Chỉ số MCHC đo lường nồng độ hemoglobin trung bình trong một đơn vị thể tích hồng cầu và có vai trò quan trọng trong chẩn đoán các rối loạn huyết học. Hãy cùng endoclinic.vn tìm hiểu xét nghiệm máu MCHC là gì và vai trò của nó trong lĩnh vực y học.
MCHC trong xét nghiệm máu là gì?
MCHC (Mean corpuscular hemoglobin concentration) là chỉ số đo lường nồng độ hemoglobin trung bình trong mỗi đơn vị thể tích hồng cầu. Hemoglobin là một protein chứa sắt, có vai trò quan trọng trong việc mang oxy từ phổi đến các mô và cơ quan trong cơ thể.[1]
Chỉ số MCHC bất thường có thể cảnh báo về những vấn đề khác nhau. MCHC cao có thể liên quan đến các rối loạn máu như thiếu máu tán huyết, đa hồng cầu hình liềm, trong khi MCHC thấp có thể là dấu hiệu của thiếu sắt hoặc các rối loạn máu khác. Tuy nhiên, để đưa ra chẩn đoán chính xác, cần kết hợp với các thông số khác trong xét nghiệm máu và tham khảo ý kiến của bác sĩ.[1]
Xét nghiệm MCHC là một phần trong xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (CBC). Xét nghiệm MCHC được sử dụng để đánh giá nồng độ hemoglobin trong một đơn vị thể tích tế bào hồng cầu,giúp chẩn đoán tình trạng thiếu máu và các vấn đề sức khỏe khác.[1]
Ý nghĩa chỉ số MCHC trong xét nghiệm máu là gì?
Chỉ số MCHC được tính bằng cách nhân mức hemoglobin với 10 rồi chia cho thể tích các tế bào hồng cầu trong máu (hematocrit – HCT), đơn vị là gam trên lít.[1]
MCHC = Hb x 10 / hematocrit (g/L)
Ngoài ra, MCHC cũng được tính bằng cách chia chỉ số MCH (lượng huyết sắc tố trung bình trong cơ thể) cho chỉ số MCV (kích thước trung bình của các tế bào hồng cầu).
MCHC = MCH / MCV
Chỉ số MCHC trong máu bao nhiêu là bình thường?
Chỉ số MCHC trong máu bình thường là từ 32 g/dL đến 36 g/dL (hoặc 320 g/L đến 360 g/L).[1]
Tuy nhiên, chỉ số này chỉ có giá trị tham khảo vì có thể thay đổi đôi chút giữa các phòng thí nghiệm khác nhau.
Chỉ số MCHC trong máu cao là bao nhiêu?
Chỉ số MCHC cao khi > 36 g/dL (hoặc > 360 g/L).[1]
Chỉ số MCHC cao có nghĩa là nồng độ huyết sắc tố trong tế bào hồng cầu tăng lên. Ngoài ra, chỉ số MCHC cũng có thể tăng cao nếu các tế bào hồng cầu bị suy yếu hoặc phá hủy, khiến cho hemoglobin (HGB) rò rỉ ra ngoài hồng cầu. Chỉ số MCHC cao có thể gợi các vấn đề sức khỏe như thiếu máu tán huyết miễn dịch (AIHA), bệnh hồng cầu hình cầu di truyền (HS), bệnh gan,…[2]
Chỉ số MCHC trong máu thấp là bao nhiêu?
Chỉ số MCHC trong máu thấp khi < 32 g/dL (hoặc <320 g/L).[1]
Chỉ số MCHC trong máu thấp có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng thiếu máu do thiếu sắt hoặc một số vấn đề khác như bệnh celiac, ung thư,… Chỉ số MCHC thấp có thể gây ra các triệu chứng như thiếu máu, mệt mỏi, suy nhược, giảm sự trao đổi oxy trong cơ thể,…[3]
Chỉ số MCHC cần được xem như một giá trị tham khảo và có thể thay đổi tùy theo điều kiện xét nghiệm và tình trạng sức khỏe của người được xét nghiệm. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến chỉ số MCHC, Cô chú, Anh chị nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Nguyên nhân làm chỉ số MCHC cao là gì?
