Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Chỉ số BASO là một thông số thường gặp trong xét nghiệm công thức máu (CBC). Chỉ số BASO cao trong máu có thể báo hiệu nhiều vấn đề về sức khỏe như là dị ứng, nhiễm trùng hoặc một số bệnh lý rối loạn về máu. Như vậy, chỉ số BASO trong máu là gì? Có ý nghĩa gì khi chỉ số BASO tăng cao? Mời Cô Chú, Anh Chị cùng phòng khám tiêu hóa Endo Clinic tìm hiểu nhé!

Tổng quan về chỉ số BASO trong máu
Tổng quan về chỉ số BASO trong máu

BASO là gì?

BASO hay bạch cầu ưa base (basophil) là loại bạch cầu nằm trong nhóm bạch cầu có hạt và có số lượng ít nhất được phát hiện ở ngoài máu ngoại vi. Bạch cầu ưa base chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong các loại bạch cầu có trong máu (khoảng 0,5 – 1%). Tuy nhiên, khi nhận được tín hiệu viêm, tủy xương sẽ kích thích tăng sinh nhanh chóng số lượng bạch cầu ưa base và được huy động vào máu, lách, phổi và gan.[1]

BASO là gì?
BASO là gì?

Chức năng của bạch cầu ưa base bao gồm phát hiện và tiêu diệt tác nhân xâm nhiễm hoặc tế bào ung thư cũng như tham gia vào quá trình phục hồi vết thương.[2] Bạch cầu ưa base còn có khả năng giải phóng enzyme histamin giúp kích thích khởi đầu các phản ứng dị ứng và enzyme heparin giúp ngăn ngừa cục máu đông.[3]

Bạch cầu ưa base còn có nhiều tên gọi khác như là bạch cầu ái kiềm, bạch cầu ưa kiềm, bạch cầu ưa bazơ.

Chỉ số BASO trong xét nghiệm máu là gì?

Chỉ số BASO trong xét nghiệm máu là chỉ số cho biết số lượng bạch cầu ưa base có trong 1 microlit máu. Bạch cầu ưa base tham gia nhiều trong các phản ứng miễn dịch của cơ thể. Vì thế, việc theo dõi số lượng bạch cầu ưa base giúp đánh giá được tình hình sức khỏe hiện tại cũng như phát hiện được bệnh lý.

Chỉ số BASO trong xét nghiệm máu là gì?
Chỉ số BASO trong xét nghiệm máu là gì?

Việc theo dõi chỉ số BASO thường được thực hiện chung với xét nghiệm công thức máu (CBC). Chỉ số BASO thường được trình bày dưới dạng số lượng (đơn vị là G/L hoặc K/uL).

Ngoài ra, chỉ số này còn được thể hiện dưới dạng tỷ lệ (đơn vị là phần trăm), tùy theo cơ sở y tế. Khi đó, nó được gọi là chỉ số BASO%, cho biết tỷ lệ bạch cầu ái kiềm (tỷ lệ BASO trong máu) trên tổng số bạch cầu có trong máu.

Lưu ý:

Các thông tin được đề cập sau đây chỉ mang tính chất tham khảo. Kết quả chỉ số có thể khác nhau phụ thuộc vào cơ sở vật chất cũng như năng lực của phòng thí nghiệm thực hiện xét nghiệm. Do đó, Cô Chú, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ để trao đổi nhằm biết chính xác tình trạng sức khỏe của mình.

Chỉ số BASO trong máu có ý nghĩa gì?

Chỉ số BASO bình thường hoặc bất thường đều cung cấp các thông tin về sức khỏe dựa trên số lượng bạch cầu ưa base có trong máu.

Chỉ số BASO trong máu bao nhiêu là bình thường?

Chỉ số BASO trong máu bình thường là khi số lượng bạch cầu ưa base có trong máu nằm trong khoảng từ 0 đến 300 tế bào/uL (0 – 0,3 G/L hoặc 0 – 0,3 K/uL). Bên cạnh đó, chỉ số BASO% bình thường là tỷ lệ BASO trong máu nằm từ 0,5 – 1%.[4]

Khi chỉ số BASO vượt quá khoảng trên, người đó có nguy cơ cao mắc các bệnh lý liên quan đến tình trạng tăng bạch cầu ưa base.

Chỉ số BASO trong máu cao là bao nhiêu?

Chỉ số BASO trong máu cao là khi số lượng bạch cầu ưa base vượt quá 300 tế bào/uL (lớn hơn 0,3 G/L hoặc 0,3 K/uL) hoặc tỷ lệ bạch cầu ái kiềm tăng cao hơn 2%.[4][5] Tình trạng này còn được gọi là tăng bạch cầu ưa base (basophilia).

