Bệnh ung thư gan là gì? Ung thư gan nguy hiểm như thế nào?

Theo thống kê từ Tổ chức Ghi nhận Ung thư Toàn cầu (GLOBOCAN), ung thư gan hiện đang là loại ung thư thường gặp nhất khi có số ca mắc mới và trường hợp tử vong mỗi năm đứng hàng đầu trong nhóm ung thư tại Việt Nam.

Chỉ trong năm 2020, Việt Nam đã có 26.418 ca mắc mới và 25.272 trường hợp tử vong, ung thư gan trở thành loại ung thư chiếm tỉ lệ cao nhất trong các loại ung thư (14.5%). Trong đó, tỷ lệ người lớn trên 40 tuổi chiếm hơn 92% (khoảng 24.358) ca mắc mới.

bệnh ung thư gan là gì?
Tổng quan về ung thư gan

Bệnh ung thư gan là gì?

Ung thư gan là căn bệnh ung thư bắt đầu phát triển từ các tế bào ở gan. Khi đó, tế bào ác tính tăng trưởng đột biến, không kiểm soát, làm tổn thương tế bào khỏe mạnh và gây suy giảm chức năng gan.

Chức năng của gan là gì?

Gan là bộ phận lớn nhất của cơ thể, nằm tại vị trí hạ sườn phải. Gan được cấu tạo từ tế bào gan và một số loại tế bào khác, bao gồm tế bào lót mạch máu và tế bào lót ống nhỏ trong gan (ống mật). Gan được chia thành 2 thùy khác nhau (thùy gan trái và thùy gan phải) thực hiện nhiều chức năng quan trọng để duy trì sự sống.[1]

Bệnh ung thư gan là gì?
Bệnh ung thư gan là gì? Ung thư gan nguy hiểm như thế nào?

Một số chức năng quan trọng của gan là:

  • Gan phân giải và lưu trữ nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Một số dưỡng chất cần phải được chuyển hóa tại gan trước khi trở thành nguồn năng lượng nuôi sống mô và cơ quan khác.
  • Gan là nơi sản xuất các yếu tố đông máu giúp hạn chế mất máu khi gặp phải chấn thương.
  • Gan vận chuyển mật xuống ruột để tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất, đặc biệt là chất béo.
  • Gan lọc và phân giải rượu, thuốc và các chất độc hại ra khỏi máu. Sau đó, gan đào thải chúng ra khỏi cơ thể qua nước tiểu và phân.

Các tế bào khác nhau trong gan có thể phát triển thành các khối u khác nhau, có thể lành tính hoặc ác tính. Tùy vào loại khối u hình thành mà cách thức điều trị, theo dõi và tiên lượng có thể hoàn toàn khác nhau.

Có các loại ung thư gan nào?

Ung thư gan gồm có 3 loại là ung thư gan nguyên phát, ung thư gan thứ phát và khối u lành tính. Trong đó, ung thư gan thứ phát thường phổ biến hơn so với ung thư gan nguyên phát.[2]

Còn đối với khối u lành tính, mặc dù không phát triển lan qua các mô lân cận nhưng kích thước lớn của khối u có thể gây ra một số vấn đề nếu như không được kiểm soát kịp thời.

3 loại ung thư gan có thể gặp gồm:

  • Ung thư gan nguyên phát
  • Ung thư gan thứ phát
  • Khối u gan lành tính

Ung thư gan nguyên phát là gì?

Ung thư gan nguyên phát là loại ung thư bắt đầu từ trong chính các tế bào tại gan. Ung thư gan nguyên phát có thể được chia thành 4 loại khác nhau.[1]

Ung thư gan nguyên phát là gì?
Các loại ung thư gan nguyên phát là gì?

4 loại ung thư gan nguyên phát gồm:

  • Ung thư biểu mô tế bào gan
  • Ung thư đường mật trong gan
  • U mạch máu gan
  • U nguyên bào gan

Ung thư biểu mô tế bào gan là gì?

Ung thư biểu mô tế bào gan là loại ung thư gan phổ biến nhất trong nhóm ung thư này, chiếm hơn 90% trường hợp mắc bệnh. Ung thư biểu mô tế bào gan (hepatocellular carcinoma – HCC) là loại ung thư phát triển chủ yếu từ các tế bào gan và thường được ghi nhận ở các bệnh nhân mắc xơ gan (khoảng 85%). Nam giới thường có nguy cơ mắc ung thư biểu mô gan cao hơn nữ giới và nguy cơ này sẽ tăng dần theo tuổi tác.[1] [9] [19]

Ung thư biểu mô tế bào gan là gì?
Bệnh ung thư gan là gì? Ung thư gan nguy hiểm như thế nào?

Ung thư biểu mô tế bào gan (ung thư tế bào gan, ung thư biểu mô gan) có thể phát triển theo 2 hướng. Đầu tiên, ung thư phát triển thành một khối u lớn, chỉ khi đến giai đoạn muộn chúng mới lan sang các bộ phận khác của gan. Thứ 2, ung thư xuất hiện dưới dạng nhiều nốt nhỏ không chỉ là một khối duy nhất, rất phổ biến ở người mắc xơ gan.

Ung thư còn được chia thành nhiều phân nhóm nhỏ. Trong đó, ung thư tế bào gan dạng tấm sợi (fibrolamellar) cần được chú ý tới. Dạng ung thư này hiếm gặp, chỉ chiếm 1% trong nhóm ung thư biểu mô tế bào gan, thường xuất hiện ở phụ nữ dưới 35 tuổi và có tiên lượng tốt hơn các phân nhóm khác.[1]

Ung thư đường mật là gì?

Ung thư đường mật trong gan phát sinh từ các tế bào biểu mô lót bên trong đường mật. Bệnh này còn gọi là ung thư ống mật (bile duct cancer). Nếu ung thư phát triển ở vị trí bên trong gan thì sẽ là ung thư đường mật trong gan. Tương tự, nếu ung thư phát triển ở ngoài gan, khi đó, bệnh sẽ được gọi là ung thư đường mật ngoài gan. Trong đó, ung thư đường mật trong gan hay gặp hơn, chiếm khoảng 10 – 20%.[1]

U mạch máu gan là gì?

U mạch máu gan (angiosarcoma và hemangiosarcoma) là một dạng ung thư rất hiếm gặp, bắt đầu từ các tế bào lót bên trong mạch máu của gan, loại ung thư này có xu hướng tiến triển rất nhanh, khó kiểm soát và thường được chẩn đoán trong giai đoạn nặng.

Những khối u này phát triển rất nhanh và lan rộng nên khó có thể điều trị bằng phẫu thuật. Hóa trị và xạ trị có thể giúp làm chậm quá trình tiến triển nhưng khó có thể điều trị triệt để hoàn toàn.[1]

U nguyên bào gan là gì?

U nguyên bào gan (hepatoblastoma) là một loại ung thư cực kỳ hiếm gặp và gần như chỉ xuất hiện ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 4 tuổi. Với phẫu thuật và hóa trị, 2 trên 3 trẻ em mắc u nguyên bào gan có thể được chữa khỏi.[1]

Ung thư gan thứ phát là gì?

Ung thư gan thứ phát là tình trạng các tế bào ung thư từ các bộ phận khác trong cơ thể di căn đến gan. Một số ung thư có thể di căn đến gan gồm ung thư vú, ung thư đại – trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư tụy,…[1]

Ung thư gan thứ phát là gì?
Ung thư gan thứ phát là gì?

Các loại ung thư này được đặt tên và điều trị dựa trên vị trí ban đầu nó xuất hiện. Ví dụ, các tế bào ung thư phổi di căn đến gan gọi là ung thư phổi di căn gan, không gọi là ung thư gan.

