Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Bộ xét nghiệm sinh hoá mỡ máu thường gồm 4 chỉ số: Cholesterol, Triglycerid, HDL- cholesterol và LDL – cholesterol. Trong đó, LDL – cholesterol được xem là một loại chất béo không tốt cho cơ thể.

LDL – cholesterol là gì?

LDL – cholesterol hay Low Density Lipoprotein Cholesterol là một loại lipoprotein được tạo thành do quá trình chuyển hoá VLDL nhờ enzym lipoprotein lipase, tham gia vận chuyển Cholesterol nội sinh trong cơ thể.

Cholesterol từ thức ăn hay do cơ thể tổng hợp, do có bản chất là không tan trong nước, nên để di chuyển được trong máu đến các mô cần  một chiếc xe chuyên chở và đó là các lipoprotein VLDL, IDL, LDL và Chylomicron. Và LDL – cholesterol đóng vai trò vận chuyển cholesterol từ gan đến các mô để sử dụng, trong đó có thành mạch.

Tuy nhiên, nếu LDL – cholesterol tăng lên quá cao, lipid sẽ được chuyển đến thành mạch nhiều hơn và là nguy cơ cho xơ vừa động mạch. Vì vậy, LDL – cholesterol là một chất béo không tốt, còn được gọi là Lipoprotein gây xơ vữa.. 

Mục đích và chỉ định xét nghiệm LDL

Xét nghiệm này thường được chỉ định để:

  • Đánh giá tình trạng rối loạn mỡ máu.
  • Đánh giá nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch.
  • Nghiên cứu chức năng lipid của gan.
  • Hỗ trợ chẩn đoán các tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp.

Những đối tượng nào cần xét nghiệm LDL – cholesterol?

  • Xét nghiệm nồng độ LDL – cholesterol thường kết hợp với triglycerid máu, cholesterol toàn phần, HDL cholesterol để đánh giá tình trạng chuyển hoá cholesterol trong cơ thể .
  • Các chuyên gia y tế khuyên tất cả người lớn từ 20 tuổi trở lên nên xét nghiệm lipid máu theo định kỳ ít nhất 5 năm/lần để theo dõi tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, những người có các yếu tố nguy cơ sau cần đi kiểm tra thường xuyên hơn:
  • Tiền sử gia đình mắc rối loạn lipid máu sớm hoặc bệnh tim mạch.
  • Tuổi cao: nữ giới tứ 45 tuổi trở lên và nam giới từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn.
  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Uống rượu thường xuyên.
  • Hút thuốc lá.
  • Có lối sống tĩnh tại, ít tập luyện thể thao.
  • Mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, hội chứng buồng trứng đa nang hoặc tuyến giáp kém hoạt động.

Yêu cầu khi đi xét nghiệm LDL

Xét nghiệm được tiến hành trên huyết tương. Bệnh nhân cần nhịn ăn và uống 12 giờ trước khi lấy máu xét nghiệm (có thể uống nước lọc).

Tuyệt đối không dùng rượu bia, chất kích thích, đồ uống có ga, có cồn trước xét nghiệm 24 giờ, vì có thể làm sai lệch kết quả.

Trước khi xét nghiệm, bạn cũng nên nói với bác sĩ về:

  • Bất kỳ triệu chứng hoặc vấn đề sức khỏe nào bạn đang gặp phải
  • Tiền sử gia đình bạn về sức khỏe tim mạch
  • Tất cả các loại thuốc và chất bổ sung mà bạn hiện đang dùng
  • Nếu bạn đang dùng các loại thuốc có thể làm tăng mức cholesterol, chẳng hạn như thuốc tránh thai, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng dùng thuốc một vài ngày trước khi xét nghiệm.

Giá trị bình thường LDL

80 – 150 mg/dL hay 2,1 – 3,9 mmol/L.

Các phương pháp định lượng LDL – Cholesterol:

Hiện nay có 3 phương pháp xác định cholesterol nhập trong LDL – cholesterol:

  • Định lượng trực tiếp bằng phượng pháp enzym so màu.
  • Định lượng sau khi tách trên cột thạch agar.
  • Tính toán từ cộng thức của Friederwald sau khi xác định cholesterol toàn phần, triglycerid và HDL – cholesterol.

LDL (mmol/L) = Cholesterol toàn phần – HDL – Triglycerid/2,2

LDL (mg/dL)   = Cholesterol toàn phần – HDL – Triglycerid/5

LDL – Cholesterol tăng cao do đâu?

Nguyên nhân chính thường gặp là:

    • Tăng cholesterol máu có tính chất gia đình
    • Hội chứng thận hư
    • Bệnh lý gan
    • Tắc mật
    • Suy thận mạn
    • Tăng lipid máu tuýp II và III
    • Đái tháo đường

LDL – Cholesterol toàn phần giảm do đâu?

Nguyên nhân chính làm giảm nồng độ LDL – cholesterol máu là:

  • Tăng lipid máu tuýp I
  • Giảm lipoprotein máu
  • Thiếu máu mạn
  • Bệnh lý tế bào gan
  • Cường giáp
  • Bệnh Tangier
  • Thiếu hụt lecithin cholesterol acyltransferase
  • Thiếu hụt Apo C-II
  • Bệnh không có β-lipoprotein máu

LDL – cholesterol tăng cao có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ không?

Cholesterol trong các mảng xơ vữa động mạch hầu như do LDL mang đến. Nồng độ LDL – cholesterol trong máu càng cao, càng có nguy cơ ứ đọng cholesterol trong thành mạch, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch:

  • Đau thắt ngực
  • Nhồi máu cơ tim
  • Suy tim
  • Sốc tim
  • Đột quỵ

Làm thế nào để kiếm soát LDL – cholesterol?

Do LDL là “cholesterol không tốt” nên trong xét nghiệm này thì chỉ số LDL càng thấp càng tốt. Để kiểm soát nồng độ LDL – cholesterol đòi hỏi sự kiên trì thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ ăn lành mạnh và tập luyện hợp lý. Càng bắt đầu cuộc sống lành mạnh sớm bao nhiêu thì kết quả càng tốt bấy nhiêu:

Chế độ ăn uống:

Một số thực phẩm tốt giúp làm giảm lượng LDL – cholesterol máu:

  • Ăn nhiều rau, hoa quả
  • Ăn các loại ngũ cốc
  • Uống sữa không béo
  • Thịt nạc, thịt gia cầm không da
  • Cá béo (nhiều dầu), ít nhất 2 lần/tuần
  • Dầu thực vật không bão hòa (dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu đậu nành…)

Bên cạnh đó, chúng ta cần tránh những thực phẩm làm tăng cao LDL – cholesterol:

  • Bơ thực vật, mỡ động vật, thịt động vật chưa lọc mỡ
  • Sữa béo (nguyên kem)
  • Phủ tạng động vật
  • Thức ăn chế biến sẵn: pate, xúc xích,…
  • Các đồ ăn chiên rán, đồ ăn nhanh (bao gồm cả mì ăn liền)
  • Dầu thực vật nhiều chất béo bão hòa: dầu dừa, dầu cọ, dầu hạnh nhân…

Chế độ tập luyện:

  • Bên cạnh việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, việc rèn luyện sức khoẻ cũng vô cùng quan trọng.
  • Các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên dành ít nhất 30 mỗi ngày để tập luyện thể dục. Chế độ tập luyện đều đặn với cường độ hợp lý giúp cơ thể khoẻ mạnh hơn và đẩy lùi bệnh tật.

Chế độ sinh hoạt:

  • Bỏ hút thuốc lá: hút thuốc không những làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, mà còn rất hại cho phổi không chỉ của người hút mà còn của những người xung quanh hít phải khói thuốc.
  • Bỏ rượu bia: việc uống rượu bia không những có hại cho cơ thể, mà còn khiến kết quả xét nghiệm trở nên bất ổn định.
  • Chế độ giảm cân hợp lý nếu đang trong tình trạng thừa cân.
  • Tránh lối sống tĩnh tại, tránh căng thẳng.

◊◊ TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.
  • Hoá sinh lâm sàng, 2005, Bộ môn Hoá sinh – ĐHYD TPHCM.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?