Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

BETA HUMAN CHORIONIC GONADOTROPIN (β–HCG) 

 

β–HCG là gì?

HCG là viết tắt của Human Chorionic Gonadotropin – là một hormon được tiết ra từ các tế bào hình thành trong nhau thai sau khi trứng rụng được thụ tinh và làm tổ. HCG có vai trò đặc biệt quan trọng đối với thai kỳ, báo hiệu cho tử cung sẵn sàng cho sự làm tổ của hợp tử, ngăn trứng rụng theo chu kỳ và hình thành những phản ứng của cơ thể mẹ (ốm nghén).

Xét nghiệm β–HCG là một xét nghiệm kiểm tra nồng độ β–HCG trong máu hoặc nước tiểu. Chỉ số này có thể được xem là một marker tuyệt vời để chẩn đoán có thai sớm bởi vì nồng độ HCG tăng rất nhanh sau khi trứng được thụ tinh, thường là tăng gấp đôi cứ mỗi 48 – 72 giờ. Nồng độ HCG đạt cực đại khoảng tuần thứ 8 – 10, sau đó giảm và ổn định trong suốt thai kỳ.

 

Mục đích và chỉ định xét nghiệm β–HCG

Mục đích của xét nghiệm β–HCG là chẩn đoán có thai từ khi rất sớm, kể cả khi chưa có dấu hiệu chậm kinh ở phụ nữ mang thai.

Ngoài ra, β–HCG còn được thực hiện để:

  • Xác định số thai: dựa vào nồng độ β–HCG có thể dự đoán được một người mang thai đơn hay đa thai. Ở giai đoạn sớm, khi nồng độ HCG tăng rất cao so với mức cùng độ tuổi thai thì có thể nghi ngờ đa thai. Nhưng phải kết hợp với siêu âm thai thì mới kết luận được.
  • Phát hiện sớm thai ngoài tử cung.
  • Phát hiện thai lưu, cần kết hợp với siêu âm thai.
  • Tầm soát hội chứng Down của thai nhi.
  • Phát hiện các bệnh lý liên quan đến tế bào nuôi ở nhau thai hoặc các bệnh lý ở tử cung, buồng trứng.
  • Dự đoán tuổi thai nhi một cách tương đối.

 

Các phương pháp xét nghiệm β–HCG

  • Định tính hoặc định lượng HCG trong máu và nước tiểu của sản phụ. Đây là cơ sở của việc dùng que thử thai có chứa chất phản ứng với beta HCG. Xét nghiệm này là dấu hiệu nhận biết sớm nhất của sự mang thai.
  • Đo nồng độ HCG trong máu bằng phương pháp phóng xạ hoặc sinh hóa để xác định tuổi thai cũng như gián tiếp đánh giá tình trạng sức khỏe của thai kỳ.

 

Khi nào cần xét nghiệm β–HCG?

Xét nghiệm β–HCG có thể được thực hiện sớm nhất là 7 – 10 ngày sau khi quan hệ. Lúc này, đa số trường hợp nồng độ β–HCG đều đã tăng cao nếu thụ thai thành công. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn thì người phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm này sau khi chậm kinh.

Trong quá trình mang thai, có thể tiến hành xét nghiệm này nhiều lần ở giai đoạn mang thai đầu. Điều này sẽ giúp kiểm soát tốt tình trạng thai kỳ, phát hiện sớm những bất thường để sớm có hướng xử trí.

 

Nồng độ β–HCG như thế nào là có thai?

Căn cứ vào chỉ số của nồng độ β–HCG có trong máu hay nước tiểu, mà bác sĩ sẽ giải thích với bạn về kết quả xét nghiệm β–HCG như thế nào là có thai.

Xét nghiệm máu: Kết quả của xét nghiệm máu sẽ cho biết chỉ số của nồng độ β–HCG có trong máu của người phụ nữ. Dựa vào chỉ số này có thể khẳng định bạn đang có thai hay là không. Để cho kết quả chính xác, bạn nên tiến hành xét nghiệm máu khoảng 2 tuần sau khi quan hệ tình dục.

  • Nồng độ β–HCG dưới 5 mIU/ml: âm tính với thai kỳ có nghĩa là bạn không có thai.
  • Nồng độ β–HCG trên 25 mIU/ml: dương tính với thai kỳ có nghĩa là bạn đã có thai.
  • Nồng độ β–HCG nằm trong khoảng 5 – 25 mIU/ml: chưa thể kết luận có thai hay không. Vì vậy, bạn cần làm thêm các xét nghiệm khác và theo dõi chỉ số β–HCG có tăng lên trong những ngày tiếp theo không.

Xét nghiệm nước tiểu: Bạn có thể đọc kết quả xét nghiệm β–HCG như thế nào là có thai dựa vào cách vạch hiển thị trên que thử:

  • 1 vạch hồng (hoặc dấu “–”): âm tính với thai kỳ có nghĩa là bạn không có thai.
  • 2 vạch hồng ( hoặc dấu “+”): dương tính với thai kỳ có nghĩa là bạn đang có thai.
  • Không hiển thị vạch: không thể kết luận có thai hay là không.

 

Các ý nghĩa khác của xét nghiệm beta HCG

Bên cạnh vai trò có thể xác định tuổi thai, xét nghiệm nồng độ β–HCG trong máu còn giúp theo dõi tình trạng thai kỳ. Khi kết quả đo lượng β–HCG trong máu không tuân thủ theo đường cong sinh lý thông thường, việc mang thai nghi ngờ có vấn đề bất thường.

Nếu sự xuất hiện của β–HCG trong máu hoặc trong nước tiểu lần đầu đã có bằng chứng mà xét nghiệm lặp lại nồng độ β–HCG thấp hoặc không tăng tương xứng với tuổi thai thì có thể thai đã bị sẩy, thai chết lưu hay mang thai ngoài tử cung.

Ngược lại, nếu nồng độ β–HCG cao bất thường, nên nghĩ tới khả năng tính tuổi thai bị non tháng, mang đa thai hay có thai trứng, bệnh lý tế bào nuôi…

 

Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm

  • Xét nghiệm quá sớm khi hàm lượng β–HCG còn quá ít sẽ dẫn đến hiện tượng âm tính giả.
  • Mẫu xét nghiệm không đạt yêu cầu cũng có khả năng làm sai lệch kết quả xét nghiệm.
  • Một số thuốc hoặc thực phẩm có thể làm tăng hoặc giảm hàm lượng β–HCG trong cơ thể.

 

Lưu ý

  • Xét nghiệm β–HCG không nên thực hiện quá sớm hoặc quá muộn. Khuyến cáo thực hiện xét nghiệm theo thời gian đã nêu ở trên để kết quả được khả quan nhất.
  • Xét nghiệm cần được thực hiện kèm theo siêu âm và các chẩn đoán thai kỳ khác để có kết luận chính xác về tình trạng mang thai.
  • Mẫu xét nghiệm nên được lấy vào thời điểm sáng sớm, đặc biệt là mẫu nước tiểu.
  • Xét nghiệm β–HCG không có khả năng phát hiện giới tính thai hay sức khỏe của thai nhi. Các mẹ nên cân nhắc làm những xét nghiệm thai kỳ khác nếu có nhu cầu.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?