Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Xét nghiệm glucose máu là một chỉ định thường quy trong các gói khám sức khoẻ. Đặc biệt, chỉ số đường huyết trong xét nghiệm glucose máu thường được sử dụng trong theo dõi bệnh nhân đái tháo đường. Hãy cùng trung tâm Nội Soi Tiêu Hóa tìm hiểu xem glucose là gì? Xét nghiệm glucose máu để làm gì? Chi phí xét nghiệm glucose là bao nhiêu?

Tổng quan chỉ số đường huyết
Tổng quan về chỉ số đường huyết glucose

Glucose là gì?

Glucose là một loại đường đơn (monosaccharide) có trong thực phẩm, nguồn cung cấp năng lượng chính cho các tế bào trong cơ thể con người. Nếu không có đường glucose, các tế bào trong cơ thể sẽ không có đủ năng lượng để hoạt động.

Hơn nữa, nhiều quá trình trao đổi chất thiết yếu trong cơ thể phải phụ thuộc vào đường glucose. Do đó, chúng ta không thể phủ nhận tác dụng của đường glucose trong cơ thể người.

Glucose máu hay còn gọi là đường huyết là lượng đường có trong máu, giúp cung cấp năng lượng chính cho mọi hoạt động của cơ thể.

Glucose là gì?
Glucose máu là gì?

2 nguồn cung cấp glucose trong máu của cơ thể người:

  • Nguồn gốc ngoại sinh: Đây là nguồn đường glucose chủ yếu. Thông qua tiêu hoá thức ăn có tinh bột (carbohydrate), cơ thể sẽ phân giải thành đường glucose.
  • Nguồn gốc nội sinh: Dưới tác động của một số hormone như glucagon, adrenalin, cortisol và hormon tăng trưởng (GH), glycogen sẽ được chuyển đổi thành đường glucose.

Có nhiều loại hormone tham gia vào quá trình kiểm soát lượng glucose có trong máu, trong đó có nhóm hormone làm tăng đường huyết (glucagon, adrenalin, cortisol, GH hormone) và hormone làm giảm đường huyết (insulin).

Tuy nhiên, không phải bất cứ khi nào chỉ số glucose máu cũng được kiểm soát tốt. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến các bệnh lý, triệu chứng nguy hiểm như bệnh lý đái tháo đường tuýp 2 (tiểu đường tuýp 2).

Chỉ số đường huyết là gì, có ý nghĩa như thế nào?

Chỉ số đường huyết là giá trị đánh giá nồng độ glucose có trong máu, thông tin quan trọng hỗ trợ trong xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường. Chỉ số đường huyết hay còn gọi là chỉ số glucose máu có đơn vị là mg/dL hoặc mmol/L, thường bị nhầm lẫn với chỉ số glycemic (GI – glycemic index). Đây là giá trị thể hiện tốc độ làm tăng đường glucose trong máu của một loại thực phẩm nhất định.

Dưới đây là bảng so sánh chỉ số đường huyết chuẩn của người bệnh bị đái tháo đường (tiểu đường), tiền đái tháo đường và người bình thường. Thông tin tham khảo từ tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường năm 2021 của Hiệp hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ (ADA).[7]

HẠNG MỤC SO SÁNHĐÁI THÁO ĐƯỜNGTIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNGBÌNH THƯỜNG
Xét nghiệm glucose máu lúc đóiTừ 126 mg/dL trở lên100 – 125 mg/dLDưới 99 mg/dL
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (Sau ăn 2h)Từ 200 mg/dL trở lên140 – 199 mg/dLDưới 140 mg/dL
Xét nghiệm glucose máu ngẫu nhiênTừ 200 mg/dL trở lênKhông có số liệuKhông có số liệu
Bảng so sánh các chỉ số xét nghiệm glucose chuẩn giữa người đái tháo đường, tiền đái tháo đường và người bình thường (Nguồn: Hiệp hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ 2021).

Ngoài ra, Cô Chú, Anh Chị tham khảo bảng chỉ số đường huyết cụ thể bên dưới để đánh giá xem lượng đường huyết trong cơ thể mình có nằm trong mức bình thường không.

Ý nghĩa chỉ số đường huyết là gì?
Đánh giá lượng glucose trong máu thông qua chỉ số đường huyết

Chỉ số đường huyết bình thường là bao nhiêu?

