Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Chụp CT (CT scan) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X kết hợp với xử lý máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết về các cấu trúc bên trong cơ thể, bao gồm các cơ quan nội tạng, mạch máu và xương. Chụp CT được sử dụng để chẩn đoán bệnh hoặc chấn thương cũng như lập kế hoạch phẫu thuật hoặc xạ trị trong quá trình điều trị bệnh. Hãy cùng Endo Clinic tìm hiểu kỹ hơn chụp CT là gì? Chụp CT có nguy hiểm không? Chi phí chụp CT là bao nhiêu?

Chụp CT là gì?

CT scan (Computerized Tomography Scan) hay còn được gọi là Chụp cắt lớp vi tính là kỹ thuật sử dụng tia X để chụp xung quanh cơ thể từ các góc độ khác nhau, và kết hợp với xử lý bằng máy tính để tạo ra các hình ảnh chuyên sâu theo lát cắt ngang của bộ phận cần chụp. Chính vì vậy, các hình ảnh CT scan cung cấp thông tin chi tiết hơn so với các tia X thông thường.[1]

Chụp CT là gì?
Chụp CT là gì?

CT scan có nhiều ứng dụng và phù hợp để khám nhanh những chấn thương nội tạng do tai nạn hoặc các loại chấn thương khác. CT scan có thể chụp gần như tất cả các bộ phận của cơ thể và được sử dụng để chẩn đoán bệnh hoặc chấn thương.

Nguyên lý hoạt động của CT

Nguyên lý tạo ảnh CT scan có thể được hiểu như sau. Trước tiên, bệnh nhân nằm trên bàn trượt và được đưa vào khung máy chụp. Sau đó máy CT scan sẽ sử dụng một nguồn tia X có động cơ quay quanh bàn chụp (Gantry) để quét qua bộ phận cần kiểm tra trong cơ thể. Bộ cảm biến tia X kỹ thuật số (Digital X-ray Detectors) sẽ hấp thụ chùm tia X và truyền đến máy tính để tạo ra các hình ảnh cắt lát 2D. Những lát cắt ảnh này có thể được xếp chồng lên nhau để tạo thành hình ảnh 3D hiển thị xương, các cơ quan và mô. Điều này cho phép bác sĩ dễ dàng nhận biết các bất thường và tìm đúng vị trí của chúng.[2]

Nguyên lý hoạt động của chụp CT
Nguyên lý hoạt động của chụp CT

Chụp CT có cản quang là gì?

Chụp CT có cản quang (Contrast-Enhanced Computed Tomography Scan) là một loại kỹ thuật chụp CT scan. Trong đó bệnh nhân sẽ sử dụng một loại thuốc có tính cản quang.[3]

Chụp CT có cản quang là gì?
Chụp CT có cản quang là gì?

Thuốc cản quang được dùng để chặn các tia X đi qua, làm cho các mô mềm dễ nhìn thấy hơn trong quá trình quét. Điều này là vô cùng hữu ích vì các mô mềm thường khó nhìn thấy trong CT scan thông thường. Thuốc cản quang thường có nguồn gốc từ iodine hoặc barium sulfate và có thể được đưa vào cơ thể bằng nhiều cách khác nhau.

Ba cách nạp thuốc cản quang vào cơ thể gồm:

  • Tiêm: Thuốc cản quang được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch. Điều này giúp hình ảnh các mạch máu, đường tiết niệu, gan hoặc túi mật được hiện lên rõ ràng.
  • Đường uống: Thuốc được uống ở dạng một chất lỏng chứa chất cản quang. Nạp vào cơ thể bằng cách này giúp nâng cao chất lượng hình ảnh của đường tiêu hóa.
  • Thuốc xổ: Trong trường hợp cần phân tích đường ruột, chất tương phản được đưa vào cơ thể bằng cách chèn vào hậu môn. Từ đó giúp việc phân tích đường ruột được chính xác và rõ ràng hơn.

Có những kỹ thuật chụp CT nào?

Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính hiện nay rất phong phú đa dạng và có nhiều cải tiến để phù hợp với các mục đích khác nhau. Một vài kỹ thuật chụp CT tiêu biểu gồm Kỹ thuật chụp CT độ phân giải cao (High-resolution CT) và Kỹ thuật chụp CT xoắn ốc (Helical or spiral CT).[4]

Có những kỹ thuật chụp CT nào?
Có những kỹ thuật chụp CT nào?

Một vài kỹ thuật chụp CT hiện nay:

  • High-resolution CT: Kỹ thuật này cho kết quả có độ phân giải cao với lát cắt rất mỏng, hiệu quả trong việc đánh giá một vài bệnh lý như bệnh phổi.
  • Helical or spiral CT: Helical/Spiral CT giúp cung cấp hình ảnh nhanh chóng và chi tiết hơn so với kỹ thuật CT scan thông thường và có thể được sử dụng để phát hiện sự tích tụ canxi trong động mạch vành.
  • Ultrafast CT: Kỹ thuật Ultrafast CT cung cấp kết quả hình ảnh vô cùng nhanh chóng và có thể tạo ra các “thước phim” về các bộ phận đang di chuyển, chẳng hạn như chuyển động của buồng và van tim. 
  • Computed tomographic angiography (CTA): Kỹ thuật này sử dụng công nghệ CT để tạo ra các hình ảnh mạch máu trong cơ thể.
  • Combined positron emission tomography and CT (PET/CT): Việc kết hợp khả năng cung cấp cấu trúc chi tiết của CT scan với khả năng hiển thị chức năng và chuyển hóa tế bào của PET giúp cung cấp các thông tin với độ chính xác cao trong chẩn đoán và điều trị một số loại bệnh, đặc biệt là ung thư.

Chụp CT thường khảo sát những vị trí nào?

CT scan là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh của bộ phận bên trong cơ thể. Chụp CT có thể cho ra kết quả hình ảnh chi tiết của hầu như tất cả các bộ phận trong cơ thể, bao gồm xương, cơ, nội tạng và mạch máu. 

Chụp CT có thể giúp chẩn đoán các rối loạn về cơ và xương, định vị khối u và nhiễm trùng, theo dõi các bệnh và tình trạng như ung thư, phát hiện chấn thương hoặc chảy máu nội tạng. Thuốc cản quang sẽ được sử dụng hoặc không, tùy thuộc vào vị trí cần chụp CT.

Chụp CT thường khảo sát những vị trí nào?
Chụp CT thường khảo sát những vị trí nào?

Chụp CT não

Chụp CT não dùng để kiểm tra cấu trúc não bộ. Chụp CT não giúp đánh giá một vài tình trạng và bệnh lý, chẳng hạn như khối u, u xơ não, nhiễm trùng, chảy máu, chấn thương, tai biến mạch máu não,…[5]

Chụp CT đầu

Chụp CT đầu thường được chỉ định bởi các bác sĩ trong các trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, chụp CT đầu còn được yêu cầu để theo dõi tiến trình điều trị hoặc chẩn đoán một số bệnh lý.[6]

Chụp CT phổi

Chụp CT phổi giúp kiểm tra ngực và các cơ quan bên trong để phát hiện các vấn đề sức khỏe như tắc nghẽn, chấn thương, chảy máu, nhiễm trùng, khối u, đau ngực không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, chụp CT phổi còn giúp phát hiện các vấn đề sức khỏe khác mà không thể chẩn đoán bằng việc khám sức khỏe thông thường hoặc xét nghiệm tia X.[7]

Chụp CT ổ bụng

Chụp CT ổ bụng cung cấp thông tin về các cơ quan và cấu trúc bên trong ổ bụng chi tiết hơn so với ảnh X-quang thông thường. Do đó, giúp cung cấp nhiều thông tin liên quan đến chấn thương và/ hoặc bệnh lý của các cơ quan trong ổ bụng.[8]

Máy chụp CT bao nhiêu lát cắt là tốt?

Tùy theo từng loại xét nghiệm mà sẽ chọn ra loại máy chụp CT phù hợp. Trong khi tất cả các máy chụp CT đều có thể thực hiện các thủ tục chụp ảnh tổng quát như quét các cơ quan nội tạng, nhưng một số thủ tục như tim mạch lại yêu cầu số lượng lát cắt cao hơn để đảm bảo chất lượng hình ảnh tốt hơn.

