Sa trực tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Theo số liệu tổng hợp của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIDDK) năm 2019, tỷ lệ mắc bệnh sa trực tràng rất thấp, khoảng 2,5/100.000 người. Đồng thời, nữ giới trên 50 tuổi có nguy cơ mắc bệnh sa trực tràng – hậu môn cao hơn nam giới gấp 6 lần. Tình trạng sinh lý bệnh, nguyên nhân và triệu chứng của bệnh sa trực tràng thường bị nhầm lẫn là biến chứng nặng của bệnh trĩ.

Sa trực tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Sa trực tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan về bệnh sa trực tràng

Sa trực tràng có thể chuyển biến từ nhẹ đến nặng, phụ thuộc vào mức độ của khối sa mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Phần lớn các trường hợp sa trực tràng sẽ được chỉ định phẫu thuật vì đây là phương pháp tối ưu và hiệu quả. Tuy nhiên, nếu người bệnh phát hiện sớm, bác sĩ có thể điều trị bằng các loại thuốc đặc trị mà không cần thực hiện phẫu thuật.

Bệnh sa trực tràng là gì?

Sa trực tràng (tên tiếng Anh: rectal prolapse) là tình trạng một phần trực tràng (đoạn cuối của đại tràng) sa xuống khỏi vị trí bình thường trong vùng chậu và nhô ra ngoài hậu môn. Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh sa trực tràng là thay đổi thói quen đi tiêu, cảm giác căng phồng hoặc sờ được khối sa trong hoặc sau khi đi đại tiện. Đôi khi người bệnh cần tác động để đẩy khối sa về lại vị trí cũ. Tuy biểu hiện sa trực tràng có thể gây lo lắng cho người bệnh nhưng sa trực tràng hiếm khi là trường hợp cần cấp cứu y tế khẩn cấp.

Bệnh sa trực tràng là gì?
Sa trực tràng là tình trạng một phần trực tràng sa xuống khỏi vị trí bình thường và nhô ra ngoài hậu môn. Nguồn ảnh minh họa: University of Iowa Hospitals & Clinics.

Sa hậu môn – trực tràng nếu không được điều trị sớm có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh hoặc gây ra các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thậm chí có nguy cơ bị hoại tử.

Phân loại bệnh sa trực tràng

Sa trực tràng được chia thành 3 loại chính:

  • Sa bên trong (internal prolapse): trực tràng đã bắt đầu sa xuống nhưng vẫn chưa nhô ra ngoài hậu môn.
  • Sa niêm mạc hay sa một phần (mucosal prolapse hay partical prolapse): một phần của niêm mạc trực tràng nhô ra ngoài hậu môn.
  • Sa bên ngoài hay sa toàn bộ (external prolapse hay full thickness prolapse): toàn bộ trực tràng nhô ra ngoài hậu môn.

Sa bên trong

Sa bên trong là tình trạng lồng ruột nội mạc một phần hoặc toàn bộ thành trực tràng mà khối sa không nhô ra ngoài hậu môn. Đa phần tình trạng lồng ruột này có dạng hình tròn, phần trên của trực tràng áp vào phần dưới, cách hậu môn khoảng 8-10 cm. Sa bên trong hình thành do việc rặn làm tăng áp lực trong ổ bụng, đặc biệt khi đi đại tiện.

Tình trạng sa bên trong rất hiếm gặp và thường được xác định sau khi bác sĩ chẩn đoán tình trạng sa trực tràng và loại trừ khả năng bị sa niêm mạc và sa toàn bộ.

Ảnh minh họa so sánh tình trạng trực tràng bình thường (normal rectum) với sa niêm mạc (partical prolapse) và sa bên trong (internal prolapse). Nguồn: My Health Alberta - Government of Alberta.
Ảnh minh họa so sánh tình trạng trực tràng bình thường (normal rectum) với sa niêm mạc (partical prolapse) và sa bên trong (internal prolapse). Nguồn: My Health Alberta – Government of Alberta.

