Nuốt nghẹn do nhiều nguyên nhân khác nhau có thể từ nhẹ đến nặng. Một số triệu chứng của rối loại này bao gồm cảm giác nuốt bị nghẹn ở thực quản, khó nuốt, ợ nóng hoặc khó thở. Hầu hết các trường hợp bị cảm giác nuốt nghẹn do tắc nghẽn ở thực quản tiến triển chậm và không hoàn toàn khi bệnh nhân lần đầu tiên đi khám. Tuy nhiên, đôi khi tắc nghẽn thực quản hoàn toàn xuất hiện đột ngột khi có dị vật thực quản hoặc khối thức ăn.
Tổng quan về cảm giác nuốt nghẹn do tắc nghẽn thực quản
Tắc nghẽn thực quản là tình trạng rất thường gặp ở trẻ em do nuốt phải dị vật, ngoài ra bệnh còn do ảnh hưởng của các bệnh lý ở thực quản như hẹp thực quản, khối u thực quản,…
Nuốt nghẹn do tắc nghẽn thực quản là gì?
Nuốt nghẹn do tắc nghẽn thực quản (tên tiếng Anh: esophageal obstruction) là tình trạng khó hoặc không lưu thông thức ăn, nước uống hay các dịch tiêu hóa xuống qua thực quản. Nuốt nghẹn do thức ăn và dị vật, khối u thực quản hoặc các bệnh lý biến chứng gây hẹp thực quản.
Cảm giác nghẹn ở thực quản có thể xảy ra trong hội chứng Steakhouse – hội chứng tắc nghẽn phần thấp thực quản do một lượng lớn thức ăn gây ra.
Hầu hết tình trạng nuốt nghẹn do tắc nghẽn thực quản thường tiến triển chậm và không gây triệu chứng khó nuốt hoàn toàn khi người bệnh lần đầu tiên đi khám bệnh, đặc biệt là đối với trường hợp khó nuốt chất rắn. Tuy nhiên, nuốt nghẹn do tắc nghẽn thực quản hoàn toàn sẽ xuất hiện đột ngột trong truờng hợp có dị vật thực quản hoặc khối thức ăn bị mắc lại. Tình trạng tắc nghẽn thực quản kéo dài thường gây đau thực quản, khó nuốt, ợ nóng hoặc khó thở.
Trường hợp tắc nghẽn thực quản do nuốt phải dị vật sắc, nhọn cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Tắc nghẽn do khối u thực quản lành tính, người bệnh cần theo dõi chặt chẽ, thăm khám định kỳ để ngăn ngừa khối u phát triển thành ung thư thực quản.
Các vị trí tắc nghẽn thực quản gây cảm giác nuốt bị nghẹn
4 vị trí ở thực quản thường bị tắc nghẽn do nuốt phải dị vật, bao gồm:
- Thực quản vùng cổ (cervical esophagus)
- Cơ vòng thực quản trên (upper esophageal sphincter)
- Cung động mạch chủ (aortic arch)
- Cơ thắt thực quản dưới (lower esophageal sphincter)
Tắc nghẽn do thức ăn có thể xảy ra ở vị trí hẹp thực quản (esophageal stricture), ung thư biểu mô (esophageal adenocarcinoma) hoặc cơ vòng thực quản dưới (lower esophageal ring).
Nguyên nhân và nguy cơ gây tắc nghẽn và cảm giác nuốt bị nghẹn ở thực quản
Nguyên nhân tắc nghẽn thực quản gây cảm giác nuốt bị nghẹn có thể do tình trạng bệnh lý thực quản, khối u thực quản lành tình hoặc ác tính, do nuốt phải dị vật. Xác định nguyên nhân gây tắc nghẽn thực quản giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp và hiệu quả.
Nguyên nhân gây nuốt nghẹn do tắc nghẽn thực quản là gì?
Những nguyên nhân gây tắc nghẽn ở thực quản có thể bao gồm:
- Tiến triển của chấn thương thực quản
- Khối u thực quản
- Dị vật thực quản
Tiến triển của chấn thương thực quản
Tổn thương ở thực quản mức độ nặng có thể do:
- Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) mạn tính gây nên tắc nghẽn.
- Người bệnh nuốt phải chất ăn mòn (viêm thực quản ăn mòn), viên thuốc quá to hoặc nuốt khan (viêm thực quản do thuốc là tình trạng một số loại thuốc tiếp xúc với lớp niêm mạc thực quản trong thời gian dài).
