Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Hệ thống nhóm máu Rh là một hệ nhóm máu vô cùng quan trọng ở người bên cạnh hệ ABO. Tuy nhiên, không nhiều người hiểu về hệ Rh này cũng như những ý nghĩa đặc biệt của nó trong truyền máu và sản khoa.

 

Có bao nhiêu hệ nhóm máu?

Năm 1901, nhà bác học vĩ đại Karl Landsteiner đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO, mở ra kỷ nguyên mới trong thực hành truyền máu. Những năm sau đó, nhiều hệ nhóm máu hồng cầu khác đã được phát hiện như hệ nhóm máu Rh, Kell, Kidd, Duffy, Lewis, MNS…

Năm 2019, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 39 hệ nhóm máu hồng cầu với 367 kháng nguyên nhóm máu khác nhau; trong đó, hai hệ nhóm máu ABO và Rh là quan trọng nhất trong hoạt động truyền máu.

Mỗi hệ nhóm máu lại có các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay vắng mặt của kháng nguyên mang đặc tính di truyền trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh của người đó. Hệ nhóm máu Rh có hệ kháng nguyên đa dạng và phức tạp nhất với hơn 50 kháng nguyên, trong đó kháng nguyên D là phổ biến nhất.

> Xem thêm:

Phân loại nhóm máu hệ ABO, khi nào cần xét nghiệm nhóm máu?

Fibrinogen tăng cao khi nào?

Lịch sử nhóm máu

Năm 1939, Levine nhận thấy sự hiện diện trong huyết thanh của một phụ nữ vừa mới sinh  một đứa con bị bệnh thiếu máu tan máu có một kháng thể làm ngưng kết hồng cầu của con và người cha nhưng không làm ngưng kết hồng cầu người mẹ. Do đó, ông chứng minh được hiện tượng bất đồng miễn dịch giữa mẹ và thai nhi do có một kháng nguyên hiện diện trên bề mặt hồng cầu của thai nhưng không có trên hồng cầu người mẹ. Kháng thể do Levine phát hiện làm ngưng kết hồng cầu của 85% người da trắng và như vậy xác định được một hệ thống nhóm máu mới.

Năm 1940, Landsteiner Wiener dùng máu khỉ Macacus Rhesus tiêm cho thỏ để tạo kháng thể chống hồng cầu khỉ. Kháng thể này gây ngưng kết hồng cầu khỉ đồng thời gây ngưng kết 85% mẫu máu của người da trắng vùng Newyork.

Hai loại kháng thể do Levine và Landsteiner phát hiện đều chung một đặc tính gọi là Rh. Người có hồng cầu bị ngưng kết với kháng thể chống Rh là người có nhóm máu Rh dương, người có hồng cầu không bị ngưng kết với kháng thể chống Rh là người có nhóm máu Rh âm.

 

Nhóm máu Rh là gì?

Hệ nhóm máu Rh là một trong 35 hệ thống các nhóm máu đã được phát hiện ở người, có vai trò quan trọng cùng với hệ ABO. Hệ Rh có những đặc điểm rất quan trọng, do đó đặc biệt cần phải chú ý.

Hệ Rh có khoảng 50 loại kháng nguyên, trong đó 5 loại kháng nguyên được biết đến nhiều hơn đó là D, C, c, E và e. Trong 5 loại này, kháng nguyên D có vai trò quan trọng nhất và có ý nghĩa y học, do đó việc xác định nhóm Rh của một người được quy ước phụ thuộc vào việc bề mặt hồng cầu người đó có mặt kháng nguyên D hay không.

Nhóm máu của hệ Rh được chia thành 2 loại đó là Rh(+) là có kháng nguyên D và Rh(-) không có kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu. Khi kết hợp với hệ ABO sẽ cho ra nhóm máu như chúng ta vẫn thường thấy là A(+), B(+), AB(+), O(-),…

Theo thống kê, tỷ lệ Rh(+) của người da trắng là 85%, người Mỹ da đen là 95%, người Phi da đen là 100%, người Việt là 99,96%. Nói cách khác, tỷ lệ Rh(-) của người Việt là 0,04% (rất hiếm). Bình thường, người mang nhóm máu Rh(-) sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt như phụ nữ mang thai, truyền máu,… thì Rh(-) lại là một yếu tố quan trọng cần phải đặc biệt chú ý.

 

Khả năng truyền máu

Khi người có Rh(-) trong máu được truyền bằng máu có kháng nguyên Rh(+) thì sẽ xuất hiện kháng thể chống Rh, gây ngưng kết hồng cầu, sinh ra tai biến. Do đó:

  • Nhóm máu Rh(+) chỉ có thể truyền cho nhóm máu: Rh(+).
  • RhD (+) có thể nhận máu truyền từ những người có nhóm máu: Rh(-) và Rh(+).
  • ​Nhóm máu Rh(-) là nhóm máu hiếm, chỉ có thể nhận máu từ những người cùng nhóm Rh (-), nhưng có thể truyền máu cho nhóm Rh(+).

 

Lưu ý về nhóm máu Rhesus ở phụ nữ mang thai

  • Trường hợp người mẹ mang thai có nhóm máu Rh(-), người cha có nhóm Rh(+)thì theo qui luật di truyền, có ít nhất 50% trẻ khi sinh ra có nhóm máu giống cha.
  • Khác với hệ ABO, người có Rh(-) trong máu không có kháng thể, chỉ khi có hồng cầu mang Rh (+) xâm nhập vào, cơ thể mới phản ứng sản xuất ra kháng thể chống lại yếu tố Rh. Vì vậy nếu thai nhi có nhóm máu là Rh(+), trong quá trình mang thai nếu có một lượng nhỏ hồng cầu của thai thông qua bánh nhau mà vào cơ thể mẹ sẽ làm phát sinh kháng thể và xâm nhập ngược lại vào thai nhi chống lại kháng nguyên Rh(+) có trên bề mặt hồng cầu của thai gây ngưng kết hồng cầu hay gọi là thiếu máu tan huyết, có thể bị sẩy thai hoặc đẻ non.
  • Nếu có thai lần tiếp theo và thai vẫn có Rh(+) càng bị tác hại nặng hơn lần đầu.

 

Xét nghiệm định nhóm máu Rh

  • Nguyên lý định nhóm máu:  Dùng kháng thể mẫu đã biết để phát hiện kháng nguyên tương ứng trên màng hồng cầu.
  • Phương pháp định nhóm máu:
    • Định nhóm máu trên phiến đá
    • Định nhóm máu kỹ thuật ống nghiệm
    • Định nhóm máu kỹ thuật Gel-card

 

Khi nào cần xét nghiệm nhóm máu?

  • Trước khi truyền máu người bệnh và người cho máu được thực hiện xét nghiệm này để giảm thiểu tối đa các tai biến truyền máu có thể xảy ra.
  • Trước phẫu thuật, ghép tạng mô cần kiểm tra sự tương thích.
  • Kiểm soát các nguy cơ do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con.
  • Xác định vết máu phục vụ cho pháp y, điều tra tội phạm.
  • Về di truyền học: xét nghiệm này phục vụ cho việc xác định huyết thống.
  • Khi bệnh nhân có nhu cầu biết về nhóm máu của mình.

> Tìm hiểu thêm:

Cách nhận biết nhóm máu chính xác nhất

Prothrombin là gì, có ý nghĩa như thế nào?

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Huyết học lâm sàng, 1998, PGS. Trần Văn Bé.
  • Kỹ thuật xét nghiệm huyết học – truyền máu, 2009, TS. BSCK2. Hà Thị Anh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?