Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

BỆNH GIUN ĐŨA CHÓ MÈO

 

Giun đũa chó (Toxocara canis), giun đũa mèo (Toxocara cati) ký sinh ở chó và mèo. Khi nuôi chó, mèo thả rong, chúng phóng uế phân bừa bãi vào môi trường sống làm cho môi trường sinh hoạt bị nhiễm bẩn. Con người là đối tượng có nguy cơ bị ấu trùng giun đũa chó và giun đũa mèo xâm nhập vào cơ thể để gây bệnh với hiện tượng lạc chủ của ký sinh trùng từ chó, mèo sang người. Người dân hay gọi là bệnh sán lãi chó.

Bệnh giun đũa chó, mèo ở người được Wilder mô tả lần đầu năm 1950 khi phát hiện ấu trùng của giun tròn trong u hạt võng mạc (retinal granuloma). Năm 1952, Beaver và cộng sự lần đầu tiên dùng từ “ấu trùng di chuyển nội tạng” để báo cáo một loạt ca bệnh trẻ em có bạch cầu ái toan tăng cao trong máu đi kèm với bệnh nặng và kéo dài ở nhiều cơ quan, và khi làm sinh thiết phát hiện ấu trùng của Toxocara canis hay Toxocara cati. Trong nhiều năm bệnh giun đũa chó, mèo ở người được xem là bệnh ít gặp ở trẻ em, nhưng với những tiến bộ trong huyết thanh chẩn đoán những năm gần đây người ta thấy tỷ lệ người có phản ứng dương tính với kháng nguyên ngoại tiết của Toxocara sp. không phải là thấp, kể cả ở trẻ em lẫn người lớn và một số tác giả còn cho rằng đây là một bệnh giun sán phổ biến nhất ở các nước phát triển.

>> Tìm hiểu thêm: Xoắn khuẩn giang mai là gì?

Hình thể

Con đực có kích thước 4 -10cm và con cái 6 -18cm. Hình dáng trông giống con giun đũa giai đoạn trẻ (young ascaris), các móc của giun phần cổ hẹp ở đoạn cuối. Trứng có hình bán thùy, dày, vỏ bị rỗ, kích thước 90 x 75micron.

 

Nguồn nhiễm

Giun đũa chó trưởng thành sống trong ruột non của chó. Trứng giun theo phân ra đất, phát triển thành ấu trùng.

 

Đường lây

  • Trên chó và mèo:
  • Trực tiếp bằng con đường tiêu hóa trứng nhiễm ấu trùng từ đất.
  • Gián tiếp bằng cách ăn các vật chủ ăn thịt.
  • Nhiễm trùng chu sinh (chỉ có T.canis).
  • Tiêu hóa ấu trùng qua con đường phân.
  • Lây truyền qua đường sữa.
  • Trên người
  • Gián tiếp bằng cách tiếp xúc tay với các vật bị nhiễm ấu trùng.
  • Gián tiếp qua cách ăn đất (geophagia), phân (coprophagia) hay các thực phẩm có trứng giun đũa chó nhiễm.
  • Trực tiếp bằng cách tay nhiễm tiếp xúc các cô bảo mẫu nhiễm mầm bệnh hay miệng, tả lót,…

 

Cơ chế bệnh sinh

Tác nhân gây bệnh là Toxocara canis hay Toxocara cati, một loài giun tròn thường được gọi là giun đũa của chó, mèo. Các giun này sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường và sau 1 – 2 tuần lễ các trứng này sẽ hoá phôi. Đây là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng.

Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát, mà đất cát lại là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo. Sau khi nuốt trứng vào cơ thể, các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương. Tại đây, các ấu trùng có thể sống sót trong cơ thể người trong nhiều tháng và sau đó bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt các ấu trùng di chuyển hoặc khiến chúng ngưng phát triển, nhưng chỉ sau khi các ấu trùng này đã gây tổn thương tại các mô.

Ấu trùng cũng có thể xâm nhập qua da nhất là da non.

