Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Nội soi đại tràng là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh quan trọng đối với các bệnh lý của ống tiêu hóa dưới, đặc biệt là các bệnh lý của đại tràng và trực tràng. Vậy Quý khách cần chuẩn bị những gì trước khi nội soi đại tràng? Có cần phải nhịn ăn không? Hãy cùng Endo Clinic tìm hiểu các vấn đề trên nhé!

Nội soi đại tràng là gì?

Nội soi đại tràng hay chính xác hơn là nội soi đại – trực tràng (colonoscopy) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cho phép quan sát và thực hiện các thủ thuật can thiệp trên đại – trực tràng. Đại tràng là phần ruột già nằm giữa ruột thừa và hậu môn và trực tràng là phần cuối cùng của đại tràng.

Nội soi đại – trực tràng được thực hiện bằng cách sử dụng một dây soi nhỏ, linh hoạt có camera đưa qua hậu môn để quan sát bên trong lòng ống tiêu hóa dưới của người bệnh. Qua đó, bác sĩ có thể quan sát trực tiếp các tổn thương ở đại tràng và trực tràng, kiểm tra sự tồn tại của các vết loét, polyp hoặc khối u, và thậm chí cũng có thể lấy mẫu mô để kiểm tra xem có sự phát triển của tế bào ung thư không.[1]

Hiện nay, Nội soi đại – trực tràng là một phương pháp quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý của trực tràng, đại tràng. Ngoài ra, nội soi đại tràng còn có vai trò trong tầm soát các bệnh lý ung thư đại – trực tràng, giúp bác sĩ phát hiện sớm các bệnh lý trên, từ đó đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp.

Nội soi đại tràng là gì?
Nội soi đại tràng là gì?

Khi nào cần nội soi đại tràng?

Nội soi đại tràng được Bác sĩ chỉ định để khảo sát bên trong lòng ống tiêu hóa dưới trong một số trường hợp sau khi thăm khám lâm sàng để chẩn đoán, điều trị hoặc tầm soát các bệnh lý đại – trực tràng.

Dưới đây là một số trường hợp mà Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện nội soi đại tràng.

Khi có các triệu chứng tiêu hoá bất thường

Khi mắc phải các triệu chứng tiêu hoá bất thường, Quý khách cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi đại trực tràng để tìm chính xác nguyên nhân.

Các triệu chứng tiêu hoá bất thường mà bác sĩ có thể chỉ định nội soi đại tràng:

Dựa vào kết quả khám lâm sàng kết hợp với hình ảnh nội soi đại tràng, Bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân của các triệu chứng tiêu hóa bất thường, cũng như xác định được vị trí và mức độ của tổn thương đang có ở lòng ống tiêu hóa dưới.

Theo dõi và điều trị bệnh lý tiêu hoá

Đối với một số bệnh lý thuộc ống tiêu hóa dưới như viêm loét đại – trực tràng, các khối u hoặc polyp đại tràng thì nội soi đại tràng có thể được sử dụng để theo dõi diễn tiến bệnh, từ đó đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.

Ngoài ra, nội soi đại – trực tràng có thể được sử dụng để điều trị tại chỗ trong các trường hợp như cắt bỏ polyp đại tràng, loại bỏ dị vật, cầm máu, nong chỗ hẹp, điều trị xoắn đại tràng, chữa bệnh trĩ,…[2]

Thực hiện sinh thiết

Thực hiện sinh thiết qua nội soi đại – trực tràng là một kỹ thuật phổ biến hiện nay. Việc thực hiện sinh thiết qua nội soi đại – trực tràng cho phép lấy mẫu các mô của ống tiêu hóa dưới để phân tích và chẩn đoán các bệnh lý đại tràng và trực tràng như viêm đại tràng, ung thư đại tràng, polyp đại tràng và các bệnh lý khác.[3]

Việc lấy mẫu mô được thực hiện bằng kềm sinh thiết hay còn gọi là kiềm sinh thiết, nhằm các mục đích sau:

  • Xét nghiệm mô bệnh học (còn gọi là giải phẫu bệnh)
  • Cắt trọn polyp có kích thước nhỏ dưới 0.5 cm

Ngoài ra, để cắt trọn polyp có kích thước lớn hoặc có polyp có cuống, bác sĩ sẽ sử dụng thòng lọng (snare).

