Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Áp lực công việc và những căng thẳng trong cuộc sống hiện đại khiến số người mắc bệnh trào ngược dạ dày ngày càng tăng. Rất nhiều người cảm thấy lo lắng rằng: Mắc trào ngược dạ dày thì có nguy hiểm không? Nếu đây cũng là một mối lo của bạn, vậy hãy cùng endoclinic.vn giải đáp về vấn đề này trong bài viết sau nhé!

Lưu ý:

  • Trào ngược dạ dày – thực quản là tình trạng acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Bài viết này sử dụng thuật ngữ trào ngược dạ dày với mục đích tiếp cận được với nhiều bạn đọc hơn. Theo chuẩn chuyên môn, bệnh lý này có tên chính xác là Trào ngược dạ dày – thực quản.
  • Thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Để được tư vấn chính xác nhất, bạn nên đến phòng khám uy tín để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán.

Bệnh trào ngược dạ dày là gì, biểu hiện ra sao?

Bệnh trào ngược dạ dày (tên tiếng Anh: Gastroesophageal reflux disease – GERD) là tình trạng dịch axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Điều này làm kích ứng niêm mạc thực quản, khiến người bệnh thường xuyên bị ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, khó nuốt, đau họng,…

Dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thường gặp là gì?

Dấu hiệu trào ngược dạ dày thường gặp là ợ nóng, ợ trớ. Ợ nóng là cảm giác bỏng rát vùng ngực, thường xuất hiện sau khi ăn, đặc biệt là khi nằm. Ợ trớ là hiện tượng thức ăn, dịch dạ dày trào ngược lên thực quản và ra ngoài miệng. Ngoài 2 triệu chứng thường gặp nhất, một vài biểu hiện sau đây cũng góp phần nhận ra được bệnh.

Dấu hiệu thường gặp trào ngược dạ dày
Dấu hiệu thường gặp trào ngược dạ dày

Các dấu hiệu trào ngược dạ dày thường gặp bao gồm:

  • Ợ nóng (cảm giác nóng rát ở ngực, thường sau khi ăn).
  • Ợ trớ (cảm giác thức ăn trào ngược lên miệng, để lại vị chua hoặc đắng).
  • Đau tức ngực, cơn đau bắt đầu sau xương ức (đau vùng thượng vị) và di chuyển lên cổ và cổ họng.
  • Khó nuốt, nuốt nghẹn.
  • Khó tiêu do axit.
  • Khó thở.
  • Buồn nôn, nôn ói.
  • Miệng tiết nhiều nước bọt, hôi miệng, mòn men răng.

Khi tần suất các triệu chứng trên xảy ra thường xuyên hơn và không được kiểm soát tốt thì sau một thời gian, bệnh có thể sẽ diễn biến thành những biến chứng ở thực quản.

Trào ngược dạ dày có nguy hiểm không?

Trào ngược dạ dày giai đoạn đầu tương đối không nguy hiểm mà chỉ gây những triệu chứng khó chịu khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái. Tuy nhiên, về lâu dài nếu không kiểm soát tốt thì bệnh hoàn toàn có khả năng trở nặng, xuất hiện các biến chứng.

Trào ngược dạ dày nguy hiểm không?
Trào ngược dạ dày nguy hiểm không?

Các biến chứng trào ngược dạ dày bao gồm:

  • Viêm thực quản
  • Loét thực quản
  • Xuất huyết tiêu hóa
  • Hẹp thực quản.
  • Barrett thực quản
  • Ung thư thực quản

Viêm thực quản

Viêm thực quản (tên tiếng Anh: Esophagitis) do axit khi trào ngược làm tổn thương niêm mạc vùng thực quản gây sưng viêm. Các triệu chứng phổ biến của viêm thực quản bao gồm khó nuốt, đau rát khi nuốt, đau ngực. Một số triệu chứng khác đó là đau họng, khàn giọng, ho khan,… Nhìn chung, đây là giai đoạn đầu của bệnh trở nặng, hoàn toàn có thể khắc phục nếu điều trị kịp thời.

Biến chứng viêm thực quản
Biến chứng viêm thực quản

Loét thực quản

Loét thực quản là tình trạng xuất hiện các vết loét ở niêm mạc thực quản. Triệu chứng phổ biến của loét thực quản là xuất hiện các cơn đau rát ở giữa ngực (đau thượng vị), hoặc cảm giác nóng rát ở giữa ngực (nóng rát thượng vị).

Về lâu dài, loét thực quản không điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng như xuất huyết tiêu hoá trên, Barrett thực quản, hẹp thực quản, thủng thực quản và ung thư thực quản, do đó người bệnh cần đi thăm khám sớm để nhận được sự tư vấn từ bác sĩ

Xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa xảy ra khi niêm mạc thực quản bị tổn thương dẫn đến chảy máu. Tình trạng này được gọi là xuất huyết tiêu hóa trên, biểu hiện bằng thiếu máu (da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt), nôn ra máu, nôn ra bã màu như bã cà phê, đại tiện phân đen hoặc đại tiện ra máu. Đây là tình trạng nguy hiểm có thể gây ra mất máu lớn và đòi hỏi can thiệp y tế ngay lập tức để chẩn đoán và điều trị.

Biến chứng xuất huyết tiêu hóa
Biến chứng xuất huyết tiêu hóa

Hẹp thực quản

Hẹp thực quản được chia thành 2 loại: hẹp thực quản lành tính và ác tính. Nguyên nhân gây hẹp thực quản lành tính đa phần do trào ngược dạ dày khiến niêm mạc thực quản tiếp xúc thường xuyên với axit dạ dày dẫn đến hình mô sẹo làm hẹp thực quản. Đối với hẹp thực quản ác tính, nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ các bệnh lý ung thư thực quản.

Các triệu chứng của hẹp thực quản lành tính thường tiến triển chậm hơn so với hẹp thực quản ác tính. Nhìn chung, triệu chứng phổ biến của hẹp thực quản là hiện tượng khó nuốt tiến triển, người bệnh sẽ cảm thấy thức ăn nghẹn ở thực quản. Do đó, khi bệnh nhân thấy tình trạng khó nuốt này ảnh hưởng đến sinh hoạt thì nên đi khám ngay.

Barrett thực quản

Barrett thực quản (tên tiếng Anh: Barrett’s esophagus, tiền ung thư thực quản) là tình trạng lớp niêm mạc của thực quản bị tổn thương do trào ngược axit, khiến lớp niêm mạc thay đổi so với bình thường. Khoảng 10% bệnh nhân bị trào ngược dạ dày mạn tính có nguy cơ mắc Barrett thực quản.

Barrett thực quản thường không gây ra bất kỳ triệu chứng cụ thể nào nhưng nhiều trường hợp bệnh nhân mắc Barrett thực quản có các biểu hiện liên quan đến trào ngược dạ dày như là ợ nóng, trào ngược axit, khó nuốt. 

Barrett thực quản cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư biểu mô tuyến thực quản (esophageal adenocarcinoma) ở người bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc ung thư ở mức nhỏ. Người bệnh nên chủ động thăm khám bác sĩ về các triệu chứng và tình trạng bệnh của bản thân để có các phương án điều trị và giúp tầm soát ung thư phù hợp.

Ung thư thực quản

Ung thư thực quản là tình trạng lớp tế bào ở thực quản phát triển không kiểm soát dẫn đến hình thành ung thư trong thực quản. Ung thư thực quản có nhiều loại, trong đó 2 loại phổ biến bao gồm ung thư biểu mô tuyến thực quản và ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản (squamous cell carcinoma).

Biến chứng ung thư thực quản
Biến chứng ung thư thực quản

Nguyên nhân dẫn đến ung thư thực quản đến nay vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư như là hút thuốc lá, uống rượu bia, béo phì, mắc Barrett thực quản, nhiễm virus papillomavirus (HPV),…  

Các triệu chứng ung thư thực quản thường không biểu hiện rõ ràng và khó nhận biết ở giai đoạn sớm. Chỉ khi ung thư đã tiến triển mới xuất hiện các triệu chứng như đau họng, nôn hoặc ho ra máu, ợ nóng, khàn tiếng, sụt cân không chủ đích,… Đây là giai đoạn cuối của bệnh, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn do đó người bệnh nên thăm khám sớm để được điều trị kịp thời và tầm soát bệnh.

Khi bị trào ngược dạ dày nên làm gì?

Khi bị trào ngược dạ dày, chúng ta nên bắt đầu thực hiện những thay đổi nhỏ trong lối sống và chế độ ăn uống hàng ngày. Nhằm duy trì một cơ thể khỏe mạnh, từ đó giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và giảm nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Một cách hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày là dần dần thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày.