Khối u gan lành tính là gì?

Khối u gan lành tính khi phát triển đủ lớn có thể gây triệu chứng khó chịu cho người bệnh nhưng không xâm lấn vào các mô lân cận. U gan lành tính có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật. Khối u gan lành tính có thể được chia thành 3 loại.[1]

Khối u gan lành tính là gì?
Khối u gan lành tính là gì?

3 loại khối u gan lành tính gồm:

  • U máu
  • U tuyến tế bào gan
  • Tăng sản nốt khu trú

U máu là gì?

U máu là loại phổ biến nhất trong các loại khối u gan lành tính. Chúng thường bắt đầu phát triển trong các mạch máu. Phần lớn các trường hợp u máu của gan không gây ra các triệu chứng và không cần điều trị, một số khác có thể gây xuất huyết và cần được loại bỏ bằng phẫu thuật.[1]

U tuyến tế bào gan là gì?

U tuyến tế bào gan là khối u lành tính phát triển từ các tế bào gan. Phần lớn khối u không gây ra triệu chứng và cũng không cần điều trị. Tuy nhiên, một số khối u tuyến tế bào gan có thể triệu chứng như đau bụng, xuất hiện khối u ở bụng hoặc xuất huyết.

Thông thường, u tuyến tế bào gan sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ ngay khi có thể do nó tiềm ẩn nguy cơ bị vỡ gây xuất huyết ồ ạt hoặc tiến triển thành ung thư gan.[1]

Tăng sản nốt khu trú là gì?

Tăng sản nốt khu trú (focal nodular hyperplasia – FNH) là sự phát triển của các nốt giống khối u nhưng được cấu tạo từ nhiều loại tế bào khác nhau (tế bào gan, tế bào ống mật và tế bào mô liên kết).

Mặc dù FNH là khối u lành tính, nó có thể gây ra các triệu chứng khó chịu. Tăng sản nốt khu trú thường dễ bị nhầm lẫn với ung thư gan. Do đó, bác sĩ thường chỉ định loại bỏ chúng khi kết quả chẩn đoán không rõ ràng.

Cả 2 tình trạng khối u tuyến tế bào gan và tăng sản nốt khu trú đều phổ biến ở nữ giới hơn nam giới.[1]

Phân loại các giai đoạn của ung thư gan?

Các giai đoạn của ung thư gan sẽ được các bác sĩ xác định thông qua nhiều phương pháp sau khi bệnh nhân được chẩn đoán ung thư gan. Dựa vào giai đoạn ung thư, bác sĩ sẽ lượng giá được về mức độ tiến triển của bệnh, định hướng về liệu pháp điều trị phù hợp cũng như tiên lượng bệnh tốt hơn.

Phân loại các giai đoạn của ung thư gan?
Phân loại các giai đoạn của ung thư gan

Lưu ý:

Có nhiều hệ thống phân loại để xác định các giai đoạn ung thư gan hiện nay. Tuy nhiên, không có hệ thống phân loại nào là lý tưởng. Do đó, người bệnh nên tham vấn bác sĩ để được giải thích kỹ lưỡng nhất.

2 cách phân loại giúp xác định giai đoạn ung thư gan là:

  • Phân loại theo Hiệp hội Ung thư gan lâm sàng Barcelona (BCLC)
  • Phân loại TNM

Phân loại theo Hiệp hội Ung thư gan lâm sàng Barcelona (BCLC)

Phân loại BCLC là hệ thống đang được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Hệ thống phân loại này đã được sự chấp thuận của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh gan Hoa Kỳ (AASLD) và Hiệp hội Nghiên cứu về Gan của Châu Âu (EASL).

Theo BCLC, ung thư gan được chia thành 5 giai đoạn. Các giai đoạn này được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố khác nhau.[3] [6]

Phân loại các giai đoạn của ung thư gan?
5 giai đoạn của ung thư gan theo phân loại BCLC

BCLC phân loại giai đoạn ung thư gan dựa trên các yếu tố gồm:

  • Đặc điểm khối u (kích thước, số lượng, xâm lấn xung quanh)
  • Chức năng gan (dựa vào thang điểm Child-Pugh)
  • Chỉ số toàn trạng của người bệnh (dựa vào thang điểm toàn trạng – PS)
Giai đoạnĐặc điểm khối uChild – PughPSChiến lược điều trịTiên lượng sống
0Một hạch, kích thước nhỏ hơn 2cm. Chức năng gan được bảo tồnA0Điều trị triệt để: phẫu thuật, ghép gan hay đốt tế bào bằng sóng nhiệt.Tiên lượng sống 5 năm là khoảng 80 – 90%.
AMột hạch
Không quá 3 hạch, mỗi hạch không quá 3cm
A, B0Tiên lượng sống 5 năm là khoảng 50 – 70%.
BNhiều hạch lớnA, B0Điều trị tạm thời: hoá trị nội soi qua ống thông động mạch hay còn gọi là nút hóa chất động mạch (transcatheter arterial chemoembolization, TACE).Tỷ lệ sống trung bình là khoảng 16 tháng và có thể được 40 tháng nếu có điều trị.
CXâm lấn mạch máu hoặc ra ngoài ganA, B1-2Điều trị tạm thời: sử dụng chế phẩm ức chế tăng sinh mạch (Sorafenib)Tỷ lệ sống trung bình khoảng 11 – 13 tháng nếu có điều trị và 6 – 8 tháng nếu không điều trị.
DBất kỳ trạng thái nàoC3-4Điều trị triệu chứng: liệu pháp giảm nhẹTỷ lệ sống trung bình khoảng 3 – 4 tháng.
Bảng 1: Phân loại ung thư gan theo Hiệp hội Ung thư gan lâm sàng Barcelona (BCLC)

Thang điểm Child – Pugh

Thang điểm Child – Pugh được sử dụng trong hệ thống BCLC giúp xác định chức năng gan, đặc biệt là ở người bị xơ gan. Việc xác định chức năng của gan giúp bác sĩ có thể đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp.[4]

Thang điểm Child – Pugh đánh giá chức năng gan dựa trên 5 yếu tố:

  • Nồng độ bilirubin trong máu
  • Nồng độ albumin trong máu
  • Chỉ số PT
  • Bệnh nhân có bị cổ trướng (báng bụng) hay không?
  • Bệnh gan có ảnh hưởng đến chức năng não hay không?

3 mức độ của chức năng gan theo thang điểm Child – Pugh:

  • Độ A: các yếu tố này bình thường.
  • Độ B: các yếu tố bất thường nhẹ.
  • Độ C: các yếu tố bất thường nặng.

Cần lưu ý rằng, bệnh nhân bị bệnh gan Child – Pugh độ C thường không đủ sức khỏe để có thể phẫu thuật hoặc tiếp nhận các phương pháp điều trị ung thư lớn khác.

Thang điểm toàn trạng (PS)

Thang điểm toàn trạng (performance status – PS) giúp đánh giá mức độ tác động của bệnh tật lên đời sống thường ngày của bệnh nhân. Thang điểm này mô tả khả năng người bệnh vẫn có thể thực hiện các hoạt động cơ bản (tự chăm sóc bản thân, đi lại, làm việc,…) theo từng giai đoạn tiến triển của bệnh tật.