Chỉ số đường huyết của người bình thường là từ 70 mg/dL đến mức định lượng 99 mg/dL tương đương 3,9 – 5,5 mmol/L khi xét nghiệm lúc đang đói. Định lượng glucose máu dưới 140 mg/dL (7,8 mmol/L) là mức chấp nhận được khi xét nghiệm nồng độ glucose lúc no thường là sau ăn 2 giờ. Do đó, tuỳ thuộc vào thời điểm xét nghiệm, sẽ có khoảng dao động khác nhau.

Chỉ số đường huyết bình thường là bao nhiêu?
Chỉ số đường huyết glucose bình thường là bao nhiêu?

Chỉ số đường huyết bình thường cụ thể ở các thời điểm khác nhau là:

  • Chỉ số đường huyết lúc đói (Fasting blood glucose test): Dao động từ 70 – 99 mg/dL (3,9 – 5,5 mmol/L).
  • Chỉ số đường huyết sau khi ăn 2 giờ (Postprandial glucose test): Dưới mức 140 mg/dL (7,8 mmol/L).
  • Chỉ số đường huyết bất kỳ (Random glucose test): Dưới mức 200 mg/dL (11,1 mmol/L).[3]
Phân loạimg/dLmmol/L
Chỉ số đường huyết lúc đói70 – 993,9 – 5,5
Chỉ số đường huyết sau ăn 2h<140<7,8
Chỉ số đường huyết bất kỳ<200<11,1
Bảng chỉ số đường huyết chuẩn của người bình thường tại các thời điểm khác nhau

Chỉ số đường huyết bao nhiêu là bất thường?

Trên thực tế, chỉ số đường huyết bất thường của mọi người bao gồm 2 trường hợp là tăng đường huyết và hạ đường huyết. Vậy nên chi số glucose máu của mọi người không phải khi nào cũng nằm ở khoảng khuyến cáo ở trên.

Chỉ số đường huyết bao nhiêu là bất thường?
Chỉ số glucose máu bất thường là bao nhiêu?

Chỉ số đường huyết bao nhiêu là cao?

Chỉ số đường huyết cao là khi lượng đường trong máu trên mức 250 mg/dL (13,8 mmol/L), dẫn tới nguy hiểm cho bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường). Nếu tình trạng này kéo dài, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như tổn thương võng mạc, nhiễm toan ceton, suy thận, suy tim,…

Chỉ số đường huyết bất thường
Chỉ số đường huyết bất thường là bao nhiêu?

Chỉ số đường huyết của bệnh nhân đái tháo đường là bao nhiêu?

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), chỉ số glucose máu là một trong những dữ kiện quan trọng trong chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường. Tuỳ vào thời điểm lấy máu mà chỉ số đường huyết của người được chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường sẽ khác nhau.

Chỉ số đường huyết của bệnh nhân đái tháo đường là bao nhiêu?
Chỉ số đường huyết của bệnh nhân đái tháo đường

Chỉ số đường huyết của bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường) ở các thời điểm khác nhau là:

  • Chỉ số đường huyết lúc đói (Fasting blood glucose test): Trên mức 126 mg/dL (7,0 mmol/L).
  • Chỉ số đường huyết sau khi ăn 2 giờ (Postprandial glucose test): Trên mức 200 mg/dL (11,1 mmol/L).
  • Chỉ số đường huyết bất kỳ (Random glucose test): Trên mức 200 mg/dL (11,1 mmol/L).

Tìm hiểu thêm >> Đường huyết cao nên ăn gì?

Khi nào được gọi là tăng đường huyết hay giảm đường huyết?

Tăng đường huyết

Tăng đường huyết có tên tiếng anh là hyperglycemia, với các triệu chứng như khát, mệt mỏi, đi tiểu nhiều khi lượng đường glucose trong máu tăng lên đáng kể.

Tăng đường huyết là tình trạng nồng độ glucose trong máu cao bất thường. Đây là triệu chứng thường thấy của bệnh lý đái tháo đường. Ngoài ra, các yếu tố như tình trạng sử dụng thuốc, căng thẳng, rối loạn nội tiết tố cũng có thể làm tăng lượng đường có trong máu.