Sa niêm mạc

Sa niêm mạc trực tràng là tình trạng một phần niêm mạc (2-5 cm) ống hậu môn bị lộn ngược, phình ra ngoài mỗi khi đi đại tiện. Thông thường, sau khi đi tiêu xong, lớp niêm mạc này thường tự co lại. Lúc đầu, chỉ có lớp niêm mạc hậu môn bị sa ra ngoài nhưng theo thời gian sẽ kéo theo niêm mạc tuyến của trực tràng.

Dựa vào mức độ sa của niêm mạc, sa niêm mạc trực tràng được chia thành 4 loại, bao gồm:

  • Sa niêm mạc do dùng sức sau khi đi đại tiện và tự co lên.
  • Sa niêm mạc do dùng sức sau khi đi đại tiện, không thể tự co lên mà người bệnh phải dùng tay để đẩy vào.
  • Dễ bị sa niêm mạc khi dùng sức như đi bộ, ngồi xổm, ho hoặc hắt hơi.
  • Bệnh nhân thường xuyên bị sa niêm mạc, búi sa luôn nằm bên ngoài hậu môn.
Ảnh minh họa so sánh tình trạng sa niêm mạc trực tràng (mucosal prolapse) và sa toàn bộ (full thickness prolapse).
Ảnh minh họa so sánh tình trạng sa niêm mạc trực tràng (mucosal prolapse) và sa toàn bộ (full thickness prolapse). Nguồn: Colorectal Surgeons Sydney.

Sa toàn bộ

Sa toàn bộ là tình trạng một đoạn trực tràng trên 5 cm tính từ bờ hậu môn nhô ra ngoài và được chia ra làm 2 loại nhỏ:

  • Sa trực tràng đơn thuần là tình trạng nhẹ của sa trực tràng toàn bộ, chỉ xuất hiện bóng trực tràng bên ngoài hậu môn. Ống hậu môn vẫn giữ nguyên tại chỗ.
  • Sa trực tràng và ống hậu môn: cả bóng trực tràng và ống hậu môn cùng nhô ra ngoài.

Sa trực tràng toàn bộ được chia ra làm 4 mức độ:

  • Sa mức độ 1: được xem là sa trực tràng mức độ nhẹ, trực tràng chỉ nhô ra khi gắng sức như đi đại tiện và sau đó nhanh chóng tự co lại. Sa trực tràng mức độ 1 không ảnh hưởng đến cơ thể, phần lớn các bệnh nhân bị ảnh hưởng tâm lý do đoạn sa gây nên.
  • Sa mức độ 2: trực tràng luôn bị sa khi đi đại tiện và tự co lên rất chậm. Đa phần người bệnh phải tự đẩy vào. Niêm mạc xuất hiện các vết trợt, phù nề. Hậu môn bị lõm vào, cơ thắt hậu môn có thay đổi ít.
  • Sa mức độ 3: trực tràng dễ dàng sa ra ngoài khi gắng sức nhẹ như ho, hắt hơi, cười, đi bộ, ngồi xổm,… và không tự co vào. Niêm mạc tuyến của trực tràng bị hoại tử, một vài vị trí có sẹo, hậu môn mất trương lực cơ thắt nhão, niêm mạc chảy máu, trung tiện mất tự chủ.
  • Sa mức độ 4: trực tràng thường xuyên bị sa và khối sa luôn nằm bên ngoài. Niêm mạc bị loét hoại tử thành sẹo, cơ thắt mất trương lực, trung đại tiện mất tự chủ, mất khả năng kiểm soát tiểu tiện, rối loạn cảm giác vùng hậu môn, da xung quanh hậu môn và vùng bẹn. Vùng đáy chậu có thể xuất hiện mụn mủ, mụn rộp, ngứa, eczema,…

Sa trực tràng có phải là biến chứng của bệnh trĩ?