Máy chụp CT bao nhiêu lát cắt là tốt?
Máy chụp CT bao nhiêu lát cắt là tốt?

Chụp CT 4 – 8 dãy

Chụp CT 4 – 8 dãy có thời gian quét chậm và yếu hơn so với các đầu máy CT với số lát cao hơn. Tuy nhiên, đây là một lựa chọn tiết kiệm chi phí cho các phòng khám hoặc các cơ sở với số lượng bệnh nhân ít và không cần chẩn đoán khẩn cấp.[9]

Chụp CT 16 dãy

Chụp CT 16 dãy nhanh hơn so với máy quét CT 4 – 8 dãy, giúp cung cấp hình ảnh toàn bộ cơ quan với chất lượng cao. Tuy nhiên, để thu được hình ảnh tim chi tiết hơn, cần sử dụng máy quét CT có công nghệ tiên tiến hơn. Kỹ thuật này đặc biệt phù hợp trong các phòng chụp X-quang với số lượng bệnh nhân ổn định.

Chụp CT 32 dãy

Chụp CT 32 dãy vượt trội hơn các máy quét các máy CT 4 – 8 dãy hoặc 16 dãy ở việc cho ra hình ảnh nhanh với chất lượng hình ảnh tốt hơn. Kỹ thuật này có số lượng lát cắt cao hơn, do đó cũng sẽ đắt hơn so với các máy có số lát cắt thấp hơn.

Chụp CT 64 dãy

Chụp CT 64 dãy là kỹ thuật tiêu chuẩn cho bệnh viện và trung tâm chụp ảnh, thường được sử dụng cho các khám nghiệm cơ bản về tim mạch và chấn thương. Chụp CT 64 lát cắt cho ra hình ảnh chẩn đoán trong vòng 5 – 10 giây và phù hợp cho các phòng khám với lưu lượng bệnh nhân trung bình đến cao.

Chụp CT 128 dãy

Chụp CT 128 dãy có thể quét toàn bộ cơ thể chỉ trong vài giây và tạo ra các hình ảnh 3D chất lượng cao cho bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể. Đây là kỹ thuật thường được sử dụng trong các phòng khám chuyên khoa hỗ trợ như tim mạch hoặc các cơ sở nghiên cứu, nơi có số lượng bệnh nhân rất lớn.

Chụp CT 256 dãy trở lên

Chụp CT 256 dãy trở lên có khả năng quét toàn bộ cơ thể chỉ trong vòng vài giây với khả năng cung cấp chất lượng hình ảnh cao và chẩn đoán chính xác. Kỹ thuật này được sử dụng chủ yếu để phát hiện các bệnh động mạch và để đánh giá cấu trúc và hình thái của tim.

Chụp CT và MRI: Ưu và nhược điểm

Chụp CT và MRI (Magnetic Resonance Imaging) hai kỹ thuật hiện đại được sử dụng để cung cấp những đánh giá chính xác về cấu trúc và chức năng của tim, cũng như các mạch lớn như động mạch chủ và động mạch phổi. Tuy nhiên, mỗi kỹ thuật sẽ có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau.

Chụp CT và MRI: Ưu và nhược điểm
Chụp CT và MRI: Ưu và nhược điểm

Ưu điểm và nhược điểm của chụp CT và MRI:

Chụp CTChụp MRI
Ưu điểm– Thời gian khám ngắn hơn.
– Chẩn đoán chính xác bệnh liên quan đến mạch và màng tim.
– Chất lượng hình ảnh tốt về các sự bất thường của động mạch vành do nguyên nhân bẩm sinh.
– Có thể chụp hình ở bất kỳ góc độ nào mà không cần sử dụng bức xạ.
– Chẩn đoán chính xác các bệnh liên quan đến mạch máu, tim và màng tim.
– Cung cấp thông tin chính xác hơn so với siêu âm tim thông thường.
– Kiểm tra tình trạng co mạch của cổ, thận và chi
– Kiểm tra các bất thường ở các động mạch vành.
– Phân biệt các mô kể cả khi dùng hoặc hoặc không dùng thuốc cản quang.
– Thuốc cản quang được sử dụng cho thận an toàn hơn so với các chất cản quang được sử dụng trong chụp CT hoặc X-quang.
Nhược điểm– Tiếp xúc với tia X.
– Thuốc cản quang có thể làm tổn thương chức năng thận đối với bệnh nhân có bệnh thận.
– Thời gian khám lâu.
– Không gian hạn chế cùng với tiếng ồn lớn.
– MRI không thể được thực hiện nếu có sự hiện diện của một vài thiết bị y tế có chứa kim loại hoặc các vật thể ngoại lai.

