Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Mức độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) là xét nghiệm được dùng để đánh giá chức năng thận của người bệnh, giúp đánh giá mức độ suy thận và theo dõi người đang thực hiện ghép thận. Hãy cùng phòng khám tiêu hóa Endo Clinic tìm hiểu xem eGFR là gì? Công thức tính eGFR như thế nào? 

Mức lọc cầu thận ước tính là gì?

Nhắc lại sinh lý creatinin

Creatinin là được hình thành từ quá trình thuỷ phân creatin phosphat trong cơ và từ các protein được cung cấp từ chế độ ăn. Creatinin được lọc qua cầu thận và được coi là không được ống thận hấp thu.

Trong suy thận cấp mới mắc, sự tăng nồng độ creatinin có thể xảy ra trễ. Trong suy thận mạn, có một mối liên quan theo hàm luỹ thừa giữa số nephron không còn chức năng và giá trị của creatinin huyết thanh.

Khi giảm 50% số nephron (đơn vị cấu trúc và chức năng của thận) có hoạt động chức năng chỉ gây tăng nhẹ creatinin máu (1 – 2 mg/dL), song khi có giảm thêm một số nephron có hoạt động chức năng sẽ gây tăng nhanh nồng độ creatinin. Do đó định lượng creatinin huyết thanh thiếu tính nhạy và không cho phép xác định các biến đổi chức năng thận kín đáo, như được thấy trong tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc ở người có tuổi.

Ta có thể áp dụng công thức nghiên cứu IDMS-Traceable MDRD để tính toán mức lọc cầu thận (eGFR) dựa trên tuổi, cân nặng và nồng độ creatinin máu, cho phép xác định chính xác và dễ dàng đánh giá chức năng thận.

Độ lọc cầu thận – mức lọc cầu thận ước tính là gì?

Độ lọc cầu thận GFR (Glomerular Filtration Rate) là lưu lượng máu lọc qua tất cả các cầu thận chức năng trong một đơn vị thời gian. GFR chỉ phản ánh chức nặng lọc của cầu thận mà không tính đến chức năng tái hấp thu và bài tiết của ống thận. Đây là một chỉ số cực kỳ quan trọng để đánh giá chức năng thận trên lâm sàng, giảm GFR thương cho thấy tình trạng chức năng thận trở nên suy yếu.

Ở trẻ sơ sinh, GFR rất thấp, chỉ khoảng 20ml/phút/1.73m2 da và đạt được giá trị của người trưởng thành vào cuối năm đầu đời. Sau 45 – 50 tuổi, GFR bắt đầu giảm, thường mất từ 30 – 40% ở tuổi 80.

Trong thực hành lâm sàng, inulin là được xem là “tiêu chuẩn vàng” để đánh giá độc lọc cầu thận vì hệ số thanh lọc của inulin đúng bằng GFR. Tuy nhiên, inulin là một chất ngoại sinh, được vào cơ thể bằng đường tiêm tĩnh mạch một lượng lớn, sau đó tiêm duy trì để giữ nồng độ inulin hằng định. Khi inulin đạt mức cân bằng, người ta thu thâp một mẫu huyết tương và một mẫu nước tiểu có bấm thời gian chính xác mang đi định lượng. Hệ số thanh lọc của inulin được tính theo công thức:

Cinulin = (Uinulin x V)/Pinulin

Hệ số thanh lọc sau đó được hiệu chỉnh theo diện tích da của từng cá thể.

Hệ số thanh lọc inulin cho phép ước tính chính xác nhưng quá trình thực hiện phức tạp nên thực tế khó áp dụng. Do đó, một chất có nguồn gốc nội sinh với nồng độ ổn định trong huyết tượng, đảm bảo điều kiện sẽ đơn giản hơn cho việc đánh giá GFR. Tuy nhiên, người ta chưa tìm thấy được chất nào lý tưởng như vậy, chỉ có creatinin là đạt gần được các tiêu chuẩn trên.

Đo độ lọc cầu thận trực tiếp được xem là chính xác nhất để phát hiện sự thay đổi của thận, nhưng đo lường GFR trực tiếp rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhân viên có kinh nghiệm, thường chỉ áp dụng tại các nơi nghiên cứu và trung tâm ghép tạng. Do vậy mức lọc cầu thận ước tính (eGFR) được sử dụng thay thế.

Gần đây, nhiều nhà thận học cũng đã có các nghiên cứu cho thấy mối liền quan giữa sự gia tăng nồng độ cystatin C, một protein 13 kDa trong máu với sự suy giảm GFR và đề nghị sử dung chất nàt trong việc ước đoán GFR trên lâm sàng.

Xác định eGFR để làm gì?

Xét nghiệm creatinin máu và tính eGFR nhằm mục đích:

  • Chẩn đoán và đánh giá mức độ suy thận.
  • Theo dõi người được ghép thận.

Lưu ý:

Định lượng creatinin máu thay đổi theo từng giờ. Sau khi ăn, nồng độ creatinin thường tăng nhẹ và tăng cao hơn nếu ăn một lượng lớn protein. Thông thường, định lượng creatinin máu cao nhất vào khoảng 7 giờ tối và thấp nhất vào khoảng 7 giờ sáng.

Các yếu tố ảnh hưởng đến định lượng creatinin máu bao gồm: khối lượng cơ thể, định lượng protein nạp vào cơ thể, tình trạng sức khỏe… Định lượng này có thể thay đổi ở mỗi người.

Tại phòng khám nội soi Endo Clinic cũng có cung cấp dịch vụ xét nghiệm creatinin. Cô chú, anh chị có thể ghé phòng khám nội soi tiêu hóa Endo Clinic để thực hiện xét nghiệm này.

Các công thức tính eGFR là gì?

Công thức ước đoán eGFR từ creatinin cho người trưởng thành

Một số công thức thực nghiệm đã được phát triển nhằm giúp các nhà lâm sàng có thể ước đoán GFR chỉ với nồng độ creatinin huyết tương. Điều này giúp đơn giản hoá việc đo lường GFR trên thực tế mà không cần phải thu thập nước tiểu 24 giờ. Hiện nay có 3 công thức được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới là:

  • Cockcroft Gault: là công thức kinh điển để tính hệ số thanh lọc creatinin cho người trưởng thành. Kết quả của công thức cần được hiệu chỉnh chỉnh theo diện tích da của bệnh nhân. Công thức này không nên áp dụng cho người quá mập hoặc quá gầy, người đang bị phù, đang mang thai hay đoạn chi.

Ccreatinin = [(140 – tuổi) x cân nặng]/(72 x SCr)

(nếu là Nữ nhân với 0.85)

  • MDRD là công thức ước đoán eGFR được Levey và cộng sự thiết lập vào năm 1999, ưu điểm của công thức này là không cần hiệu chỉnh theo diện tích da, chỉ cần nhập tuổi, giới và creatinin của bệnh nhân. Tuy nhiên MDRD chỉ nên áp dụng cho các đối tượng từ 18 – 70 tuổi có chức năng thận suy giảm (GFR < 60 ml/ph/1.73 m2 da).

GFR (mL/min/1.73 m²) = 175 × (Scr)-1.154 × (Age)-0.203

(nhân với 0.742 nếu là nữ, nhân với 1.212 nếu người châu Phi)

  • CKD-EPI creatinin 2009 là công thức ước đoán eGFR được Levey và cộng sự nghiên cứu dựa trên 12150 đối tượng trong một cộng đồng dân số đa dạng (tuổi, giới, chủng tộc, GFR), khắc phục được nhược điểm của MDRD. Công thức này được KDIGO 2013 đề nghị sử dụng rộng rãi.
Giới Pcr Công thức ước đoán eGFR
Nữ ≤ 0,7 eGFR = 144 x ( Pcr/0,7)-0,329 x 0.993tuổi [x 1,159 nếu da đen]
Nữ > 0,7 eGFR = 144 x ( Pcr/0,7)-1,209 x 0.993tuổi [x 1,159 nếu da đen]
Nam ≤ 0,9 eGFR = 141 x ( Pcr/0,9)-0,411 x 0.993tuổi [x 1,159 nếu da đen]
Nam > 0,9 eGFR = 141 x ( Pcr/0,9)-1,209 x 0.993tuổi [x 1,159 nếu da đen]

Công thức ước đoán eGFR từ creatinin cho trẻ em

Đối với trẻ em, có 3 vấn đề chính ảnh hưởng đến việc ước tính eGFR:

  • Khối lượng cơ thay đổi theo tuổi
  • Nồng độ creatinin huyết tương thấp
  • Lượng protein huyết tương thấp

Do đó, công thức ước đoán eGFR tốt nhất hiện nay cho trẻ em là phương trình Bedside Schwartz với phương pháp đo được chuẩn hoá theo IDMS (isotop dilution mass spectroscopy):

eGFR = (0,41 x chiều cao)/Pcreatinin

Ước đoán eGFR từ nồng độ cystatin C huyết tương

Cystatin C là chất duy nhất trong họ cystatin được sản xuất bởi tất cả các tế bào có nhân trong cơ thể. Đây là nhóm protein đơn giản, được thận lọc sạch hoàn toàn và được chuyển hoá tại ống thận gần. Định lượng cystatin C được thức hiện trên huyết thanh ngẫu nhiên, ít phụ thuộc vào tuổi, giới, chủng tộc và khối lượng cơ. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy cystatin C huyết tương đánh giá chức năng thận chính xác hơn creatinin.

 

Giới PcysC Công thức ước đoán eGFR
Nữ/nam ≤ 0,8 eGFR = 133 x ( PcysC/0,8)-0,499 x 0.996tuổi [x 0,932 nếu là nữ]
Nữ/nam > 0,8 eGFR = 133 x ( PcysC/0,8)-1,328 x 0.996tuổi [x 0,932 nếu là nữ]

 

Như vậy, hiện nay có 3 nhóm công thức được KDIGO 2013 đề nghị sử dụng rộng rãi trong thực hành:

  • CKD-EPI creatinin 2009
  • CKD-EPI cystatin C 2012
  • CKD-EPI creatinin – cystatin C 2012

Để hiểu thêm các chỉ số xét nghiệm, mời Cô chú, anh chị tìm hiểu thêm về:

Mục đích xét nghiệm acid uric cao để làm gì?

Cách xem nhóm máu trong giấy xét nghiệm?

Cần chuẩn bị gì khi đi xét nghiệm?

Xét nghiệm được thực hiện trên huyết thanh, bệnh nhân nên nhịn ăn 8 tiếng trước khi lấy máu xét nghiệm, tốt nhất nên đi xét nghiệm vào buổi sáng.

Kết quả của xét nghiệm eGFR

Ở người trưởng thành có sức khỏe bình thường, độ lọc cầu thận ước tính là  > 90 mL/ phút/1,73 m2.

Độ tuổi càng cao thì mức độ lọc cầu thận sẽ càng giảm dần, ngay cả đối với người không bị bệnh thận. Độ lọc cầu thận ước tính trung bình ở người bình thường dựa theo tuổi là:

  • Từ 20-29 tuổi: chỉ số eGFR trung bình là 116 mL/phút/1,73 m2.
  • Từ 30-39 tuổi: chỉ số eGFR trung bình là 107 mL/phút/1,73 m2.
  • Từ 40-49 tuổi: chỉ số eGFR trung bình là 99 mL/phút/1,73 m2.
  • Từ 50-59 tuổi: chỉ số eGFR trung bình là 93 mL/phút/1,73 m2.
  • Từ 60-69 tuổi: chỉ số eGFR trung bình là 85 mL/phút/1,73 m2.
  • Từ 70 tuổi trở lên: chỉ số eGFR trung bình là 75 mL/phút/1,73 m2.

Kết quả eGFR thay đổi như thế nào?