Chỉ số đường huyết khi tăng đường huyết ở các thời điểm khác nhau:

  • Chỉ số đường huyết lúc đói (Fasting blood glucose test): Trên mức 126 mg/dL (7,0 mmol/L).
  • Chỉ số đường huyết sau khi ăn 2 giờ (Postprandial glucose test): Trên mức 200 mg/dL (11,1 mmol/L).
  • Chỉ số đường huyết bất kỳ (Random glucose test): Trên mức 200 mg/dL (11,1 mmol/L).[4]

Hạ đường huyết

Hạ đường huyết có tên tiếng anh là hypoglycemia là trình trạng nồng độ glucose trong máu thấp bất thường. Lượng đường huyết thấp có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh.

Hạ đường huyết được xác nhận khi chỉ số đường huyết lúc đói (được đo vào buổi sáng khi nhịn ăn ít nhất 8h) nằm dưới mức 70 mg/dL (3,9 mmol/L).[5] Nếu người bệnh có chỉ số đường huyết dưới mức 70 mg/dL (3,9 mmol/L) thì cần được cấp cứu kịp thời vì đây là tình trạng nguy hiểm. Tụt đường huyết kéo dài sẽ có thể khiến người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê, thậm chí tổn thương não.

Nguyên nhân tăng đường huyết và giảm đường huyết

Không phải bất kỳ lúc nào chỉ số đường huyết cũng nằm ở mức ổn định. Có nhiều yếu tố sẽ tác động đến nồng độ glucose trong máu, trong đó có bệnh lý đái tháo đường. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tăng đường huyết và giảm đường huyết.

Nguyên nhân tăng đường huyết

Nồng độ glucose gia tăng có thể đến từ các nguyên nhân như tiêu thụ lượng lớn đường, lượng insulin tiết ra không đủ hoặc do các hormone kích thích, làm tăng lượng đường có trong máu.

Nguyên nhân tăng đường huyết
Những nguyên nhân làm tăng đường huyết

Các nguyên nhân làm tăng đường huyết phổ biến là:

  • Bệnh lý đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2: Người bị đái tháo đường sẽ sản sinh không đủ lượng insulin, làm ảnh hưởng đến quá trình điều hoà glucose trong máu.
  • Chế độ ăn nhiều tinh bột, đường: Việc tiêu thụ quá nhiều thức ăn chứa nhiều tinh bột, thức ăn nhanh và nước ngọt sẽ làm tăng lượng đường huyết.
  • Ít vận động, tập thể dục: Độ nhạy với insulin của cơ thể được cải thiện thông qua việc tập thể dục. Do đó, người có chế độ sinh hoạt ít vận động, tập thể dục sẽ làm tăng nồng độ glucose trong máu.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Việc sử dụng thuốc corticosteroid và diuretic sẽ làm tăng lượng đường trong máu.
  • Căng thẳng: Khi căng thẳng, cơ thể chúng ta sẽ giải phóng một số loại hormone, làm cho lượng đường trong máu tăng lên.
  • Nhiễm trùng hoặc ốm đau: Trong một số trường hợp, quá trình nhiễm trùng hoặc bị ốm đau sẽ làm nồng độ đường trong máu đạt đỉnh trong thời gian ngắn hạn.
  • Mất cân bằng nội tiết tố (hormone): Những người mắc hội chứng như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hay hội chứng Cushing thường xảy ra tình trạng mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Đây là nguyên nhân làm tăng nồng độ glucose có trong máu.

Nguyên nhân hạ đường huyết

Nồng độ đường huyết trong máu giảm dưới ngưỡng 70 mg/dL (3,9 mmol/L) có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó điển hình nhất là do việc sử dụng quá liều thuốc hạ đường huyết.

Nguyên nhân hạ đường huyết
Nguyên nhân làm giảm đường huyết

Các nguyên nhân làm hạ đường huyết phổ biến là:

