore. Everything You Need to Know About Pancreatic Cancer. 30 11 2021. https://www.healthline.com/health/pancreatic-cancer (đã truy cập 25 02, 2022).
  4. Mayo Clinic Staff. Pancreatic cancer. 06 06 2021. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pancreatic-cancer/symptoms-causes/syc-20355421 (đã truy cập 25 02, 2022).
  5. Elliot M. Livstone. Ung thư tụy. 10 2017. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/các-khối-u-đường-tiêu-hóa/ung-thư-tụy (đã truy cập 25 02, 2022).
  6. The American Cancer Society medical and editorial content team Pancreatic Cancer. 11 02 2019. https://www.cancer.org/cancer/pancreatic-cancer/about/what-is-pancreatic-cancer.html (đã truy cập 25 02, 2022).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?

Chia sẻ nội dung: