Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Urea máu là gì?

  • Urea (Urê) có công thức là CO(NH2)2 và có phân tử lượng là 60 dalton, trong phân tử urea có 2 nguyên tử N.
  • BUN (Blood urea nitrogen) là nitơ của ure trong máu.
  • Urea là sản phẩm thoái hoá chủ yếu của protein và acid amin, được tạo thành từ NH3 và chủ yếu ở gan. Khả năng tạo urea của gan rất lớn, có khi gan hỏng 60 – 70% thì gan vẫn tổng hợp ure bình thường, do đó xét nghiệm ure máu ít khi được sử dụng để chẩn đoán bệnh gan. Sau khi được tạo thành, ure được đưa vào máu, một phần urea được tái hấp thu và một phần được đào thải qua nước tiểu. Urea được thải 90% qua nước tiểu, còn lại một ít được thải qua phân.

Xét nghiệm urea máu là gì?

  • Xét nghiệm urea máu là xét nghiệm định lượng urea trong huyết thanh.
  • Chỉ số urea máu thường được dùng để đánh giá chức năng gan, thận và mức cung cấp protein của một chế độ ăn.

Bạn sẽ đi xét nghiệm urea máu khi nào?

  • Kiểm tra sức khoẻ định kỳ
  • Bất thường về nước tiểu: nước tiểu nổi bọt, đổi màu, có máu
  • Đau lưng ở vị trí thận
  • Thay đổi số lần đi tiểu, tiểu rắt
  • Sưng, đau ở các vị trí mặt, mắt, mắc cá chân, cánh tay
  • Hội chứng chân không yên
  • Luôn cảm thấy mệt mỏi

Ngoài ra, xét nghiệm urea máu còn được thực hiện khi:

  • Nghi ngờ tổn thương thận
  • Đánh giá chức năng thận
  • Theo dõi kết quả chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc
  • Đánh giá chức năng gan
  • Suy tim xung huyết
  • Xuất huyết tiêu hoá

Cần chuẩn bị gì khi đi xét nghiệm urea máu?

  • Xét nghiệm được tiến hành trên huyết thanh. Không nhất thiết phải nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm.
  • Bệnh nhân không nên ăn thức ăn có quá nhiều protein trước khi lấy máu xét nghiệm. 

Kết quả của xét nghiệm urea máu

Giá trị của xét nghiệm được coi là bình thường khi:

  • Urea: 2,5 – 7,5 mmol/L
  • BUN: 1,15 – 3,45 mmol/L
  • Độ thanh thải urea: 55 – 80 ml/phút
  • Tỷ lệ nồng độ urea huyết thanh/creatinine huyết thanh: 10 – 40

Khi nào kết quả xét nghiệm urea thay đổi?

Thay đổi sinh lý

  • Urea máu thay đổi tuỳ theo tuổi: thường ở người lớn là 3,3 – 5 mmol/L, người già là 6,7 – 8,3 mmol/L, trẻ em là 1,67 – 4,2 mmol/L.
  • Urea máu tăng ở người có chế độ ăn giàu đạm, người dùng thuốc corticosteroid, tetracyclin.
  • Urea giảm khi có thai, dùng thuốc chống động kinh, uống rượu, hút thuốc lá.
  • Ngoài ra còn thai đổi theo mùa, theo nghề nghiệp (nghề nông cao hơn nghề tự do).

Thay đổi bệnh lý

Tăng urea máu

Thông thường, khi thấy urea máu tăng người ta hay nghĩ đến một rối loạn nào đó về chức năng thận. Nhưng thỉnh thoảng, sự tăng urea máu còn có thể do rối loạn chuyển hoá hay do nguyên nhân khác. Do đó, sự tăng urea máu là do 2 nguyên nhân: tại thận và ngoài thận.

Tăng urea máu nguyên nhân tại thận:

  • Viêm cầu thân cấp, bán cấp
  • Viêm ống thân cấp
  • Viêm thận mạn
  • Hội chứng urea huyết cao

Nguyên nhân trước thận

  • Suy tim ứ huyết
  • Xuất huyết tiêu hoá
  • Mất nước và muối (nôn, tiêu chảy, tiểu nhiều, mồ hôi nhiều)
  • Choáng

Nguyên nhân sau thận

  • Dị tật bẩm sinh của thận hay đường niệu, thận đa nang.
  • Sỏi thận, sỏi đường niệu
  • Lao thận, lao niệu quản, lao bàng quang
  • Hẹp đường niệu do chấn thương hoặc viêm niệu đạo (do vi khuẩn lậu)

Do tăng thoái hoá protid

  • Chấn thương phần mềm, phẫu thuật, bỏng nặng
  • Sốt vàng da chảy máu
  • Nhịn đói lâu ngày, tiểu đường giai đoạn suy thận
  • Xuất huyết não, viêm não cấp
  • Bệnh gout, nhiễm nấm Aspergillus

Giảm urea máu

  • Tổn thương gan nặng: suy gan giai đoạn cuối, viêm gan do ngộ độc chì, xơ gan nghiện rượu, ung thư gan.
  • Chế độ ăn nghèo protid.
  • Truyền nước quá nhiều (loãng máu), thận nhiễm mỡ.

Mời Cô Chú, Anh Chị tìm hiểu thêm các loại xét nghiệm khác:

> Xét nghiệm nhóm máu bao nhiêu tiền?

> Chỉ số axit uric cao bao nhiêu là nguy hiểm?

Urea máu ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể của bạn?

Ure máu tăng hoặc giảm đều có ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể là:

  • Tim mạch: Mạch nhanh, nhỏ, tăng huyết áp. Ở giai đoạn cuối của suy thận có thể gây trụy mạch, cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng.
  • Thần kinh: Mức độ nhẹ có thể gây chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, thấy ruồi bay trong mắt và mất ngủ. Ở mức độ trung bình có thể cảm thấy mơ màng, nói mê, vật vã. Ở mức độ nặng có thể dẫn đến hôn mê, co giật, co đồng tử, phản ứng với ánh sáng kém.
  • Tiêu hóa: Mức độ nhẹ khiến người bệnh ăn không ngon, đầy bụng, chướng hơi. Mức độ nặng hơn sẽ xuất hiện các triệu chứng lưỡi bị đen, niêm mạc họng và miệng bị loét, buồn nôn, tiêu chảy, xuất hiện những màng giả mạc màu xám.
  • Hô hấp: Hơi thở có mùi amoniac, rối loạn nhịp thở, có thể hôn mê kèm theo thở chậm và yếu.
  • Thân nhiệt: giảm thân nhiệt.
  • Huyết học: Người tăng ure máu thường cũng bị thiếu máu, tùy theo từng giai đoạn mà ảnh hưởng sẽ khác nhau. Nếu thiếu máu càng nặng thì suy thận càng nặng.

Làm gì khi kết quả urea bất thường?

Xét nghiệm urea máu cung cấp các bằng chứng về các thay đổi của tình trạng sức khoẻ cũng như hoạt động của gan và thận. Các thông số này thay đổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó khi có kết quả bất thường bệnh nhân cần được tư vấn bởi các bác sĩ để thực hiện thêm các xét nghiệm khác nhằm tìm ra nguyên nhân chính xác.

Cho dù bạn có một bên thận yếu hơn và một bên thận bình thường thì xét nghiệm ure trong máu vẫn có thể cho kết quả bình thường. Do đó xét nghiệm này không dùng để chẩn đoán các bệnh lý cụ thể. Để có cơ sở chuẩn xác hơn, người bệnh cần thực hiện thêm một số xét nghiệm khác do bác sĩ chỉ định, chẳng hạn như định lượng creatinine máu.

◊◊ TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Bài giảng Hoá sinh lâm sàng, 2005, GS. Đỗ Đình Hồ.
  • Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?