Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Đông máu là quá trình hình thành cục máu đông, bình thường sẽ có tác dụng bảo vệ cơ thể, ngăn cho máu không bị mất đi khi bị chảy máu. Có nhiều yếu tố tham gia vào quá trình đông máu, một trong số đó có Fibrinogen. Vậy Fibrinogen là gì? Chỉ số fibrinogen bình thường là bao nhiêu? Xét nghiệm fibrinogen có ý nghĩa như thế nào trong chẩn đoán và điều trị bệnh? Hãy cùng Endo Clinic tìm hiểu kỹ hơn về fibrinogen ngay bên dưới.

Thông tin tổng quát về xét nghiệm fibrinogen là gì? chỉ số fibrinogen bao nhiêu là cao.
Thông tin tổng quát về xét nghiệm fibrinogen và chỉ số fibrinogen.

Fibrinogen là gì?

Fibrinogen là một protein huyết tương được sản xuất tại gan với trọng lượng phân tử 340.000 Daltons. Thời gian bán hủy của fibrinogen là từ 4 – 5 ngày. Dưới tác động của enzyme thrombin, fibrinogen sẽ được chuyển đổi thành fibrin để tạo thành cục máu đông.

Chỉ số Fibrinogen là một chỉ số quan trọng trong cơ thể, sự bất thường của xét nghiệm chỉ số fibrinogen là dấu hiệu của một số bệnh lý về gan. Ngoài ra, Fibrinogen bất thường cũng là dấu hiệu cảnh báo của các phản ứng viêm.

Fibrinogen là gì, Chỉ số fibrinogen bình thường là bao nhiêu?
Mẫu xét nghiệm Fibrinogen

Fibrinogen tham gia vào quá trình hình thành cục máu đông trong cơ thể bằng cách tạo thành fibrin. Fibrin là protein chủ yếu trong cục máu đông giúp ngăn chặn chảy máu và làm lành vết thương.

Chỉ số fibrinogen bất thường có thể là dấu hiệu của:

  • Phản ứng viêm: Trong phản ứng này có sự liên quan chặt chẽ giữa nồng độ fibrinogen, tốc độ lắng máu (VS) và protein phản ứng C (CRP).
  • Bệnh lý về gan: Những bệnh nhân mắc xơ gan mất bù và viêm gan nặng thường có nồng độ fibrinogen rất thấp. Nếu nồng độ fibrinogen dưới 150 mg/dL, thường dự báo tiên lượng xấu.

Chỉ số fibrinogen trong máu bao nhiêu là bình thường?

Chỉ số fibrinogen là chỉ số được sử dụng để đo nồng độ fibrinogen trong huyết tương. Chỉ số này giúp phát hiện những bất thường về nồng độ fibrinogen và cung cấp các thông tin cần thiết về tình trạng sức khỏe của cơ thể.

Chỉ số fibrinogen bình thường là bao nhiêu?

Ở người lớn, chỉ số fibrinogen bình thường dao động trong khoảng 200 – 400 mg/dL (tương đương với 2,0 – 4,0 g/L[3] . Trong khi đó, ở trẻ em thì chỉ số chỉ số fibrinogen trong máu sẽ dao động trong khoảng 125 – 300 mg/dL (tương đương với 1,25 – 3,0 g/L). Cần lưu ý rằng các giá trị bình thường có thể khác nhau giữa các phòng thí nghiệm khác nhau.

Chỉ số fibrinogen cao là bao nhiêu?

Chỉ số fibrinogen cao là khi nồng độ fibrinogen trong huyết tương vượt ngưỡng 700 mg/dL. Khi đó, người có chỉ số fibrinogen cao sẽ có nguy cơ cao hình thành cục máu đông gây tổn hại đến não, phổi hoặc tim.[3]

Fibrinogen là yếu tố đông máu quan trọng và cần thiết cho quá trình chữa lành cơ thể. Tuy nhiên, nồng độ fibrinogen cao có thể gây tác động không tốt đến sức khỏe. Chính vì vậy, cần lưu ý các chỉ số nồng độ fibrinogen để theo dõi tình trạng sức khỏe của cơ thể.

Ngoài ra, ở phụ nữ đang mang thai, chỉ số fibrinogen có thể tăng trong thai kỳ từ tuần 27, khoảng 500 mg/dL.[4]

Chỉ số fibrinogen thấp là bao nhiêu?

Chỉ số fibrinogen thấp là khi nồng độ fibrinogen trong cơ thể giảm xuống dưới 50 mg/dL. Trong trường hợp này, người bệnh có thể có nguy cơ chảy máu cao sau phẫu thuật.

Ngoài ra, người bệnh có thể mắc các bệnh khác như bệnh lý về gan (viêm gan, xơ gan, áp xe gan,…), ung thư, suy dinh dưỡng, bệnh đông máu rải rác trong lòng mạch,…[3]

Chỉ số fibrinogen trong máu bao nhiêu là bình thường? Mẫu xét nghiệm fibrinogen máu
Chỉ số fibrinogen bình thường là bao nhiêu?

Nguyên nhân làm thay đổi fibrinogen trong máu

Sự thay đổi quá mức về lượng fibrinogen trong máu sẽ có tác động không tốt đến sức khỏe. Nồng độ fibrinogen trong máu thay đổi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Chỉ số fibrinogen tăng cao khi nào?

Chỉ số fibrinogen tăng cao khi cơ thể bị nhiễm trùng, chấn thương, viêm, stress, mang thai… hoặc một số bệnh lý nguy hiểm khác. Khi nồng độ fibrinogen trong máu tăng lên có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong lòng mạch, từ đó dẫn đến tăng nguy cơ về các bệnh lý tim mạch.

Nguyên nhân làm thay đổi fibrinogen trong máu - Thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến nồng độ fibrinogen máu.
Thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến nồng độ fibrinogen máu.

Các nguyên nhân fibrinogen trong máu tăng cao:

  • Nhiễm trùng, chấn thương hoặc viêm: Fibrinogen là một chất phản ứng giai đoạn cấp tính. Nghĩa là lượng fibrinogen trong máu sẽ gia tăng khi cơ thể bị nhiễm trùng, chấn thương, hoặc viêm.
  • Stress: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ số fibrinogen có thể tăng cao đột ngột khi cơ thể bị căng thẳng. Lý do có thể bắt nguồn từ việc gia tăng sản xuất các gene fibrinogen trong cơ thể (ví dụ như gene FGA, FGB và FGG).
  • Mang thai: Trong giai đoạn thai kỳ, nồng độ fibrinogen có thể tăng lên gấp ba lần so với bình thường. Lý do là để ngăn chặn việc chảy máu quá mức trong quá trình sinh.
  • Hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nồng độ fibrinogen trong máu. Sẽ mất nhiều năm để chỉ số này trở lại mức bình thường ngay cả khi đã bỏ hút thuốc.
  • Thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai làm gia tăng lượng fibrinogen. Chính vì vậy, cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng các loại thuốc tránh thai.
  • Đột biến gene: Một số đột biến gene có thể khiến nồng độ fibrinogen thay đổi. Đặc biệt là các đột biến gene làm tăng nồng độ amino acid homocysteine dẫn đến chỉ số fibrinogen gia tăng.
  • Tuổi tác: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng càng lớn tuổi thì lượng fibrinogen sẽ càng càng sẽ tăng theo thời gian. Theo đó, mỗi 10 năm thì nồng độ fibrinogen sẽ tăng lên từ 0.1 – 0.2 g/L.
  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn nhiều thịt, nhiều tinh bột, ít sắt, hoặc ít vitamin B6 có thể làm tăng mức độ fibrinogen trong cơ thể.
  • Béo phì: Việc bị thừa cân hoặc có quá nhiều mỡ thừa làm tăng nguy cơ tích tụ fibrinogen trong máu.[5]

Chỉ số fibrinogen giảm trong trường hợp nào?

Nồng độ fibrinogen giảm xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hai nguyên nhân tiêu biểu là do mất quá nhiều máu hoặc do dùng thuốc.

Các nguyên nhân khiến fibrinogen trong máu giảm bao gồm:

  • Do mất máu quá nhiều
  • Do dùng thuốc
  • Do một số bệnh lý về gan hoặc ung thư máu (Leukemia)
  • Do một số bệnh di truyền: bệnh giảm fibrin máu bẩm sinh (Congenital Hypofibrinogenemia), bệnh afibrinogenemia bẩm sinh (Congenital Afibrinogenemia) hoặc bệnh rối loạn tiêu hóa máu bẩm sinh (Congenital Dysfibrinogenemia).[6]

Xét nghiệm fibrinogen là gì?

Xét nghiệm fibrinogen là một xét nghiệm định lượng đông máu cơ bản được sử dụng để chẩn đoán và theo dõi một số bệnh lý rối loạn đông máu. Xét nghiệm này thường được bác sĩ chỉ định trước khi thực hiện các ca phẫu thuật hoặc các thủ thuật nội soi tiêu hoá, tầm soát ung thư.

Xét nghiệm fibrinogen có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi một số bệnh lý và rối loạn về máu.

Xét nghiệm fibrinogen là gì
Điều dưỡng Endo Clinic thực hiện lấy máu của Khách hàng để làm xét nghiệm Fibrinogen.

Chỉ số fibrinogen bất thường trong máu có thể cho biết các tình trạng bệnh lý như bệnh gan, viêm nhiễm hoặc các rối loạn đông máu. Xét nghiệm fibrinogen thường được tiến hành bằng cách lấy một mẫu máu từ tĩnh mạch ở cánh tay, sau đó gửi đi phân tích.

Đây là một hạng mục trong xét nghiệm kiểm tra chức năng đông máu, và thường kết hợp với xét nghiệm PT (prothrombin time) và xét nghiệm aPTT.

Các phương pháp xét nghiệm định lượng fibrinogen là gì?

Định lượng fibrinogen là đo nồng độ fibrinogen trong máu. Có nhiều phương pháp định lượng fibrinogen, trong đó hai phương pháp được sử dụng phổ biến nhất đó là phương pháp Clauss (đo hoạt độ sinh học) và phương pháp miễn dịch (đo nồng độ).

Các phương pháp xét nghiệm định lượng fibrinogen là:

  • Phương pháp Clauss
  • Phương pháp miễn dịch
  • Phương pháp đo fibrinogen dựa vào PT (Prothrombin time)
  • Phương pháp phân tích trọng lượng [12]
Kỹ thuật viên xét nghiệm Endo Clinic thực hiện phương pháp định lượng fibrinogen.
Kỹ thuật viên xét nghiệm tại phòng khám tiêu hóa Endo Clinic thực hiện định lượng fibrinogen.

Phương pháp xét nghiệm Clauss

Phương pháp Clauss hay đo hoạt độ sinh học là kỹ thuật thường được dùng nhất. Nguyên lý của phương pháp này là cho thrombin vào huyết tương, sau đó đo thời gian cần thiết để huyết thanh đông lại. Thời gian đông máu càng lâu thì nồng độ fibrinogen càng thấp. 

Dựa trên thời gian đông của huyết thanh mà người ta sẽ pha dung dịch fibrinogen chuẩn ở các nồng độ khác nhau rồi thêm thrombin vào. Kết quả cho ra một đường cong chuẩn với giá trị nồng độ fibrinogen và thời gian. Đối chiếu thời gian huyết tương đông của bệnh nhân với đường cong chuẩn sẽ cho biết nồng độ fibrinogen trong máu của bệnh nhân.

Phương pháp miễn dịch

Phương pháp miễn dịch là kỹ thuật được sử dụng để đo nồng độ fibrinogen trong huyết tương. Trong phương pháp này, kỹ thuật viên sẽ sử dụng loại kháng thể đặc biệt để bắt đặc hiệu vào fibrinogen (xem fibrinogen như là một kháng nguyên), từ đó đo được nồng độ fibrinogen trong mẫu. Một nhược điểm của phương pháp miễn dịch là không cho biết được hoạt độ sinh học của fibrinogen.

Có nhiều phương pháp miễn dịch thường được sử dụng như ELISAs, khuếch tán miễn dịch phóng xạ và điện di. Phương pháp này hữu ích trong việc làm sáng tỏ tình trạng rối loạn fibrinogen máu.

Xét nghiệm định lượng fibrinogen để làm gì?

Định lượng fibrinogen để đánh giá và chẩn đoán một số bệnh lý của cơ thể. Thông thường, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm fibrinogen khi có dấu hiệu xuất huyết đường tiêu hóa, đi tiêu hoặc tiểu ra máu, đau bụng, ho ra máu,…

Ngoài ra, khi người bệnh có biểu hiện của rối loạn đông máu, đông máu rải rác trong lòng mạch (Disseminated intravascular coagulation – DIC),… cũng có thể cần thực hiện xét nghiệm fibrinogen.

Theo dõi tình trạng viêm nhiễm

Tình trạng viêm nhiễm có thể được theo dõi nhờ vào xét nghiệm fibrinogen. Fibrinogen là một dấu ấn sinh học (biomarker) cho thấy có sự viêm nhiễm trong cơ thể. Khi nồng độ fibrinogen trong máu tăng cao, điều này cho thấy tình trạng viêm nhiễm và nguy cơ cao mắc các rối loạn tim mạch.[7]

Theo dõi tình trạng rối loạn đông máu

Rối loạn đông máu có thể được theo dõi nhờ vào xét nghiệm định lượng fibrinogen. Nếu bệnh nhân gặp phải tình trạng chảy máu quá mức hoặc tắc nghẽn mạch máu, bác sĩ có thể chỉ định làm xét nghiệm fibrinogen để đánh giá khả năng hình thành cục máu đông trong máu. Thông thường, xét nghiệm fibrinogen sẽ được thực hiện sau khi đã loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các tình trạng kể trên.[8]

Theo dõi phương pháp điều trị tiêu fibrin

Bệnh huyết khối (Thrombosis) là tình trạng một cục máu đông bất thường được hình thành trong mạch máu hoặc trong buồng tim của cơ thể. Phương pháp thường dùng để điều trị huyết khối là tiêu fibrin. Theo đó, hiệu quả điều trị tiêu fibrin sẽ được đánh giá và theo dõi bằng định lượng fibrinogen.

Theo dõi các bệnh lý về gan

Fibrinogen được tạo ra tại gan và có xu hướng giảm trong bệnh xơ gan. Do đó, việc định lượng fibrinogen là cần thiết để xác định và theo dõi các bệnh liên quan về gan.[9]

Xét nghiệm định lượng fibrinogen để làm gì? Có thể được chỉ định trong bệnh lý về gan.
Xét nghiệm fibrinogen có thể được chỉ định trong bệnh lý về gan.

Theo dõi bệnh đông máu rải rác trong lòng mạch

Bệnh đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC) là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, gây ra sự đông máu không bình thường trong các mạch máu của cơ thể. Xét nghiệm fibrinogen và các xét nghiệm đông máu khác được dùng để xác nhận chẩn đoán bệnh đông máu rải rác trong lòng mạch.

Theo dõi sức khỏe khi mang thai

Fibrinogen đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì thai kỳ. Nếu bệnh nhân mắc các rối loạn fibrinogen di truyền, điều này có thể gây ra một vài rủi ro như chảy máu bất thường sau sinh. Do đó, việc xét nghiệm fibrinogen để theo dõi tình trạng sức khỏe khi mang thai là rất quan trọng.[10]

Khám sức khỏe tổng quát định kỳ

Xét nghiệm fibrinogen là một xét nghiệm đông máu cơ bản. Tuy nhiên, xét nghiệm này lại có tầm quan trọng đáng kể trong việc chẩn đoán, theo dõi một số bệnh lý ở người. Ngoài ra, các bác sĩ thường yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm đông máu, bao gồm xét nghiệm fibrinogen, trước khi tiến hành các ca phẫu thuật.

Bác sĩ tại Endo Clinic đang thăm khám cho khách hàng.
Xét nghiệm fibrinogen có thể được thực hiện định kỳ.

Chẩn đoán dựa trên kết quả xét nghiệm chỉ số fibrinogen

Xét nghiệm fibrinogen thường được chỉ định trong việc chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến rối loạn đông máu, ví dụ như đông máu nội mạch rải rác (DIC). Ngoài ra, kết quả xét nghiệm fibrinogen còn có thể gợi ý chẩn đoán các bệnh về gan. Lưu ý, cần kết hợp một số xét nghiệm cận lâm sàng về gan như xét nghiệm men gan, chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT,… để đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác.

Cần phối hợp xét nghiệm fibrinogen với các xét nghiệm cận lâm sàng khác để đảm bảo độ chính xác của chẩn đoán. Đặc biệt, trong trường hợp chẩn đoán rối loạn đông máu, cần kiểm tra các chỉ số PT (Prothrombin Time), chỉ số aPTT (Activated Partial Thromboplastin Time) và chỉ số công thức máu (Complete Blood Count). Quý khách hàng nên trực tiếp gặp bác sĩ để được tư vấn chính xác.

Độ tuổiChỉ số Fibrinogen bình thường (SI units)
Trẻ sơ sinh125 – 300 mg/dL
Người lớn200 – 400 mg/dL
Bảng chỉ số fibrinogen bình thường.[11]

Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm định lượng fibrinogen?

Để đảm bảo tính hiệu quả và chính xác của kết quả xét nghiệm, cần lưu ý một số điều quan trọng trước khi thực hiện.

Các lưu ý trước khi đi xét nghiệm fibrinogen:

  • Không cần phải nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm fibrinogen
  • Trao đổi về toa thuốc đang sử dụng: Các thuốc làm tăng nồng độ fibrinogen bao gồm estrogen, thuốc ngừa thai dạng uống và các thuốc làm giảm nồng độ fibrinogen bao gồm atenolol, thuốc làm giảm cholesterol máu, corticoid, progestin,…
  • Truyền máu trong vòng 1 tháng trước khi thực hiện xét nghiệm.
  • Mặc đồ thoải mái để dễ lấy mẫu máu xét nghiệm máu
  • Liên hệ trước với cơ sở y tế trước khi thực hiện xét nghiệm để tiết kiệm thời gian, không cần chờ đợi gây mệt mỏi.
Khách hàng đang được bác sĩ tại Endo Clinic tư vấn.
Cần chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm fibrinogen?

Xét nghiệm fibrinogen bao nhiêu tiền?

Có nhiều địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh cung cấp dịch vụ xét nghiệm fibrinogen với giá cả khá hợp lý. Hiện tại, phòng khám nội soi tiêu hóa Endo Clinic cũng đang cung cấp dịch vụ xét nghiệm đông máu trọn gói gồm PT (INR), aPTT và fibrinogen.

Giá xét nghiệm fibrinogen tại Endo Clinic hiện nay là 125.000 VNĐ.

Chú ý, mức chi phí trên được cập nhật mới nhất đến ngày 28/07/2023.

Để cập nhật mức giá mới nhất, quý khách vui lòng nhấn vào: Dịch vụ xét nghiệm huyết học .

Đặc biệt, xét nghiệm fibrinogen là bước kiểm tra cần thiết trước khi thực hiện các thủ thuật nội soi tiêu hoá. Do đó, nó luôn được yêu cầu trước khi thực hiện các quá trình nội soi tiêu hoá hoặc tầm soát ung thư tiêu hoá. Để tìm hiểu chi tiết thêm về các gói dịch vụ nội soi thường, không đau tại phòng khám Endo Clinic, Quý Khách vui lòng bấm vào: Bảng giá dịch vụ tiêu hóa không đau.

Câu hỏi thường gặp

Chỉ số fibrinogen bình thường là bao nhiêu?

Fibrinogen bình thường ở người lớn sẽ có nồng độ từ 200 – 400 mg/dL. Ở trẻ sơ sinh, chỉ số fibrinogen bình thường sẽ ở mức từ 125 – 300 mg/dL.

Chỉ số fibrinogen tăng cao khi nào?

Fibrinogen tăng cao trong máu có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Một vài nguyên nhân thường gặp cho tình trạng này bao gồm nhiễm trùng, viêm, hoặc do mang thai. Tuy nhiên, bệnh nhân nên gặp bác sĩ trực tiếp để được tư vấn chính xác.

Chỉ số fibrinogen tăng khi mang thai có nguy hiểm không?

Chỉ số fibrinogen tăng khi mang thai dao động ở mức 500 mg/dL. Đây là cơ chế bình thường của cơ thể để phòng ngừa tình trạng chảy máu quá mức trong quá trình sinh. Bệnh nhân nên tới gặp bác sĩ để có được tư vấn chính xác.

Tài liệu tham khảo

1. Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.

2. Sinh lý học y khoa, 2018, Bộ môn sinh lý – ĐHYD TPHCM.

3. “Fibrinogen Blood Test: What It Is, When You Need It, and More.” https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-fibrinogen-blood-test, Accessed 1 Jan. 1970.

4. Matsunaga, Shigetaka, Yasushi Takai, and Hiroyuki Seki. “Fibrinogen for the management of critical obstetric hemorrhage.” Journal of Obstetrics and Gynaecology Research 45.1 (2019): 13-21. 

5. Novkovic, Biljana. “10 Hidden Causes of High Fibrinogen + Risks & How to Lower It.” SelfDecode Labs, 7 Dec. 2019, https://labs.selfdecode.com/blog/high-fibrinogen/. Accessed 20 May 2023. 

6. Novkovic, Biljana. “Causes & Risks of Low Fibrinogen + How to Increase Levels.” SelfDecode Labs, 7 Dec. 2019, https://labs.selfdecode.com/blog/low-fibrinogen/. Accessed 20 May 2023.

7. Salini, V., et al. “Inflammatory Markers: Serum Amyloid A, Fibrinogen and C-Reactive Protein—A Revisited Study.” European Journal of Inflammation 9.2 (2011): 95-102. 

8. Mark Lu, Chuanyi. “Fibrinogen Test.” Testing.Com, 28 Jan. 2022, https://www.testing.com/tests/fibrinogen/. Accessed 20 May 2023.

9. Rizzo, Kirsty, et al. “Fibrinogen measurement in liver disease: validation of the functional fibrinogen thromboelastography assay and a novel mathematical predictive model.” Blood Transfusion 17.3 (2019): 237.

10. Teraoka, Yuko, et al. “Prenatal and peripartum management of patients with hypofibrinogenemia resulted in two successful deliveries.” Case Reports in Obstetrics and Gynecology 2017 (2017).

11. Wilczynski, Cory. “Fibrinogen: Reference Range, Interpretation, Collection and Panels.” Medscape, 21 Nov. 2019, https://emedicine.medscape.com/article/2085501-overview. Accessed 20 May 2023.

12. Guidelines on Fibrinogen Assays – Mackie – 2003 – Wiley Online Library, onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1046/j.1365-2141.2003.04256.x. Accessed 29 July 2023.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?