Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Men gan là một chỉ số thường được sử dụng trong việc chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến gan mật, điển hình là viêm gan B, gan nhiễm mỡ,… Hãy cùng phòng khám nội soi dạ dày Endo Clinic tìm hiểu men gan AST và ALT là gì nhé!

Transaminase hay Aminotransferase là các enzym được phân bố rộng rãi trong tế bào, có vai trò cơ bản là chuyển nhóm amin (NH2) của acid amin (alanin hay acid aspartic) tới acid cetonic (acid α-cetoglutaric).

Chỉ số AST, ALT là gì?

Chỉ số AST (SGOT)

AST (Aspartate AminoTransferase) hay SGOT ( Serum Glutamate Oxaloacetate Transaminase) là enzym xúc tác phản ứng:

L-Aspartat +  acid α-cetoglutaric  ‹—›  Oxaloacetat + L-glutamat

Các AST có mặt trong bào tương và cả ti thể của các tế bào theo thứ tự giảm dần như sau:

    • Tim
    • Gan
    • Cơ xương
    • Thận
    • Tuỵ tạng
    • Hồng cầu
    • Tiểu cầu

Khi có tình trạng tổn thương hay chết tế bào có chứa AST, enzym này sẽ được giải phóng vào tuần hoàn. Thời gian bán huỷ trong máu là 17 giờ.

Chỉ số ALT (SGPT)

ALT (Alanin AminoTransferase) hay SGPT (Serum Glutamate Pyruvate Transaminase) là enzym xúc tác phản ứng:

L-Alanin +  acid α-cetoglutaric  ‹—›  Pyruvat + L-glutamat

Chúng có mặt trong bào tương của các tế bào theo thứ tự giảm dần như sau:

    • Gan
    • Thận
    • Tim
    • Cơ xương.

Thời gian bán huỷ trong máu là 47 giờ.

Xét nghiệm AST, ALT là gì?

Xét nghiệm AST, ALT là xét nghiệm nhằm xác định hoạt độ các enzym này trong huyết tương.

Trong nhồi máu cơ tim, các transaminase (chủ yếu  là AST) tăng lên sớm ngay từ giờ thứ 10 sau cơn đau thắc ngực, đỉnh cao ở 36 giờ và trở lại bình thường vào ngày thứ ba. ALT chỉ tăng nhẹ và tỉ lệ AST/ALT > 1 (thường tăng cao khoảng 4 – 5 lần, nhưng không quá 10 lần). Nói chung, giá trị của transaminase tăng song hành với giá trị của Creatin Kinase (CK) nhằm phản ánh mức độ hoại tử cơ tim.

Trong bệnh lý gan, các transaminase thường tăng sớm và nhanh, ngay trong giai đoạn trước vàng da. Khi tăng < 10 lần (so với giá trị bình thường) thường ít đặc hiệu, mà có thể tăng tới 30 – 50 lần, đôi khi lên đến hơn 100 lần, giá trị này tăng song song với mức độ huỷ tế bào gan và độ nặng của bệnh trên lâm sàng. Giá trị của AST tăng thấp hơn ALT với tỉ lệ AST/ALT < 1 (ngoại trừ xơ gan do rượu, thường >1). Do ALT chỉ nằm trong bào tương, còn AST có cả ở ty thể, nên khi tỉ AST/ALT > 1 chứng tỏ tình trạng huỷ tế bào gan rất nặng. Do đó, AST và ALT là xét nghiệm nhạy, thường quy, sử dụng phổ biến trong bệnh lý gan mật.

Trong bệnh lý cơ xương và các bệnh khác, các transaminase tăng nhẹ.

Lưu ý, Khi giá trị các transaminase tăng, cần chẩn đoán phân biệt nguồn gốc dựa vào hoạt độ CK và GGT:

  • Khi tăng CK, nguồn gốc cơ tim hay cơ vân.
  • Tăng GGT, nguồn gốc gan, mật, tuỵ.

Mục đich xét nghiệm men gan

Xét nghiệm giúp xác định tình trạng phân huỷ tế bào, nhất là các tế bào có nguồn gốc gan, cơ tim hay cơ vân. Vì vậy, xét nghiệm đo hoạt độ AST, ALT nhằm mục đích:

  • Đánh giá tình trạng tổn thương gan.
  • Theo dõi tác động của các thuốc sử dụng có nguy cơ gây độc cho gan.
  • Đánh giá tình trạng tổn thương cơ tim trong nhồi máu cơ tim.

Bạn sẽ đi xét nghiệm men gan khi nào?

Xét nghiệm transaminase là xét nghiệm thường quy khi khám sức khoẻ định kỳ ở người bình thường hay những người có triệu chứng:

  • Cơ thể mệt mỏi.
  • Chán ăn, hoặc ăn uống khó tiêu.
  • Đầy bụng, đau vùng mạn sườn phải.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Vàng da, nước tiểu có màu vàng, phân nhạt màu.
  • Ngứa (lòng bàn tay, toàn thân hoặc các bộ phận khác).