Thang điểm này được bác sĩ sử dụng để xây dựng phác đồ điều trị cũng như theo dõi các dấu hiệu bất thường của người bệnh trong quá trình điều trị. Thông tin về thang điểm toàn trạng được trình bày ở bảng 2.[5]

ĐiểmMô tả
0Hoạt động bình thường, không hạn chế
1Hạn chế hoạt động thể lực, chỉ có thể làm được việc nhẹ, không dùng nhiều sức.
2Không làm việc được nhưng vẫn có thể tự chăm sóc bản thân toàn phần.
3Phải có sự trợ giúp của người khác khi tự chăm sóc bản thân. Phải nằm hoặc ngồi nghỉ tại giường hoặc ghế nhiều hơn 50% thời gian thức.
4Hạn chế hoàn toàn, không thể tự chăm sóc bản thân. Phải nằm hoặc ngồi nghỉ tại giường, ghế trong toàn bộ thời gian thức.
5Qua đời
Bảng 2: Thang điểm toàn trạng (PS)

Phân loại TNM

Phân loại TNM là hệ thống phân loại giai đoạn ung thư gan của Ủy ban liên hợp về ung thư Hoa Kỳ (AJCC). Phân loại này được sử dụng phổ biến ở Mỹ và dựa trên 3 yếu tố chính là mức độ khối u (Tumour – T), mức độ di căn đến các hạch bạch huyết lân cận (Nodes – N) và mức độ di căn đến các cơ quan ở xa (Metastases – M).[4]

Phân loại các giai đoạn của ung thư gan?
Phân loại TNM

Bảng sau trình bày thông tin về các giai đoạn ung thư gan theo phân loại TNM.[4]

Giai đoạnTNMMô tả
Ung thư gan giai đoạn đầu (giai đoạn 1A)T1a
N0
M0
Xuất hiện 1 khối u 2cm hoặc nhỏ hơn và chưa xâm lấn đến mạch máu (T1a).
Khối u chưa xâm lấn vào hạch bạch huyết lân cận (N0) và chưa di căn (M0).
Ung thư gan giai đoạn đầu (giai đoạn 1B)T1b
N0
M0
Xuất hiện 1 khối u lớn hơn 2cm chưa xâm lấn đến mạch máu (T1b).
Khối u chưa xâm lấn vào hạch bạch huyết lân cận (N0) và chưa di căn (M0).
Ung thư gan giai đoạn 2T2
N0
M0
Xuất hiện 1 khối u lớn hơn 2cm chưa xâm lấn đến mạch máu hoặc nhiều khối u nhỏ hơn 5cm (T2).
Khối u chưa xâm lấn vào hạch bạch huyết lân cận (N0) và chưa di căn (M0).
Ung thư gan giai đoạn 3AT3
N0
M0
Có nhiều khối u mà trong đó có ít nhất 1 khối u kích thước lớn hơn 5cm (T3).
Khối u chưa xâm lấn vào hạch bạch huyết lân cận (N0) và chưa di căn (M0).
Ung thư gan giai đoạn 3BT4
N0
M0
Có ít nhất 1 khối u (bất kể kích thước) xâm lấn vào nhánh lớn của tĩnh mạch (tĩnh mạch cửa hoặc tĩnh mạch gan) (T4).
Khối u chưa xâm lấn vào hạch bạch huyết lân cận (N0) và chưa di căn (M0).
Ung thư gan giai đoạn cuối (giai đoạn 4A)T bất kỳ
N1
M0
Có 1 khối u hoặc nhiều khối u kích thước bất kỳ (T bất kỳ) đã xâm lấn vào hạch bạch huyết lân cận (N1).
Khối u chưa di căn (M0).
Ung thư gan giai đoạn cuối (giai đoạn 4B)T bất kỳ
N bất kỳ
M1
Có 1 khối u hoặc nhiều khối u kích thước bất kỳ (T bất kỳ) Khối u có thể có hoặc không xâm lấn vào hạch bạch huyết lân cận (N bất kỳ).
Khối u đã di căn xa vào xương hoặc phổi (M1).
Bảng 3: Phân loại TNM

Một số thông tin không được đề cập trong bảng trên gồm:

  • TX: Không thể đánh giá khối u chính xác do thiếu thông tin.
  • T0: Không có bằng chứng cho thấy có khối u nguyên phát.
  • NX: Không thể đánh giá các hạch bạch huyết lân cận do thiếu thông tin.

Phân loại ung thư gan theo mục đích điều trị?

Các hệ thống hệ thống phân loại được đề cập ở trên thường được sử dụng để xác định tiên lượng bệnh. Còn đối với mục đích điều trị, bác sĩ thường phân loại ung thư gan phụ thuộc vào tình trạng khối u có thể cắt bỏ được hoàn toàn không. Từ đó, bác sĩ có thể quyết định hướng điều trị phù hợp.[4]

Phân loại ung thư gan theo mục đích điều trị?
Phân loại ung thư gan theo mục đích điều trị

4 nhóm ung thư gan được phân loại theo mục đích điều trị là:

  • Ung thư gan có thể cắt bỏ hoặc phẫu thuật cấy ghép: Trong giai đoạn 1 và 2, ung thư có thể được loại bỏ hoàn toàn thông qua phẫu thuật hoặc cấy ghép gan mới. Chỉ một số ít bệnh nhân ung thư gan nằm trong nhóm có thể thực hiện phẫu thuật này.
  • Ung thư gan không thể cắt bỏ: Giai đoạn này là tình trạng các khối u ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc cơ quan ở xa trong cơ thể nhưng không thể loại bỏ bằng phẫu thuật. Lý do bởi vì ung thư đã lan khắp gan hoặc ung thư tại khu vực gan có nhiều động mạch và tĩnh mạch chính cũng như nhiều ống mật.
  • Ung thư gan không thể phẫu thuật do các bệnh lý khác: Mặc dù ung thư đủ nhỏ và ở đúng vị trí có thể loại bỏ nhưng người bệnh lại không đảm bảo đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật. Nguyên nhân là do phần gan còn lại bị ảnh hưởng bệnh lý khác như xơ gan nên khi cắt bỏ, tình trạng gan sẽ không đủ khỏe mạnh để duy trì chức năng bình thường.
  • Ung thư gan di căn: Ung thư gan đã di căn đến các hạch bạch huyết hoặc cơ quan khác của cơ thể thường không thể điều trị bằng phẫu thuật. Chúng thường được xếp vào giai đoạn 4A và 4B trong hệ thống TNM.

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân ung thư gan là gì?

Nguyên nhân ung thư gan đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tìm ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ,… và một số thói quen trong lối sống hàng ngày gây ảnh hưởng đến sức khỏe bao gồm rượu bia, thuốc lá,…[7] [8] [9]

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân ung thư gan là gì?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan là:

  • Viêm gan B hoặc C mạn tính: Nhiễm mạn tính HBV hoặc HCV có khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan về sau. Nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào gan ở người nhiễm HBV cao hơn 15 – 20 lần so với người không nhiễm. Đối với người nhiễm HCV thì tỷ lệ này tăng gấp 17 lần so với người không nhiễm. Cả HBV và HCV gộp chung lại chịu trách nhiệm cho hơn 70% các ca ung thư ghi nhận trên toàn thế giới.
  • Xơ gan: Đây là tình trạng gan xuất hiện các mô sẹo và làm ảnh hưởng xấu đến chức năng của gan. Xơ gan không thể hồi phục và làm tăng nguy cơ tiến triển thành ung thư gan. Hầu hết những người mắc ung thư gan đều có những biểu hiện của xơ gan.
  • Lạm dụng rượu bia: Tiêu thụ rượu bia quá mức là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan, từ đó làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan.
  • Hút thuốc lá: Việc hút thuốc lá tiềm ẩn nguy cơ phát triển ung thư gan. Người đã từng hút thuốc lá sau đó bỏ thì có nguy cơ thấp hơn so với người vẫn còn duy trì.
  • Béo phì: Béo phì thúc đẩy nguy cơ ung thư gan gia tăng do nó có thể dẫn tới tình trạng gan nhiễm mỡ và xơ gan.
  • Đái tháo đường típ 2: Bệnh lý này có liên hệ mật thiết với nguy cơ cao mắc ung thư gan. Đặc biệt là ở những người có thêm nhiều yếu tố nguy cơ khác như lạm dụng rượu bia hoặc mắc viêm gan mạn tính. Người bị đái tháo đường típ 2 cũng có khuynh hướng thừa cân, béo phì, từ đó góp phần làm tăng nguy cơ ung thư.
  • Aflatoxin: Aflatoxin B1 là một loại độc tố nấm mốc có thể gây ung thư và được sản sinh ra từ nấm mốc Aspergillus flavusAspergillus parasiticus. Loại độc tố này thường được tìm thấy trong đậu phộng, lúa mì, đậu nành, ngô và gạo được lưu trữ không hợp lý và bị nhiễm nấm mốc.Tiếp xúc với chất độc này thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan, tỷ lệ sẽ còn tăng cao hơn nếu người đó mắc viêm gan B hoặc C.
  • Giới tính: Ung thư biểu mô tế bào gan thường phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.
  • Một số bệnh lý hiếm gặp: Bệnh huyết sắc tố, thiếu alpha-1 antitrypsin, bệnh dự trữ glycogen, porphyria cutanea tarda, tyrosinemia và bệnh Wilson,…

