Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

Tổng phân tích nước tiểu là một xét nghiệm thường dùng để theo dõi sự thay đổi các thành phần khác nhau trong nước tiểu giúp đánh giá được tình hình sức khỏe, cũng như phát hiện được một số bệnh lý. Vậy tổng phân tích nước tiểu là gì? Tổng phân tích nước tiểu gồm các thông số nào? Hãy cùng Endo Clinic tìm hiểu thêm về vấn đề này nhé!

Tổng phân tích nước tiểu là gì?

Tổng phân tích nước tiểu là xét nghiệm phân tích nước tiểu ở nhiều mức độ gồm đánh giá hình thái nước tiểu (màu sắc, mùi,…), thành phần sinh hóa và quan sát ở mức độ hiển vi (sự hiện diện của tế bào, các tinh thể,…). 

Tổng phân tích nước tiểu là gì?
Tổng phân tích nước tiểu là gì?

Bất kỳ sự thay đổi nào trong thành phần nước tiểu cũng báo hiệu có sự rối loạn nào đó trong cơ thể. Các rối loạn này có thể bắt nguồn từ sinh lý hoặc bệnh lý như là nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), đái tháo đường, bệnh lý gan hoặc thận,…

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu không được xem là kết luận cuối cùng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm nhiều xét nghiệm cận lâm sàng khác nhằm xác định lại chính xác nguyên nhân trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng.[4]

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu bao gồm những gì?

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu bao gồm 3 xét nghiệm thành phần giúp phân tích nước tiểu ở nhiều mức độ khác nhau, từ đó đưa ra nhận xét chung về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. 

Xét nghiệm tổng phân tích nước bao gồm những gì?
Xét nghiệm tổng phân tích nước bao gồm những gì?

3 xét nghiệm thành phần trong tổng phân tích nước tiểu gồm: [5]

  • Xét nghiệm đại thể: Đánh giá về màu sắc, mùi, thể tích, độ đục của nước tiểu.
  • Xét nghiệm sinh hóa 10 thông số: Xác định tỷ trọng nước tiểu, độ pH và các thành phần hóa học khác gồm glucose, protein, ketone, nitrit, hồng cầu, leukocytes, bilirubin và urobilinogen.
  • Xét nghiệm vi thể: Xác định sự hiện diện của trụ niệu, tinh thể và tế bào có trong nước tiểu.

Ý nghĩa của xét nghiệm đại thể nước tiểu

Xét nghiệm đại thể nước tiểu là phương pháp phân tích nước tiểu dựa 3 yếu tố: màu sắc, mùi và thể tích nước tiểu thông qua việc quan sát bằng mắt thường. Các yếu tố này của nước tiểu có thể thay đổi tùy theo nhiều nguyên nhân, có thể là sinh lý hoặc bệnh lý. Do đó, Cô Chú, Anh Chị khi nhận thấy nước tiểu có dấu hiệu bất thường nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và chẩn đoán chính xác.

Ý nghĩa xét nghiệm đại thể nước tiểu
Ý nghĩa xét nghiệm đại thể nước tiểu

Các thông tin cung cấp dưới đây chỉ mang tính tham khảo, không thể thay thế cho chẩn đoán từ bác sĩ có chuyên môn.

Màu sắc nước tiểu

Màu sắc nước tiểu bình thường lúc mới ra có màu trong hoặc hơi vàng nhạt. 

Có nhiều nguyên nhân làm thay đổi màu sắc của nước tiểu như là thói quen ăn uống, chế độ sinh hoạt, tình trạng mất nước hoặc thuốc điều trị. Đôi khi, màu sắc nước tiểu cũng phản ánh sự xuất hiện của nhiều loại bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lý gan hoặc thận,… 

Vì thế, hãy tham vấn với bác sĩ khi nước tiểu có màu sắc bất thường để kịp thời điều trị nếu nguyên nhân bắt nguồn từ bệnh lý.

Bảng sau tổng hợp các loại màu sắc bất thường của nước tiểu và nguyên nhân kèm theo.[6]

Màu sắcNguyên nhân
Đến từ thực phẩmĐến từ thuốcĐến từ bệnh lýKhác
Màu đỏ hoặc hồngĂn nhiều củ dền, lá đại hoàng,… làm nước tiểu có màu đỏ. Thuốc điều trị lao, thuốc đường tiết niệu,… khiến nước tiểu trở nên đỏ.Bệnh lý sỏi thận, khối u, phì đại tiền liệt tuyến,… làm có máu trong nước tiểu.Vận động quá sức cũng có thể làm có máu trong nước tiểu.
Màu camThuốc đường tiết niệu, các loại thuốc giảm sưng, thuốc hóa trị,…Bệnh lý liên quan đến gan và mật. Tình trạng mất nước, sử dụng các loại vitamin (A, B12, C)
Màu xanh dương hoặc xanh láĂn nhiều màu nhuộm thực phẩmThuốc điều trị trầm cảm, thuốc điều trị viêm khớp, thuốc trị trào ngược dạ dày,…Nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh tăng canxi máu (hiếm gặp)
Màu nâu đen hoặc coca colaĂn nhiều đậu răng ngựa, lá đại hoàng, nha đam,…Thuốc điều trị sốt rét, một vài loại kháng sinh, thuốc trị táo bón, thuốc giãn cơ,…Rối loạn chức năng gan và thận, nhiễm trùng đường tiết niệu,…Vận động quá mức có thể gây tổn thương thận

Mùi nước tiểu

Nước tiểu bình thường có mùi khá đặc thù, mùi nhẹ và không gây khó chịu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nước tiểu khi ra có mùi bất thường và rất khó ngửi. Đây có thể là dấu hiệu của nhiều loại bệnh lý tiềm ẩn.[7]

MùiNguyên nhân
Mùi nồngTình trạng cơ thể thiếu nước
Mùi mật ongBệnh đái tháo đường 
Mùi trái cây/ngọtNhiễm toan ceton (biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường)
Mùi phânLỗ rò ruột-bàng quang (Gastrointestinal-bladder Fistula)
Mùi đường cháyBệnh siro niệu
Mùi hăngBệnh nhiễm trùng đường tiết niệu
Mùi hành, mùi tỏiMột số loại thuốc và chế độ ăn uống

Thể tích nước tiểu

Thể tích nước tiểu bình thường đối với người lớn là khoảng từ 600 – 2000 mL/ngày (thông thường là từ 1000 mL – 1600 mL/ngày) [5]. Thể tích nước tiểu sẽ thay đổi phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính. 

Trường hợp tăng thể tích nước tiểu (nhiều hơn 2500 – 3000 mL/ngày) có thể đến từ chế độ ăn uống, thời tiết hoặc mắc bệnh đái tháo đường, đái tháo nhạt, suy thận mạn,…

Trường hợp giảm thể tích nước tiểu gồm vô niệu (ít hơn 100 mL/ngày) hoặc giảm niệu (ít hơn 500 mL/ngày) có thể là do chế độ ăn uống, thời tiết, mất nước nghiêm trọng do nôn mửa, tiêu chảy, bệnh thận mạn tính, tắc thận,..

Độ đục của nước tiểu

Bên cạnh màu sắc, mùi và thể tích nước tiểu, các kỹ thuật viên sẽ đánh giá thêm về độ đục của nước tiểu. Nước tiểu bình thường khi mới ra sẽ trong suốt hoặc hơi đục nhẹ. 

Một số nguyên nhân có thể làm đục nước tiểu như nhiễm khuẩn, huyết khối, chế độ ăn giàu purine, cặn tế bào, chất nhầy,… Nước tiểu bị đục có thể báo hiệu cho một số loại bệnh lý như nhiễm trùng, dưỡng trấp niệu (chyluria), nhiễm trùng,… Do đó, Cô Chú, Anh Chị nên đi thăm khám bác sĩ khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường so với trước đây.[5]

Ý nghĩa tổng phân tích nước tiểu 10 thông số

Tổng phân tích nước tiểu 10 thông số là xét nghiệm kiểm tra nồng độ các chất có trong nước tiểu thông qua que thử đặc biệt. Trên que thử sẽ có các băng màu đặc trưng cho từng loại chất hóa học khác nhau và băng màu sẽ thay đổi màu sắc tuỳ theo nồng độ chất có trong mẫu.[4]

Ý nghĩa tổng phân tích nước tiểu 10 thông số
10 thông số có trong tổng phân tích nước tiểu

Bên cạnh đó, sự thay đổi trong các chỉ số này có thể đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có bệnh lý. Do đó, khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường trong nước tiểu, hãy tìm gặp bác sĩ chuyên môn để có sự chẩn đoán chuẩn xác nhất.

Tổng phân tích nước tiểu 10 thông số gồm:

  • Chỉ số SG (Tỷ trọng nước tiểu)
  • Chỉ số pH
  • Chỉ số BLD
  • Chỉ số PRO
  • Chỉ số GLU
  • Chỉ số NIT
  • Chỉ số LEU
  • Chỉ số KET
  • Chỉ số BIL
  • Chỉ số Urobilinogen

Chỉ số SG trong nước tiểu (Tỷ trọng nước tiểu)

Chỉ số SG trong nước tiểu hay tỷ trọng nước tiểu là số đo nồng độ của nước tiểu so sánh với nồng độ của nước. Chỉ số SG trong nước tiểu giúp đánh giá khả năng cô đặc hoặc bài tiết nước tiểu của thận. Chỉ số này càng cao cho thấy nước tiểu càng cô đặc.

Chỉ số SG bình thường sẽ từ 1,002 – 1,035, điều này cho biết chức năng của thận đang hoạt động tố. [5]

Chỉ số SG giảm (nhỏ hơn 1,002): bệnh viêm ống kẽ thận cấp, suy tuyến thượng thận cấp, đái tháo nhạt hoặc do dùng thuốc lợi tiểu,…

Chỉ số SG cố định hay đồng tỷ trọng là dấu hiệu của suy thận mạn (CRF), viêm cầu thận mãn (GN)

Chỉ số SG tăng (lớn hơn 1,035): tình trạng cơ thể mất nước (tiêu chảy, nôn mửa, sốt), viêm cầu thận cấp, suy tim ứ huyết, tăng tiết ADH, suy gan,…[8]

Chỉ số pH trong nước tiểu

Chỉ số pH hay độ pH trong nước tiểu cho biết tình trạng axit-bazơ của bệnh nhân. Thận đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa cân bằng axit-bazơ trong cơ thể, giúp kiểm soát một số bệnh lý. 

Chỉ số pH bình thường trong nước tiểu là 4,5 – 8 (thông thường là 5,5 – 6,5).[5]

Chỉ số pH tăng (kiềm hơn) là do chế độ ăn nhiều rau, bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (nhiễm vi khuẩn có thể phân giải ure), tình trạng tăng thông khí (hyperventilation), toan hóa ống thận (RTA),…

Chỉ số pH giảm (axit hơn) là do chế độ ăn nhiều thịt, vận động mạnh, cơ thể mất nước, bệnh đái tháo đường, nhiễm toan ceton, tiêu chảy, lao thận, tiểu phenylceton,…

Chỉ số BLD trong nước tiểu

Chỉ số BLD trong nước tiểu hay chỉ số Blood trong nước tiểu (hồng cầu niệu) cho biết tình trạng tiểu ra máu của bệnh nhân. Máu trong nước tiểu chủ yếu là hồng cầu, nhưng cũng có thể là hemoglobin hoặc myoglobin. 

Vì vậy, cần xét nghiệm vi thể để phân biệt được hồng cầu với các trường hợp còn lại. Nguyên nhân gây tiểu ra máu có thể là lao thận, ung thư thận, sỏi thận,…

Chỉ số BLD bình thường là âm tính, tức không có hoặc có rất ít hồng cầu có trong nước tiểu.

Chỉ số BLD bất thường là dương tính, nghĩa là bệnh nhân tiểu ra máu.

Chỉ số PRO trong nước tiểu

Chỉ số PRO trong nước tiểu giúp đo lường lượng protein có trong nước tiểu. Thông thường, trong nước tiểu sẽ không có protein do hầu hết các protein đã được lọc bởi màng lọc cầu thận. 

Tuy nhiên, nếu màng lọc cầu thận bị tổn thương hoặc mắc 1 số bệnh lý, protein có thể đi qua và xuất hiện trong nước tiểu. Tiểu ra protein có thể là dấu hiệu của một số bệnh về thận, đái tháo đường, tăng huyết áp,…

Chỉ số PRO bình thường nằm ở mức nhỏ hơn hoặc bằng 150mg/ngày hoặc 10 mg/dL.

Chỉ số PRO bất thường khi lớn hơn 150mg/ngày hoặc 10 mg/dL.[5]

Chỉ số GLU trong nước tiểu

Chỉ số GLU trong nước tiểu giúp ghi nhận sự hiện diện glucose có trong nước tiểu. Thông thường, trong nước tiểu sẽ không chứa glucose. Tuy nhiên, glucose có thể được phát hiện đối với bệnh nhân đái tháo đường, đái tháo đường thai kỳ, ngưỡng thận với glucose thấp,…

Chỉ số GLU bình thường là âm tính.

Chỉ số GLU bất thường là dương tính.

Chỉ số NIT trong nước tiểu

Chỉ số NIT trong nước tiểu có ý nghĩa giúp xác nhận sự hiện diện của nitrit có trong nước tiểu. Nitrat là một sản phẩm từ các chất chuyển hóa trong cơ thể, bình thường vẫn sẽ tìm thấy trong nước tiểu. 

Tuy nhiên, khi có sự hiện diện của vi khuẩn Gram âm trong nước tiểu, nitrat sẽ được chuyển hóa thành nitrit. Vì vậy, chỉ số Nit trong nước tiểu thường được dùng để chẩn đoán bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). 

Chỉ số NIT bình thường là âm tính.

Chỉ số NIT bất thường là dương tính.

Chỉ số LEU trong nước tiểu

Chỉ số LEU hay chỉ số Leukocytes trong nước tiểu giúp đánh giá sự hiện diện của bạch cầu có trong nước tiểu, thông qua phát hiện hoạt tính enzyme esterase, được giải phóng từ bạch cầu khi có vi khuẩn trong nước tiểu. Sự xuất hiện của tế bào bạch cầu trong nước tiểu đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như là viêm đường tiết niệu, chứng tiểu mủ (pyuria), viêm cầu thận sau nhiễm khuẩn liên cầu,…

Chỉ số KET trong nước tiểu

Chỉ số KET hay chỉ số Ketone trong nước tiểu giúp xác nhận sự có mặt của các thể ketone có trong nước tiểu. Ketone là sản phẩm của chuyển hóa không hoàn toàn các acid béo. Tiểu ra ketone là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường cũng như tình trạng suy dinh dưỡng do nhịn đói. Chỉ số KET còn được sử dụng để kiểm tra sự phát triển bình thường của mẹ bầu và thai nhi.

Chỉ số KET bình thường là âm tính.

Chỉ số KET bất thường là dương tính.

Chỉ số BIL trong nước tiểu

Chỉ số BIL hay còn gọi là chỉ số Bilirubin trong nước tiểu giúp xác nhận sự xuất hiện của bilirubin ở trong nước tiểu của bạn. Bilirubin được tổng hợp trong gan, mật và lá lách. Ở người bình thường, bilirubin sẽ được chuyển hóa thành urobilinogen tại ruột và sẽ không xuất hiện tại nước tiểu. 

Khi mắc bệnh về gan hay mật, bilirubin sẽ không để di chuyển xuống ruột mà thoát ra trong nước tiểu. Vì thế, chỉ số bilirubin giúp chẩn đoán các bệnh lý như xơ gan, viêm gan, tắc mật.

Chỉ số BIL bình thường là âm tính.

Chỉ số BIL bất thường là dương tính, nồng độ lớn hơn 0,4 mg/dL.

Chỉ số UBG trong nước tiểu

Chỉ số UBG trong nước tiểu giúp đo lường lượng urobilinogen có trong nước tiểu. Urobilinogen là sản phẩm của việc phân hủy bilinogen tại tá tràng dưới tác động vi khuẩn ruột. 

Urobilinogen phần lớn được bài tiết qua phân, một ít được tái xử lý ở mật, một lượng rất nhỏ urobilinogen được bài tiết qua nước tiểu. Do đó, tăng lượng urobilinogen có thể là chỉ dẫn cho rối loạn chức năng gan hoặc tan máu. 

Chỉ số UBG bình thường là 0,1 – 1,0 mg/dL hay 3,5 – 17 mmol/L.[5]

Chỉ số UBG tăng là dấu hiệu của viêm gan cấp, xơ gan, viêm đường mật, thiếu máu tan máu,…

Chỉ số UBG giảm là dấu hiệu của tắc mật, suy thận,…

Ý nghĩa của xét nghiệm vi thể nước tiểu

Xét nghiệm vi thể nước tiểu là phương pháp phân tích mẫu nước tiểu dưới kính hiển vi. Xét nghiệm này đóng vai trò quan trọng xét nghiệm trong tổng phân tích nước tiểu vì nó cung cấp nhiều bằng chứng quan trọng trong việc chẩn đoán nhiều loại bệnh lý. Xét nghiệm vi thể bao gồm quan sát soi trụ niệu, tế bào và tinh thể.

Ý nghĩa xét nghiệm vi thể nước tiểu
Ý nghĩa xét nghiệm vi thể nước tiểu

Trụ niệu

Trụ niệu là các phân tử có cấu trúc hình trụ được tìm thấy trong nước tiểu. Trụ niệu có thể được tạo thành từ hồng cầu, bạch cầu, tế bào thận và các hợp chất như protein hay chất béo. Dựa trên bản chất của trụ niệu, bác sĩ có thể đánh giá được chức năng thận của Cô chú, anh chị hoạt động bình thường hoặc không bình thường.

Loại trụ niệuĐịnh nghĩaBình thườngNguyên nhân
Trụ hồng cầuHình thành từ hồng cầuKhông cóBệnh lý chảy máu nguồn gốc thận
Trụ bạch cầuHình thành từ bạch cầuKhông cóBệnh lý viêm thận
Trụ biểu môHình thành từ biểu mô ống thậnKhông cóTổn thương thận cấp, viêm ống kẽ thận cấp,…
Trụ hyalinXuất hiện khi có proteinÍt hơn 5 trụ hyalinSốt, dùng thuốc lợi tiểu, bệnh thận mạn,..
Trụ hạtBao gồm tế bào hoạt tử và proteinKhông cóBệnh viêm cầu thận, tăng huyết áp,…
Trụ mỡHình thành từ giọt mỡKhông cóHội chứng thận hư

Tế bào

Thông thường, nước tiểu sẽ không có hoặc có rất ít sự hiện diện của nhiều loại tế bào. Khi có tế bào trong nước tiểu rất nguy hiểm, vì đó có thể bắt nguồn từ bệnh lý. Vì vậy, việc phát hiện tế bào trong xét nghiệm vi thể nước tiểu đóng vai trò rất cần thiết.

Loại tế bàoBình thườngNguyên nhân
Hồng cầuKhông có hoặc ít hơn 5 tế bàoĐặt xông tiểu, ung thư tuyến tiền liệt, viêm bàng quang,…
Bạch cầuKhông có hoặc ít hơn 5 tế bàoĐặt xông bàng quang lâu ngày, nhiễm khuẩn nước tiểu, lao thận,…
Bạch cầu ái toanKhông cóViêm ống kẽ thận cấp, nhiễm trùng đường tiết niệu,…
Biểu mô vảyKhông có hoặc có rất ítNhiễm bẩn từ niệu đạo hoặc âm đạo
Biểu mô chun giãnKhông có hoặc có rất ítNhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang
Biểu mô ống thậnKhông có hoặc có rất ítTổn thương ống thận 
Vi khuẩn, nấm và ký sinh trùngKhông cóBảo quản mẫu nước tiểu kém, bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

Tinh thể

Tinh thể là sự tích tụ và lắng đọng các chất trong nước tiểu dẫn đến sự thành các tinh thể. Trong nước tiểu bình thường sẽ không có tinh thể, nhưng một số trường hợp vẫn sẽ có. Sự hiện diện của tinh thể không phải lúc nào cũng là biểu hiện của bệnh, mặc dù một số loại tinh thể sẽ liên quan đến một số bệnh đặc biệt.[5]

Các loại tinh thể trong nước tiểu có thể có gồm:

  • Tinh thể acid uric
  • Tinh thể calcium oxalate
  • Tinh thể phosphate amoniac – magie
  • Tinh thể cystin
  • Tinh thể lưu huỳnh

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu để làm gì?

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu cũng là xét nghiệm cận lâm sàng phổ biến, được thực hiện nhiều tại các cơ sở y tế. Có nhiều nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu. 

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu để làm gì?
5 mục đích khi thực hiện xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu cần thực hiện để:

  • Khám tổng quát định kỳ 
  • Kiểm tra khi có các dấu hiệu bệnh thận
  • Chẩn đoán bệnh lý
  • Theo dõi quá trình tiến triển của một số bệnh lý
  • Thử thai và khám thai định kỳ

Khám tổng quát định kỳ

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu cung cấp nhiều thông số cần thiết trong nước tiểu cho phép đánh giá các bất thường về thận và tiết niệu. Dựa trên kết quả tổng phân tích nước tiểu, bác sĩ có thể phát hiện sớm các bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe đang mắc phải từ đó đưa ra các biện pháp tầm soát và điều trị bệnh giai đoạn sớm.

Kiểm tra khi có các triệu chứng ở thận

Các triệu chứng ở thận bao gồm đau bụng, đi tiểu đau, đau sườn, sốt, máu trong nước tiểu hoặc các triệu chứng tiết niệu khác. Khi Cô chú, anh chị phát hiện bản thân đang mắc các triệu chứng này, hãy liên hệ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và làm các cận lâm sàng chẩn đoán phù hợp.

Chẩn đoán bệnh lý

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu giúp kiểm soát nồng độ các chất có trong nước tiểu, cung cấp nhiều bằng chứng về tình trạng mất nước của cơ thể, chức năng của thận, gan, đường tiết niệu… Vì thế, nó được sử dụng để tầm soát và chẩn đoán nhiều loại bệnh lý liên quan như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm thận, sỏi thận, xơ gan,…

Theo dõi tiến triển một số bệnh lý

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu thường dùng để theo dõi tiến triển của một số bệnh lý như là đái tháo đường, bệnh thận liên quan đái tháo đường, suy thận, nhiễm trùng thận,… Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng của bệnh nhân đang ổn định hay đang trở nặng, nhờ đó có các biện pháp chữa trị phù hợp. 

Thử thai và khám thai định kỳ

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu đóng vai trò quan trọng đối với phụ nữ mang thai vì nó hỗ trợ phát hiện sớm và phòng ngừa các bệnh lý như là đái tháo đường thai kỳ và tiền sản giật, tránh ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu nên thường xuyên thăm khám và làm xét nghiệm định kỳ để đảm bảo thai kỳ của mình được khỏe mạnh.[10]

Cần chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu?

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu hầu như không có yêu cầu đặc biệt nào trước khi làm xét nghiệm. Tuy nhiên, vẫn có một số lưu ý để đảm bảo kết quả xét nghiệm được chính xác nhất.

Cần chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu
Cần chuẩn bị những gì trước khi thực hiện xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu

Các lưu ý trước khi xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu là:

  • Không cần nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm: Cô chú, anh chị có thể dùng bất kỳ loại thực phẩm nào trước khi làm xét nghiệm.
  • Trao đổi về toa thuốc đang sử dụng: Một số loại thuốc có thể làm thay đổi các tính chất và thành phần hóa học trong nước tiểu (thuốc lợi tiểu, thuốc lao,…). Do đó, nên trao đổi kỹ lưỡng về toa thuốc đang sử dụng để tránh ảnh hưởng kết quả.
  • Mặc đồ thoải mái: Cô chú, anh chị nên mặc quần áo thoải mái để quá trình lấy mẫu nước tiểu được dễ dàng, nhanh chóng.
  • Liên hệ trước với cơ sở y tế: Đặt lịch hẹn sớm và làm xét nghiệm sớm giúp tiết kiệm thời gian, tránh mệt mỏi, uể oải.

Cách lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm như thế nào?

Để kết quả tổng phân tích nước tiểu được chuẩn xác nhất thì yêu cầu mẫu nước tiểu khi lấy cần phải sạch. Cách lấy nước tiểu xét nghiệm sạch là phương pháp giúp ngăn chặn vi khuẩn từ dương vật và âm đạo nhiễm vào mẫu xét nghiệm làm sai kết quả tổng phân tích nước tiểu.[9]

Cách lấy nước tiểu xét nghiệm như thế nào?
Cách lấy nước tiểu xét nghiệm như thế nào?

Cách lấy nước tiểu xét nghiệm dành cho nam giới

Đầu tiên, Quý khách cần phải rửa sạch tay bằng xà phòng. Sau đó, lộn và rửa bao quy đầu bằng gạc tẩm xà phòng rồi rửa lại bằng nước sạch. Kế tiếp, quý khách thực hiện quy trình lấy mẫu nước tiểu giữa dòng. 

Các bước lấy mẫu nước tiểu giữa dòng ở nam giới như sau:

  • Tiểu bỏ một phần nước tiểu đầu tiên, sau đó ngừng tiểu.
  • Dùng lọ lấy mẫu vô trùng hứng phần nước tiểu kế tiếp cho đến khi đầy hơn nửa lọ, đóng chặt nắp lọ.
  • Tiểu bỏ phần nước tiểu cuối cùng.

Cách lấy nước tiểu xét nghiệm dành cho nữ giới

Đầu tiên, Quý khách cần phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng. Sau đó, quý khách vạch môi lớn và môi bé của âm đạo, dùng một miếng gạc được tẩm nước xà phòng lau qua lỗ tiểu theo một chiều duy nhất từ trước ra sau, tiếp theo vệ sinh âm đạo lại bằng nước sạch. Kế tiếp, quý khách thực hiện quy trình lấy mẫu nước tiểu giữa dòng (tương tự dành cho nam giới).

Bảo quản mẫu nước tiểu xét nghiệm

Mẫu nước tiểu xét nghiệm nên được giao cho bác sĩ hoặc kỹ thuật viên trong vòng 1 giờ sau khi lấy. Trong trường hợp không thể giao liền, Cô chú, Anh chị nên bảo quản mẫu nước tiểu xét nghiệm bằng cách bọc thật kín lọ đựng nước tiểu trong một bao nilon, sau đó cất trong tủ lạnh khoảng 4oC. Cần lưu ý rằng mẫu nước tiểu không nên giữ quá 24 giờ. [11]

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu bao nhiêu tiền?