  • Sử dụng thuốc hạ đường huyết: Một số bệnh nhân đái tháo đường, do sử dụng lượng thuốc hạ đường huyết, insulin quá liều, hoặc không ăn đủ liều thì có thể gây ra tình trạng hạ đường huyết.
  • Bỏ bữa: Nếu như cơ thể không ăn trong một thời gian dài, lượng đường trong máu sẽ dần giảm đi dưới mức bình thường.
  • Tiêu thụ quá nhiều rượu bia: Khi uống nhiều thức uống có cồn, khả năng tái tạo glucose của gan cũng bị ảnh hưởng.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Việc sử dụng thuốc điều trị sốt rét hoặc viêm gan C sẽ làm giảm lượng đường glucose trong máu.
  • Bệnh lý về gan hoặc thận: Các bệnh lý này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của 2 cơ quan này, từ đó làm giảm khả năng tái tạo và kiểm soát lượng đường trong máu.
  • Một số tình trạng bệnh lý khác: Một số tình trạng bệnh lý như cơ thể xuất hiện khối u sản xuất insulin hay thiếu hụt enzyme cũng có thể gây ra tình trạng hạ đường huyết.[6]

Xét nghiệm glucose máu là gì?

Xét nghiệm định lượng glucose máu hay xét nghiệm đường huyết là xét nghiệm nồng độ glucose có trong máu, giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh tiểu đường. Đây là xét nghiệm thường quy trong các xét nghiệm khám sức khoẻ tổng quát hay tầm soát ung thư tiêu hoá. Tuỳ vào thời điểm và mục đích chẩn đoán mà Bác sĩ sẽ chỉ định các loại xét nghiệm glucose máu khác nhau.

Xét nghiệm glucose máu là gì?
Xét nghiệm glucose là gì?

3 loại xét nghiệm glucose máu bao gồm:

  • Xét nghiệm glucose máu lúc đói
  • Xét nghiệm glucose máu ngẫu nhiên
  • Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống

Xét nghiệm glucose máu lúc đói

Xét nghiệm glucose máu lúc đói (Fasting blood glucose test) là xét nghiệm định lượng glucose trong máu sau khi nhịn ăn 8 giờ. Đây là xét nghiệm thường được dùng trong chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường.

Chỉ số glucose lúc đói của người bình thường nằm trong khoảng từ 70 – 99 mg/dL (3,9 – 5,5 mmol/L).

Xét nghiệm glucose máu là gì?
Xét nghiệm glucose máu lúc đói được thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm glucose máu ngẫu nhiên

Xét nghiệm glucose máu ngẫu nhiên (Random blood glucose test) là xét nghiệm đo nồng độ glucose trong máu ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Đây là xét nghiệm thường được dùng trong việc theo dõi đường huyết của bệnh nhân đái tháo đường đã được chẩn đoán từ trước.

Chỉ số glucose trong máu ngẫu nhiên của người bình thường nằm dưới mức 200 mg/dL (11,1 mmol/L).

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (Oral glucose tolerance test – OGTT) là phương pháp đo nồng độ đường trong máu sau khi uống 75g glucose. Điều dưỡng sẽ thực hiện lấy máu 3 lần để đo nồng độ glucose ở nhiều thời điểm khác nhau.

Đây là xét nghiệm dùng trong chẩn đoán đái tháo đường và rối loạn dung nạp glucose. Phổ biến nhất, xét nghiệm này được dùng để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ ở phụ nữ đang mang thai.

Chỉ số nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống của người bình thường ở giai đoạn lúc đói nằm dưới 100 mg/dL (5,5 mmol/L) và sau 2 giờ sau khi uống glucose là dưới 140 mg/dL (7,8 mmol/L).

Mời Cô Chú, Anh Chị tham khảo thêm các loại xét nghiệm khác:

> Axit uric là gì? Bao nhiêu là bị bệnh gout?

> Ở người có mấy nhóm máu chính

Xét nghiệm glucose máu để làm gì?

Xét nghiệm glucose trong máu hiện nay được bác sĩ chỉ định để tầm soát, theo dõi và điều trị bệnh đái tháo đường, được thực hiện khá dễ dàng. Do đó, có rất nhiều cơ sở y tế đang cung cấp dịch vụ cận lâm sàng này. Ngoài ra còn nhiều lý do khác để bác sĩ chỉ định xét nghiệm glucose trong máu, cụ thể như:

  • Khám sức khoẻ tổng quát định kỳ
  • Tầm soát rối loạn đường huyết trong thai kỳ
  • Theo dõi điều trị bệnh nhân đái tháo đường
  • Tầm soát bệnh đái tháo đường
Xét nghiệm glucose máu để làm gì?
4 lý do chính cần xét nghiệm glucose máu

Khám sức khoẻ tổng quát định kỳ

Đây là một hạng mục thường quy trong khám tổng quát và tầm soát ung thư trong đó có tầm soát ung thư tiêu hóa. Việc theo dõi lượng đường glucose trong máu định kỳ sẽ giúp Khách hàng điều chỉnh được thói quen sinh hoạt, ăn uống để giữ chỉ số glucose ở mức ổn định.

Xét nghiệm glucose máu để làm gì? Bác sĩ trao đổi với bệnh nhân về thực hiện xét nghiệm.
Khám sức khoẻ tổng quát định kỳ

Tầm soát rối loạn đường huyết trong thai kỳ

Một số người mẹ khi mang thai sẽ trải qua tình trạng đái tháo đường thai kỳ (tiểu đường thai kỳ). Nguyên nhân đến từ sự thay đổi hormone trong cơ thể, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất insulin và độ nhạy với insulin.

Để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, Bác sĩ sẽ thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.

Theo dõi điều trị bệnh nhân đái tháo đường

Xét nghiệm glucose là phương pháp hiệu quả để theo dõi đường huyết ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán đái tháo đường trước đó.

Việc theo dõi này giúp hạn chế các biến chứng do bệnh lý đái tháo đường gây ra như bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh thận đái tháo đường,…

Tầm soát bệnh đái tháo đường

Đối với những những người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, nên thực hiện xét nghiệm glucose máu để tầm soát bệnh đái tháo đường. Các yếu tố nguy cơ như là tiền đái tháo đường, tiền sử đái tháo đường thai kỳ, đái tháo đường trong gia đình.

Chẩn đoán dựa trên kết quả xét nghiệm glucose máu

Kết quả xét nghiệm glucose thường được sử dụng trong chẩn đoán đái tháo đường (tiểu đường). Bác sĩ có thể sử dụng một hoặc nhiều xét nghiệm glucose cùng lúc dựa vào bảng chỉ số tiểu đường để chẩn đoán chính xác bệnh lý đái tháo đường.

Ngoài ra, để chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường, Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm HbA1C. Theo khuyến cáo, chỉ số HbA1C của người bình thường sẽ nằm dưới mức 5,7%, và ở bệnh nhân đái tháo đường là trên mức 6,5%.

Lưu ý rằng, đối với bệnh lý đái tháo đường thai kỳ thì các thông số kể trên sẽ có thể khác đi. Để được chẩn đoán chính xác bệnh lý, chúng ta nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín (bệnh viện, phòng khám nội soi dạ dày, đại trực tràng).

Chuyên viên kỹ thuật chẩn đoán dựa trên kết quả xét nghiệm glucose máu
Chẩn đoán dựa trên kết quả xét nghiệm glucose máu

Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm glucose máu?

Để đảm báo kết quả xét nghiệm glucose máu được chính xác, Quý khách hàng cần phải tuân theo một số lưu ý nhất định. Ví dụ, đối với xét nghiệm đường huyết lúc đói thì cần nhịn ăn tối thiểu 8 giờ.

Các lưu ý trước khi xét nghiệm glucose máu:

  • Nhịn ăn tối thiểu 8 giờ đối với xét nghiệm đường huyết lúc đói.
  • Ăn uống bình thường đối với xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên.
  • Giữ tâm trạng thoải mái, tránh stress trước khi thực hiện xét nghiệm đường huyết.
  • Ngưng sử dụng insulin và các thuốc viên hạ đường huyết.
  • Mặc đồ thoải mái để thuận tiện trong việc lấy mẫu máu xét nghiệm.

Lưu ý, trước khi thực hiện xét nghiệm glucose máu, Quý khách hàng nên chủ động liên hệ với cơ sở y tế thực hiện để được tư vấn chính xác.

Cần chuẩn bị, lưu ý gì trước khi thực hiện xét nghiệm glucose máu?
Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm glucose máu?

Giá xét nghiệm đường huyết là bao nhiêu?

Giá xét nghiệm đường huyết, hay xét nghiệm glucose ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ,… khá dễ tiếp cận với đại đa số người dân.

Tại phòng khám nội soi tiêu hóa endoclinic.vn hiện nay cũng có cung cấp dịch vụ xét nghiệm đường huyết (glucose máu), cụ thể là xét nghiệm glucose máu lúc đói.

Giá xét nghiệm glucose máu lúc đói tại endoclinic.vn là 25.000 VNĐ.