- Các bệnh lý ảnh hưởng gây nên tình trạng tắc nghẽn có thể do những nguyên nhân bên trong hoặc bên ngoài thực quản.
Bệnh lý là nguyên nhân gây tắc nghẽn bên trong thực quản
- Khối u thực quản lành tính hoặc ác tính.
- Cơ thắt thực quản dưới (LES) hoạt động bất thường.
- Lưới thực quản.
- Chít hẹp thực quản do trào ngược dạ dày – thực quản, ung thư thực quản hoặc một số bệnh do nhiễm trùng như nấm thực quản gây ra. Trường hợp hiếm gặp gây hẹp thực quản là nuốt phải chất ăn mòn, dung dịch kiềm.
Nguyên nhân tắc nghẽn do chèn ép bên ngoài thực quản
- Phì đại nhĩ trái.
- Phình động mạch chủ.
- Động mạch dưới đòn bất thường còn được gọi là chứng khó nuốt do bất thường động mạch.
- Bất thường ở tuyến giáp sau xương ức.
- Gai xương vùng cổ.
- Có khối u ngực, ung thư phổi.
Khối u thực quản
Khối u thực quản lành tính hay khối u ác tính (ung thư) là tình trạng nghiêm trọng gây tắc nghẽn thực quản. Khối u phát triển lớn có thể gây ra các triệu chứng như khó nuốt, tức ngực, viêm loét thực quản, …
Khối u thực quản thường được phát hiện trong quá trình thăm khám các bệnh lý khác như bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, viêm loét dạ dày – tá tràng. Nếu phát hiện có khối u ở thực quản bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng và cận lâm sàng để kiểm tra chi tiết khối u và ra quyết định có cần cắt bỏ hoặc điều trị không.
Ngoài ra, Cô Bác, Anh Chị nên tầm soát ung thư thực quản định kỳ để phát hiện những tổn thương tiền ung thư không biểu hiện triệu chứng và theo dõi sự tiến triển của khối u thực quản.
Dị vật thực quản
Khi ăn uống, thức ăn phải đi qua thực quản để xuống dạ dày và tiêu hóa. Khi đi qua thực quản, thức ăn rất dễ bị ứ đọng lại trong thực quản và gây nên tình trạng tắc nghẽn. Dị vật thực quản gây ra tình trạng tắc nghẽn, khó nuốt, rách thực quản và đôi khi gây thủng.
Các dị vật thực quản rất đa dạng có thể là miếng thức ăn lớn chưa được nhai kỹ hay trường hợp mắc xương cá, gà rất thường gặp. Trẻ sơ sinh và trẻ em không có sự phối hợp hầu họng tốt và thường ăn thức ăn tròn, nhỏ như nho, đậu nành, kẹo,… có thể gây tắc nghẽn. Ở trẻ em do sự hiếu động, tò mò nên rất dễ bị hóc do nuốt phải những đồ vật nhỏ như đồng xu, pin có thể gây bỏng thực quản, thủng hoặc rò thực quản – khí quản.
Các dị vật thực quản thường mắc ở những chỗ hẹp sinh lý hoặc bệnh lý. Hẹp lòng thực quản có thể dạng lưới, nhẫn, co thắt tâm vị, khối u lành tính hoặc ác tính.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ tắc nghẽn thực quản
Các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành khối u và tổn thương ở thực quản gây cảm giác nuốt nghẹn do tắc nghẽn, có thể bao gồm:
- Các phản ứng viêm dạ dày, đặc biệt là trong các trường hợp bệnh mạn tính.
- Không nhai kỹ thức ăn.
- Đau răng làm khả năng nhai bị hạn chế.
- Rối loạn vận động thực quản: co thắt tâm vị, viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan.
- Hình thành vòng Schatzki (một vòng mô xơ ở đoạn thấp thực quản).
- Hẹp thực quản do sẹo xơ.
- Biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.
- Chế độ sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, thói quen thức khuya,…
- Người bệnh xạ trị ở vùng ngực hoặc cổ.
- Tổn thương thực quản do nội soi ống tiêu hóa trên.
- Người bệnh được đặt ống thông vào dạ dày để điều trị.
- Nuốt phải dị vật.
- Ung thư thực quản.
Triệu chứng và dấu hiệu tắc nghẽn thực quản
Các triệu chứng và dấu hiệu tắc nghẽn thực quản sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và nguyên nhân gây tắc nghẽn, các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng.
Các triệu chứng tắc nghẽn thực quản là gì?
Triệu chứng tắc nghẽn thực quản xuất hiện ở hầu hết người bệnh là tình trạng khó nuốt thức ăn. Cảm giác khó nuốt cả chất lỏng và chất rắn đây được xác định là rối loạn nhu động thực quản. Trường hợp Cô Bác, Anh Chị ban đầu chỉ gặp khó khăn khi nuốt chất rắn, sau đó bắt đầu xảy ra khi có chất lỏng được gọi là tắc nghẽn cơ học.
Các triệu chứng và dấu hiệu tắc nghẽn thực quản do ảnh hưởng của các bệnh lý ở thực quản, có thể bao gồm:
- Khó nuốt.
- Đau rát khi nuốt.
- Sụt cân.
- Ợ nóng, trào ngược thức ăn hoặc chất lỏng.
- Đau ở ngực trên.
- Nấc cụt.
- Khó thở.
- Sốt.
Các triệu chứng và dấu hiệu tắc nghẽn thực quản do khối u thực quản, có thể bao gồm:
- Khó nuốt, thức ăn bị kẹt ở cổ họng.
- Đau ngực.
- Trào ngược đột ngột thức ăn và dịch dạ dày chưa tiêu hóa (ợ trớ).
- Chảy máu trong thực quản.
- Viêm loét thực quản.
Các triệu chứng và dấu hiệu tắc nghẽn thực quản do dị vật thực quản, có thể bao gồm:
- Nuốt nghẹn.
- Khó nuốt.
- Đầy bụng sau ăn, nôn ói, nuốt đau, nước bọt có máu.
- Tăng thông khí do lo lắng và khó chịu thường gây suy hô hấp, nhưng các triệu chứng khó thở, thở khò khè hoặc hen suyễn thường gợi ý có dị vật đường thở hơn là dị vật thực quản.
- Khi nuốt phải những vật sắc có thể gây trầy xước thực quản nhưng không bị mắc lại. Khi đó người bệnh sẽ có cảm giác dị vật mắc lại ở thực quản dù không có. Các triệu chứng đau rát khi nuốt xuất hiện khi vết thương sâu, lớn.
Dấu hiệu cảnh báo tình trạng tắc nghẽn thực quản cần thăm khám ngay
Nếu xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng khó nuốt, tức ngực kéo dài Cô Bác, Anh Chị nên đến ngay bệnh viện, phòng khám dạ dày uy tín để thăm khám hệ tiêu hóa.
Trường hợp người bệnh nuốt phải dị vật sắc nhọn, pin tròn hoặc dạng nút và khi có bất kì tắc nghẽn nào ở thực quản gây các triệu chứng nặng cần đến bệnh viện cấp cứu ngay. Vì tình trạng tắc nghẽn do nuốt dị vật kéo dài có thể gây ra biến chứng thủng ruột hoặc hoại tử.
Chẩn đoán cảm giác nuốt bị nghẹn do tắc nghẽn ở thực quản
Chẩn đoán tắc nghẽn thực quản gây cảm giác nuốt nghẹn chính xác, tìm ra nguyên nhân gây bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ kết hợp các thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng.
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về tình trạng bệnh, cũng như bệnh sử của Cô Bác, Anh Chị và người thân để định hướng chẩn đoán. Ngoài ra, bác sĩ sẽ yêu cầu Cô Bác, Anh Chị làm thêm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây các triệu chứng bệnh lý.
Cận lâm sàng
Khi thăm khám cận lâm sàng, bác sĩ sẽ cần thực hiện các xét nghiệm, nội soi tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh để xác định chính xác nguyên nhân gây tắc nghẽn thực quản, vị trí, kích thước và loại khối u thực quản nếu mắc phải.
Xét nghiệm
Đo áp lực thực quản (esophageal manometry): Giúp đo các cơn co thắt trong thực quản khi người bệnh nuốt. Đo áp lực thực quản được sử dụng để đánh giá nhu động thực quản trước khi điều trị phẫu thuật.