Phần lớn người bệnh thường lầm tưởng sa trực tràng là biến chứng nặng của bệnh trĩ nhưng không phải vậy. Sa trực tràng là do phần trực tràng rời khỏi vị trí bình thường do một vài nguyên nhân, còn bệnh trĩ là tình trạng các mạch máu phát triển bất thường gây tắc nghẽn ở hậu môn và trực tràng.

Một vài dấu hiệu khác giúp người bệnh phân biệt bệnh sa trực tràng và trĩ bao gồm:

  • Bệnh trĩ có thể gây ngứa, đau hậu môn, khó chịu và chảy máu sau khi đi vệ sinh. Búi trĩ thường nhỏ, có kích thước bằng hạt đậu. Sa búi trĩ gây đau khi chạm vào hoặc khi ngồi.
  • Sa trực tràng giai đoạn đầu có thể giống như bệnh trĩ nội (các búi trĩ bị sa ra khỏi hậu môn) nhưng không gây đau rát. Người bệnh chỉ cảm thấy ngứa và phần trực tràng nhô ra ngoài ngày càng lớn, có màu đỏ thẫm.

Nguyên nhân gây bệnh sa trực tràng

Nguyên nhân sa trực tràng vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số khiếm khuyết về cấu trúc ở vùng chậu, chấn thương vùng hậu môn hoặc hông, chế độ sinh hoạt,… có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sa trực tràng

Hiện nay các nguyên nhân gây bệnh sa trực tràng vẫn chưa có bằng chứng xác thực. Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sa trực tràng bao gồm:

  • Bệnh táo bón hoặc bệnh tiêu chảy mạn tính.
  • Rặn nhiều mỗi khi đi vệ sinh.
  • Chấn thương vùng lưng dưới hoặc các bệnh liên quan đến đĩa đệm.
  • Cơ hậu môn hoặc sàn chậu bị suy yếu.
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh sa trực tràng.
  • Nhiễm các loại ký sinh trùng như bệnh sán máng, giun kim, trùng roi,…
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
  • Phì đại tuyến tiền liệt lành tính.
  • Chấn thương dây chằng giữ trực tràng gắn vào thành ruột.
  • Rối loạn ruột bẩm sinh như bệnh Hirschsprung hoặc loạn sản ruột thần kinh.
  • Các bệnh lý mạn tính khác như bệnh xơ nang, bệnh đái tháo đường,…
Táo bón, tiêu chảy mạn tính, căng thẳng và rặn nhiều mỗi khi đi vệ sinh là yếu tố nguy cơ mắc bệnh sa trực tràng.
Táo bón, tiêu chảy mạn tính, căng thẳng và rặn nhiều mỗi khi đi vệ sinh là yếu tố nguy cơ mắc bệnh sa trực tràng. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Những ai có nguy cơ bị sa trực tràng?

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh sa trực tràng nếu không có chế độ ăn uống hợp lý, lối sống khoa học và lành mạnh. Tuy nhiên, một số người lại có nguy cơ mắc bệnh sa trực tràng cao hơn do các nguyên nhân sau:

  • Người có tiền sử bị tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính.
  • Người thường xuyên phải rặn nhiều khi đi vệ sinh.
  • Người trên 50 tuổi bị suy yếu các cơ và dây chằng vùng trực tràng – hậu môn.
  • Người đã từng bị chấn thương hoặc phẫu thuật vùng hậu môn, hông hoặc sàn chậu.
  • Người bị tổn thương thần kinh ảnh hưởng đến khả năng co thắt và thả lỏng cơ vòng hậu môn – trực tràng. Nguyên nhân có thể do mang thai, biến chứng sau sinh, sinh khó, tê liệt cơ vòng hậu môn, chấn thương cột sống hoặc lưng,…
  • Phụ nữ đã cắt bỏ tử cung.
  • Người có vấn đề về thần kinh như bệnh tủy sống hoặc cắt bỏ đoạn tủy sống.