Sinh lý bệnh ung thư gan

Mặc dù nghiên cứu giải trình tự gene đã mô tả một số gene có liên quan đến ung thư gan nhưng hầu hết các gene khởi đầu quá trình hình thành ung thư biểu mô gan vẫn chưa được hiểu rõ. Nhiều nghiên cứu cho thấy mất ổn định di truyền, bao gồm các biến đổi trên nhiễm sắc thể hoặc trên nucleotide có thể đóng vai trò tác động cho quá trình ung thư bắt đầu. Các đột biến trên gene tế bào sinh dưỡng (promoter TERT, TP53, CTNNB1, ARID1A, FGF) tham gia vào nhiều con đường tín hiệu quan trọng (JAK/STAT, WntB-catenin, PI3K-AKT-mTOR) được cho rằng là yếu tố chính để ung thư gan phát triển.

Hiện nay, dấu ấn sinh học (biomarker) tiên lượng ung thư gan thường được sử dụng là sự biểu hiện của protein Ki-67 và đột biến gene TP53. Các dấu ấn này thường đi kèm với tiên lượng bệnh xấu.[10]

Sinh lý bệnh ung thư gan
Sinh lý bệnh ung thư gan

Triệu chứng và dấu hiệu ung thư gan là gì?

Dấu hiệu ung thư gan thường tương tự với các triệu chứng bệnh lý gan mạn tính. Các dấu hiệu thường gặp như khó chịu vùng hạ sườn phải, căng tức bụng, sụt cân, sốt, chán ăn, no sớm, tiêu chảy và các triệu chứng khác.[10]

Lưu ý:

Việc có một hoặc nhiều triệu chứng được nhắc đến sau đây không đồng nghĩa rằng Cô Chú, Anh Chị bị ung thư gan. Hơn nữa, các triệu chứng này có thể được gây ra bởi các bệnh lý khác không phải ung thư gan. Do đó, nếu có triệu chứng, Cô Chú, Anh Chị nên trực tiếp đến bệnh viện, phòng khám uy tín để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Triệu chứng ung thư gan giai đoạn đầu là gì?

Ung thư gan giai đoạn đầu thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Do đó, bác sĩ khuyến cáo những ai thuộc nhóm nguy cơ cao nên đi tầm soát ung thư gan định kỳ để phát hiện ung thư gan từ giai đoạn rất sớm. Từ đó gia tăng khả năng điều trị thành công bệnh lý này.[11]

Triệu chứng ung thư gan giai đoạn cuối là gì?

Triệu chứng ung thư gan giai đoạn cuối thường biểu hiện rõ ràng và dễ nhận biết hơn. Khi đó, tình trạng ung thư gan đã trở nặng và tỷ lệ thành công khi điều trị thường không cao.[2] [10] [12]

Dấu hiệu ung thư gan và triệu chứng ung thư gan giai đoạn cuối là gì?
Triệu chứng ung thư gan giai đoạn cuối

Các triệu chứng ung thư gan giai đoạn cuối phổ biến là:

  • Suy nhược, mệt mỏi
  • Sốt
  • Sụt cân không chủ đích
  • Chán ăn
  • Ăn nhanh no
  • Buồn nôn và nôn
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Phân nhạt màu
  • Gan và lách phình to
  • Đau hạ sườn phải
  • Cổ trướng (báng bụng)
  • Ngứa da
  • Vàng da, vàng mắt
  • Nôn ra máu
  • Bệnh não gan

Một số triệu chứng ung thư gan hiếm gặp khác có thể bao gồm hạ đường huyết, tăng hồng cầu, tăng canxi trong máu và tiêu chảy nghiêm trọng.

Phương pháp chẩn đoán ung thư gan là gì?

Chẩn đoán ung thư gan thường bao gồm việc thăm khám khám lâm sàng kết hợp với cận lâm sàng cần thiết. Điều này giúp kết quả chẩn đoán được chính xác, tìm ra được nguyên nhân gây bệnh, đồng thời bác sĩ cũng có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng là cách mà bác sĩ sẽ đánh giá tổng quát sức khỏe ban đầu của người bệnh. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ thu thập những thông tin cần thiết về triệu chứng, dấu hiệu ung thư gan hoặc tiền căn bệnh sử của người bệnh và thân nhân. Các thông tin này sẽ rất quan trọng để phục vụ chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị.

Khám lâm sàng
Khám lâm sàng

Các câu hỏi bác sĩ có thể hỏi khi khám lâm sàng là:

  • Các triệu chứng Cô Chú, Anh Chị đang gặp phải là gì?
  • Lần đầu tiên triệu chứng xuất hiện khi nào?
  • Triệu chứng có xuất hiện liên tục không?
  • Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng như thế nào?
  • Những yếu tố nào làm nghiêm trọng thêm hoặc làm giảm các triệu chứng của Cô Chú, Anh Chị?
  • Cô Chú, Anh Chị có thường xuyên sử dụng rượu bia hoặc thuốc lá không?
  • Cô Chú, Anh Chị có từng mắc các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ,… không?
  • Gia đình có ai đã từng mắc các bệnh liên quan không?
  • Cô Chú, Anh Chị có đang sử dụng thuốc điều trị bệnh lý nào không?

Sau đó, bác sĩ có thể kiểm tra thêm tình trạng vàng da, vàng mắt và khám bụng để xem gan có to hay không. Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán loại trừ một số nguyên nhân liên quan và chỉ định một số phương pháp cận lâm sàng phù hợp.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Dựa kết quả của một số cận lâm sàng như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh hoặc sinh thiết gan có thể giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh, xác định giai đoạn, mức độ, vị trí của ung thư gan (nếu có).

Xét nghiệm

Các xét nghiệm máu thường giúp bác sĩ kiểm tra chức năng gan và đánh giá bất thường về gan. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm còn giúp bác sĩ đánh giá tổng quan sức khỏe, mức độ hoạt động của cơ quan nội tạng khác của người bệnh. Nếu người bệnh đang trong quá trình điều trị, các xét nghiệm còn giúp theo dõi hiệu quả điều trị cũng như dấu hiệu sớm của ung thư tái phát.[13]

Phương pháp chẩn đoán ung thư gan là gì?
Xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán ung thư gan

Các xét nghiệm bác sĩ có thể chỉ định thực hiện gồm:

  • Xét nghiệm AFP: AFP được xem là một marker ung thư gan, thường dùng để hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi điều trị. Chỉ số AFP nếu tăng cao có thể là cảnh báo tình trạng ung thư gan. Tuy nhiên, AFP cao cũng có khả năng đến từ nhiều bệnh lý khác.
  • Xét nghiệm viêm gan B hoặc C: Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm xét nghiệm viêm gan B hoặc C để tìm hiểu về nguyên nhân.
  • Xét nghiệm chức năng gan (LFTs): Xét nghiệm này đánh giá chức năng của gan thông qua chỉ số như nồng độ protein, men gan và bilirubin trong máu.
  • Xét nghiệm đông máu: Xét nghiệm đông máu gồm xét nghiệm PT, aPTT và fibrinogen giúp đánh giá khả năng tạo ra các yếu tố đông máu của gan.
  • Xét nghiệm chức năng thận: Xét nghiệm này cho biết thận vẫn còn hoạt động tốt hay không dựa trên nồng độ urea nitrogen trong máu và creatinin.
  • Tổng phân tích tế bào máu: Xét nghiệm này đo lường số lượng, nồng độ, thể tích của bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu trong máu.