Nội soi tiêu hóa
Để chẩn đoán nguyên nhân của tình trạng tắc nghẽn thực quản và các bệnh lý liên quan đến thực quản, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi ống tiêu hóa trên
Nội soi tiêu hóa là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý ở thực quản, dạ dày và tá tràng. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà phương pháp nội soi có hoặc không có sinh thiết.
Phương pháp nội soi thực quản là cần thiết ở những bệnh nhân có nghi ngờ nuốt phải dị vật và các triệu chứng kéo dài mặc dù kết quả chẩn đoán hình ảnh âm tính.
Chẩn đoán hình ảnh
Trong một số trường hợp đặc biệt như trẻ nhỏ, người suy giảm trí tuệ, những người mắc bệnh tâm thần, không thể khai thác được tiền sử nuốt phải dị vật thông qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện chẩn đoán hình ảnh khi bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng gợi ý có tình trạng tắc nghẽn thực quản như nghẹt thở, khó nuốt, nôn, chảy nước mũi, thở rít, nước bọt có máu hoặc suy hô hấp.
- Chụp X-quang: Hình chụp X-quang giúp bác sĩ phát hiện các dị vật kim loại và xương cũng như các dấu hiệu thủng (khí trong trung thất hoặc ổ bụng). Tuy nhiên, một số dị vật như xương cá, xương gà, gỗ, nhựa, thuỷ tinh và các vật kim loại mỏng có thể khó xác định trên phim chụp X-quang thông thường.
- Chụp X-quang cản quang: Kỹ thuật này sử dụng chất tương phản bari để phủ lên niêm mạc thực quản. Hình ảnh của ống tiêu hóa trên bao gồm thực quản, dạ dày và tá tràng sẽ được thể hiện rõ ràng trên hình chụp X-quang, giúp bác sĩ xác định kích thước và vị trí của khối u thực quản nếu có, chẩn đoán các bệnh lý ở thực quản như hẹp thực quản, vòng thắt thực quản dưới, viêm loét thực quản, …
- Chụp cắt lớp vi tính – CT scan: Kỹ thuật giúp cung cấp hình ảnh chi tiết hơn so với chụp X–quang. Chụp CT được bác sĩ chỉ định để xác định dị vật nếu nghi ngờ có dị vật thực quản sắc và nguy hiểm.
Trong một vài trường hợp, bác sĩ chỉ định siêu âm, chụp CT hoặc MRI vùng ngực để xác định vị trí, mức độ xâm lấn và kích thước của khối u ở thực quản.
Biến chứng tắc nghẽn thực quản
Các biến chứng có thể gặp do dị vật gây tắc nghẽn ở thực quản, bao gồm:
- Tắc nghẽn thực quản: tình trạng tắc nghẽn có thể một phần hoặc tắc nghẽn toàn bộ. Trường hợp tắc nghẽn không hoàn toàn ít khi cần cấp cứu, chỉ trong trường hợp có vật sắc dính vào thành ruột, có thể gây thủng ruột.
- Thủng thực quản: khi nuốt phải vật sắc nhọn.
- Hoại tử thực quản: nếu dị vật mắc lại quá 24 giờ có thể dẫn đến hoại tử.
- Các loại pin dạng đĩa có thể gây bỏng thực quản, thủng hoặc rò thực quản – khí quản.
Thời gian dị vật ở trong lòng thực quản càng lâu, thì nguy cơ hoại tử và thủng thực quản càng cao. Vì vậy, chẩn đoán và điều trị sớm là yếu tố quan trọng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ tử vong của thủng thực quản (ở tất cả các loại) là khoảng 18%.
Các biến chứng có thể mắc phải khi khối u thực quản lành tính hoặc ác tính phát triển lớn, bao gồm:
- Khó thở.
- Khó khăn trong ăn uống, nói chuyện.
- Viêm thực quản.
- Loét thực quản.
- Rối loạn tắc nghẽn ở thực quản.
- Ung thư thực quản do khối u thực quản lành tính dù rất hiếm gặp.
Phương pháp điều trị cảm giác nuốt nghẹn do tắc nghẽn thực quản
Điều trị tắc nghẽn thực quản gây cảm giác nuốt bị nghẹn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, độ tuổi, tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Phương pháp điều trị tắc nghẽn thực quản do khối u thực quản
Khối u thực quản phát triển lớn gây tắc nghẽn hoặc ung thư thực quản, cần được loại bỏ thông qua nội soi tiêu hóa.
Khối u thực quản rất đa dạng và tùy thuộc vào vị trí, kích thước và bản chất của khối u mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện loại bỏ thông qua các phương pháp sau:
- Cắt khối u thực quản lành tính qua nội soi ống tiêu hóa trên: Kỹ thuật cắt bỏ polyp khỏi niêm mạc thực quản. Các biến chứng khi cắt polyp có thể xảy ra như chảy máu, thủng thực quản.
- Phẫu thuật nội soi: Sử dụng phương pháp nội soi cắt tách dưới niêm mạc (endoscopic submucosal dissection) để loại bỏ toàn bộ vùng tổn thương được tách và cắt đến dưới niêm mạc ở khối u có kích thước lớn.
Phương pháp điều trị tắc nghẽn thực quản do dị vật
Một số dị vật tự vào dạ dày, sau đó di chuyển qua đường tiêu hoá và bài tiết ra ngoài theo phân. Bệnh nhân không có triệu chứng tắc nghẽn ở mức độ cao và không ăn các vật sắc nhọn, pin đĩa hoặc nút có thể tiến hành thử nghiệm quan sát trong 24 giờ. Nhằm quan sát sự di chuyển của dị vật trong đường tiêu hóa. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu, bao gồm:
- Sử dụng glucagon 1 mg tiêm đường tĩnh mạch.
- Cho phép dị vật đi qua ống tiêu hóa tự nhiên như thức ăn bằng cách thư giãn đoạn thực quản ở xa.
- Sử dụng các chất như sủi bọt, meat tenderizer và bougienage thường không được khuyến cáo.
Lưu ý: Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Sau 24 giờ mà dị vật chưa được đào thải ra ngoài thì cần can thiệp loại bỏ dị vật này vì sự chậm trễ giải phóng tình trạng tắc nghẽn làm tăng nguy cơ biến chứng như thủng, hoại tử thực quản và giảm khả năng lấy bỏ thành công.
- Nội soi lấy bỏ dị vật là phương pháp điều trị được lựa chọn phổ biến. Lấy dị vật bằng cách sử dụng kẹp, rọ hoặc bẫy. Nên đặt ống thông qua thực quản hoặc đặt nội khí quản để phòng hít phải dị vật hoặc dịch vào đường hô hấp, phổi.
- Nội soi cấp cứu được tiến hành khi nuốt phải dị vật sắc nhọn, pin tròn hoặc dạng nút và khi có bất kì tắc nghẽn nào gây các triệu chứng nặng.
- Đối với dị vật là các vật tròn và cùn có thể được lấy đi bằng catheter Foley. Đưa ống thông vượt quá dị vật rồi bơm bóng lên. Sau đó rút nhẹ catheter. Bệnh nhân sẽ được tiến hành thủ thuật này ở tư thế đầu cúi xuống. Thủ thuật này thường thực hiện dưới hướng dẫn của x-quang.
- Theo dõi sau điều trị để phát hiện các bất thường về cấu trúc và chức năng được khuyến nghị cho các bệnh nhân ứ đọng thức ăn trong thực quản.
Ngoài ra, các trường hợp bị tắc nghẽn thực quản do ảnh hưởng của các bệnh lý, chấn thương thực quản cần được ưu tiên điều trị bệnh lý gây tắc nghẽn trước. Sau điều trị có thể triệu chứng tắc nghẽn, khó nuốt sẽ giảm nhẹ hoặc biến mất.
Những điểm cần lưu ý
Phương pháp phòng ngừa nuốt nghẹn do tắc nghẽn thực quản
Cô Bác, Anh Chị có thể giảm nguy cơ tắc nghẽn thực quản do hình thành khối u thực quản và nguy cơ nuốt phải dị vật theo các khuyến nghị sau đây:
Phương pháp phòng ngừa hình thành khối u thực quản:
- Thay đổi chế độ ăn lành mạnh, giàu chất xơ từ rau, củ, quả và hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, cay, nóng,…
- Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thịt mỡ, ngũ cốc thô,…
- Ngừng hút thuốc lá, uống rượu bia.
- Uống đủ nước và tối thiểu 2 lít mỗi ngày, có thể bổ sung thêm các loại nước ép từ trái cây, rau, quả,… giúp hỗ trợ hệ miễn dịch cũng như nâng cao sức đề kháng của cơ thể trước tác nhân gây bệnh.
- Luyện tập thể thao phù hợp, thư giãn đầu óc để giải tỏa những căng thẳng, áp lực hàng ngày như ngồi thiền, yoga,…
- Thực hiện tầm soát ung thư tiêu hóa, kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện sớm những bệnh lý bất thường của cơ thể.
- Không được tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có sự thăm khám, kiểm tra của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, không được sử dụng các bài thuốc dân gian không chính thống vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Phương pháp phòng ngừa tắc nghẽn thực quản do dị vật:
- Ăn chậm, nhai kỹ.
- Cẩn thận khi ăn thức ăn có xương như cá, gà,…
- Hạn chế cho trẻ em chơi các vật nhỏ, sắt nhọn như viên bi, pin, ăn các loại trái cây có hạt tròn,…
Những điều cần lưu ý về cảm giác nuốt bị nghẹn do tắc nghẽn ở thực quản
- Tình trạng nuốt nghẹn do tắc nghẽn thực quản rất hay gặp, đặc biệt ở trẻ em do nuốt phải dị vật.
- Hội chứng Steakhouse gây tắc nghẽn phần thấp thực quản do một lượng lớn thức ăn, thường gặp ở người lớn tuổi với các triệu chứng như đột ngột nuốt khó ngay cả với nước uống, nước bọt, tăng tiết đàm dãi, khó thở, buồn nôn và nôn.
- Nguyên nhân gây tắc nghẽn thực quản có thể do tiến triển của chấn thương thực quản, khối u thực quản hoặc dị vật thực quản.
- Các dị vật thực quản rất đa dạng như là miếng thức ăn to chưa được nhai kĩ hay miếng xương cá, xương gà, viên bi, đồng xu hay hạt nhãn, hạt vải.
- Tắc nghẽn thực quản một phần có thể xuất hiện cảm giác khó nuốt. Trường hợp bị tắc nghẽn hoàn toàn thì không thể nuốt được thức ăn, nước uống kể cả dịch tiêu hóa từ khoang miệng tiết ra và cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị.
- Chẩn đoán chính xác tình trạng tắc nghẽn ở thực quản thông qua nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng và chẩn đoán hình ảnh.
- Cách điều trị tắc nghẽn thực quản là loại bỏ dị vật hoặc khối u thực quản. Người bệnh có khối u thực quản lành tính hoặc ác tính cần thăm khám định kỳ sau điều trị.
Chế độ ăn dành cho bệnh nhân bị tắc nghẽn thực quản
Chế độ ăn uống khoa học sẽ có lợi cho đường tiêu hóa, hỗ trợ quá trình điều trị và mang lại sức khỏe cho Cô Bác, Anh Chị.
Dưới đây là những thực phẩm nên ăn cũng như hạn chế dành cho bệnh nhân bị tắc nghẽn thực quản sau khi điều trị:
- Ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, mềm, lỏng như cháo hoặc súp, canh khi có triệu chứng khó nuốt.
- Tăng hàm lượng chất xơ bằng cách ăn nhiều trái cây, rau xanh, củ quả, đậu và ngũ cốc nguyên cám.
- Bổ sung thực phẩm giàu protein có trong thịt, cá, trứng,…
- Tránh ăn đồ cay, nóng.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, thức uống có cồn, hút thuốc lá, chất kích thích.
- Giảm hàm lượng chất béo, thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn trong khẩu phần ăn.
Tài liệu tham khảo
- Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
- Kristle Lee Lynch. Rối loạn tắc nghẽn của thực quản. 10 2016. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/rối-loạn-thực-quản-và-nuốt/rối-loạn-tắc-nghẽn-của-thực-quản (đã truy cập 06 26 2021).
- Kristle Lee Lynch. Overview of Esophageal Obstructions. 10 2020. https://www.msdmanuals.com/home/digestive-disorders/esophageal-and-swallowing-disorders/overview-of-esophageal-obstructions (đã truy cập 06 26 2021).
- Medanta Staff. Esophageal Obstruction. https://www.medanta.org/gastro-hospital/disease/esophageal-obstruction/ (đã truy cập 06 26 2021).
- Raghav Bansal và Aaron E. Walfish. Dị vật thực quản. 09 2016. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/dị-vật-và-vật-ngoại-lai-đường-tiêu-hóa/dị-vật-thực-quản (đã truy cập 06 26 2021).