Dịch vụ xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu hiện nay được thực hiện rộng rãi tại các trung tâm, phòng khám lớn, bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. 

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu bao nhiêu tiền?
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu bao nhiêu tiền?

Tại phòng khám tiêu hóa Endo Clinic cũng cung cấp dịch vụ xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu.

Giá xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu 10 thông số là 100.000 VNĐ.

Chi phí xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu được cập nhật sớm nhất tới ngày 22/02/2024. Do đó, để cập nhật bảng giá mới nhất, Cô chú, anh chị vui lòng bấm vào: Bảng giá dịch vụ.

Câu hỏi thường gặp

Chỉ số SG trong nước tiểu là gì?

Chỉ số SG trong nước tiểu (tỷ trọng nước tiểu) là chỉ số đánh giá khả năng cô đặc hoặc bài tiết của thận. Chỉ số SG nằm ở mức 1,002 – 1,035 được xem là bình thường.

Chỉ số Ket trong nước tiểu là gì?

Chỉ số Ket trong nước tiểu giúp đánh giá sự hiện diện của ketone có trong nước tiểu. Nếu trong nước tiểu có ketone, đó có thể là dấu chỉ của bệnh đái tháo đường hoặc suy dinh dưỡng.

Chỉ số Nit trong nước tiểu là gì?

Đây là chỉ số quan trọng dùng để chẩn đoán bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Chỉ số này cho biết sự hiện diện của Nitrit trong nước tiểu, chỉ xuất hiện khi có các vi khuẩn làm chuyển hóa nitrat thành nitrit.

Chỉ số pH trong nước tiểu là gì?

Chỉ số pH đánh giá khả năng cân bằng axit-bazơ của thận, giúp kiểm soát bệnh lý. Chỉ số pH bất thường có thể đến từ chế độ ăn uống hoặc từ các bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, đái tháo đường, nhiễm toan ceton,…

Tài liệu tham khảo

  1. Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.
  2. Hoá sinh lâm sàng 2013, PGS. TS. Lê Xuân Trường.
  3. Hoá sinh lâm sàng 2005, GS. Đỗ Đình Hồ.
  4. professional, Cleveland Clinic medical. “Urinalysis.” Cleveland Clinic, https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/17893-urinalysis. Accessed 21 Feb. 2024. 
  5.  Milani, Daniel A. Queremel, and Ishwarlal Jialal. “Urinalysis.” NCBI Bookshelf, 1 May 2023, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557685/. Accessed 21 Feb. 2024. 
  6. “Urine Color – Symptoms and Causes.” Mayo Clinic, 10 Jan. 2023, https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/urine-color/symptoms-causes/syc-20367333. Accessed 21 Feb. 2024.
  7. “Urine Odor.” Mayo Clinic, 12 Oct. 2023, https://www.mayoclinic.org/symptoms/urine-odor/basics/definition/sym-20050704. Accessed 21 Feb. 2024. 
  8. Rogers, Jeremy, and Mike Cadogan. “Dipstick Urinalysis • LITFL • CCC Investigations.” Life in the Fast Lane • LITFL, 5 Jan. 2019, https://litfl.com/dipstick-urinalysis/. Accessed 21 Feb. 2024. 
  9. Clean Catch Urine Sample: MedlinePlus Medical Encyclopedia. https://medlineplus.gov/ency/article/007487.htm. Accessed 21 Feb. 2024.
  10. editor. “Urine Test: Urinalysis.” American Pregnancy Association, 26 May 2019, https://americanpregnancy.org/prenatal-testing/urine-test-urinalysis/. Accessed 21 Feb. 2024.
  11. website, NHS. “How Should I Collect and Store a Pee (Urine) Sample?” Nhs.Uk, https://www.nhs.uk/common-health-questions/infections/how-should-i-collect-and-store-a-urine-sample/. Accessed 21 Feb. 2024.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?