Sinh thiết gan

Trong một số trường hợp, bác sĩ cần lấy một mẫu mô ở gan để phân tích mô bệnh học, nhằm chẩn đoán chính xác nhất tình trạng ung thư. Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp sinh thiết gan phù hợp với người bệnh.

Lưu ý:

Sinh thiết gan có thể không thực hiện nếu hình ảnh MRI hoặc CT có thể cung cấp đủ bằng chứng cho thấy khối u trong gan có phải là ung thư không.

3 phương pháp sinh thiết gan phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Sinh thiết kim: Bác sĩ sẽ đưa một cây kim mỏng qua bụng và vào gan để lấy mẫu mô, bác sĩ có thể kết hợp với siêu âm để quan sát nơi lấy mẫu.
  • Nội soi sinh thiết: Phương pháp này được thực hiện bằng cách kết hợp phương pháp nội soi ổ bụng và sinh thiết. Nội soi ổ bụng được đưa vào qua một vết rạch nhỏ ở bụng, hình ảnh nội soi sẽ giúp bác sĩ quan sát gan trông như thế nào và thực hiện sinh thiết chính xác hơn.
  • Sinh thiết phẫu thuật: Phẫu thuật có thể cho phép bác sĩ loại bỏ một phần hoặc hoàn toàn khối u khi cần thiết.

Chẩn đoán hình ảnh

Bác sĩ có thể chỉ định các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm bụng, chụp CT và MRI. Các xét nghiệm hình ảnh giúp xác định giai đoạn ung thư, xác định kích thước, vị trí của khối u đang phát triển và đánh giá xem liệu ung thư có di căn sang các cơ quan khác không.

Phương pháp chẩn đoán ung thư gan là gì?
Siêu âm bụng

Các chẩn đoán hình ảnh bác sĩ có thể chỉ định là:

  • Siêu âm: Đây là chẩn đoán hình ảnh đầu tiên giúp bác sĩ xác định xem bệnh nhân có khối u nào trong gan không.
  • Chụp CT và MRI: Chụp CT hoặc MRI gan giúp bác sĩ xác định kích thước, vị trí, mức độ di căn của ung thư gan trong cơ thể. Phương pháp này còn được sử dụng để hỗ trợ quá trình sinh thiết.
  • Chụp mạch máu: Chụp mạch máu thông qua CT và MRI được thực hiện để bác sĩ quan sát tình trạng các động mạch cung cấp máu cho gan. Thuốc cản quang hoặc thuốc nhuộm được tiêm vào động mạch giúp chúng hiển thị rõ hơn trên phim chụp.
  • Chụp ảnh xương: Phương pháp này giúp tìm ung thư đã di căn đến xương. Phương pháp này ít khi được chỉ định trừ khi người bệnh xuất hiện triệu chứng của ung thư gan đi kèm với đau xương,…

Các chẩn đoán hình ảnh cũng có thể hỗ trợ bác sĩ xác định đây là khối u lành tính hay ác tính.

Ung thư gan có nguy hiểm không?

Ung thư gan là bệnh lý rất nguy hiểm. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị để kiểm soát.

Tiên lượng ung thư gan

Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư biểu mô tế bào gan là khoảng 18%. Tiên lượng của bệnh nhân mắc ung thư gan được đưa ra dựa trên kích thước, mức độ khối u theo mô bệnh học, mức độ nghiêm trọng của bệnh nền, có hay không có di căn và cuối cùng là sự xâm lấn của khối u vào các mô cơ quan lân cận.

Ung thư gan với mức độ AFP cao thì liên quan đến tình trạng biệt hóa kém và thường được nhận định có tiên lượng bệnh xấu. Bệnh nhân mắc ung thư quan liên quan đến viêm gan B và dương tính với HBeAg liên quan đến tiên lượng bệnh kém và có nguy cơ cao ung thư tái phát trở lại. Tương tự, mức độ cao HBV DNA trong máu cũng cảnh báo nguy cơ ung thư gan và tái phát.[9]

Biến chứng ung thư gan

Biến chứng ung thư gan rất nguy hiểm và có thể gây tử vong nếu không được kịp thời điều trị. Các biến chứng ung thư gan bao gồm biến chứng tại gan và di căn.

Biến chứng ung thư gan
Các biến chứng của ung thư gan

Một số biến chứng ung thư gan là:

  • Bệnh não – gan
  • Huyết khối tĩnh mạch cửa (portal vein thrombosis)
  • Tình trạng cổ trướng (báng bụng) trầm trọng hơn
  • Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản
  • Vàng da tắc mật
  • Áp xe gan do vi khuẩn
  • Xuất huyết trong phúc mạc (intraperitoneal bleeding)
  • Di căn đến phổi, hạch bạch huyết, xương, tuyến thượng thận.[9]

Phương pháp điều trị ung thư gan là gì?

Phương pháp điều trị ung thư gan phụ thuộc vào giai đoạn bệnh khi phát hiện, chức năng gan, tình trạng di căn, cũng như tuổi tác, tình trạng sức khỏe,… Theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan” của Bộ Y Tế năm 2020 đã đưa ra nguyên tắc điều trị ung thư gan gồm 3 ý.[8]

Phương pháp điều trị ung thư gan là gì?
Các phương pháp điều trị ung thư gan

Nguyên tắc điều trị ung thư biểu mô tế bào gan theo Bộ Y Tế là:

  • Điều trị (các) ung thư biểu mô tế bào gan ở giai đoạn còn khả năng điều trị.
  • Điều trị bệnh lý nền hay các yếu tố nguy cơ (viêm gan B hoặc C, xơ gan,…).
  • Điều trị nội khoa kết hợp chăm sóc giảm nhẹ đối với ung thư gan giai đoạn muộn.

Các phương pháp điều trị ung thư gan được sử dụng hiện nay là:

  • Phẫu thuật
  • Điều trị tại chỗ
  • Xạ trị
  • Liệu pháp trúng đích
  • Liệu pháp miễn dịch
  • Hóa trị liệu.
  • Chăm sóc hỗ trợ.

Lưu ý:

Các thông tin về phương pháp điều trị được đề cập sau đây chỉ mang tính tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán và phác đồ điều trị của bác sĩ có chuyên môn. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ để biết liệu trình điều trị ung thư gan phù hợp với mình nhất.

Phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị ung thư gan được chia thành 2 dạng: phẫu thuật cắt bỏ khối u và phẫu thuật cấy ghép gan mới. Đây được xem là cách tốt nhất để chữa trị ung thư gan giai đoạn sớm.

Phẫu thuật điều trị ung thư gan
Phẫu thuật điều trị ung thư gan

Phẫu thuật cắt bỏ khối u

Phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp cắt bỏ đi một phần gan có chứa khối u. Phương pháp này thường chỉ được sử dụng cho ung thư gan giai đoạn đầu, khi khối u chưa xâm lấn vào mạch máu. Nếu người bệnh khỏe mạnh, gan có thể tái sinh và thay thế phần bị mất. Phẫu thuật cắt bỏ có tỷ lệ không tái phát là 40% và tiên lượng sống sau 5 năm là 90%.[14]

Phẫu thuật cấy ghép gan

Phẫu thuật cấy ghép gan là phương pháp thay thế hoàn toàn gan bị ung thư bằng một lá gan khỏe mạnh từ người hiến tạng. Phương pháp này là lựa chọn tốt cho những bệnh nhân có khối u không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật hoặc gan quá yếu do bệnh tật để có thể bị cắt bỏ một phần. Ngoài ra, cấy ghép gan còn có thể sử dụng cho người bệnh có nhiều khối u nhỏ (1 khối u nhỏ hơn 5cm hoặc 2-3 khối u nhỏ hơn 3cm).

Việc cấy ghép gan mới có thể giúp làm giảm nguy cơ tái phát ung thư gan và chức năng gan vẫn được duy trì trọn vẹn.[14]

Điều trị tại chỗ

Phương pháp điều trị tại chỗ cho ung thư gan là những phương pháp điều trị trực tiếp tại vị trí các tế bào ung thư xuất hiện hoặc khu vực xung quanh.[15]

Các phương pháp điều trị ung thư gan tại chỗ bao gồm:

  • Phương pháp đốt: Phương pháp này sử dụng dòng điện để đốt nóng và tiêu diệt các tế bào ung thư. Bác sĩ có thể sử dụng máy siêu âm để quan sát, sau đó chèn một hoặc nhiều kim mỏng vào vết rạch nhỏ ở bụng. Sau khi kim đã chạm được vào khối u, tế bào ung thư sẽ được đốt nóng bằng dòng điện để tiêu diệt.
  • Kỹ thuật đông lạnh: Kỹ thuật này sử dụng dung dịch cực lạnh (nitơ lỏng) để tiêu diệt ung thư. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ đặt một dụng cụ chứa nitơ lỏng trực tiếp lên khối u tại gan. Siêu âm sẽ giúp bác sĩ điều chỉnh dụng cụ và giám sát quá trình thực hiện.
  • Tiêm cồn vào khối u: Cồn tinh khiết sẽ được tiêm trực tiếp vào khối u, qua da hoặc trong quá trình phẫu thuật. Cồn tinh khiết sẽ khiến tế bào ung thư chết đi.
  • Tiêm thuốc hóa trị vào gan: Phương pháp này còn gọi là phương pháp nút mạch hóa chất (TACE). Đây là một thủ thuật y tế ít xâm lấn, có thể tiêu diệt khối u bằng cách sử dụng thuốc hóa trị rất mạnh.

Xạ trị

Xạ trị ung thư gan là phương pháp điều trị sử dụng tia bức xạ năng lượng cao (như tia X, tia proton) để tiêu diệt các tế bào ung thư và thu nhỏ khối u. Trong quá trình xạ trị, bác sĩ sẽ hướng nguồn năng lượng trực tiếp vào gan, vì vậy có thể bảo vệ các mô khỏe mạnh xung quanh.

Xạ trị ung thư gan
Xạ trị ung thư gan

Ngoài ra, còn có một phương pháp xạ trị chuyên biệt khác gọi là xạ trị toàn thân lập thể (stereotactic body radiotherapy). Khi đó, bác sĩ sẽ điều chỉnh hội tụ nhiều chùm bức xạ đồng thời vào một điểm trên cơ thể.

Xạ trị có thể là lựa chọn cuối cùng khi các phương pháp khác không có hiệu quả hoặc không thể thực hiện được do tình trạng sức khỏe. Đối với ung thư gan giai đoạn cuối, xạ trị là phương pháp giúp kiểm soát các triệu chứng.[15]

Liệu pháp trúng đích

Liệu pháp trúng đích sẽ tấn công vào các phân tử “đích” quan trọng cho sự hình thành và phát triển của tế bào ung thư. Bằng cách ức chế các phân tử mục tiêu này, tế bào ung thư sẽ dần chết đi.

Phương pháp điều trị ung thư này chỉ áp dụng ở những bệnh nhân có mang một số đột biến gen nhất định. Vì vậy, trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ phân tích tế bào để xem phương pháp này có phù hợp với bệnh nhân hay không.

Hiện nay, có nhiều loại thuốc nhắm mục tiêu có sẵn để điều trị ung thư gan giai đoạn muộn. Các loại thuốc này bao gồm chất ức chế enzyme kinase (sorafenib, lenvatinib, regorafenib, cabozantinib), kháng thể đơn dòng (bevacizumab, ramucirumab).[16]

So với hóa – xạ trị, các loại thuốc này chỉ tấn công đặc hiệu vào tế bào ung thư. Vì thế, các tế bào khỏe mạnh có thể sẽ không bị ảnh hưởng.[15]

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng chính hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư. Thông thường, ung thư có thể lẩn tránh được hệ miễn dịch do sản xuất ra các protein ngăn chặn hệ thống miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch sẽ can thiệp vào quá trình đó, khiến hệ miễn dịch có thể tiêu diệt được tế bào ung thư.

Các phương pháp điều trị bằng liệu pháp miễn dịch thường dành riêng cho người mắc bệnh ung thư gan giai đoạn tiến triển.[15]

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể ở dạng viên nén, dạng thuốc truyền qua tĩnh mạch hoặc kết hợp cả hai. Hóa trị đôi khi có thể sử dụng để điều trị ung thư gan giai đoạn tiến triển.[15]

Hóa trị ung thư gan
Hóa trị điều trị ung thư gan

Chăm sóc hỗ trợ

Chăm sóc hỗ trợ (chăm sóc giảm nhẹ) là phương pháp chăm sóc y tế chuyên biệt tập trung vào việc giảm đau và các triệu chứng nghiêm trọng khác. Chăm sóc giảm nhẹ thường được thực hiện đồng thời với các điều trị tích cực khác như phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.

Phương pháp này được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ, y tá, gia đình, bạn bè để hỗ trợ người bệnh trải qua những đợt điều trị nặng nề. Điều này giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn và có thể giúp gia tăng hiệu quả điều trị.[15]

Theo dõi bệnh nhân ung thư gan sau điều trị

Sau điều trị, bệnh nhân sẽ vẫn được tiếp tục theo dõi và giám sát thông qua việc tái khám định kỳ, đề phòng trường hợp ung thư tái phát hoặc xuất hiện bệnh ung thư thứ hai. Mỗi lần tái khám, bệnh nhân sẽ được đánh giá về lâm sàng và làm đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng để đánh giá kết quả điều trị, theo dõi diễn tiến bệnh và phát hiện tái phát.

Theo dõi bệnh nhân ung thư gan sau điều trị
Theo dõi bệnh nhân ung thư gan sau điều trị

Điều quan trọng đối với tất cả những bệnh nhân ung thư gan sau điều trị là phải thông báo cho bác sĩ về bất kỳ vấn đề hay triệu chứng mới nào. Lý do vì chúng có thể là ung thư gan tái phát hoặc là triệu chứng của một căn bệnh mới hay là loại ung thư thứ hai.

Cách phòng tránh ung thư gan như thế nào?

Cách phòng tránh ung thư gan tốt nhất là chủ động tầm soát, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý về gan (viêm gan B, viêm gan C, xơ gan). Đồng thời, xây dựng thói quen sống lành mạnh, hạn chế rượu bia giúp giảm thiểu các tác động xấu đến gan.[2]

Cách phòng tránh ung thư gan
Cách phòng tránh ung thư gan

Một số cách phòng tránh ung thư gan là:

  • Giảm nguy cơ mắc xơ gan bằng cách giảm lượng rượu bia tiêu thụ và chủ động tập thể dục, ăn uống hợp lý để duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh bị thừa cân, béo phì.
  • Tiêm phòng vaccine viêm gan B cho người chưa mắc bệnh, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
  • Hạn chế lây nhiễm viêm gan C như quan hệ tình dục an toàn, không dùng chung kim tiêm và xăm mình, xỏ khuyên ở các địa chỉ uy tín, đảm bảo vệ sinh,…
  • Chủ động điều trị viêm gan B và C khi mắc bệnh.
  • Tầm soát ung thư gan định kỳ đối với người mắc bệnh viêm gan B, C, gan nhiễm mỡ và xơ gan. Thông thường, thời gian thực hiện tầm soát ung thư gan khoảng 6 tháng 1 lần. Tuy nhiên, phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ điều chỉnh mức độ tầm soát phù hợp.

Khuyến cáo về tầm soát ung thư gan

Tầm soát ung thư gan là phương pháp kiểm tra để phát hiện ra tế bào ung thư ngay từ giai đoạn sớm khi chưa xuất hiện dấu hiệu bệnh. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh Gan Mỹ (AASLD) năm 2018, tầm soát ung thư gan định kỳ 6 tháng/lần là cách tốt nhất phát hiện sớm bệnh ở những người có nguy cơ cao.

Khuyến cáo về tầm soát ung thư gan
Khuyến cáo về tầm soát ung thư gan

Tuy nhiên, với tỷ lệ tử vong cao do ung thư gan ở Việt Nam và đa phần là do phát hiện muộn, việc tầm soát ung thư gan được khuyến khích thực hiện. Điều này giúp tăng hiệu quả điều trị và tiên lượng sống tốt hơn. Một số xét nghiệm sàng lọc đã được chứng minh là giúp phát hiện sớm ung thư và giảm nguy cơ tử vong.

Cô Chú, Anh Chị cần lưu ý, nguy cơ gia tăng không đồng nghĩa với chắc chắn bị ung thư gan. Do đó, Cô Chú, Anh Chị nên chủ động khám sức khỏe định kỳ để theo dõi thường xuyên. Ngoài ra, Cô Chú, Anh Chị có thể cân nhắc tầm soát các bệnh lý ung thư có tính phổ biến, gia đình có người thân mắc ung thư, khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư. Từ đó, Cô Chú, Anh Chị có thể được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư.

Nếu có bất kỳ lo lắng và thắc mắc về tầm soát ung thư gan, Cô Chú, Anh Chị nên chủ động trao đổi với bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện hoặc phòng khám tiêu hóa để cân nhắc về việc tầm soát ung thư gan.[17]

Chế độ ăn cho người ung thư gan

Chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư gan đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chữa bệnh và tăng cường sức khỏe. Hiện nay, chưa có một chế độ ăn đặc biệt nào được khuyến nghị dành cho bệnh nhân ung thư gan. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại.

Người bị ung thư gan nên ăn gì? Chế độ ăn cho người ung thư gan
Chế độ ăn cho người ung thư gan

Người bị ung thư gan nên ăn gì?

Người bị ung thư gan nên ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ và xây dựng chế độ ăn uống cân bằng để hỗ trợ chức năng gan.

Các loại thực phẩm người bị ung thư gan nên ăn là:

  • Các loại rau củ quả như táo, rau xanh.
  • Ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì nguyên cám, gạo lứt, hạt diêm mạch và yến mạch.
  • Bổ sung các nguồn protein từ thịt nạc như thịt gà bỏ da, cá, đậu phụ và đậu nói chung.
  • Các sản phẩm từ sữa ít béo như sữa không béo, pho mát và sữa chua.
  • Các loại hạt.

Bác sĩ cũng có thể khuyến khích dùng các thực phẩm bổ sung dinh dưỡng nhất định. Ví dụ, nghiên cứu từ năm 2015 cho thấy rằng việc bổ sung axit amin chuỗi nhánh (BCAA) có thể giúp cải thiện chức năng gan ở những người bị ung thư gan.[18]

Người bị ung thư gan kiêng ăn gì?

Người bị ung thư tốt nhất nên kiêng các loại thực phẩm ảnh hưởng xấu đến gan hoặc khiến gan phải chịu áp lực lớn.

Các loại thực phẩm người bị ung thư gan kiêng ăn là:

  • Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa hoặc chất béo no (trans fat) như thịt đỏ, sữa nguyên kem và bánh ngọt.
  • Thực phẩm chứa nhiều đường như nước ngọt, bánh quy và kẹo.
  • Hạn chế ăn quá mặn như các loại thịt đông lạnh, khoai tây chiên, thực phẩm đóng hộp.
  • Tránh xa rượu bia, đồ uống có cồn.

Điều quan trọng là tránh thực phẩm sống chưa được nấu chín, chẳng hạn như hàu sống hoặc sushi. Hải sản sống và chưa nấu chín có thể chứa vi khuẩn gây bệnh nghiêm trọng cho người bị bệnh gan.[18]

Chế độ ăn uống sau khi phẫu thuật ung thư gan

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà mỗi bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng sau khi phẫu thuật khác nhau.

Chế độ ăn cho người ung thư gan
Chế độ ăn uống sau khi phẫu thuật ung thư gan

Một số lưu ý về chế độ ăn uống sau khi phẫu thuật ung thư gan:

  • Cung cấp đủ lượng calo và dưỡng chất thiết yếu.
  • Nên bắt đầu ăn ngay sau khi tỉnh lại từ phẫu thuật.
  • Lựa chọn các loại thực phẩm nhạt, ít gia vị như cơm trắng, bánh mì nướng, thịt gà không ướp gia vị,…
  • Có thể dùng thực phẩm hỗ trợ bổ sung chất xơ nếu người bệnh bị táo bón.

Trong trường hợp người bệnh gặp khó khăn trong việc ăn uống, hãy khai báo với bác sĩ điều trị để cung cấp chất dinh dưỡng qua đường uống. Một số trường hợp nặng, bác sĩ sẽ đặt ống dẫn thức ăn vào dạ dày trước hoặc sau khi thực hiện phẫu thuật.[18]

Ung thư gan và những điều cần lưu ý

  • Ung thư gan hiện đang là căn bệnh ác tính khi có số ca mắc mới và trường hợp tử vong mỗi năm đứng đầu trong các loại ung thư tại Việt Nam.
  • Tỷ lệ người lớn trên 40 tuổi chiếm hơn 92% số ca mắc mới trong năm 2020.
  • Ung thư gan thường được phân thành ung thư gan nguyên phát, ung thư gan thứ phát và khối u gan lành tính.
  • Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là loại ung thư gan phổ biến nhất trong nhóm ung thư gan nguyên phát, bắt đầu phát triển từ các tế bào chính cấu tạo nên gan.
  • Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan bao gồm viêm gan B và C, xơ gan, gan nhiễm mỡ,…
  • Hầu hết bệnh nhân sẽ không có triệu chứng ung thư gan trong giai đoạn sớm.
  • Phương pháp điều trị ung thư gan tốt nhất là phẫu thuật cắt bỏ hoặc cấy ghép gan.

Câu hỏi thường gặp

Bệnh ung thư gan sống được bao lâu?

Ung thư gan khi được phát hiện ở giai đoạn sớm thường có tỷ lệ sống sót sau 5 năm tốt hơn so với phát hiện ở giai đoạn muộn. Theo Viện Ung thư Quốc gia (NCI), tỷ lệ sống sau 5 năm trung bình đối với bệnh nhân mắc ung thư gan chưa di căn và đã di căn lần lượt là 31% và 3%.

Bệnh ung thư gan có lây không?

Ung thư gan không thể truyền nhiễm. Việc quan hệ tình dục, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp hoặc ăn uống chung không thể lây truyền tế bào ung thư. Tuy nhiên, đối với những người mắc viêm gan B, C có thể làm lan truyền virus gây viêm gan cho người khác, tăng nguy cơ mắc ung thư.

Ung thư gan có chữa được không?

Ung thư gan có thể chữa được, tuy nhiên, quá trình điều trị thường gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ thành công khi điều trị ung thư gan thường phụ thuộc vào giai đoạn, mức độ của ung thư cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân thời điểm đó.

Ung thư gan có di truyền không?

Người có tiền sử gia đình mắc ung thư gan thường có nguy cơ mắc ung thư tăng khoảng 4 lần so với người không có tiền sử gia đình.

Ung thư gan có mấy giai đoạn?

Các giai đoạn của ung thư gan được phân chia tùy theo hệ thống phân loại. Hiện nay, hệ thống phân loại theo Hiệp hội Ung thư gan lâm sàng Barcelona (BCLC) là hệ thống được sử dụng phổ biến nhất, chia ung thư gan thành 5 giai đoạn (0, A, B, C, D) dựa trên nhiều yếu tố như đặc điểm khối u, chức năng gan (theo thang điểm Child-Pugh) và chỉ số toàn trạng (PS). Ngoài ra còn có hệ thống TNM được sử dụng phổ biến tại Mỹ.

Ung thư gan giai đoạn đầu có chữa được không?

Ung thư gan giai đoạn đầu có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u. Lý do bởi vì trong giai đoạn này ung thư chưa quá lớn và phần lớn gan vẫn còn khỏe mạnh.

Ung thư gan giai đoạn cuối có chữa được không?

Ung thư gan khi bước sang giai đoạn cuối thường không có khả năng chữa khỏi. Khi đó, mục tiêu điều trị chỉ giúp hỗ trợ kiểm soát ung thư, giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh.

Ung thư gan giai đoạn cuối sống được bao lâu?

Theo hệ thống phân loại BCLC, giai đoạn D tương ứng với ung thư gan giai đoạn cuối. Khi đó, tỷ lệ sống sót trung bình của người bệnh chỉ khoảng 3-4 tháng kể từ khi được chẩn đoán hoặc bắt đầu điều trị.

Ung thư gan giai đoạn 3 sống được bao lâu?

Theo hệ thống phân loại BCLC, giai đoạn C tương ứng với ung thư gan giai đoạn 3. Khi đó, tỷ lệ sống sót trung bình của người bệnh là khoảng 11-13 tháng nếu được điều trị và 6-8 tháng nếu không được điều trị.

Ung thư gan giai đoạn 2 sống được bao lâu?

Theo hệ thống phân loại BCLC, giai đoạn B tương ứng với ung thư gan giai đoạn 2. Khi đó, tỷ lệ sống sót trung bình của người bệnh là khoảng 16 tháng và có thể tăng lên 40 tháng khi được điều trị nút mạch hóa chất (TACE).

Ung thư gan giai đoạn đầu sống được bao lâu?

Theo hệ thống phân loại BCLC, giai đoạn A tương ứng với ung thư gan giai đoạn đầu. Khi đó, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đạt được khoảng 50 – 70% khi được điều trị.

Tài liệu tham khảo

1. “What Is Liver Cancer?: Liver Cancer Types.” Liver Cancer Types | American Cancer Society, www.cancer.org/cancer/types/liver-cancer/about/what-is-liver-cancer.html. Accessed 31 Aug. 2023.

2. “Liver Cancer.” Mayo Clinic, Mayo Foundation for Medical Education and Research, 28 Apr. 2023, www.mayoclinic.org/diseases-conditions/liver-cancer/symptoms-causes/syc-20353659.

3. Reig, Maria, et al. “BCLC Strategy for Prognosis Prediction and Treatment Recommendation: The 2022 Update.” Journal of Hepatology, U.S. National Library of Medicine, Mar. 2022, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8866082/.

4. “Liver Cancer Stages: Liver Cancer Classification.” Liver Cancer Classification | American Cancer Society, www.cancer.org/cancer/types/liver-cancer/detection-diagnosis-staging/staging.html. Accessed 31 Aug. 2023.

5. “ECOG Performance Status Scale – ECOG-Acrin Cancer Research Group.” ECOG, 29 Dec. 2022, ecog-acrin.org/resources/ecog-performance-status/.

6. Lee, Sid. “Survival Statistics for Liver Cancer.” Canadian Cancer Society, cancer.ca/en/cancer-information/cancer-types/liver/prognosis-and-survival/survival-statistics. Accessed 31 Aug. 2023.

7. “Liver Cancer Stages: Liver Cancer Classification.” Liver Cancer Classification | American Cancer Society, www.cancer.org/cancer/types/liver-cancer/detection-diagnosis-staging/staging.html. Accessed 31 Aug. 2023.

8. Cục quản lý Khám chữa bệnh. “Quyết Định SỐ 3129/QĐ-Byt Ngày 17 Tháng 07 Năm 2020 VỀ Việc Ban Hành Tài Liệu Chuyên Môn “Hướng Dẫn …” Kcb.Vn, 21 July 2020, kcb.vn/phac-do/quyet-dinh-so-3129-qd-byt-ngay-17-thang-07-nam-2020-ve-viec-.html.

9. Hepatocellular Carcinoma – Statpearls – NCBI Bookshelf, www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559177/. Accessed 31 Aug. 2023.

10. Liver Cancer – Statpearls – NCBI Bookshelf, www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK448337/. Accessed 31 Aug. 2023.

11. Professional, Cleveland Clinic medical. “Liver Cancer: Symptoms, Signs, Causes & Treatment.” Cleveland Clinic, my.clevelandclinic.org/health/diseases/9418-liver-cancer. Accessed 31 Aug. 2023.

12. “Signs and Symptoms of Liver Cancer.” American Cancer Society, www.cancer.org/cancer/types/liver-cancer/detection-diagnosis-staging/signs-symptoms.html. Accessed 31 Aug. 2023.

13. “Tests for Liver Cancer: Diagnosing Liver Cancer.” Diagnosing Liver Cancer | American Cancer Society, www.cancer.org/cancer/types/liver-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html. Accessed 31 Aug. 2023.

14. “Surgery for Liver Cancer: Hepatectomy: Liver Transplant.” Hepatectomy | Liver Transplant | American Cancer Society, www.cancer.org/cancer/types/liver-cancer/treating/surgery.html. Accessed 31 Aug. 2023.

15. “Liver Cancer.” Mayo Clinic, Mayo Foundation for Medical Education and Research, 28 Apr. 2023, www.mayoclinic.org/diseases-conditions/liver-cancer/diagnosis-treatment/drc-20353664.

16. “Targeted Drug Therapy for Liver Cancer.” American Cancer Society, www.cancer.org/cancer/types/liver-cancer/treating/targeted-therapy.html. Accessed 31 Aug. 2023.

17. Diagnosis, Staging, and Management of Hepatocellular Carcinoma … – AASLD, www.aasld.org/sites/default/files/2022-06/AASLD_2018_HCC_Guidance_on_Diagnosis%2C_Staging_and_Management_hep_29913.pdf. Accessed 31 Aug. 2023.

18. Grey, Heather. “Liver Cancer Diet: Foods to Eat, after Surgery, and More.” Healthline, Healthline Media, 12 Jan. 2021, www.healthline.com/health/cancer/liver-cancer-diet-foods#foods-to-eat.

19. “Types of Liver Cancer.” Cancer Research UK, 15 Feb. 2022, www.cancerresearchuk.org/about-cancer/liver-cancer/types.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?

Chia sẻ nội dung: