Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Insulin là một trong những hormon giúp điều hoà lượng đường huyết trong cơ thể và là hormon duy nhất giúp hạ đường huyết. Khi có những bất thường về nồng độ insulin sẽ gây nguy hiểm đến sức khoẻ.

Nguồn gốc insulin

Tuyến tuỵ gồm 2 loại mô chính bao gồm:

  • Tuỵ ngoại tiết: bài tiết dịch tiêu hoá đổ vào tá tràng.
  • Tuỵ nội tiết: có khoảng 1 đến 2 triệu đảo Langerhans, gồm 3 loại tế bào chính là tế bào alpha (25%), tế bào beta (60%) và tế bào delta (> 10%). Trong đó, các tế bào beta nằm ở giữa đảo, chịu trách nhiệm sản xuất insulin.

Insulin là một hormon peptid gồm 2 chuỗi A và B được nối với nhau bằng cầu nối disulfur. Thời gian bán huỷ rất ngắn: 4 – 9 phút.

Insulin tham gia điều hoà chuyển hoá và vận chuyển carbohydrat, acid amin, protein và tạo thuận lợi cho quá trình đưa glucose vào tế bào mỡ và tế bào cơ vân. Insulin cũng kích thích tổng hợp và dự trữ triglycerid và protein.

Hormon kiểm soát đường huyết - Insulin
Hormon kiểm soát đường huyết – Insulin

Quá trình bài xuất insulin chịu sự chi phối bởi nồng độ glucose trong máu. Sau bữa ăn, nồng độ glucose máu tăng, kích thích tuyến tuỵ bài tiết insulin để đưa glucose vào tế bào, dự trữ và sử dụng. Ngược lại khi xa bữa ăn, nồng độ glucose máu giảm, insulin ngừng tiết. Tình trạng tiết insulin sẽ giảm hoặc mất ở những bệnh nhân bị đái tháo đường, tình trạng tiết hormon này tăng lên và mất khả năng kiểm soát ở các trường hợp có khối u tiết insulin.

Để kiểm tra nồng độ glucose trong máu, Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm đường huyết. Dựa vào Bảng chỉ số đường huyết sẽ là căn cứ để Bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Mục đích và chỉ định xét nghiệm

  • Hỗ trợ đánh giá tình trạng hạ đường huyết:
  • Xét nghiệm này giúp xác nhận bệnh nhân đái tháo đường không phụ thuộc insulin chuyển sang giai đoạn phụ thuộc insulin. Lúc này, nồng độ insulin trong rất thấp hoặc không có.
  • Xét nghiệm giúp chẩn đoán tình trạng hạ đường huyết do tiêm insulin quá mức hoặc tự ý tiêm insulin không có chỉ định của bác sĩ, xét nghiệm được thực hiện cùng với C-peptid để đánh giá insulin trong máu có nguồn gốc nội sinh hay ngoại sinh.
  • Xét nghiệm hữu ích để theo dõi hoạt động của tuyến tuỵ ở bệnh nhân ghép tuỵ.
  • Theo dõi đáp ứng điều trị insulin ở bệnh nhân đái tháo đường.
  • Đánh giá tình trạng đề kháng insulin. Nếu nồng độ insulin tăng cao nhưng nồng độ glucose máu bình thường hoặc tăng, có thể chứng tỏ tuỵ phải hoạt đồng tích cực hơn bình thường, tình trạng kháng insulin là một đặc trưng của hội chứng chuyển hoá với nguy cơ khiến bệnh nhân mắc bệnh mạch vành và đái tháo đường tuyp 2.
  • Chẩn đoán các u tế bào tiết insulin, xét nghiệm này thường được thực hiện đồng thời cùng với định lượng glucose máu.

Yêu cầu khi đi xét nghiệm insulin

  • Xét nghiệm được tiến hành trên huyết thanh. Bệnh nhân cần nhịn ăn 8 giờ trước khi lấy máu xét nghiệm.
  • Bệnh nhân nên ngừng sử dụng insulin trước khi xét nghiệm. Nếu định lượng insulin huyết thanh được chỉ định cùng với nghiệm pháp dụng nạp glucose đường uống, bệnh phẩm máu để định lượng insulin phải được lấy trước khi bệnh nhân uống glucose làm nghiệm pháp.
  • Do thời gian bán huỷ của insulin rất ngắn, nên sau khi lấy mẫu cần xét nghiệm ngay. Nếu chưa thực hiện được, cần ly tâm tách huyết thanh và bảo quản ở nhiệt độ 40C. Sau 48 giờ, cần bảo quản huyết tương ở -260C.
  • Insulin được định lượng bằng kỹ thuật phóng xạ miễn dịch hoặc miễn dịch enzym (ELISA).

Tham khảo thêm >> HbA1C là gì? Có ý nghĩa gì với bệnh nhân tiểu đường

Các yếu tố làm thay đổi kết quả xét nghiệm insulin

  • Dùng chất đồng vị phóng xạ để chụp xạ hình trong vòng 7 ngày.
  • Bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu gây phá huỷ insulin.
  • Có kháng thể kháng insulin lưu hành trong máu, tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân được điều trị bằng insulin không có nguồn gốc từ người.
  • Những người thừa cân, béo phì có nồng độ insulin lúc đói cao hơn so với người bình thường.
  • Các thuốc gây tăng nồng độ insulin máu: adrenalin, canxi gluconat, fructose, glucose, insulin, hormon tuyến giáp,…
  • Các thuốc làm giảm nồng độ insulin máu: asparaginase, thuốc chẹn beta giao cảm, calcitonin, cimetidin.

Giá trị bình thường insulin

  • 6 – 29 µU/mL hay 43 – 208 pmol/L.
  • Khi tiến hành nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống: 60 – 120 µU/L.

Nồng độ insulin tăng cao do đâu?

Nguyên nhân chính làm tăng nồng độ insulin là:

  • U tế bào tiết insulin (insulinoma): nồng độ insulin máu lúc đói > 50 µU/ml.
  • Bệnh to đầu chi sau khi cho bệnh nhân dùng insulin
  • Hội chứng Cushing
  • Bệnh không dung nạp fructose
  • Bệnh không dung nạp galactose
  • Cường insulin (hyperinsulinism)
  • Hạ đường huyết do dùng sulfonylurea
  • Tiêm insulin ngoại sinh và hạ đường huyết nguỵ tạo
  • Xơ gan do suy giảm thanh thải insulin khỏi máu
  • Đái tháo đường tuýp 2 nhẹ chưa được điều trị insulin, nhất là ở người béo phì
  • Béo phì
  • Tổn thương tế bào đảo tuỵ
  • Hội chứng kháng insulin tự miễn

Nồng độ insulin giảm do đâu?

Nguyên nhân chính làm giảm nồng độ insulin là:

  • Nhiễm toan ceton trong đái tháo đường
  • Suy chức năng tuyến yên
  • Đái tháo đường tuýp 1

◊◊ TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.
  • Sinh lý học y khoa 2012, ĐHYD TPHCM.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?