Những thói quen có thể giúp giảm nguy cơ trào ngược dạ dày:

  • Giảm cân nếu đang thừa cân
  • Không nằm hoặc ngủ sau khi ăn trong vòng 2-3 giờ
  • Không nên mặc quần áo chật
  • Khi ngủ nên nâng gối cao đầu lên khoảng 30-45 độ
  • Bỏ thuốc lá.

Thay đổi thói quen ăn uống

Chế độ ăn uống cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm nhẹ hay làm nặng thêm triệu chứng trào ngược.

Cách phòng ngừa trào ngược dạ dày
Cách phòng ngừa trào ngược dạ dày

Các thay đổi trong thói quen ăn uống sau có thể giúp giảm nguy cơ trào ngược dạ dày:

  • Nên ăn từ từ và nhai thức ăn kỹ trước khi nuốt.
  • Kiêng thức ăn cay, chua và thức ăn chứa nhiều dầu mỡ.
  • Tránh ăn quá nhanh hoặc quá no trong mỗi bữa ăn.
  • Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
  • Nên ăn nhẹ vào buổi tối và tránh ăn quá no trước khi đi ngủ.

Mời bạn tìm hiểu thêm:

> Mời bạn tìm hiểu về:

Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc trào ngược dạ dày có nguy hiểm không. Căn bệnh này thường tiến triển thầm lặng và gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì thế, bạn cần đi thăm khám sớm để bác sĩ chẩn đoán kỹ càng và đề xuất biện pháp điều trị phù hợp.

Câu hỏi thường gặp

Bệnh trào ngược dạ dày có nguy hiểm không?

Trào ngược dạ dày nguy hiểm hay không phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn phát hiện bệnh. Thông thường, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu, các tổn thương thực quản vẫn chưa nghiêm trọng thì hầu như không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu để lâu, tổn thương tiến triển nên hẹp hoặc ung thư thực quản sẽ rất nguy hiểm.

Trào ngược dạ dày gây ho có nguy hiểm không?

Ho thường do sự kích thích từ acid dạ dày trong thực quản, nó có thể gây ra cảm giác kích thích, làm cho người bệnh ho. Nếu ho kéo dài, kèm cảm giác khó thở, ho có máu là triệu chứng nguy hiểm. Bạn cần đi thăm khám sớm để bác sĩ chẩn đoán kỹ càng và đề xuất biện pháp điều trị phù hợp.

Trào ngược dạ dày gây khó thở có nguy hiểm không?

Trào ngược dạ dày gây khó thở xảy ra khi người bệnh vô tình hít phải axit dạ dày khi đang bị trào ngược. Nhiều trường hợp, khó thở do trào ngược có thể nguy hiểm vì khi axit làm tổn thương phổi có thể gây nên tình trạng viêm phổi, cần được thăm khám kịp thời.

Tài liệu tham khảo

1. Ban biên tập Mayo Clinic. Esophagitis. 29 11 2022. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/esophagitis/symptoms-causes/syc-20361224 (đã truy cập 18 04 2023).

2. Maria Chiejina; Hrishikesh Samant. Esophageal Ulcer. 12 02 2023. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470400/. (đã truy cập 18 04 2023)

3. Jay P. Desai; Fady Moustarah. Esophageal Stricture. 23 05 2022. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK542209/ . (đã truy cập 18 04 2023)

4. Ban biên tập Mayo Clinic. Barrett’s esophagus. 08 02 2023. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/barretts-esophagus/symptoms-causes/syc-20352841. (đã truy cập 18 04 2023)

5. Nayana Ambardekar. Barrett’s Esophagus: Symptoms, Causes, and Treatments. 19 09 2021. https://www.webmd.com/heartburn-gerd/guide/barretts-esophagus-symptoms-causes-and-treatments. (đã truy cập 18 04 2023) 

6. Ban biên tập Mayo Clinic. Esophageal cancer. 19 04 2022. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/esophageal-cancer/symptoms-causes/syc-20356084. (đã truy cập 18 04 2023)

7. Ban biên tập Cleveland Clinic. Esophageal Cancer. 09 06 2022. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/6137-esophageal-cancer. (đã truy cập 18 04 2023)

8. Gastroesophageal Reflux Disease (GERD). 05 2018. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6140167/. (đã truy cập 18 04 2023)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?