Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Các lipid chính trong hệ tuần hoàn (cholesterol, triglycerid, phospholipid) có bản chất là mỡ nên không tan trong nước. Để lưu hành trong máu, các chất này phải gắn kết với protein gọi là apolipoprotein.

Lipid kết hợp với apolipoprotein tạo thành lipoprotein. Cholesterol là steroid chính trong cơ thể con người và nó được tích hợp chủ yếu trong các lipoprotein loại HDL, LDL, VLDL và một ít trong Chylomicron.

Nguồn gốc cholesterol từ đâu?

– Cholesterol huyết tương lưu hành trong tuần hoàn có xuất xứ từ 2 nguồn gốc: nguồn gốc ngoại sinh (từ thức ăn) và nguồn gốc nội sinh (do cơ thể tổng hợp từ acetyl CoA).

  • Cholesterol ngoại sinh được vận chuyển từ ruột đến gan nhờ chylomicron (CM), còn cholesterol nội sinh được tổng hợp chủ yếu tại gan (khoảng 1,2g/ ngày), một phần được vận chuyển tới tế bào ngoại biên bởi các lipoprotein như VLDL, LDL, HDL, phần khác theo mật xuống ruột. Ở ruột, cholesterol lại được tái hấp thu hoặc biến đổi thành coprosterol thải theo phân.
  • Khoảng 20 – 45% cholesterol huyết tương ở dạng tự do, 60 – 75% ở dạng ester hoá với acid béo. Trong xét nghiệm, 2 dạng này được định lượng chung là cholesterol toàn phần.

– Tại các mô ngoại vi, cholesterol có các chức năng sau đây:

  • Tham gia vào quá trình tổng hợp màng tế bào.
  • Tham gia vào quá trình tổng hợp vitamin D.
  • Là tiền chất để tổng hợp các hormon steroid như hormon sinh dục (estrogen, progesterol), hormon vỏ thượng thận (glucocorticoid, mineralcorticoid).
  • Hoặc lắng đọng tại nội mô các mạch máu, hình thành mảng xơ vữa động mạch.

– Cholesterol được phân huỷ tại:

  • Gan: cholesterol có thể được tích trữ trong gan hoặc được chuyển thành muối mật và thải trừ qua ống mật chủ.
  • Đường tiêu hoá: chỉ có 20 – 40% cholesterol ăn vào được hấp thu, phần còn lại được thải ra ngoài theo phân.
  • Thận.
  • Xét nghiệm nồng độ cholesterol toàn phần thường kết hợp với triglycerid máu, HDL cholesterol, LDL cholesterol để đánh giá tình trạng chuyển hoá cholesterol trong cơ thể.

Tìm hiểu thêm:

> Mỡ máu gây hại – LDL Cholesterol

> Mỡ máu có lợi – HDL Cholesterol

Mục đích và chỉ định xét nghiệm cholesterol

Xét nghiệm này thường được chỉ định để:

  • Đánh giá tình trạng rối loạn mỡ máu.
  • Đánh giá nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch.
  • Nghiên cứu chức năng lipid của gan.
  • Hỗ trợ chẩn đoán các tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp.

>> Tham khảo: Xét nghiệm mỡ máu – Triglycerid

Những đối tượng nào cần xét nghiệm cholesterol toàn phần?

Mọi người đều nên thực hiện xét nghiệm kiểm tra nồng độ Cholesterol máu định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên. Ngoài ra, kiểm tra cholesterol rất quan trọng nếu đối với những người có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Tiền sử gia đình mắc rối loạn lipid máu hoặc bệnh tim mạch
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Uống rượu thường xuyên
  • Hút thuốc lá
  • Có lối sống tĩnh tại
  • Mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, hội chứng buồng trứng đa nang hoặc tuyến giáp kém hoạt động.

Tất cả những điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển cholesterol cao.

Yêu cầu khi đi xét nghiệm cholesterol

Xét nghiệm được tiến hành trên huyết tương. Bệnh nhân cần nhịn ăn và uống 12 giờ trước khi lấy máu xét nghiệm (có thể uống nước lọc).

Tuyệt đối không dùng rượu bia, chất kích thích, đồ uống có ga, có cồn trước xét nghiệm 24 giờ, vì có thể làm sai lệch kết quả.

Trước khi xét nghiệm, bạn cũng nên nói với bác sĩ về:

  • Bất kỳ triệu chứng hoặc vấn đề sức khỏe nào bạn đang gặp phải.
  • Tiền sử gia đình bạn về sức khỏe tim mạch.
  • Tất cả các loại thuốc và chất bổ sung mà bạn hiện đang dùng.
  • Nếu bạn đang dùng các loại thuốc có thể làm tăng mức cholesterol, chẳng hạn như thuốc tránh thai, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng dùng thuốc một vài ngày trước khi xét nghiệm.