Ngoài ra, xét nghiệm glucose máu là một hạng mục trong khám nội tổng quát và các gói tầm soát ung thư, trong đó có tầm soát ung thư dạ dày, tầm soát ung thư đại tràng.

Lưu ý, chi phí xét nghiệm đường huyết ở trên được cập nhật mới nhất tới ngày 22/02/2023. Để cập nhật bảng giá mới nhất, Cô Chú, Anh Chị vui lòng nhấn vào: Bảng giá dịch vụ xét nghiệm.

Ngoài ra, xét nghiệm đường huyết cũng thường được chỉ định trước khi nội soi tiêu hóa. Việc theo dõi tình trạng đái tháo đường của người bệnh giúp bác sĩ có thể đưa ra các biện pháp phù hợp, đảm bảo quá trình nội soi an toàn, hiệu quả.

Để tìm hiểu thêm về dịch vụ cũng như chi phí nội soi tại endoclinic.vn, mời Cô Chú, Anh Chị xem thêm tại: Bảng giá nội soi tiêu hóa.

Trên đây là một số thông tin về xét nghiệm glucose máu, chẩn đoán dựa trên kết quả xét nghiệm đường huyết, cũng như là chi phí xét nghiệm đường huyết. Nếu Cô Chú, Anh Chị thấy bài viết này hữu ích, hãy để lại bình luận, hoặc chia sẻ bài viết này rộng rãi nhé!

Câu hỏi thường gặp

Cách xử trí tăng đường huyết?

Người có triệu chứng tăng đường huyết nên chủ động liên hệ với Bác sĩ để đưa ra hướng điều trị phù hợp. Ngoài ra, người gặp tình trạng tăng đường huyết nên chủ động thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt để hạn chế tăng đường huyết.

Chỉ số lượng đường huyết trong máu bao nhiêu là cao?

Chỉ số đường huyết cao (tăng đường huyết) là trên mức 126 mg/dL (7,0 mmol/L) đối với xét nghiệm đường huyết lúc đói, trên mức 200 mg/dL (11,1 mmol/dL đối với xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên và nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.

Chỉ số tiểu đường bao nhiêu là nguy hiểm?

Chỉ số tiểu đường hay chỉ số đường huyết được coi là nguy hiểm với bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường) khi trên mức 200 mg/dL (11,1 mmol/L).

Trong trường hợp hạ đường huyết, nếu chỉ số này dưới mức 70 mg/dL (3,9 mmol/L) thì cần được cấp cứu kịp thời vì đây là tình trạng nguy hiểm.

Ăn gì để ổn định đường huyết?

Để ổn định đường huyết, người bệnh nên có một chế độ ăn khoa học, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt, thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm có chỉ số glycemic thấp,…

Đường huyết cao có phải bị tiểu đường?

Chỉ số đường huyết cao từ các xét nghiệm glucose máu có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh lý tiểu đường. Để chẩn đoán chính xác, Bác sĩ sẽ chỉ định 2 loại xét nghiệm glucose máu, hoặc chỉ định 1 loại xét nghiệm glucose máu kết hợp với các triệu chứng tăng huyết áp mà bệnh nhân đang mắc phải.

Tài liệu tham khảo

1. Sinh lý học y khoa, 2018, Bộ môn Sinh lý – ĐHYD TPHCM.

2. Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.

3. “Diabetes Tests.” Centers for Disease Control and Prevention, Centers for Disease Control and Prevention, 2022, https://www.cdc.gov/diabetes/basics/getting-tested.html. Accessed 22 Feb 2023.

4. Seery, Conor. “Hyperglycemia”. Diabetes, 2019, https://www.diabetes.co.uk/Diabetes-and-Hyperglycaemia.html. Accessed 22 Feb 2023.

5. “Hypoglycemia – Symptoms And Causes”. Mayo Clinic, 2023, https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypoglycemia/symptoms-causes/syc-20373685. Accessed 22 Feb 2023.

6. “Hypoglycemia – Symptoms And Causes”. Mayo Clinic, 2023, https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypoglycemia/symptoms-causes/syc-20373685. Accessed 22 Feb 2023.

7. “Diabetes Symptoms, Causes, & Treatment – ADA”. Diabetes.Org, 2023, https://diabetes.org/about-diabetes. Accessed 23 Feb 2023.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?