Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

ĐẠM MÁU – PROTEIN TOÀN PHẦN

Trong một số trường hợp khi đi khám sức khoẻ định kỳ hay xét nghiệm, các bác sĩ thường cho xét nghiệm protein máu, vậy protein là gì? Chúng bao gồm những thành phần nào?

Protein toàn phần là gì?

Protein trong máu bao gồm albumin và các globulin.

Albumin được tống hợp ở gan và đảm bảo các chức năng sống sau đây của cơ thể:

  • Tham gia duy trì áp lực keo (giữ nước lại trong lòng mạch) của huyết tương.
  • Đảm bảo sự vận chuyển nhiều chất (ví dụ: bilirubin, các acid béo tự do, cholesterol, Ca2+, Mg2+, các hormon,…) và thuốc. Các chất này kết hợp với albumin khi chúng lưu hành trong máu.

Globulin trong cơ thể có 3 loại: alpha (α), beta (β) và gamma (γ) globulin.

  • Các alpha globulin được tổng hợp ở gan, bao gồm:
    • Alpha1 globulin như: alpha1 antitrypsin, alpha fetoprotein và globulin gắn với thyroxin (thyroxin – binding globulin, TBG).
    • Alpha2 globulin như: haptoglobin (bán kháng nguyên, ceruloplasmin (protein chuyên chở đồng), HDL và alpha2 macroglobulin.
  • Các beta globulin cũng được tổng hợp ở gan, bao gồm: transferrin (vận chuyển sắt), plasminogen (tiêu fibrin), LDL và các bổ thể.
  • Các gamma globulin còn được gọi là globulin miễn dịch hay Immunoglobulin (Ig) do các bạch cầu lympho B sản xuất khi tiếp xúc với kháng nguyên. Các globulin miễn dịch bao gồm IgA, IgG, IgM, IgE và IgD.

Các globulin đảm bảo các chức năng sống sau đây của cơ thể:

  • Tham gia thăng bằng kiềm toan.
  • Tham gia vào quá trình đáp ứng viêm của cơ thể.
  • Đóng vai trò chủ đạo trong cơ chế phòng vệ miễn dịch và sản xuất kháng thể.
  • Điều hoà quá trình đông máu và tiêu fibrin.

Các xét nghiệm thường sử dụng để định lượng protein

Bên cạnh xét nghiệm định lượng protein toàn phần trong máu (chỉ cho phép biết được sử tăng hay giảm protein), còn có nhiều kỹ thuật chuyên sâu hơn để phát hiện các bất thường trong từng thành phần protein của cơ thể, bao gồm:

  • Điện di protein huyết thanh: đây là phương pháp thường được sử dụng để xác định albumin và các globulin. Kỹ thuật này sử dụng đặc tính của protein, trong đó mỗi phân tử protein là một anion. Trong môi trường kiềm, chúng sẽ di chuyển trong điện trường từ cực âm tới cực dương theo từng tốc độ riêng và cho phép tách protein thành 5 thành phần: albumin, alpha1, alpha2, beta và gamma globulin.
  • Điện di miễn dịch protein huyết thanh: kỹ thuật này là sự kết hợp giữa điện di protein huyết thanh với kết tủa từng loại protein bằng các huyết thanh miễn dịch đặc hiệu. Nhờ đó, ta có thể định tính được các globulin miễn dịch cũng như chứng minh được đặc điểm đơn dòng hay đa dòng của các globulin miễn dịch.
  • Các bệnh lý miễn dịch đơn dòng thường đi kèm với các bệnh lý ung thư hay các bệnh ác tính khác như đa u tuỷ xương, bệnh bạch cầu, nhiễm amyloid,…
  • Các bệnh lý miễn dịch đa dòng có thể là hậu quả của phản ứng viêm.
  • Định lượng các globulin miễn dịch hay còn gọi là điện di globulin miễn dịch. Kỹ thuật này sử dụng các huyết thanh miễn dịch đặc hiệu cho phép định lượng IgG, IgM, IgA. Xét nghiệm này thường được sử dụng sau khi thực hiện điện di miễn dịch các protein huyết thanh phát hiện có bệnh lý miễn dịch đơn dòng nhằm xác định chẩn đoán hoặc loại trừ bệnh đa u tuỷ xương. 

Mục đích và chỉ định xét nghiệm protein toàn phần

Xét nghiệm protein toàn phần thường được chỉ định để:

  • Theo dõi các bệnh nhân bị bệnh lý gamma globulin miễn dịch đơn dòng.
  • Chẩn đoán các bệnh lý gamma globulin miễn dịch đơn dòng khi sử dụng kết hợp với test cố định miễn dịch.
  • Hỗ trợ chẩn đoán bệnh gan, tình trạng giảm gamma globulin, tình trạng viêm, bênh lý u tân sinh, bệnh thận và bệnh đường tiêu hoá.

Bạn sẽ đi xét nghiệm protein máu khi nào?

Xét nghiệm protein toàn phần là một xét nghiệm cơ bản và được thực hiện khá phổ biến trong khám sức khỏe tổng quát. Có thể tiến hành làm xét nghiệm bất cứ lúc nào nếu có nhu cầu muốn kiểm tra nồng độ protein để biết được tình trạng sức khỏe của bản thân.

Ngoài ra những người mắc các bệnh lý về gan, thận, đường tiêu hóa là đối tượng được bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện xét nghiệm protein định kỳ. Qua đó đánh giá sự tiến triển của bệnh và theo dõi hiệu quả điều trị.

Một số biểu hiện trên lâm sàng cần chú ý để đo nồng độ protein đó là:

Đây là một xét nghiệm đơn giản, dễ thực hiện và chi phí thấp, do đó mọi người nên thực hiện xét nghiệm định kỳ để theo dõi và kiểm soát tình trạng sức khỏe của mình.

Yêu cầu khi đi xét nghiệm

Xét nghiệm được tiến hành trên huyết tương. Thường không cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm. Tuy nhiên, để đảm bảo các chỉ số xét nghiệm khác cho kết quả chính xác (đường máu, mỡ máu, chức năng thận…) thì tốt nhất nên nhịn ăn khoảng 8h trước khi lấy máu.

Cần lưu ý là tình trạng tăng β-lipoprotein máu và một số thường có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm.

Giá trị bình thường protein toàn phần

  • Protein toàn phần trong huyết thanh: 60 – 80 g/L
  • Albumin: 35 – 30 g/L
  • Alpha1 globulin: 1 – 4 g/L
  • Alpha2 globulin: 5 – 10 g/L
  • Beta globulin: 5 – 9 g/L
  • Gamma globulin: 6 – 14 g/L

Protein toàn phần máu tăng khi nào?

  • Mất nước nặng (nôn ói, tiêu chảy).
  • Bệnh đa u tuỷ xương.
  • Bệnh tăng macroglobulin máu Waldenstrom.
  • Nhiễm khuẩn mạn dính và các bệnh tự miễn gây tăng gamma globulin.
  • Bệnh sarcoidose.

Protein toàn phần máu giảm khi nào?

  • Hoà loãng máu.
  • Suy dinh dưỡng, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch không có protein.
  • Xơ gan, viêm gan mạn tính.
  • Hội chứng giảm hấp thu, cắt ruột non, rò ruột.
  • Đái tháo đường, viêm cầu thận, tổn thương ống thận, hội chứng thận hư, tiền sản giật.
  • Bỏng, cổ chướng.

Lợi ích của xét nghiệm từng thành phần protein máu

Xt nghiệm từng thành phần protein trong máu giúp định hương chẩn đoán nhiều bệnh lý thường gặp trên lâm sàng:

Nồng độ albumin máu:

  • Giảm nồng độ albulin máu xuống dưới 45% luôn mang ý nghĩa bệnh lý và có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó thường gặp nhất là tình trạng giảm hấp thu (tiêu chảy mạn tình) và xơ gan.
  • Tăng nồng độ albumin máu thường không có ý nghĩa chuyên biệt nào.

Nồng độ globulin máu:

  • Tăng nồng độ globulin máu giúp là tình huống hay gặp trong lâm sàng giúp định hướng:
    • Bệnh lý gan.
    • Tình trạng viêm.
    • Đáp ứng sinh miễn dịch của cơ thể với kháng nguyên vi sinh vật.
    • Bệnh bạch cầu đơn dòng.
  • Giảm nồng độ globulin máu thường hiếm gặp hơn, ngoài trường hợp do bệnh bẩm sinh hay trẻ sinh non, giảm globulin máu còn gặp trong hoại tử gan cấp hay bệnh lý ác tính của hệ võng nội mô.

Điện di protein máu: xét nghiệm này thường được chỉ định khi có tình trạng tăng nồng độ protein toàn phần.

 

◊ TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?