Các yếu tố làm thay đổi kết quả xét nghiệm cholesterol

  • Nồng độ cholesterol máu thay đổi theo từng cá thể, mức độ chênh lệch có thể lên đến 10%.
  • Nồng độ cholesterol máu thay đổi theo mùa, tăng hơn 8% vào mùa đông so với mùa hè.
  • Tư thế lấy máu có thể làm dao động nồng độ cholesterol máu (giảm hơn 5% ở tư thế ngồi lấy máu và giảm 10 – 15% ở tư thế nằm lấy máu so với tư thế đứng).
  • Các yếu tố khác có thể làm tăng nồng độ cholesterol máu bao gồm: hút thuốc lá, tuổi (nam >45 tuổi, nữ > 55 tuổi), tăng huyết áp (huyết áp > 140/90 mmHg hoặc người đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp), tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm, tiền sử bệnh tim và đái tháo đường.
  • Các thuốc làm tăng nồng độ cholesterol máu: thuốc an thần, thuốc tránh thai, corticosteroid, lithium,…
  • Các thuốc làm giảm nồng dộ cholesterol máu: estrogen, levothyroxine, metformin,…

Giá trị bình thường của cholesterol toàn phần

Cholesterol toàn phần:

  • < 10 tuổi: 100 – 180 mg/dL hay 2,6 – 4,7 mmol/L.
  • 10 – 20 tuổi: 120 – 180 mg/dL hay 3,1 – 4,7 mmol/L.
  • > 20 tuổi: 120 – 200 mg/dL hay 3,1 – 5,2 mmol/L.

Giá trị bình thường mong muốn đạt được: <200 mg/dl hay < 5,2 mmol/L.

Cholesterol tăng cao do đâu?

Giá trị bất thường:

  • Khá cao: 200 – 239 mg/dL hay 5,18 – 6,19 mmol/L.
  • Cao: > 239 mmol/L hay 6,19 mmol/L.

Nguyên nhân chính thường gặp là:

  • Khẩu phần ăn giàu cholesterol và các acid béo bão hoà
  • Bệnh xơ vữa động mạch
  • Bệnh tim mạch
  • Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt
  • Tăng cholesterol có tính chất gia đình
  • Tăng lipoprotein máu có tính chất gia đinh (tuýp IIa, IIb, III)
  • Tăng triglycerid máu
  • Bệnh lý dự trữ glycogen: bệnh von Gierke và bệnh Werner
  • Suy giáp
  • Suy thận, hội chứng thận hư
  • Tắc mật
  • Xơ gan, bệnh lý tế bào gan
  • Rối loạn chức năng tuỵ
  • Có thai, tiền sản giật
  • Thói quen không tốt như hút thuốc lá, uống rượu bia hay dùng các chất kích thích.

Cholesterol toàn phần giảm do đâu?

Nguyên nhân chính làm giảm nồng độ cholesterol máu là:

  • Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV/AIDS)
  • Suy dinh dưỡng
  • Hội chứng giảm hấp thu: cắt đoạn ruột, viêm tuỵ mạn, bệnh Crohn
  • Khẩu phần ăn nghèo cholesterol
  • Cường giáp
  • Suy tế bào gan
  • Điều trị bằng thuốc giảm mỡ máu
  • Bệnh không có β-lipoprotein máu có tính chất gia đình
  • Bệnh tăng α-lipoprotein máu có tính chất gia đình (bệnh Tangier)
  • Thiếu máu tan máu, thiếu máu mạn, thiếu máu Biermer
  • Nhiễm trùng nặng và sepsis
  • Stress
  • Bệnh lý tăng sinh tuỷ

> Tìm hiểu thêm:

Thiếu máu là dấu hiệu bệnh gì?

Glucose là gì? Chỉ số glucose trong cơ thể chuẩn

Làm gì để kiểm soát khi có kết quả xét nghiệm cholesterol máu tăng cao?

Cholesterol máu có thể cao ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng gì, do đó các chuyên gia y tế khuyên tất cả người trưởng thành nên xét nghiệm cholesterol máu theo định kỳ để theo dõi, kiểm soát cholesterol máu ít nhất 5 năm/lần. Nếu kết quả xét nghiệm cholesterol cao, việc phát hiện sớm sẽ giúp quá trình điều trị thuận lợi và hiệu quả hơn.

Nồng độ cholesterol cao có thể được điều trị bằng việc thay đổi lối sống và điều trị với thuốc. Giảm mức cholesterol trong máu có thể giúp bạn tránh được các vấn đề về tim và mạch máu. Để giúp giảm mức cholesterol của bạn:

  • Bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu.
  • Tránh thực phẩm giàu chất béo và natri cao, đồng thời duy trì một chế độ ăn uống cân bằng. Ăn nhiều loại rau, trái cây, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo và các nguồn protein nạc.
  • Tập luyện đêu đặn. Cố gắng thực hiện 150 phút hoạt động aerobic cường độ vừa phải mỗi tuần, cũng như hai buổi tập các hoạt động tăng cường cơ bắp.

Một số thực phẩm giúp đường tiêu hóa của bạn hấp thụ ít cholesterol hơn mà bạn nên ăn:

  • Yến mạch, lúa mạch và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác.
  • Trái cây như táo, lê, chuối và cam.
  • Rau như cà tím và đậu bắp.
  • Các loại đậu, chẳng hạn như đậu tây, đậu xanh và đậu lăng.

◊◊ TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.
  • Chương 8 – Hoá sinh lâm sàng, 2005, Bộ môn Hoá sinh – ĐHYD TPHCM.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?