Chỉ số BASO cao hơn bình thường liên quan đến một số vấn đề về sức khỏe. Ví dụ như là trong phản ứng dị ứng, bệnh tự miễn và các bệnh lý rối loạn về máu.

Chỉ số BASO trong máu bao nhiêu là bình thường?
Chỉ số BASO trong máu bao nhiêu là bình thường?

Tham khảo thêm các chỉ số về bạch cầu khác tại đây:

Nguyên nhân làm chỉ số BASO cao là gì?

Nguyên nhân làm chỉ số BASO trong máu cao là có thể đến từ tình trạng dị ứng, nhiễm trùng. Ngoài ra, một số tình trạng nghiêm trọng hơn như bệnh lý ác tính về máu hoặc bệnh lý tự miễn cũng có thể làm chỉ số BASO tăng cao.

Nguyên nhân làm chỉ số BASO cao là gì?
Nguyên nhân làm chỉ số BASO cao là gì?

Một số nguyên nhân làm chỉ số BASO cao là:

  • Các phản ứng dị ứng
  • Nhiễm trùng
  • Bệnh tự miễn
  • Bệnh lý ruột mạn tính (IBD)
  • Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML)

Các phản ứng dị ứng

Bạch cầu ưa base đóng vai trò quan trọng trong quá trình gây viêm dị ứng, thông qua việc chúng di chuyển và tập trung tại vị trí bị viêm. Khi đó, bạch cầu ưa base có thể giải phóng rất nhiều các chất điều hòa tín hiệu, bao gồm cytokines, chemokines và protease.[6]

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy sự tăng sinh bạch cầu ưa base và tình trạng tăng bạch cầu ưa base trong máu thường được quan sát khi có xảy ra phản ứng viêm do dị ứng trong cơ thể. Do đó, điều này thường làm chỉ số BASO trong máu cao.[7]

Một số phản ứng dị ứng có thể làm chỉ số BASO tăng là dị ứng thực phẩm, dị ứng thuốc, dị ứng phấn hoa, viêm mũi dị ứng,…

Phản ứng dị ứng
Phản ứng dị ứng

Nhiễm trùng

Chỉ số BASO cao hơn bình thường còn có thể đến từ tình trạng nhiễm trùng. Cũng như các loại bạch cầu khác, bạch cầu ưa base cũng góp phần trong quá trình bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân xâm nhiễm như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Khi có dấu hiệu xâm nhiễm, bạch cầu ưa base sẽ được kích hoạt và giải phóng nhiều enzyme hỗ trợ hệ miễn dịch tiêu diệt vi sinh vật gây hại.[3]

Chính vì lý do đó, chỉ số BASO thường tăng cao khi cơ thể bị nhiễm trùng. Một số bệnh lý nhiễm trùng có thể gặp là bệnh thủy đậu, bệnh lao,…

Bệnh tự miễn

Bạch cầu ái kiềm tăng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý tự miễn như là viêm thận lupus (một biến chứng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống), viêm khớp dạng thấp,… Bạch cầu ưa base được cho rằng là có khả năng tham gia vào con đường sinh bệnh học của nhiều bệnh lý tự miễn cũng như quá trình tiến triển của bệnh.[8]

Bệnh lý ruột mạn tính (IBD)

Chỉ số BASO tăng cao bất thường cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý ruột mạn tính (IBD). IBD là tên gọi chung của 2 loại bệnh lý viêm mạn tính đường ruột là bệnh viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Các bệnh lý này gây viêm và tổn thương nặng nề niêm mạc đại – trực tràng.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy số lượng bạch cầu ưa base gia tăng trong máu ở bệnh nhân mắc 2 bệnh lý này. Đồng thời, ở những phần niêm mạc bị tổn thương do bệnh lý cũng ghi nhận tỷ lệ bạch cầu ái kiềm tăng cao hơn so với phần niêm mạc bình thường. Điều này gợi ý cho các nhà khoa học về vai trò của bạch cầu ưa base tham gia vào con đường gây bệnh của IBD.[9]

Bệnh lý ruột mạn tính (IBD)
Bệnh lý ruột mạn tính (IBD)

Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML)

Chỉ số BASO cao trong máu thường xuyên được ghi nhận ở các những người mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML) và đi kèm với tiên lượng bệnh xấu.[10] Đây là một loại ung thư của tế bào tạo máu trong tủy xương làm cho quá trình sản sinh bạch cầu bị rối loạn. Hậu quả là một số lượng lớn bạch cầu được tăng sinh trong máu.

Các tế bào bạch cầu được tạo ra từ bệnh lý này đều mang gen đột biến và trở nên bất thường. Do đó, chúng không thể đảm nhiệm được chức năng miễn dịch như bạch cầu bình thường, đồng thời còn ức chế các tế bào tạo máu bình thường khác. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu và xâm lấn vô cơ quan như gan, lách.[11]

Đây là một loại ung thư tiến triển chậm, thường xảy ra ở người lớn tuổi. Bệnh cũng thường được phát hiện ở giai đoạn muộn nên chỉ số BASO tăng có thể giúp gợi ý để chẩn đoán bệnh sớm.

Các nguyên nhân khác

Chỉ số BASO trong máu cao còn có thể đến từ nhiều vấn đề khác bên ngoài những bệnh lý được đề cập tại đây. Một số bệnh lý nghiêm trọng khác liên quan đến bạch cầu ưa base tăng trong máu có thể là bệnh đa hồng cầu (PV), bệnh tăng tiểu cầu thiết yếu (ET),… Bên cạnh đó, tăng bạch cầu ưa base cũng có thể đến từ tác dụng của một số loại thuốc điều trị.[12]

Cách đọc chỉ số BASO trong xét nghiệm máu là gì?

Chỉ số BASO được sử dụng để theo dõi số lượng bạch cầu ưa base trong máu. Chỉ số BASO có giá trị bình thường nằm trong khoảng 0 đến 300 tế bào/uL (0 – 0,3 G/L hoặc 0 – 0,3 K/uL). Giá trị này tương đương với chỉ số BASO% từ 0,5 – 1%.

Khi chỉ số BASO vượt quá khoảng giá trị này, người bệnh có thể được xem là bị tăng bạch cầu ưa base trong máu. Chỉ số BASO trong máu tăng có thể gợi ý cho bác sĩ về sự hiện diện của nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác, bác sĩ có thể cần nhiều kết quả cận lâm sàng khác.

Chỉ số BASO sẽ được trình bày trong phiếu kết quả xét nghiệm máu. Sau đây là cách đọc chỉ số BASO trong xét nghiệm máu.

Cách đọc chỉ số BASO trong xét nghiệm máu là:

  • Tên chỉ số: BASO.
  • Kết quả chỉ số: Thể hiện giá trị của chỉ số BASO.
  • Khoảng tham chiếu: Trình bày khoảng bình thường để đối chiếu kết quả.
  • Đơn vị: G/L hoặc K/uL (tùy vào cơ sở y tế).
Cách đọc chỉ số BASO trong xét nghiệm máu là gì?
Cách đọc chỉ số BASO trong xét nghiệm máu là gì?

Cách đọc chỉ số BASO% trong xét nghiệm máu cũng tương tự với chỉ số BASO, hay các chỉ số xét nghiệm tổng phẩn tích tế bào máu khác như: Chỉ số RBC, chỉ số HGB, chỉ số MCHC, chỉ số PLT,….

Cách đọc chỉ số BASO% trong xét nghiệm máu là:

  • Tên chỉ số: BASO%.
  • Kết quả chỉ số: Giá trị của chỉ số BASO%.
  • Khoảng tham chiếu: Trình bày khoảng chỉ số bình thường để đối chiếu.
  • Đơn vị: %.
Cách đọc tỷ lệ BASO trong xét nghiệm máu là gì?
Cách đọc tỷ lệ BASO trong xét nghiệm máu là gì?

Để hiểu rõ hơn về kết quả xét nghiệm của bản thân, Cô Chú, Anh Chị hãy tham vấn với bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán chính xác. Cô Chú, Anh Chị tuyệt đối không nên tự chẩn đoán tình trạng của mình.

Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm công thức máu?

Chỉ số BASO là một phần của xét nghiệm công thức máu (CBC). Trong đó, xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu gồm nhiều chỉ số như chỉ số MCV, chỉ số MCH, chỉ số HCT, chỉ số RDW, chỉ số MPV,… là một xét nghiệm cơ bản và không đòi hỏi quá nhiều sự chuẩn bị. Tuy nhiên, để việc xét nghiệm diễn ra nhanh chóng và thuận tiện, Cô chú, Anh chị cũng nên lưu ý một vài điều sau.

Một số lưu ý trước khi đi xét nghiệm công thức máu là:

  • Không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm
  • Trao đổi về toa thuốc đang sử dụng giúp hạn chế tác động đến kết quả
  • Mặc đồ thoải mái giúp việc lấy mẫu máu xét nghiệm thuận tiện hơn.
  • Liên hệ trước với cơ sở y tế để Cô Chú, Anh Chị có thể chủ động sắp xếp thời gian xét nghiệm.
Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm chỉ số baso?
Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm chỉ số baso?

Mời Cô chú, Anh chị tham khảo các chỉ số xét nghiệm công thức máu khác:

>> Chỉ số MONO

>> Chỉ số WBC

>> Chỉ số EOS

Hiện nay, phòng khám tiêu hoá Endo Clinic có cung cấp dịch vụ xét nghiệm công thức máu (CBC).

Giá xét nghiệm công thức máu ở trung tâm Endo Clinic hiện nay là 100.000 VNĐ. Chi phí trên được cập nhật mới nhất tới ngày 13/12/2023.

Để liên tục cập nhật mức giá mới nhất, Cô chú, Anh chị vui lòng nhấn vào: Bảng giá dịch vụ xét nghiệm.

Câu hỏi thường gặp

Chỉ số BASO trong máu là gì?

Chỉ số BASO là chỉ số dùng để theo dõi số lượng bạch cầu ưa base có trong máu. Chỉ số BASO bình thường sẽ nằm trong khoảng 0 – 0,3 G/L.

Chỉ số BASO% trong máu là gì?

Chỉ số BASO% được sử dụng để thể hiện tỷ lệ bạch cầu ưa base trên tổng số bạch cầu có trong máu. Thông thường, giá trị của BASO% nằm từ 0,5 – 1%.

Chỉ số BASO cao hơn bình thường có nguy hiểm không?

Chỉ số BASO cao hơn bình thường (> 0,3 G/L) có thể đến từ phản ứng dị ứng hay là nhiễm trùng. Đây là 2 nguyên nhân phổ biến. Một số nguyên nhân ít phổ biến khác có thể là bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML), bệnh tự miễn,…

Chỉ số BASO bằng 0 có sao không?

Chỉ số BASO bình thường nằm từ 0 – 300 tế bào/uL. Do đó, chỉ số BASO bằng 0 vẫn nằm trong khoảng bình thường và không báo hiệu vấn đề sức khỏe nào nghiêm trọng. Tuy nhiên, tốt nhất người bệnh vẫn nên đến thảo luận với bác sĩ để được giải đáp chi tiết.

Số lượng bạch cầu ái kiềm tăng khi nào?

Số lượng bạch cầu ái kiềm tăng trong nhiều bệnh lý như bệnh lý ruột mạn tính (IBD), bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML), bệnh tự miễn, bệnh đa hồng cầu (PV), bệnh tăng tiểu cầu thiết yếu (ET),…

Tài liệu tham khảo

1. Min, Booki, et al. “Understanding the Roles of Basophils: Breaking Dawn.” Immunology, Mar. 2012, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3311041/.

2. Dale, David C. “Basophilic Disorders – Blood Disorders.” MSD Manual Consumer Version, 18 July 2023, www.msdmanuals.com/home/blood-disorders/white-blood-cell-disorders/basophilic-disorders.

3. Professional, Cleveland Clinic medical. “Basophils: Function & Ranges.” Cleveland Clinic, my.clevelandclinic.org/health/body/23256-basophils. Accessed 24 July 2023.

4. Professional, Cleveland Clinic medical. “Basophilia: Definition, Causes, Symptoms & Treatment.” Cleveland Clinic, my.clevelandclinic.org/health/diseases/22099-basophilia. Accessed 24 July 2023.

5. “What Is the Function of Basophils? Normal & High Range.” MedicineNet, 5 Mar. 2021, www.medicinenet.com/what_is_the_function_of_basophils/article.htm.

6. Kensuke Miyake, Hajime Karasuyama, Emerging roles of basophils in allergic inflammation, Allergology International, Volume 66, Issue 3, 2017, Pages 382-391, ISSN 1323-8930, https://doi.org/10.1016/j.alit.2017.04.007 (https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1323893017300485)

7. Siracusa, Mark C, et al. “Basophils and Allergic Inflammation.” The Journal of Allergy and Clinical Immunology, Oct. 2013, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3903395/.

8. Cromheecke, Jessica L, et al. “Emerging Role of Human Basophil Biology in Health and Disease.” Current Allergy and Asthma Reports, Jan. 2014, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3924595/.

9. Sarfati, Marika, et al. “Mutual Interaction of Basophils and T Cells in Chronic Inflammatory Diseases.” Frontiers in Immunology, 3 Aug. 2015, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4522868/.

10. Miyake, Kensuke, et al. “Role of Basophils in a Broad Spectrum of Disorders.” Frontiers, 4 May 2022, www.frontiersin.org/articles/10.3389/fimmu.2022.902494/full#h5.

11. Bệnh Bạch Cầu Mạn Dòng TỦY (CML) – Bthh.Org.Vn, bthh.org.vn/uploads/04%20CML.pdf. Accessed 24 July 2023.

12. Basophilia – StatPearls – NCBI Bookshelf, www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK535365/. Accessed 24 July 2023.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?