Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Chỉ số EOS cho biết về số lượng bạch cầu ái toan trong cơ thể, là một chỉ số có trong xét nghiệm công thức máu (CBC). Chỉ số này bất thường có thể cảnh báo tình trạng nhiễm ký sinh trùng, dị ứng và một số bệnh lý về máu đáng lưu tâm. Như vậy, chỉ số EOS trong xét nghiệm máu là gì? Chỉ số EOS như thế nào là bình thường? Mời Cô Chú, Anh Chị cùng với trung tâm Endo Clinic tìm hiểu chi tiết về vấn đề này nhé!

Tổng quan chỉ số EOS trong xét nghiệm máu
Tổng quan chỉ số EOS trong xét nghiệm máu

EOS là gì?

EOS là viết tắt của tên tiếng Anh Eosinophil là một loại tế bào bạch cầu có hạt nằm trong nhóm tế bào bạch cầu có nguồn gốc từ tủy xương. Bạch cầu EOS có vai trò đặc biệt trong việc chống lại viêm nhiễm từ ký sinh trùng, vi khuẩn hay các phản ứng dị ứng.

Eosinophil trong máu còn được gọi là bạch cầu ái toan thuộc nhóm bạch cầu có hạt, cùng với bạch cầu trung tính (NEU) và bạch cầu ưa kiềm (BASOPHILS). Bạch cầu ái toan là những tế bào có thể di chuyển trong máu hoặc cư trú trong các phần mô của cơ thể, hầu hết là tại đường hô hấp và ống tiêu hóa. Bạch cầu ái toan còn có tên gọi khác là bạch cầu ưa acid.[1]

EOS là gì?
EOS là gì?

Một số vai trò của bạch cầu ái toan là:

  • Chống lại sự xâm nhiễm của ký sinh trùng.
  • Chống lại các vi khuẩn sống trong nội bào.
  • Tham gia vào các phản ứng dị ứng.
Vai trò của bạch cầu ái toan
Vai trò của bạch cầu ái toan

Chỉ số EOS trong xét nghiệm máu là gì?

Chỉ số EOS là chỉ số định lượng số lượng tế bào bạch cầu ái toan có trong một đơn vị máu, có đơn vị là giga/liter (G/L) hay ngàn tế bào/microliter (K/μL). Chỉ số EOS hay còn gọi là chỉ số eosinophil là một trong những chỉ số được sử dụng trong phân tích xét nghiệm công thức máu (chỉ số HCT, MCV, MCHC,…).

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở y tế có sử dụng chỉ số EOS%. Chỉ số EOS% là chỉ số cho biết tỷ lệ giữa bạch cầu ái toan trên tổng số bạch cầu có trong máu. Đơn vị của EOS% thường là phần trăm (%).

Chỉ số EOS trong xét nghiệm máu là gì?
Chỉ số EOS trong xét nghiệm máu là gì?

Lưu ý:

Các thông tin được đề cập ở những phần kế tiếp chỉ mang tính chất tham khảo. Để hiểu rõ hơn về kết quả xét nghiệm máu cũng như tình trạng sức khỏe của bản thân, Cô Chú, Anh Chị nên đến gặp trực tiếp với bác sĩ để trao đổi.

Ý nghĩa chỉ số EOS trong xét nghiệm máu là gì?

Chỉ số EOS trong máu có ý nghĩa thể hiện số lượng bạch cầu ưa acid trong 1 đơn vị máu xét nghiệm. Chỉ số này bất thường báo hiệu các vấn đề cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Chỉ số EOS trong máu bao nhiêu là bình thường?

Chỉ số EOS trong máu bình thường là khi số lượng bạch cầu ái toan nằm trong khoảng 100 – 500 tế bào/μL (0,1 – 0,5 G/L hoặc 0,1 – 0,5 K/μL). Tương đương với chỉ số EOS% là 1 – 4%. Thông số này bình thường cho biết số lượng bạch cầu ái toan đang ổn định.[2][3]

Chỉ số EOS trong máu bao nhiêu là bình thường?
Chỉ số EOS trong máu bao nhiêu là bình thường?

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chỉ số EOS trong máu có thể khác nhau giữa các phòng thí nghiệm khác nhau. Cô Chú, Anh Chị hãy tìm gặp bác sĩ để được phân tích cặn kẽ hơn về kết quả xét nghiệm của bản thân.

Chỉ số EOS trong máu cao là bao nhiêu?

Chỉ số EOS trong máu cao là khi số lượng tế bào bạch cầu ưa aicd gia tăng vượt quá 500 tế bào/μL (lớn hơn 0,5 G/L hoặc 0,5 K/μL). Khi đó, chỉ số EOS% tăng cao hơn 5%, cho biết về dấu hiệu cơ thể đang tăng cường sản sinh bạch cầu ái toan để chống lại tác nhân xâm nhiễm nào đó mà bệnh nhân cần lưu ý.[1]

Chỉ số EOS trong máu cao là bao nhiêu?
Chỉ số EOS trong máu cao là bao nhiêu?

Tình trạng tăng bạch cầu ái toan trong máu (eosinophilia) còn được chia thành 3 mức độ khác nhau dựa trên sự thay đổi chỉ số EOS.

3 mức độ tăng bạch cầu ái toan là:

  • Nhẹ: chỉ số EOS trong khoảng 500 – 1000 tế bào/μL (0,5 – 1 G/L hoặc 0,5 – 1 K/μL).
  • Vừa: chỉ số EOS trong khoảng 1000 – 5000 tế bào/μL (1 – 5 G/L hoặc 1 – 5 K/μL).
  • Nặng: chỉ số EOS vượt quá 5000 tế bào/μL (lớn hơn 5 G/L hoặc 5 K/μL).

Chỉ số EOS trong máu thấp là bao nhiêu?

Chỉ số EOS trong máu thấp là khi số lượng tế bào bạch cầu ái toan giảm dưới 100 tế bào/μL (nhỏ hơn 0,1 G/L hoặc 0,1 K/μL). Chỉ số EOS% thấp được xem là khi tỷ lệ bạch cầu ái toan nhỏ hơn 1% trong máu. Lúc này tế bào bạch cầu ưa acid trong máu thấp bất thường, nguyên nhân có thể đến từ mắc hội chứng Cushing hoặc nhiễm độc rượu.[4]

Chỉ số EOS trong máu thấp là bao nhiêu?
Chỉ số EOS trong máu thấp là bao nhiêu?

Tình trạng này còn gọi là giảm bạch cầu ái toan (eosinopenia). Khi đó, cơ thể đang không có đủ lượng bạch cầu ái toan cần thiết, báo hiệu một số vấn đề liên quan đến nhiễm trùng.

Tham khảo thêm các chỉ số liên quan bạch cầu khác tại đây:

Nguyên nhân làm chỉ số EOS cao là gì?

Chỉ số EOS cao có thể từ nhiều nguyên nhân, một nguyên nhân phổ biến đến từ việc nhiễm ký sinh trùng trong cơ thể. Ngoài ra, tế bào bạch cầu ưa acid tăng lên một cách bất thường còn đến từ phản ứng thuốc hay rối loạn dị ứng hoặc một số bệnh lý ung thư về máu.

Nguyên nhân làm chỉ số EOS cao là gì?
Nguyên nhân làm chỉ số EOS cao là gì?

Tăng bạch cầu ái toan (EOS) là khi các tế bào bạch cầu ưa acid trong máu, trong mô hoặc trong một số tạng tăng lên cao hơn so với mức bình thường. Khi này, Cô Chú, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ để được giải đáp kỹ thêm về tình hình sức khỏe của bản thân.

Các nguyên nhân chỉ số EOS tăng gồm:

  • Nhiễm ký sinh trùng
  • Các rối loạn dị ứng
  • Phản ứng với thuốc
  • Hội chứng tăng bạch cầu ái toan
  • Bệnh bạch cầu ái toan mạn tính (CEL)

Nhiễm ký sinh trùng

Tăng bạch cầu ái toan cao hơn bình thường có thể đến từ tình trạng cơ thể đang bị nhiễm ký sinh trùng. Nhiễm ký sinh trùng là tình trạng các hoạt động trong cơ thể bị rối loạn do sự xuất hiện của ký sinh trùng. Ký sinh trùng ở người chia thành 3 nhóm chính bao gồm động vật đơn bào (amip, cầu trùng,…), giun sán (giun móc, giun đũa,…) và ngoại ký sinh (rệp, chấy, rận,…).

Trong đó, nhiễm giun sán và ngoại ký sinh có liên quan đến tình trạng tế bào bạch cầu ưa acid tăng cao trong máu của cơ thể. Còn nhiễm động vật đơn bào thì lại chưa cho thấy điều này. [5] [6]

Nhiễm ký sinh trùng
Nhiễm ký sinh trùng

Các rối loạn dị ứng

Biểu hiện đặc trưng của các rối loạn dị ứng khi tiếp xúc với dị nguyên là sự tham gia của các bạch cầu ái toan, từ đó làm tăng chỉ số EOS trong máu. Ví dụ như người bị dị ứng phấn hoa ghi nhận số lượng bạch cầu ái toan cao tập trung tại niêm mạc mũi. Một số loại rối loạn khác như hen suyễn, viêm dạ dị ứng cũng có thể làm tăng chỉ số này.[7]

Phản ứng dị ứng thuốc

Các loại thuốc gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn hoặc thực phẩm chức năng đều có khả năng gây ra các phản ứng dị ứng với thuốc. Khi đó, bạch cầu ái toan sẽ được kích thích gia tăng trong máu và tập trung tại vị trí mà thuốc đang có tác dụng.[7]

Một số triệu chứng ghi nhận nếu có phản ứng dị ứng thuốc như là nổi mề đay, mẩn ngứa, sốt, sưng phù mặt, mắt và môi, khò khè, khó thở,… Nghiêm trọng nhất đó là sốc phản vệ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.[8]

Tuy nhiên, tùy vào tình trạng mỗi người mà có thể ghi nhận chỉ số EOS cao sau khi dùng thuốc. Do đó, người bệnh nên chủ động theo dõi sức khỏe khi dùng thuốc và báo lại với bác sĩ khi có triệu chứng bất thường.

Phản ứng dị ứng thuốc
Phản ứng dị ứng thuốc

Hội chứng tăng bạch cầu ái toan

Hội chứng tăng bạch cầu ái toan là tình trạng làm tăng số lượng bạch cầu ái toan ở máu ngoại vi nhiều hơn 1,5 G/L và kéo dài liên tục hơn 6 tháng. Hội chứng tăng bạch cầu ái toan (hypereosinophilic syndrome) là một nguyên nhân hiếm gặp thường được xác định sau khi đã loại trừ các nguyên nhân làm tăng chỉ số EOS thứ phát có thể khác (nhiễm trùng, dị ứng,…).

Nhiều trường hợp tăng bạch cầu nghiêm trọng (chỉ số EOS ghi nhận lên tới 100 G/L) có thể khiến bạch cầu này tích tụ trong mạch máu. Điều này có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu và làm thiếu máu cục bộ ở cơ quan. Một biến chứng phổ biến của hội chứng này đó là thiếu hụt oxy đến phổi và não (brain and lung hypoxia),[3] tăng nguy cơ suy hô hấp hoặc chết não.[9]

Bệnh bạch cầu ái toan mạn tính (CEL)

Đây là một dạng rối loạn tăng sinh tủy hiếm gặp, đặc trưng bởi tình trạng sản xuất quá mức các loại tế bào máu (bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu) trong cơ thể. Bệnh lý này làm cho cơ thể kích thích tăng sinh bạch cầu ái toan trong tủy xương, mô và dòng máu, từ đó làm chỉ số EOS trong máu ghi nhận thường ở mức cao. Tình trạng này không được kiểm soát kịp thời có thể gây tổn thương đa tạng.[10]

Các nguyên nhân khác

Chỉ số EOS trong máu cao không chỉ bắt nguồn từ các nguyên nhân đã được đề cập mà nó còn đến từ nhiều nguyên nhân, có thể là bệnh lý ruột mạn tính (IBD), một số bệnh tự miễn, bệnh mảnh ghép chống ký chủ do ghép tạng, truyền máu, các rối loạn về di truyền,…

Nguyên nhân làm chỉ số EOS thấp là gì?

Chỉ số EOS thấp là nguyên nhân đến từ việc tế bào bạch cầu ái toan (eosinophils) đang chậm sản sinh hoặc đang chết nhanh hơn bình thường. Đây là hiện tượng giảm số lượng bạch cầu ưa acid ở máu ngoại vi của cơ thể. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạch cầu ái toan thấp xuống, trong đó có lạm dụng rượu bia, nhiễm trùng cấp tính…

Khi gặp tình trạng chỉ số EOS thấp, người bệnh nên thảo luận thêm với bác sĩ để nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân.

Nguyên nhân làm chỉ số EOS thấp là gì?
Nguyên nhân làm chỉ số EOS thấp là gì?

Một số nguyên nhân làm chỉ số EOS thấp là:

  • Lạm dụng rượu bia
  • Hội chứng Cushing
  • Nhiễm trùng cấp tính
  • Tác dụng của thuốc

Lạm dụng rượu bia

Việc lạm dụng rượu bia có thể khiến cho chỉ số EOS trong máu thấp bất thường cũng như các chỉ số tế bào bạch cầu khác giảm xuống. Do đó, việc sử dụng rượu bia quá mức có thể tác động xấu đến hệ miễn dịch của cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nhiễm trùng và nhiều loại bệnh khác.[11]

Lạm dụng rượu bia
Lạm dụng rượu bia

Hội chứng Cushing

Hội chứng Cushing có thể làm giảm chỉ số EOS trong máu và ức chế hệ miễn dịch của cơ thể. Hội chứng Cushing là tình trạng cơ thể sản xuất quá mức lượng hormone cortisol. Hormone cortisol được biết đến là có khả năng thúc đẩy tăng sinh hồng cầu và làm giảm số lượng bạch cầu ái toan và bạch huyết bào LYM trong máu.[11] [12]

Nhiễm trùng cấp tính

Khi có dấu hiệu của nhiễm trùng, cơ thể sẽ phát ra nhiều loại tín hiệu để triệu tập bạch cầu ái toan từ máu đi vào trong mô bị tổn thương. Điều này làm cho số lượng bạch cầu ái toan trong máu giảm sút, dẫn đến chỉ số EOS được ghi nhận ở mức thấp.[11]

Trong trường hợp mà tình trạng giảm tế bào bạch cầu ái toan trong máu kéo dài dai dẳng, điều này cảnh báo tình trạng nhiễm khuẩn huyết.[13] Đây là dạng nhiễm trùng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng nên cần được cấp cứu nhanh chóng để kịp thời điều trị.

Tác dụng của thuốc

Một số loại thuốc có thể dẫn đến chỉ số EOS thấp trong máu. Ví dụ, glucocorticoids là một loại thuốc kháng viêm được sử dụng điều trị một số bệnh lý về phổi như là hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi do tăng bạch cầu ái toan,…. Loại thuốc này có thể làm giảm số lượng bạch cầu ái toan trong máu.[11]

Tham khảo thêm các chỉ số liên quan bạch cầu khác tại đây:

Cách đọc chỉ số EOS trong xét nghiệm máu là gì?

Thông thường, chỉ số EOS nằm trong khoảng từ 100 – 500 tế bào/μL (0,1 – 0,5 G/L hoặc 0,1 – 0,5 K/μL) thì được xem là bình thường. Giá trị này tương đương với chỉ số EOS% là từ 1 – 4%. Nguyên nhân làm tăng hoặc giảm bạch cầu ái toan, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm thêm cận lâm sàng khác trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Cách đọc chỉ số EOS trong xét nghiệm máu là:

  • Tên chỉ số: EOS.
  • Kết quả chỉ số: Thể hiện giá trị của chỉ số EOS.
  • Khoảng tham chiếu: Trình bày khoảng bình thường để đối chiếu kết quả.
  • Đơn vị: G/L hoặc K/μL (tùy vào cơ sở y tế).
Cách đọc chỉ số EOS trong xét nghiệm máu
Cách đọc chỉ số EOS trong xét nghiệm máu

Cô Chú, Anh Chị có thể nhìn thấy chỉ số EOS% cũng được đề cập trong kết quả xét nghiệm. Cách đọc cũng gần như tương tự chỉ số EOS hay các chỉ số công thức máu khác như: HGB, RBC, RDW, MCH, MPV, PLT,…

Cách đọc chỉ số EOS% trong xét nghiệm máu là:

  • Tên chỉ số: EOS%.
  • Kết quả chỉ số: Thể hiện giá trị của chỉ số EOS%.
  • Khoảng tham chiếu: Trình bày khoảng bình thường để đối chiếu kết quả.
  • Đơn vị: %
Cách đọc tỷ lệ EOS trong xét nghiệm máu
Cách đọc tỷ lệ EOS trong xét nghiệm máu

Để biết rõ hơn về chỉ số EOS hay EOS% cũng như là tình trạng sức khỏe bản thân, Cô Chú, Anh Chị nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và giải đáp kỹ càng.

Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm chỉ số EOS?

Xét nghiệm Eosinophils (EOS) là xét nghiệm máu nhằm đo lượng tế bào bạch cầu ái toan có trong cơ thể, là một xét nghiệm thường quy trong các gói khám sức khỏe. Xét nghiệm EOS là một xét nghiệm công thức máu không có yêu cầu đặc biệt gì trước khi làm xét nghiệm. Tuy nhiên, để đảm bảo, Cô Chú, Anh Chị cũng nên lưu tâm một số điều như sau.

Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm chỉ số EOS?
Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm chỉ số EOS?

Một số lưu ý trước khi đi xét nghiệm máu:

  • Không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm: Cô Chú, Anh Chị không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm.
  • Trao đổi về toa thuốc đang sử dụng: Điều này hạn chế kết quả xét nghiệm bị ảnh hưởng bởi thuốc.
  • Mặc đồ thoải mái: Điều này giúp việc lấy mẫu máu nhanh chóng, thuận tiện.
  • Liên hệ trước với cơ sở y tế: Điều này giúp chủ động sắp xếp thời gian làm xét nghiệm, tránh chờ đợi gây mệt mỏi.

Hiện nay, phòng khám nội soi tiêu hóa Endo Clinic có cung cấp dịch vụ xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (CBC).

Chi phí xét nghiệm công thức máu là 100.000 VNĐ. Chi phí này được cập nhật mới nhất đến ngày 13/12/2023.

Để liên tục cập nhật mức giá mới nhất cho các dịch vụ ở Endo Clinic, mời Cô Chú, Anh Chị bấm vào: Giá dịch vụ nội soi tiêu hóa.

Câu hỏi thường gặp

Chỉ số EOS là gì?

Chỉ số EOS là chỉ số cho biết số lượng bạch cầu ái toan có trong 1 microlit máu. Chỉ số EOS bình thường nằm trong khoảng từ 0,1 – 0,5 G/L.

Chỉ số EOS thấp có sao không?

Chỉ số EOS thấp thường không báo hiệu vấn đề nguy hiểm đến sức khỏe. Việc thiếu hụt số ít bạch cầu ái toan thường sẽ được cơ thể bù đắp lại bằng các loại bạch cầu khác. Tuy nhiên, tình trạng giảm bạch cầu ái toan kéo dài có thể báo hiệu vấn đề cần lưu ý và nên được chẩn đoán kỹ càng.

Chỉ số EOS trong máu cao có nguy hiểm không?

Chỉ số EOS trong máu cao báo hiệu nhiều vấn đề nguy hiểm trong cơ thể như là nhiễm ký sinh trùng, dị ứng khi tiếp xúc dị nguyên,… Bên cạnh đó, chỉ số EOS tăng còn có thể đến từ bệnh lý rối loạn về máu nguy hiểm như bệnh bạch cầu ái toan mạn tính (CEL) cần được điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo

1. Liesveld, Jane. “Eosinophil Production and Function – Hematology and Oncology.” MSD Manual Professional Edition, 21 June 2023,
www.msdmanuals.com/professional/hematology-and-oncology/eosinophilic-disorders/eosinophil-production-and-function.

2. “Blood Differential.” Ucsfhealth.Org, 6 Oct. 2020,
www.ucsfhealth.org/medical-tests/blood-differential-test.

3. Dale, David C. “Eosinophilic Disorders – Blood Disorders.” MSD Manual Consumer Version, 8 June 2023,
www.msdmanuals.com/home/blood-disorders/white-blood-cell-disorders/eosinophilic-disorders.

4. G Zini, CHAPTER 16 – Abnormalities in leukocyte morphology and number, Editor(s): Anna Porwit, Jeffrey McCullough, Wendy N. Erber, Blood and Bone Marrow Pathology (Second Edition), Churchill Livingstone, 2011, Pages 247-261, ISBN 9780702031472,.
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/B978070203147200016X

5. Thomas, Dr. Liji. “What Causes Eosinophilia?” News, 27 Feb. 2019,
www.news-medical.net/health/What-Causes-Eosinophilia.aspx.

6. Khanna, Vinay, et al. “Significance of Diagnosing Parasitic Infestation in Evaluation of Unexplained Eosinophilia.” Journal of Clinical and Diagnostic Research : JCDR, July 2015,
www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4572961/.

7. “What Is Eosinophilia?” Cincinnati Childrens,
www.cincinnatichildrens.org/service/c/eosinophilic-disorders/conditions/eosinophilia. Accessed 19 July 2023.

8. “Drug Allergy.” Mayo Clinic, 26 Oct. 2022,
www.mayoclinic.org/diseases-conditions/drug-allergy/symptoms-causes/syc-20371835.

9. “Cerebral Hypoxia: Medlineplus Medical Encyclopedia.” MedlinePlus,
medlineplus.gov/ency/article/001435.htm. Accessed 19 July 2023.

10. “Chronic Eosinophilic Leukemia: Symptoms, Diagnosis, Treatment.” Medical News Today,
www.medicalnewstoday.com/articles/what-is-chronic-eosinophilic-leukemia#overview. Accessed 19 July 2023.

11. “What to Know about Low Eosinophil Levels.” Medical News Today,
www.medicalnewstoday.com/articles/eosinophil-low#causes. Accessed 19 July 2023.

12. MARIA J. HENWOOD, LORRAINE E. LEVITT KATZ,
CHAPTER 10 – Disorders of the Adrenal Gland, Editor(s): Thomas Moshang, Pediatric Endocrinology, Mosby, 2005, Pages 193-213, ISBN 9780323018258,
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/B9780323018258500399

13. Al Duhailib, Zainab, et al. “The Role of Eosinophils in Sepsis and Acute Respiratory Distress Syndrome: A Scoping Review.” Canadian Journal of Anaesthesia = Journal Canadien d’anesthesie, May 2021,
www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7833890/.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?