Triệu chứng và dấu hiệu bệnh sa trực tràng

Triệu chứng và dấu hiệu sa trực tràng mà người bệnh thường gặp là thay đổi thói quen đi tiêu, phải rặn nhiều khi đi vệ sinh, khó đi tiêu, cảm nhận hoặc sờ được khối sa trong hoặc sau khi đi đại tiện. Khối sa này thường có màu đỏ hồng. Sau khi đi tiêu, khối sa có thể tự trở lại vị trí cũ, nhưng sau vài lần trực tràng sẽ mất khả năng co lại và khối sa luôn nằm bên ngoài.

Các dấu hiệu nhận biết sa trực tràng
Các dấu hiệu nhận biết sa trực tràng là thay đổi thói quen đi tiêu, rặn nhiều khi đi vệ sinh, khó đi tiêu, cảm nhận hoặc sờ thấy khối sa sau khi đi vệ sinh. (Ảnh minh hoa sưu tầm)

Các triệu chứng của bệnh sa trực tràng là gì?

Người bị sa trực tràng sẽ có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng đi kèm sau:

  • Mất khả năng kiểm soát nhu động ruột, đi tiêu không kiểm soát.
  • Táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính.
  • Rò rỉ máu, phân hoặc chất nhầy từ trực tràng.
  • Đau hậu môn, trực tràng.
  • Cảm thấy trực tràng không rỗng sau khi đi tiêu, đại tiện khó.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Cô Bác, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, táo bón, tiêu chảy kéo dài hoặc một trong những triệu chứng trên. Các dấu hiệu và biểu hiện của bệnh sa trực tràng có nét tương đồng với bệnh trĩ. vì vậy Cô Bác, Anh Chị nên đến bệnh viện, phòng khám nội soi tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị kịp thời.

Chẩn đoán bệnh sa trực tràng

Chẩn đoán bệnh sa trực tràng trong giai đoạn sớm cực kỳ quan trọng trong công tác điều trị, ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng. Sa trực tràng và bệnh trĩ là 2 căn bệnh có triệu chứng và dấu hiệu tương tự nhau, vì vậy bác sĩ sẽ kết hợp kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác nguyên nhân sa trực tràng và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.

Khám lâm sàng

Để chẩn đoán nguyên nhân sa trực tràng và loại trừ các bệnh lý liên quan, bác sĩ có thể tiến hành khám trực tràng bằng tay. Bác sĩ sẽ đeo găng tay và dùng chất bôi trơn thăm dò hậu môn – trực tràng để đánh giá sức mạnh của cơ vòng, kiểm tra xem có bất thường nào bên trong không.

Trong khi khám, bác sĩ sẽ yêu cầu Cô Bác, Anh Chị cúi xuống để kiểm tra tình trạng và mức độ sa trực tràng hiện tại. Ngoài ra, bác sĩ sẽ hỏi Cô Bác, Anh Chị một số câu hỏi liên quan để đánh giá tổng quan vấn đề sức khỏe như:

  • Mô tả các triệu chứng và dấu hiệu gần đây.
  • Tiền sử bệnh của bản thân và gia đình.
  • Cô Bác, Anh Chị đã từng phẫu thuật tại ổ bụng hoặc hậu môn không?
Bệnh sa trực tràng có thể phát hiện và chẩn đoán thông qua khám lâm sàng, thăm khám trực tràng bằng tay.
Bệnh sa trực tràng có thể phát hiện và chẩn đoán thông qua khám lâm sàng, thăm khám trực tràng bằng tay. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Cận lâm sàng

Bác sĩ có thể kết hợp một hoặc nhiều cận lâm sàng khác nhau để chẩn đoán bệnh sa trực tràng và các vấn đề về sàn chậu khác, đồng thời tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Nội soi tiêu hóa

Nội soi tiêu hóa là tiêu chuẩn vàng trong việc chẩn đoán các bệnh lý về đường tiêu hóa. Bác sĩ có thể sẽ tiến hành nội soi đại – trực tràng hoặc nội soi đại tràng sigma.

endoclinic.vn là phòng khám nội soi chuyên khám và chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến tiêu hóa, trong đó có sa trực tràng. Liên hệ ngay với phòng khám nội soi dạ dày, đại trực tràng endoclinic.vn để đặt lịch khám với bác sĩ.

Chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ xác định các vị trí bị tổn thương và có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh sa trực tràng, các phương tiện cận lâm sàng thường sử dụng như chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) kết hợp với chất cản quang.

  • Siêu âm qua đường hậu môn: một đầu dò được đưa vào hậu môn hoặc trực tràng để kiểm tra các bất thường, đánh giá hình dạng, cấu trúc của cơ vòng hậu môn và các mô xung quanh.
  • Phương pháp Proctography (hay còn gọi là chụp trực tràng dưới tia X khi đi tiêu): phương pháp này sẽ quay một video dưới dạng chụp X-quang cho thấy hoạt động của trực tràng. Video cho biết trực tràng có thể giữ được bao nhiêu phân, khả năng giữ phân của trực tràng và trực tràng thải phân tốt như thế nào.

Thăm dò chức năng

  • Đo điện cơ (EMG) là phương pháp kiểm tra và đánh giá chức năng các dây thần kinh và cơ hậu môn bằng cách ghi lại các hoạt động của cơ. Phương pháp này giúp xác định các tổn thương dây thần kinh có gây ra các vấn đề về cơ vòng hậu môn của Cô Bác, Anh Chị không.
  • Đo áp lực hậu môn là phương pháp sử dụng đầu dò áp lực với một ống ngắn, mỏng được đưa vào hậu môn, nhằm mục đích đánh giá chức năng của cơ thắt hậu môn – trực tràng.

Biến chứng của bệnh sa trực tràng

Sa trực tràng nếu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng sau:

  • Tổn thương trực tràng – hậu môn nghiêm trọng như loét hoặc xuất huyết.
  • Trực tràng không thể trở về vị trí cũ, nhô ra khỏi hậu môn, ảnh hưởng đến tâm lý và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
  • Co thắt trực tràng hoặc lượng máu cung cấp đến trực tràng bị suy giảm.
  • Các mô tại trực tràng – hậu môn bị đè nén, phân hủy và hoại tử.

Phương pháp điều trị bệnh sa trực tràng

Điều trị sa trực tràng phổ biến và hiệu quả nhất là phẫu thuật cố định trực tràng về lại vị trí cũ hoặc sử dụng một số loại thuốc điều trị. Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng của khối sa trực tràng và quan trọng là tình trạng táo bón trước khi phẫu thuật.

Sa trực tràng sẽ không tự thuyên giảm theo thời gian, mức độ sa sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn dù quá trình này có thể mất vài tháng hoặc vài năm.

Các phương pháp điều trị bệnh sa trực tràng.
Các phương pháp điều trị bệnh sa trực tràng. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Phẫu thuật điều trị sa trực tràng

Phẫu thuật sa trực tràng có 2 loại chính thường được sử dụng là phẫu thuật nội soi ổ bụng và phẫu thuật tầng sinh môn.