    • Nếu eGFR trên 60 ml/phút/1,73 m2 thì thế nào?

Nếu kết quả trên 60 mL/phút/1,73m2, chức năng thận bình thường hoặc gần mức bình thường. Tuy nhiên vẫn có thể có một số tổn thương thận hoặc có nguy cơ mắc bệnh thận và cần tiếp tục theo dõi, đặc biệt là nếu bệnh có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao.

Khi eGFR trên 60 mL/phút/1,73m2, người bệnh vẫn có thể được chẩn đoán mắc bệnh thận mãn tính (CKD) nếu các dấu hiệu hư tổn thận và những dấu hiệu này kéo dài hơn ba tháng.

Nếu không có dấu hiệu hư tổn thận, có thể theo dõi chức năng thận đồng thời có những lời khuyên về các lựa chọn lối sống lành mạnh.

    • Nếu eGFR dưới 60 ml/phút/1,73 m2 thì thế nào?

Giá trị dưới 60 mL/phút/1,73m2, cho thấy việc mất phần nào chức năng thận. Để xác nhận điều này, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu lặp lại xét nghiệm máu. Theo dõi các thay đổi đối với eGFR giúp bác sĩ biết tình trạng bệnh đang tiến triển nhanh hay chậm đến mức nào.

Để được chẩn đoán mắc CKD, cần dựa trên kết quả GFR dưới 60 mL/phút/1,73m2 trong khoảng thời gian hơn ba tháng hoặc một số dấu hiệu khác về tổn thương thận (như albumin niệu, huyết niệu hoặc kết quả siêu âm hoặc sinh thiết thận bất thường).

Bệnh thận mạn có những giai đoạn nào?

Suy thận mạn tính là tình trạng chức năng thận suy giảm mạn tính kéo dài hàng tháng đến hàng năm không hồi phục.

Năm 2002, NKF – KDIGO phân bệnh thận mạn thành 5 giai đoạn dựa vào GFR:

Giai đoạn Mô tả GFR (ml/ph/1,73 m2 da)
1 Tổn thương thận với GFR bình thường/tăng ≥ 90
2 Tổn thương thận với GFR giảm nhẹ 60 – 89
3 Tổn thương thận với GFR giảm trung bình 30 – 59
4 Tổn thương thận với GFR giảm nặng 15 – 29
5 Suy thận mạn giai đoạn cuối < 15

Năm 2012, theo KDIGO, giai đoạn 3 được tách thành 3a và 3b, kèm theo albumin niệu vào bản phân giai đoạn giúp tiên lượng và đánh giá nguy cơ (NC) tiến triển bệnh thận mạn tốt hơn.

Giai đoạn Mô tả GFR Tỷ lệ albumin/creatinin niệu
A1 A2 A3
Bình thường – tăng nhẹ Tăng trung bình Tăng nhiều
< 30 mg/g 30 – 300 mg/g > 300 mg/g
G1 Bình thường hoặc tăng ≥ 90 NC thấp NC trung bình NC cao
G2 Giảm nhẹ 60 – 89 NC thấp NC trung bình NC cao
G3a Giảm nhẹ – trung bình 45 – 59 NC trung bình NC cao NC rất cao
G3b Giảm trung bình – nặng 30 – 44 NC cao NC rất cao NC rất cao
G4 Giảm nặng 15 – 29 NC rất cao NC rất cao NC rất cao
G5 Suy thận < 15 NC rất cao NC rất cao NC rất cao

Theo các thống kê trên thế giới, hai nguyên nhân hàng đầu đưa đến suy thận hiện nay là đại tháo đường (40%) và tăng huyết áp (30%). Tại Việt Nam, nguyên nhân hàng đầu gây suy thận là tăng huyết áp (thường gặp hơn đái tháo đường), ngoài ra các nguyên nhân khác như: sỏi thận, nhiễm trùng tiểu cũng góp phần gây suy thận.

◊◊ TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.
  • Sinh lý học y khoa, 2018, Bộ môn sinh lý – ĐHYD TPHCM.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?