Chụp CT để làm gì?

Chụp CT là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp chẩn đoán bệnh hoặc chấn thương cũng như lập kế hoạch điều trị cho bệnh nhân. Hai lý do phổ biến cho việc chụp CT là để chẩn đoán các rối loạn về cơ và xương hoặc để xác định vị trí của khối u, nhiễm trùng hoặc cục máu đông.

Chụp CT để làm gì?
Chụp CT để làm gì?

Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân chụp CT để:

  • Chẩn đoán các rối loạn về cơ và xương.
  • Xác định vị trí của các khối u, nhiễm trùng hoặc cục máu đông.
  • Hướng dẫn các thủ tục như phẫu thuật và điều trị bằng tia xạ.
  • Phát hiện và giám sát các tình trạng và bệnh lý như ung thư, bệnh tim, u phổi và u gan.
  • Theo dõi tính hiệu quả của một số liệu trình điều trị, ví dụ như điều trị ung thư
  • Phát hiện chấn thương nội tạng và chảy máu bên trong

Quy trình chụp CT

Chụp CT được sử dụng trong chẩn đoán, hướng dẫn xét nghiệm, điều trị, và theo dõi các bệnh lý như ung thư, đột quỵ,…Chụp CT sẽ được thực hiện bởi kỹ thuật viên chụp X-quang tại các phòng khám hoặc bệnh viện.

Quy trình chụp CT
Quy trình chụp CT

Trước khi chụp CT

Trước khi chụp CT, chất cản quang có thể được tiêm vào cơ thể để nâng cao chất lượng hình ảnh. Bệnh nhân có thể uống, đưa vào hậu môn hoặc tiêm vào tĩnh mạch. Nếu cảm thấy lo lắng hoặc sợ hẹp không gian, bệnh nhân cần thông báo cho nhân viên chụp ảnh để được hỗ trợ giảm căng thẳng hoặc sử dụng thuốc an thần. 

Trước khi bắt đầu quá trình chụp, người bệnh sẽ được yêu cầu thay quần áo và mặc áo choàng. Người bệnh cũng cần tháo bỏ tất cả vật dụng kim loại, chẳng hạn như đồ trang sức, vì kim loại có thể ảnh hưởng đến thiết bị quét.

Trong quá trình chụp CT

Trong quá trình chụp CT, bệnh nhân sẽ nằm bàn trượt và được đưa vào khung máy chụp. Máy quét sẽ xoay quanh và quét quanh cơ thể. Nhân viên chụp ảnh sẽ điều khiển máy quét từ phòng kế bên. 

Bệnh nhân cần phải nằm yên và thở đều trong khi chụp ảnh. Thời gian chụp thường mất khoảng 10 đến 20 phút.

Sau khi chụp CT

Sau khi chụp CT, nếu không có phản ứng phụ thì bệnh nhân có thể về nhà ngay sau đó. Trong trường hợp sử dụng thuốc cản quang, bệnh nhân có thể được khuyên đợi trong khoảng 1 giờ để đảm bảo không có phản ứng phụ. 

Kết quả của quá trình chụp thường không có sẵn ngay lập tức mà cần thời gian để phân tích. Thông thường, việc này mất vài ngày hoặc vài tuần.

Các rủi ro và chống chỉ định chụp CT

Chụp CT có nhiều ưu điểm trong việc chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh. Tuy nhiên, kỹ thuật này vẫn có thể đem đến một vài rủi ro nhất định.

Các rủi ro và chống chỉ định chụp CT
Các rủi ro và chống chỉ định chụp CT

Tiếp xúc với tia bức xạ

Việc chụp CT đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ tiếp xúc với tia bức xạ. Liều bức xạ thấp được sử dụng trong chụp CT chưa được chứng minh gây hại lâu dài, tuy nhiên ở liều cao hơn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, chụp CT đem lại nhiều lợi ích hơn là những rủi ro tiềm năng và các bác sĩ sử dụng liều bức xạ thấp nhất có thể. 

Ảnh hưởng đến thai nhi

Trong trường hợp bệnh nhân đang mang thai thì cần phải thông báo cho bác sĩ. Mặc dù phóng xạ từ máy CT scanner không gây hại cho thai nhi, bệnh nhân thường sẽ được bác sĩ khuyên chọn các loại khám khác như siêu âm hoặc MRI để tránh phơi nhiễm phóng xạ cho thai nhi.

Dị ứng với thuốc cản quang

Thuốc cản quang có thể được nạp vào cơ thể trong một vài loại chụp CT nhất định. Tuy hiếm nhưng thuốc cản quang vẫn có thể gây ra các phản ứng dị ứng từ nhẹ đến nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc thông báo cho bác sĩ về tiền sử dị ứng chất cản quang là vô cùng cần thiết.

Chụp CT có nguy hiểm không?

Chụp CT là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nhanh chóng, không gây đau đớn và nhìn chung là an toàn. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có nguy cơ bị dị ứng với thuốc cản quang và tiếp xúc với bức xạ tia X. Lượng bức xạ tiếp xúc trong quá trình thực hiện CT scan sẽ phụ thuộc vào phạm vi quét cơ thể.[10]

Chụp CT có nguy hiểm không?
Chụp CT có nguy hiểm không?

Cần chuẩn bị gì trước khi chụp CT?

Bệnh nhân sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn cách chuẩn bị cho quá trình thực hiện CT scan. Tuy nhiên cùng có một vài điều cần lưu ý trước khi thực hiện chụp CT.

Cần chuẩn bị gì trước khi chụp CT
Cần chuẩn bị gì trước khi chụp CT

Trường hợp chụp CT không có thuốc cản quang

Khi chụp CT không có thuốc cản quang, có một vài điều quan trọng cần lưu ý. Một vài lưu ý có thể bao gồm thời gian, chế độ ăn uống hoặc việc sử dụng thuốc.

Một vài lưu ý khi chụp CT không có thuốc cản quang:[11]

  • Thời gian đến: Để đảm bảo quá trình chụp CT diễn ra đúng tiến độ, bệnh nhân nên đến sớm theo hướng dẫn của địa điểm cung cấp dịch vụ y tế.
  • Ăn uống: Bệnh nhân nên tránh ăn uống trong vòng 4 giờ trước khi làm xét nghiệm.
  • Thuốc: Hãy hỏi bác sĩ về việc uống thuốc trước khi thực hiện CT scan.
  • Cảm giác thoải mái: Bệnh nhân nên mặc quần áo thoải mái khi thực hiện chụp CT.

Trường hợp chụp CT có dùng thuốc cản quang

Trong trường hợp dùng thuốc cản quang cho quá trình chụp CT, đơn vị cung cấp dịch vụ y tế sẽ có những hướng dẫn cụ thể. Bệnh nhân có thể cần làm xét nghiệm máu trước khi chụp và có những lưu ý về chế độ ăn uống cũng như việc sử dụng chất cản quang.

Một vài lưu ý khi chụp CT có sử dụng thuốc cản quang:[11]

  • Xét nghiệm máu: Bệnh nhân có thể cần xét nghiệm máu trước khi chụp CT.
  • Hạn chế ăn uống: Bạn sẽ cần theo dõi chế độ ăn uống trong 4 giờ trước khi CT scan. 
  • Thuốc dị ứng: Trong trường hợp bị dị ứng với thuốc cản quang, bệnh nhân cần liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ y tế để có những biện pháp phù hợp.
  • Dung dịch chuẩn bị: Bệnh nhân nên uống thuốc cản quang qua đường uống theo hướng dẫn của kỹ thuật viên hoặc y tá.

Chụp CT giá bao nhiêu?