  • Phẫu thuật nội soi ổ bụng là phương pháp phẫu thuật được thực hiện thông qua các vết rạch nhỏ trên bụng, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi có gắn camera để quan sát vị trí cần cố định trực tràng, một vết rạch khác trên bụng được dùng để đưa dụng cụ phẫu thuật vào. Phẫu thuật nội soi ổ bụng được thực hiện để kéo trực tràng trở lại đúng vị trí ban đầu và cố định trực tiếp vào xương cùng trên. Phương pháp này đòi hỏi sự cẩn thận và chắc chắn rằng trực tràng đã được hoạt động bình thường nếu không bệnh sẽ tái phát lại ngay lập tức.
  • Phẫu thuật tầng sinh môn được thực hiện đối với người bệnh lớn tuổi hoặc mắc các vấn đề sức khỏe khác. Phương pháp này dùng để cố định lớp niêm mạc bên trong trực tràng hoặc phần trực tràng nhô ra ngoài hậu môn, bác sĩ có thể sẽ cắt bỏ một phần trực tràng nhô ra khỏi hậu môn và nối lại vào đoạn đại tràng giúp cố định trực tràng và đảm bảo chức năng đại tiện của người bệnh.

Ngoài ra, một số phương pháp phẫu thuật khác cũng có thể được thực hiện đối với các trường hợp sức khỏe đặc biệt như:

  • Phẫu thuật cắt bỏ trực tràng qua đường đáy chậu Altemeier.
  • Phẫu thuật cắt bỏ trực tràng bằng Levatorplasy.
  • Phẫu thuật Delorme.
  • Phương pháp bao quanh hậu môn.
Ảnh minh họa tình trạng trực tràng trước và sau khi tiến hành phẫu thuật tầng sinh môn. Nguồn: Colon & Rectal Surgical Specialists of New York.
Ảnh minh họa tình trạng trực tràng trước và sau khi tiến hành phẫu thuật tầng sinh môn. Nguồn: Colon & Rectal Surgical Specialists of New York.

Dùng thuốc đặc trị

Đối với một số trường hợp sa trực tràng ở mức độ nhẹ hoặc được phát hiện trong giai đoạn sớm, bác sĩ có thể sẽ chỉ điều trị bằng cách uống thuốc làm mềm phân giúp bệnh nhân dễ dàng đi vệ sinh, không dùng quá nhiều sức.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh thay đổi chế độ ăn uống khoa học và tích cực rèn luyện thể dục thể thao hỗ trợ cải thiện tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, theo thời gian các trường hợp mắc bệnh sa trực tràng đều cần phải thực hiện phẫu thuật để điều trị dứt điểm và hạn chế khả năng tái phát.

Lưu ý: Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ tại bệnh viện, phòng khám tiêu hóa trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị sa trực tràng nào.

Những điểm cần lưu ý

Phương pháp phòng ngừa bệnh sa trực tràng

Phương pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh sa trực tràng là tránh rặn nhiều khi đi vệ sinh và hạn chế ngồi quá lâu khi đi vệ sinh. Bên cạnh đó, Cô Bác, Anh Chị có thể thử các mẹo sau giúp giảm và ngăn ngừa táo bón:

  • Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất xơ vào chế độ ăn uống mỗi ngày như rau củ quả, trái cây, thực phẩm bổ sung chất xơ. Tuy nhiên, khi tăng hàm lượng chất xơ Cô Bác, Anh Chị nên tham khảo ý kiến chuyên gia tránh tình trạng lạm dụng sẽ gây phản tác dụng.
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, cay nóng.
  • Uống từ 6 đến 8 cốc nước mỗi ngày.
  • Tránh tình trạng táo bón, tiêu chảy kéo dài.
  • Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao.
  • Giữ cân nặng cơ thể ở mức độ khỏe mạnh và cân đối.
  • Hạn chế căng thẳng, luôn giữ tinh thần cân bằng và thư giãn.
  • Tránh khuân vác các vật nặng thường xuyên.
Phương pháp tốt nhất để phòng ngừa là tránh căng thẳng và ngồi quá lâu khi đi vệ sinh, bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ,...
Phương pháp tốt nhất để phòng ngừa là tránh căng thẳng và ngồi quá lâu khi đi vệ sinh, bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ,… (Ảnh minh họa sưu tầm)

