Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Candida là tác nhân chủ yếu gây viêm âm đạo ở phụ nữ, 90% phụ nữ ít nhất một lần trong đời bị viêm âm đạo do vi nấm Candida.

Bệnh cấp tính, bán cấp và mạn tính, phân bố rộng rãi gây ra bởi những nấm men nội sinh thuộc giống Candida hầu hết là Candida albicans. Niêm mạc và da hay bị tổn thương nhất, đôi khi vi nấm gây nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc và viêm màng não. Bệnh Candida nội tạng thường gặp ở người suy giảm miễn dịch qua trung gian tế bào và những người đang điều trị ung thư, ức chế miễn dịch hay điều trị chống thải ghép.

 

Candida là gì?

Candida albicans sống bình thường trong ruột người và nhiều loài thú (nội hoại sinh).

Ở người bình thường khỏe mạnh, người ta tìm thấy vi nấm Candida sp. trong miệng 30%, ruột 38%, âm đạo 39%, các nếp gấp của da quanh hậu môn 46%, phế quản 17%.

Ở trạng thái hoại sinh, số lượng vi nấm rất ít, soi tươi các dịch sinh học may lắm mới thấy 1 – 2 tế bào hạt men nảy búp. Trong một số điều kiện nhất định, vi nấm chuyển từ trạng thái hoại sinh sang ký sinh (gây bệnh). Đặc trưng của trạng thái này là số lượng vi nấm tăng lên rất nhiều, thành lập sợi tơ nấm giả cho phép vi nấm len lỏi giữa các tế bào của ký chủ để gây bệnh.

 

Điều kiện và phương thức lây truyền

Điều kiện thuận lợi cho Candida sp. gây bệnh là:

  • Yếu tố sinh lý: phụ nữ mang thai (nhất là 3 tháng cuối), sự gia tăng hormon đưa đến biến đổi hệ sinh thái âm đạo (dịch sinh học ngọt hơn, tích trữ glycogen) cộng thêm với suy giảm miễn dịch tạo điều kiên cho vi nấm phát triển.
  • Yếu tố bệnh lý:
  • Đái tháo đường: gia tăng đường trong máu và các dịch sinh học, miễn dịch giảm.
  • Béo phì.
  • Suy dinh dưỡng: giảm sức đề kháng.
  • Yếu tố nghề nghiệp: các nghề thường xuyên tiếp xúc với nước như bán nước uống, bán trái cây, bán cá, làm bếp trong các nhà hàng ăn uống,… dễ đưa đến viêm da, viêm móng và quanh móng do Candida
  • Yếu tố thuốc men:
  • Kháng sinh phổ rộng: dùng liều cao và thời gian dài sẽ diệt các vi khuẩn có lợi, do đó phá vỡ cân bằng sinh thái.
  • Corticoides: dùng nhiều gây suy giảm miễn dịch.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: hay dùng trong điều trị ung thư hoặc ghép cơ quan.

>> Tìm hiểu thêm: Bảng chỉ số đường huyết của bệnh nhân đái tháo đường là bao nhiêu?

Trong hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), bệnh vi nấm Candida xuất hiện trong giai đoạn giảm miễn dịch. Các bệnh nhân bị bệnh Candida tái đi tái lại nhiều lần nên được đưa vào nhóm nguy cơ cao của AIDS.

Bệnh vi nấm Candida phổ biến ở khắp nơi trên thế giới, bệnh nhân thuộc mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc và không phân biệt giới tính.

Cách thức lây nhiễm Candida:

  • Lây truyền qua quan hệ tình dục đường âm đạo.
  • Quan hệ khi đang điều trị hoặc điều trị chưa triệt để.
  • Nhiễm nấm từ hậu môn.
  • Sử dụng chung đồ lót nhiễm nấm.

