Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là gì?

Bệnh cảnh sốt và xuất huyết xuất hiện ở nhiều nhóm bệnh do nhiều loại virus gây ra: sốt Nephropathia Scandinavia, sốt Lassa, virus Marbug, virus Ebola, sốt xuất huyết Bolivia, sốt xuất huyết Crimea, … và sốt xuất huyết Dengue. Ở Việt Nam, chủ yếu là sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, virus thuộc nhóm B trong 3 nhóm A,B,C của Arbovirus và thuộc chi Flavivirus. Virus Dengue có 4 type huyết thanh thường gặp là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành thông qua trung gian muỗi vằn Aedes aegypti. Sốt xuất huyết Dengue hiện tại chưa có vacxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị chủ yếu hiện nay là điều trị triệu chứng.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Theo Tổ chức Y tế thế giới năm 2009, có 3 mức độ của bệnh sốt xuất huyết Dengue là:

  • Sốt xuất huyết Dengue.
  • Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.
  • Sốt xuất huyết Dengue nặng.

 

Xét nghiệm sốt xuất huyết Dengue là gì?

Các xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue bao gồm các xét nghiệm giúp phát hiện kháng nguyên NS1 và kháng thể IgM/IgG trong máu bệnh nhân nhằm giúp chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh.

Xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1:

  • Xét nghiệm này được chỉ định thực hiện từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 5 của bệnh.
  • Nếu bệnh nhân mắc bệnh đã hơn 3 ngày (từ cuối ngày thứ 3 trở đi), mặc dù thật sự bị sốt xuất huyết, nhưng kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết NS1 có thể âm tính. Nguyên nhân là vì xét nghiệm này dựa trên cơ chế xác định kháng nguyên của virus.
  • Giai đoạn bệnh từ ngày thứ 4, nồng độ kháng nguyên virus trong máu đã giảm xuống thấp nên đôi khi chỉ số xét nghiệm sẽ âm tính.

Xét nghiệm kháng thể IgM:

  • IgM xuất hiện từ ngày thứ 4-5 sau sốt.
  • Xét nghiệm IgM giúp xác định sự có mặt của kháng thể chống lại virus Dengue trong giai đoạn cấp tính của bệnh. Tuy nhiên, tùy thuộc mức độ sinh kháng thể của từng bệnh nhân mà kết quả xét nghiệm này có dương tính hay không.

Xét nghiệm kháng thể IgG:

  • Ở thể tiên phát ( lần đầu bị nhiễm Dengue), IgG xuất hiện vào ngày thứ 10-14 và có thể tồn tại nhiều năm sau đó.
  • Ở thể thứ phát (đã từng bị Dengue trước đó), IgG đã sẵn có trong máu và tăng lên trong 1-2 ngày.

Như vậy:

  • Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5: dù người bệnh có thật sự bị sốt xuất huyết nhưng khi xét nghiệm nhiều khả năng kết quả lại âm tính.
  • Từ ngày đầu đến ngày 3: nếu làm xét nghiệm IgM thì cũng sẽ ra âm tính. Còn nếu thực hiện xét nghiệm NS1 thì khả năng chẩn đoán chính xác lại tùy thuộc vào nồng độ virus trong cơ thể người bệnh có đủ ngưỡng phát hiện hay không. Trường hợp nồng độ kháng nguyên virus quá thấp thì kết quả xét nghiệm NS1 vẫn có thể ra âm tính.
  • Từ ngày thứ 4 trở đi: bệnh nhân có thể phải làm xét nghiệm máu hàng ngày mới có đủ dữ kiện để bác sĩ khẳng định chẩn đoán.

 

Các loại xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue

Phân lập virus Dengue: Đây là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán nhiễm virus Dengue, đang được thay thế dần bằng kỹ thuật real-time PCR.

Xét nghiệm huyết thanh học:

  • Xét nghiệm ngăn ngưng kết hồng cầu (hemaglutination inhibition – HI).
  • Xét nghiệm trung hòa mảng bám (plaque neutralization test – PRNT)
  • Xét nghiệm cố định bổ thể (complement fixation – CF).
  • Xét nghiệm hấp thụ miễn dịch gắn men (Emzym-linked Immuno Sorbent Assay – ELISA): phát hiện kháng thể IgM/IgG.

Xét nghiệm công thức máu:

  • Bạch cầu: số lượng của bạch cầu trong máu sẽ tụt giảm khi có mặt virus Dengue. Khi loại trừ được Dengue, lượng bạch cầu và bạch cầu trung tính sẽ tăng trở lại.
  • Tiểu cầu: nguy cơ xảy ra xuất huyết sẽ càng cao khi số lượng của tiểu cầu giảm mạnh. Virus Dengue xuất hiện khiến lượng tiểu cầu giảm, có thể xuống dưới 100 Giga/L.
  • Hematocrit: chỉ số hematocrit sẽ tăng lên 20%, vượt ngưỡng chỉ số thông thường của người bệnh. Lưu ý chỉ số vượt quá 45% là khi máu có hiện tượng cô đặc.

Xét nghiệm sinh hóa máu:

  • Xét nghiệm điện giải đồ (bao gồm Na+, K+, Cl-): để đánh giá tình trạng rối loạn điện giải.
  • Xét nghiệm chức năng gan (bao gồm AST, ALT, GGT): nhằm kiểm tra chức năng gan, đánh giá tổn thương và phát hiện biến chứng của sốt xuất huyết.
  • Xét nghiệm Albumin: để đánh giá tình trạng thoát huyết tương có thể xảy ra đối với sốt xuất huyết Dengue, giúp nhận biết sớm và theo dõi khi bệnh nhân nếu có tình trạng tăng tính thấm thành mạch.
  • Xét nghiệm chức năng thận (gồm các chỉ số như Ure, Creatinine, Cystatin C, MicroAlbumin niệu): để thăm dò chức năng thận và tình trạng tổn thương thận sớm do các biến chứng của sốt xuất huyết.
  • Xét nghiệm CRP: nhằm đánh giá tình trạng viêm nhiễm, giúp chẩn đoán phân biệt nguyên nhân gây ra sốt và đánh giá hiện tượng bội nhiễm do sốt xuất huyết.

 

Kết quả xét nghiệm có ý nghĩa gì?

Sau khi phân tích các chỉ số xét nghiệm sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ nhận được kết quả sau một vài giờ tùy thuộc vào loại xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có bị sốt xuất huyết hay không:

  • Dương tính: Kết quả này có nghĩa là bệnh nhân đã bị nhiễm virus sốt xuất huyết trong máu.
  • Âm tính: Bệnh nhân chưa bị nhiễm virus hoặc thời điểm kiểm tra chưa thích hợp, hoặc tỷ lệ virus trong máu chưa đủ ngưỡng phát hiện (âm tính giả). Nếu bệnh nhân nghi ngờ đã tiếp xúc với virus sốt xuất huyết hoặc có các triệu chứng nhiễm trùng, nên trao đổi kỹ với bác sĩ về việc bạn có cần phải kiểm tra lại hay không.

 

Cần làm gì để dự phòng sốt xuất huyết Dengue?

Những việc cần làm để không bị bệnh sốt xuất huyết

  • Diệt muỗi và không để muỗi chích bằng các biện pháp: dùng bình xịt muỗi, nhang muỗi, bôi kem chống muỗi, ngủ mùng kể cả ban ngày.
  • Diệt lăng quăng và không để muỗi sinh sản:
    • súc rửa hồ, phuy, lu, xô chứa nước trước khi thay nước mới.
    • đậy kín nắp lu, hồ, phuy khi không sử dụng.
    • thay nước bình bông, chén nước cúng hằng ngày.
    • thu gom và xử lý các vật phế thải.
    • thường xuyên tìm và xử lý các vị trí, đồ vật có thể bị đọng nước trong và xung quanh nhà.

 Những việc cần làm khi theo dõi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà

  • Người có triệu chứng sốt nên đi khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và hướng dẫn theo dõi tại nhà…
  • Uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Uống nhiều nước.
  • Nếu thấy một trong các dấu hiệu sau: lừ đừ, mệt mỏi, chi lạnh, nôn ói nhiều, đau bụng, xuất huyết nhiều thì đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Bộ Y Tế. Chỉ thị số 07/CT-BYT Về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết, ngày 29 tháng 07 năm 2019.
  • Bộ Y Tế. Quyết định số 3705/QĐ-BYT Về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue, ngày 22 tháng 08 năm 2019.
  • Phan Văn Bé Bảy, Hoàng Tiến Mỹ. Xét nghiệm elisa phát hiện kháng nguyên NS1 trong chẩn đoán sốt dengue/sốt xuất huyết dengue. Y học TP. Hồ Chí Minh * Tập 13 * Phụ bản số 1 * 2009: 249-255.
  • Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM. Bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM 7 tháng đầu năm 2019.
  • Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM. Thông tin bệnh truyền nhiễm tháng 10 năm 2019.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?