Chi phí chụp CT sẽ dao động tùy theo vị trí thực hiện, ví dụ như chụp CT đầu, não, cổ, ổ bụng,… Chính vì vậy cần đi thăm khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn chi tiết hơn.

Chụp CT giá bao nhiêu?
Chụp CT giá bao nhiêu?

Tại Endo Clinic hiện nay chỉ cung cấp dịch vụ chụp CT ổ bụng có sử dụng thuốc cản quang. Chụp CT ổ bụng chỉ được chỉ định trong trường hợp xuất hiện các bất thường như phát hiện khối u, xuất huyết,…

Giá chụp CT bụng có cản quang tại Endo Clinic là 1,500,000 VNĐ.

Chú ý, mức chi phí trên được cập nhật mới nhất đến ngày 22/02/2024. Để cập nhật mức giá mới nhất, quý khách vui lòng liên hệ hotline 0939 01 01 01.

Câu hỏi thường gặp

Chụp CT có được bảo hiểm không?

Chụp CT có thể được bảo hiểm y tế thanh toán, nhưng điều này chỉ áp dụng đối với bệnh nhân đã tham gia bảo hiểm y tế và tuân thủ đúng quy trình thanh toán và điều trị theo tuyến.

Chụp CT có gây ung thư không?

Tỉ lệ mắc ung thư do chụp CT gây ra là rất thấp.

Chụp CT có nguy hiểm không?

Chụp CT là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nhanh chóng, không gây đau đớn và nhìn chung là an toàn.

Chụp CT bao lâu thì có kết quả?

Kết quả của quá trình chụp thường không có sẵn ngay lập tức mà cần thời gian để phân tích. Thông thường, việc này mất vài ngày hoặc vài tuần.

Chụp CT mất bao lâu?

Thời gian chụp CT thường mất khoảng từ 10 đến 20 phút.

Tài liệu tham khảo

  1. “CT Scan.” Mayo Clinic, 6 Jan. 2022, https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/ct-scan/about/pac-20393675. Accessed 20 Feb. 2024. 
  2. “Computed Tomography (CT).” National Institute of Biomedical Imaging and Bioengineering, https://www.nibib.nih.gov/science-education/science-topics/computed-tomography-ct. Accessed 20 Feb. 2024. 
  3. view, Log in or sign up to. “What Is a CT Scan?” WebMD, https://www.webmd.com/cancer/what-is-a-ct-scan Accessed 20 Feb. 2024. 
  4. “Computed Tomography (CT) Scan.” Johns Hopkins Medicine, 25 Oct. 2023, https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/computed-tomography-ct-scan. Accessed 20 Feb. 2024. 
  5. “CT Brain with or without Contrast.” Cedars-Sinai, https://www.cedars-sinai.org/programs/imaging-center/med-pros/neuroradiology/ct-brain-contrast.html. Accessed 20 Feb. 2024. 
  6. Nall, Rachel. “What to Know about CT Head Scans.” Medical News Today, 31 Oct. 2019, https://www.medicalnewstoday.com/articles/326856. Accessed 20 Feb. 2024. 
  7. “Computed Tomography (CT) Scan of the Chest.” Johns Hopkins Medicine, 8 Aug. 2021, https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/ct-scan-of-the-chest. Accessed 20 Feb. 2024. 
  8. “Computed Tomography (CT or CAT) Scan of the Abdomen.” Johns Hopkins Medicine, 8 Aug. 2021, https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/computed-tomography-ct-or-cat-scan-of-the-abdomen. Accessed 20 Feb. 2024. 
  9. Medical, LBN. “CT Scan Slice Types – Guide to CT Scanner Slices.” LBN Medical, https://lbnmedical.com/ct-scan-slice-types/. Accessed 20 Feb. 2024. 
  10. website, NHS. “CT Scan.” Nhs.Uk, https://www.nhs.uk/conditions/ct-scan/. Accessed 20 Feb. 2024. 
  11. professional, Cleveland Clinic medical. “CT (Computed Tomography) Scan.” Cleveland Clinic, https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/4808-ct-computed-tomography-scan. Accessed 20 Feb. 2024.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?