 

Triệu chứng nhiễm giun đũa chó mèo

Ở ký chủ vĩnh viễn (chó hay mèo nhà), giun trưởng thành sống trong lòng ruột non.

Người mắc bệnh khi nuốt phải trứng giun đũa chó, mèo đã hoá phôi. Nhưng các ấu trùng từ trứng nở ra sẽ không phát triển được đến giai đoạn trưởng thành và sẽ chu du trong cơ thể người trong vài tháng đến nhiều năm. Các ấu trùng này sẽ gây tổn thương tại những nơi mà chúng đến, làm nên bệnh giun đũa chó, mèo ở người.

Mức độ tổn thương của cơ thể cùng với các triệu chứng tùy thuộc vào số lượng ấu trùng cũng như cơ quan mà chúng xâm lấn: gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, mắt… Các thể lâm sàng của bệnh giun đũa chó, mèo được mô tả như sau:

  • Thể ấu trùng di chuyển nội tạng (visceral larva migrans – VLM), chủ yếu gặp ở trẻ < 5 tuổi với các triệu chứng: sốt, gan to và bị hoại tử, lách to, triệu chứng hô hấp giống như hen suyễn, bạch cầu ái toan tăng (tỷ lệ có thể đến 70%), các globulin miễn dịch IgM, IgG và IgE trong máu tăng. Ngoài ra có thể gặp viêm cơ tim, viêm thận, hệ thần kinh trung ương bị thương tổn với các triệu chứng co giật, triệu chứng tâm thần kinh hay bệnh lý ở não.
  • Thể ấu trùng di chuyển ở mắt (ocular larva migrans – OLM), gặp ở trẻ từ 5 đến 10 tuổi với triệu chứng giảm thị lực một bên mắt với đôi khi bị lé mắt. Mức độ suy giảm thị lực tuỳ thuộc vào vùng bị thương tổn (võng mạc, điểm vàng), có thể dẫn đến mù loà.

Ngoài hai thể lâm sàng chính nói trên, hiện nay nhiều tác giả còn mô tả những thể khác, hoặc tách ra từ thể VLM hoặc là những thể riêng biệt với những triệu chứng mơ hồ hơn như:

  • Thể “che đậy” (covert toxocariasis),được mô tả ở trẻ em với các đặc điểm: hiệu giá kháng thể Toxocara qua kỹ thuật ELISA vừa phải (≥ 1/50), số lượng bạch cầu ái toan bình thường hay tăng nhẹ, đau bụng, nhức đầu, ho.
  • Thể “thông thường” (common toxocariasis), được các tác giả người Pháp mô tả ở người lớn với các triệu chứng: mệt mỏi, ngứa, nổi ban, thở khó và đau bụng. Có lẽ thể “che đậy” và thể “thông thường” chỉ là một, chỉ khác nhau ở đối tượng bị bệnh là trẻ em hay người lớn.
  • Thể “thần kinh” (neurotoxocarosis), gây bệnh ở hệ thần kinh trung ương (sa sút trí tuệ, viêm não-màng não, viêm tuỷ, viêm mạch máu não, động kinh hay viêm dây thần kinh thị giác) hoặc ở thần kinh ngoại biên (viêm rễ thần kinh, gây tổn thương các dây thần kinh sọ hay thần kinh cơ-xương).

 

Chẩn đoán nhiễm giun đũa chó mèo

Chẩn đoán lâm sàng thường không chắc chắn vì triệu chứng giun đũa chó, mèo không điển hình.

Chủ yếu dựa vào cận lâm sàng:

  • Tăng bạch cầu ái toan, IgE.
  • Test huyết thanh miễn dịch ELISA (+).
  • Phương pháp ELISA đo mật độ quang.
  • Test trong da hay lẩy da Toxocara có thể cho phản ứng dương tính giả do các dị nguyên chia sẻ chung (shared allergens) giữa Toxocara 

Chẩn đoán xác định một bệnh hệ thống do ký sinh trùng giun đũa chó:

  • Sự hiện diện của các triệu chứng lâm sàng đặc biệt (gan to)
  • Các xét nghiêm cận lâm sàng (tăng bạch cầu, đặc biệt tăng bạch cầu eosin tăng,hiệu giá isohemagglutinin và tăng gammaglobulin huyết thanh;
  • Tiền sử lâm sàng (có tiếp xúc hoặc thói ăn đất ở trẻ em)
  • Sự có mặt của test huyết thanh dương tính với kháng thể kháng Toxocara spp trong huyết thanh (ELISA hoặc Ouchterlony test).

Xét nghiệm theo dõi sau điều trị:

  • Vì sau khi giun chết thì kháng thể vẫn còn tồn tại trong máu người bệnh một thời gian khá dài, do đó xét nghiệm để theo dõi kết quả điều trị có đáp ứng hay không thì phải lá 6 tháng và 12 tháng sau điều trị, nếu hiệu giá kháng thể giảm dần thì liệu trình điều trị có đáp ứng tốt.

 

Điều trị

Hiện tại có rất nhiều loại thuốc trên thị trường có hiệu quả với bệnh giun đũa chó mèo này, song mỗi loại thuốc có cơ chế tác dụng riêng và có những tác dụng phụ nhất định. Phần lớn liệu trình điều trị thuốc nào cũng vậy là dài ngày nên khó tránh khỏi các cảm giác khó chịu, nhất là triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Dưới đây là một số thuốc có hiệu quả và đã được nghiên cứu:

  • Thiabendazole 25mg/kg cân nặng, hai lần/ngày trong 21 ngày.
  • Dietylcarbamazine 3mg/kg cân năng 3 lần/ ngày trong 21 ngày.
  • Albendazole gần đây cũng cho thấy có hiệu quả trên truờng hợp nhiễm giun đũa chó, với liều cao 800mg/ ngày trong 2-3 tuần
  • Thuốc chống dị ứng: Telfast, cetirizine, loratadine…
  • Trong một số trường hợp có thể phải dung phối hợp thuốc diệt KST với corticoide hoặc phẫu thuật (Nhiễm Toxocara ở mắt).

 

Phòng bệnh

  • Rửa tay sau khi chơi ở nơi có đất cát và vật nuôi.
  • Kiểm tra phân của những chó con hàng tuần và tẩy giun mỗi tháng cho đến khi phân trở nên âm tính. Phải có quy trình kiểm tra phân định kỳ mỗi năm cho chó và có kế hoạch điều trị cần thiết.
  • Không để chó chạy trong khu vườn chơi trẻ con, công viên và không để trẻ chơi với chó.
  • Nhanh chóng loại bỏ các thùng chứa phân chó, nơi gủ của chó cần phải cách ly với người và phải được dọn sạch, khử trung hàng ngày;
  • Kiểm soát chó chặt chẽ và buộc dây xích, không để chó nhảy rông.
  • Tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho công đồng và những chủ vật nuôi bởi các nhà thú y, các thầy thuốc, các nhà hoạt động xã hội để góp phần vào công tác dự phòng và phòng chống bệnh.
  • Hạn chế tối đa tiếp xúc, các chó mèo bị nhiễm và môi trường nghi ngờ có bệnh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. BS. Đặng Thị Nga. Bệnh giun đũa chó mèo lạc chủ (Toxocara sp), https://www.impehcm.org.vn/noi-dung/kham-benh-giun-san/benh-giun-dua-cho-meo-lac-chu-toxocara-sp.html, xem 24/02/2021.
  2. BS. Phùng Đức Thuận. Bệnh giun đũa chó mèo (Toxocariasis), https://www.impehcm.org.vn/noi-dung/kham-benh-giun-san/benh-giun-dua-cho-meo-toxocariasis.html, xem 24/02/2021.
  3. Đặng Sỹ Điểm. cập nhật thông tin về điều trị bệnh nhiễm Toxocara Canis (giun đũa chó), https://www.hoanmysaigon.com/cap-nhat-thong-tin-ve-dieu-tri-benh-nhiem-toxocara-canis-giun-dua-cho.html, xem 24/02/2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?