 

Triệu chứng lâm sàng nhiễm Candida

Bệnh ở niêm mạc:

  • Tưa miệng: Gặp ở trẻ còn bú do pH tại chỗ thấp, trẻ suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hoá. Niêm mạc miệng lưỡi viêm đỏ sau xuất hiện nhiều giả mạc trắng. Có thể gặp bất cứ vị trí nào trong khoang miệng, bệnh có thể thấy ở ngưòi lớn suy giảm miễn dịch. Triệu chứng cơ năng: trẻ đau rát, bỏ bú, người lớn đau rát ăn uống kém.
  • Nhiễm nấm thực quản: Rất thường gặp trong các bệnh nấm xâm nhiễm niêm mạc. Bệnh nhân thường có biểu hiện khó nuốt, trào ngược dạ dày thực quản, có thể phối hợp với nhiễm nấm ở miệng.
  • Viêm âm đạo: Chiếm một tỷ lệ lớn trong các bệnh nhiễm trùng phụ khoa. Gặp nhiều hơn ở phụ nữ có thai, người đái tháo đường, dùng kháng sinh kéo dài. Triệu chứng chủ yếu là:
  • Bệnh nhân tiểu buốt, tiểu rắt.
  • Ngứa rát âm đạo/âm hộ, có thể xuất hiện vết xước do gãi nhiều.
  • Âm đạo tăng tiết dịch.
  • Ra nhiều khí hư như bột hoặc váng sữa, không hôi.
  • Đau rát khi quan hệ.
  • Âm đạo viêm đỏ, sưng nề, dễ chảy máu, nhiều khí hư như váng sữa bám thành âm đạo.
  • Cổ tử cung có thể viêm đỏ, phù nề. Bôi lugol khi soi cổ tử cung quan sát thấy cổ tử cung và thành âm đạo bắt màu lugol không đều, nham nhở nếu nhiễm nấm cấp tính.

Bệnh ở da và các cơ quan lân cận:

  • Viêm da: Gặp ở những người béo phì, ra nhiều mồ hôi, người tay chân phải nhúng nước thường xuyên hoặc gặp ở trẻ em suy dinh dưỡng, viêm da quanh mông và sinh dục ở trẻ em đái không thay tã, hoặc thường xuyên dùng bỉm. Tổn thương thường gặp ở vùng kẽ (cổ, chân, tay, kẽ mông, bẹn, nếp dưới vú…) thành đám đỏ, trợt, láng bóng, ranh giới rõ kèm tổn thương vệ tinh. Ngứa nhiều, rát bỏng .
  • Viêm móng và quanh móng: Bệnh có liên quan tới nghề nghiệp như nhân viên phục vụ ăn uống, người bán cá, rau … do thường xuyên tiếp xúc với nước. Triệu chứng là: Vùng da quanh móng viêm đỏ, da vùng chân móng tách khỏi bản móng, có thể nặn ra mủ, móng bắt đầu tổn thương từ chân móng lan dần ra phái bờ tự do. Móng dần trở nên đục, xù xì, biến màu. Bệnh nhân có thể bị một hoặc vài móng, hiếm khi bị tất cả các móng.

Bệnh nội tạng:

  • Hiếm gặp. Chỉ gặp ở những bệnh nhân suy kiệt, có bệnh mãn tính nặng, ung thư, dùng kháng sinh hoặc thuốc ức chế miễm dịch kéo dài, nhất là giai đoạn cuối của bệnh. Biểu hiện viêm màng trong tim, viêm màng não, viêm phổi viêm ruột, gan lách, nhiễm nấm máu… dẫn đến tử vong.

Chẩn đoán Candida

Chẩn đoán lâm sàng: Dựa vào triệu chứng lâm sàng như hỏi bệnh, thăm khám.

Chẩn đoán cận lâm sàng:

  • Bệnh phẩm: mảng trắng trong miệng, huyết trắng, đàm, máu, bột móng. Sau khi lấy xong cần đem ngay đến phòng xét nghiệm càng sớm càng tốt, nếu để quá 24h dù là trong tủ lạnh, vi nấm vẫn có thể phát triển, do đó cho kết quả dương tính giả.
  • Quan sát trực tiếp:
  • Soi tươi:
  • Mẫu bệnh phẩm lỏng như huyết trắng, mảng trắng trong miệng được nghiền vào nước muối sinh lý trên lam kính và quan sát dưới kính hiển vi.
  • Mẫu bệnh phẩm đặc như móng, da, sinh thiết mô làm phết ướt với dung dịch KOH 20% rồi quan sát dưới kính hiển vi.
  • Nhuộm Gram: Candida bắt màu tím, xác định gây bệnh khi có 3 – 5 bào tử dạng nảy chồi.
  • Mô bệnh học: các bệnh phẩm sinh thiết được cố định trong dung dịch formalin 10% hoặc Bouin, sau đó được cắt theo phương pháp giải phẩu bệnh rồi nhuộm Haematoxylin và Eosin, nhuộm Periodic Acid Schiff hay Gomori rồi quan sát dưới kính hiển vi.
  • Ngoài tế bào ký chủ, nếu đúng là bệnh nhân nhiễm Candida ta phải thấy nhiều tế bào hạt men và sợi tơ nấm giả.
  • Cấy: Nuôi cấy vào môi trường thạch Sabouraud – chloramphenicol ủ ở 250 Nếu nghi có nhiễm trùng huyết thì hút máu bơm thẳng vào môi trường thạch tim óc hầm lỏng, ủ ở 370C 10 ngày để tăng sinh rồi cấy chuyển sang môi trường Sabouraud – chloramphenicol. Vài ngày sau khi cây, vi nấm mọc thành khúm trắng, nhão, tiến hành định danh vi nấm qua các thử nghiệm sinh hóa.
  • Huyết thanh học: phương pháp này được dùng để tìm kháng thể kháng Candida trong máu. Các kỹ thuật thường dùng là khuếch tán miễn dịch, miễn dịch điện di đối lưu, miễn dịch hấp phụ gắn men, miễn dịch phóng xạ và sắc ký lỏng.
  • Sinh học phân tử: kỹ thuật có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, cho biết đích danh từng loại Candida trong mẫu bệnh phẩm.

Ý nghĩa của việc tìm thấy Candida trong mẫu bệnh phẩm

Tùy theo loại bệnh, việc diễn đạt kết quả sẽ khác nhau:

  • Nếu bệnh phẩm là các chất lấy từ niêm mạc chỉ có ý nghĩa khi quan sát trực tiếp thấy có rất nhiều sợi tơ nấm giả và tế bào hạt men. Người bình thường có thể thấy một ít vi nấm hoại sinh nên cấy sẽ không cho phép phân biệt trường hợp gây bệnh hay không. Quan sát trực tiếp quan trọng hơn cấy.
  • Nếu bệnh phẩm là máu, dịch não tủy, dịch màng phổi, mủ của áp xe chưa vỡ,… thì sự có mặt của Candida dù là quan sát trực tiếp hay cấy cũng đều có ý nghĩa bệnh.

Dự phòng và điều trị Candida

Cách phòng bệnh do Candida:

  • Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục.
  • Hạn chế sử dụng dung dịch rửa bộ phận sinh dục có tính acid và sát khuẩn mạnh.
  • Giữ quần áo luôn khô ráo, phơi ở nơi có ánh nắng mặt trời.
  • Không thụt rửa âm đạo để tránh làm mất cân bằng, thay đổi pH âm đạo.
  • Khi điều trị: tuân thủ đúng nguyên tắc điều trị.
  • Không sử dụng kháng sinh kéo dài.
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Nếu bạn hoặc bạn tình có biểu hiện lâm sàng cần được điều trị cả 2 để tránh lây nhiễm.

Điều trị viêm âm đạo do nhiễm Candida:

  • Không điều trị khi không có triệu chứng lâm sàng điển hình.
  • Điều trị sớm và đủ liều khi xác định là căn nguyên. Ngăn chặn lây lan và đề phòng kháng thuốc.
  • Điều trị bằng kháng sinh chống nấm (không dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú).
  • Tránh quan hệ tình dục trong quá trình điều trị.
  • Thuốc uống:
  • Itraconazol (sporal) 100mg uống 2 viên/ ngày, uống 3 ngày.
  • Fluconazol (diflucan) 150mg uống 1 viên duy nhất.
  • Kem bôi/đặt:
  • Clotrimazole (canesten): bôi từ 7 – 10 ngày hoặc đặt từ 3 ngày (2 viên 100mg/ ngày) đến 7 ngày (1 viên 100mg/ ngày).
  • Miconazole: bôi trong 7 ngày hoặc đặt từ 3 ngày (1 viên 200mg/ ngày) đến 7 ngày (1 viên 100mg/ ngày).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Giáo trình Ký sinh trùng y học 2005, Đại Học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?