Những lưu ý về bệnh sa trực tràng

  • Sa trực tràng là tình trạng một phần hoặc toàn bộ niêm mạc trực tràng – hậu môn rời khỏi vị trí bình thường và nhô ra ngoài hậu môn.
  • Sa trực tràng có thể không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào, tùy thuộc vào mức độ sa sẽ có các biến chứng như chảy máu trực tràng hoặc tắc nghẽn phân.
  • Nguyên nhân gây bệnh sa trực tràng đến từ các bệnh lý tiêu hóa, tuổi tác hoặc các chấn thương vùng bụng, vùng chậu.
  • Chẩn đoán bệnh sa trực tràng trong giai đoạn sớm cực kỳ quan trọng trong công tác điều trị, ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng và các biến chứng nguy hiểm.
  • Phác đồ điều trị sa trực tràng phổ biến và hiệu quả nhất là phẫu thuật cố định trực tràng.
  • Phẫu thuật điều trị sa trực tràng có 2 loại chính thường được thực hiện là phẫu thuật nội soi ổ bụng và phẫu thuật tầng sinh môn.
  • Tầm soát ung thư trực tràngtầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ giúp phát hiện những tổn thương tiền ung thư, đồng thời phát hiện được các bệnh lý đại tràng, trực tràng khác như viêm đại tràng, viêm loét trực tràng, polyp đại tràng, polyp trực tràng,…

Những rủi ro, biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật

Phẫu thuật sa trực tràng cũng có nguy cơ xuất hiện một số rủi ro hoặc các biến chứng hậu phẫu như biến chứng gây mê, xuất huyết và nhiễm trùng. Một số biến chứng và rủi ro người bệnh có thể gặp bao gồm:

  • Chảy máu trong ổ bụng, trực tràng hoặc tại vị trí nối.
  • Bí tiểu.
  • Các biến chứng y tế của phẫu thuật như đau tim, viêm phổi, xuất hiện khối máu đông.
  • Sa trực tràng tái phát.
  • Mất kiểm soát phân.
  • Táo bón.
  • Nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật.

Thời gian hồi phục sau phẫu thuật trung bình từ 2 – 3 ngày phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. Sự hồi phục hoàn toàn có thể diễn ra sau 1 tháng, nhưng bệnh nhân vẫn nên hạn chế các hoạt động làm tăng áp lực vùng bụng, hậu môn và mang vác vật nặng trong vòng 6 tháng.

Mời Cô Chú, Anh Chị tìm hiểu các bệnh lý khác:

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Cleveland Clinic medical professional. Rectal Prolapse. 05 07 2018. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14615-rectal-prolapse.) (đã truy cập 09 07, 2021).
  3. Julia Segal, David G. McKeown & Melissa M. Tavarez. “Rectal Prolapse.” National Center for Biotechnology Information. 04 08 2021. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK532308/ (đã truy cập 09 07, 2021).
  4. Mayo Clinic Staff. Rectal prolapse. 26 06 2021. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/rectal-prolapse/symptoms-causes/syc-20352837 (đã truy cập 09 07, 2021).
  5. National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases (NIDDK). “Rectal Prolapse.” National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases (NIDDK). 08 2019. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/anatomic-problems-lower-gi-tract/rectal-prolapse (đã truy cập 09 15, 2021).
  6. Roland, James. Everything You Should Know About Rectal Prolapse. 01 05 2017. https://www.healthline.com/health/rectal-prolapse (đã truy cập 09 07, 2021).
  7. Scott D. Goldstein, M.D. & Pinckney J. Maxwell, IV, M.D. “Rectal Prolapse.” US National Library of Medicine. 03 2011. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3140332/ (đã truy cập 09 07, 2021).
  8. WebMD Medical Reference. Rectal Prolapse. Biên tập bởi Neha Pathak. 26 08 2020. https://www.webmd.com/digestive-disorders/what-is-rectal-prolapse (đã truy cập 09 07, 2021).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?

Chia sẻ nội dung: