Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

THỜI GIAN THROMBOPLASTIN TỪNG PHẦN HOẠT HOÁ (APTT) HAY THỜI GIAN CEPHALIN – KAOLIN (TCK)

Sinh lý đông cầm máu

Quá trình đông máu và cầm máu xảy ra theo nhiều bước khác nhau và có sự tham gia của một loạt các yếu tố đông máu và các yếu tố liên quan khác. Quá trình đông máu gồm 2 con đường chính (đường ngoại sinh và đường nội sinh) và con đường chung để hình thành fibrin.

Con đường đông máu nội sinh cần sự tham gia của các yếu tố đông máu:

  • Prekallikrein (yếu tố Fletcher)
  • Kininogen cao phân tử (HMWK – high molecular weight kininogen, yếu tố Fitzgerald)
  • Yếu tố XII (yếu tố Hageman)
  • Yếu tố XI (yếu tố Rosenthal)
  • Yếu tố IX (yếu tố chống hemophili B)
  • Yếu tố VIII (yếu tố chống hemophili A)

Con đường đông máu ngoại sinh cần sự tham gia của các yếu tố đông máu:

  • Yếu tố III (thromboplastin tổ chức)
  • Yếu tố VII (proconvertin)

Con đường đông máu chung cần sự tham gia của các yếu tố đông máu:

  • Yếu tố X (yếu tố Stuart)
  • Yếu tố V (proaccelerin)
  • Yếu tố II (prothrombin)
  • Yếu tố I (Fibrinogen)

Sơ đồ quá trình đông máu

Sinh lý đông cầm máu. Ảnh minh họa sưu tầm
Sinh lý đông cầm máu. Ảnh minh họa sưu tầm

>> Tìm hiểu thêm:

Thời gian Prothrombin là gì?

Xét nghiệm Fibrinogen để làm gì, Fibrinogen cho biết điều gì?

Xét nghiệm chỉ số AFP chẩn đoán ung thư gan?

Xét nghiệm APTT là gì?

Trong y văn, có nhiều từ ngữ để biểu đạt thời gian prothrombin:

  • Thời gian hoạt hoá Cephalin (TCA).
  • Thời gian Cephalin – Kaolin (TCK).
  • Thời gian thromboplastin từng phần hoạt hoá (APTT – Activated Partial Thromboplastin Time).
  • Thời gian thromboplastin từng phần (PTT).

Thời gian Cephalin – Kaolin hay thời gian Thromboplastin từng phần hoạt hoá được đo bằng thời gian đông của huyết tương nghèo tiểu cầu được chống đông bằng natri citrate 3,8% sau khi cho canxi cùng với sự có mặt của phospholipid (Cephalin, thay thế yếu tố 3 tiểu cầu) và chất hoạt hoá yếu tố đụng chạm đối với prekallikrein và yếu tố XII (thường là Kaolin, Silica, Ellagic acid).

Với xét nghiệm này, điều kiện hoạt hoá yếu tố đụng chạm cũng như số lượng, chất lượng tiểu cầu không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Do đó, xét nghiệm này đánh giá toàn bộ các yếu tố đông máu của con đường nội sinh và con đường chung: XII, XI, IX, VIII, X, V, II và I.

Mục đích và chỉ định xét nghiệm APTT

Xét nghiệm APTT được thực hiện nhằm mục đích:

  • Phát hiện các rối loạn chảy máu do thiếu hụt hay khiếm khuyết các yếu tố đông máu con đường nội sinh.
  • Xét nghiệm cơ bản để phát hiện các trường hợp Hemophilia A hay B.
  • Là xét nghiệm đông máu tiền phẫu.
  • Theo dõi bệnh nhân được điều trị bằng heparin.
  • Theo dõi bệnh gan tiến triển.
  • Đánh giá mức độ nặng và tiến triển của đông máu nội mạch rải rác (DIC).

Mời Cô Chú, Anh Chị tham khảo thêm các loại xét nghiệm khác:

> Cách nhận biết nhóm máu đơn giản, chính xác nhất

> Xét nghiệm nhóm máu Rhesus (Rh)

Yêu cầu khi đi xét nghiệm APTT

  • Xét nghiệm được thực hiện trên huyết tương được chống đông bằng Natri Citrat 3,8%. Bệnh nhân không cần nhịn ăn trước khi lấy máu là xét nghiệm.
  • Ở bệnh nhân đang được điều trị bằng heparin tĩnh mạch ngắt quãng, tiến hành lấy mẫu máu xét nghiệm APTT từ 30 – 60 phút trước mũi tiêm heparin kế tiếp. Nếu bệnh nhân đang được truyền heparin tĩnh mạch liên tục có thể lấy máu để xét nghiệm APTT bất kỳ lúc nào theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Để kết quả xét nghiệm chính xác, cần tuân thủ:

– Lấy đúng và đủ thể tích máu quy định khi cho vào tube máu, nếu lấy thiếu hoặc thừa sẽ gây sai lệch kết quả xét nghiệm.

– Lắc kỹ và nhẹ nhàng tube máu để trộn đều chất chống đông với máu (nếu không, cục đông hình thành và không thể làm xét nghiệm).

– Không được lấy máu từ tay đang được truyền heparin.

Các yếu tố làm thay đổi kết quả xét nghiệm APTT

  • Kết quả xét nghiệm có thể bị thay đổi trên mẫu bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu hoặc bị đông.
  • Lấy mẫu bệnh phẩm khó, không tuân thủ tỉ lệ giữa máu và chất chống đông.
  • Có kháng thể chống đông lưu hành tuýp lupus có thể làm tăng thời gian APTT.
  • Hematocrit quá cao hoặc quá thấp (thiếu máu nặng, đa hồng cầu).
  • Một số thuốc đang sử dụng có thể làm kéo dài thời gian APTT: kháng sinh, asparaginase, aspirin, cholestyramin, chclophosphamid, anoxaparin, quinin, thuốc tiêu fibrin, warfarin.

Kết quả xét nghiệm APTT

Tuỳ theo từng lô thuốc thử cũng như kỹ thuật và điều kiện thực hiện xét nghiệm mà từng phòng xét nghiệm sẽ đưa ra các giá trị PTT và APTT tham chiếu.

Giá trị bình thường:

  • APTT trung bình 30 – 40 giây
  • PTT: 60 – 90 giây
  • Kết quả có thể kéo dài hơn ở trẻ nhỏ hoặc rút ngắn hơn ở người lớn tuổi.
  • APTT được cho là bệnh lý khi APTT bệnh/APTT chứng > 1,2.
  • Ngưỡng điều trị đối với các bệnh nhân đang sử dụng heparin: 1,5 – 2,5 lần so với giá trị chứng.

Thời gian Thromboplastin từng phần hoạt hoá kéo dài do đâu?

Nguyên nhân chính thường gặp là:

  • Thiếu hụt các yếu tố đông máu đơn lẻ: XII, XI, IX, VIIIc, X, V, II
  • Thiếu hụt fibrinogen hay không có fibrinogen máu
  • Rối loạn fibrinogen máu
  • Bệnh von Willebrand
  • Có chất chống đông lưu hành: cơ thể hình thành một globulin miễn dich lưu hành trong máu chống lại các yếu tố đông máu của cơ thể
  • Đang điều trị bằng thuốc chống đông: thuốc kháng vitamin K, heparin
  • Bệnh lý gan nặng: xơ gan, viêm gan cấp mạn tính, tắc mật
  • Đông máu nội mạch rải rác (DIC)
  • Nhau bong non
  • Truyền máu tự thân
  • Sau phẫu thuật tim
  • Lọc máu
  • Hội chứng giảm hấp thu
  • Thiếu vitamin K

Thời gian Thromboplastin từng phần hoạt hoá rút ngắn do đâu?

Thời gian APTT bị rút ngắn thường không mang ý nghĩa bệnh lý, tuy nhiên nó có thể gặp trong các trường hợp:

  • Tình trạng chảy máu cấp
  • Ung thư giai đoạn tiến triển nặng
  • Tình trạng tăng đông
  • Giai đoạn rất sớm của tình trạng đông máu nội mạch lan toả (DIC).

◊◊ TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.
  • Bài giảng huyết học đông máu, 2014, Bộ môn huyết học – ĐHYDCT.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?