Tầm soát ung thư ống tiêu hoá dưới

Theo GLOBOCAN năm 2020, ung thư đại trực tràng là loại ung thư thường gặp đứng hàng thứ 5 và có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 5 so với các nhóm ung thư khác ở Việt Nam

Nội soi đại tràng là một phương pháp tầm soát ung thư ống tiêu hoá dưới hiệu quả và được sử dụng rộng rãi. Tầm soát ung thư bằng nội soi đại – trực tràng được khuyến cáo đối với những người có nguy cơ cao mắc ung thư, bao gồm những người có tiền sử gia đình mắc ung thư đại – trực tràng hoặc các bệnh ung thư ống tiêu hóa khác có liên quan.

Ngoài ra, người trên 40 tuổi có nhu cầu tầm soát để phát hiện ung thư sớm cũng có thể thực hiện nội soi đại – trực tràng. Việc tầm soát định kỳ sẽ giúp phát hiện ung thư sớm hơn, tăng cơ hội điều trị và cải thiện tỷ lệ sống sót của bệnh nhân.[4]

Khi nào cần nội soi đại tràng?
Khi nào cần nội soi đại tràng?

Các phương pháp nội soi đại tràng

Sau khi thăm khám lâm sàng, Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp nội soi đại tràng phù hợp với mỗi người, tùy thuộc một số yếu tố như tình trạng sức khỏe chung, độ tuổi, điều kiện kinh tế,…

Các phương pháp nội soi đại tràng hiện có trên thị trường:

  • Nội soi đại tràng thường: Đây là phương pháp nội soi đại tràng có chi phí hợp lý. Tuy nhiên, nội soi thường gây cảm giác khó chịu, đau tức khi đưa ống nội soi từ hậu môn vào đại tràng.
  • Nội soi đại tràng không đau (tiền mê): Phương pháp này có chi phí cao hơn so với nội soi thường. Ưu điểm của phương pháp này là Quý khách sẽ không thấy đau hay bất cứ khó chịu nào, nhờ đó mà quá trình nội soi diễn ra dễ dàng. Đồng thời, bác sĩ cũng dễ thực hiện các kĩ thuật như cắt polyp đại tràng qua nội soi, lấy mẫu sinh thiết,…mang lại kết quả chính xác.
Các phương pháp nội soi đại tràng
Các phương pháp nội soi đại tràng

Tại sao cần chuẩn bị trước khi nội soi đại tràng?

Nội soi đại tràng là một thủ thuật y tế xâm lấn nên vẫn có nguy cơ xảy ra những rủi ro như chảy máu, dị ứng thuốc gây mê, sốc phản vệ,… Do đó, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tiến hành nội soi.

Việc chuẩn bị tốt trước khi nội soi đại tràng sẽ giúp phòng tránh được những rủi ro trong quá trình nội soi, giúp bác sĩ nhìn thấy kỹ những tổn thương, đảm bảo đủ khả năng tiến hành các thủ thuật trong nội soi và giúp Quý khách giữ được tinh thần tốt trước khi nội soi.

Ngăn ngừa các rủi ro trong quá trình nội soi

Nội soi đại tràng là một thủ thuật khá an toàn nhưng vẫn có thể xảy ra rủi ro trong quá trình thực hiện như chảy máu, nhiễm trùng, tắc nghẽn, đau và khó chịu, dị ứng thuốc gây tê hoặc thuốc gây mê và nguy hiểm nhất là sốc phản vệ.

Các rủi ro nêu trên là rất hiếm nếu quá trình nội soi được thực hiện bởi những bác sĩ có chuyên môn cao. Ngoài ra, để phòng ngừa nhiễm khuẩn chéo giữa các bệnh nhân, cơ sở y tế đảm bảo dây soi được khử khuẩn mức độ cao.

Giúp bác sĩ quan sát kỹ tổn thương

Trong quá trình nội soi đại trực – tràng, Bác sĩ cần quan sát được rõ tổn thương trong ống tiêu hóa dưới để đưa ra chẩn đoán chính xác. Do đó, Quý khách cần làm sạch đại tràng theo hướng dẫn của bác sĩ trước khi thực hiện nội soi.[4]

Đảm bảo đủ khả năng thực hiện các thủ thuật trong nội soi

Để đảm bảo Quý khách có tình trạng sức khỏe ổn định và đủ điều kiện để thực hiện nội soi, Bác sĩ sẽ khám tiền mê và cho chỉ định các cận lâm sàng cần thiết như xét nghiệm đông máu, đo điện tim,…

Việc thực hiện các cận lâm sàng này nhằm đảm bảo quá trình nội soi diễn ra an toàn, tránh các biến chứng không mong muốn.

Giữ tinh thần tốt trước khi nội soi

Trong quá trình nội soi đại tràng, nếu Quý khách căng thẳng hoặc quá lo lắng sẽ làm co thắt cơ của ống tiêu hóa, gây khó khăn khi đưa dây soi vào sâu để quan sát và có thể gây tổn thương niêm mạc ống tiêu hóa dưới.

Do đó, bác sĩ sẽ giải thích và tư vấn kỹ về quy trình nội soi để giúp Quý khách giữ được tinh thần tốt, đặc biệt khi thực hiện phương pháp nội soi thường.

Tại sao cần chuẩn bị trước khi nội soi đại tràng?
Tại sao cần chuẩn bị trước khi nội soi đại tràng?

Trước khi nội soi đại tràng cần làm gì?

Trước khi thực hiện thủ thuật nội soi đại tràng, Quý khách nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn nhằm đảm bảo đủ các điều kiện để tiến hành nội soi.

Dưới đây là một số lưu ý trước khi tiến hành nội soi đại tràng mà Quý khách có thể tham khảo trước.

Nội soi đại tràng có phải nhịn ăn không?

Cần phải nhịn ăn trước khi thực hiện nội soi đại tràng từ 6 – 8 giờ để đảm bảo đường ruột được làm sạch, giúp cho việc quan sát các tổn thương cũng như thực hiện thủ thuật được thuận lợi và chính xác hơn.Trước khi thực hiện nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ yêu cầu Quý khách tuân thủ một số quy định về chế độ ăn trước khi nội soi.[4]

Các lưu ý về chế độ ăn uống trước khi nội soi đại tràng:

  • Nhịn ăn 6 – 8 giờ trước khi thực hiện nội soi đại tràng: Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu Quý khách nhịn ăn ít nhất 6 – 8 tiếng trước khi làm nội soi đại tràng.
  • Nhịn uống nước 2 giờ trước khi nội soi: Quý khách cần nhịn uống nước trong 2 giờ trước khi nội soi để đảm bảo niêm mạc đường ruột được làm sạch và khô ráo, giúp bác sĩ có thể quan sát được các chi tiết trong đường ruột một cách rõ ràng hơn.
  • Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu trước khi nhịn ăn: Việc ăn thức ăn mềm, dễ tiêu như súp, cháo thịt bằm trước ngày thực hiện nội soi đại tràng có thể giúp tiêu hóa tốt hơn. Điều này giúp đảm bảo kết quả nội soi đại tràng được chính xác.
  • Không ăn thực phẩm có nhiều hạt, rau: Không ăn rau và những thực phẩm nhiều hạt trước khi nội soi đại tràng vì những thực phẩm này khó tiêu và có thể che khuất các tổn thương cần được quan sát, gây khó khăn trong quá trình làm sạch ruột.
  • Không uống thức uống có màu: Uống nước có màu sẽ ảnh hưởng đến màu sắc của bề mặt niêm mạc ống tiêu hóa, ảnh hưởng đến khả năng quan sát vết thương một cách rõ ràng.
Trước khi nội soi đại tràng cần làm gì?
Trước khi nội soi đại tràng cần làm gì?

Cách uống thuốc xổ để nội soi đại tràng

Uống thuốc xổ trước khi nội soi đại tràng là một bước quan trọng của quá trình chuẩn bị cho nội soi đại tràng. Công dụng của thuốc xổ là giúp làm sạch ruột. Một số thuốc xổ đại tràng phổ biến trên thị trường đó là thuốc xổ Fortrans, microclismi, picoprep, fleet phospho-soda,…

Tuỳ vào loại thuốc xổ bác sĩ chỉ định mà sẽ có những cách uống khác nhau. Do đó, Quý khách không nên tự ý uống thuốc xổ khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ.

Có nên thụt tháo đại tràng?

Thụt tháo đại tràng là thủ thuật đưa nước vào đại tràng bằng cách sử dụng một ống mềm có đầu nhỏ được chèn qua hậu môn, mục đích của thụt tháo đại tràng là làm mềm phân cũng như giúp thành ruột giãn rộng, khi nước đưa vào đủ nhiều sẽ làm thành ruột kích thích và co lại giúp đẩy phân ra ngoài, nhờ đó làm sạch phần đại – trực tràng cần khảo sát.

Chỉ định thụt tháo đại tràng được thực hiện ở những trường hợp sau đây:

  • Bệnh nhân lớn tuổi, mắc nhiều bệnh nền
  • Bệnh nhân nghi ngờ có tắc ruột, thủng ruột
  • Bệnh nhân nghi ngờ có ung thư đại tràng
  • Ở bệnh nhân giảm khả năng vận động, bị tai biến
  • Ở bệnh nhân yếu, liệt hoặc bị tai biến
  • Khách hàng không có khả năng uống được thuốc xổ
  • Khách hàng dưới 15 tuổi

Phương pháp thụt tháo đại tràng được chỉ định bởi Bác sĩ, dựa trên tình trạng sức khỏe của Quý khách và những yếu tố khác. Quý khách tuyệt đối không tự ý thực hiện thụt tháo tại nhà vì có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Có cần ngưng thuốc trước khi nội soi đại tràng không?

Trong một số trường hợp, Quý khách cần ngưng thuốc đang sử dụng trước khi tiến hành nội soi đại tràng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào loại thuốc cũng như tiền sử bệnh lý của Quý khách mà Bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định về việc có cần ngưng thuốc trước khi nội soi đại tràng không.

Các loại thuốc cần lưu ý cách sử dụng trước khi thực hiện nội soi đại tràng:

  • Thuốc chống đông máu: Ngừng một số loại thuốc trước ngày nội soi, Thời gian dao động từ 1 ngày cho đến 1 tuần trước khi nội soi, tuỳ vào loại thuốc. Lưu ý, Quý khách hàng cần được sự đồng ý của bác sĩ trước khi ngưng thuốc.
  • Thuốc điều trị đái tháo đường: Tạm ngưng sử dụng các thuốc điều trị đái tháo đường, bao gồm cả insulin vào buổi sáng thực hiện nội soi.
  • Thuốc điều trị tăng huyết áp, tim mạch: Vẫn có thể tiếp tục sử dụng nhưng bạn cần thông báo cho bác sĩ về loại thuốc đang sử dụng.

Lưu ý, Quý khách nên mang theo toa thuốc đang sử dụng khi đi khám để trao đổi với bác sĩ và được tư vấn kỹ hơn trước khi thực hiện nội soi đại tràng.

Nên có người đưa đón

Quý khách nên nhờ người đưa đón đến cơ sở y tế để thực hiện nội soi đại tràng. Sau khi thực hiện nội soi, Quý khách có thể sẽ đau và mệt mỏi nên không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Việc có người đưa đón sẽ giúp đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, đặc biệt là nội soi đại tràng có gây mê yêu cầu bắt buộc phải có người thân đi cùng.

Các lưu ý khác trước khi nội soi đại tràng

Bên cạnh những lưu ý về chế độ ăn uống và dùng thuốc trước khi thực hiện nội soi đại tràng, Quý khách nên chú ý thêm về trang phục, việc đặt lịch hẹn trước cũng như trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân để đảm bảo quá trình nội soi diễn ra thuận lợi.

Các lưu ý khác cần tham khảo trước khi nội soi đại tràng:

  • Mặc đồ thoải mái: Để thuận tiện cho việc thăm khám của bác sĩ và giúp cho quá trình nội soi diễn ra thuận lợi, Quý khách nên mặc quần áo thoải mái.
  • Đặt lịch hẹn trước: Quý khách nên đặt lịch hẹn trước để được Bác sĩ tư vấn và hướng dẫn chi tiết trước khi thực hiện nội soi.
  • Trao đổi với Bác sĩ về tiền sử bệnh lý bản thân: Việc trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh lý của bản thân trước khi thực hiện nội soi rất quan trọng để giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của Quý khách trước khi cho chỉ định nội soi đại tràng.

Chống chỉ định nội soi đại tràng

Trong một số trường hợp, Bác sĩ sẽ không thể cho chỉ định nội soi đại tràng do tình trạng sức khỏe cũng như tiền căn bệnh lý của người bệnh không thể đảm bảo cho quá trình nội soi đại tràng diễn ra an toàn. Đó gọi là các chống chỉ định của nội soi đại tràng, bao gồm chống chỉ định tuyệt đối và chống chỉ định tương đối.

Chống chỉ định tuyệt đối

Chống chỉ định tuyệt đối của nội soi đại tràng là các trường hợp bắt buộc không được thực hiện kỹ thuật nội soi đại tràng.

Các chống chỉ định tuyệt đối của nội soi đại tràng gồm:

  • Viêm đại tràng tối cấp
  • Thủng tạng
  • Viêm phúc mạc
  • Nhồi máu cơ tim cấp
  • Sốc.[5]

Chống chỉ định tương đối

Chống chỉ định tương đối của nội soi đại tràng là những trường hợp mà nội soi đại tràng vẫn có thể được thực hiện, nhưng cần thận trọng và đánh giá kỹ hơn để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Các chống chỉ định tương đối của nội soi đại tràng có thể bao gồm:

  • Bệnh nhân không hợp tác
  • Hôn mê (trừ khi bệnh nhân đang đặt nội khí quản)
  • Rối loạn nhịp tim
  • Nhồi máu cơ tim gần đây.[5]
Chống chỉ định nội soi đại tràng
Chống chỉ định nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng ở đâu tốt nhất TPHCM?

Hiện nay, có nhiều cơ sở y tế công lập hoặc tư nhân ở TP.HCM cung cấp dịch vụ nội soi đại tràng với chất lượng tốt. Do đó, có nhiều cô chú, anh chị từ các tỉnh cũng có nhu cầu lên Thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm cơ sở khám tiêu hoá uy tín.

Endo Clinic là trung tâm nội soi và chẩn đoán bệnh lý tiêu hoá tiên phong áp dụng hệ thống máy nội soi hiện đại với dây soi có độ phóng đại 100 – 135 lần, màn hình 4K sắc nét, trang bị chế độ nhuộm ảo (NBI) và trí tuệ nhân tạo (AI), giúp hỗ trợ Bác sĩ chẩn đoán chính xác các bệnh lý ở ống tiêu hoá dưới.

Bảng giá Nội soi đại trực tràng tại Endo Clinic:

Kỹ thuậtGiá thành
Nội soi đại trực tràng thường1.100.000 VNĐ
Nội soi trực tràng không đau (tiền mê)2.500.000 VNĐ

Ngoài ra, nội soi đại – trực tràng cũng là một hạng mục quan trọng trong các gói tầm soát ung thư tiêu hoá, tiêu biểu là tầm soát ung thư đại – trực tràng hay tầm soát ung thư ống tiêu hoá.Lưu ý, mức giá nội soi trực tràng được đề cập ở trên được cập nhật mới nhất tới ngày 01/02/2024. Để xem bảng giá mới nhất, cô chú, anh chị vui lòng nhấn vào: Bảng giá dịch vụ.

Nội soi đại tràng ở đâu tốt nhất TPHCM?
Nội soi đại tràng ở đâu tốt nhất TPHCM?

Trên đây là một số thông tin về nội soi đại tràng cũng như hướng dẫn trước khi nội soi đại tràng. Nếu Quý khách thấy thông tin trên hữu ích, hoặc có bất kỳ thắc mắc nào thì có thể để lại bình luận bên dưới nhé!

Câu hỏi thường gặp

Thời gian nội soi đại tràng là bao lâu?

Thời gian nội soi đại tràng thông thường khoảng từ 15 – 30 phút tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và phạm vi cần khảo sát. Tuy nhiên, Quý khách hàng nên ở lại bệnh viện khoảng 2 giờ để được theo dõi sau nội soi.

Uống thuốc xổ Fortrans bao lâu thì đi ngoài?

Thời gian bắt đầu đi ngoài sau khi uống thuốc xổ đại tràng Fortrans thường là khoảng 10 – 15 phút sau khi uống liều đầu tiên. Và tổng thời gian cho cả quá trình thường dao động từ 2 – 3 giờ.

Tài liệu tham khảo

1. Cleveland Clinic medical. “Colonoscopy: Prep & Procedure Details.” Cleveland Clinic, my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/4949-colonoscopy. (Accessed: March 7, 2023).

2. “Understanding Colonoscopy”, The American Society for Gastrointestinal Endoscopy, 2018, https://www.asge.org/home/for-patients/patient-information/understanding-colonoscopy, (Accessed: March 7, 2023).

3. Thực hành Nội soi Tiêu hóa, GS.TS Võ Thị Kim Hoa, NXB Y học, 2012.

4. “Colorectal Cancer Screening”, American Cancer Society, https://www.cancer.org/cancer/colon-rectal-cancer/detection-diagnosis-staging/screening-tests-used.html, (Accessed: March 7, 2023).

5. Gotfried J. Endoscopy – gastrointestinal disorders, MSD Manual Professional Edition, https://www.msdmanuals.com/professional/gastrointestinal-disorders/diagnostic-and-therapeutic-gastrointestinal-procedures/endoscopy, Published March 15, 2023. Accessed March 20, 2023.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?