Chỉ số MCHC có thể cao do rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, để xác định chính xác nguyên nhân gây tăng MCHC, cần thực hiện thêm xét nghiệm và đánh giá tổng thể về tình trạng sức khỏe từ bác sĩ.
Thiếu máu huyết tán miễn dịch (AIHA)
Bệnh thiếu máu huyết tán miễn dịch (AIHA) là tình trạng cơ thể tạo ra kháng thể để tấn công các tế bào hồng cầu. Đây là một trong những nguyên nhân gây gia tăng chỉ số MCHC. Triệu chứng của bệnh bao gồm mệt mỏi, vàng da, đau ngực,…[2]
Bệnh hồng cầu hình cầu di truyền (HS)
Bệnh hồng cầu hình cầu di truyền (HS) là một bệnh di truyền làm ảnh hưởng đến tế bào hồng cầu (RBC) trong máu. Cụ thể, bệnh gây ảnh hưởng đến màng tế bào hồng cầu và khiến cho hồng cầu dễ bị phá hủy, từ đó làm tăng chỉ số MCHC.[2]
Bệnh hồng cầu hình liềm
Bệnh hồng cầu hình liềm là một bệnh di truyền, khiến các tế bào hồng cầu có hình dạng không đồng đều, từ đó dẫn đến việc hemoglobin không tập trung đồng đều trong các tế bào. Các tế bào hình liềm chết sớm, phóng thích các huyết sắc tố vào máu. Điều này có thể làm tăng chỉ số MCHC ở những người bị bệnh này.[4]
Bị bỏng nặng
Bị bỏng nặng có thể là một trong những nguyên nhân gây tăng chỉ số MCHC khi gây ra mất nước, mất máu dẫn đến làm tăng nồng độ huyết tố trong máu. Đối với những bệnh nhân có mức độ bỏng hơn 10% diện tích cơ thể, thường sẽ dẫn đến bệnh lý thiếu máu tán huyết miễn dịch (AIHA). Với tình trạng này, việc truyền máu cho bệnh nhân là điều vô cùng cần thiết.[2]
Các nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân kể trên, một số nguyên nhân làm tăng chỉ số MCHC có thể kể đến như:
- Bệnh gan
- Bệnh cường giáp
- Bệnh Hemoglobin C
Nguyên nhân làm chỉ số MCHC thấp là gì?
Chỉ số MCHC thấp là một biểu hiện trong kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ huyết sắc tố trong các tế bào hồng cầu thấp hơn mức bình thường. Có một số nguyên nhân có thể dẫn đến chỉ số MCHC thấp như thiếu sắt, mắc bệnh thalassemia, ngộ độc chì,…
Thiếu sắt
Khi thiếu sắt, quá trình tổng hợp hemoglobin bị ảnh hưởng và dẫn đến giảm khả năng tạo hemoglobin, làm cho hồng cầu trở nên nhỏ hơn và mất màu sắc. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến chỉ số MCHC thấp. Triệu chứng của thiếu sắt bao gồm mệt mỏi, suy nhược, khả năng tập trung bị giảm sút, khô da,…[5]
Bệnh Thalassemia
Thalassemia là một nhóm các rối loạn về máu, khiến cơ thể không sản xuất đủ lượng hemoglobin cần thiết. Điều này dẫn đến giảm chỉ số MCHC. Triệu chứng của bệnh có thể bao gồm mệt mỏi, suy nhược, tim đập nhanh, da nhợt nhạt, đau đầu,…
Bệnh mãn tính
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu máu gây ra do các bệnh mạn tính cũng có thể là nguyên nhân khiến cho chỉ số MCHC suy giảm. Một số bệnh mãn tính như bệnh thận mãn tính và bệnh gan mãn tính ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và tuổi thọ của các tế bào hồng cầu.[6]
Các nguyên nhân khác
Trong những trường hợp hiếm gặp, chỉ số MCHC thấp[7] có thể được gây ra bởi các nguyên nhân sau:
- Ung thư, bao gồm các loại ung thư gây mất máu bên trong.
- Nhiễm ký sinh trùng.
- Ngộ độc chì.
Cách đọc chỉ số MCHC trong xét nghiệm máu
Chỉ số MCHC được sử dụng để đo nồng độ huyết sắc tố trong các tế bào hồng cầu. Đây thường là một phần trong xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (CBC). Chỉ số MCHC cao hoặc thấp hơn so với mức bình thường (bình thường khoảng 32-36 g/dL) có thể báo hiệu về các vấn đề khác nhau trong cơ thể. Tuy nhiên, để được chẩn đoán chính xác, Cô chú Anh chị sẽ cần tiến hành nhiều xét nghiệm khác và tham khảo ý kiến của bác sĩ.[1]
Khi xem kết quả xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu với nhiều chỉ số khác nhau như: NEU, LYM, PLT, WBC, BASO,… Cô chú, Anh chị có thể tìm chữ viết tắt “MCHC” và giá trị bên cạnh để biết chỉ số MCHC là bao nhiêu. Giấy xét nghiệm cũng sẽ cung cấp một phạm vi bình thường để Cô chú, Anh chị có thể so sánh và đối chiếu kết quả của mình.
Khi nhận kết quả, hãy tham vấn với bác sĩ để có chẩn đoán chính xác nhất về tình hình sức khỏe của bản thân, tuyệt đối không được tự chẩn đoán tình trạng của mình.
Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm chỉ số MCHC?
Một số điều Cô chú, Anh chị cần lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm công thức máu với các chỉ số như: RDW, MPV, MONO, EOS,… trong đó có chỉ số MCHC, bao gồm:
- Không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm: Thường không yêu cầu nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm MCHC. Cô, chú, anh, chị có thể ăn và uống bình thường trước khi đi xét nghiệm.
- Trao đổi về toa thuốc đang sử dụng: thông báo cho nhân viên y tế về các loại thuốc đang sử dụng. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm MCHC.
- Mặc đồ thoải mái: Khi đi xét nghiệm MCHC, hãy mặc đồ thoải mái và dễ dàng để nhân viên y tế thu mẫu máu một cách thuận tiện.
- Liên hệ trước với cơ sở y tế: Trước khi đi xét nghiệm, hãy liên hệ với cơ sở y tế để xác định địa chỉ, thời gian và các yêu cầu đặc biệt khác cho xét nghiệm MCHC.
Tài liệu tham khảo
- Lynne Eldridge, MD. “What Is Mean Corpuscular Hemoglobin Concentration (MCHC)?” Verywell Health, Verywell Health, 12 Aug. 2023, www.verywellhealth.com/mean-cell-hemoglobin-concentration-4584155.
- Seladi-Schulman, Jill. “High MCHC: Causes and Treatment.” Healthline, Healthline Media, 13 Mar. 2023, www.healthline.com/health/high-mchc.
- Roland, James. “Sideroblastic Anemia: Symptoms, Causes, Risk Factors & Treatment.” Healthline, Healthline Media, 13 Jan. 2020, www.healthline.com/health/sideroblastic-anemia.
- “What Is Sickle Cell Disease?” Centers for Disease Control and Prevention, Centers for Disease Control and Prevention, 6 July 2023, www.cdc.gov/ncbddd/sicklecell/facts.html.
- Shereen Lehman, MS. “How Eating Foods Rich in Iron May Prevent a Deficiency.” Verywell Health, www.verywellhealth.com/iron-deficiency-signs-and-symptoms-2507719. Accessed 18 Dec. 2023.
- Elizabeth Yuko, PhD. “What MCH Blood Test Results Mean.” Verywell Health, Verywell Health, 2 May 2023, www.verywellhealth.com/what-is-an-mch-in-a-blood-test-5092194.
- “What Does It Mean to Have Low MCHC?” Healthline, Healthline Media, www.healthline.com/health/low-mchc. Accessed 18 Dec. 2023.
Câu hỏi thường gặp
MCHC là gì?
MCHC (Mean corpuscular hemoglobin concentration) là chỉ số đo lường nồng độ hemoglobin trung bình trong một đơn vị thể tích hồng cầu.
MCHC thấp có sao không?
MCHC thấp có thể chỉ ra các vấn đề sức khỏe như thiếu sắt, ngộ độc chì, mắc bệnh Thalassemia,… Tuy nhiên, Cô chú, Anh chị nên tham vấn với bác sĩ để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.[1]
Công thức tính MCHC là thế nào?
Tính bằng cách nhân mức huyết sắc tố hemoglobin với 10 rồi chia cho mức hematocrit, đơn vị là gam trên lít. MCHC = Hb x 10 / hematocrit (g/L).