Đặc biệt, các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh gan, cần kiểm tra men gan định kỳ 1 – 3 tháng một lần:

  • Người nghiện rượu bia.
  • Người nhiễm virus viêm gan A, B, C, D, E.
  • Có người thân trong gia đình đã từng mắc các bệnh về gan.
  • Đang sử dụng thuốc có ảnh hưởng không tốt đến gan.
  • Người thừa cân, béo phì hoặc mắc bệnh tiểu đường, các bệnh liên quan đến chuyển hóa trong cơ thể.

Endo Clinic là phòng khám nội soi tiêu hoá chuyên sâu chẩn đoán các bệnh lý về tiêu hóa, trong đó có cả gan – mật – tuỵ. Cô chú, anh chị có thể tham khảo thêm dịch vụ xét nghiệm men gan tại: Bảng giá dịch vụ nội soi hóa.

Cần chuẩn bị gì khi đi xét nghiệm men gan?

Xét nghiệm được tiến hành trên huyết tương. Thường không cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm. Tuy nhiên, để đảm bảo các chỉ số xét nghiệm khác cho kết quả chính xác (đường máu, mỡ máu, chức năng thận…) thì tốt nhất bạn nên nhịn ăn khoảng 8 giờ trước khi lấy máu.

Ngưng sử dụng rượu bia và các loại thuốc điều trị trước khi đi xét nghiệm khoảng 3 – 4 ngày và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Sau khi lấy máu xong, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, tránh thao tác mạnh hoặc mang vác, xách các vật nặng.

Kết quả xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng nếu mẫu máu bị vỡ hồng cầu, huyết thanh đục hoặc do một số thuốc, sản phẩm làm ảnh hưởng đến hoạt độ của men gan.

Giá trị men gan bình thường

Người trưởng thành:

  • AST (GOT): 5 – 34 U/L
  • ALT (GPT) < 55 U/L

Người già: tăng nhẹ so với giá trị bình thường.

Trẻ sơ sinh: tăng 2 – 3 lần giá trị bình thường.

Khi nào men gan tăng cao?

Tăng hoạt độ ALT máu

Bệnh lý gan:

AST/ALT > 1

    • Viêm gan do virus (viêm gan A, viêm gan B, viêm gan không A – không B, CMV, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng).
    • Viêm gan do thuốc (rifampicin, INH, salicylat, heparin).
    • Viêm gan nhiễm độc (CCl4, amanit phalloid).
    • Tắc mật
    • Hoại tử gan

AST/ALT < 1

Nhồi máu cơ tim

Suy giáp với phù niêm

Suy tim mất bù (gan sung huyết)

Sốc (thiếu máu cục bộ gan)

Nhiễm độc thai nghén, viêm tuỵ,…

Tăng hoạt độ AST máu

Bệnh lý tim:

  • Nhồi máu cơ tim
  • Viêm cơ tim
  • Bóp tim ngoài lồng ngực
  • Phẫu thuật tim, sau thông tim
  • Suy tim mất bù (gan sung huyết)

Bệnh lý gan:

AST/ALT > 1

    • Viêm gan do virus (viêm gan A, viêm gan B, viêm gan không A – không B, CMV, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng).
    • Viêm gan do thuốc (rifampicin, INH, salicylat, heparin)
    • Viêm gan nhiễm độc (CCl4, amanit phalloid)
    • Tắc mật
    • Hoại tử gan

AST/ALT < 1

    • Xơ gan
    • Viêm gan do rượu
    • Xâm nhiễm gan (ung thư di căn, bệnh nhiễm sarcoid, lao, u lympho, lupus ban đỏ).

Bệnh lý tuỵ tạng: viêm tuỵ cấp do mật, viêm tuỵ cấp do rượu.

Bệnh lý cơ:

  • Viêm đa cơ
  • Hội chứng vùi lấp
  • Viêm da và cơ
  • Tăng thân nhiệt ác tính
  • Loạn dưỡng cơ Duchenne

Suy giáp với phù niêm

Các nguyên nhân khác: chấn thương não, ung thư tuyến tiền liệt, tiền sản giật,…

Tìm hiểu thêm >> Chỉ số AFP trong máu bao nhiêu là bình thường?

Khi nào hoạt độ AST giảm?

  • Thiếu vitamin B1 (bệnh Beriberi)
  • Thiếu pyridoxal phosphat (B6 phosphat) như suy dinh dưỡng, bệnh gan do rượu
  • Nhiễm toan ceton trong đái tháo đường
  • Lọc máu
  • Có thai
  • Hội chứng ure máu cao

>> Tìm hiểu thêm: Xét nghiệm urea máu là gì?

◊◊ TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Bài giảng Hoá sinh lâm sàng, 2005, GS. Đỗ Đình Hồ.
  • Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?