Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Khoa Nội Soi Tiêu Hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành phố Hồ Chí Minh. Ths. BSNT Thái Việt Nguyên đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều ca bệnh tiêu hóa. Điều này đã giúp Bác sĩ củng cố thêm kinh nghiệm khám lâm sàng và chỉ định “đúng và đủ” các cận lâm sàng, hỗ trợ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiêu hóa của bệnh nhân.
Ths. Bs Thái Việt Nguyên

BNP (PEPTID GÂY THẢI NATRI QUA NƯỚC TIỂUNATRIURETIC PEPTID) là một hormone được tiết ra bởi các tế bào cơ tim trong tâm thất. Xét nghiệm BNP được thực hiện để đánh giá các bệnh lý về tim mạch.

BNP là gì?

Peptid gây thải natri qua nước tiểu là các peptid có cấu trúc tương tự như nhau được các tế bào trong toàn bộ cơ thể sản xuất ra. Trong đó, hai peptid được tế bào cơ tim sản xuất: ANP (A – type natriuretic peptide) còn được gọi là peptid lợi niệu tâm nhĩ được tế bào cơ tim của tâm nhĩ sản xuất và BNP (B – type natriuretic peptide) còn được gọi là peptid lợi niệu có nguồn gốc từ não (Brain natriuretic peptide) được cả tế bào cơ tim của tâm nhĩ và tâm thất sản xuất ra.

ANP và BNP duy trì sự hằng định nội môi bằng cách thúc đẩy tình trạng bài niệu và tăng thải natri qua nước tiểu. BNP được giải phóng từ tâm thất khi có tình trạng tăng gánh áp lực hay thể tích. Peptid này gây dãn các động mạch, tĩnh mạch và làm giảm nồng độ hormon thần kinh gây co mạch, giữ natri. Bình thường, các tế bào cơ tim sản xuất ra một lượng nhỏ protein là pro-BNP, sau đó pro-BNP cắt ra để giải phóng BNP có hoạt tính và NT-proBNP không có hoạt tính. Tình trạng tăng gánh thất gây giải phóng cả BNP và NT-proBNP.

Xét nghiệm đánh giá suy tim - BNP
Xét nghiệm đánh giá suy tim – BNP

Mặc dù ANP được phát hiện đầu tiên nhưng hiện nay BNP được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng. Sở dĩ như vậy là do BNP có thời gian bán huỷ kéo dài hơn so với ANP (thời gian bán huỷ của BNP là 20 phút còn ANP là 3 phút), bên cạnh đó nồng độ BNP không bị tác động của gắng sức hay hoạt động thể lực. NT-proBNP có thời gian bán huỷ kéo dài tới 120 phút, khiến cho peptid này kém hữu hiệu trong theo dõi cấp tính trên lâm sàng, ngoài ra do peptid này được thải trừ qua thận nên cần chú ý khi sử dụng trên những bệnh nhân có bệnh thận. Tuy nhiên, có thể sử dụng peptid này như một yếu tố dự đoàn nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân. Khi chọn giá trị điểm cắt thích hợp thì BNP và NT-proBNP có độ nhạy và độ đặc hiệu như nhau 70%/70% và giá trị tiên đoán âm là 80%.

Mục đích và chỉ định xét nghiệm BNP

Xét nghiệm định lượng BNP giúp chẩn đoán, đánh giá mức độ nặng và tiên lượng tình trạng suy tim xung huyết.

Xét nghiệm được chỉ định để chẩn đoán tình trạng rối loạn chức năng thất trái.

Yêu cầu khi đi xét nghiệm BNP

  • Xét nghiệm được tiến hành trên huyết tương được chống đông bằng EDTA.
  • Bệnh nhân không cần nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm.

Giá trị bình thường của BNP là bao nhiêu?

  • BNP < 100 pg/mL hay < 100 ng/L
  • NT-proBNP:
    • 0 – 74 tuổi: ≤ 124 pg/mL
    • ≥ 75 tuổi: ≤ 449 pg/mL

Giảm nồng độ BNP máu khi nào?

Nguyên nhân chính thường gặp là:

  • Đáp ứng với điều trị bằng thuốc điều trị tăng huyết áp.
  • Đáp ứng với điều trị bằng thuốc lợi tiểu.

Tăng nồng độ BNP máu khi nào?

Nguyên nhân chính thường gặp là:

  • Suy tim ứ huyết
  • Rối loạn chức năng thất trái
  • Tổn thương phổi cấp
  • Nhồi máu cơ tim cấp
  • Suy thận mạn
  • Xơ gan
  • Sau can thiệp nong động mạch vành
  • Tăng huyết áp
  • Tăng thể tích máu
  • Bệnh van tim
  • Loạn nhịp tim
  • Chấn thương não
  • Truyền nesiritid
  • Tăng áp động mạch phổi
  • Các nguyên nhân khác:
  • Thiếu máu nặng: tăng BNP
  • Sepsis và shock: tăng NT-proBNP

Lưu ý

  • Bệnh nhân suy tim mạn sẽ tăng nồng độ BNP những mức tăng này ổn định.
  • Bệnh nhân mới bị tăng BNP cần được đánh giá sâu thêm về tim mạch (ví dụ: điện tâm đồ, siêu âm tim).
  • Mặc dù BNP và NT-proBNP được bài xuất với tỉ lệ 1:1 nhưng nồng độ NT-proBNP có thể cao hơn nhiều so với BNP ở cùng một bệnh nhân do thời gian bán huỷ của NT-proBNP dài hơn.
  • BNP và NT-proBNP có thể tăng trong suy thận, nhất là các đối tượng cần lọc máu.

◊ TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

27 + 28 = ?