Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Chỉ số WBC cung cấp thông tin về số lượng bạch cầu lưu thông trong cơ thể, một thông số thường gặp trong xét nghiệm công thức máu. Theo đó, chỉ số WBC bất thường có thể báo hiệu tình trạng nhiễm trùng hoặc một số bệnh lý khác tiềm ẩn trong cơ thể. Vậy, chỉ số WBC trong xét nghiệm máu là gì? Chỉ số WBC thế nào là bình thường? Mời Cô Chú, Anh Chị đồng hành cùng trung tâm Endo Clinic tìm hiểu về chỉ số này nhé!

WBC trong xét nghiệm máu là gì?

WBC là viết tắt của từ “White Blood Cell”, theo nghĩa tiếng Việt là tế bào bạch cầu. Bạch cầu là một phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch, bên cạnh hồng cầu và tiểu cầu. Có vai trò bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây hại bên ngoài đặc biệt là chống lại những yếu tố gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.

WBC trong xét nghiệm máu là một thông số trong xét nghiệm công thức máu, đo lường số lượng các tế bào bạch cầu có trong máu, được hình thành tại tủy xương. WBC hay White Blood Cell là một phần của hệ miễn dịch, có vai trò tham gia vào nhiều đáp ứng miễn dịch dịch thể và miễn dịch bẩm sinh của cơ thể.

Tổng quan chỉ số WBC trong xét nghiệm máu
Tổng quan chỉ số WBC trong xét nghiệm máu

Trong điều kiện bình thường, bạch cầu sẽ di chuyển tuần hoàn trong máu. Khi phát hiện có dấu hiệu tổn thương hoặc xâm nhiễm, bạch cầu sẽ phát ra các tín hiệu gây viêm và kích thích hệ miễn dịch để chống lại tác nhân gây hại.

Bạch cầu được phân loại dựa trên sự hiện diện của các hạt nhỏ có trong tế bào chất của tế bào. Từ đó, bạch cầu được chia thành hai phân nhóm lớn gồm: bạch cầu hạt (granulocyte) và bạch cầu không hạt (agranulocyte).[1]

3 loại bạch cầu trong nhóm bạch cầu hạt là:

  • Bạch cầu trung tính (neutrophil)
  • Bạch cầu ưa acid (eosinophils)
  • Bạch cầu ưa kiềm (basophil hay gọi tắt là BASO)

2 loại bạch cầu trong nhóm bạch cầu không hạt là:

Các loại bạch cầu có trong tế bào máu
Các loại bạch cầu có trong tế bào máu

Chỉ số WBC là gì? Ý nghĩa chỉ số WBC trong máu là gì?

Chỉ số WBC là chỉ số xét nghiệm thể hiện số lượng tế bào bạch cầu đang lưu thông trong máu, có đơn vị là (K/μL) hoặc (G/L). Giá trị bình thường của chỉ số này từ 4,0 – 11 G/L. Giá trị chỉ số WBC trong xét nghiệm máu bất thường báo hiệu tình trạng viêm nhiễm hoặc một số bệnh lý tiềm ẩn khác cần được kiểm tra thêm.

Xét nghiệm WBC là xét nghiệm được dùng để đo lường số lượng tế bào bạch cầu (White Blood Cell) có trong mẫu máu của bạn. Đây là một thông số trong xét nghiệm công thức máu (CBC). Có ý nghĩa đánh giá tình trạng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể, cũng như dự đoán các vấn đề sức khỏe khác như nhiễm trùng, viêm nhiễm hoặc bệnh lý khác.

Chỉ số WBC là gì?
Chỉ số WBC là gì?

Cần lưu ý rằng, các giá trị được đề cập dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế ý kiến từ bác sĩ có chuyên môn. Cô Chú, Anh Chị nên tham vấn kỹ với bác sĩ nếu chỉ số WBC của bản thân bất thường để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác.

Chỉ số WBC bao nhiêu là bình thường?

Chỉ số WBC bình thường trong máu là từ 4000 – 11000 tế bào/microliter (μL) hay 4-11 Giga/liter (G/L) hoặc 4-11 K/microliter (μL). Chỉ số WBC bình thường cho biết tình trạng cơ thể không có dấu hiệu nhiễm trùng hay bị viêm nhiễm.[1]

Giá trị xét nghiệm bình thường của chỉ số WBC có thể dao động khác nhau tùy vào phòng thí nghiệm, do sự khác nhau của cơ sở vật chất, thiết bị, hóa chất và năng lực của kỹ thuật viên thí nghiệm. Cô Chú, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ để thảo luận kỹ hơn về kết quả xét nghiệm của bản thân.

Chỉ số WBC bao nhiêu là bình thường?
Chỉ số WBC bao nhiêu là bình thường?

Chỉ số WBC trong máu bao nhiêu là cao?

Chỉ số WBC trong máu cao là khi tế bào bạch cầu tăng cao vượt 11000 tế bào/microlit (μL) hay 11 Giga/liter (G/L) hoặc 11 K/microlit (μL). Khi số lượng WBC trong máu cao hơn bình thường được gọi là tăng bạch cầu trong máu (leukocytosis). Chỉ số WBC tăng cao trong trường hợp nhiễm trùng, dị ứng và không gây nhiều nguy hiểm. Tình trạng WBC cao cho biết cơ thể đang sản sinh ra lượng bạch cầu nhiều hơn mức cần thiết của cơ thể.

Chỉ số WBC trong máu bao nhiêu là cao?
Chỉ số WBC trong máu bao nhiêu là cao?

Thông thường, giá trị này cho thấy cơ thể đang chống lại sự nhiễm trùng (nhiễm khuẩn, nhiễm virus) và không báo hiệu điều gì đáng quan ngại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, chỉ số WBC tăng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm như bệnh bạch cầu (leukemia), bệnh máu ác tính,…

Do đó, khi thấy chỉ số công thức máu WBC cao, bác sĩ có thể cân nhắc tiếp tục chỉ định nhiều cận lâm sàng khác để tìm ra được cụ thể nguyên nhân là từ đâu.

Chỉ số WBC trong máu bao nhiêu là thấp?

Chỉ số WBC trong máu thấp là khi số lượng bạch cầu ít hơn 4000 tế bào/microlit (μL) hay ít hơn 4,0 Giga/liter (G/L) hoặc 4,0 K/microlit (μL). Đây là tình trạng giảm bạch cầu trong máu (leukopenia), báo hiệu cơ thể đang có lượng bạch cầu trong máu thấp hơn mức bình thường.

Chỉ số WBC trong máu bao nhiêu là thấp?
Chỉ số WBC trong máu bao nhiêu là thấp?

Tương tự với trường hợp chỉ số WBC cao, chỉ số WBC thấp cũng có thể đến từ một số loại nhiễm trùng như HIV/AIDS hoặc một số bệnh lý khác như bệnh tự miễn hoặc rối loạn về máu,…

Tế bào/μLG/LK/μL
Chỉ số WBC caoTrên 11000Trên 11,0Trên 11,0
Chỉ số WBC bình thường4000 – 110004,0 – 11,04 – 11
Chỉ số WBC thấpDưới 4000Dưới 4,0Dưới 4,0
Bảng tổng hợp chỉ số WBC có trong máu

Tham khảo thêm các chỉ số liên quan khác tại đây:

Nguyên nhân làm chỉ số WBC trong máu cao?

Chỉ số WBC cao đến từ một số nguyên nhân khác nhau nhưng đa phần đến từ tình trạng cơ thể bị viêm hoặc nhiễm trùng hay bệnh bạch cầu. Một vài nguyên nhân khác làm tăng chỉ sô WBC có thể kể đến như bị dị ứng, mang thai hoặc có thể do ung thư. Tuy nhiên, bác sĩ cần phải dựa trên nhiều cận lâm sàng khác, từ đó mới có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân làm tăng chỉ số WBC.

Nguyên nhân làm chỉ số WBC trong máu cao?
Nguyên nhân làm chỉ số WBC trong máu cao?

Các nguyên nhân làm chỉ số WBC tăng là:

  • Nhiễm trùng
  • Dị ứng
  • Mang thai
  • Bệnh bạch cầu
  • Xơ hóa tủy xương

Nhiễm trùng

Vi khuẩn hoặc virus khi xâm nhập vào trong cơ thể sẽ kích thích hệ miễn dịch hoạt động.[2] Khi đó, cơ thể sẽ phát tín hiệu gia tăng sản xuất số lượng lớn tế bào bạch cầu (WBC) để chống lại sự tấn công của tác nhân có hại. Đồng thời, bạch cầu còn giúp kích thích nhiều loại tế bào khác trong hệ miễn dịch như tế bào lympho, đại thực bào,… cùng tham gia. Do đó, việc nhiễm trùng có thể làm cho chỉ số WBC tăng cao hơn so với mức bình thường.

Dị ứng

Một số các chất gây dị ứng như nấm mốc, phấn hoa, khói bụi hoặc một số chất trong thực phẩm khi xâm nhập vào cơ thể có thể làm kích hoạt các đáp ứng miễn dịch và thúc đẩy sản xuất bạch cầu trong cơ thể. Đây còn gọi là phản ứng dị ứng.

Phản ứng dị ứng xảy ra khi tế bào bạch cầu lympho T phát hiện chất gây dị ứng như một chất ngoại lai, từ đó giải phóng nhiều tín hiệu hóa học. Các tín hiệu này sẽ kích thích lympho B sản xuất loại kháng thể là IgE tấn công vào các chất gây dị ứng.[3]

Do đó, khi một người bị dị ứng, có thể chỉ số WBC cao hơn mức bình thường.

Dị ứng
Dị ứng

Mang thai

Chỉ số WBC trong máu cao ở người bình thường có thể báo hiệu nhiều vấn đề sức khỏe cần được thăm khám ngay. Tuy nhiên, chỉ số WBC cao khi mang thai là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Lý do bởi vì áp lực từ thai nhi lên cơ thể người mẹ là rất lớn, khiến cho các chỉ số máu của người mẹ thay đổi một cách rõ rệt. Các chỉ số này sẽ quay lại mức của người bình thường sau khi sinh con (khoảng 4 tuần) mà không để lại di chứng nào.[4]

Tuy nhiên, giai đoạn mang thai cũng là giai đoạn dễ bị tổn thương bởi nhiều tác nhân gây hại. Vì thế, bác sĩ thường sẽ yêu cầu người mẹ làm xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe và kịp thời điều trị nếu có dấu hiệu của bệnh lý.

Bệnh bạch cầu

Bệnh bạch cầu (leukemia) là loại ung thư từ trong tủy xương và làm sản sinh bất thường một số lượng lớn bạch cầu gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Các tế bào bạch cầu này thường còn non trẻ hoặc bị rối loạn chức năng dẫn đến không thể đáp ứng được vai trò bảo vệ cơ thể như bình thường.[5]

Thông thường, khi bị chẩn đoán là mắc bệnh bạch cầu, người bệnh thường có chỉ số WBC trong máu mức rất cao, khoảng 100 000 – 400 000 tế bào/μL (100 G/L – 400 G/L) so với người bình thường là 4000 – 11000 tế bào/μL (4 G/L – 11 G/L).[6]

Tuy nhiên, nguyên nhân làm cho chỉ số WBC cao trong máu đến từ bệnh lý bạch cầu là hiếm gặp. Một số loại bệnh lý bạch cầu có thể làm thay đổi chỉ số WBC như là bệnh bạch cầu lympho mạn tính (CLL), bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML), bệnh bạch cầu kinh dòng tủy (CML), ,…

Bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu

Xơ hóa tủy xương

Xơ hóa tủy xương (Myelofibrosis) là một dạng rối loạn tủy xương hiếm gặp, biểu hiện thông qua sự sản sinh bất thường các loại tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và hình thành mô sẹo bên trong tủy xương.[7]

Người mắc bệnh xơ hóa tủy xương có thể có chỉ số WBC trong máu cao bất thường. Tuy nhiên, các bạch cầu này thường bị rối loạn chức năng và không thể thực hiện chức năng miễn dịch như thông thường. Điều này làm cho người bệnh bị suy yếu miễn dịch và dễ bị tổn thương trước các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus,…[8]

Ngoài ra, người bệnh còn có chỉ số hồng cầu (chỉ số RBC) và chỉ số tiểu cầu (chỉ số PLT) thấp trong máu.

Các nguyên nhân khác

Bên cạnh các nguyên nhân được đề cập, chỉ số công thức máu WBC cao cũng có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác.

Một số nguyên nhân khác làm chỉ số WBC cao là:

  • Bị phỏng
  • Vấn đề tuyến giáp
  • Dùng một số loại thuốc
  • Béo phì
  • Hút thuốc lá

Nguyên nhân làm chỉ số WBC trong máu thấp?

Chỉ số WBC trong máu thấp là dấu hiệu chỉ ra rằng cơ thể không sản sinh đủ lượng bạch cầu như bình thường hoặc vì nguyên do nào đó dẫn đến các tế bào bạch cầu chết nhiều hơn so với bình thường. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, trong đó có một số bệnh lý nghiêm trọng.

Nguyên nhân làm chỉ số WBC trong máu thấp?
Nguyên nhân làm chỉ số WBC trong máu thấp?

Một số nguyên nhân làm chỉ số WBC trong máu thấp là:

  • Viêm gan
  • HIV/AIDS
  • Bệnh lý tự miễn
  • Rối loạn tủy xương
  • Điều trị ung thư

Viêm gan

Các virus gây viêm gan có khả năng ức chế sự biệt hóa và tăng sinh của các tế bào gốc tạo máu và tế bào tiền thân tạo máu thông qua nhiều cơ chế phức tạp. Từ đó làm sụt giảm số lượng nhiều loại tế bào máu và có thể dẫn đến thiếu máu bất sản (aplastic anemia).[9]

Ngoài ra, đối với viêm gan B, virus HBV thường nhắm đến tế bào gan và tế bào tủy để tấn công và phá hủy. Điều này có thể dẫn đến ức chế tủy xương, làm giảm bạch cầu trong máu và giảm chức năng lọc độc tố của của gan.[9]

Do đó, người bị viêm gan B thường có chỉ số WBC ở mức thấp.[10]

Viêm gan
Viêm gan

HIV/AIDS

HIV (Human Immunodeficiency Virus) là một loại virus gây suy giảm hệ thống miễn dịch trong cơ thể người. Virus HIV xâm nhập vào cơ thể và phá hủy một loại bạch cầu có tên là tế bào CD4+. Khi tế bào CD4+ bị phá hủy quá nhiều và giảm xuống đáng kể, cơ thể sẽ không còn khả năng tự vệ và chống lại nhiễm trùng.

Giai đoạn nặng nhất khi nhiễm HIV là AIDS hay còn gọi là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (Acquired Immunodeficiency Syndrome). Những người bị AIDS thường có số lượng tế bào CD4+ rất ít và chỉ số WBC ghi nhận cũng thấp. Do đó, người bị AIDS rất dễ bị nhiễm trùng hoặc mắc phải các dạng ung thư ít gặp ở người có hệ miễn dịch bình thường. Điều này làm gia tăng nguy cơ tử vong ở nhóm người bệnh này.[11]

Bệnh lý tự miễn

Ở những người mắc bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ hệ thống (Lupus) và viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis) thường được ghi nhận là có chỉ số WBC thấp trong máu. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có khả năng là do các kháng thể bị hoạt hóa quá mức tấn công và tiêu diệt các tế bào bạch cầu của cơ thể, làm số lượng bạch cầu giảm xuống. Một số loại thuốc điều trị tự miễn như methotrexate, prednisone,… cũng có thể làm chỉ số WBC thấp trong máu.[12]

Rối loạn tủy xương

Rối loạn tủy xương là một nhóm các bệnh lý làm ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của tủy xương, gây ra việc sản xuất bất thường các loại tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.[13] Đa u tủy xương (multiple myeloma) và thiếu máu bất sản là hai bệnh lý điển hình của rối loạn tủy xương làm cho chỉ số WBC thấp trong máu.

Đa u tủy là một bệnh ung thư máu hiếm gặp, biểu hiện thông qua sự sản xuất số lượng lớn tương bào (plasma cells). Sự gia tăng đột biến tương bao làm chèn ép tủy xương và các tế bào tạo máu bình thường làm dẫn đến sự sụt giảm số lượng các loại hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, gây tổn thương xương và nội tạng,…[14]

Thiếu máu bất sản là một rối loạn máu hiếm gặp. Khi bị thiếu máu bất sản, tủy xương sẽ không thể sản xuất đủ số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu để cung cấp cho cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và xuất huyết.[15]

Điều trị ung thư

Khi điều trị ung thư, số lượng bạch cầu cũng có thể giảm xuống. Nguyên nhân là do tác dụng phụ của các loại thuốc hóa trị ung thư khiến cho việc sản sinh các tế bào bạch cầu WBC mới của tủy xương bị chậm lại.[16] Vì thế, những người đang điều trị ung thư cũng có chỉ số WBC trong máu thấp.

Điều trị ung thư
Điều trị ung thư

Các nguyên nhân khác

Hiện tượng giảm bạch cầu trong máu còn đến từ nhiều nguyên do khác, trong đó việc thiếu hụt một số vitamin cũng góp phần làm chỉ số công thức máu WBC thấp.

Các nguyên nhân khác làm chỉ số WBC giảm trong máu là:

  • Suy dinh dưỡng
  • Thiếu hụt vitamin hoặc chất khoáng (B12, folate, đồng,…).[17]
  • Dùng các loại kháng sinh
  • Mắc bệnh sarcoid (bệnh u hạt)

Chỉ số WBC tăng cao hoặc giảm xuống bất thường cũng có thể báo hiệu tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh lý rối loạn về máu như bệnh bạch cầu, xơ hóa tủy xương,… Tuy nhiên, bác sĩ vẫn sẽ cần kết hợp các cận lâm sàng khác với chỉ số WBC để đảm bảo độ chính xác của chẩn đoán.

Tham khảo thêm các chỉ số liên quan đến xét nghiệm công thức máu khác tại đây:

Cách đọc chỉ số WBC trong xét nghiệm máu là gì?

Xét nghiệm máu WBC là xét nghiệm dùng để đo số lượng tế bào bạch cầu (WBC – White Blood Cell) có trong một thể tích máu nhất định, nhằm chẩn đoán tình trạng sức khỏe của bạn, được thực hiện cùng xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi.

Cách đọc chỉ số công thức máu WBC trong xét nghiệm máu:

  • Tên chỉ số: WBC
  • Kết quả chỉ số của bản thân: Giá trị của chỉ số WBC sẽ được trình bày tại đây.
  • Khoảng tham chiếu: Trình bày chỉ số WBC bình thường giúp Cô Chú, Anh Chị có thể đối chiếu kết quả của bản thân.
  • Đơn vị: tùy vào cơ sở y tế mà chỉ số WBC có đơn vị là K/μL, G/L.
Cách đọc chỉ số WBC trong xét nghiệm máu là gì?
Cách đọc chỉ số WBC trong xét nghiệm máu là gì?

Thông thường, chỉ số WBC của Cô Chú, Anh Chị sẽ được tô đậm lên để dễ dàng nhận thấy. Tuy nhiên, Cô Chú, Anh Chị không nên tự ý chẩn đoán tình trạng của bản thân khi nhận được kết quả. Nếu chỉ số WBC của mình bất thường, Cô Chú, Anh Chị nên đến gặp bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn chính xác.

Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm chỉ số WBC?

Để biết được chỉ số WBC của bản thân, người bệnh cần làm xét nghiệm công thức máu. Xét nghiệm công thức máu là một xét nghiệm cơ bản và thường được chỉ định trong kiểm tra sức khỏe tổng quát hoặc trước khi nội soi tiêu hoá. Ngoài chỉ số WBC, xét nghiệm công thức máu còn bao gồm các chỉ số khác như chỉ số MCV, chỉ số HCT, chỉ số RDW, chỉ số HGB, chỉ số MPV,… Tuy nhiên, Cô Chú, Anh Chị cũng nên lưu ý một vài điều sau, trước khi đi xét nghiệm.

Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm chỉ số WBC?
Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm chỉ số WBC?

Một số lưu ý trước khi đi xét nghiệm công thức máu:

  • Không cần phải nhịn ăn trước khi xét nghiệm.
  • Trao đổi về toa thuốc đang sử dụng để tránh tác động đến kết quả.
  • Mặc đồ thoải mái để dễ dàng lấy mẫu máu.
  • Liên hệ trước với cơ sở y tế trước khi làm xét nghiệm.

Hiện nay, tại phòng khám tiêu hoá Endo Clinic cũng có cung cấp dịch vụ xét nghiệm công thức máu.

Giá xét nghiệm công thức máu ở Endo Clinic hiện nay là 100.000 VNĐ. Chi phí trên được cập nhật mới nhất tới ngày 13/12/2023.

Để cập nhật mức giá mới nhất, Cô chú, Anh chị vui lòng nhấn vào: Giá dịch vụ nội soi tiêu hóa.

Trên đây là một số thông tin về chỉ số WBC trong xét nghiệm công thức máu. Nếu Cô Chú, Anh chị thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ rộng rãi đến người thân, bạn bè của mình nhé!

Câu hỏi thường gặp

Chỉ số WBC là chỉ số gì?

Chỉ số WBC là chỉ số cung cấp thông tin có bao nhiêu tế bào bạch cầu đang lưu thông trong cơ thể, giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của cơ thể. Chỉ số WBC cao hoặc thấp bất thường có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe cần quan tâm và điều trị.

Chỉ số WBC thấp có sao không?

Chỉ số WBC thấp khi số lượng bạch cầu ít hơn 4500 tế bào/uL (4,5 G/L hoặc 4,5 K/uL). Đây có thể là dấu hiệu cơ thể không có đủ lượng bạch cầu cần thiết trong cơ thể và làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, chỉ số WBC thấp còn có thể là dấu hiệu của nhiều rối loạn miễn dịch hoặc tủy xương.

Chỉ số WBC cao có sao không?

Chỉ số WBC cao khi số lượng bạch cầu nhiều hơn 11000 tế bào/uL (11 G/L hoặc 11 K/uL), thường đến từ nhiễm trùng, dị ứng và không gây nhiều nguy hiểm. Nhiều trường hợp, chỉ số WBC cao có thể báo hiệu nhiễm trùng, dị ứng nghiêm trọng hoặc đến từ bệnh lý như bệnh bạch cầu (leukemia) cần được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo

1. Histology, White Blood Cell – Statpearls – NCBI Bookshelf, www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK563148/. Accessed 1 July 2023.

2. “Immune System.” Healthdirect, www.healthdirect.gov.au/immune-system. Accessed 1 July 2023.

3. “Allergies and the Immune System.” JHM, 8 Aug. 2021, www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/allergies-and-the-immune-system.

4. Chandra, Surabhi, et al. “Physiological Changes in Hematological Parameters during Pregnancy.” Indian Journal of Hematology & Blood Transfusion : An Official Journal of Indian Society of Hematology and Blood Transfusion, Sept. 2012, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3422383/.

5. Addisia, Gedam Derbew, et al. “Risk Factors of White Blood Cell Progression among Patients with Chronic Lymphocytic Leukemia at Felege HIWOT Referral Hospital, Bahir Dar, Ethiopia.” Cancer Informatics, 14 Jan. 2022, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8771732/.

6. “How Fast Does Leukemia Develop?” Roswell Park Comprehensive Cancer Center, www.roswellpark.org/cancertalk/201810/how-fast-does-leukemia-develop. Accessed 1 July 2023.

7. “Primary Myelofibrosis – Symptoms, Causes, Treatment: Nord.” National Organization for Rare Disorders, 12 Jan. 2023, rarediseases.org/rare-diseases/primary-myelofibrosis/.

8. “Myelofibrosis: Symptoms and Effects on Your Body.” WebMD, www.webmd.com/cancer/lymphoma/myelofibrosis-stages-symptoms. Accessed 1 July 2023.

9. Lv, Yunfu. “Causes of Peripheral Blood Cytopenias in Patients with Liver Cirrhosis Portal Hypertension and Clinical Significances.” Open Journal of Endocrine and Metabolic Diseases, 15 Apr. 2014, www.scirp.org/html/3-1980135_45500.htm.

10. “Hepatitis B.” JHM, 19 Apr. 2022, www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/hepatitis/hepatitis-b.

11. “HIV (Human Immunodeficiency Virus) Infection.” PeaceHealth, www.peacehealth.org/medical-topics/id/hw151408. Accessed 1 July 2023.

12. Zheng, Pan, et al. “Cytopenia and Autoimmune Diseases: A Vicious Cycle Fueled by mTOR Dysregulation in Hematopoietic Stem Cells.” Journal of Autoimmunity, Mar. 2013, www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3622805/.

13. “Bone Marrow Disease | Bone Marrow.” MedlinePlus, medlineplus.gov/bonemarrowdiseases.html. Accessed 1 July 2023.

14. “Multiple Myeloma.” University of Iowa Hospitals & Clinics, uihc.org/health-topics/multiple-myeloma. Accessed 1 July 2023.

15. “Aplastic Anemia.” JHM, 8 Aug. 2021, www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/aplastic-anemia.

16. “Low White Blood Cell Count and Cancer: Medlineplus Medical Encyclopedia.” MedlinePlus, medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000675.htm. Accessed 1 July 2023.

17. Seladi-Schulman, Jill. “Leukopenia: Types, Symptoms, Causes, Treatment & More.” Healthline, 22 Nov. 2021, www.healthline.com/health/leukopenia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?